1.
Hai vạch hồng trên Quickstick làm tôi run bắn tay chân, tim loạn nhịp. Hơi thở tôi trở nên lúc hổn hển, lúc gấp gáp, lúc rời rạc… như đang bị chẹn ngang họng hay sắp bị bứt đứt, từ một bàn tay vô hình nào đó.
Hẳn cơ mặt tôi lúc này méo mó, không tái mét cũng đỏ bừng, bởi quá xúc động. Tay tôi muốn múa, chân tôi muốn nhảy, và làm vô số trò khùng điên khác.
Điều tôi khắc khoải chờ đợi trên ba năm giờ mới thành hiện thực, hỏi sao tôi bình tĩnh cho được? Hơn ngàn ngày chưa là dài với nhiều người nhưng với vợ chồng tôi đã mòn mỏi biết bao!
Tôi lao ra khỏi nhà tắm, cắm đầu chạy vội vào phòng, thả rơi người xuống nệm như buông một bao gạo, để rồi giật mình hốt hoảng nhớ ra, hành động mạnh bạo quá mức ấy có nguy cơ ảnh hưởng túi thai mới thành hình vỏn vẹn mười ngày.
Tôi thầm tiếc lúc này nhà không có ai cho tôi báo hỉ, chắc chắn mọi người cũng mừng rỡ không kém.
Đúng vậy. Cha chồng tôi là người vui sướng nhất. Mặt đỏ hồng như say rượu, ông ha hả cười, sảng khoái, mãn nguyện. Còn Văn nhấc bổng tôi lên mà quay tròn. Nghe tôi la oai oái, anh mới chợt nhớ nhẹ nhàng đặt tôi xuống.
Nâng mặt tôi ngửa ra, Văn hôn túi bụi lên trán, lên mắt, lên cổ tôi:
-Giỏi quá, vợ yêu của anh!
Tôi dụi mặt vào ngực chồng, lâng lâng hạnh phúc.
Ngay tối đó, cha chồng đưa cho Văn một gói tiền, dặn:
-Con giữ lấy mua nhiều món ngon cho vợ dưỡng thai và sắm đồ dùng cho bé.
Tôi càng cảm động khi Văn nói thêm:
-Anh biết tiền này cha tích góp từ lâu chờ mãn tang mẹ sẽ cưới vợ cho anh Dự.
Tôi băn khoăn hỏi:
-Giờ đem cho vợ chồng mình hết, sau này cha làm sao?
Văn chặc lưỡi:
-Anh cũng vừa hỏi thế. Cha trả lời việc gì cần trước làm trước, chuyện cưới hỏi để đó tính sau.
Tôi áy náy, suýt buột kêu: “Vậy tội nghiệp anh Dự quá!”
Nếu ngày ấy mẹ chồng tôi không bất ngờ phát hiện mắc bệnh nan y hẳn anh Dự đã lấy được chị Xoan rồi. Số tiền mẹ chồng dành dụm cưới vợ cho anh đổ cả vào thuốc men, như muối bỏ bể.
Không hiếm hoàn cảnh như vậy: tài sản tiêu tan, nợ thì chồng chất mà rốt cuộc mạng người cũng không giữ được. Ai ai cũng biết mà ai ai cũng cố níu kéo hi vọng “còn nước còn tát” đến cùng.
Khi Văn cưới tôi, mẹ anh đã ủ bệnh từ bao giờ. Lời hứa một mái nhà riêng cho chúng tôi phải gác lại và gác đến hôm nay.
Cha chồng không còn sức lao động, đồng lương của hai anh em Văn chỉ đủ chi tiêu hàng tháng và góp dần các món nợ lãi, biết khi nào có được tổ ấm riêng tư? Nếu chưa cưới, không chừng Văn cũng mãi độc thân giống anh Dự. Và như thế là bất hạnh hay may mắn hơn cho tôi?
Ngay căn nhà đang ở mà bán được có lẽ ngày ấy cha chồng cũng bán luôn lo thuốc thang rồi. Chỉ vì phong thủy không mấy tốt, diện tích lại khiêm tốn, có ai chịu mua cũng chỉ trả giá bèo, chẳng bõ bèn gì.
Nhà ngăn hai phòng ngủ, cho vợ chồng tôi và cho cha chồng. Muốn thêm góc riêng thứ ba cũng không thu vén được. Có lẽ vì vậy mà anh Dự theo công trình, ăn ở luôn tại lán.
Công trình luôn dịch chuyển, hết tỉnh này thì sang tỉnh khác. Nên vài tháng anh Dự mới về nhà một lần. Về chiều thứ bảy thì trưa Chúa nhật lại đi ngay.
Hẹn hò với chị Xoan từ chập tối, đến khuya anh Dự mới về ngủ. Chỗ ngả lưng của anh là tấm ván nhỏ kê trước hiên, mùa nóng hứng rất nhiều gió mát thì mùa mưa cũng là nơi sũng ướt đầu tiên.
Mỗi lần nhìn anh chùm áo mưa tựa vách ngủ ngồi, tôi ái ngại quá. Dĩ nhiên anh không thể vào chung phòng với vợ chồng tôi, mà phòng cha chồng thì anh viện lý do: đêm cha ngáy ồn lắm, không ngủ được.
Cưới tôi về, cha mẹ chồng rất mong tôi sớm sinh con. Khát khao đó, tôi hiểu. Tôi chỉ không hiểu sao ông bà không cưới vợ cho anh Dự trước? Anh Dự và chị Xoan yêu nhau nhiều năm rồi, nếu cưới hẳn ông bà đã có vài đứa cháu nội để bồng ẵm từ lâu.
Nhất là sau ngày mẹ chồng mất, cha chồng càng nôn nóng. Ngày nọ tháng kia thấy tôi vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”, ông rất sốt ruột.
Có lần ông “cảnh cáo” tôi:
-Nếu con không đẻ được, cha sẽ cưới vợ khác cho thằng Văn.
Như bị giáng một gậy vào đầu, tôi “sốc” quá, lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Văn sẽ cưới vợ khác ư? Không, nhất định không! Chồng tôi là của tôi, không bao giờ có chuyện tôi “nhường” chồng vào tay người khác.
Mà thật vô lý nếu cha chồng đổ hết tội muộn con lên một mình tôi. Ông không hiểu tôi cũng mong mỏi ngày đêm đây sao? Ngay cả nói xui nhất, vợ chồng tôi vô sinh thật thì vẫn còn anh Dự đấy, ông đâu cần “khắc nghiệt” với tôi đến thế?
Văn cũng đồng tình:
-Đúng rồi. Nếu sợ vợ chồng mình không con, cha càng phải mau mau cưới bà Xoan cho anh Dự, hơn là ngồi đó sốt ruột.
-Em nghe cha nói anh Dự là trưởng nam, chưa đủ ba năm tang mẹ thì chưa thể cưới vợ.
-Cha cổ quá. Giờ chỉ một năm là đủ. Nhà bạn anh kìa, cả vợ cả con cùng lột khăn áo sô đốt theo quan tài ngay tại đài hỏa thiêu đấy, có cần giữ ngày nào? Hiếu hay không đâu chỉ ở tang chế?
Lời “hăm dọa” của cha chồng chất lên tôi một áp lực vô hình mà nặng hàng tấn. Mệt mỏi. Sợ hãi. Tủi thân. Nhớ tới là lòng tôi rưng rưng chực khóc:
-Chồng ơi! Thế… lỡ… cha bắt chồng bỏ em thật… thì sao?
Văn cười, dúi ngón tay vào mũi tôi:
-Bắt thế nào được anh? Cha bắt, anh cũng không bỏ.
-Thật không?
-Thật.
-Nghi lắm. “Đàn ông năm bảy lá gan / Lá ở cùng vợ, lá toan cùng người”…
-Thì em cứ chờ xem chồng em có mấy lá gan?
Rồi Văn nháy mắt, cười cười:
-Mà ví dụ anh nghe theo cha, thì em tính sao?
-Tức là bỏ em cưới vợ khác hả?
Văn ỡm ờ:
-Không bỏ, chỉ rước thêm về thôi.
Biết chồng trêu, tôi vẫn tủi thân, đỏ mắt lên:
-Em không chịu đâu.
-Không chịu thì em làm gì? Thưa cha ra tòa hay tạt át xít người ta?
-Không thưa cũng không tạt... Em chỉ... chỉ... nhảy xuống sông thôi...
Thấy tôi nghẹn ngào sắp khóc, Văn phì cười:
-Cái miệng ăn mắm ăn muối, nói bậy! Nhảy xuống sông làm chi, lạnh lắm. Nhảy vào lòng anh mới ấm nè em!
Văn giang hai tay đón tôi, để rồi hai đứa cùng lăn tròn trên nệm.
Nhiều lần tôi rủ chồng đi khám hiếm muộn với tôi, tìm nguyên do chữa trị nhưng Văn không hợp tác:
-Anh khỏe mạnh thế này, sinh lý đều đặn, khám chi cho rắc rối lôi thôi? Anh còn phải đi làm, có rảnh đâu. Em muốn thì cứ tự đi một mình.
Hoang mang quá, tôi lại ngần ngại rồi cũng bỏ qua.
2.
Sau chín tháng náo nức đợi chờ, cũng đến ngày vợ chồng tôi sung sướng ôm đứa con vàng ngọc trên tay. Một bé trai bụ bẫm nên Nhã sinh hơi khó, may bác sĩ chưa phải dùng đến phương pháp mổ bắt con.
Nghe báo về, cha tôi lại sảng khoái cười ha hả.
Tôi vênh mặt bảo vợ:
-Đấy, vậy mà em cứ hối anh đi bác sĩ, có phải mất công lại tốn tiền không? Vợ chồng mình chỉ chậm hơn người ta thôi. Chậm mà chắc!
Thấy tôi cứ ngồi ngây mặt ngắm thằng bé, Nhã cười:
-Anh xem, con giống anh lắm... Cái trán, cái mũi, cái tai... “Con giống cha là nhà có phúc”...
Tôi còn đang cố tìm những nét “giống cha” như lời vợ thì bà cụ nuôi đẻ giường bên cạnh đã bật cười, nói xen vào:
-Cô cậu ơi, con nít mới sinh đứa nào cũng đỏ hỏn, mặt phì phị, mắt ti hí như nhau thôi. Vài tuần là thay đổi nhiều lắm. Giờ chưa biết giống ai đâu.
Tôi quay sang gật đầu cười, tỏ ý cám ơn. Bà cụ giàu kinh nghiệm đã nói hẳn không sai.
Quả thật, đến đầy tháng thì bé Bòn Bon đã khác nhiều. Mặt như dài ra, làn da sậm lại và hàng lông mày rậm, hơi xếch.
Có người vào thăm, nhận xét:
-Thằng bé nhìn giống bác Dự nhỉ?
Tôi cười cười. Thì chúng tôi là anh em ruột, dĩ nhiên phải có cùng các gien tương đồng rồi! Con cái sinh ra mang gien trội gien lặn từ chú bác cũng là bình thường.
Bé Bòn Bon ngày một lớn càng mang nhiều nét giống anh Dự. Nhất là khóe môi “ngạo đời” và cặp lông mày xếch rậm rì đặc trưng, khó lẫn lộn. Tiếng bình phẩm cũng chắc nịch hơn:
-Giống như khuôn đúc... Như cắt mặt đắp sang..
Tôi không hiểu thiên hạ có ám chỉ gì sâu xa không, chỉ thấy họ làm phiền lòng tôi quá.
Nhưng tôi không bao giờ nghi ngờ anh tôi hay Nhã. Điều đó rất vô lý. Chưa lần nào tôi thấy Nhã nói chuyện riêng với anh chồng cả. Ngay đến tôi, anh Dự cũng ít trò chuyện, huống chi em dâu?
Anh tôi đi theo các công trình miệt mài, chiều thứ bảy nào về là mắt trước mắt sau tót đi hò hẹn với chị Xoan, có ở nhà được mấy. Từ khi thêm Bòn Bon, anh Dự càng thưa về hơn, tôi đoán anh không thích tiếng trẻ con khóc.
Đột ngột, nghe phong phanh chị Xoan đòi chia tay anh Dự, cả nhà đều sửng sốt. Tôi không tin, còn Nhã cũng buồn muốn khóc.
Tôi phỏng đoán chỉ là giận hờn vu vơ của những người yêu nhau, do thiên hạ rỗi hơi thổi phồng mà lan truyền tin đồn vô căn cứ. Không ngờ chỉ ít lâu sau chị Xoan đi lấy chồng thật. Đám rước dâu từ thị trấn lên thị xã linh đình lắm.
Chị Xoan và anh Dự đã nhiều năm rất yêu nhau, chẳng ai tin lại có một ngày mất nhau dễ dàng vậy. Vì sao nên nỗi?
3.
Thường thường, chiều thứ bảy, chậm lắm là 5 giờ, trời còn vương chút nắng nhạt, tôi đã có mặt tại chốn hò hẹn quen thuộc. Dĩ nhiên đó là nơi thưa thớt nhà, hiếm người qua lại và rất nhiều bóng cây.
Tôi sẽ ở đấy chờ Xoan chạy xe máy về ngang. Làm nhân viên cho một tiệm uốn tóc trên thị xã, hôm nào khách đông, Xoan về khá muộn. Đó là người chủ thông cảm Xoan nhà xa, luôn ưu ái cho nghỉ sớm hơn mọi cô thợ khác rồi đó.
Nhưng dù muộn tới đâu, tôi cũng kiên nhẫn chờ. Thời gian đâu nhiều cho tôi phung phí? Xoan cũng đã quen như thế. Chẳng cần hẹn trước, chạy xe về ngang điểm hẹn mà không thấy tôi, Xoan tự hiểu hôm đó tôi ở lại lán với đội xây dựng.
Ngồi bên nhau, từ hai bàn tay Xoan thoang thoảng mùi của nhiều loại dầu gội dầu xả hòa lẫn. Tôi thương biết mấy từng ngón gầy vất vả.
Mơ ước cháy bỏng của tôi là sớm có ngày cưới Xoan về... Về đâu thì tôi chưa định hình được. Cuộc sống của tôi còn bấp bênh quá. Nhất là sau ngày mẹ mất, tôi càng như bơ vơ lạc lõng trong đời.
Cha tôi là người nghiêm khắc lại kiệm lời, chẳng mấy khi hỏi han tới tôi, đôi khi tôi cảm nhận mình vô hình trong mắt ông. Còn em trai trước kia cũng thân với tôi lắm, từ khi có vợ mới bỏ quên tôi.
Nhìn cặp vợ chồng son quấn quýt, nhiều lúc tôi chạnh lòng muốn khóc. Tôi thèm hạnh phúc của em trai, thèm một tổ ấm riêng cùng Xoan.
“Sớm nhất cũng hết ba năm đại tang. Là con trai trưởng, phải giữ tròn chữ hiếu. Đừng để thiên hạ cười nhà mình vô phúc”.
Cha tôi đã nói thế.
Mấy hôm nay có áp thấp nhiệt đới nên ngày như ngắn lại cho đêm dài thêm. Mới hơn 5 giờ chiều đã tranh tối tranh sáng, nhòa nhạt bóng người. Trên những tàng cây cao, lũ chim xáo xác về tổ.
Chiều nay nhiều gió quá, không khí ẩm ướt. Nép mình sau thân cây to tránh gió, tôi bâng khuâng thầm hỏi: trên đường về, Xoan có lạnh lắm không? Xe có thình lình hư hỏng gì không?
Một lần, tôi đã nói:
-Cưới nhau xong, anh không cho em đi làm nữa đâu. Đường xa trời tối, anh không yên tâm.
Xoan phản đối ngay:
-Không. Cưới rồi thì em vẫn đi làm chứ, để còn phụ anh trả nợ nữa. Tiền nợ thuốc của mẹ, anh đã góp xong đâu?
Lời Xoan làm tôi đắng họng, nghẹn ngào. Xoan nói thêm:
-Công việc đang tốt, bỏ uổng lắm. Mà anh đừng lo, đường từ thị xã về giờ nhiều đèn sáng, đông xe qua lại chứ không vắng như trước. Nhiều người còn lên Sài Gòn hay ra tận Hà Nội đấy. Em chỉ làm trên thị xã, đã có gì là xa?
Dù Xoan trấn an thì tôi vẫn không bớt lo lắng. Tôi sốt ruột chờ đến lúc nghe tiếng xe máy thân quen từ xa xa vẳng lại, lúc đó mới thở phào nhẹ nhõm.
Đang suy nghĩ vẩn vơ, tôi chợt thấy phía trước thấp thoáng màu áo tím len lỏi giữa những hàng duối dày. Trong màn đêm vừa ụp xuống rất nhanh, một bóng dáng mảnh dẻ đang thoăn thoắt tiến về phía tôi.
“Là Xoan!”, tôi reo thầm, lòng nôn nao mừng rỡ.
Hôm nay chắc Xoan nghỉ làm nên đến chỗ hẹn sớm hơn thường lệ và không đi xe.
Tôi chưa kịp lên tiếng thì Xoan đã nắm áo tôi giật mạnh, rồi hối hả quay lưng. Không hiểu Xoan muốn tôi đi đâu nhưng thấy thái độ hấp tấp khác thường ấy, tôi cảm nhận có điều gì quan trọng hơn tôi tưởng.
Xoan đi nhanh như chạy vào phía trong, dẫn tôi qua khỏi những bụi duối um tùm, cao xấp xỉ vai người. Đến một ụ rơm ngất ngưởng giữa trời đêm, Xoan mới đứng lại. Yên ắng và tối tăm, tôi mở to mắt nhìn quanh chỉ thấy lờ mờ. Trên đầu tôi, tiếng gió khua cành lá chạm nhau xào xạc.
Xoan lẳng lặng kéo tôi cùng ngồi xuống. Gió tạt mái tóc xõa dài bay ngang, che gần kín mặt Xoan. Từ cây rơm xộc vào mũi tôi mùi lúa nếp mới gặt, rất dễ chịu, át đi hương dầu gội dầu xả quen thuộc từ hai bàn tay nhỏ nhắn của Xoan.
Vẫn không nói một lời, Xoan đột ngột vòng hai tay ôm cổ tôi vít xuống. Tôi rùng mình sởn gai ốc, khắp người nóng bừng bừng như lên cơn sốt khi mặt úp vào một bầu ngực mềm ấm, tròn đầy. Từ khi nào hàng nút áo của Xoan đã mở sẵn. Rất gọi mời.
Đầu óc mụ mị mất hết tỉnh táo, mất luôn mọi khái niệm, tôi chết chìm trong bản năng cuồng nhiệt, đam mê. Quanh tôi lúc này, đồng lõa với màn đêm chỉ còn hương thơm rơm nếp mới bao trùm.
Thình lình, cũng bất ngờ không kém, Xoan đẩy tôi ra và vùng bỏ chạy. Rất nhanh, thoáng chốc đã biến mất vào bóng tối dày đặc. Tôi không tài nào đuổi kịp.
Cả đêm đó, tôi không chợp mắt một giây. Bao nhiêu cảm xúc quay cuồng xâm chiếm, như một thước phim được chiếu đi chiếu lại quá nhiều lần, đến nhàm chán, đến mệt nhoài.
Tôi đặt vô vàn câu hỏi, loay hoay mãi cũng không thể tìm ra một lời giải tương đối thỏa đáng. Đến nỗi có lúc tôi ngờ rằng chuyện vừa xảy ra chỉ là một… “giấc mơ tiên”. Nhưng vừa nghĩ vậy, tôi xua đi ngay. Không thể là chiêm bao khi cảm xúc trong tôi vẫn còn sống động, nồng nàn.
Sáng hôm sau, tôi đã tìm tới “chốn thần tiên” ấy một lần nữa, để ngẩn ngơ ngồi rất lâu bên cây rơm vàng ruộm cao to sừng sững. Cảnh thật, không phải ảo ảnh! Vẫn còn đây mùi thơm nếp mới len lỏi vào tận tim cho lòng tôi lại bồi hồi, mê mị. “Hương gây mùi nhớ” đánh thức nguyên vẹn đắm đuối vừa qua.
Không hiểu sao gần đây, Xoan lại bỏ lối cũ chọn con đường khác để đi về. Xa hơn, gập ghềnh hơn. Hình như Xoan đang muốn tránh mặt tôi thì phải?
Mặc cho tôi đợi chờ mỏi mòn rồi thất vọng lủi thủi quay về, Xoan không một lời nhắn nhe giải thích. Tôi càng nghi ngờ, bứt rứt khổ sở. Nhiều lần như vậy, linh cảm báo cho tôi một biến cố nào đó đã xoay chiều tình cảm Xoan.
Phải kiên nhẫn lắm, tôi mới “đón lỏng” được Xoan và khi nghe tận tai lời nói chia tay, tôi đau đớn nhiều hơn ngạc nhiên.
-Vì em đã yêu ai khác, phải không?
-Không có ai cả.
-Vì em mệt mỏi chờ đợi anh quá lâu?
-Cũng không.
-Vì em...
Xoan ngắt ngang:
-Anh đừng “vì em... vì em...” mãi thế. Anh tự hiểu đi.
-Em không nói làm sao anh hiểu. Lý do gì tự nhiên em đòi chia tay?
-Em không nói được... Nghĩ đến thôi đủ đau lòng rồi...
Thấy Xoan bật lên khóc, tôi quàng tay chưa kịp ôm thì Xoan đã gạt tôi ra:
-Đừng chạm vào em!
-Anh có làm gì lỗi với em không?
-Chưa cưới nhau thì anh không có lỗi gì với em cả.
-Vậy sao đòi bỏ anh?
-Thôi, anh đừng hỏi... Từ nay cũng đừng chặn đường em nữa, lỡ ai nhìn thấy...
Giọng tôi lạc đi như muốn khóc:
-Em suy nghĩ kỹ chưa, Xoan?
-Có. Cả tháng... không, cả mấy tháng nay, em nghĩ nhiều lắm... Chia tay là tốt nhất.
-Nếu em không nói rõ lý do là em giết anh lần mòn đó. Anh sẽ đau khổ đến chết được.
Xoan lại nấc lên:
-Em cũng rất đau khổ... Nhưng… Em sợ miệng thiên hạ lắm...
Tôi ngẩn mặt ra. Thiên hạ làm gì cho Xoan sợ? Hay có ai bắt gặp tôi và Xoan bên cây rơm buổi tối đó chăng? Nhưng cái lần đầu -cũng là duy nhất- ấy đã lâu rồi, không phải mới đây.
Cả năm tôi miệt mài theo các công trình liên tục, vài tháng mới thu xếp về thăm Xoan được một lần, tôi có gặp ai để nghe, để biết chuyện gì?
-Thiên hạ làm sao? Em úp úp mở mở vậy, anh không hiểu.
-Không hiểu thì thôi!
Mặc tôi gặn hỏi, Xoan nhất định không nói thêm.
Lần cuối cùng gặp nhau đó, Xoan khẳng định “không yêu ai khác” và “cũng rất đau khổ”... Vậy mà chỉ hơn tháng sau, Xoan lấy chồng thật: một người khá lớn tuổi, góa vợ và là chủ tiệm uốn tóc Xoan làm việc mấy năm nay. Không chỉ mở tiệm tóc, ông chủ ấy còn có nhiều cơ ngơi vững vàng khác, đâu tay trắng như tôi.
Nên nghe tin, tôi nhếch mép cười mà mắt cay sè như muối xát:
-Ra thế!
Và tôi nhớ ngay đến câu hát ru con của người em dâu: “Ví dầu tình bậu muốn thôi / Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra...”
4.
-Mày phải nói thật, mày loạn luân với thằng Dự từ khi nào? Thằng “thổ phỉ” đó quyến rũ mày, phải không?
Trước cơn thịnh nộ của tôi, đứa con dâu -mà tôi từng nghĩ rất ngoan hiền, đức hạnh- không trả lời, chỉ gằm mặt khóc, vai rung bần bật và hai bàn tay xoắn chặt vào nhau.
-Nói! Đừng có ngậm câm như thế.
Tôi giận dữ nắm cổ tay Nhã, bóp mạnh.
Nó nhăn nhó, kêu lên:
-Đau con quá, cha ơi!
Sợ người ngoài nghe được, tôi chỉ dám rít qua kẽ răng:
-Người ta đang đồn đầy tai kia kìa. Chúng mày làm chuyện tồi bại trong nhà tao bao nhiêu lần rồi?
-Không lần nào đâu cha… Con nói thật… Con thề!...
Nhã càng chối tội tôi càng điên tiết, ước gì có thể “dần” đứa con dâu hư hỏng này một trận nên thân! Nhưng không ra tay đánh được, tôi xả giận bằng cú đạp cho nó ngã dúi dụi.
Tóc rũ rượi, Nhã úp sấp mặt trên nền nhà, co quắp, bèo nhèo như một cái mền rách.
Tôi gầm gừ:
-Để tao đem thằng Bòn Bon đi xét nghiệm, xem mày chối vô đâu. Tao cho thằng Dự vào tù…
-Đừng, cha ơi!... Oan anh Dự lắm…
-Hừ, oan? Nó xúi mày phản bội chồng, nó làm mày có con mà oan?
Nhã gượng chống tay ngồi dậy, ngước khuôn mặt đẫm ướt lên nhìn tôi:
-Tại con cả, một mình con… Chỉ vì con quá yêu chồng nên lỡ dại...
Tôi quát lên qua hàm răng nghiến chặt:
-Yêu chồng mà lăng loàn với chính anh chồng?
-Vì con sợ cha cưới vợ khác cho anh Văn… Chồng con mà bỏ con, con chỉ còn đường nhảy xuống sông thôi, cha ơi!
Câu nói như ca nước đá tạt vào tận tim làm tôi bừng tỉnh. Tôi rùng mình, sống lưng ớn lạnh. Tôi lờ mờ hiểu ra rồi. Mặt đờ đẫn, óc quay cuồng, lương tâm tôi như vừa trỗi dậy, đang lên tiếng mắng mỏ tôi. Tôi không thấy con dâu có tội lớn nữa khi chính tôi đã đẩy chúng vào bi kịch hôm nay.
Nỗi uất nghẹn trào lên cổ làm tôi như sắp đứt hơi:
-Nhưng... Sao không phải… đứa nào khác... mà lại là... thằng Dự?
Bây giờ Nhã như đã dần bình tĩnh. Nó ngồi thẳng lưng, rành rọt trả lời:
-Vì anh Dự là anh ruột của anh Văn.
-?
-Nên Bòn Bon vẫn là máu huyết của cha.
Tôi thót tim, chân tay run bần bật. Lời con dâu làm tôi không cãi được nửa lời. Ngồi chết lặng trên ghế, tôi thở dốc từng cơn như hụt hơi.
Hẳn lúc này nhìn tôi có gì đó đáng sợ lắm nên Nhã hốt hoảng vùng dậy, cuống cuồng chạy khỏi nhà.
Ánh mắt vô hồn của tôi tình cờ chạm vào di ảnh vợ trên bàn thờ. Mặt bà ấy hôm nay sao mà buồn thế? Buồn thê thiết. Buồn hơn cả ngàn ngày buồn cộng lại. Từ đôi mắt như sắp trào rơi mấy giọt thủy tinh. Ngày xưa cặp mắt bồ câu ấy hớp hồn tôi, từng làm tôi yêu mê mệt, tưởng có thể chết đi sống lại. Chỉ vì quá yêu đôi mắt đẹp mà tôi không lưỡng lự, quyết định cưới luôn cả một con người, bất chấp mọi chướng ngại.
Có phải do tuổi trẻ hiếu thắng và bồng bột mà tôi đã nhìn hôn nhân “lý tưởng” quá chăng? Vì chỉ vài năm sau, khi có thêm Văn, tôi rơi vào trầm cảm, bị dằn vặt rất nhiều. Từng bước, tôi thay đổi cả tư tưởng lẫn hành động mà chính tôi cũng không ngờ. Bao năm tôi sống giả dối, ru ngủ mình bằng cách tự cài lên ngực tấm huân chương tưởng thưởng một... “hành vi cao thượng”. Trong sâu thẳm tâm hồn, tôi ân hận mà lại không can đảm nhìn nhận.
Có Văn rồi, tôi mới thấy thật phi lý và rất bất công -cho tôi, cho Văn- nếu tôi tiếp tục ban phát tình thương cũng như phí hoài công sức nuôi nấng dạy dỗ Dự. Đứa con này đâu xứng đáng để hưởng.
“Vì anh Dự là anh ruột của anh Văn...”
Lời ngộ nhận của Nhã khác gì lưỡi dao nhọn xuyên thấu tim tôi. Đau đớn. Ê chề. Tuyệt vọng. Tôi đã mất mát. Đã thua. Đã trắng tay rồi.
“... Nên Bòn Bon vẫn là máu huyết của cha”.
Không, Bòn Bon không bao giờ là máu huyết của tôi mà chỉ là dòng dõi kẻ vô danh nào đó.
Buổi chiều thuở ấy, bất chợt có trận mưa to -to đến tối trời tối đất- một người lạ mặt trong lúc tấp vào nhà xin trú mưa đã bất ngờ nổi thú tính, dùng sức mạnh xâm hại một cô gái. Hành động đốn mạt của gã vô danh kia gửi lại cho cô một “sản phẩm bất đắc dĩ”. Tủi nhục lẫn tuyệt vọng, cô gái mấy lần ra bờ sông toan tự trầm.
Và kẻ đang “cuồng yêu” là tôi đã tự nguyện đứng ra nhận hết về mình... - /.
VVM.01.03.2025.

Mấy hôm nay có áp thấp nhiệt đới nên ngày như ngắn lại cho đêm dài thêm. Mới hơn 5 giờ chiều đã tranh tối tranh sáng, nhòa nhạt bóng người. Trên những tàng cây cao, lũ chim xáo xác về tổ.
Chiều nay nhiều gió quá, không khí ẩm ướt. Nép mình sau thân cây to tránh gió, tôi bâng khuâng thầm hỏi: trên đường về, Xoan có lạnh lắm không? Xe có thình lình hư hỏng gì không?
Một lần, tôi đã nói:
-Cưới nhau xong, anh không cho em đi làm nữa đâu. Đường xa trời tối, anh không yên tâm.
Xoan phản đối ngay:
-Không. Cưới rồi thì em vẫn đi làm chứ, để còn phụ anh trả nợ nữa. Tiền nợ thuốc của mẹ, anh đã góp xong đâu?
Lời Xoan làm tôi đắng họng, nghẹn ngào. Xoan nói thêm:
-Công việc đang tốt, bỏ uổng lắm. Mà anh đừng lo, đường từ thị xã về giờ nhiều đèn sáng, đông xe qua lại chứ không vắng như trước. Nhiều người còn lên Sài Gòn hay ra tận Hà Nội đấy. Em chỉ làm trên thị xã, đã có gì là xa?
Dù Xoan trấn an thì tôi vẫn không bớt lo lắng. Tôi sốt ruột chờ đến lúc nghe tiếng xe máy thân quen từ xa xa vẳng lại, lúc đó mới thở phào nhẹ nhõm.
Đang suy nghĩ vẩn vơ, tôi chợt thấy phía trước thấp thoáng màu áo tím len lỏi giữa những hàng duối dày. Trong màn đêm vừa ụp xuống rất nhanh, một bóng dáng mảnh dẻ đang thoăn thoắt tiến về phía tôi.
“Là Xoan!”, tôi reo thầm, lòng nôn nao mừng rỡ.
Hôm nay chắc Xoan nghỉ làm nên đến chỗ hẹn sớm hơn thường lệ và không đi xe.
Tôi chưa kịp lên tiếng thì Xoan đã nắm áo tôi giật mạnh, rồi hối hả quay lưng. Không hiểu Xoan muốn tôi đi đâu nhưng thấy thái độ hấp tấp khác thường ấy, tôi cảm nhận có điều gì quan trọng hơn tôi tưởng.
Xoan đi nhanh như chạy vào phía trong, dẫn tôi qua khỏi những bụi duối um tùm, cao xấp xỉ vai người. Đến một ụ rơm ngất ngưởng giữa trời đêm, Xoan mới đứng lại. Yên ắng và tối tăm, tôi mở to mắt nhìn quanh chỉ thấy lờ mờ. Trên đầu tôi, tiếng gió khua cành lá chạm nhau xào xạc.
Xoan lẳng lặng kéo tôi cùng ngồi xuống. Gió tạt mái tóc xõa dài bay ngang, che gần kín mặt Xoan. Từ cây rơm xộc vào mũi tôi mùi lúa nếp mới gặt, rất dễ chịu, át đi hương dầu gội dầu xả quen thuộc từ hai bàn tay nhỏ nhắn của Xoan.
Vẫn không nói một lời, Xoan đột ngột vòng hai tay ôm cổ tôi vít xuống. Tôi rùng mình sởn gai ốc, khắp người nóng bừng bừng như lên cơn sốt khi mặt úp vào một bầu ngực mềm ấm, tròn đầy. Từ khi nào hàng nút áo của Xoan đã mở sẵn. Rất gọi mời.
Đầu óc mụ mị mất hết tỉnh táo, mất luôn mọi khái niệm, tôi chết chìm trong bản năng cuồng nhiệt, đam mê. Quanh tôi lúc này, đồng lõa với màn đêm chỉ còn hương thơm rơm nếp mới bao trùm.
Thình lình, cũng bất ngờ không kém, Xoan đẩy tôi ra và vùng bỏ chạy. Rất nhanh, thoáng chốc đã biến mất vào bóng tối dày đặc. Tôi không tài nào đuổi kịp.
Cả đêm đó, tôi không chợp mắt một giây. Bao nhiêu cảm xúc quay cuồng xâm chiếm, như một thước phim được chiếu đi chiếu lại quá nhiều lần, đến nhàm chán, đến mệt nhoài.
Tôi đặt vô vàn câu hỏi, loay hoay mãi cũng không thể tìm ra một lời giải tương đối thỏa đáng. Đến nỗi có lúc tôi ngờ rằng chuyện vừa xảy ra chỉ là một… “giấc mơ tiên”. Nhưng vừa nghĩ vậy, tôi xua đi ngay. Không thể là chiêm bao khi cảm xúc trong tôi vẫn còn sống động, nồng nàn.
Sáng hôm sau, tôi đã tìm tới “chốn thần tiên” ấy một lần nữa, để ngẩn ngơ ngồi rất lâu bên cây rơm vàng ruộm cao to sừng sững. Cảnh thật, không phải ảo ảnh! Vẫn còn đây mùi thơm nếp mới len lỏi vào tận tim cho lòng tôi lại bồi hồi, mê mị. “Hương gây mùi nhớ” đánh thức nguyên vẹn đắm đuối vừa qua.

Không hiểu sao gần đây, Xoan lại bỏ lối cũ chọn con đường khác để đi về. Xa hơn, gập ghềnh hơn. Hình như Xoan đang muốn tránh mặt tôi thì phải?
Mặc cho tôi đợi chờ mỏi mòn rồi thất vọng lủi thủi quay về, Xoan không một lời nhắn nhe giải thích. Tôi càng nghi ngờ, bứt rứt khổ sở. Nhiều lần như vậy, linh cảm báo cho tôi một biến cố nào đó đã xoay chiều tình cảm Xoan.
Phải kiên nhẫn lắm, tôi mới “đón lỏng” được Xoan và khi nghe tận tai lời nói chia tay, tôi đau đớn nhiều hơn ngạc nhiên.
-Vì em đã yêu ai khác, phải không?
-Không có ai cả.
-Vì em mệt mỏi chờ đợi anh quá lâu?
-Cũng không.
-Vì em...
Xoan ngắt ngang:
-Anh đừng “vì em... vì em...” mãi thế. Anh tự hiểu đi.
-Em không nói làm sao anh hiểu. Lý do gì tự nhiên em đòi chia tay?
-Em không nói được... Nghĩ đến thôi đủ đau lòng rồi...
Thấy Xoan bật lên khóc, tôi quàng tay chưa kịp ôm thì Xoan đã gạt tôi ra:
-Đừng chạm vào em!
-Anh có làm gì lỗi với em không?
-Chưa cưới nhau thì anh không có lỗi gì với em cả.
-Vậy sao đòi bỏ anh?
-Thôi, anh đừng hỏi... Từ nay cũng đừng chặn đường em nữa, lỡ ai nhìn thấy...
Giọng tôi lạc đi như muốn khóc:
-Em suy nghĩ kỹ chưa, Xoan?
-Có. Cả tháng... không, cả mấy tháng nay, em nghĩ nhiều lắm... Chia tay là tốt nhất.
-Nếu em không nói rõ lý do là em giết anh lần mòn đó. Anh sẽ đau khổ đến chết được.
Xoan lại nấc lên:
-Em cũng rất đau khổ... Nhưng… Em sợ miệng thiên hạ lắm...
Tôi ngẩn mặt ra. Thiên hạ làm gì cho Xoan sợ? Hay có ai bắt gặp tôi và Xoan bên cây rơm buổi tối đó chăng? Nhưng cái lần đầu -cũng là duy nhất- ấy đã lâu rồi, không phải mới đây.
Cả năm tôi miệt mài theo các công trình liên tục, vài tháng mới thu xếp về thăm Xoan được một lần, tôi có gặp ai để nghe, để biết chuyện gì?
-Thiên hạ làm sao? Em úp úp mở mở vậy, anh không hiểu.
-Không hiểu thì thôi!
Mặc tôi gặn hỏi, Xoan nhất định không nói thêm.
Lần cuối cùng gặp nhau đó, Xoan khẳng định “không yêu ai khác” và “cũng rất đau khổ”... Vậy mà chỉ hơn tháng sau, Xoan lấy chồng thật: một người khá lớn tuổi, góa vợ và là chủ tiệm uốn tóc Xoan làm việc mấy năm nay. Không chỉ mở tiệm tóc, ông chủ ấy còn có nhiều cơ ngơi vững vàng khác, đâu tay trắng như tôi.
Nên nghe tin, tôi nhếch mép cười mà mắt cay sè như muối xát:
-Ra thế!
Và tôi nhớ ngay đến câu hát ru con của người em dâu: “Ví dầu tình bậu muốn thôi / Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra...”
4.
-Mày phải nói thật, mày loạn luân với thằng Dự từ khi nào? Thằng “thổ phỉ” đó quyến rũ mày, phải không?
Trước cơn thịnh nộ của tôi, đứa con dâu -mà tôi từng nghĩ rất ngoan hiền, đức hạnh- không trả lời, chỉ gằm mặt khóc, vai rung bần bật và hai bàn tay xoắn chặt vào nhau.
-Nói! Đừng có ngậm câm như thế.
Tôi giận dữ nắm cổ tay Nhã, bóp mạnh.
Nó nhăn nhó, kêu lên:
-Đau con quá, cha ơi!
Sợ người ngoài nghe được, tôi chỉ dám rít qua kẽ răng:
-Người ta đang đồn đầy tai kia kìa. Chúng mày làm chuyện tồi bại trong nhà tao bao nhiêu lần rồi?
-Không lần nào đâu cha… Con nói thật… Con thề!...
Nhã càng chối tội tôi càng điên tiết, ước gì có thể “dần” đứa con dâu hư hỏng này một trận nên thân! Nhưng không ra tay đánh được, tôi xả giận bằng cú đạp cho nó ngã dúi dụi.
Tóc rũ rượi, Nhã úp sấp mặt trên nền nhà, co quắp, bèo nhèo như một cái mền rách.
Tôi gầm gừ:
-Để tao đem thằng Bòn Bon đi xét nghiệm, xem mày chối vô đâu. Tao cho thằng Dự vào tù…
-Đừng, cha ơi!... Oan anh Dự lắm…
-Hừ, oan? Nó xúi mày phản bội chồng, nó làm mày có con mà oan?
Nhã gượng chống tay ngồi dậy, ngước khuôn mặt đẫm ướt lên nhìn tôi:
-Tại con cả, một mình con… Chỉ vì con quá yêu chồng nên lỡ dại...
Tôi quát lên qua hàm răng nghiến chặt:
-Yêu chồng mà lăng loàn với chính anh chồng?
-Vì con sợ cha cưới vợ khác cho anh Văn… Chồng con mà bỏ con, con chỉ còn đường nhảy xuống sông thôi, cha ơi!
Câu nói như ca nước đá tạt vào tận tim làm tôi bừng tỉnh. Tôi rùng mình, sống lưng ớn lạnh. Tôi lờ mờ hiểu ra rồi. Mặt đờ đẫn, óc quay cuồng, lương tâm tôi như vừa trỗi dậy, đang lên tiếng mắng mỏ tôi. Tôi không thấy con dâu có tội lớn nữa khi chính tôi đã đẩy chúng vào bi kịch hôm nay.
Nỗi uất nghẹn trào lên cổ làm tôi như sắp đứt hơi:
-Nhưng... Sao không phải… đứa nào khác... mà lại là... thằng Dự?
Bây giờ Nhã như đã dần bình tĩnh. Nó ngồi thẳng lưng, rành rọt trả lời:
-Vì anh Dự là anh ruột của anh Văn.
-?
-Nên Bòn Bon vẫn là máu huyết của cha.
Tôi thót tim, chân tay run bần bật. Lời con dâu làm tôi không cãi được nửa lời. Ngồi chết lặng trên ghế, tôi thở dốc từng cơn như hụt hơi.
Hẳn lúc này nhìn tôi có gì đó đáng sợ lắm nên Nhã hốt hoảng vùng dậy, cuống cuồng chạy khỏi nhà.
Ánh mắt vô hồn của tôi tình cờ chạm vào di ảnh vợ trên bàn thờ. Mặt bà ấy hôm nay sao mà buồn thế? Buồn thê thiết. Buồn hơn cả ngàn ngày buồn cộng lại. Từ đôi mắt như sắp trào rơi mấy giọt thủy tinh. Ngày xưa cặp mắt bồ câu ấy hớp hồn tôi, từng làm tôi yêu mê mệt, tưởng có thể chết đi sống lại. Chỉ vì quá yêu đôi mắt đẹp mà tôi không lưỡng lự, quyết định cưới luôn cả một con người, bất chấp mọi chướng ngại.
Có phải do tuổi trẻ hiếu thắng và bồng bột mà tôi đã nhìn hôn nhân “lý tưởng” quá chăng? Vì chỉ vài năm sau, khi có thêm Văn, tôi rơi vào trầm cảm, bị dằn vặt rất nhiều. Từng bước, tôi thay đổi cả tư tưởng lẫn hành động mà chính tôi cũng không ngờ. Bao năm tôi sống giả dối, ru ngủ mình bằng cách tự cài lên ngực tấm huân chương tưởng thưởng một... “hành vi cao thượng”. Trong sâu thẳm tâm hồn, tôi ân hận mà lại không can đảm nhìn nhận.
Có Văn rồi, tôi mới thấy thật phi lý và rất bất công -cho tôi, cho Văn- nếu tôi tiếp tục ban phát tình thương cũng như phí hoài công sức nuôi nấng dạy dỗ Dự. Đứa con này đâu xứng đáng để hưởng.
“Vì anh Dự là anh ruột của anh Văn...”
Lời ngộ nhận của Nhã khác gì lưỡi dao nhọn xuyên thấu tim tôi. Đau đớn. Ê chề. Tuyệt vọng. Tôi đã mất mát. Đã thua. Đã trắng tay rồi.
“... Nên Bòn Bon vẫn là máu huyết của cha”.
Không, Bòn Bon không bao giờ là máu huyết của tôi mà chỉ là dòng dõi kẻ vô danh nào đó.
Buổi chiều thuở ấy, bất chợt có trận mưa to -to đến tối trời tối đất- một người lạ mặt trong lúc tấp vào nhà xin trú mưa đã bất ngờ nổi thú tính, dùng sức mạnh xâm hại một cô gái. Hành động đốn mạt của gã vô danh kia gửi lại cho cô một “sản phẩm bất đắc dĩ”. Tủi nhục lẫn tuyệt vọng, cô gái mấy lần ra bờ sông toan tự trầm.
Và kẻ đang “cuồng yêu” là tôi đã tự nguyện đứng ra nhận hết về mình... - /.