Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



THỊ TRẤN MÂY BAY THẤP


                         
B ỏ lại sau lưng sự ồn ào, náo nhiệt, nơi thành phố, tôi quyết định trở lên cao nguyên ngay trong đêm hai ba tháng chạp, hy vọng sáng ra sẽ có mặt sớm ở thị trấn B’lao (nay là phường). Nơi trước đây, một số người gọi là “Đám Mây Bay Thấp”, là vùng gió thổi, riêng người Mạ bản địa, gọi B’lao là cái bàu nước hay đầm nước. Đặc biệt hơn, thị trấn này là nơi cách đây hơn mười lăm năm, tôi và hai mươi bạn đồng môn, sau khi tốt nghiệp chuyên môn ra trường, đã được phân công về đây công tác.

Còn nhớ, ngày đầu tiên ở nơi xứ lạ quê người, chúng tôi ai nấy đều có chung tâm trạng lo âu, sợ hải, nhất là về phía các cô gái; để rồi sau đó oà vỡ bên sự thích thú, khi chứng kiến vẻ đẹp thiên nhiên kỳ vĩ, thơ mộng,.qua những nương trà bạt ngàn, những đồi cà phê phủ trắng bông tuyết, quàng vai nhau từ ngọn đồi này sang ngọn đồi khác.

Thật vậy, đúng như dự tính, sáng hôm sau B’lao đón tôi bên thời tiết hiu hiu lạnh, cùng với mù sương phà lên tận mũi mùi vị ngai ngái, khiến nhìn ở đâu cũng tưởng là hư ảo. Gợi nhớ những sớm mai, thọc tay trong túi quần, lê những bước chậm rải qua từng con dốc, đi tìm ly cà phê, ngồi thả hồn bay theo từng lọn khói. Ôi! Thế mới biết, thời gian quả đúng như bóng câu qua cửa sổ, bởi mới ngày nào chân ướt chân ráo đặt chân lên phố núi, tính đến nay cũng đã tròm trèm hai mươi năm rồi còn gì. Không rõ, trong đám bạn ngày xưa, những ai còn trụ lại hay đã bỏ về như tôi, bởi công tác chưa đầy hai năm, tôi bỗng dưng bị gia đình gọi về giải quyết một số công việc riêng, nên buột phải rời bỏ nhiệm sở với ít nhiều kỷ niệm để mà thương nhớ vấn vương.

Đang phân vân chưa biết bắt đầu từ đâu, bờ hồ, quảng trường hay khu nhà thờ, bởi trước mắt tôi hết thảy đều đã thay đổi so với thị trấn mà tôi từng biết, vô tình biến tôi thành kẻ xa lạ với chính nơi mình từng có mặt sống qua. May sao, đúng ngay lúc đó, không biết từ đâu xuất hiện một bác lái xe lớn tuổi, chạy xe trờ tới chào mời một cách thân thiện:

- Tôi có thể giúp gì cho cậu?

Nhìn nụ cười điểm trên gương mặt người đàn ông đáng tuổi cha chú, tôi không sao đoán biết ông ta đang vui hay buồn, làm cho tôi cảm thấy có chút áy náy hỏi:

- Xin lỗi! Có thật bác là người lái xe ôm?

Thay vì trả lời, người đàn ông lái xe hỏi ngược lại tôi:

- Vậy cậu cho tôi là ai?

- Trông bác giống công chứ nghỉ hưu. .

- Chẳng lẻ tôi không có quyền chạy xe kiếm tiền trang trải cuộc sống ư?

- Ở vào độ tuổi như bác, đúng ra đã được nghỉ ngơi, chứ đâu đến nổi phải chạy xe vất vã kiếm tiền.

- Cám ơn cậu đã nghĩ vậy, nhưng. . .

- Sao ạ?

Đưa bàn tay sạm nắng lên sửa sửa lại chiếc mũ bảo hiểm, người đàn ông với vẻ mặt rầu rầu, thấp giọng nói như tâm sự:

- Không dấu chi cậu, mấy đứa con tôi, đứa hy sinh đứa mất tich, bỏ lại hai vợ chồng già sống trong cô đơn.

Không cho phép mình bị cuốn vào đề tài chiến tranh, bởi bất kỳ gia đình sống ở hai miền Nam - Bắc, đều phải hứng chịu những đau thương, mất mát, trong cuộc chiến vừa qua, cho nên tôi lái câu chuyện trở về thực tế bằng câu hỏi::

- Bác có thể chở cháu đi thăm hết các nơi trong huyện?

Người lái xe khẳng định:

- Dĩ nhiên rồi, đó là nghề của tôi, câu hãy tin nơi tôi.

Đội lên đầu chiếc mũ do bác lái xe đưa cho, tôi ngồi lên phía sau xe rồi nói:

- Mình lên đường cho sớm thôi bác.

Chưa nói dứt lời, đã thấy chiếc xe chồm lên phía trước, đưa tôi băng qua các hang cùng ngõ hẹp, hêt con đường này tới khu phố khác, chứng kiến bao sự thay đổi đến không ngờ. May nhờ có bác lái xe luôn ở bên cạnh, giải thích cho biết chỗ này trước đây là sân bưu điện, chỗ kia là bến xe, chỗ nọ là khu chợ. . . đã giúp tôi nhớ lại những nơi mình từng sinh hoạt, vui chơi, trước đây.

Xế trưa, sau khi đã đi hết các nơi trong huyện, bác lái xe trả tôi về lại vị trí ban đầu, kèm theo lời từ chối không thể dùng bữa trưa do tôi mời, với lý do không muốn để bà xã ở nhà chờ cơm.

Còn lại một mình, thay vì tìm chỗ nghỉ ngơi ăn uống, tôi dạo qua các khu chợ Tết đông vui, xem người ta mua bán bánh mứt, hoa quả, cây cảnh chưng Tết, trò chơi dân gian. . . vô tình lại trở ra quốc lộ lúc nào không hay. Tới chừng, phát hiện bên đường có quán giải khát bán kèm thức ăn nhanh, tôi liền ghé vào nghỉ chân, gọi nước uống, cùng một phần thức ăn nhanh.

Trong lúc, ngồi chờ thức ăn mang ra, tôi lơ đãng dõi mắt nhìn sang bờ hồ đối diện, bắt gặp quần thể mang hình con tàu khổng lồ, hiện ra trắng toát trên nền trời xanh. Nghe kể, trước khi trở thành khách sạn, tiền thân toà nhà vốn là công ty dâu tằm tơ, do làm ăn thua lỗ sao đó nên bị xiết nợ. .

Đang bơi trong sự liên tưởng, tôi bất ngờ bị đánh thức bởi cô nhân viên, vừa mang nước tới đặt trên bàn. Tận dụng thời gian cô nhân viên chưa kịp quay vào bên trong, tôi hỏi cô:

- Trước kia tôi có người bạn tên Vân, nhà cửa ở gần đâu đây, cô biết không?

Lộ chút ngạc nhiên, cô nhân viên quan sát tôi thật nhanh, trước khi hỏi lại tôi:

- Có phải chị Tường Vân làm ở ngân hàng Bảo Lộc?

Tôi mừng rỡ đáp:

- Chính cô ấy.

- Anh không gặp may rồi.

- Sao?

- Chị ấy trở về Mỹ cách đây hai tuần..

- Cô là gì với Vân?

- Chị em họ.

- Thì ra đây là nơi tôi từng ghé, thảo nào nhìn quen quen..

- Cho hỏi anh là ai, tên gì?

- Nguyện.

- Có hai Nguyên, anh là Nguyện “trẻ” hay Nguyện “già”?.

Không dấu được sự ngạc nhiên, bởi cơ quan tôi ngày ấy, có đến hai người cùng tên Nguyên. Để tránh nhầm lẫn, mọi người gọi tôi là Nguyên “trẻ”, bạn kia tuy bằng tuổi, nhưng đầu tóc lộ ra nhiều sợi bạc, nên được gọi là Nguyên “già”. Những tưởng chuyện nội bộ, chỉ có người trong cùng cơ quan biết với nhau, ai dè người ngoài như cô nhân viên đây cũng rõ mười mươi, bảo sao tôi không khỏi ngạc nhiên cho được.

Để trả lời câu hỏi của cô gái, tôi tự giới thiêu về mình:

- Tôi chinh là người được gọi là Nguyện trẻ đây..

Không chút do dự cô gái tiết lộ bí mật:

- Chị Bích mỗi lần kể chuyện anh, chị ây lại rươm rướm nước mắt.

Khóc. Lần đầu tiên tôi nghe chuyện này, bởi tôi và Bích gặp nhau không quá hai lần. Lần đầu qua sự giới thiệu của người bạn, khi cô ấy có mặt dự hội nghị khách hàng do cơ quan tôi tổ chức, lần thứ hai vào buổi sáng chủ nhật, khi tôi cùng đám bạn mua vé xem bóng đá, tình cờ gặp cô trên phố, bạn bè thách tôi làm sao mời được cô cùng đi vui chơi ăn uống. Có lẽ, bắt nguồn từ sự quan tâm nơi tôi, nên cô đã hiểu sai về tình cảm của tôi dành cho cô, trong khi tôi chỉ xem cô như người bạn đơn thuần.

Muốn hểu rõ hơn quan hệ giữa cô gái với Bich thế nào tôi hỏi:

- Cô có thân với Bích không?

- Nhà bọn em ở cạnh nhau nên thường qua lại.

- Tình trang gia đình Bích có tốt không?

- Chồng chị ấy mất trong tai nạn giao thông.

- Con cái?

- Hiện chị ấy đang sống cùng con gái bảy tuổi.

- Tôi có thể ghé nhà thăm Bich chăng?

- Chắc chị ấy mừng lắm..

Qua sự chỉ dẫn của cô gái, đường tới nhà Bích xem ra không mấy khó đối với tội, bởi địa bàn này trước đây do tôi phụ trách mảng tín dụng HTX, nên mọi ngõ nghách khu vực này tôi đều nắm rõ. Nhờ vậy, sau khi ăn uống, tôi tìm tới nhà nàng, trước là gặp mặt sau đó xem cuộc sống nàng ra sao? .

Từ xa, thấp thoáng bên mảng xanh của khu vườn, hiện ra trước mắt tôi ngôi nhà nhỏ xinh, toạ lạc sau hàng rào dâm bụt xanh mởn, điểm xuyết trên đó một vài bông hoa màu đỏ thắm, đẹp không kém gì tranh vẽ bởi Monet. Để rồi, qua dò hỏi, tôi biết chính xác ngôi nhà nhỏ đó, chính là nơi sinh sống của mẹ con Bích.

Không mấy vội vã, tôi tìm cho mình chỗ đứng tương đối kín đáo, để từ xa có thể quan sát toàn bộ ngôi nhà của Bích, mà không sơ bị ai quấy rầy. Tình cờ, phát hiện sau hàng rào, hình ảnh người phụ nữ đang ngồi trò chuyện cùng con gái. Không rõ họ nói với nhau những gì, mà chỉ thấy sau đó cả hai ôm nhau cười ngặt nghẽo. Tôi không khỏi ngạc nhiên cũng như không tin vào mắt mình, nếu người phụ nữ kia lại là Bích, bởi nhan sắc của nàng, tuy không thuộc hàng “hoa nhưòng nguyệt thẹn”, nhưng có thừa sự xinh đẹp, chứ đâu đến nổi má hóp, da đen sạm cháy nắng, như người phụ nữ kia. Lạ. Tôi nghĩ, nếu tình cờ gặp nhau trên phố, chưa chắc gì tôi đã nhận ra nàng. Chao ơi! Chỉ sau hơn mười lăm năm, thời gian không dài, đã biến một cô gái trẻ đep thành người thiếu phụ đáng thương đến vậy sao?. Bất chợt, nhớ ra điều gì, cô con gái vụt rời khỏi mẹ, chay về phía khu vườn trước nhà, ngắt lấy một bông hồng, mang vào trao tặng cho mẹ.

Chứng kiến tình mẫu tử thiêng liêng của hai mẹ con Bích, tôi suy nghĩ: “hay mình không nên xuất hiện nữa, mà cứ để nàng giữ lấy mối tình đơn phương ấy cho riêng mình”?

Hình như ai đó từng khuyên: “đứng trước một bức tranh đẹp bạn chỉ nên chiêm ngưỡng nó từ xa”. Tôi chợt ngộ ra điều đó, thay vì xuất hiện trước mặt Bích, tôi liền rời chỗ đứng, lặng lẽ quay về thị trấn, tình cờ nghe văng vẵng bên tai bài hát ca ngợi mùa xuân.

“Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về / Mùa bình thường mùa vui nay đã về./ Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên / Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông / một trưa nắng cho bao tâm hồn.. . . “ -/.




VVM.03.01.2025.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .