Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

LANG BẠT KỲ HỒ



                                 
T ùng về tới nhà, thấy ngạch cửa có giắt miếng giấy xé từ cuốn tập học trò: Rong rêu gõ cửa nhà lạnh ngắt, bụi lầm dừng tắm chỗ ông Cơ.  Đúng là tuồng chữ xiêu vẹo của Tử Nhiên. Vậy là đã sang tháng rong, gã lang bạt kỳ hồ đã lên đường.

Vặn vòi nước xả ào ào một lúc cho nguội tấm thân còn nóng rực đường trường, Tùng xách xe chạy tới nhà Cơ. Mới tám giờ tối mà cả hai đã gần như say quắt cả ra. Mà hắn lạ thật. Mới ba năm không gặp, cơn cớ gì lại râu tóc dài lủa tủa, trắng lóa lên như bông gáo. Chỉ hai con mắt sâu hoắm với bộ tạng còm nhom là vẫn i sì như xưa.

- Mầy hả Tùng? Có ve rượu với miếng cao khỉ cho mầy. Từ chiều tới giờ chưa dám khui.

Gã lang bạt kỳ hồ vẫn hệt tính cách ngàn năm của gã. Cầm ly rượu ực một cái sạch bách. Dằn ly xuống tấm đệm, nhắm tít cả hai mắt, đọc nhừa nhựa.

Hình hài cũ không ra ngoài chiếc bóng
Ta giang hồ uống vặt vãnh ly suông
Trời đất rộng hẹp gì ta khoảng trống
Chữ ngã nghiêng chếnh choáng phách men cuồng

Lại sắp bày đặt ngâm ngợi nữa đây. Rồi ông Cơ sẽ xi bai xi bơ, ka nhét, áp su đa. Rồi sẽ phang nhau bằng ngôn từ chí mạng. Cả hai khắc khẩu từ mấy năm nay. Chẳng ai thèm nghe ai. Mạnh ai nấy đọc. Thơ văng ra ào ào. Đọc cho hả hơi men, cho thiên hạ hay rằng cả hai đang nhậu tiệc thơ. Ai lỡ ghé vào thì phải yên phận ngồi yên đấy nghe họ xuất bản không cần biên tập. Đừng dại miệng mà bình phẩm lung tung. Tới Lưu Linh sống dậy cũng phải ngồi im chịu trận. Rung rinh nước chảy lên non, những thằng uống rượu là con Ngọc Hoàng. Mỗi người hơn một ve rồi, Hậu Nghệ với Hằng Nga cũng có ra gì. Chỉ Tùng là có thớ. Bợm thì phải sợ bợm chứ sao!

Tùng tự rót cho mình một ly.

- Mới lượm được câu thơ ở Trà Cú. Tử Nhiên, mầy đưa ve rượu đây, tao đọc.

Chưa đả tử đất thấp ông trời cao
Đã tử rồi đất cao ông trời thấp

- Vậy mà thơ! Ngang phè phè chớ thơ gì! Nghe thơ lão Cơ nè!

Tôi còn nhớ ngày nào tay bết mực
Quệt lên đầu không tóc trọc bình vôi.

Trận thơ sẽ không bao giờ có hồi kết, nếu cả ba không lăn ra ngủ lịm lúc gần ba giờ sáng.

Tử Nhiên quê mút mít ngoài Trung. Đâu đó ở một hòn đảo vô danh trên bản đồ. Vô Kiên Giang năm hai mươi tuổi, lận theo tấm bằng sửa máy xe, máy tàu. Cóc cách cọc cạch từng ngày vừa đủ sống. Cứ lưng lửng mặt trời gần lặn xuống ngực biển là chùi tay bằng nùi giẻ, lững thững xuống buồng tắm làm vệ sinh, rồi đạp xe về nhà trọ. Ngôi nhà xây có một lầu, một xép, một sân thượng. Tử Nhiên sống trên xép với cây ghi ta lúc nào cũng sạch bóng. Đó là người tình của va. Va yêu người tình hơn chính cả bản thân. Trước khi cầm đàn, va dùng tấm khăn bông lau chùi sạch sẽ. Chơi xong, gã lại dùng khăn lau đi lau lại. Có ai đó táy máy cầm cây đàn, lúc buông ra, Tử Nhiên lập tức ôm cây đàn vào lòng, dùng khăn chà đi chà lại tới từng sợi dây. Làm như anh ta sợ tay người khác có vi trùng. Còn bản thân, nghe đâu mỗi tuần va chỉ tắm một lần tới hai lần là cùng. Quần áo thay ra thì treo trên mắc áo, lúc cần lại mặc vào sau mấy cú dùng chổi lông gà đập đập cho bay bớt bụi. Bà chủ động lòng bởi ông khách lập dị, thỉnh thoảng lại quơ tuốt tuột cả đống quần áo, tống hết vào máy giặt. Tử Nhiên trả tiền nhưng không đời nào bà thèm lấy. Vị thế của bà là chủ chứ không phải người ở. Chồng bà cũng người lập dị, cũng quanh năm bám trụ trong nhà đọc sách thuốc Nam, để không bao giờ thèm tốn tiền cho một viên tá dược kiểu Tây. Lâu lâu chán nản vì chữ nghĩa rậm rịt, ông lại lên sân thượng nhâm nhi với Tử Nhiên vài ba chén. Cả hai cùng đọc thơ, cùng hát, và cùng say lúy túy ở trên đó. Trong một lần say quắt, ông ta đã hét vào mặt vợ, rằng từ nay cấm không được lấy tiền trọ của ông khách. Tử Nhiên thành người nhà từ đó.

Tử Nhiên đã từng chu du Singapore hai tháng trời không tốn một cắc bạc. Đó là lần anh theo lo máy tàu ngoài biển. Chiếc tàu cá ra khơi vào ban đêm, người ta còng Tử Nhiên bằng mấy lời xin lỗi và mấy lời mời anh ra nước ngoài. Tử Nhiên chỉ lắc đầu chứ không hề há miệng một lời. Tàu cá cặp vào mạn một tàu tải, nhận thêm đám đàn bà con gái và mấy thùng dầu. Biển cắc cớ nổi cơn thịnh nộ. Gió cấp tám, sóng cấp bảy; con tàu bị nhồi lắc răng rắc, tưởng chừng sắp bị nhấn chìm xuống vương quốc thần Hà Bá. Ói mửa tới mật xanh mật vàng, nhưng không ai hề hấn gì. Sau hai ngày hai đêm, thần biển buông tha cho họ trong tình trạng cùng kiệt tới khốn khổ khốn nạn. Một chiếc tàu kéo cờ Panama đã đưa họ ghé vào vương quốc đảo của xứ sở du lịch có nhiều người Tàu hơn người thổ địa. Là người duy nhất không xin tị nạn chính trị, Tử Nhiên được dẫn độ đến khu vực người Việt cư trú, tá túc ở đó hai tháng trời. Hai tháng không phải đứng máy, không lấm lem dầu mỡ. Hai tháng tha hồ đọc thơ trong sự thán phục của những công dân vong quốc nhớ quê nhà tới cháy lòng cháy dạ. Hai tháng được vi vu trên đảo quốc phải mua nước ngọt, nhưng tha hồ xài nước phông-tên mặc sức. Ngày sứ quán sắp xếp cho bay về Tân Sơn Nhất, Tử Nhiên được bà con cùng dòng máu Âu Cơ mua sắm cho đủ thứ, lèn đầy hai va ly trảng và hai túi du lịch bự. Như VIP lớn đi xa trở về, vợ chồng chủ trọ thuê xe hơi lên đón Tử Nhiên tận sân bay.

Sướng như tiên tại phố biển mặt trời lặn, nhưng Tử Nhiên vẫn không bỏ được máu lang bạt kỳ hồ. Tử Nhiên sống bằng tiền sửa máy, nhuận bút các báo, các chí, các đài… Tử Nhiên không bao giờ rớ tới. Anh thư cho họ, bảo cứ giữ tại chỗ. Đó là tài khoản không ký thác ngân khố, dành cho những chuyến ruổi rong các nẻo đường khi đến tháng rong của anh. Lúc ra đảo, lúc lên rừng, lúc vào đồng sâu heo hút. Có lúc chốt ở phố thị. Cuốn sổ tay cáu xỉn thời gian, đặc nghẹt địa chỉ bạn bè nhân chi sơ tứ xứ. Không ai nuôi thì ra nhà trọ. Nhiều nhà trọ đã nhẵn mặt Tử Nhiên bởi tính ăn uống quấy quá và chong đèn cả đêm viết viết xóa xóa. Toàn thơ với ký. Cuốn tiểu thuyết cuộc đời vẫn cài trong bộ nhớ được vận hành bằng rượu trắng. Dung lượng bộ nhớ lớn tới mức, gã lãng tử viết cả năm, kể cả năm cũng không hết - không thể nào hết. Tốc độ vi xử lý cực kỳ nhạy. Khi nổi nóng, Tử Nhiên vung tay hùng hổ: Nguồn gốc loài người từ cá heo chứ không từ khỉ. Phôi sống trong môi trường nước. Mới đầu có mang, có đuôi như nòng nọc. Mang lồi lên thành tai, đuôi xẻ ra thành chân. Phần trên nứt lòi ra hai con mắt. Phần dưới lồi ra hai cánh tay. Nòng nọc người bò ra khỏi bào thai, chìm trong nước đã bơi thoăn thoắt. Chỉ có người mới hóa khỉ, bày trò khỉ làm nhức đầu thiên hạ.

Dù không muốn, bộ nhớ của Tử Nhiên cũng đã save tự động khá nhiều trò khỉ của thiên hạ. Nhưng đừng hòng Tử Nhiên thèm viết những điều đó. Bẩn giấy và hư hỏng bút mực. Con khỉ nọ trúng thương đạn ghém phường săn trộm, vẫn ôm ghì đứa con trong lòng. Chỉ đến khi trao được hòn máu cho chồng, khỉ mẹ mới tru lên thảm thiết, rồi gieo mình từ trên cao xuống đất. Tử Nhiên cho đó là bản chất gốc của con người còn lưu giữ trong cấu trúc gen của khỉ. Điều đó đáng viết hơn ngàn lần trò xiếc khỉ, biến đồng hồ điện kế quay ngược chiều, biến dầu hôi hóa thành xăng A92. Còn chuyện con bé đi ở giữ em, không dưng bụng nhô lên cum cúm, viết thành truyện để làm gì cơ chứ. Tử Nhiên thích làm thơ, đọc thơ, bởi năng lượng thơ được giải phóng, sẽ giải tỏa được muôn muôn vẻ đẹp của đời.

Và mỗi năm một lần, vào tháng rong của mình là Tử Nhiên lên đường. Đó là tháng của đào mai cựa mình nứt vỏ, chuẩn bị cho sự phún chồi, bật nụ. Bắt đầu từ ngày ông chủ lẩy mai. Cây mai lò xo độc nhất vô nhị đã có trên trăm tuổi hạc. Cánh mai túa ra, cuộn lại loăn xoăn, thách đố đến hợm mình. Nó có quyền tự hào và kiêu hãnh, bởi vì nó đẹp, nó lạ, nó hiếm, nó là huỳnh mai công chúa. Nó ngự trên sân thượng. Chỉ tới ngày Tử Nhiên kết thúc chuyến lang bạt kỳ hồ trở về, nó mới phún ra từng cánh mỏng. Ông bà chủ bày bàn tiệc thịnh soạn dưới nắng trời óng ả, điểm danh mời tới một số bạn bè, chiêu trường xuân tửu vịnh mai. Bấy giờ Tử Nhiên ngồi thu lại, chìm lút trong mịt mù khói thuốc. Bộ tạng hệt một ẩn sĩ bất chấp dâu bể chuyển dời. Thơ anh mọc mầm trong lơ mơ hồi ức về tháng rong lang bạt.

- Tao bạc tóc nhưng không già. Tóc còn xanh đời vốn bạc đầu. Chẳng qua là quy luật sớm hay quy luật muộn. Tử Nhiên kể tôi nghe về ba năm vắng mặt, ba năm bỏ tháng rong không lang bạt. Đó là thời gian hơn hai năm nằm trại luyện yoga và nghiền ngẫm sự đời.

Chẳng can án và cũng không tội lỗi, chẳng qua vì máu lang bạt kỳ hồ mà nếm trải mùi thiền xứ núi. Đó là do anh mê dòng Krông Kna, Krông Knô, mê những cánh rừng mai đại ngàn ngút ngát. Hơn một tuần cao nguyên nắng gió, Tử Nhiên bao xe về Sêrêpôk, mướn chiếc xuồng độc mộc thưởng ngoạn sông biên giới. Ma xui quỷ khiến, anh lên bờ và cứ lạc mãi vào đất nước của chùa Tháp. Nhập vào một đoàn người buôn lậu, anh lên tận biên giới Thái – Miên. Chạnh lòng với những người đào đá, Tử Nhiên lại lạc sâu trong những cánh rừng lạ huơ lạ hoắc. Lạ tới mức anh đi lút vào đất Thái mà không biết. Bị cảnh sát bắt giữ. Bị trả về xứ sở với tội danh vượt biên trái phép. Trại Sông Bé đã giữ anh lại ngồi thiền, luyện yoga và học nghề bốc thuốc bằng cây lá.

Trong trại, anh kết thân với một tay đầu gấu học võ. Kết thân với một nhà thầu khoán vỡ nợ, học luyện yoga. Kết thân với một gã người Tàu, học Thiền. Còn nghề thuốc thì học một ông thầy miệt Bảy Núi. Bạ gì học nấy, Tử Nhiên học để giết thời gian nhàm chán ở trong trại.

Một đêm trăng sáng vằng vặc tới động lòng, tới không thể ngủ được, Tử Nhiên chợt thấy cửa phòng không khóa, bèn thả bộ ra sân. Sân rộng mênh mông. Ánh vàng chan chứa. Gió ngủ quên lìm lịm. Tử Nhiên rảo bước thơ thẩn như thời lãng tử. Lạ thật. Tới cổng trại cũng không khóa. Vậy là rảo luôn ra ngoài. Tha thẩn vô định dọc theo con đường lúp xúp hoa mua. Những lùm mua cũng say ngủ. Tới con đường đất xốp trắng cũng lịm ngủ. Chỉ có vầng trăng là thức. Tròn vành vạnh. Cô đơn tới lạnh lạt. Nghe tiếng máy xe gầm gừ ở đâu đó, Tử Nhiên cắt đồi hoa mua đi xăm xăm như bỏ chạy.

Anh gặp con đường đất đỏ. Gặp cái am bên một gốc cây sần sụi. Một ngọn đèn dầu hôi hiu hắt. Một dĩa cơm trắng. Một hột vịt. Một nải chuối. Mấy điếu thuốc. Cứ như có ai đó dọn sẵn. Tử Nhiên ngồi xuống, chén sạch tất cả các thứ trời cho. Ăn xong mới biết mình chỉ vận độc cái quần cộc. Vậy là thả tà tà trở lại.

Có tiếng máy xe gầm gừ sau con dốc. Rồi ánh đèn pha chiếu thẳng vào mắt. Rồi tiếng bác tài hỏi:

- Trốn trại phải không? Về đâu? Lên đây tôi cho đi nhờ!

Xỏ chân vào cái quần lấm lem dầu mỡ. Khoác lên mình cái áo thun cũ mèm. Chụp lên đầu cái nón két. Tử Nhiên theo bác tài làm cuộc hành trình êm xuôi về xứ biển.

Nghỉ ngơi ba ngày, lại ôm một chồng sách trở về trại. Người ta lập biên bản quấy quá, rồi thông báo: tuần sau anh được về nhà.

Kẻ lang bạt kỳ hồ lại tiếp tục cuộc hành trình vào tháng rong của mình.

- Chuyến này tao đến nhà thằng bạn, rủ nó ra đảo khỉ. Tưởng người ta nuôi khỉ để bảo tồn sinh thái, ai dè người ta nuôi giết thịt hay lấy máu để làm huyết thanh gì đó. Người vẫn là người mà khỉ vẫn là khỉ. Thủy tổ của con người đang bị con người trấn lột.

Tôi nhớ con khỉ anh bạn tôi mua ở đâu đó đem về. Nó bị xích trên cây mận, hàng ngày được ăn chuối xiêm mặc sức. Tưởng anh ta nuôi chơi làm kiểng. Nhưng anh ta nuôi vỗ béo để đãi xếp món óc khỉ. Đặt nó vào một cái hộp gỗ, để lú đầu lên, dùng dao phạt ngang một nhát. Nghe tiếng kêu ré rợn người, tiếng giãy đành đạch. Rồi thấy bộ óc trắng hêu hếu bắt đầu rịn máu, hồng hồng như nước củ dền. Óc khỉ được múc ra dĩa, vắt chanh vào, rẩy muối tiêu vào, rẩy đậu phộng rang vào. Vậy là thành bữa tiệc óc khỉ.

Nay nghe Tử Nhiên nói về thứ huyết thanh chế từ huyết khỉ, tôi thấy nao cả lòng, phải hỏi né sang chuyện khác.

- Cây mai lò xo năm nay sao rồi?

- Mất mùa. Hôm tao đi vẫn chưa thấy búp. Nhưng mà biết đâu đấy. Vẫn chưa tới tết cơ mà.

Rõ thật năm con khỉ! Tết không có mai thì còn gì là Tết!. -/.




VVM.05.01.2025.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .