Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


tranh Đặng Căn

CHỊ VÀ EM




H ai chị em khoác tay nhau, đi chân trần, dạo chơi trên bãi cát ướt mềm mát lạnh, êm như lụa. Trăng mười sáu rực rỡ tỏa sáng, tròn trịa thắm tươi, lơ lửng giữa bầu trời mênh mông xanh thẫm. Ánh trăng tràn trề lai láng. Trăng soi mình xuống biển khơi, chiếu luồng sáng chạy dài thẳng vào tận mép nước, làm thành chiếc cầu trăng vàng ròng óng ánh lấp lóa, nối liền biển và bờ. Khoảng cách vốn xa tít nghìn trùng giờ đây như ngắn lại. Cảnh tượng kì vĩ xiết bao! Chị cứ xuýt xoa chưa từng được thấy trong đời. Em cũng ngắm nhưng lặng yên, một chút cảm xúc chao nhẹ rồi thôi, không nồng nàn, bổi hổi bồi hồi như chị.   

  Chị em tay trong tay. Những bàn tay này ngày xưa, xưa lắm rồi, đã từng cùng nhau múa hát, đánh nẻ, đánh tóp, búng thun…Chị nói, giọng bùi ngùi, chúng ta sẽ khó lòng được gặp lại khoảnh khắc huyền nhiệm nầy. Chị cố ghi nhận những gì đang diễn ra, thầm nghĩ rồi sẽ đi vào một cuốn tiểu thuyết nào đó của chị.

Chị chợt nhận ra mấy mươi năm rồi hai chị em ruột thịt mới được cùng nhau dạo biển quê nhà, chính xác là hăm lăm năm. Công việc, con cái, nhà cửa luôn là những sợi tơ nhện êm ái giăng kín trói chặt người vợ trong mái gia đình. Đâu có dễ xách túi bước ra khỏi nhà làm một chuyến về quê, nếu như không có việc bắt buộc nào đó. Ví dụ cách đây bốn năm, bà nội mất, hai chị em cùng về, nhưng rồi đau buồn bối rối việc tang, rồi vội vội vàng vàng, đâu được thong dong nhàn hạ như vầy.   

  Lần nầy, chị và em cùng rủ nhau về thăm quê. Tối, hai chị em đi biển, biển gần nhà. Lũ nhóc quấn chân hai chị em nài nỉ: “ Mua dùm cháu chengum đi cô Việt Kiều! Mua dùm cháu bắp nướng đi cô Việt Kiều!”    

 Biển như tấm gương khổng lồ, vàng rực, sáng lòa để trăng soi mình làm duyên làm dáng. Dường như ánh trăng trên chốn trần gian nầy đang dồn cả về đây, một góc biển nhỏ, không đông lắm như những vùng biển nổi tiếng. Người ta tắm biển. Tắm trăng. Người ta cười đùa, ca hát trên bãi cát trăng. Vài người chậm rãi bước dọc chân nước như hai chị em.  

   Chừng một chặp, chị em mỏi chân, lót dép ngồi xuống cát. Trăng càng lúc càng sáng rỡ hơn. Biển ngợp trăng. Sóng nhẹ nhàng vỗ vào bờ, hào phóng vung vải tung tóe hằng hà sa số vàng bạc châu báu óng ánh, huyền ảo. Chị vẫn chưa thôi kinh ngạc với chiếc cầu trăng kì vĩ lấp lánh đang nối kéo biển khơi và bờ bãi gần kề lại với nhau. Rưng rưng nước mắt, chị say sưa ngây ngất uống từng giây hạnh phúc đang có. Đêm hôm nay rồi sẽ lùi vào quá khứ, sẽ không bao giờ, vĩnh viễn không bao giờ gặp lại nữa. Còn bức tranh nầy, cho dù mỗi tháng có lặp lại, cũng không bao giờ giống nguyên vẹn như hôm nay. Chị thầm cười mình, khi không lại băn khoăn với những việc muôn đời vẫn là lẽ đương nhiên.  

   Em cũng nhìn trăng, nhìn biển, nhìn người. Em đang nghĩ, nếu em ở đây, em sẽ mở nhà hàng ăn uống. Với lượng khách vầy cũng tha hồ ngồi đếm tiền. Không gì lời bằng bán thức ăn đồ uống, bạn của em có người mở quán ăn, từ hai bàn tay trắng, vốn ban đầu chỉ toàn vay mượn, vậy mà bây giờ giàu sụ!  

   “Khuya rồi, về đi chị!” Em kéo tay chị đứng lên. Chị tiếc rẻ, vừa đi vừa ngoái đầu nhìn lại …   

  Xe chạy bon bon, êm ru trên con đường quê đã trải nhựa. Chị nhìn sâu vào đêm, luyến nhớ con đường làng đất mịn năm xưa với bờ tre ken dày hai bên mát rượi. Nhớ quá những trưa hè chị em cùng bạn bè tíu tít đi hái củi tre. Nhớ quá bờ tre sau hè đong đưa cánh võng kẽo cà kẽo kịt, ầu ơi tiếng ru dịu ngọt mênh mang buồn.    

 Ngôi nhà cổ của ông bà sáng trưng ánh điện. Cô Trâm đang ngồi trên bậc tam cấp hóng mát, ra dáng chờ đợi. Mới chín giờ nhưng ở quê có vẻ như khuya lắm. Gió quê mát lành vương hương cỏ cây. Chị tham lam hít thở thật sâu, căng phồng lồng ngực. Ba cô cháu bưng don ra bộ bàn ghế đá trước nhà ngồi ăn cho mát. Những miếng bánh tráng giòn rụm thả vào tô don nóng hổi thơm ngọt cay điếc tai, phải ăn ngay để thưởng thức được cảm giác bánh vừa mềm nhưng vẫn còn độ giòn. Chị em cùng hít hà xuýt xoa khen ngon dễ sợ. Cô Trâm ăn chầm chậm, đợi hai chị em ăn xong, cô mới ăn hết phần còn lại.  

   Chị chìm trong hoài niệm, chiếc sân nầy giờ đây được đổ xi măng, sạch bóng. Còn đâu vuông sân cổ tích của tuổi thơ chị và em, của cả một đại gia đình cùng sống bên nhau. Những chiều tắt nắng, chị ưng lấy ngón tay miết xuống lớp đất mịn trên sân, vẽ hình công chúa hoàng tử. Những lúc tạnh mưa, cô Trâm đi dạy về, đôi guốc cao gót của cô để lại hai hàng lỗ nhỏ xíu. Đứa cháu nhỏ thường thọc ngón tay út xuống, khoét cái lỗ ấy sâu và rộng hơn. Rồi vạch một đường dài trên đất cách cái lỗ chừng vài mét để chơi. Em cao hơn chị, một chân đứng ngay vạch, một chân xỏai ra trước, chồm người tới, tay vươn dài khéo léo ném đồng xu vào lỗ chính xác. Còn chị, đã lùn còn vụng về, cứ ném trật ra ngoài.    

 Cũng vuông sân nầy, mùa lúa chật ních những nong lúa vàng óng. Ngay từ sáng sớm, cả nhà đã lăn những chiếc nong trải ra sân, rồi đem lúa đổ vào phơi. Nắng lên cao, chốc chốc người lớn thay phiên nhau ra quây lúa để chúng nhận đều nắng trời. Hình ảnh bà nội rõ mồn một. Trong nắng trưa chói chang, nội khom lưng cúi xuống, đôi bàn tay xòe ra, thoăn thoắt quây, hết nong nầy tới nong khác. Khi những sóng lúa đã nhấp nhô đều trong tất cả các nong, nội đứng thẳng người lên, mồ hôi ướt đẫm. Chị nhớ như in dáng nội đưa tay áo lên quệt mồ hôi trên mặt. Giờ nội đã thảnh thơi ngồi trên bàn thờ, tay cầm quạt, miệng nở nụ cười đôn hậu.    

 Có lần chị làm lanh trổ tài xiếc, lấy xe đạp chở em lách giữa những nong lúa. Bỗng bánh xe trèo lên vành nong. Chị em ngã nhào. Sợ bị ăn đòn, chị bỏ chạy vào trốn dưới gầm giường, kệ em dính đầy lúa, khóc um sùm! Nhớ tới đây chị bật cười. Cô Trâm đang vét vài ruột don còn dính lại dưới đáy soong, tưởng cháu cười mình, mắc cỡ: “Con Ngân cười tao đó hả, tại don ngon quá…”. “ Không phải đâu cô, tại con nhớ chuyện ngày xưa.” Em co chân đập muỗi cái bốp, dài giọng: “Cô ơi, suốt ngày bả mơ mộng nhớ nhung, bả sống trên mây trên gió, bả làm thơ viết văn, hở một chút là văn thơ trào lai láng, xém lụt, hơi đâu cô để ý cho mệt.”   

  Chị hỏi: “ Chừng nào tới mùa mía vậy cô?” “Giờ ai trồng mía làm chi, lỗ chết!” Chị bỗng thèm có cây mía để xước. Hồi đó chị xước mía giỏi hơn em. Chị biết xước từ phía răng trái bắt qua bên phải. Không như em xước từ răng phía phải rồi quặp luôn cây mía vào má phải, phấn mía dính đầy má. Ôi, chị nhớ rõ ruột mía trắng giòn ngọt lịm, cắn miếng nghe kêu cái tách, rồi nhai nhai, hít hít đến khi chỉ còn trơ cái bả xôm xốp, nhả ra rồi mà vị ngọt vẫn còn đọng tận mỗi chân răng. Đó là mùa đường. Hai chị em thường được sai coi chừng những nong đường kẻo chó tha. Em thích gặm cục đường nóng hổi còn ươm nồng mùi mật, thơm lừng hương nắng. Còn chị, chạy múc gáo nước giếng, thả cục đường vào, nặn thêm trái chanh giấy, uống một hơi, mát rượi.    

 Trăng lên cao, lấp ló sau tàu dừa bên giếng. Chị như thấy rõ hình ảnh chị, em và các bạn cùng chơi đùa dưới trăng trên mảnh sân nầy: U mọi, năm mười, nhảy dây… Giờ họ đâu rồi? Kẻ mất đã ngủ yên trong lòng đất. Người còn thì tha phương cầu thực, như chị như em.   

  Cô Trâm trải chiếc chiếu ra giữa sân, càu nhàu: “Cái nố nhỏ ăn mận xả từa lưa! Đồ yêu mấy trái mận non dờn chát ngắt, ngon lành gì!” Chị ngồi bật dậy ngạc nhiên, thú vị: “Nố là gì hả cô?” Cô Trâm cười độ lượng: “ Tụi bay xa quê lâu quá, ở trỏng miết rồi quên hết trơn hết trọi tiếng ngoài mình, nố là chúng nó. Nố chỉ người nhỏ hơn mình, vừa có thể mắng thiệt hoặc mắng yêu. Nố còn dùng cho ngôi thứ hai, ví dụ: nố bay. Kêu nố mà chỉ người lớn hơn thì có ý khinh thường.” Chị hào hứng:“ Nẩu là họ, phải không cô? “ Ừ! Đôi khi trong trường hợp đặc biệt, nẩu còn chỉ ngôi thứ nhất, ngôi thứ hai số ít. Thật ra, cách dùng những từ nầy còn linh động trong từng vùng, từng tình huống. Nề, mà cô chỉ giải thích theo cách hiểu của cô thôi nghe!”. Em cười hi hi: “Ôi dào! Mệt cho bà chị tui ghê! Hơi đâu mà đi thắc mắc ba cái chuyện vớ vẩn!”       

Chị hình như không nghe em nói. Chị chợt thở dài lo lắng, chắc chẳng bao lâu nữa, những từ địa phương độc đáo nầy sẽ đi vào quên lãng. Hồi sáng, cô Trâm biểu vô bếp lấy cho cô cái quạu, chị hơi ngơ ngác một chút rồi bật cười khoái chí đi lấy cái rổ. Cô biểu bắc trã cá lên bếp, chị tủm tỉm với cái nồi đất rộng miệng cạn đáy. Cô sai đổ đồ ăn thừa vô uôi để nấu cho heo. Chị lon ton chạy ra sau tìm cái vò nhỏ… Tộ là cái tô, thụi là túi áo, cái trôn chén, chụm lửa… Nghe sướng cái lỗ tai gì đâu là sướng!   

  Cô Trâm nói: “Nằm một chặp cho mát rồi vô ngủ, đã lắm.” Chị ơi ới hỏi em đâu. Em từ trong nhà nói vọng ra, phim hay quá, vô coi đi! Chị tiếc hùi hụi, sao em nỡ lòng nào coi phim trong một đêm trăng đẹp, trong hoàn cảnh hiếm hoi như vầy. Chị nằm xuống bên cô. Lòng tràn trề hoài cảm, ngất ngây hạnh phúc, bổi hổi bồi hồi.   

    Ba cô cháu ngủ trên bộ phản. Chị cố ý chui tọt vào giữa nhưng giả bộ như vô tình. Hồi nãy, khi đốt nhang trên bàn thờ ông bà nội, chị khấn, ông bà nội thương con, đừng để con sợ, phù hộ cho con ngủ ngon giấc. Em dạn lắm, ban đêm tỉnh queo đi khắp nơi trong nhà ngoài ngõ, sân trước sân sau. Chị cứ lẽo đẽo bám sát em hoặc cô, không dám ở một mình bất kì chỗ nào, ráng giả đò như có việc gì đó để giấu tật nhát gan của mình. Chị phục cô Trâm sát đất. Mùa nắng còn đỡ. Tưởng tượng mùa mưa bão sấm sét, đêm tối lửa tắt đèn … Ôi, chỉ mới hình dung chị đã thấy sợ. Có phải bản năng sinh tồn của con người mãnh liệt lắm nên ai rồi cũng thích nghi được với hoàn cảnh của mình?   

    Sáng, chị em ngủ dậy thì cô Trâm vừa đi chợ về. Chị mừng khi thấy cô tròn sáu mươi tuổi mà vẫn nhanh nhẹn khỏe mạnh. Cô ra quán trước ngõ kêu bánh xèo cho hai chị em rồi đi làm cá. Cô nói trưa nay đãi hai đứa bay ăn canh cá tràu nấu với thơm bỏ lá sưng. Ngon ác luôn.      

 Hai chị em ních một hơi chục bánh xèo quê nho nhỏ. Chị xuýt xoa, ngon miệng dễ sợ luôn, sao về đây ăn gì cũng thấy ngon. Có lẽ nhờ hương vị quê nhà, hương thơm kỉ niệm. Em cười, tại đói bụng đó chứ. Chị đi pha cà phê. Thưởng thức từng giọt cà phê đen đặc quánh, chị thấy cuộc đời thật hào phóng với chị, ban tặng cho chị quá nhiều niềm vui. Em khoái cà phê đá nhưng làm biếng đi mua đá, đành nằm chịu thèm. Chị giải thích, vậy là chưa ghiền, chứ đã ghiền thì đừng hòng làm biếng.  

   Xế trưa, ba cô cháu nằm xoài lên phản, tầm phào đủ thứ chuyện. Cô Trâm hỏi: “Hai thèng (thằng ) con của Ngân có bồ chưa?” Chị trả lời: “ Dạ thèng ( thằng) lớn có rồi. Thèng ( thằng) nhỏ chưa”. Hôm qua giờ chị được nói cái giọng Quảng đặc sệt, thấy sướng cái miệng quá chừng quá đỗi. Em tưng tửng: “ Cô ơi, tối nay mình en (ăn) bánh xèo, khỏi nấu cơm nghen cô!”. “ Xì! Đồ yêu cái thứ bánh xèo người ta bán toàn bột với mỡ. Để đó mai cô đi chợ mua tôm đúc cho bay ăn ngon ác luôn”.   

  Lại bắt sang chuyện hồi xửa hồi xưa. Chị thích thú gợi tìm kỉ niệm, em hững hờ ừ hử cho xong. Chị cùng em chợt ngoảnh lại nhìn mình. Mới đó mà đứa nào cũng tuổi đời chồng chất, ớn thiệt! Chị thở dài, giọng chùng xuống ngậm ngùi, đời người ngắn ngủi phù du, như bóng câu cửa sổ, như mây bay ngang trời… Sinh đẻ, nuôi con, quay tới quay lui, con vừa mới lớn, rảnh tay một chút đã về già. Em cao giọng, tại chị rảnh rỗi, nghĩ ngợi lung tung, chứ như tui đây, điên đầu với chuyện làm ăn, có thời gian đâu mà nhớ. Chị cãi, rảnh hử, cũng bù đầu bù cổ với việc công ty, việc nội trợ, lo cho con cái, việc đọc, việc viết. Em phì cười rộng lượng, mèng ơi, nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ đó! Chị không biết lao vào làm kinh tế điên đầu cỡ nào đâu! Ngập ngừng, chị hỏi: “Theo Hà hạnh phúc là gì?” . Em ngẩn ngơ một lát: “Ơ…là buôn bán phát tài, tiền vô như nước. Có tiền sẽ có tất cả. Muốn gì được nấy.” Chị dè dặt: “Đồng ý! Nhưng có những cái tiền bạc không thể mua được. Lại có những cái không cần tiền bạc cũng có được”. Em bĩu môi: “Đâu, cái gì không cần tiền bạc mà có được chị chỉ tui coi!” “ Đây nầy, như tối qua trên biển, như bây giờ được nằm đây, bên Hà, bên cô Trâm. Vui quá chừng vui. Hãy thưởng thức đi, có tốn tiền đâu.”

    Em nhìn chị với ánh mắt lạ lùng. Bắt gặp ánh mắt đó, chị đoán nó cho mình bị chập mạch, bị khùng khùng. Cô Trâm cười hề hề: “Nề, con Hà giàu, đi mua vài cái bánh tráng ăn chơi hè! Còn con Ngân nghèo, đọc thơ nghe coi hè! Bánh tráng no bụng. Thơ no tim. Chịu chưa? Thứ nào cũng cần hết.” Ba cô cháu ôm nhau cười bò. Tiếng cười ngân vang len vào từng ngõ ngách của ngôi nhà cổ xưa thênh thang, quanh năm suốt tháng âm u quạnh quẽ. Thương cô Trâm ghê, hai chị em về thăm cô, cô mừng quýnh quíu. Chị thầm ước, cứ vài năm được một dịp như vầy thì còn gì bằng.


  Chị sẽ về nơi của chị. Em sẽ về nơi của em. Khoảng cách không gần không xa. Bởi muốn gần sẽ gần, muốn xa sẽ xa.

    Ngồi trên xe, em phác thảo kế hoạch rót tiền đầu tư cho nhà hàng ăn uống, lim dim mắt hình dung cảm giác sung sướng ngất ngây khi tiền vô như nước. Còn chị, trái tim run rẩy xao xuyến khi xe lướt nhanh qua dòng sông Trà Khúc cạn nước, đáy sông bày ra vài khoảnh cát trắng phau, mấy mảng cỏ xanh mượt. Mắt chị nhòa mờ nhìn núi đồi hai bên đường vun vút chạy lùi. Chị ngoái lại. Cứ ngoái lại cho đến lúc quê nhà thân thương khuất xa tầm mắt. Mà nghe lòng mềm mại yêu thương. Mà nghe bâng khuâng hạnh phúc. Mà chắt chiu hít thở từng phút từng giây của cuộc đời. -/.




VVM.05.01.2025.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .