Tôi thuộc nằm lòng câu nói của ông cha xưa, dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về, nên chuẩn bị buổi gặp mặt với các em thật chu đáo. Chiếc áo dài màu đỏ sậm, cặp kính gọng đen dữ mà thanh, giày gót cao vừa phải. Đó là hình ảnh khá ấn tượng mà các em sẽ nhớ hoài. Còn khuôn mặt phải luôn nghiêm nghị, giấu bớt nụ cười đi. Tôi gặp thầy hiệu trưởng xin ý kiến này nọ, thầy vui vẻ trao đổi với tôi những vấn đề tương đối nhạy cảm là lớp tôi có vài trò là con của các nhà lãnh đạo thành phố này. Tôi cũng thưa thật với thầy hiệu trưởng là nếu thầy và hội đồng trường không ủng hộ tôi, nếu tôi làm đúng, thì tôi sẽ ra đi. Thầy cười bảo không đến nỗi phải thế.
Sau màn giới thiệu về tôi trước tập thể lớp của thầy hiệu trưởng, tôi chủ động vào bài học. Giáo án tôi chuẩn bị rất tốt nên bài giảng trơn tru. Tôi dành một ít thời gian để cho các em đặt câu hỏi. Tôi giảng lại những câu các em chưa hiểu, trả lời những câu hỏi liên quan tới bài vở, duy chỉ có một câu hỏi đáng lý ra tôi không trả lời nhưng làm thế thì dở quá, đó là câu hỏi của Dũng “ đầu đinh “.
- Thưa cô, đã có mấy em rồi ạ.
- Em là em thế nào ?
- Là em của chúng em đấy ạ.
- Tôi không chồng nên cũng không con.
Cả lớp ồ lên, tôi đưa tay ra hiệu cho các em im lặng rồi nói tiếp :- Lý ra, tôi không trả lời câu hỏi của trò Dũng vì nó không liên quan đến bài học và chạm tới đời tư của tôi. Nhưng là lần đầu tôi bỏ qua cho em về lỗi này, lần sau tôi trừ vào điểm hạnh kiểm.
Không biết Dũng có nghe không, chỉ dán mắt vào màn hình laptop. Tôi đến và vỗ vào vai Dũng :
- Em cất cái máy đó đi.
- Trường đâu thấy cấm.
- Tôi cấm. Vì em đã xúc phạm thầy, cô giáo. Giờ học mà em không chuyên chú nghe thì em học cái gì. Đạo đức của người học trò, em để đâu. Trẻ ăn xin còn có đạo đức kia mà.
Dũng hậm hực, xếp máy lại.
- Nhân đây tôi cũng thông báo cho các em biết, bài học mà không thuộc thì phải chép phạt mười lần. Viết sai lỗi chính tả chữ nào thì phải chép phạt năm trăm chữ đó. Bài cóp nhau đều zéro, nói chuyện hoặc quậy phá người bên cạnh sẽ bị quỳ trên bục. Những điều tôi vừa thông báo, lớp trưởng ghi vào sổ theo dõi học tập của lớp, bảo ban nhau thực hiện. Tôi hy vọng các em không phạm phải.
Nói xong, tôi cho các em làm bài tập. Tôi muốn kiểm tra học lực của các em. Tôi xuống đứng cuối lớp khoanh tay trước ngực, nhìn lên. Không một cái đầu nào quay qua, quay lại, các loại máy tính đều im thin thít. Không khí có vẻ ngột ngạt nhưng chẳng sao, tôi sẽ rèn cho các em bằng kỷ luật thép của quân đội. Hết giờ, tôi cho thu bài. Tôi dành mươi phút cho các em tự ghi tên mình, tên cha mẹ mình và địa chỉ nhà mình và số điện thoại nếu có vào sơ đồ tôi đã chuẩn bị sẵn. Sau đó tôi nhờ lớp trưởng rà soát lại cho thật đúng rồi mới cho các em ra chơi. Tôi ôm xấp bài tập bước nhanh ra khỏi lớp, để mặc tiếng to nhỏ xì xào như đàn ong vỡ tổ phía sau.
Đúng là học lực các em kém quá, chỉ một em được điểm sáu, còn lại dưới năm hoặc zéro. Tổng cộng có tám con zéro cho bốn mươi hai bài tập toán. Tôi đem việc này ra than phiền với thầy hiệu trưởng và xin thầy một số phong bì in sẵn của trường để gửi thông báo đến cha mẹ học sinh có điểm kém này. Nét mặt thầy không vui :
- Biết là có vài em mất căn bản từ những lớp dưới.
- Mất căn bản thì làm sao thi đỗ vào được lớp mười trường công, thưa thầy.
- Chắc có may mắn nào đó.
- Không thể thế được.
- Có đấy cô giáo ạ, bởi cô chưa thấy mình đang đứng đâu thì làm sao thấy người khác ngồi đâu.
Ông vừa nói vừa trao tận tay tôi tách trà nóng :
- Mời cô.
- Vâng, cảm ơn thầy.
- Thú thật với cô đó là nỗi khổ của tôi đấy, tôi biết hai năm nữa thôi có hàng loạt học sinh lớp cô thi hỏng tốt nghiệp, có phù phép kiểu gì thì cũng không thể vào các trường đại học công lập danh tiếng. Đó là sự công bằng còn có của ngành giáo dục nước nhà. Cô nghĩ xem, vung tiền mua cái dốt cho con, những người làm cha mẹ đó đang toan tính gì. Có đấy. Thi không đậu thì người ta vẫn đưa được con họ vào làm việc trong các cơ quan của nhà nước bằng cách gửi gắm, chạy vạy. Vào được rồi thì cho đi học tại chức, cũng lên lương, lên chức như ai…
Tôi ngán ngẫm lắc đầu.
- Thế thì, cô giáo bận tâm tới bọn trò hư hỏng ấy làm gì, hết lòng dạy dỗ, khuyên nhủ chúng là được rồi. Còn việc chúng nghe không là chuyện khác.
- Còn lương tâm nhà giáo thì sao ?
- Tạm gác chuyện thiêng liêng này qua một bên đã nhé, cô có biết vì sao cô giáo Liên, cô giáo chủ nhiệm lớp cô bây giờ, phải đổi đi nơi khác không ?
- Không ạ.
Bởi vì cô ấy nằng nặc đuổi học, trò Dũng “ đầu đinh “ cho bằng được.
- À…Trò ấy xấc xược và vô lễ lắm thầy ạ.
- Ý cô là…
- Xin thầy cho phép em mời các cha mẹ học sinh hư hỏng…
- Tôi đồng ý, nhưng cô phải khéo léo hơn cô giáo Liên mới được, bố cậu ấy chúng tôi gọi là “Anh Ba “ cơ đấy, nghĩa là chỉ kém “ Anh Hai “.
- Vâng, em biết, thưa thầy.
Tôi cầm xấp phong thư của trường ra về. Phô- tô tất cả những bài có điểm không, gửi bảo đảm đến địa chỉ và tên người nhận là cha hoặc mẹ học sinh đó. Tôi chọn thời gian gửi là chiều thứ sáu vì biết chắc là sáng thứ bảy thư sẽ tới. Thứ bảy là ngày nghỉ, “ Anh Hai “, “ Anh Ba “ gì đấy đều có ở nhà. Tôi không yêu cầu hồi âm hay gặp và cũng không có một đề nghị nào. Họ đã quen được đề nghị, xin xỏ này nọ rồi, tôi phải làm khác đi. Tới lần thứ ba tôi gửi như vậy thì có kết quả thật sự, cha mẹ các em này tự tìm đến chỗ tôi.
- Tôi xin phép được nói trước, làm thầy cô giáo mà không dạy dỗ học trò của mình nên người thì thầy cô giáo đó có lỗi với đất nước. Trước khi gửi đến quý vị những bài làm quá kém của các em, tôi đã suy nghĩ trước sau cả rồi. Có thể quý vị bận trăm công, nghìn việc cho xã hội nên khoán trắng việc dạy dỗ con em mình cho nhà trường. Về phần nhà trường, chúng tôi cũng đã làm hết khả năng rồi, cũng đã tha thứ cho những lời vô lễ, hỗn xược của em nọ, em kia rồi. Chúng tôi phải biết làm sao đây, đuổi học các em ư. Không khó. Cái khó là làm sao các em chăm chú học tập, thành người có ích cho xã hội. Bây giờ không học được trường công thì người ta dễ dàng vào học trường tư. Nếu các vị còn có suy nghĩ đó, thì con em các vị sẽ chẳng thể tiến bộ được đâu, chẳng học hành ra ngô ra khoai gì đâu. Tôi muốn quý vị thường xuyên theo dõi và nhắc nhở con em mình, không có quý vị giúp sức thì không có nhà trường nào làm được điều này.
- Thế, bao nhiêu bài làm có điểm không thì bị đuổi học, thưa cô giáo ?
- Không ai đuổi cả, nếu chỉ học kém, nhưng không được ở lại lớp hai năm.
- Lớp cô giáo dạy thêm ở đâu ?
- Tôi không dạy thêm.
- Ồ …
Hình như mọi người nghĩ tôi làm khó con em họ, để được dạy kèm.
- Cô giáo có thể gọi điện thoại cho chúng tôi mà không cần gửi bài về nhà được không ?
- Tôi muốn quý cha mẹ học sinh này, thấy sự trung thực của chúng tôi.
Trước khi ra về, ai cũng hứa sẽ la rầy con họ, tôi cảm ơn và chờ xem.
Trở lại chuyện cái máy Laptop của Dũng, thầy cô giáo nào cũng than phiền bởi em luôn mang máy vào lớp và thoải mái chơi đùa trên đó. Tôi nói nhỏ với cô Thu để tôi dạy thế cô một tiết về tin học, tôi hỏi về tiết học tới, về tên trò nào giỏi tin học nhất lớp. Thu bảo là Lan.
- Lan ngồi đầu bàn, dãy trong cùng, đúng không ?
- Đúng.
Tôi tìm em và thử sức, quả nhiên em giỏi thật. Tiết học tới về Word, thao tác văn bản hay sơ đồ chắc các em đã thành thạo cả rồi. Nhưng nếu gặp văn bản dùng phông chữ Vni-times muốn chuyển đi bằng email thì phải làm sao. Em không làm được, tôi hỏi các em đã học chưa, em bảo học rồi nhưng em quên, tôi chỉ cho em cách cài đặt VietSpell và cách chuyển mã nguồn sang mã đích. Nghĩa là từ Vni-times sang Unicode. Từ Lan, tiết học tới các em đều biết và chuẩn bị chu đáo. Đến giờ học, tôi gọi các em lên máy, lần lượt năm em một, các em làm bài rất tốt duy chỉ Dũng là không biết làm gì. Đành lòng tôi cho em điểm không. Trước khi hết tiết học tôi tâm sự với các em đôi lời :
- Tôi biết có nhiều người, rất nhiều người nữa là khác, đi đâu cũng kè kè cái laptop bên mình ra vẻ trí thức ghê lắm nhưng kỳ thực thì chả làm được gì ngoài việc mở văn bản ra đọc, thao thao bất tuyệt trên những điều người ta viết sẵn. Đơn giản nhất là word mà cũng chẳng biết thì còn nói gì nữa. Ngay như các em đây, học rồi còn quên, chỉ giỏi chát, online thì trách sao các người ấy. Tôi tặng lại các em số điểm mà tôi vừa cho, không ghi vào học kỳ. Tôi chỉ mong một điều là em nào vừa được điểm khá thì hãy cố gắng trau dồi, em nào điểm kém thì phải nỗ lực hết mình, sẽ không có “ may mắn “ lần hai đâu đấy.
Về, tôi gọi điện thoại gặp “ Anh Ba “ nhờ anh chỉ vẽ thêm cho Dũng về vi tính. Anh thật lòng : “ Tôi có biết gì đâu cô giáo, trăm sự nhờ các thầy, cô.” Từ đó, Dũng chăm học hơn và không mang laptop vào lớp nữa, chắc do lời khuyên nhủ của “ Anh Ba “. -/.