Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



Krisna Asoksin (1931-     )

PHU NHÂN QUỲNH NHƯ



Nguyên tác của Krisna Asoksin (Thái Lan)

     Vài Hàng Về Tác Giả:
       Krisna Asoksin là bút hiệu của Sukanya Cholasuek. Tên tuổi của bà được biết nhiều tại nhiều quốc gia vùng Đông Nam Á Châu khác. Vào năm 1968 và năm 1972, bà được trao giải thưởng Văn Học Hạng Nhất Vùng Đông Nam Á Châu. Vào năm 1985, bà chiếm giải thưởng ưu hạng do Hội Các Nhà Văn Á Châu Vùng Đông Nam Á trao tặng và được vinh danh là Nhà Văn Ưu Tú Tại Quốc Gia Thái Lan vào năm 1988. Những tác phẩm của bà được xuất bản gồm hơn 100 truyện dài và vài trăm truyện ngắn, nhiều truyện của bà được quay thành phim cũng như được diễn đọc trên các hệ thống truyền thanh và truyền hình cũng như được phiên dịch ra các ngoại ngữ như Trung Hoa và Nhật Bản.

♣♣♣

K hi vừa bước tới cánh cửa kính, tiếng dương cầm trong bản nhạc “Over the Rainbow” dìu dặt vọng ra làm tôi đứng khựng lại. Con chó đang nằm bên cửa nhìn thấy tôi, nó nhẩy dựng lên, lấy chân cào vào cánh cửa và sủa lên inh ỏi. Thân hình to lớn của nó làm tôi giật mình lui lại vài bước rồi, cơn sợ hãi làm người tôi như tê cứng bất động.

Tiếng đàn im bặt, rồi một thiếu phụ xuất hiện. Nước da bà ta trắng muốt với đôi mắt to thật đẹp. Bà ta có vẻ ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi, nhưng chỉ một thoáng, với nụ cười thật tươi bà mở cửa rồi cất tiếng hỏi, giọng nói của bà dịu dàng tựa như những nốt nhạc bà vừa đánh:

Cô kiếm ai vậy? -

Thưa bà, phòng kế toán công ty Phan Khoang gửi con tới để gặp bà.

Nụ cười của bà tươi như đoá hoa quỳnh để lộ hàm răng thật đẹp, thật đều và trắng muốt:

Vào đi, cưng.

Tôi bước vào căn phòng khách. Căn phòng thật tĩnh mịch và hơi tối vì các tấm màn cửa đều buông kín. Trong một góc phòng để một chiếc đàn dương cầm thật lớn. Bộ ghế bằng nỉ cũng to lớn và vài món đồ khác kê rải rác trong phòng, tất cả đều trang nhã và đắt tiền làm cho căn phòng trông thật sang trọng.

- Ông Trần Vũ có nói với tôi là hôm nay sẽ gửi một người tới đây. – Trong khi nói, tay bà vuốt mớ tóc phía sau gáy. Con chó nhẩy quanh, bà lấy tay vuốt lưng nó rồi gọi người làm đưa nó ra khỏi phòng. Quay sang tôi, bà hỏi:

- Cô bao nhiêu tuổi rồi?

- Thưa bà, con được mười tám tuổi.

- Trẻ quá. Tôi không mong một người trẻ như vậy. Trần Vũ nói với tôi là cha cô mất rồi, phải vậy không?

- Vâng, thưa bà.

- Xin lỗi cô nhé, tôi rất thông cảm với những người không còn cha mẹ. Chính bản thân tôi cũng mồ côi từ nhỏ, khi đó còn nhỏ hơn cả cô bây giờ nữa. À, mà tên cô là gì?

- Thưa bà, tên con là Mỹ Tâm.

- Tên đẹp quá. – Bà nhìn tôi chăm chú có vẻ như muốn hiểu rõ về tôi hơn. – Như vậy là cô sống với mẹ phải không? Có anh chị em gì nữa không?

- Thưa bà, con còn hai người em nhỏ nữa.

- Trời đất. Nhỏ tuổi như vậy mà gánh nặng quá nhỉ. Được rồi, làm việc với tôi thì tôi có thể giúp cô được. Tội nghiệp, hãy còn nhỏ mà đã phải mang trách nhiệm thật nặng trên vai.

Tôi trả lời:

- Thưa bà con cũng chẳng lo gì nhiều. Nếu kiếm đủ tiền cho gia đình sinh sống thì cũng chẳng khổ gì.

Người thiếu phụ nói thật nhẹ qua hơi thở với một nụ cười thật buồn:

- Cô nói là chỉ là vấn đề tiền bạc không thôi à?

- Thưa vâng.

Bà nói trong khi như tâm trí để ở nơi đâu:

- Nếu là cô thì tôi chẳng lo nghĩ gì. -

- Nhưng … thưa bà, bà chưa bao giờ nghèo nên chưa biết cái khổ như thế nào …

Phu nhân cười, nụ cười thật đẹp nhưng lại mang một nét u sầu mang mác:

- Ai nói là tôi chưa bao giờ nghèo?

Tôi nhìn bà. Thật là khó tưởng tượng phu nhân đã bốn mươi tuổi. Nhìn bên ngoài bà trông trẻ hơn nhiều với dáng điệu thật nhanh nhẹn hoạt bát. Chiếc áo ngắn trắng tay và chiếc quần màu đen làm bà trẻ hơn khoảng mười tuổi. Nụ cười biến mất khi bà nói với một giọng dịu dàng nhưng thật buồn:

- Trước đây tôi nghèo lắm, lúc đó tôi thật khổ, khổ hơn cô bây giờ nhiều. Nhưng nỗi khổ khi đó không thể so sánh bằng nỗi khổ hiện nay tôi đang phải chịu đựng.

- Thưa bà, làm sao con có thể tin được như vậy? Bà đang chịu đựng một nỗi khổ đau? Bà đang sống trong một toà lâu đài có đầy những tiện nghi, tiền bạc đối với bà không là một vấn đề, muốn gì cũng có. Nếu con là bà thì con nghĩ mình đang làm chủ trái đất này.

Người đàn bà như có vẻ vui, nhưng giọng nói vẫn đượm vẻ buồn:

- Cô nói chuyện như một đứa trẻ con. Tiền bạc có thể mua được nhiều thứ nhưng không thể mua niềm vui, niềm hạnh phúc được. Nó không thể mua tất cả.

- Nhưng mà nếu mà con giầu như bà thì con hài lòng và chẳng còn muốn gì hơn nữa.

- Nên nhớ là con người ta không bao giờ hài lòng với cái mình có. Mình thích cái này rồi lại muốn cái khác. Lòng tham của con người hầu như vô đáy. Một ngày kia khi cô giầu như tôi thì cô sẽ hiểu.

Tôi nghĩ hình như phu nhân nói về một một nỗi đau đớn thầm kín nào đó đang ẩn náu trong lòng. Bà đã có tất cả, nào là giầu sang, trẻ đẹp, vậy thì còn thèm muốn cái gì trên trái đất này nữa.

Trần Vũ đã kể cho tôi nghe sơ qua về cuộc đời của bà. Khoảng ba mươi năm về trước, bà sống với người dì. Họ nghèo lắm, phải bán bánh kẹo ngoài đường để sinh sống. Quỳnh Như đi học nhưng chỉ hết lớp sáu thì phải bỏ học để đi bán hàng cùng bà dì. Khi được mười sáu tuổi, bà bán mỹ phẩm cho một cửa hàng. Nhờ vào sắc đẹp, nhiều người theo đuổi cô, trong đó có thương gia Phan Khoang. Khi đó ông này đã trên năm mươi tuổi và vợ mới chết, có một đứa con trai mười hai tuổi. Mới gặp mặt cô, Phan Khoang đã yêu cô say đắm và hứa nếu cô ưng lấy ông thì ông sẽ bảo đảm đời sống của hai dì cháu. Từ đó cuộc đời của Quỳnh Như đi vào một ngã rẽ và thay đổi hẳn. Phan Khoang khuyến khích bà đi học lại. Ông gửi đứa con của ông theo học ở ngoại quốc và ông đưa bà đi du lịch tại nhiều quốc gia. Dần dần Quỳnh Như nổi bật lên trong giai cấp thượng lưu trong nước. Sắc đẹp trời cho cộng thêm tính thông minh, bà nhanh chóng thích nghi để xứng đáng là một phu nhân của một đại gia trong giai cấp qúi tộc. Tuy vậy, cuộc đời không phải trôi mãi theo ý muốn mà tới hồi kết thúc khi ông chồng mất đi, gia tài được chia làm hai, một nửa cho bà còn nửa kia chia cho đứa con trai. Khi đó, sắc đẹp và sự giầu sang là trung tâm thu hút cho những người đàn ông độc thân, già cũng như trẻ. Tất cả đều có chung một ước muốn là làm chủ sản nghiệp của bà. Đã sáu năm nay sau khi trở thành goá phụ, bà vẫn chưa chú ý tới người đàn ông nào.

Có tiếng xe hơi phía trước cổng, bà nhìn ra ngoài, nét mặt chợt bừng lên niềm vui. Bà đứng bật dậy, nói với tôi:

- Phan Khởi đó, anh ấy là con trai của ông Phan Khoang, cô sẽ làm việc với anh ấy.

Một lúc sau cánh cửa bật mở và có tiếng giầy nặng nề bước vào. Một thanh niên có nét mặt đẹp, rắn rỏi bước vào.

- Chào Quỳnh Như. - Tiếng nói im bặt, anh ta chăm chú nhìn tôi.

Bà chỉ tay về phía tôi rồi nói với người con trai ghẻ:

- Đây là cô Mỹ Tâm mà Trần Vũ gửi tới làm việc cho công ty của mình đó.

Anh ta ngồi xuống chiếc ghế đối diện với tôi, mắt không rời khỏi tôi:

- Vậy à, Mỹ Tâm, tên thật đẹp. Cô bao nhiêu tuổi rồi?

- Thưa mười tám.

- À, trẻ quá. – Anh ta gõ ngón tay xuống thành ghế nhưng mắt vẫn không rời khỏi tôi.

Phu nhân đồng ý với người con ghẻ:

- Phải, còn trẻ quá. Vậy mà cô ấy phải đi làm để nuôi bà mẹ già và hai người em nữa đấy.

Phan Khởi nhướng đôi lông mày lên:

- Vậy sao? Trần Vũ không nói cho tôi biết những chi tiết đó.

- Ông ta nói là để mình tự phỏng vấn lấy thôi.

- Vậy thì … lương một ngàn baht một tháng có được không?

Tôi mừng thầm, vội trả lời:

- Dạ, thưa được.

Anh ta nhìn tôi cười rồi nói:

- Tôi cũng mừng là cô đồng ý làm việc cho chúng tôi.

Phu nhân đứng dậy rồi quay lại nói với tôi:

- Hai người ở đó nói chuyện một lát nhé, để tôi bảo chúng nó chuẩn bị một phòng khác để mình uống trà. Mỹ Tâm, cô ở lại một lát với chúng tôi nhé.

Tôi đứng bật dậy:

- Dạ thưa … con xin phép về.

Bà xua tay rồi đi thẳng ra chiếc cửa kính nằm ở phía bên kia phòng:

- Tôi không muốn nghe lời từ chối.

Mắt tôi không thể nào rời khỏi thân hình cao và mảnh mai, lòng tràn ngập niềm kính phục sắc đẹp và nét trẻ trung của phu nhân. Tôi cũng vui mừng được gặp bà, một người thật lịch sự, đáng mến và tử tế. Phu nhân không thuộc vào hạng người mới giầu nổi lúc nào cũng muốn phô trương như một câu ngạn ngữ của xứ Thái: “Con cú mang bộ lông con chim thiên nga”. Phu nhân đúng là một người thuộc giai cấp thượng lưu trong xã hội, một thiên thần nơi hạ giới này.

Khi bóng bà đã khuất, tôi quay sang Phan Khởi. Bây giờ đôi mắt anh như cười thay cho nét xa lạ khi trước:

- Cô nhìn theo Quỳnh Như như thể bà ấy hút mất hồn cô vậy.

- Ồ … vâng … Tôi thấy phu nhân đáng mến vô cùng.

Anh ta gật đầu. Vài phút im lặng như thể anh ta muốn nói với tôi điều gì về bà nhưng lại thôi. Thay vào đó, anh quay sang nói về công việc, đôi mắt vẫn không rời khỏi tôi:

- Cô đã làm việc cho một công ty nào bao giờ chưa?

- Dạ, thưa chưa.

- Như vậy cô mới học xong bậc trung học chứ gì?

- Thưa vâng. – Tôi nói với anh ta tên truờng trung học mà tôi vừa tốt nghiệp. Anh ta gật đầu như có vẻ hài lòng.

- Công ty của tôi đang cần một người nói tiếng Anh thành thạo. Tôi nghĩ là cô đủ trình độ để giao dịch với các công ty ngoại quốc. Cô biết đánh máy và viết tốc ký chứ?

- Dạ, thưa biết

- Vậy thì tốt lắm, cô sẽ là thư ký của tôi. Chắc là bà Quỳnh Như đã nói cho cô biết rồi.

- Dạ, thưa chưa.

- Vậy thì bây giờ tôi nói cho cô biết vậy.

Phan Khởi khoảng chừng ba mươi sáu tuổi, đẹp trai và có dáng đàn ông. Đôi mắt màu nâu xậm có nét thông minh và vui vẻ, đôi lông mày không rậm lắm làm cho nét mặt bớt vẻ nghiêm nghị và tăng thêm nét dịu dàng.

Một lát sau, phu nhân trở lại. Bà nhìn tôi rồi quay sang nhìn Phan Khởi. Cái nhìn của bà có vẻ lạ, nhưng chỉ một thoáng bà lại mỉm cười, một nụ cười thật dịu dàng, lịch sự như thu hút tâm hồn ngưòi đối diện. Bà nói với tôi rồi quay sang Phan Khởi:

- Phan Khởi là tổng giám đốc của công ty. - Ánh sáng buổi chiều xuyên qua tấm màn cửa chiếu vào mặt bà làm rõ lớp phấn và lớp son trên môi. Có lẽ bà quá vội vã đánh lớp phấn mới mà quên không để ý tới một vệt còn rõ nét gần bên tai. Tôi nghĩ bà là một người lúc nào cũng chú ý tới việc săn sóc sắc đẹp của mình từ đầu tới ngón chân. Bà nói thêm: - Cô sẽ là thư ký của anh ấy.

Phan Khởi cười lớn:

- Tôi có quá nghiêm khắc không đây?

Phu nhân liếc nhìn anh ta. Qua ánh mắt của hai người, tôi thấy có một cái gì lạ lùng thật khó diễn tả. Bà nói:

- Thực ra anh là một giám đốc thật đáng mến, ai làm việc với anh cũng cảm phục.- Quay sang tôi, bà nói tiếp: - Cô đừng lo gì, Khởi rất tốt.

Chúng tôi nói chuyện một lát rồi tới lúc uống trà. Phu nhân đứng dậy mời tôi ra vườn sau. Một bình trà đã được đặt trên một chiếc bàn phủ khăn trắng, bốn chiếc ghế cũng màu trắng đặt chung quanh. Hoa đủ màu sắc nở rộ trong khu vườn.

Bà ngồi xuống rồi tự rót trà vào ly. Bà đổ vào ly của Phan Khởi một chút kem rồi vừa cười vừa nói với tôi:

- Khởi không thích uống trà với đường, còn cô thì sao, Mỹ Tâm?

- Không, thưa phu nhân.

- Hai người giống nhau quá.

Bà mỉm cười, đổ vào ly trà của tôi ít kem rồi để vào đĩa mỗi người chiếc bánh bích qui. Một đĩa trái cây đặt giữa bàn. Bà nói với tôi:

- Đừng ngồi bất động như vậy, Mỹ Tâm. Tôi muốn cô thoải mái với chúng tôi. Cô cứ tự nhiên như ở nhà nhé.

Lạ lùng nữa là bây giờ Phan Khởi chẳng nói năng gì mà chỉ chăm chú nhìn tôi rồi quay sang nhìn bà. Hình như anh ta đang suy nghĩ điều gì đó mà tôi không hiểu được.

Trên đường trở về, tôi bận tâm về toà lâu đài của bà và anh con ghẻ. Có điều gì đó tôi mờ mờ hiểu về bà, dưới dáng điệu trẻ trung và lịch sự đó có ẩn dấu một nỗi ưu tư và phiền muộn nào đó.

Mẹ tôi đang nấu cơm chiều. Khi thấy tôi trở về, bà hấp tấp hỏi liền:

- Việc ra sao hả con?

- Mai con sẽ bắt đầu đi làm.

Có nét vui mừng hiện trên nét mặt, bà hỏi tiếp:

- Thế họ trả bao nhiêu vậy? -

- Bắt đầu với một ngàn baht một tháng.

Bà cười rạng rỡ:

- Tốt quá đi. Thời buổi này mà kiếm được một ngàn mỗi tháng thì không phải là chuyện dễ.

Tôi không trả lời. Tâm trí tôi khi này đang nghĩ tới phu nhân Quỳnh Như, tới toà lâu đài nên không hiểu mẹ tôi nói gì.

Những người như chúng tôi chỉ sống nhờ gạo với cá khô, ở trong những căn nhà lá lụp xụp, lúc nào cũng bận tâm vì cơm áo. Nhưng bà phu nhân lại sống trong một toà lâu đài, có kẻ hầu người hạ, ăn toàn những món sơn hào hải vị, thế mà còn nói là chịu đau khổ thì tôi không thể nào hiểu nổi.

Tối hôm đó, tôi không thể nào nuốt nổi bát cơm. Sự nghèo khổ cùng mùi xú uế trong khu nhà tôi ở làm tôi liên tưởng tới chiếc bàn có khăn phủ màu trắng, chiếc bình trà đắt tiền, cách uống trà kiểu cách cùng khu vườn đầy hoa. Cảm thấy chua xót cho số phận của mình, tôi ao ước được giầu có như phu nhân, sống cuộc đời vương giả như bà. Nếu cảm thấy buồn, tôi sẽ lái xe đi khắp nơi, sẽ tìm mọi thú vui để lấp đầy những nỗi cô đơn, tôi sẽ không chịu ngồi yên trong căn phòng vắng lặng tối tăm để chơi đàn dương cầm với những bài nhạc buồn bã hay chỉ chơi với con chó khổng lồ như bà.

Tôi trằn trọc suốt đêm hôm đó. Hình ảnh toà lâu đài nằm trên đỉnh ngọn đồi, chiếc vườn đầy hoa thơm đủ màu sắc, hình ảnh của phu nhân thật dịu dàng và lịch sự, tất cả luẩn quẩn trong đầu tôi và … hình ảnh cuối cùng mà tôi nghĩ tới trước khi ngủ thiếp đi là Phan Khởi, một thanh niên cao, đẹp trai và thanh lịch.

Rồi tôi bắt đầu làm việc tại công ty mà chủ là phu nhân và Phan Khởi. Là một thư ký, tôi phải có một trí nhớ tốt, có một quyết định nhanh, làm việc hiệu quả và nhiều đức tính khác nữa. Phần lớn tôi hoàn thành công việc trôi chẩy, nhưng đôi khi mắc phải lầm lẫn. Trong khi làm việc, Khởi nghiêm nghị, ít nói, ít cười khác hẳn với ngày đầu tiên mới gặp.

Một buổi sáng kia, khi vừa bước chân vào văn phòng thì anh ta đã bước ra gặp tôi rồi nói:

- Bà Quỳnh Như không được khỏe, cô có thể gặp bà ấy chiều nay được không?

Tôi sửng sốt hỏi lại:

- Sao vậy? Có nghiêm trọng lắm không?

Giọng nói của Khởi lạc hẳn đi:

- Bác sĩ nói bà bị … ung thư tử cung, hiện giờ đang nằm trong bệnh viện. Bà ấy có nói với tôi là cho cô biết và nếu cô không bận thì vào với bà cho có bạn.

Tôi cảm thấy choáng váng như muốn té xỉu khi nghe tin này:

- Phu nhân bị bệnh, một căn bệnh quái ác giết người. Dĩ nhiên là tôi sẽ vào bệnh viện với bà. Tôi chắc là mẹ tôi cũng khuyến khích cho tôi ở với bà.

Anh ta chăm chú nhìn tôi trong khi thân hình tôi vẫn còn run rẩy:

- Ngồi xuống đi, Mỹ Tâm. Tôi sẽ nói rõ cho cô nghe.

Tôi ngồi xuống ghế, người tôi hoàn toàn bị tê liệt:

- Bác sĩ nói là bà chẳng còn sống được bao lâu nữa.

- Trời ơi. – Tôi ôm mặt khóc nức lên còn Phan Khởi thì lắc đầu mà chẳng nói câu nào. Tim tôi như tan nát ra từng mảnh nhỏ. Mới chỉ có ba tháng nay không gặp mặt mà phu nhân đáng yêu của tôi đang đi vào cõi chết. Anh ta thình lình hỏi tôi:

- Mỹ Tâm, cô có mến bà ấy không?

- Dĩ nhiên là vậy rồi. Bà là người thật đẹp, thật tốt. Mới gặp bà lần đầu tiên mà tôi đã bị bà thu hút. Tôi không thể ngờ một bà đã ngoài bốn mươi mà còn trẻ và đẹp như vậy. Nhìn bà không ai dám nói bà đã trên bốn mươi tuổi cả.

- Quỳnh Như không muốn người nào nhìn thấy mà không đẹp cả, ngay cả với tôi đây … - Anh ta ngừng nói, nét mặt bây giờ tái xanh. – Trông bà còn đẹp và trẻ hơn nhiều cô gái trẻ khác.

- Phu nhân là người chẳng bao giờ già.

Khởi cười, nhưng là một giọng cười mà tôi không hiểu ý nghĩa, một giọng cười vừa thương xót vừa mỉa mai. Mắt của anh ta nhìn tôi thương hại:

- Cô thực là trẻ và ngây thơ. Cô thật giống như một bông hoa huệ trắng và tinh khiết. Cô có biết là …

Tôi ngạc nhiên hỏi lại:

- Tôi biết cái gì?

Anh ta nhìn tôi rồi nói nhỏ nhẹ:

- Cô thật chẳng biết gì cả. Những cô gái như cô thật chẳng khi nào không ngớt ngạc nhiên với thế giới này cả. Cô thư ký nhỏ của tôi không có một tì vết nhơ bẩn nào trong tâm hồn cả. Suốt mấy tháng làm việc ở đây, tôi đã hiểu rõ về cô. Cô mãn nguyện với cuộc sống, cứ thẳng bước tới phía trước mà cô cho là đúng. Có bao giờ cô nghĩ là con đường phía trước khi nào chấm dứt không?

Câu hỏi thật là lạ lùng. Đây không phải là một câu hỏi của người chủ nói với thư ký. Anh ta chưa bao giờ hỏi tôi những câu tương tự như vậy. Tôi ngạc nhiên vì anh ta hiểu rõ tôi và tôi cũng chẳng biết phải trả lời như thế nào nữa. Giọng nói của anh ta bây giờ lại thật dịu và thật nhỏ như tiếng thì thầm bên tai:

- Tôi nghĩ là … là bất cứ ai trong cuộc đời khi đã tỉnh mộng và sau khi gặp cô sẽ nhìn thế giới này với một tâm hồn an lạc. Có nhiều việc cần sự kiên nhẫn để vượt qua …

Tôi cố xem anh ta muốn ám chỉ điều gì khi nói như vậy, nhưng vẫn không hiểu:

- Tôi tưởng là anh luôn luôn vui vẻ sung sướng chứ.

- Cô nghĩ vậy sao? Có thể là vậy vì cô thấy tôi giầu có … cô nghĩ là người nào có tiền đều sung sướng cả. Mỹ Tâm, ý nghĩ này làm tôi bật cười. Tôi muốn khuyên cô một điều là … đừng bao giờ làm bất cứ điều gì để trở nên giầu quá. Có tiền không phải là không có những điều bất hạnh.

- Như vậy anh cũng có những bất hạnh sao? Lạ thật.

- Chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả. Những người quen với nếp sống giầu có hay những người từng trải đều hiểu điều này. Riêng đối với anh đây, cuộc chẳng có gì thú vị cả. – Anh ta nở một nụ cười, một nụ cười ảm đạm khác hẳn với nụ cười tôi nhìn thấy hôm đầu tiên gặp anh. – Mỹ Tâm, đã có người nào trong trái tim cô chưa? Tôi muốn nói là … cô đã yêu ai chưa

Tôi cúi mặt xuống, cảm thấy khó nói:

- Dạ thưa chưa.

Anh ta hỏi dồn:

- Như vậy theo cô, phải là người như thế nào cô mới yêu được? Làm ơn cho tôi biết, tôi muốn cô trả lời cho tôi.

- Tại sao? Có cần thiết không?

Giọng nói cứng cỏi hẳn:

- Cần lắm chứ. -

- Đàn bà thì phải giữ những điều mơ ước của mình trong lòng. -

- Làm ơn cho tôi biết. Mỹ Tâm, hãy nhìn tôi đây.

Giọng nói của anh ta như thầm thì bên tai làm trái tim tôi đập mạnh. Tôi không muốn nhìn anh ta nhưng có cái gì thúc đẩy khiến tôi không cưỡng được. Đôi mắt nâu của anh đăm đăm nhìn tôi như năn nỉ, van nài.

- Anh Phan Khởi, tôi …

Đứng bậy dậy, tôi bước ra đứng bên cạnh cửa sổ. Tôi nhớ lại một lời khuyên là thư ký không bao giờ được quyền yêu ông chủ vì như vậy sẽ làm cho công ty suy xụp.

Khởi tiến lại bên tôi:

- Mỹ Tâm, anh yêu em. Hôm mới gặp em lần đầu, anh đã thấy không thể xa em được rồi. Em là ánh sáng soi cho cuộc đời tăm tối của anh. Anh đã từng cố quên mối tình này vì có nhiều trở ngại, nhưng không thể nào quên được. Tình yêu không có lý do, không có câu hỏi trong đó. Nó thật tinh khiết, không câu nệ vào những định chế của xã hội. Em có biết là tình yêu thật đẹp, không ích kỷ và không cần đòi hỏi gì ở nhau không?

- Phan Khởi, anh làm cho em sợ. – Tôi lắp bắp nói. – Anh và em khác nhau nhiều lắm. Hoàn cảnh xã hội, tình trạng tài chánh và ngay cả trình độ giáo dục nữa.

- Anh đã nói là tình yêu của anh không dựa vào hoàn cảnh này nọ. Anh yêu em chỉ tại vì anh yêu em, có thế mà thôi.

- Nhưng mà em phải dùng cái đầu của mình, với người đàn bà lại càng khó khăn hơn nữa. Đàn bà phải suy nghĩ thật chín chắn về tình yêu và hôn nhân, nhất là vấn đề hôn nhân. Em có thể yêu người nào nào đó, dù là người đó tốt, ở một giai cấp cao hay chỉ là người xoàng xĩnh và ở trong giai cấp thấp hèn, nhưng không có nghĩa là em phải lấy người đó.

- Em có nghĩ là em sẽ hạnh phúc khi em cho trao trái tim cho một người còn thể xác lại cho người khác không? Em có nghĩ kết cục thì mọi việc sẽ chẳng ra gì không?

- Có thể sẽ là một sự đau khổ cùng cực, nhưng em không hiểu là người ta sẽ chịu đựng được sự đau khổ đó như thế nào.

- Vậy em nghĩ hôn nhân phải ra sao?

- Em nghĩ là em sẽ chọn một người thích hợp với mình – không phải là một người giầu có như anh mà cũng không phải là một kẻ nghèo khổ bần cùng mà em phải hy sinh mọi thứ.

- Nếu em yêu một người không nằm trong phạm vi thích hợp của em thì sao?

- Thì đó chỉ là tình yêu mà thôi … Anh có thể cho đó là ích kỷ, hèn nhát hay bất cứ danh từ nào, em công nhận như vậy. Nhưng điều em sợ nhất là quá cao hay quá thấp hèn.

Khởi nhìn qua khung cửa sổ, nét mặt như có điều phiền muộn:

- Thôi để chuyện đó ở đây đi, Mỹ Tâm. Em nhớ chiều nay vào thăm Quỳnh Như nhé.

Sau khi từ bệnh viện ra, Trần Vũ cùng về nhà thăm mẹ tôi. Anh ta là một người trên năm chục tổi, đầu hói, là quản gia tài sản của gia đình Phan Khoang từ mấy chục năm nay nên biết rõ mọi việc trong gia đình này. Tôi muốn hiểu rõ nguyên do vì sao mà cả phu nhân lẫn Phan Khởi đều không có hạnh phúc. Tôi hỏi dò:

- Này chú Vũ, cháu có một việc thật tò mò muốn hỏi chú. Tại sao phu nhân Quỳnh Như và cả Phan Khởi đều không vui.

Trần Vũ quay lại nhìn tôi, ngạc nhiên tại sao tôi lại thình lình hỏi việc này. Tôi nhìn thấy nét bối rối trong ánh mắt của ông, có lẽ ông ta không muốn nói cho tôi biết những điều cần phải giữ kín không được phép cho ai hay. Tôi nghĩ là phải làm một cái bẫy:

- Phan Khởi đã nói cho cháu biết tất cả rồi.

Miệng ông ta há rộng với dáng điệu ngạc nhiên:

- Nói cái gì? Anh ấy nói cái gì?

- Tất cả mọi việc xẩy ra ở đây.

Ông ta la to phản đối:

- Không thể như vậy được, Phan Khởi không nói những chuyện đó với bất cứ người nào. Có người đàn bà nào dám yêu anh ta, anh ấy không được tự do mà. - Rồi ông ta hạ giọng nói nhỏ. – Có thực là anh ấy nói với cô không? Tại sao anh ấy lại dám nói?

Tính tò mò làm tôi can đảm:

- Có lẽ tại anh ấy thấy tuyệt vọng trong tình trạng như vậy.

Trần Vũ gật đầu đồng ý:

- Đúng rồi. Anh ta thật tuyệt vọng. Quỳnh Như không còn trẻ nữa và bây giờ phải trả cái giá đó … Nhưng thật là lạ … tại sao anh ta lại nói cho cô biết chứ. Ngoài tôi ra thì không còn ai biết câu chuyện này cả, Phan Khởi đã bắt tôi thề là phả giữ kín chuyện này cho tới chết. Ba hay bốn người làm đều có nhà riêng biệt, chẳng ai biết, còn người ngoài thì chỉ coi hai người như chị em. Quỳnh Như thì rất sợ mọi người biết.

- Không phải. Phu nhân là một người thật đáng yêu, cháu chưa bao giờ gặp một người từ tế như vậy.

Trần Vũ ngắt lời tôi:

- Cô không biết bằng tôi đâu. Tôi làm việc cho gia đình này từ lúc tóc còn xanh cho tới bây giờ đầu đã bạc trắng rồi. Nhưng cô phải hứa với tôi là sẽ không nói với ai dù bất cứ trong hoàn cảnh nào.

Tôi trả lời ngay:

- Cháu xin hứa. Cháu sẽ để câu chuyện này trong bụng cháu cho tới khi chết. Cháu cũng hứa là không nói với Phan Khởi chuyện này.

- Cô biết Quỳnh Như có bao nhiêu người yêu cả thẩy?

Tôi bị một cú “shock” thật mạnh, người tôi tê cứng. Làm sao phu nhân đẹp và lịch sự như vậy lại có một mặt trái xấu xa như vậy được. Một phu nhân thật đoan trang cô đơn ngồi sau chiếc đàn dương cầm chơi những bản nhạc thật buồn, một người đã thật tử tế với tôi lại có những bí mật đáng khinh như vậy được sao. Trần Vũ nói tiếp:

- Sau khi Phan Khoang mất và trước khi Phan Khởi từ nước ngoài trở về, phu nhân đã tiêu xài thật nhiều tiền cho việc làm da mặt, son phấn thuốc chống lão hoá. Hàng ngày bà ta tới phòng tập và không muốn ai nhìn thấy bà không đẹp cả. Tóm lại, bà ta không muốn ai thấy bà ta già cả. Bà ta trang điểm trước khi đi ngủ và dậy trước mọi người để trang điểm

- Thật lạ, trên cõi đời này ai mà không thoát được sự thực. Già và chết là một phần của đời sống. Thật tội nghiệp cho phu nhân.

- Trái lại Phan Khởi lại rất trẻ, bà lại nghĩ là khi mình giữ cho trẻ thì có thể cầm chân được Khởi, giống như con gà mái dụ dỗ con gà con vậy.

- Nhưng phu nhân phải hiểu là một ngày nào đó anh ấy sẽ thấy bà quá già, không còn thích hợp nữa mà đi kiếm người trẻ hơn chứ.

Trần Vũ lắc đầu:

- Bà ấy quá tự tin. Cô có thấy không, ngay cả khi bị bệnh mà vẫn còn son phấn cẩn thận. Bà ấy không muốn anh ta thấy mình không còn đẹp nữa.

Những điều ông ta nói là sự thực. Khi vào thăm phu nhân trong bệnh viện, tôi thấy phu nhân vẫn trẻ đẹp, rực rỡ không có nét nào của một người bệnh cả. Trần Vũ tiếp tục nói:

- Bà ấy không còn ra ngoài nữa, mọi người trong giới thượng lưu bắt đầu xì xào bàn tán còn Phan Khởi thì buồn phiền, khốn khổ. Bên ngoài cô tưởng là cả hai sung sướng hạnh phúc lắm phải không. Cô lầm, tiền bạc không thể giúp cho bà ấy được, không mang tuổi trẻ lại được. Tôi biết là bà ấy đang ở giai đoạn khổ não lo lắng vì không biết khi nào Phan Khởi sẽ rời khỏi bà. Bây giờ anh ta đã tỉnh ngộ và có nhiều thái độ chống đối bà ấy vì không thể chịu đựng mãi như thế này được. May mà bà ấy chẳng còn sống được bao lâu nữa.

Cuối cùng mỗi đêm tôi cũng vào nhà thương để cho có bạn theo như lời yêu cầu của phu nhân. Mỗi ngày Phan Khởi đều vào thăm, anh tỏ vẻ thật dịu dàng và phu nhân cũng vui vẻ trước sự săn sóc của anh. Tôi thật buồn khi thấy sự giả dối đóng kịch giữa hai người. Tai sao người ta phải trốn tránh sự thực mà trước sau gì cũng phải đối diện với nó.

Rồi một buổi chiều kia, bác sĩ cho biết là phu nhân không thể sống quá năm ngày nữa. Trong vài ngày cuối cùng đó, phu nhân thật yếu và chịu nhiều đau đớn, tuy cô người làm giúp bà trang điểm nhưng cũng chẳng còn bao nhiêu nét đẹp trên nét mặt. Căn bệnh đã lấy mất vẻ đẹp đài các quí phái của bà, hai má và hốc mắt trũng sâu xuống trông thật tội nghiệp. Mỗi lần nhìn vào gương, bà lại khóc và đòi chiếc bút tô lông mày và son phấn.

Một buổi chiều, bà nói với tôi:

- Mỹ Tâm, cô biết là mình không còn sống được bao lâu nữa.

Tôi an ủi bà:

- Phu nhân đừng bi quan, bác sĩ nói là có hy vọng mà.

Bà xua tay, miệng nở nụ cười méo mó. Trước kia đôi môi này mọng đỏ đầy quyến rũ, thế mà bây giờ lại khô héo nứt nở:

- Không cần phải an ủi cô nữa. Cô biết là đã tới ngày phải ra đi, và … rồi … con sẽ … - Phu nhân nhìn tôi chăm chú. – Phan Khởi yêu con lắm, Mỹ Tâm.

Tôi hốt hoảng:

- Không, bộ anh ấy nói với phu nhân vậy sao?

- Không … Anh ấy không nói với cô nhưng khi thấy anh ấy nhìn con thì cô đủ hiểu. Mỹ Tâm, có lẽ con không biết nhiều chuyện và cũng chẳng cần biết làm gì, nhưng cô phải thú nhận là khi mới gặp con, cô nghĩ con không phải là loại người mà anh ấy yêu.

Phu nhân im lặng, còn tôi cũng chẳng biết phải nói gì. Một lúc sau, phu nhân nói tiếp:

- Cô thấy con là một cô gái ngây thơ, có thể nói là có cuộc sống tụt hậu, không có một chút đàn bà tính nào, không theo kịp trào lưu mới, chẳng có gì cả, chỉ như cô gái trong thế giới của trẻ con. Nhưng dần dần cô phát hiện ra là cô đã lầm. Một người như Khởi phải ngã trước một cô gái như con và phải ngã thật nặng. Anh ấy đã mệt mỏi với những sự phức tạp rắc rối vì đã dan díu với người đàn bà nhiều mưu mô. Anh ta đi tìm một cô gái ngây thơ, ví như một miếng vải vẽ mà chưa bị nét mực nào quyệt lên. Cô không ngạc nhiên khi thấy anh ấy yêu con cả.

- Thưa phu nhân, con …

- Cô cũng chẳng cần phải nói với con là chẳng bao lâu nữa con sẽ là chủ căn lâu đài và tài sản của Phan Khởi. Lúc đó con chẳng cần phải đi kiếm việc cũng như bận tâm với tiền bạc nữa. Con sẽ có đầy đủ sự giầu sang mà con thường mơ ước.

- Thưa phu nhân, con không còn muốn tiền bạc, giầu có nữa. Trước kia phu nhân nói với con là tiền không có ý nghĩa nhiều lắm, lúc đó con nghi ngờ về những lời nói này, nhưng bây giờ thì con hoàn toàn đồng ý với phu nhân. Tiền bạc không thể mua được tình yêu và hạnh phúc. Con sẽ chọn nghèo về tiền nhưng giầu về tình yêu.

Phu nhân nhíu mày hỏi tôi:

- Ai đã nói với con câu đó? Phan Khởi phải không?

- Thưa không, con học câu này từ nhiều người.

Phu nhân nói thật nhỏ:

- Con sẽ lấy Phan Khởi sớm thôi.

- Không thể được.

- Tại sao? -

- Khi nghe người ta xì xào bàn tán là con lấy Khởi vì tiền thi con không thể chụi đựng được. Hai thế giới hoàn toàn khác biệt. Anh ấy là một triệu phú còn con … con là gì đây?

Phu nhân nhìn tôi như khuyến khích:

- Hãy tự mình nâng cao lên. Không được bỏ lỡ cơ hội ngàn năm một thủa này

Tôi không thể hiểu được phu nhân đã rõ là tôi biết những việc thầm kín của bà hay không vì tôi không còn hơi sức tìm hiểu khi thấy bà nằm kia đang phải chịu những cơn đau đớn. Trong suốt quãng đời, tôi không thể nào quên được hình ảnh một người đàn bà có một sắc đẹp mê hồn với những nét thật tươi trẻ đang ngồi bên chiếc dương cầm chơi bản nhạc “Over the Rainbow”. Tôi cũng chẳng bao giờ xoá nhoà được hình ảnh một người đàn bà mà tôi gọi là “Phu Nhân” có một cái vỏ bề ngoài đẹp đẽ đã thều thào nói với tôi trong đêm trước khi trút hơi thở cuối cùng:

- Khi cô chết, con nhớ mặc cho cô bộ đồ thật đẹp và đừng quên đánh phấn cho cô thật kỹ nhé.

Khi còn sống, phu nhân đã đánh lừa mọi người mà nay đã chết, bà còn muốn lừa cả thần chết nữa. Tôi nghĩ thật thương và tội nghiệp cho bà. Nếu linh hồn phu nhân còn luẩn quất quanh nơi thiêu xác bà, chắc là bà đau xót lắm khi thấy người phu nhà quàn nạo, ném thật cẩu thả hay làm đổ vương vãi tro cốt của bà.  -/.




VVM.01.03.2025.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .