Nhà Thư có truyền thống nhà giáo từ thời ông bà. Ba mẹ và anh chị Thư sau này cũng điều làm giáo viên. Thư là giáo viên tiểu học đi dạy đã được ba năm. Thư yêu nghề và quý mến bọn trẻ như những người thân yêu trong gia đình. Thư thích làm thiện nguyện nhất là đi đến những vùng sâu vùng xa, những nơi còn nhiều thiếu thốn con người phải chịu nhiều thiệt thòi khổ sở. Lúc còn là sinh viên, mỗi năm Thư đều tham gia chiến dịch thanh niên tình nguyện mùa hè xanh của trường. Có lần từ Sài Gòn phái đoàn của Thư được lên thăm vùng đất Tây Nguyên đi sâu vào các bản làng. Nhìn thấy cuộc sống và con người ở nơi này, Thư thương và bồi hồi xúc động. Nhất là những đứa trẻ tuy tuổi còn rất bé nhỏ nhưng đã phải vất vả mưu sinh phụ giúp gia đình, có những em con chữ học hành rất là xa vời. Gia đình không có điều kiện, điểm trường thì lại quá xa nhà. Sau chuyến đi lần ấy, Thư từng có ý nghĩ sau này ra trường sẽ lên bản làm việc, đem con chữ đến cho các em.
***
Bên ngoài bầu trời đã một màu u tối, thỉnh thoảng gió nhẹ thổi qua len lén luồng qua khe cửa chạy vào phòng. Thư đang ngồi thất thần trên bàn làm việc ngắm nhìn tờ giấy xin chuyển công tác.
Ba Thư gõ cửa phòng mấy lần nhưng không thấy Thư phản ứng nên đẩy nhẹ cửa đi vào xem thử. Từ sau lưng Thư ông nhìn thấy nội dung tờ giấy đặt trên bàn. Ông khẽ cau mày không vui.
“Con xin chuyển công tác đi đâu, con có biết để được vào trường học tốt để dạy như con là ao ước của rất nhiều sinh viên sư phạm không? Khó khăn lắm mới xin được vào trường bây giờ con lại xin chuyển đi”.
Thư sững sờ vội vàng giấu tờ giấy trên bàn đi lúng túng giải thích với ba.
“Con xin lỗi ba nhưng mà con rất muốn được đem con chữ lên Tây Nguyên vào các bản làng. Các em nhỏ ở đó đáng thương lắm ba. Ba mẹ cũng từng dạy con nên biết thương người và giúp đỡ người khác mà”.
Ba Thư chưng hửng, mấy lần ông có nghe Thư kể về những chuyến thiện nguyện trên vùng đất Tây Nguyên. Những đứa trẻ phải đi chân trần, mặc quần áo cũ sớm ra đời bươn chải mưu sinh nhặt củi hái rau rừng, học hành thì chữ biết chữ không. Trên Tây Nguyên cũng có trường học sâu trong các bản làng. Nhưng thầy cô rất ít và học sinh lại càng ít hơn. Ông nghe mà thương lắm chứ. Bản thân cũng là giáo viên bao nhiêu năm, nhìn những đứa trẻ ở miền xuôi đi học đầy đủ, quần áo tươm tất, ba mẹ lo lắng không thiếu thốn gì rồi nghĩ đến những đứa trẻ kia làm sau ông có thể không thương cảm cho được. Ông thở dài vuốt nhẹ mái tóc dài của đứa con gái út ông cưng yêu nhất nhà.
“Con còn trẻ tuổi lại là con gái, lên đó cực khổ thiếu thốn làm sao con chịu được”.
Thư đỏ mắt rưng rưng ngấn lệ nắm tay ba trải lòng cho ông biết sự quyết tâm không ngại gian khổ khó nhọc của mình.
“Ba cho con đi lên đó thử một năm thôi cũng được, nếu không chịu được con lại về nhà được không ba?”
Ba Thư thở dài chỉ mong con gái hiểu được nỗi lòng của ông.
***
Thư được một thầy giáo trung niên tuổi tầm hơn bốn mươi chạy xe máy ra bến xe đón. Thư đã được lên trường trên bản một lần nên cũng nhớ đường xá thế nào. Từ đường quốc lộ chạy vào con đường mòn dẫn lên núi vào bản, nhờ Thư đến vào tháng sau tết không khí vẫn còn dịu mát, hai bên cây cối um tùm, đường đất có đoạn gồ ghề xốc nảy nhưng còn dễ di chuyển hơn những tháng mùa mưa. Sau hơn một tiếng cũng đến được ngôi trường đơn sơ trên bản. Biết Thư đến trường đặc biệt làm buổi tiệc nhỏ có đầy đủ giáo viên và các học sinh của trường. Nói là tất cả nhưng giáo viên chỉ vỏn vẹn ba người, học sinh có hơn hai mươi đứa.
Thư đeo balo và cầm hai túi lớn đi đến chào hỏi mọi người. Thầy hiệu trưởng đã ngoài năm mươi mừng rỡ tay bắt mặt mừng với Thư, thầy không giấu được sự xúc động.
“Cô Thư đến tôi và mọi người mừng lắm, nhất là bọn trẻ đứa nào cũng nôn nao gặp cô Thư”.
Thư mỉm cười gật đầu chào hỏi cô giáo đang cho các em học sinh đứng xếp hàng. Ở đây có ba giáo viên thì hết hai người là nam đều đã trung niên và có gia đình nhà dưới thị xã. Chỉ có duy nhất cô Hiền, cô giáo đang đứng phía sau các bạn học sinh là nữ nhưng cũng là vợ của thầy giáo vừa đi đón Thư.
Các bạn nhỏ thấy Thư cười rạng rỡ đồng thanh hô to.
“Chúng em chào cô Thư. Chào mừng cô Thư đến trường nhỏ của chúng em”.
Thư đưa tay lau nhẹ khóe mắt vừa có một hạt nước rơi xuống, miệng nở nụ cười nhưng đôi mắt đỏ hoe xúc động. Thư đặt hai chiếc túi xuống mở lấy từ bên trong ra rất nhiều quà bánh đưa đến cho cô Hiền.
“Chị chia cho các bạn giúp em”.
Chẳng chờ cô Hiền nhắc nhở, các bạn nhỏ lại đồng thanh hô to khi biết mình có quà.
“Chúng em cảm ơn cô Thư”.
Thư được chị Hiền dẫn đến phòng riêng, nơi sẽ là nhà ở tạm của Thư trong những ngày sắp tới. Ở đây có hai phòng ở, một bếp ăn nhỏ và hai phòng học. Chị Hiền nói nhờ các mạnh thường quân ở miền xuôi giúp đỡ nên trường học vừa được sửa chữa khan trang và có nhiều đồ dùng học tập cũng như nội thất đầy đủ hơn cho thầy cô ở lại trường.
Thư nhìn căn phòng chỉ vỏn vẹn một chiếc giường nhỏ, một cái bàn cũng nhỏ và một chiếc tủ quần áo mới tinh mà bồi hồi xúc động. Lần này trường thay đổi rất nhiều so với lần trước Thư cùng phái đoàn thiện nguyện đến thăm. Dù đã khang trang hơn trước nhưng vẫn còn thiếu thốn hơn các trường trong thị xã rất nhiều.
Nhà Thầy hiệu trưởng ở thị xã, mỗi tuần thầy sẽ lên trường ba lần. Vì ngoài làm hiệu trưởng của trường trên bản thầy còn đi dạy ở một trường khác trong thị xã. Riêng vợ chồng cô giáo Hiền có nhà và con cái ở thị xã nhưng cả hai dọn luôn ở nội trú trong trường. Cuối tuần mới về thị xã thăm con cháu một lần. Cô Hiền nắm tay Thư động viên.
“Em cố gắng nhé, ở đây tuy thiếu thốn nhưng con người ở nơi này sống tình cảm lắm”.
Thư cười gật đầu rồi bắt đầu thu dọn đồ đạc của mình. Thư cũng ở lại nội trú trên trường, dù là con gái nhưng Thư không sợ ở một mình. Thầy hiệu trưởng có trấn an Thư, ở đây an ninh lắm. Bên cạnh trường học không xa chính là trụ sở của bộ đội kiểm lâm. Luôn có các đồng chí trực ban xuyên suốt ở đó. Mỗi tối họ cũng thường xuyên đi tuần tra đến trường học, và thỉnh thoảng sang ăn cơm cùng vợ chồng cô Hiền.
***
Thời gian thấm thoát trôi nhanh, Thư đã dạy ở trường mới được hơn một tháng. Những ngày đầu tiên bắt đầu dạy học, Thư gặp chút khó khăn vì các bạn nhỏ còn ngại giao tiếp với Thư. Nhưng ngày lại qua ngày cô trò đã hiểu nhau hơn và cũng vui vẻ hơn trong việc học. Thư hỏi thăm từng em kể về hoàn cảnh gia đình của mình để Thư thêm hiểu và sẻ chia. Cùng với việc học chữ Thư dẫn dắt các em suy nghĩ hướng về tương lai, về ước mơ vào thị xã về những thành phố lớn đang chờ các em khám phá.
Dạy học ở bản không đầy đủ vật chất, các em dân bản không có điều kiện như các em ở miền xuôi nhưng em nào cũng ham học và giàu tình cảm. Hôm nào Thư cũng được các em tặng hoa, dù chỉ là những bông hoa dại ven đường nhưng Thư quý và trân trọng lắm. Thư nhờ thầy hiệu trưởng mua cho mình bình hoa dưới thị xã đem lên. Mỗi ngày Thư cắm hoa các em tặng đặt trên bàn. Nhìn ngắm những bông hoa đủ màu sắc làm tâm trạng Thư cũng vơi đi hơn nỗi nhớ nhà.
***
Hôm nay là ngày quốc tế phụ nữ, sáng sớm Thư đã gọi điện thoại về nhà cho mẹ và nhắc ba phải tặng hoa cho mẹ, để mẹ được vui. Riêng Thư năm nay là lần đầu tiên Thư đón ngày quốc tế phụ nữ trên bản. Nếu là ở miền xuôi, có những bạn học sinh sẽ tặng hoa cho cô giáo để chúc mừng. Còn ở đây mỗi ngày Thư đều được tặng hoa nên Thư cũng rất vui. Thư đứng trước cửa lớp trông ngóng các bạn nhỏ đến lớp. Cô Hiền vừa gặp Thư có bảo hôm nay sẽ là ngày Thư được trải nghiệm nhiều niềm vui bất ngờ. Thư có hỏi là gì nhưng cô Hiền chỉ cười. Buổi học hôm nay Thư dự định sẽ dạy các bạn vẽ hoa và viết lời chúc về tặng cho bà, mẹ ở nhà.
Rồi đột nhiên Thư ngơ ngác nhìn nhóm học sinh đang đi vào trường với đủ thứ “vật lạ” trên tay. Các bạn đi đến trước mặt Thư cười háo hức.
“Em tặng cô Thư, chúc cô Thư ngày quốc tế phụ nữ vui vẻ”.
Một con gà mái, một trái bầu và rất nhiều bắp được các bạn nhỏ dúi vào tay Thư. Thư rưng rưng nước mắt, chưa bao giờ Thư được nhận những món quà đặc biệt thế này. Thư từ chối nhận nhưng bọn trẻ cứ nhất quyết bắt Thư phải nhận. Nhìn sang lớp bên cạnh của cô Hiền, cô Hiền cũng đang cười rạng rỡ nhận lấy những món quà tương tự Thư. Thư đỏ mắt ngậm ngùi vừa nhận quà vừa nói.
“Cảm ơn các em rất nhiều. Cô rất vui và hạnh phúc, đây là ngày quốc tế phụ nữ đáng nhớ nhất trong cuộc đời của cô luôn đấy”. ♥ -./.