Ông Trần còn đang mơ màng nghĩ đến những nghi thức sẽ có trong buổi lễ cưới, thì một tin vui thứ hai tiếp đến. Bà Trần vừa được con gái đang ở xứ Cờ Hoa báo qua email cho biết cô sắp có em bé thứ hai. Ông Bà Trần quá đỗi vui mừng nhưng cũng không kém phần âu lo cho sức khỏe của con gái. Từ đó, dựa theo thông lệ, khi ngồi trước máy vi tính chờ con gái gọi về để chat, bà Trần thường quan tâm đến tình trạng thai nghén của con gái. Bà cứ phải sốt ruột khi nghe con cho biết “nó” quậy quá, bắt nôn ọe hoài không ăn uống gì được. Bà Trần quay qua than thở với ông. Ông Trần cũng thấy xót xa thương cho con gái sống xa nhà không gần cha mẹ để cùng… than thở. Thật sự, ông bà cũng biết, có ở gần cũng không biết làm gì hơn. Than thở xong, qua màn hình hai mẹ con tràn lan tâm sự, nhiều nhất vẫn là câu chuyện về đứa cháu ngoại đầu tiên gần được hai tuổi đang quậy phá. Chị nhỏ này thường hiện trên màn hình lấy tay đập lên bàn phím. Bà Trần chuẩn bị cái máy hình để đưa lên chụp khi thấy con bé ở vào vị trí thích hợp và đẹp mắt. Mới đây nhân dịp Giáng Sinh, nhà trường cho lớp của chị mặc đồng phục ông già Noel lên sân khấu biểu diễn văn nghệ. Thế là thêm mấy người lớn kéo đến trường xem các nghệ sĩ tí hon biểu diễn. Ông nội cũng đi theo làm nhiệm vụ chụp hình. Vừa hơn hai tuổi nói chưa rõ nên có hát được bao nhiêu đâu, chỉ đứng uốn éo chạy qua chạy lại rồi nhận quà mang về. Chỉ có chừng đó mà từ mấy đứa nhóc tì cho đến người lớn đều cảm thấy hạnh phúc, hân hoan ra về. Hình ảnh sau đó được gửi về đây, ông bà Trần xem cũng cảm thấy vô cùng vui sướng.
Đó rồi thời gian cứ trôi qua. Vèo một cái là đến ngày đám cưới cô cháu. Ông Bà Trần cũng lên khuôn đi họ. Buổi sáng đó ông Trần trong bộ côm-lê đứng ra điều khiển buổi lễ thành hôn của cô cháu được thành công mỹ mãn. Cũng trong thời điểm này, bà Trần trong vẻ rực rỡ của chiếc áo dài mới may cho ngày đám cưới của con cháu, đang thấp thỏm đi tới đi lui vì cô con gái ở bên kia nửa vòng trái đất đã báo động sẽ sinh em bé trong nay mai. Hai ngày nay cô không gọi về chat với bà.
Rồi thì sự mong đợi của bà Trần, và cả ông Trần, cũng đã đơm được hoa thơm trái ngọt. Con gái của ông bà đã gọi về báo cho biết cô đã sinh một em bé trai, mẹ tròn con vuông, cách đó mấy tiếng đồng hồ.
Khi mọi việc xong xuôi, họ nhà trai đã lục tục kéo nhau về nước, ông bà Trần cũng đã nhận được hình ảnh của em bé mới ra đời bụ bẫm xinh xắn, rồi ngay buổi chiều hôm đó ông đưa bà ra nhà thờ để tạ ơn.
Bây giờ ông Trần sực nhớ ra là sắp hết năm rồi. Trời bắt đầu se lạnh, nắng đã chuyển sang màu vàng nhẹ của một tách nước trà pha loãng. Lá vàng rơi từng mảng xuống đường, xuống những chiếc xe hơi bóng loáng. Bà Trần nhắc:
- Làm sao tẩy hết mấy thùng CPU cũ xì này đi cho rồi!
- Từ từ đi ma-đam anh định mua mấy cây RAM mới về thay là chạy được liền.
- Thôi xin can ông đi, cái gì chạy đâu không thấy chứ chuột chạy vô làm ổ đầy nhóc ở trong đó.
- Được, để vài bữa nữa anh kêu ve chai vô hốt đi cho rồi.
- Còn đống báo cũ nữa kìa, đây một mớ, đàng kia một mớ. Ngán luôn!
- Để anh “xử lý”, ma-đam yên tâm.
Rồi ông nhìn cửa nẻo trong nhà, ông hỏi:
- Bà có muốn sơn mấy giàn cửa này không?
- Giàn cửa cao nghệu. Sức ông còn đâu nữa mà leo lên cao để sơn.
- Đúng. Lau rửa, quét bụi sơ sơ cũng được rồi!
Đó là những công việc lặt vặt mà ông cần phải giải quyết để chuẩn bị cho những ngày đầu năm sắp tới. Con cái ở xa, hai ông bà phải tự lo dọn dẹp tô điểm cho căn nhà thêm phần sáng sủa để đón chào năm mới. Ông Trần nghĩ may mà hồi xưa ông bà chỉ có đủ khả năng mua căn hộ nhỏ xíu này để giờ này con cái đi làm ăn xa, ông bà còn đủ sức coi sóc nhà cửa. Giá như ngày xưa, ông bà trúng số xây nhà ba bốn tấm, đến giờ này chỉ còn hai ông bà cu ky, nhà rộng thênh thang, sức lực đâu mà chăm sóc, dọn dẹp. Cho nên ông Trần mua căn hộ này vậy mà hay, con cái lớn lên tách ra tự tạo lấy nhà cửa, tạo lấy gia đình mới, sống một cuộc sống riêng tư, tự do vùng vẫy. Nếu sau này ông bà có quy tiên thì bán đi lấy tiền chia cho con cái. Với cái đà này nhà cửa trong thành phố sẽ từ từ teo hẹp lại, các đại gia sẽ không còn muốn xây nhà theo kiểu lâu đài để rồi sau này về già ngồi nhìn cái lâu đài đó trống trước vắng sau, con cháu không còn ai muốn chung sống, ai cũng muốn bung ra ngoài xã hội, đánh võ tự do.
Ở bên Nhật, thanh niên nam nữ trưởng thành tự tìm công việc làm để nuôi sống bản thân. Họ say mê làm việc không buồn nghĩ đến việc lập gia đình sinh con sinh cái. Hết giờ làm việc họ đến câu lạc bộ giải trí, tắm rửa, ăn uống, giao lưu với bè bạn. Đến khuya họ về cái “tủ ngủ” đã thuê từ trước, đánh một giấc đến sáng hôm sau, họ trở về với niềm vui trong công việc. Tinh thần yêu thích làm việc của người Nhật mới thấy đáng nể. Có lần Nhật hoàng phải khuyên bảo thần dân của ngài nên giảm bớt thời gian làm việc để đi du lịch, để giảm “xì-chét” và nhất là để cho đồng tiền luân chuyển, có như vậy lợi tức quốc gia lại gia tăng.
Nhìn về Việt Nam thì mới hôm qua báo Tuổi Trẻ đăng lời ông Miura, người Nhật Bản, huấn luyện viên đội tuyển Việt Nam cho biết: “giờ làm việc quy định 8g30. Nhưng đến 9 giờ mọi người mới lục tục đến đủ”. Bài báo nói thêm, ông Miura “mới biết được phía Bắc có thói quen uống bia cật lực vào buổi trưa, chứ ông chưa biết ở phía Nam người mình uống cật lực từ chiều cho đến tối nữa chứ. Không uống cật lực như thế thì làm sao thành cường quốc tiêu thụ bia được”. Hay! Ít ra ta cũng có một điều gì đó để hãnh diện. Cuối bài, tác giả bài viết kết luận “chuyện ông Miura nói chẳng có chi lạ để mà ầm ĩ”.
Nghĩ đến đây, ông Trần sực nhớ năm nào gần đến ngày Tết âm lịch, ông sui gia đều cho người mang đến cho ông một thùng bia để ông nhâm nhi hoặc đãi khách trong mấy ngày Tết. Thực sự, một thùng bia để ông Trần đãi khách thì chỉ được có buổi trưa mùng ba khi nhà ông “hóa vàng”. Chi cần ba ông bạn già đến dự thì thùng bia sẽ nhanh chóng được “hoá kiếp”. Mỗi lần như vậy, ông Trần thường đính kèm cho mấy ông bạn vài ly rượu tây để kết thúc bữa tiệc một cách êm thắm. Như vậy chương trình sắm Tết của ông chắc phải có vài chai rượu tây để dự trữ phòng khi bia đã cạn. Nhưng mua thì phải mua còn bạn tặng thì cũng phải nhận và cám ơn rối rít, chứ thực ra ông Trần không thích uống rượu tây chút nào. Hồi còn trẻ ông cũng chạy theo phong trào cho rằng uống rượu tây mới là người đàn ông “đích thực”, một người đàn ông lịch lãm. Bởi vậy ở nhà mấy ông đại gia đều có một tủ rượu, có người thích sưu tầm tìm mua được những chai rượu có nhãn ghi sản xuất cách đây sáu bảy chục năm. Ông Trần hồi còn trẻ cũng theo phong trào, thường đi uống rượu tây với bạn bè. Buổi chiều tan sở, ông cùng hai người bạn ghé vào một nhà hàng gần chợ Cũ Saigon làm một dĩa “đồ nguội” và “cưa” một chai “Na-pồ” hoặc một chai “Mạc-tel” nhãn màu xanh ở cổ chai. Hồi đó người ta thường uống rượu tây với sô-đa, gọi là “cồng-xôm”. Sau này người ta đổi qua uống “séc” tức là không pha sô-đa theo kiểu Mỹ. Nhưng đối với đa số người Việt Nam uống “séc” nóng cổ quá nên cần phải “chữa lửa” tức là sau khi uống một ly rượu tây người ta phải uống thêm vài ngụm nước lạnh hay trà đá. Ông Trần thấy uống kiểu này có vẻ phàm phu tục tử quá. Ông thích uống “cồng-xôm” vì khi uống, mùi thơm của rượu phảng phất bay lên theo “ga” của sô-đa. Có người cũng trưng bày trong nhà một tủ rượu nho nhỏ chứa được năm ba chai để chứng tỏ mình là dân “nốp”, sang trọng, anh ta thường khoe nhà anh có rượu tây thứ xịn có cả X.O. hoặc V.S.O.P. nhưng anh ta không uống được rượu, cho dù một giọt, còn bia thì uống chưa được nửa chai mặt đã đỏ lên như ông tướng hát bội. Gần nhà ông Trần có một bà giám đốc cũng sính trưng bày rượu tây trong nhà. Không biết bà có uống được nhiều không chứ trên những kệ gỗ sát tường có hơn một chục chai rượu tây các loại.
Ông Trần đã bỏ rượu tây gần cả chục năm nay vì ông sợ cái bao tử của ông không tiêu thụ được số lượng cồn trong rượu. Một ông bác sĩ đã cho biết rượu tây, nhất là rượu mạnh hay các thứ rượu đế đều chỉ là cồn mà thôi. Không có một thứ sinh tố nào có thể sống được trong cồn của rượu. Hồi trẻ ông còn khỏe mạnh “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”, nên uống hăng lắm, dù lúc đó ông đã chứng kiến ba người bạn cùng cơ quan lên thiên đường ở tuổi ngoài bốn mươi vì chứng bệnh sơ gan. Trong đó có một người bạn thân nhất trong đám lưu linh của ông Trần, khi quan tài còn đang quàn ở nhà, bà vợ trẻ của anh trong bộ tang phục trắng tinh bước ra tiễn mọi người và nói thêm:
- Thôi nhé. Mấy anh không còn dịp rủ ông nhà tôi đi uống nữa rồi.
Lúc bấy giờ ông Trần và mấy người bạn cảm thấy xấu hổ vô cùng đành phải làm bộ không nghe nhanh chóng chào chị ấy ra về…
Công tác chuẩn bị của ông Trần còn cái mục gửi quà Tết cho hai gia đình sui gia. Một gia đình còn ở Việt Nam, mà có lẽ gia đình này cũng chẳng có tính đi đâu cả, nên việc tặng quà cũng dễ thôi. Còn gia đình sui gia thứ hai thì đang ở cách đây nửa vòng trái đất. Muốn tặng quà phải gửi trước Tết gần cả tháng trời. Năm nào cũng vậy hai ông bà chỉ việc ra chợ Saigon mua mấy món cần thiết rồi nhờ người ta hút chân không, đóng gói, sau đó ông bà ôm thẳng ra bưu điện gửi đi, vậy là xong trong vòng buổi sáng.
Một công việc mà cả ông lẫn bà phải tốn nhiều thời gian đó là mua hoa về để trang trí nhà cửa. Ông bà không có mục đích mua nhiều hoa để trưng bày trong dịp Tết mà chủ yếu là đi xem khắp nơi nếu gặp chậu hoa nào vừa ý mới mua về. Bà thường xem báo hoặc lên mạng thấy ở đâu có bày bán một loài hoa quý nhà vườn vừa nhân giống thành công, bà ghi nhớ địa chỉ đó để chỉ đường cho ông chở bà đi đến tận nơi tìm mua cho được. Năm nay, bà biết ở làng hoa Gò Vấp mới về loại hoa Đỗ Quyên rất đẹp, bà giải thích:
- Loại hoa này ở bên Trung Quốc người ta thường trưng bày rất nhiều tại các buổi lễ lớn, xung quanh khu vực quan khách ngồi.
Thế là sáng hôm sau, bà chuẩn bị thật sớm, chờ ông tập thể dục về, ăn sáng rồi hối ông lên xe chở bà đi về hướng làng hoa Gò Vấp trong khi không khí lạnh vẫn còn phơn phớt trên đường đi. Chỗ bán hoa là một khu vực rộng lớn nằm gần con rạch Tham Lương. Thôi thì trăm thứ, từ loại Cứt Lợn, Mười giờ, cho đến loại sang trọng dùng để trang trí trong các lâu đài của các đại gia bên quận 7 như Tulip, Lily, hay các giống hoa lan đắt tiền như Cát-lia với những đóa hoa màu sắc rực rỡ, to gần bằng cái đĩa ăn cơm, bày đầy ra cho khách chọn lựa. Khi tham quan nơi này đã mãn nhãn, bà bảo ông:
- Qua làng hoa bên kia một tí xem!
Làng hoa bên kia, nằm phía đường Quang Trung, rẽ vào đường Lê Văn Thọ đến ngã tư Cây Trâm, bà thong thả đi dạo qua các gian hàng bán hoa, ông rút điện thoại ra bấm cho phát những bản nhạc xuân. Ông vừa thưởng thức vừa chờ đợi. Khoảng nửa giờ sau, bà lững thững đi ra tay xách một chậu hoa nho nhỏ, Nhìn kỹ ông nhận ra đó là một chậu hoa Mười giờ. Ông “còm-men” liền:
- Bỏ công đi mười mấy cây số chỉ mua được chậu hoa Mười giờ.
- Quý lắm đó anh! Ở đây mua chỉ có bẩy đồng, dưới Saigon hai chục! Thôi, ghé ngoài trước mua một miếng bê thui rồi về.
Bà Trần quả là rành tâm lý. Mấy lần trước sau khi đưa bà đi dạo qua hai khu làng hoa của quận Gò Vấp này, lúc về, ông Trần thường ghé vào một quầy bán bê thui mua ba lạng đem về để lai rai với bia. Cho nên Bà Trần muốn xóa cơn mệt của ông không gì hay hơn là nhắc ông mua bê thui về nhậu!♥ -./.