Lúc nhỏ mình rất mê hát Cải Lương, chẳng những mê hát Cải Lương thôi mà mình còn mê những lúc khi có đoàn Cải Lương dọn đến Hà Tiên, thì mình ra chợ suốt cả ngày, đứng xem người ta khuân vác đồ đạc, dụng cụ từ chiếc ghe lớn hoặc từ các xe hàng lớn đem tới rạp để chuẩn bị cho ngày hôm sau mở màn hát…Lúc trước các gánh Cải Lương đến Hà Tiên đều trình diễn tại nhà lồng chợ, ban ngày thì để chợ trống để các chủ sạp buôn bán, đến chiều khi chợ dọn dẹp xong xuôi thì gánh hát bắt đầu dựng màn vải bố chung quanh chợ và xếp ghế cho khán giả vào xem. Sau một thời gian, không biết vì lý do gì thì các gánh Cải Lương hát tại rạp « Kho Muối » (kêu là rạp « Kho Muối » vì rạp hát đó dựng trong một kho muối xưa, có diện tích rộng rãi như là một rạp hát thực sự, rạp « Kho Muối » nầy nằm ở trên đường Mạc Công Du, sát nhà bạn Lý Mạnh Thường….
Lúc đó mình cũng không nhớ rõ là lúc mình được bao nhiêu tuổi, có gánh hát Phước Chung đến Hà Tiên lưu diễn. Người Hà Tiên cũng rất quen thuộc với gánh hát Phước Chung vì gánh nầy đã nhiều lần lưu diễn tại Hà Tiên. Lần nầy thì gánh hát trình diễn tại rạp Kho Muối.
Đoàn gánh hát Phước Chung là một đoàn tương đối lớn, không nổi tiếng như các gánh hát tên tuổi ở Sài Gòn nhưng cũng không phải là một gánh hát nghèo (không phải là gánh hát bầu tèo như xưa người ta thường nói…). Đoàn gánh hát Phước Chung khá nổi tiếng thường hát những vở tuồng xưa, hồ quảng, kiếm hiệp như thông lệ thời đó,…Các nghệ sĩ thì có kép nam « Thanh Bạch », Thanh Bạch hát những vai hồ quảng rất hay,…nữ có Bạch Lê,…
Theo thông lệ ngày xưa, trước khi mở màn hát tuồng chính thức thường có vài màn ca tân nhạc, và giữa hai màn hát cũng có nghỉ xả hơi và cũng có ca sĩ ca tân nhạc xen kẻ vào. Lúc đó khi xem Cải Lương thì không phải mình đi xem một mình mà là quyết định chung của cả nhà, có Bà Ngoại, Má dẫn cả ba, bốn anh em mình đi xem sau khi chọn tuồng nào muốn xem. Thường khi thì mình rất thích đi vào rạp sớm vì trong lúc chờ đợi khán giả lần lượt đến thường có giàn nhạc tây (gồm có trống, đàn guita, dương cầm…) chơi những bản tân nhạc đương thời rất hay…Riêng đoàn Phước Chung nầy ca sĩ ca tân nhạc thì có một cô bé cũng trạc tuổi mình (khoảng mười lăm, mười sáu thôi…) tên là Bích Vân, Bích Vân ca tân nhạc rất hay và chính là nhân vật nữ trong câu chuyện nầy đây,…!!!
Bích Vân tóc ngắn, nhỏ người, lâu quá rồi mình cũng quên khuôn mặt nhưng chắc chắn là cũng rất xinh đẹp….Bích Vân thường ca những bài như: « Dấu Chân Kỷ Niệm », « Tuyết Trắng », « Không Bao Giờ Quên Anh »,….Qua một, hai đêm mà mình được may mắn nhà dẫn đi xem tuồng hát, mình thấy Bích Vân xuất hiện lúc trước khi mở màn hát và trong lúc giữa hai màn hát, Bích Vân ca những bài tân nhạc nói trên rất hay,…giọng ca quyến rũ,…Đến đây thì Thầy Cô và các bạn cũng hơi thắc mắc,…thôi thì kể ra luôn cho xong chuyện,…là như vầy,…ca hay đến nổi mình chợt thấy « mê » Bích Vân….(không biết mê ca hay mê người, có lẽ cả hai,…..!!..). Mê đến nổi ban ngày khi gánh hát không hoạt động mình thường lảng vảng bên rạp « Kho Muối », với hy vọng là bắt gặp Bích Vân đâu đó trong rạp đi ra,…Có một hôm, quả là không uổng công mình chờ đợi, mình chợt thấy Bích Vân ở trong vườn nhà sau của chị Phù Ngọc Anh (nhà sau của chị Phù Ngọc Anh nhìn ngay ra trước cửa rạp « Kho Muối »,..còn mặt trước nhà thì ở đường Tuần Phủ Đạt)..Mình hơi ngạc nhiên, tự hỏi tại sao Bích Vân ở trong đó, hôm sau lúc đi học mình hỏi thăm chị Phù Ngọc Anh (cùng lớp học) thì chị nói là Bích Vân quen với cả nhà của chị vì thường hát nhiều lần tại rạp « Kho Muối » nên riết rồi quen và Bích Vân thường hay tới nhà chị Ngọc Anh chơi. Nghe vậy mình mừng quá, nên nói cho chị Phù Ngọc Anh biết ý định mình muốn làm quen với Bích Vân, chị nói dễ thôi được mà,…Sau đó chị Ngọc Anh giới thiệu mình với Bích Vân, rốt cuộc là mình làm quen được với Bích Vân và cũng có nói chuyện đôi khi,…Nhưng vì lúc đó là học sinh còn nhỏ ngây thơ nên mình cũng không dám hay không muốn nói gì nhiều hơn về tình cảm của mình cho Bích Vân biết,…
Thắm thoát thời gian trôi qua vì ngày xưa mỗi đoàn Cải Lương chỉ dừng lại lưu diễn một hoặc hai tuần lễ thôi, không ở lâu tại một chỗ,…Thế là gánh Phước Chung chuẩn bị dọn dẹp lên đường qua tỉnh khác lưu diễn,…Mình cũng hơi buồn vì đã đến ngày xa Bích Vân, mình còn nhớ, lúc đó mình có mua một bản nhạc « Tuyết Trắng » tặng Bích Vân (vì Bích Vân hay hát bài « Tuyết Trắng » trước khi mở màn hát…Mình còn nhớ đại khái mình có ghi vài dòng chữ « Thân tặng Bích Vân để ghi nhớ những ngày lưu diễn tại vùng đất Hà Tiên…!!… »).
Không ai biết được ngày sau sẽ ra sao,….Bích Vân giờ thì ra sao,…bản nhạc « Tuyết Trắng » có còn trong chiếc rương lưu hành theo gánh hát không,….Đó chỉ là một khoảng thời gian rất ngắn ghi lại cho mình một kỷ niệm rất đẹp, nhưng quá ngắn ngủi, chỉ vì trong lòng của một người học sinh chỉ mới mười lăm mười sáu mà đã biết rung động chút gì đó qua tiếng hát và vóc dáng của một người ca sĩ trong gánh hát Cải Lương,… Biết làm sao,..không lẽ bỏ nhà bỏ học theo gánh Cải Lương, đành phải gạt qua và quên đi chút tình cảm thoáng qua đó để trở lại với hiện tại trường lớp và đất Hà Tiên thân yêu của mình… /.