Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


tranh Nguyễn Sơn

SỐNG GIẢ

(tiếp theo VAI DIỄN MÙA XUÂN)

K hi biết tôi chính là cô bé Tí Ti ngày xưa, cũng là cháu ngoại thầy thuốc đông y nổi tiếng một thời Tâm Thạnh, cả nhà Thanh bùng nổ niềm vui.

Nhất là mẹ Thanh. Mặt tươi cười rạng rỡ, bà hết nhắc chuyện hôm xưa lại sắp xếp chuyện hôm nay một cách rất hào hứng.

Cả tôi cả Thanh đều bẽn lẽn, không biết trốn vào đâu khi nghe bà kể lại quá khứ. Quá khứ ấy, có tôi là Tí Ti da ngăm đen và… răng sún; có cậu nhóc mọi người quen gọi bé Cò, thích đóng vai chú rể trong trò chơi đám cưới của lũ trẻ trong xóm. Bé Cò gầy nhom như que củi, khác hẳn chàng trai phong độ thu hút nhiều cô gái hiện nay.

Mặc mẹ Thanh độc thoại, ba người còn lại: Thanh, Hằng và tôi chỉ biết im lặng ngồi nghe.

Rất tỉ mỉ và chu đáo, mẹ Thanh phác thảo ngay chi tiết cho hôn lễ con trai mà bà bảo rằng sẽ tổ chức sớm nhất, có thể. Nữ trang mấy món... Bao nhiêu mâm quả... Danh sách khách mời… Đặt tiệc ở đâu… Trang phục màu gì…?

Bà không chờ hỏi ý kiến mẹ tôi, chắc bà đã biết điều đó… thừa!

Bà làm tôi vừa cảm động vừa… ngượng ngùng. Hạnh phúc ập đến bất ngờ quá, như trong mơ, tôi chẳng kịp… hoàn hồn!

Tâm hồn tôi lúc này là cả một vườn Xuân muôn màu khoe sắc, có hoa cười, bướm múa, chim ca khi nghe Thanh thú nhận anh đã “chú ý đặc biệt” đến tôi ngay ngày đầu vào công ty, được chị Phó Giám Đốc dẫn tới từng phòng giới thiệu nhân sự mới.

Thanh “ấn tượng” vì trong khi nhiều nhân viên nữ khác tươi cười “tay bắt mặt mừng” chào đón Thanh thì chỉ có tôi vẫn ngồi yên tại chỗ, ngước mắt nhìn anh. Ánh nhìn ấy làm anh nhớ rất lâu trong nhiều đêm mất ngủ. Thanh đâu biết giây phút ấy cũng là lúc lòng tôi vừa có một… “trái sầu rụng rơi”!

Nếu không vì lầm tưởng mối quan hệ giữa tôi và Ngữ, thì…

Khác hẳn không khí nặng nề của buổi cơm trưa, bữa ăn tất niên tối rộn ràng cười nói, niềm vui kéo dài đến qua giờ Giao Thừa.

Mẹ Thanh giục chúng tôi đi ngủ, để sáng mai Mồng Một Tết, còn dậy sớm đến nhà em trai bà -cậu Út của Thanh- bên Đồng Tháp.

Thông thường, ở miền Bắc hay miền Trung, người con trai trưởng lãnh vai trò quan trọng nhất gia tộc. Còn tại nhiều vùng Nam Bộ -như quê tôi hay quê Thanh- con trai út mới là người cáng đáng tất cả: nuôi cha mẹ khi còn sống và lãnh các giỗ chạp trong gia đình. Dĩ nhiên phần thừa kế từ tài sản của cha mẹ cũng sẽ thuộc về cậu út này nhiều hơn những người con khác. Câu nói dân gian “Giàu Út ăn, khó Út chịu” là thế.

Nên họ ngoại Thanh, như một thứ luật bất thành văn, ngày Mồng Một Tết, con cháu ở xa hay gần đều quy tụ về nhà cậu Út, kính nhớ tổ tiên.

Thanh kể: mẹ Thanh còn một ông anh và hai bà chị nhưng từ lâu các gia đình này lập nghiệp sinh sống ở Sài Gòn, chỉ có mẹ Thanh tương đối còn gần cậu Út nhất.

Ngót 50 tuổi, cậu Út vẫn độc thân vì vậy mẹ Thanh luôn có mặt ở nhà cậu sớm nhất để thổi xôi làm gà kịp đón mọi người lần lượt về sau. Năm nào cũng vậy. Trừ một tết cách đây bốn năm. Lúc đó cha Thanh bệnh nặng, bệnh viện tỉnh chuyển lên Sài Gòn điều trị, 3 mẹ con thay nhau chăm sóc ông, bắt buộc phải vắng mặt.

Tối qua, mẹ Thanh đã nhắc tôi mặc đẹp để hôm nay “ra mắt” họ hàng của bà.

Đã một lần xuống Đồng Tháp nên tôi không xa lạ đường đi. Mà nào tôi có chú ý lộ trình đâu. Tựa đầu vào vai Thanh, tôi khép hờ mi mắt, không phải vì còn buồn ngủ mà chỉ để chốc chốc đón một nụ hôn ấm áp, ngọt ngào. Qua gương chiếu hậu, tôi nghĩ mẹ Thanh và Hằng ngồi hàng ghế trên hẳn cũng nhiều lần bắt gặp.

Khoảng một giờ sau, xe ngừng lại, lúc đó tôi mới mở mắt choàng dậy và ngỡ ngàng nhìn ngôi nhà khang trang trước mặt. Một cái gì vừa lạ lại vừa quen.

Lạ có lẽ do hôm nay trên nền sân gạch rộng đặt quá nhiều hoa tết. Chậu Mai rực rỡ sắc vàng đối xứng cây Đào hồng tươi. Thêm Hướng Dương, Cúc đại đóa, Thược Dược, Đỗ Quyên cùng chục giỏ Lan thả lơ lửng từ giàn treo.

Còn quen vì cạnh hòn non bộ có trang trí đèn màu và tiếng suối nước róc rách, vẫn là chiếc xích đu khá cũ, nơi đó, một tối tôi đã ngồi đong đưa nghe Tùng tâm sự.

Dù chỉ là mối quan hệ ngắn ngủi vài ngày Xuân, Tùng đã rất chân thành kể với tôi góc khuất bí ẩn của anh và tôi lắng nghe với sự đồng cảm sâu sắc. Tôi hiểu Tùng đang cô đơn, rất cô đơn, từ lâu không tìm ra một người để anh thổ lộ những thầm kín đè nặng trong lòng.

Tùng kể: nhiều năm trước anh rất yêu một cô gái xóm dưới. Không phải người đầu tiên nhưng chắc chắn là người cuối cùng vì sau đó, anh không còn yêu một ai khác nữa. Tình càng sâu đậm, vết thương lòng càng khó chữa lành.

Cô gái ấy mồ côi cha khi mới sáu tuổi, bảy năm sau thì mất luôn mẹ. Cô bơ vơ, chẳng còn một ai thân thích nên người cha dượng đã nuôi cô đến lớn khôn.

Cô cũng rất yêu Tùng, tình đầu của cô. Hai người đặt nhiều tin tưởng vào một tương lai hạnh phúc.

Một ngày kia, không hẹn trước, Tùng sang nhà người yêu thì vô tình bắt gặp người cha dượng vừa từ buồng cô gái bước ra, tay còn cài dở nút áo. Nhìn thấy Tùng sừng sững trước cửa, ông ta tái xanh mặt, mắt lấm lét, lủi vội xuống nhà sau.

Tùng chết điếng, lao nhanh vào, đẩy mạnh cửa buồng để rồi không gượng được, anh quỵ chân xuống trước dấu tích trần trụi còn phơi ra trước mặt.

Kể tới đây, mắt Tùng ngân ngấn ướt, giọng nghèn nghẹn khiến tôi không dằn được xúc động. Tôi run rẩy nắm chặt bàn tay anh, bày tỏ một sẻ chia.

-Rồi… hai người chia tay từ đấy. Phải không?

Tùng cười buồn:

-Chứ em nghĩ… làm sao còn nhìn mặt nhau được nữa?

-Cô ấy phải phân trần hay giải thích thế nào chứ, sao cứ im lặng xa nhau?

-À, có đấy. Có nói lời xin lỗi… Rồi khóc nhiều lắm.

-Và anh… không thể tha thứ ư?

Nụ cười gượng gạo lại làm méo xệch khóe môi Tùng:

-Anh không biết anh có tha thứ chưa? Nhưng lúc ấy, anh đã nói lời dứt khoát: “Bây giờ dù em quỳ xuống lạy anh thì anh cũng chỉ biết quỳ lạy trả lại… rồi đường ai nấy đi thôi”!

Lời Tùng, tôi còn nhớ tới nay. Nhớ với rất nhiều ray rứt. Tôi biết Tùng đã nói thật tâm trạng anh và cũng là tâm trạng nhiều đàn ông khác nếu họ rơi vào trường hợp tương tự.

Sau đó, gửi mẹ già đến ở với gia đình người chị, Tùng bỏ lên Bình Dương làm việc một thời gian khá dài. Tôi hiểu anh muốn tránh xa cô gái, cũng là chạy trốn vùng trời dày đặc kỷ niệm của hai người. Mấy năm sau, khi sức khỏe mẹ già suy yếu, Tùng mới quay về phụng dưỡng.

Lần Tùng kể cho tôi nghe tâm sự ấy đã bốn Xuân rồi.

Qua một người bạn giới thiệu, Tết đó Tùng thuê tôi làm người yêu của anh. Anh đã ngoài 40 mà chưa chịu cưới vợ nên bà mẹ -tuổi thượng thọ- lo lắng lẫn buồn phiền, thúc ép không ngừng.

Tùng phân trần rằng: sau biến cố kinh khủng ấy, lòng anh đã chết, không còn thiết tha gì đến cô gái nào khác, có gượng ép cưới về chỉ làm khổ một đời người ta thôi. Anh không nỡ. Cũng như không nỡ nhìn mẹ già buồn khóc ngày đầu Xuân, Tùng nghe theo lời bạn tư vấn, đồng ý thuê tôi. Run rủi thế nào, Tùng chính là cậu Út của Thanh, mẹ Tùng là bà ngoại Thanh. Cậu cháu chỉ hơn nhau mười hai tuổi.

Trong khi Thanh còn lúi húi xách mấy túi đồ nặng chịch từ trên xe xuống, thì Hằng nhanh chân chạy vào trước, miệng gọi to:

-Cậu Út ơi, tụi con về rồi nè!

Tôi chết lặng nhìn người đàn ông vừa từ trong nhà tươi cười bước ra. Đích thị là Tùng, không khác mấy so với bốn năm trước.

Tùng cũng nhận ngay ra tôi, buột miệng gọi:

-Thy Trang!

Vừa lúc mẹ Thanh đi tới. Nghe vậy, bà cười, cải chính:

-Là Thủy Tiên, tôi sắp cưới cho thằng Thanh đó, cậu Út. Không phải Thy Trang nào của cậu đâu.

Đợi bà bước hẳn vào nhà rồi, Tùng nói nhỏ đủ tôi nghe:

-Giờ em tên Thủy Tiên, không còn là Thy Trang nữa à?

Không biết phải nói gì, tôi nhìn Tùng bằng ánh mắt van lơn, ngụ ý mong anh đừng nói ra chuyện cũ. Chẳng rõ Tùng có hiểu không mà chỉ lẳng lặng quay vào nhà.

Thấy tôi đứng mãi ngoài sân, Thanh giục:

-Vào đi em. Nhà có mình cậu Út thôi. Gần trưa mọi người mới về đông đủ.

Cần gì Thanh nói, từ bốn năm trước, tôi đã chứng kiến gần bữa trưa mọi người lần lượt về rồi. Ngày đó không chỉ họ hàng, mà bà con lối xóm tò mò muốn biết mặt tôi cũng đã sang. Mẹ Tùng có giới thiệu từng người nhưng tôi không chú ý nghe, không cả nhìn thẳng vào mặt một ai. Nhưng chắc chắn họ còn nhớ tôi: họ đã ngắm nghía săm soi tôi rất kỹ! Bây giờ biết tôi là vợ chưa cưới của Thanh, nhất định sẽ gây dị nghị, đồn đãi nhiều điều tiếng không hay.

Sợ hãi run chân cơ hồ đứng không vững, tôi níu tay Thanh, gần như hụt hơi:

-Anh ơi... cho... em về...

-Em sao vậy? Chóng mặt à?

Được Thanh ôm xốc vào nhà, tôi lả người chẳng khác tàu lá chuối héo. Không chỉ Thanh hốt hoảng mà mẹ anh, Hằng và cả Tùng cùng đứng bật dậy, mỗi người một câu rối rít:

-Con sao thế, Thủy Tiên?

-Chắc chị Hai trúng gió đó, má.

-Hằng xuống bếp pha ly nước đường cho chị con uống.

Thanh định đỡ tôi nằm xuống sofa, tôi chặn tay anh lại:

-Đừng... Khó coi lắm... Cho em về... Em mệt, ở lại cũng không giúp được việc gì đâu.

-Em đứng không vững thì về làm sao?

-Em đỡ rồi... Anh buông em ra. Em đi được.

Tôi đẩy tay Thanh, vuốt lại tóc, sửa lại áo, gượng nở nụ cười cho mọi người tin tưởng.

Mẹ Thanh nói:

-Cũng phải. Thanh đưa Thủy Tiên về đi. Ở đây lát nữa đông người ồn ào lắm, không nghỉ ngơi được đâu.

Chắc Tùng đoán ra lý do tôi thình lình “choáng” như vậy. Anh chỉ yên lặng đứng nhìn.

Tôi bảo Thanh:

-Anh ở lại với cậu Út. Em về một mình được.

Dĩ nhiên đời nào Thanh chịu nghe, nhất định đi cùng tôi.

Trên hành trình ngược về, lòng tôi là cả một trời giông gió. Tôi miên man nghĩ ngợi, cân nhắc thiệt hơn đến căng não.

Tôi không định giấu Thanh nhưng cũng không lường được phản ứng của anh sẽ thế nào. Tình yêu thầm lặng gần hai năm nay vừa chớm nở hoa, chỉ hôm trước hôm sau đã đụng chướng ngại, đe dọa một đổ vỡ khó cứu vãn.

Khi biết công việc tôi từng làm nhiều năm với chị Quyên, Thanh nghĩ gì về tôi? Có đánh giá tôi một cách lệnh lạc không? Thì ngay chính tôi cũng thành kiến với việc làm của mình đấy thôi? Nếu không, sao từ khi Thanh xuất hiện tôi lại quyết định từ bỏ để “xứng đáng” với anh?

Tôi im lìm suốt đường về, chỉ gật đầu lặng lẽ đáp lại quan tâm thăm hỏi của Thanh.

-Đêm qua thức hơi khuya, giờ em buồn ngủ. Anh để em ngủ, đừng đánh thức nghe.

Về tới nhà Thanh, tôi viện lý do để khóa trái cửa, nhốt mình trong phòng Hằng. Tôi lẩn thẩn không nghĩ ra: thái độ lạ lùng của tôi chỉ làm Thanh thêm ngờ vực.

Lúc này tôi cần thời gian tĩnh tâm suy nghĩ cho thấu đáo. Nhiều năm cộng tác với dịch vụ của chị Quyên, tôi không nhớ nổi đã làm “người yêu” của bao nhiêu chàng trai xa lạ. Dĩ nhiên chỉ vỏn vẹn vài giờ hoặc vài ngày rồi thôi, chẳng bao giờ còn gặp lại họ, cũng chẳng phát sinh tình cảm riêng tư nào. Nhưng điều đó chỉ người thuê biết, tôi biết, chị Quyên biết, chứ ai ngoài cuộc chắc gì đã hiểu để mà cảm thông?

Chỉ riêng trường hợp Tùng thôi, dưới mắt gia đình và hàng xóm của anh, có thể họ từng lên án tôi bạc bẽo, phản bội, thấy trăng quên đèn... khi cuối cùng không thấy tôi và Tùng đi đến một kết thúc có hậu. Đã vậy, giờ đột nhiên tôi quay qua yêu chính cháu ruột của Tùng, miệng lưỡi thiên hạ còn “độc địa” tới đâu?

Hình dung thế, tôi rùng mình. Sợ hãi và bế tắc. Tôi chỉ biết khóc và khóc. Nước mắt đâu ra cho tôi khóc nhiều thế? Phải chăng đó là “điềm báo gở” cho đời tôi? Mới hai ngày bước chân vào nhà Thanh, nước mắt tôi như suối chảy. Ở Trung Quốc xưa có Trình Thiết Ngưu khóc cha -Trình Giảo Kim- mà đột tử, liệu tôi cũng có chết vì khóc quá nhiều không?

-Thủy Tiên! Thủy Tiên!

Thanh gõ cửa phòng, gọi:

-Chiều rồi em. Dậy ăn một chút đi. Định nhịn đói cả ngày chỉ để ngủ đấy à?

Không nghe tôi đáp lại, Thanh đập cửa mạnh hơn. Sợ anh nghi tôi làm điều dại dột sẽ phá cửa phòng Hằng xông vào, tôi gượng dậy ra mở chốt.

-Sao thế, Thủy Tiên? Em có ngủ đâu, lại khóc à?

Thanh kêu lên, khi nhìn hai mắt tôi sưng mọng, đỏ au.

-Em đang có chuyện gì giấu anh, phải không?

Câu hỏi khơi mạch sầu làm tôi chạnh lòng, càng tủi thân, lại nức nở khóc. Và cũng như trưa qua, Thanh ôm tôi vào lòng, vừa vỗ về vừa dùng tay áo lau mắt cho tôi:

-Có gì nói anh nghe, sao phải khóc? Nhìn em khóc, anh buồn lắm đó... Nín đi, anh thương.

Thanh dìu tôi ra bàn ăn, ấn ngồi xuống ghế:

-Trưa nay em nhịn đói, giờ ăn một chút cho bình tĩnh lại. Rồi kể anh nghe chuyện gì làm em phải khóc.

Vừa nói, Thanh vừa múc đồ ăn ra chén cho tôi:

-Anh nghĩ em đang mệt nên anh nấu xúp gà cho em. Em phải ăn hết để phụ công anh loay hoay trong bếp cả buổi. Ăn không ngon miệng cũng đừng chê anh, nghe.

“Anh quan tâm em như vậy, làm sao em dám chê anh? Lúc này anh nấu gì, em cũng thấy ngon hết”. Tôi nghĩ, rồi hỏi lại:

-Chỉ nấu cho em thôi sao, anh không ăn à?

-Anh ngồi ngắm em cũng no, không cần ăn.

“Liệu nghe em kể xong, anh còn nói câu ấy không?” Tôi thầm hỏi.

Trong khi tôi vừa đắn đo cân nhắc vừa ngập ngừng thuật lại mọi chuyện thì Thanh khá bình tĩnh im lặng nghe, không hỏi chen lời nào. Ánh mắt Thanh nhìn tôi là lạ làm tôi hoang mang quá, không đoán nổi anh đang nghĩ gì. Anh có hiểu sai rồi thất vọng về tôi, quan trọng hơn, có còn yêu tôi như ngày hôm qua không?

Tôi phân trần:

-Em nói sự thật, không nói dối anh đâu. Em và Tùng... À quên, cậu Út... Em chỉ ở nhà cậu Út hai ngày đúng hợp đồng giao kết, sau đó rồi thôi, không liên lạc gì... Thuần túy chỉ là công việc.

-Em có thể cứ gọi tên Tùng thôi cũng được, đâu cần sửa là cậu Út? Em đã xác nhận thuần túy chỉ là công việc thì sao phải phân biệt xưng hô?

Mặt đỏ lên, tôi lúng túng, còn đang băn khoăn không hiểu đó có phải là câu bắt bẻ do cay cú của Thanh không, thì anh đã cười cười:

-Em đang lo anh hiểu lầm em, phải không? Và em trốn trong phòng một mình cả buổi cũng vì lý do đó à? Em đánh giá anh thấp quá.

Tôi thổn thức:

-Em... Em sai rồi... Lẽ ra em nên chọn làm việc khác... Từ ngày anh vào công ty, em đã quyết định dứt khoát không tiếp tục việc ấy nữa.

-Vì em yêu anh, đúng không?

Tôi trả lời Thanh bằng một tiếng nấc nghẹn ngào.

Giọng Thanh êm như ru ngủ:

-Anh tin em nói thật. Em không cần lo lắng nữa. Anh thấy tất cả đều bình thường, một khi đã là công việc. Như các diễn viên sân khấu, đêm đêm họ cũng giả yêu, giả cưới, giả hận, giả ghen... Vở hạ màn, diễn viên thoát vai, trở về con người thật của họ. Họ có sai không?

-?

-Cái gì có cầu thì mới có cung. Mấy hôm trước, chính anh cũng đôn đáo tìm thuê một cô gái làm người yêu mà sát ngày quá, không còn ai nhận. Nếu sống giả thì anh cũng sống giả. Nếu sai lầm thì anh cũng sai lầm. Em có khinh thường anh không?

-...

-Hơn nữa, mục đích chính chỉ để làm vui lòng người thân, đâu phải lừa đảo vụ lợi riêng mình. Giờ anh nhớ rồi, hồi đó tưởng cậu Út tìm được vợ thật, bà ngoại anh mừng lắm. Lúc ấy bà đã bệnh khá nặng. Ai đến thăm, bà cũng rối rít khoe. Hơn hai tháng sau thì bà mất. Trước khi mất, bà căn dặn các con thay bà lo cho cậu Út một đám cưới thật lớn. Bà ngoại mất rồi, nghe cậu Út đột ngột tuyên bố hủy hôn, cả nhà đều ngỡ ngàng. Tết đó, mẹ con anh thay nhau chăm bệnh ba anh ở Sài Gòn nên không gặp em. Anh thầm tiếc cho cậu Út hụt mất người vợ tốt, như nhận xét của bà ngoại. Hóa ra người vợ hụt đó là em.

Thanh cười, còn tôi lại đỏ mặt. Thẹn quá hóa giận, tôi vùng vằng:

-Anh chế nhạo em...

-Anh xin lỗi. Anh vô ý quá. Nhưng anh nói thật mà, bà ngoại khen em lắm. Không tin, em hỏi má anh hay Hằng là biết.

Tôi chợt nhớ, lại lo lắng:

-Liệu cậu Út có nói gì với má anh không?

-Nói gì là nói gì?

-Ví dụ cậu cản má anh đừng cưới em về...

-Anh tin cậu không làm vậy. Em có để lại ấn tượng xấu gì đâu mà cậu ngăn cản?

-Có thể cậu không có ấn tượng xấu nhưng cũng không thoải mái khi em vào làm cháu dâu, thì sao?

-Ờ... ờ...

Thanh hơi lúng túng, chắc anh cũng chưa nghĩ tới điều này. Ngẫm nghĩ một lát, anh bảo:

-Anh dặn trước, nếu cậu Út chưa kể với má anh thì em cũng đừng nói ra, nghe. Anh không muốn má biết, có khi lại suy diễn lung tung, không hay.

Mẹ Thanh có suy diễn gì không, chưa biết, chứ câu Thanh dặn làm tôi càng nghĩ ngợi và băn khoăn nhiều hơn.

Đến lúc trời sập tối, mẹ Thanh và Hằng mới về đến.

Vừa bước chân vào nhà, bà hỏi tôi ngay:

-Thủy Tiên khỏe rồi hả? Có uống thuốc gì chưa? Bác cứ lo Thanh không biết cách chăm sóc con.

Hằng cũng nói:

-Cậu Út gửi nhiều đồ ăn cho anh chị đây nè.

Má Thanh vui vẻ:

-Thanh dọn ra ăn với Thủy Tiên đi. Trưa nay nghe Thanh sắp cưới vợ, ai cũng hỏi nhiều lắm. Về lại Sài Gòn, Thanh nhớ dẫn Thủy Tiên đến chào cậu Hai, dì Ba, dì Tư, nghe.

Thanh cười cười, đưa mắt ra hiệu cho tôi: “Thấy chưa, anh đã biết cậu Út không cản mà?”

Mẹ Thanh lại giục:

-Hai đứa ăn tối đi rồi ngủ sớm, sáng mai còn về nhà Thủy Tiên nữa. Để hai bên chốt lại chuyện cưới hỏi cho xong.

Thanh dặn tôi đừng nói cho mẹ anh biết nhưng câu nhắc của bà làm tôi càng thấy không thể im lặng lâu hơn. Mẹ Thanh cần biết đúng về tôi trước khi có quyết định hệ trọng. Đã nhiều năm, tôi “sống giả” rồi, giờ là lúc tôi cần “thật” với chính mình, với những người thân chung quanh. Hậu quả có thể tan nát, có thể đau thương thì tôi cũng can đảm đối mặt. Không trốn tránh, không che đậy. Mà che đậy thế nào khi ngày cưới, tôi phải trình diện trước hàng trăm hàng ngàn mắt nhìn rồi hình ảnh lưu giữ ở video, album cũng sẽ bay đến tay nhiều nhà? Bốn năm trước, tôi đã gặp cậu Hai, dì Ba và dì Tư của Thanh ở nhà Tùng rồi. Ngay cả khi chưa từng gặp họ, tôi cũng không muốn giả dối với mẹ Thanh thêm nữa.

Tôi cắn môi, cân nhắc lâu lắm, không biết phải bắt đầu từ đâu.

Rồi với chứng kiến của Thanh và Hằng, tôi ngồi thụp xuống trước ghế mẹ Thanh, hai tay ôm đầu gối bà mà ấp úng... tự thú, như hối nhân trước tòa giải tội.

Tôi kể từ khi nào bắt đầu làm với chị Quyên, đã dự liên hoan tối, đã khoác áo cô dâu, nhiều lần nhất là nhập vai “người yêu giả”, của cả... Tùng.

Tôi kể xong, mọi người vẫn im phăng phắc, nghe rõ tiếng ro ro từ máy lạnh phát ra.

Cúi gằm mặt, tôi không dám ngước lên, sợ nhận về ánh mắt nghiêm khắc của mẹ Thanh và nụ cười nhạo báng của Hằng.

Mẹ Thanh im lặng làm tôi càng hoang mang. Bàn tay tôi đặt trên đầu gối bà đã run nhẹ. Mắt cay cay, tôi lại sắp khóc mất rồi.

Khá lâu, bà mới lên tiếng nhưng không phải trả lời tôi mà để hỏi con trai:

-Con biết chuyện này chưa, Thanh?

-Con mới biết chiều nay.

-Con nghĩ sao?

-Con không nghĩ gì, má ạ. Con thấy bình thường, chỉ là công việc thôi.

-Ý má muốn hỏi con còn muốn cưới Thủy Tiên làm vợ không?

-Còn chứ má. Mà má đừng hỏi con, hãy hỏi xem Thủy Tiên có bằng lòng làm vợ con không.

Tôi liếc xéo Thanh, dỗi thầm: “Lúc này mà anh còn trêu em được! Thấy ghét chưa?”

Mẹ Thanh thản nhiên trả lời:

-Không cần hỏi, vì má biết Thủy Tiên sẽ trả lời thế nào rồi. Nếu không bằng lòng làm vợ con, Thủy Tiên đâu cần kể với má làm gì? Nói dối rất dễ vì có cả chục, cả trăm câu. Còn nói thật mới khó, rất khó, vì chỉ có một câu duy nhất để nói ra thôi. Thủy Tiên đã chọn câu khó nhất, má biết nó thật lòng với con.

Tôi sung sướng mỉm cười. Ôi, mẹ chồng tương lai của tôi tâm lý quá. Bà nói như soi thấu gan ruột tôi. Thầm cám ơn bà nhưng tôi vẫn còn điều lo lắng:

-Bác ơi, con sợ trong ngày cưới, nhiều người còn nhớ mặt con năm đó... ở nhà cậu Út...

-Người giống người, thiếu gì? Rõ ràng tên con là Thủy Tiên đâu phải Thy Trang? Mà nói cho cùng, nếu có ai vẫn nghi ngờ, cứ trả lời Thy Trang là chị em song sinh với con.

Tôi ngây mặt ra. Ừ nhỉ, đơn giản vậy sao tôi không nghĩ đến?

Nhưng tôi chưa kịp vui thì Hằng đã chen vào:

-Không ổn, má ơi! Là chị em song sinh sao ngày cưới của người này mà người kia lại không đến dự?

Bây giờ tôi mới dám ngẩng mặt nhìn mẹ Thanh, hồi hộp chờ đợi. Tôi tưởng câu hỏi của Hằng sẽ làm bà bối rối. Nhưng không, bà vẫn cười cười:

-Thiếu gì lý do: Thy Trang đang định cư nước ngoài... Thy Trang vừa sinh con vài ngày... Má đã bảo, nói thật chỉ có một chứ nói dối có hàng chục câu...

Đột ngột, bà khựng lại, nhìn sững từ Thanh qua tôi rồi kêu lên:

-Mà hai đứa có yêu nhau từ lâu thật không? Hay Thanh cũng thuê Thủy Tiên làm người yêu giả để dẫn về nhà dối má?

-Thật trăm phần trăm đấy ạ.

Không hẹn, cả Thanh và tôi cũng đồng thanh bật ra một câu như nhau.

Thì đúng là ngày đầu tiên Thanh xuất hiện trong công ty tôi, cả hai chúng tôi cùng lúc đều bị “tiếng sét ái tình” đánh trúng thật mà!.  - /.




VVM.12.02.2025.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .