Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



BÀI HÁT XƯA




T ôi ngồi bên mẹ. Mẹ chẳng còn đi lại được nữa, chân tay khẳng khiu, chẳng thích nói, chẳng thích cười. Mới cách đây mấy tháng, mẹ còn tự lên xuống cầu thang, các con giơ tay đỡ thì mẹ gạt phăng ra : “ Không cần dắt! Mẹ đi được”. Thế mà bây giờ, mẹ nằm đó, không đi lại được nữa.

Mặc dù các con chăm sóc chu đáo nhưng không thể thường xuyên thủ thỉ nói chuyện với mẹ được, mẹ buồn. Mẹ chẳng muốn nói, vả lại, lưỡi cứng dần nên nói cũng khó.

Ở xa, về thăm mẹ, tuổi đã cao, tay lại bị đau vì ngã nên tôi không thể giúp gì cho các em về việc chăm mẹ, chỉ ngồi xoa tay chân, vuốt lưng cho mẹ và nhắc lại những chuyện xưa, xa lắc mà mẹ thường kể cho chúng tôi nghe. Mẹ không đáp lại bằng lời nhưng tôi biết mẹ vẫn nghe tôi nói.

Tôi ngồi bên mẹ, nhớ khi xưa, thời ấu thơ, ba mẹ ôm tôi, ru tôi bằng những bài thơ do ba viết, hát những bài hát thời tiền chiến xa xôi, hát những bài hát Pháp bằng tiếng Pháp. Ba mẹ tôi đã ru chúng tôi, đưa chúng tôi vào giấc ngủ thần tiên bằng những bài ca không thể nào quên. Em gái tôi không biết tiếng Pháp mà nó thuộc lầu một bài hát Pháp và hát cho chúng tôi nghe bằng tiếng Pháp, tuổi thơ kỳ lạ, thuộc hết những lời ca, bài thơ truyền miệng một cách hoàn chỉnh, chính xác.

Ba tôi mất được bốn năm rồi. Từ ngày ba mất, mẹ ít nói hẳn, Trước đây mẹ tôi rất hay nói. Em gái út tôi kể, có lần, gần 11 giờ đêm, trời Sài Gòn đang mưa to, bỗng nghe tiếng ba thất thanh qua điện thoại, con đến ngay đi, ba tăng xông ( tăng huyết áp) vì mẹ nói ba mãi, không ngừng, không chịu ngủ. Em tôi hốt hoảng, hai vợ chồng phóng xe máy đến nhà ba mẹ. Đến nơi, em gái tôi khóc inh lên, vừa khóc vừa nói, lần sau ba mẹ có cãi nhau thì chọn ngày không mưa và cãi nhau sớm hơn để con sang đỡ vất vả. Chúng tôi cươi ngất khi nó kể lại câu chuyên ba mẹ tranh cãi vào đêm mưa gió.

Thế mà, khi “đối thủ” không còn thì mẹ cũng chẳng thích nói nhiều, nói to nữa. Bao nhiêu ảnh của ba, ảnh ba mẹ chụp chung mẹ cất hết đi đâu chúng tôi không biết. Gần đây, dọn tủ quần áo của mẹ thấy các bức ảnh cất dưới đống quần áo, chúng tôi nhòa lệ vì biết mẹ đã nhớ ba và không muốn nhìn thấy hình bóng ba ở bất cứ đâu để quên đi nỗi buồn vô tận.

Mỗi người có một cách quên đi cái buồn đau, mẹ tôi đã chọn cách cất đi mọi hình ảnh của thương nhớ để tiếp tục sống. Bởi thấy ảnh là thường trực nỗi nhớ. Cứ mỗi lần thắp hương cho ba mẹ lại thì thầm : “Sao bỏ người ta mà đi sớm thế!”. Tôi biết, ba mất đi mẹ chẳng muốn sống nữa. Nhưng mẹ là người đàn bà mạnh mẽ, mẹ chống đỡ với nỗi buồn và tuổi già một cách can đảm. Song, lực bất tòng tâm, tuổi già cứ tấn công, mẹ không thể chống đỡ nổi. Và bây giờ mẹ vẫn đang phải tiếp tục chiến đấu với nó.

Ngồi với mẹ, bao kỷ niệm thời thơ ấu vọng về. Tôi lấy iPhone mở những bài hát xưa mẹ ru chúng tôi và để iPhne sát vào tai mẹ. Đầu tiên là bài Thiên Thai của nhạc sĩ Văn Cao, bài hát ba mẹ tôi rất thích. Lời ca ngọt ngào vang xa:

“ Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng
Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới đào nguyên…

Nghe lời hát đầu tiên bỗng tôi nhớ ba quá, bởi mẹ cứ hát hai câu đầu ru chúng tôi ngủ là ba lại hát trêu:“ Thiên Thai…82 ông bụt ốc ngồi trông…”. Tôi chẳng hiểu vì sao ba lại có lời chế này, nhưng cứ nghe bài Thiên Thai là tai tôi lại văng vẳng giọng ba hát.

Rồi , Thiên Thai đưa tôi bồng bềnh theo bước chân hai chàng Lưu, Nguyễn:

…theo gió tiếng đàn xao xuyến
Phím tơ lưu luyến, mấy cung u huyền...

Bài hát như đưa tôi đến chốn Thiên Thai với cuộc sống bất tử:

…Thiên thai chốn đây Hoa xuân chưa gặp Bướm trần gian
Có một mùa đào dòng ngày tháng chưa tàn qua một lần…

Và cuộc sống thần tiên vui tươi, lãng mạn hiện ra lung linh, tươi sáng:

Thiên Tiên chúng em xin dâng hai chàng trái đào thơm
Khúc nghê thường này đều cùng múa vui bầy tiên theo đàn
Đèn soi trăng êm nhạc lắng tiếng quyên
đây đó nỗi lòng mong nhớ…

Cõi tiên, nơi chỉ có niềm vui và sự bất tử:

…Này khúc bồng lai
Là cả một thiên thu trong tiếng đàn chơi vơi
Đàn xui ai quên đời dương thế
Đàn non tiên đàn khao khát khúc tình duyên
Thiên thai! Ánh trăng xanh mơ tan thành suối trần gian
Ái ân thiên tiên em ngờ phút mê cuồng có một lần…

Tiếng hát của Ánh Tuyết trong iPhone lâng lâng, da diết. Tôi thấy má mẹ hồng lên, môi cũng tươi hẳn, cả khuôn mặt mẹ như bừng sáng. Tay mẹ nắm lấy tay tôi. Tôi thì thào, mẹ có thấy hay không. Mẹ không trả lời nhưng tôi cảm nhận được tình cảm của mẹ khi nghe bài hát. Tôi chắc mẹ đang lãng đãng đến với những kỷ niệm xưa, với tuổi trẻ và tình yêu của mẹ.

…Mẹ mặc bộ áo dài màu thiên thanh dạo qua nơi làm việc của ba, Tòa Sứ Đồng Hới, nơi ba làm thư ký sau khi đậu tú tài. Mẹ kể, mẹ ở Bắc vào nghỉ dưỡng ở nhà mẹ chồng (cũ) sau khi qua khỏi bệnh tử thần “thương hàn”. Gặp ba vài lần ở nhà người em họ ở thị xã Đồng Hới, mẹ có thiện cảm với ba. Mẹ muốn dạo qua nơi làm việc của ba,

Mẹ, ba không hẹn nhau. Mẹ cứ thẳng bước đi ngang qua Tòa sứ không quay ngang quay ngửa. Rồi văng vẳng tiếng giầy Tây cộp cộp đằng sau. Có một người trai trẻ rảo bước nhanh, đi ngang qua mẹ. Nhận ra mẹ, chàng trai chào mẹ. Mẹ mỉm cười gật đầu rồi bước tiếp, không nói chuyện với chàng. Chàng trai giả bộ như có việc phải ra ngoài, đi chậm lại rồi ngắm mẹ từ xa xa. Nhưng từ đó, nhà em họ của mẹ là nơi họ gặp gỡ, hò hẹn, và tình yêu đến tự lúc nào không hay.

Đời mẹ gian truân, !6 tuổi ông bà ngoại gả mẹ cho con người bạn thân. Người chồng rất yêu mẹ nhưng mẹ thì chưa biết yêu. Mẹ đã trốn vào chùa Âm Hồn ở thị xã Bắc Giang xưa. Nhưng rồi, ông bà đến tìm và đưa về nhà làm đám cưới ở Thị Cầu Bắc Ninh. Đám cưới rất sang, mẹ kể, bước lên tam cấp đưa cô dâu vào phòng cưới, cứ bước đến đâu là điện bừng sáng đến đó, hoa cưới kết thành dây từ ngoài sảnh cho đến nơi cô dâu ngự ở phòng cưới. Thời đó, trước khi kháng chiến bùng nổ, Thị Cầu thuộc thị xã Bắc Ninh, thị xã Bắc Ninh và Thị xã Bắc Giang là những đô thị cổ kính và xinh đẹp. Sau này, kháng chiến bùng nổ, tiêu thổ kháng chiến, thành phố cố, lịch sự, xinh đẹp chẳng còn dấu tích nữa.

Mẹ có con và góa chồng vào tuổi 17.

Và gặp ba 4 năm sau đó, ba là người mẹ yêu đầu tiên, yêu đến trọn đời, yêu một cách chiếm hữu và hy sinh tất cả, từ sự nghiệp cho đến cuộc đời của mẹ sau khi mẹ lấy ba. Chúng tôi là kết quả của mối tình ấy.

…Rồi bài ca đến đoạn kết, Thiên Thai chỉ còn là một giấc mơ. Sự luyến tiếc, chia xa mãi mãi đời sống bất tử, con người bất tử, mối tình bất tử của cõi tiên khi Lưu, Nguyễn về với trần gian. Một nỗi buồn day dứt xâm chiếm hồn người, tràn qua những lời ca :

Gió hắt trầm tiếng ca, tiếng phách ròn lắng xa
Nhắc chi ngày xưa đó đến se buồn lòng ta
…Tìm đào nguyên, Đào Nguyên nơi nao?
Những chiều tà trăng lên
Tiếng ca còn rền trên cõi tiên…?

Tôi nhìn mẹ, đuôi mắt mẹ trào ra những giọt nước mắt. Mặt mẹ như tái đi , đôi môi nhợt nhạt. Tôi sợ quá, vội mở một bài hát mà ba rất thích cho mẹ nghe, bài Dư âm của Nguyễn Văn Tý. Và tôi thấy mẹ chìm dần vào giấc ngủ.

Tôi tự nhủ, không hiểu mình mở bài hát cho mẹ nghe mẹ có vui không hay mẹ buồn hơn? Song tôi biết, âm thanh ngọt ngào của những bài ca, cho dù buồn hay vui vẫn đem lại nguồn sống cho con người. Nguồn ký ức xa xưa đồng hành cùng con người cho đến khi về cõi, có khi nó giúp con người chiến thắng những khó khăn, khắc nghiệt trong đời đế sống. Bởi, mỗi giây phút được sống trên trần thế là hạnh phúc và may mắn ./.




VVM.06.01.2025.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .