Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



BƯỚC CHÂN XUÂN VỀ




H ôm nay sư dậy sớm hơn mọi khi để thực hiện công phu sáng vì lát nữa đây sư có việc về thăm gia đình. Tiếng gà trong xóm vang lên lần đầu hòa lẫn tiếng chuông mỏ, tiếng đọc kinh vang lên trầm trầm giữa không gian tỉnh mịch, hãy còn tối đen trong cái se se lạnh của mùa đông. Tiếng con châu chấu sành đậu trên cột chùa kêu rè rè, tiếng ếch kêu ộp ộp ngoài cái ao cảnh trước sân chùa làm cho ngày mới có vẻ đến sớm hơn. Người sư thấy nhẹ nhàng, đầu óc tinh tấn hẵn lên. Sư dành dăm phút để ngồi quán tưởng. Nhớ lại ngày xưa, sư thoát tục chỉ để xa lánh những khổ đau, bất hạnh trong cuộc sống để đời mình được thanh thản, tốt đẹp hơn. Nghĩ lại, sư thấy mình thật ích kỷ, sai lầm. Khi học đạo, chân trời hạnh phúc nơi sư mở ra. Bây giờ sư đã biết “…Hạnh phúc trong Phật giáo là sự từ bỏ “tham ái, chấp trước”…không vướng bận bất kỳ mọi hoàn cảnh nào. Ở trong đời ngũ trọc đầy dẫy đau khổ và bất công, chúng ta có thể thấy tự tại và an vui, cho dù chung quanh ta toàn là ngũ dục lạc thú…” (HT Thích Trí Giải)

Có lẻ nếu không có gì thay đổi, cuộc sống của sư sẽ phẳng lặng như mặt nước “hồ thu”. Thời gian giúp sư rủ bỏ lòng Sân-hận đã xảy ra trong quá khứ nếu như những ngày hôm trước không nhận được phone con gái của sư.

-Bạch thầy, vài hôm nữa là đến đám cưới của con. Con mong thầy bỏ chút thời gian về dự…

-Thầy chúc mừng cho hạnh phúc của con. Nhưng con ơi, thầy bây giờ là kẻ tu hành, thầy không muốn vướng bận đến cuộc sống trần tục…

Đứa con gái ngắt giọng sư và nức nở nói:

-Ba ơi ! dù ba có làm gì, nghĩ gì đi nữa , con mong ba hãy về chứng kiến cho lễ cưới của con. Ba là đấng sinh thành đã tạo ra con. Ngày cưới của con sẽ không trọn vẹn, khi cô dâu giống như đứa trẻ mồ côi cha.

Bâng khuâng một lát, sư khẻ khàng trả lời:

-Thôi được rồi, thầy sẽ về thăm con. Con yên tâm.

Có tiếng dép lẹp xẹp ở trước sân. Bà Tư, chú Qúy,-những người hàng xóm và cũng là những người thường xuyên làm công quả cho chùa,- qua giúp sư trông nom chùa trong thời gian sư đi vắng.

Sư bỏ gói bánh phu thê,- mà bà Tư đã làm ngày hôm qua,- vào túi xách làm quà cưới. Sư còn cẩn thận quấn những cành mai đang búp nụ cắt từ cây trong chùa bằng một lớp lá chuối để về chưng trong nhà vì Tết cũng đã gần kề.

Gửi gắm chùa cho mọi người xong, sư nhẹ nhàng bước đi. Trời vẫn còn tối mờ, nhưng những giọt sương trên cây bắt đầu tan, rớt trên lá lộp độp hòa lẫn với tiếng ríu rít của lũ chim sâu đang chuyền trong tán cây tạo nên nhịp sống mới, rộn rã.

Đường từ chùa ra tới quốc lộ để đón xe phải mất hơn nửa tiếng đồng hồ. Thời gian đủ trãi dài cho những suy tư của sư về ngày tháng cũ theo những bước đi thong thả trên lối mòn. Không biết người bạn đời năm xưa và đứa con gái hiện giờ sống ra sao. Họ có hạnh phúc như họ mong muốn? Ký ứ về một gia đình dần dần hiện ra trong đầu sư…

Mãn- tên của sư- sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, hết học phải đi lính. Bị thương tật trong một trận chiến, anh về công tác tại một đơn vị hậu phương. Sau đó, Mãn kết hôn với một người con gái tên Viên. Hai cái tên ghép lại, người ta dự báo đó là một gia đình hạnh phúc. Khéo ăn , khéo làm nên gia đình Viên-Mãn có cuộc sống sung túc, một tương lai xán lạn đang chờ ở phía trước.

Nhưng biến cố 1975 đã làm thay đổi cuộc sống của gia đình Mãn. Thuộc diện “lính tráng” của chế độ cũ nên Mãn cùng vợ và đứa con gái 3 tuổi phải đi kinh tế mới để lập nghiệp.

Nhớ lại những ngày ấy, Mãn không khỏi bàng hoàng. Những đồi trọc , đất đỏ bạc màu mang lại ít ỏi huê lợi so với mồ hôi công sức con ngươi bỏ ra. Bữa ăn gia đình chỉ là củ khoai, củ mì nhỏ xíu hay trái bắp “sún răng” kèm với đọt lang, đọt bí… Gạo chỉ là thức ăn quí hiếm, chỉ nằm trong dạng mơ tưởng. Aó quần lao động rách bươm, Mãn và những người trong xóm phải đến các lô-cốt bỏ hoang tháo dở những bao cát còn tồn tại để tự may quần áo đi làm…

Bức xúc trước cuộc sống, Viên tìm cách về thị xã buôn thúng , bán bưng phụ thêm cho kinh tế gia đình. Thoạt đầu , Viên gặp nhiều khó khăn, bị quản lý thị trường thường xuyên xua đuổi, không cho ngồi bán. Nhưng sau nhiều lần bị đuổi như vậy, Viên được một người cán bộ trông coi chợ để ý. Thấy Viên có khuôn mặt và dáng người dễ nhìn, ông ấy sắp xếp chỗ ngồi thuận lợi cho Viên. Dần dần qua lại, ông ta phải lòng cô, thường hay tiếp xúc trò chuyện nhiều hơn, ông bỏ vốn tậu cho cô một sạp hàng rộng rãi.

Trong thâm tâm Viên , lúc đầu còn e ngại, giữ kẻ vì sợ tiếng thị phi, thiếu thủy chung với chồng con. Nhưng gặp hoàn cảnh gia đình khó khăn quá, cô đành làm ngơ với mọi việc xảy ra…

Nhà Mãn có thêm chút cơm, chút cá thịt do Viên mang về. Nhưng từ đấy, Mãn mơ hồ có sự đỗ vỡ trong gia đình khi Viên ngày càng ở phố nhiều hơn và bắt đầu chưng diện. Biểu hiện càng trở nên rõ ràng khi người đàn ông ấy thường chở cô đi đi về về trên chiếc Honda 67. Cô không còn dành sự chiều chuộng, chăm sóc cho chồng, cho con nữa mà quay ra thân mật với người đàn ông kia hơn…

Cuộc sống của gia đình Mãn đi lên nhưng không thiếu lời dị nghị, dư luận của xóm giềng. Mãn âm thầm buồn bã, anh hạn chế giao du với mọi người, quay ra nghiền ngẫm kinh sách, thơ truyện để giết bớt thời giờ trống trãi cô đơn.

Khi bé Mai lên cấp 2, phải về phố học thì đúng vào dịp có người sư là chú anh trụ trì một ngôi chùa nhỏ ở một huyện xa vừa qua đời. Anh bèn giao cơ ngơi cho người họ hàng coi giùm, từ biệt mẹ con Viên để dấn thân vào kiếp sống tu hành…

* * *

Xe đi khoảng hai giờ thì tới mãnh đất ngày xưa sư ở. Sư lặng lẻ đi trên con đường trãi bê-tông chạy sâu vào xã, cảnh vật giờ thay đổi rất nhiều. Nhà ngói dần thay cho những ngôi nhà xiêu vẹo ngày xưa, vườn cà phê, tiêu được trồng kín trong mỗi vườn. Cuộc sống vươn lên sau thời kỳ bao cấp. Riêng sư thắc mắc, nhà cửa của mình thiếu vắng bàn tay sư chăm sóc , không biết bây giờ ra sao?

Hỏi thăm nhà, sư được người trong xóm chỉ đến một ngôi nhà cấp 4 khá khang trang xinh đẹp, bao bọc bởi những choái tiêu, những hàng cà phê xanh tốt. Sư ngẫn ngơ đứng nhìn, không ngờ Viên đã quay về nhà và bỏ tiền của ra đầu tư trên mãnh đất cằn cỗi này. Nhìn qua cổng, sư thấy, khuất sau hàng mai,-hoa đã trổ sớm, chỉ còn lác đác trên cành vài chùm bông-, là một rạp cưới vừa được dụng lên, giăng đèn kết hoa rực rỡ. Viên và con gái mừng rỡ ra chào đón sư. Cả ba lần vào ngõ trong không khí nhộn nhịp của mùa xuân sớm về

Hàn huyên chốc lát, hai mẹ con Viên chạy đi sắp xếp công việc để sư ngồi một mình ,quan sát những chuyển động xung quanh. Sư chợt để ý có một thằng bé trạc độ 10 tuổi thường hay lăng xăng bên cạnh Viên và Mai. Chẳng lẻ….

Ngày cưới, sư mặc áo cà sa lễ Phật, cầu phúc cho đôi vợ chồng trẻ; rồi đứng chứng kiến cô dâu, chú rễ lam lễ bái gia tiên. Sau đó, sư đi chào họ hàng hai bên, bà con xóm giềng quen biết rồi lặng lẻ ra phía sau nhà. Sư xuống tận cuối vườn, tránh xa sự ồn ào trong rạp cưới, cột chiếc võng giữa hai cây bơ rồi nằm đong đưa, nhìn lên khoảng trời xanh. Có chút gió nhè nhẹ làm dịu mát người. Trong khoảng lặng nơi đây, gợi trong sư bao khát vọng là cầu mong hạnh phúc của con gái sẽ có nhiều vị ngọt hơn vị đắng như sư ngày xưa, cầu mong cho Viên tìm thấy sự thanh thản trong tâm hồn, bớt đi những bon chen với đời.

Trời đã xẩm tối, mọi người đều đã ra về, còn lại sư, Viên và vợ chồng con gái ngồi trò chuyện. Được một lát, hai người trẻ xin phép đi nghĩ sớm, còn lại sư và người vợ cũ tâm sự. Họ trao đổi với nhau bằng những câu nói ngập ngừng

-Lâu nay “cô” vẫn mạnh khỏe chứ? Công việc làm ăn của cô lúc này ra sao? Sư hỏi.

Nghe từ “cô”, Viên cảm thấy tủi thân vì cách gọi xa lạ ấy. Cô nghèn nghẹn trả lời:

-Cám ơn thầy, công việc buôn bán của Viên vẫn tốt đẹp, nhưng sức khỏe của Viên không được tốt. Viên đang bị bệnh gout.

-Mô Phật, cô đã chạy chữa đâu chưa. Để thầy đi hốt thuốc ở dưới huyện cho

-Cám ơn thầy. Viên đã đi bác sĩ, uống thuốc họ cho và ăn kiêng nên cũng thấy đỡ.

Sư im lặng hồi lâu rồi khẻ hỏi:

-Thế còn “ người ấy” ?

-Thưa thầy, kể từ lúc thầy đi thì Viên hạn chế giao du với ông ta vì phát hiện ông ta đã có gia đình ở ngoài Bắc. Viên cố gắng kiếm sống bằng nỗ lực bản thân mình. Ông ta đã nghĩ hưu và về sống với vợ con rồi. Bạch thầy, những chuyện Viên làm trước kia mong thầy mở rộng lòng từ bi mà tha thứ cho Viên.

-Ồ không, thầy nghĩ đó là căn duyên và nghiệp chướng của mỗi con người. Thầy không có gì để trách cô cả. Vả lại, bây giờ lòng thầy không vướng bận chuyện thế tục.

Viên đi pha thêm trà ngon cho sư. Đợi người nhấp xong tách trà. Cô nói:

-Bạch thầy, con Mai đã có chồng nên phải theo chồng. Bây giờ còn lại mình Viên không thể vừa quán xuyến trang trại ở đây, vừa chăm lo cửa hàng trên phố được. Viên nghĩ ở nơi đây cũng là mồ hôi nước mắt thầy đỗ ra; nếu thầy về đây, Viên có thể xây cho thầy một chốn nho nhỏ, thầy có thể tịnh tâm tu hành…

Sư liền ngắt lời:

-Thầy đã nói với cô, bây giờ thầy đi tu để tìm kiếm cái chân như trong đạo pháp, là cầu nguyện hạnh phúc thanh cao cho khắp nhân gian. Nếu thầy ở chốn náo nhiệt này thì bụi hồng trần còn vướng lụy đến thầy. Chi bằng thầy về chùa thầy đang ở, vắng vẻ yên tỉnh để tu thì thầy thấy lòng mình thanh thản hơn.

Ngừng một lát, sư nói tiếp:

-Thầy thấy cô còn một mình, nhu cầu cuộc sống không nhiều nữa. Nếu cô thấy được thì sang hoặc cho thuê cửa hàng, về đây sống cũng nhàn, bớt bận tâm suy nghĩ, ganh đua…

Viên ngồi trầm tư, suy nghĩ , rồi nói:

-Viên sẽ nghe theo lời thầy. Về đây chỉ còn Viên thui thủi một mình, nghĩ cũng buồn… à! Viên quên nói với thầy là có nhận nuôi một thằng bé mồ côi. Nó là con của một người đàn bà còn trẻ bị một gã đàn ông lừa tình rồi bỏ đi. Hai mẹ con sống ở quê bị hất hủi nên lên chợ lang thang kiếm sống. Không may mẹ nó đau nặng qua đời lúc thằng bé bốn , năm tuổi. Viên thấy tội nghiệp đem nó về nhà chăm sóc. Chắc Viên đưa nó về đây sống, vừa ăn học , vừa trông coi nhà cửa. Còn Viên sẽ thường xuyên đi làm từ thiện.

Những thắc mắc về thằng bé trong đầu sư đã được giải tỏa. Sư gật đầu mỉm cười. Đóa hoa từ tâm đã nở trong lòng một con người.

Bất chợt sư nhìn ra bình mai sư đem từ chùa về cắm. Ánh đèn compact tuy mờ nhưng cũng đủ soi những nụ hoa mai vừa bung nở. Sư liên tưởng đến những câu thơ:

Xuân khứ bách lai hoa
Xuân lai bách khai hoa
Sự trụ nhãn tiền quá
Lão tùng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai


(Cáo tật thị chúng- Mãn Giác thiền sư)

Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười
Muôn việc trôi trước mắt
Trên đầu già tới rồi
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai

(Ngô tất Tố dịch)

Đâu đây, có bước chân xuân đang nhè nhẹ đi về giữa không gian thơm mát , dịu dàng. Trong khoảnh khắc vô thường, bao nhiêu mạch sống muôn loài ở vũ trụ này đang tuôn chảy. -/.




VVM.06.01.2025.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .