Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         


(Cây me cổ thụ trong vườn nhà Tây Sơn Tam Kiệt, nay là Điện Thờ Tây Sơn)

NHỮNG NGÀY TẾT Ở BÌNH ĐỊNH QUÊ TÔI



T ối 30 tết ở làng quê thì tối lắm, tối như đêm 30 tết mà. Thật ra đêm 30 nào không tối, có riêng gì đêm 30 tết. Có điều đêm 30 tết người ta như chợt phát hiện sao nó tối quá có lẽ vì ai cũng lăng xăng làm nhiều chuyện trong đêm giao thừa cần ánh sáng. Chuyện nọ xọ chuyện kia... đã vậy, có khi lại phải chạy qua nhà hàng xóm mượn cái này cái nọ hoặc xin chút gì đó hồi sáng đi chợ quên lững mất nên càng cảm thấy sao trời tối quá. Chỉ có quanh nồi bánh tét ngoài sân bập bùng ánh lửa là sáng nhất. Hồi đó làng quê chưa có đường dây điện kéo về như bây giờ.

Năm nào cũng vậy, trước đó vào sáng sớm 30 Tết Má tôi đã thuê chú Quý vác cái rựa qua kiếm củi nấu bánh tét. Thấy chú Quý, thằng Huy em trai út tôi biết ý liền chạy xuống nhà dưới ì ạch kéo lê cái xà beng nặng trình trịch dài hơn nữa thước cho chú ra cái vườn hoang sau nhà đào lên những gốc cây khô mục chất một đống nho nhỏ trước sân. Cái vườn hoang rộng cỡ một cái sân bóng chuyền hồi trước trồng ổi. Tôi vẫn còn nhớ rõ cái mùi ổi nếp khi chín hườm ngọt và thơm làm sao. Mấy năm sau khi cả nhà dọn về lại nhà từ đường sau vài năm ở Qui Nhơn thì vườn đã bỏ hoang nên hay gọi là vườn hoang. Vậy mà năm nào cái vườn hoang nhỏ cũng cung cấp một lượng cũi đủ nấu một nồi bánh tét kha khá. Nhờ vậy mà từ trời chập tối đêm 30 cho đến khuya cả một khoảng sân rộng trước ngôi nhà ngói từ đường khang trang ba tôi xây dựng nên trước năm 75 không bị tối… như đêm 30 tết.

Quê tôi sáng Mùng Một Tết thế nào cũng có mưa bụi bay bay… mưa xuân! Cái mùi đất vào sáng sớm thơm ngậy một mùi lạ lắm, mùi của đất. Mùi đất vương vương đây đó theo vào nhà từ chút đất còn bám ở đám rễ con mấy cây cải non vừa nhổ lên trong miếng đất trước nhà. Sáng Mùng Một mát lạnh và lòng tôi lâng lâng một cảm giác hân hoan nhẹ nhàng. Trong thơ tôi có 2 câu thơ:“ Sáng đầu xuân trong không khí có mưa / Có con bướm khua râu vờn chút nắng…”. Cả nhà ăn bữa sáng đầu năm nhẹ bằng món thịt heo nước dừa kho tàu cuốn bánh tráng với xà lách, dưa leo… đều mới hái trong vườn nhà. Vào sáng sớm những trái dưa leo vẫn còn phớt nhẹ một lớp phấn trắng trinh nguyên có rải đều những nốt gai nhỏ. Xong đâu đó bọn trẻ chúng tôi kéo nhau đi chơi Chợ Gò.

Quê tôi có lệ đi chơi Chợ Gò sáng Mùng Một Tết ở làng bên cạnh. Chợ nhóm trên một gò đất cao dưới chân núi Trường Úc bên bờ sông Hà Thanh đổ ra Đầm Thị Nại vì vậy mà gọi là Chợ Gò. Thật là lạ, gọi là chợ nhưng chợ chỉ nhóm có một lần trong năm là sáng Mùng 1 Tết. Người dân quê mang rau quả cây nhà lá vườn ra nhóm chợ, có khi có cả các món đặc sản địa phương mà nổi tiếng khắp nước như nem chợ huyện, bánh ít lá gai, bánh tráng... Những đồ chơi con nít làm bằng vật liệu địa phương như gà cồ chút chít nặn bằng đất sét, rỗng ruột, sơn phết xanh đỏ, có lỗ thổi ra tiếng kêu o... o... Những cái lung tung giống những cái trống cơm tí hon bằng tre phất giấy kính đỏ, mỗi lần xoay qua xoay lại hai cục chì nhỏ đập vào hai mặt trống nghe tung…tung…tung…tung thật vui tai; rồi cối xay lúa, cối giã gạo, tướng quân múa võ đều làm bằng tre và gỗ cây gòn và cả hột xoài tượng đã khoét ruột.

Bà con đến Chợ Gò, người mua kẻ bán đối đãi nhau trong tình bà con làng xóm chỉ mong kiếm chút lộc đầu xuân vậy thôi. Một phong tục đẹp của người dân quê tôi. Đây còn là dịp thanh nam nữ tú kéo nhau đến dạo chơi và may ra kiếm được chút tình, bọn trẻ còn kéo nhau leo lên dãy núi nhỏ Trường Úc bên cạnh. Cảnh và người trông thật là tình trong một buổi sáng đầu năm. Và vô tình chợ có thêm cái tên thật mộc mạc là Chợ Tình. Tôi nghe có thơ rằng:

“Chợ họp một năm có một phiên
Người bán người mua ở khắp miền
Mồng một kêu nhau đi họp chợ
Tưng bừng khăn áo bước chân chen”

Không khí phiên chợ trở nên sôi động nhất là lúc tiếng trống dồn dập giục giã nổi lên. Cùng lúc cái giọng Bình Định nghe “thiệc” là nặng mà không tỉnh thành nào khác có được cất lên bắt đầu cho trò chơi hô bài chòi. Phải nói là dân Bình Định có giọng nói nặng quá, nặng nhất nước. Tôi là dân thành phố Qui Nhơn cả một thời thơ ấu, qua Mỹ mấy chục năm rồi, tuy phát âm khá đúng chính tả nhưng vẫn không rửa được cái giọng Bình Định quê mùa, nặng... cái giọng ăn to nói lớn của mình! Nhưng với tôi, một người Bình Định, nghe hô bài chòi, hay nghe hát bội bằng giọng Bình Định mới phê! Vì Bình Định là cái nôi của Nghệ thuật bài chòi mà! Thật là: “Gió xuân phảng phất cành tre, mời bà con cô bác lắng nghe bài chòi...”. Đi chơi Chợ Gò mà thiếu trò hô bài chòi cũng giống như nhậu nem Chợ Huyện mà thiếu rượu Trường Úc: ” Rượu ngon Trường Úc mê ly/Gặp nem Chợ Huyện bỏ đi không đành”.

Nghe nói Chợ Gò đã phát xuất từ thời kỳ cực thịnh của nhà Tây Sơn. Lúc đó hai vị tướng nhà Tây Sơn là Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng đã bày ra cho lính và người dân địa phương vui chơi ngày đầu xuân. Vậy nhưng kỷ niệm lần đầu đi Chợ Gò lại để lại trong tôi một ấn tượng không vui gì nhưng khó phai mờ. Cuốn phim đời tôi chạy ngược lại thêm một đoạn dài nữa. Tôi nhớ như in trong đầu như hôm qua hình ảnh một thằng nhỏ bảy tám tuổi ngu ngơ, ngờ nghệch lần đầu tiên trong đời được Ba nó chở đi chơi Chợ Gò trên chiếc xe vespa. Hồi đó nhà tôi đã dời xuống thành phố Qui Nhơn. Ba tôi là một ông giáo, ông có nhiều tật khác người! Những lúc vui nhất là lúc ông cằn nhằn nhiều nhất. Thậm chí có một đêm cuối năm tôi lại còn được ăn một trận đòn ra trò chỉ vì một chuyện cỏn con chẳng ra sao. Còn chuyện cả buổi sáng Mùng 1 Tết cả bọn trẻ chúng tôi bị cắm trại 100% trên gác nhỏ để đánh vecni bộ bàn ghế cũ còn lỡ dỡ hay phải làm cho xong một chuyện gì đó là chuyện thường ngày thôi. Nên được ông dẫn đi chơi Chợ Gò một mình như thế này chắc hồi hôm ông đã ra tay hơi nặng với riêng tôi chăng. Chắc là giận quá chứ nghĩ lại cũng hối, tánh ông là vậy! Trên suốt đường đi tôi phải đứng thẳng đơ phía trước trong lòng xe giữa hai chân của ông còn hai tay thì phải nắm chặt vào tay lái. Mà đường từ phố Qui Nhơn đến Chợ Gò cũng gần chục cây số chứ đâu có ngắn nên thật là một cực hình đối với một thằng bé con! Vậy mà lúc chuẩn bị đi thì nó háo hức lắm. Rồi lúc đến nơi tôi đã chẳng cảm nhận được một niềm vui gì lạ thường như tôi đã tưởng tượng trước đó. Phải đi một mình bên ông bố nghiêm nghị chẳng ân cần hỏi han, mua cho quà bánh gì, rồi lạ cảnh lạ người thằng nhỏ chỉ cảm thấy một nỗi buồn bơ vơ chỉ muốn về nhà sớm để chạy đi chơi bầu cua tôm cá tự do, còn vui hơn nhiều.

Vài năm sau “Giải Phóng 1975” Ba tôi bị tập trung đi học tập cải tạo Má tôi và 9 người con dọn trở về lại nhà từ đường dưới Cầu Sông Ngang cách thành phố Qui Nhơn không xa, chắc tránh bị đi kinh tế mới! Rồi Ba tôi vượt biên cùng thằng em thứ 4, đã thi đậu vào các trường đại học ở Saigon, Dalat nhưng giấy hồi báo của trường gửi về địa phương xã bị chính quyền ỉm mất, không đưa cho em tôi cắt hộ khẩu nhập học, qua Mỹ vào năm 1982. Còn nhớ dạo đó... những ngày Tết đầu xuân tiết trời mát dịu nên lúc nào không bận lo dọn bánh mứt và châm trà trên ba cái bàn thờ cho Bà Nội cúng thì bọn tôi ngồi trước nhà tán dóc, thường thì hay nhắc đến Ba tôi và thằng em đang ở Mỹ vừa nhìn ra ngoài đường làng bà con kéo nhau lũ lượt vừa đi vừa trò chuyện rôm rả, còn bọn con nít rượt nhau kêu la inh ỏi khắp xóm.

Nhưng câu chuyện tết quê tôi chỉ thật sự chấm hết sau ngày lễ hội Đống Đa vào Mùng 5 Tết. Tôi được dẫn đi lễ hội Đống Đa lúc còn bé tí như đi Chợ Gò, từ lúc còn ở Qui Nhơn. Nhưng lần này do ông cậu Bảy Ời em ruột Má tôi dẫn đi. Hồi đó Cậu Bảy Tôi đi lính bộ binh đóng trong thành phố. Sáng Mùng 5 Tết xe GMC nhà binh tập trung bà con ở bến xe mới Qui Nhơn chở đi dự lễ. Ngày hội được tổ chức tại Điện Tây Sơn, trước là nhà của anh em Tam Kiệt thuộc làng Kiên Mỹ cách thành phố Qui Nhơn chừng hơn năm mươi cây số về hướng tây thuộc một huyện Vĩnh Thạnh miền thượng nguồn. Điện được khánh thành cho việc thờ phụng ba anh em Tây Sơn Tam Kiệt vào năm 1960. Lần đi chơi này đã để lại một ấn tượng còn mạnh hơn cái lần đi chợ Gò với Ba tôi. Ấn tượng trong tôi mạnh đến nỗi như mới hôm qua cái cảnh bà con đông ơi là đông chen lấn nhau trên cây cầu Kiên Mỹ bắc qua sông Hà Thanh trên đường vào điện thờ ba Ngài. Cầu dài hơn năm trăm mét mà lại hẹp quá. Lúc ấy là cao điểm của lượng người và xe chở tôi đang trên cầu. Người và xe chen nhau đến mức tốc độ dòng người tiến tới rất chậm. Trời đã đứng bóng nên ai cũng nôn nóng khiến đám đông trở nên hỗn loạn. Chiếc xe như bị trôi đi cùng dòng người. Có một lúc chiếc xe cán nức mép cầu suýt rơi xuống sông làm bà con trên xe ai nấy đều xanh mặt. Tôi còn nhớ rất rõ cây cầu dài chưa có thành cầu như sau này. Nên có nhiều người bị đẩy lọt xuống cầu mà cũng có người tự ý nhảy xuống. Cũng may mùa này nước sông khô cạn chỉ thấy mặt cát trắng phía dưới. Tôi thấy có nhiều người lội đi dưới lòng sông bên dưới. Lúc này ông cậu lính trẻ chưa vợ thương cháu mới thấy đang mang một cái gánh nặng trên vai là tôi. Nên chưa vào đến nơi thì cậu tôi lại phải lo tìm cách đưa tôi trở lại đoàn xe GMC để về lại Qui Nhơn kẻo có gì trục trặc mà lỡ chuyến xe thì có nước phải ở lại đêm trên nầy. Vậy là lần đi này chỉ thấy có người và người mà thôi. Mãi sau nầy đến mấy chục năm sau, vào năm 1997, lúc đó tôi đã 40 tuổi, sau nhiều cuộc tình dang dở một thời, lưu lạc qua xứ người nghìn trùng xa cách cố hương được 5 năm, sau một đêm buồn tình tôi làm passport đặt vé về Việt Nam bằng mọi giá kiếm vợ, như một canh bạc may rủi! Tự nhủ, ít ra cũng trải qua cuộc sống có vợ có con như người ta, những con người bình thường. Tôi sinh vào năm Dậu. Những người tuổi Dậu lảng mạn, con đường tình ái lắm trắc trở! Sau đám cưới chúng tôi xách xe honda đến nơi này lần thứ 2, có lẽ đây cũng là lần cuối tôi đến viếng nơi xưa là khu đất, nhà của vua Quang Trung! Điện thờ bây giờ được xây ngay chính trên nền đất cũ nơi Cụ Hồ Phi Phúc thân sinh vua Quang Trung đã từng dựng lên một ngôi nhà khang trang, rồi trồng một cây me bên phải và đào một giếng nước bên trái của ngôi nhà. Cảnh nhà nhìn ra phía trước là cánh đồng trù phú, màu mỡ xanh ngắt trải dọc sông Kôn. Đây cũng là nơi chú bé tên Thơm chào đời tức là đại đế Quang Trung Nguyễn Huệ sau này. Cây me cổ thụ cao to thân sần sùi hai người ôm không hết mà cành lá lại sum sê quanh năm, tán che rợp mát cả một khoảng trời xanh bao la. Ngồi nghỉ dưới gốc me mát rượi chẳng mấy chốc lại thấy hồi sức ngay, trong khi nhìn ra ngoài xa xa trưa hè đang nung nóng không gian oi ả. Giếng nước xưa thì được ghép bằng đá ong đỏ. Trãi qua bao thăng trầm… khí phách vị Anh hùng áo vải cờ đào ngày nào đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc mà hồn thiêng vẫn còn hội tụ nơi điện thờ oai nghiêm, nơi giếng nước xưa, và thật sinh động nơi cây me già thiêng liêng sau 250 năm trơ gan cùng tuế nguyệt mà lạ lùng vẫn tràn đầy sức sống trẻ trung qua màu lá me xanh non: “Cây me giếng nước sân đình/Ơn sâu nghĩa nặng dân mình còn ghi”

Tôi đã đứng sát giếng nước, chống tay trên mặt thành giếng, chồm người nhìn xuống thấy thật gần mạch nước trong lòng đáy giếng. Mặt nước trong vắt giữa trưa hè phản chiếu khuôn mặt tôi. Lời hiệu triệu hào hùng ngày nào của Đại Đế Quang Trung Nguyễn Huệ vẫn còn đó như một mệnh lệnh hôm nay cho con cháu Ngài phải thi hành.

“Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng tri hữu chủ.”

Thời gian trôi qua như con nước bao lần trôi qua có khi bắt nguồn từ thượng nguồn Vĩnh Thạnh, Tây Sơn quê hương anh em nhà Tây Sơn chảy ngang Cầu Sông Ngang quê Nội, Cầu Đôi quê Ngoại tôi trước khi đổ ra Đầm Thị Nại ra biển nghe chừng bình thản như chưa từng chứng kiến bao thăng trầm lịch sử... nhiều người trong hồi ức này đã không còn! Bà Nội mất sau đám cưới thằng cháu đích tôn là tôi vài tháng thọ 90 tuổi. Thằng em út Lê Minh Huy tuổi Dần học giỏi, là lớp phó học tập đã mất vào năm tuổi, 12 tuổi, vì tai nạn mưa lụt sạt lở bờ con mương trước nhà lúc chưa kịp đi Mỹ định cư vài năm sau! Ba tôi cũng đã mất hơn 10 năm rồi vì bệnh tim, chú Quý cũng mất lâu lắm rồi tôi không nhớ cụ thể lắm... Và một thế hệ trẻ như 2 đứa con gái tôi đã lớn khôn ở cái tuổi đôi mươi ở xứ người, áo dài tha thướt trở về làm cô gái Việt Nam xinh đẹp trong mấy ngày Tết này và tôi vài năm nữa đã thất thập cổ lai hy hiu quạnh nhưng sao vẫn thấy lòng mình như ngày nào thuở vào đời, trong khi Má tôi đã 90 tuổi, lúc mê lúc tỉnh chẳng còn tha thiết gì bên ngoài đang đón Tết Quê nhà Ất Tỵ 2025!  /.

Stanton Giáp Ngọ 2014 – Mùng 4 Tết Ất Tỵ 2025 (11:53 trưa)




VVM.12.02.2025.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .