Mặt mũi tôi sáng sủa, nhưng chiều cao khiêm tốn, khi giao tiếp với những cô gái cao to hơn mình, không tự tin. Nhất là gặp mấy “ bà” thanh niên xung phong miệng lưỡi dẻo quẹo. Biết mình thấp bé, lợi khẩu kém, chỉ cười trừ khi bị các “bà” tấn công. Mãi đến năm 1980 mới có vợ.
Tôi gặp bạn đời trong hoàn cảnh rất bi, hài:
- Tháng 3 - 1975, máy bay Mỹ đánh vào đoạn đường đọc đạo, bên này là vách đá chênh vênh, bên kia vực thẳm. Chúng tôi phải bảo đảm thông xe cho các quân binh chủng hành quân thần tốc vào giải phóng miền Nam! Các trận địa pháo ta quần nhau với không quân Mỹ từ hạm đội bảy vào, Thái Lan sang suốt từ sáng đến chiều. Nhiều khẩu pháo hết đạn. Công binh chúng tôi, và đơn vị thanh niên xung phong giữ đoạn đường này, được lệnh tiếp đạn cho các trận địa pháo.
Chúng tôi vác đạn từ hang đá dưới chân núi, băng qua bom đạn lên trận địa pháo. Người này ngã xuống, người khác xông lên. Cuộc đọ sức giữa cao xạ, tên lửa, súng 14li, 5 - 12li, 7 của ta, với máy bay Mỹ rất sác liệt.
Đồi núi dưới chân tôi chênh chao, những cây nấm lửa khổng lồ thiêu cháy một vùng rừng. Đạn pháo, tên lửa, các hỏa lực tầm thấp từ mặt đất bắn lên. Bom, tên lửa, rốc két, đạn 40 li máy bay bắn xuống. Bầu trời như chảo lửa, không gian đặc quánh khói bom, sặc mùi lưu huỳnh đến nghẹt thở. Mảnh bom xé gió cưa ngang thân cây, đất đá bay ràn rạt, khói bụi mù mịt... Cách vài mét không nhìn rõ mặt nhau.
Bom đạn bời bời biết đâu mà tránh. Chúng tôi cứ ào lên tiếp đạn cho các trận địa pháo. Khi ta bắn rơi hai chiếc F4H, ba chiếc AD6, một chiếc F105 D, bắt sống giặc lái, những chiếc còn lại hốt hoảng cắt bom bừa bãi, tháo chạy ra biển. Quân ta thương vong nhiều, máu đỏ các mâm pháo, trên băng cáng thương, dọc đường tiếp đạn nhiều người trúng đạn bốn mươi li, vướng bom bi... tiếp tục hy sinh.
Đến quá trưa, trên đường về kho vác đạn, nghe tiếng người rên dưới bờ suối. Vừa chạy vừa tránh đạn từ chiếc C130 bắn xối xả, tôi cắt đường xuống bở suối. Thấy cô gái mặt ám khói bom, tóc cháy nham nhở, duy nụ tầm xuân găm trên mái tóc vẫn tươi. Trên mình còn cái quần rách nát. Cô xé áo tự băng vết thương. Một tay dịt cuộn bông vào vú bên phải, máu tuôn ướt ngực, nằm cách mặt nước chừng hai mét. Mất máu nhiều, đi tìm nước kiệt sức gục bên gốc cây; kêu đứt quãng:- Mẹ..ẹ… ơi, con kha…át! Mẹ ơi...nư....ớc!
Tôi lấy cuộn băng của mình băng vết thương cho bạn, rồi cõng cô về trạm cứu thương, cách khoảng ba cây số. Dọc đường, khi máy bay bổ nhào bắn phá, tôi lợi dụng gò đất, gốc cây, hốc đá tránh đạn. Phải hai giờ sau mới về tới trạm. Đôi lúc kiệt sức tưởng không thể đi tiếp. Nhưng, máu từ vết thương cô ấy thấm qua băng ướt lưng tôi. Nếu không được cứu chữa kịp thời, cô ấy sẽ chết! Tôi lại tập tễnh bước đi.
Thi thoảng cô ấy hỏi:
- Sắp đến trạm cứu thương chưa anh?
- Sắp đến rồi. Khoảng ba mươi phút nữa, nếu không phải tránh máy bay. Cố chịu đựng chút nữa!
Đưa được bạn vào trạm, tôi mừng phát khóc. Bởi mọi hiểm nghèo đã qua. Lưng áo tôi đẫm mồ hôi và máu, người mệt lả. Nghĩ thương anh em bị thương nặng không kịp đưa về trạm, chết dọc đường.
Khổ nhất khi ở dưới suối, cô ấy không cho băng vết thương. Đôi bàn tay úp hai bầu vú đẫm máu... giục:
- Anh nhanh tay lên!
- Đồng chí làm thế này... tôi băng sao được. Cô ta lấm lét, e ngại, mắt ậng nước nhìn tôi như biết lỗi, rồi buông tay, nhắm mắt để tôi băng viết thương ở vùng nhạy cảm...
Thú thật: Ba mươi tuổi, tôi chưa biết mùi da thịt con gái. Lần đầu thấy hai bầu vú căng tròn lồ lộ trước mắt. Tôi run lên vì vẻ đẹp thánh thiện, ngỡ mình lạc vào quần đảo thần tiên... Thì ra, nó đẹp hơn sự tưởng tượng trong mọi giấc mơ đẹp nhất đời tôi. Tôi đau xót trước vẻ đẹp tạo hóa ban cho phái nữ, bị vùi dập.
Một mảnh đạn găm vào vú. Tôi lóng ngóng mãi mới băng xong vết thương. Vội cởi áo ngoài của mình cho cô ấy mặc, rồi cõng em về trạm cứu thương. Mỗi khi máy bay bổ nhào cắt bom, tôi lấy thân mình che cho nàng. Bây giờ nghĩ lại, không biết sao lúc ấy mình nhậy bén thế. Bình thường cầm tay bạn gái cũng run...
Mỗi khi tải thương vào trạm, tôi muốn vào thăm cô gái găm nụ tầm xuân trên đầu, mình vừa đưa vào trạm tuần trước, nhưng chưa biết tên nàng. Ngập ngừng một hồi ở lán nữ thương binh... lại quay ra, rất nhiều lần như vậy.
Một hôm đi ngụy trang đường, gặp bụi hoa tầm xuân bên bờ suối hương thơm dìu dịu giữa rừng. Tôi nhớ nụ tầm xuân nàng găm trên mái tóc hôm nọ, bèn hái một nhánh tầm xuân đẹp nhất làm quà tặng em. Tôi ngắm nụ tầm xuân thầm nghĩ: Rừng già nhiều loài hoa đẹp, riêng phong lan có hàng trăm loài hương sắc tuyệt vời, sao em chọn hoa tầm xuân? Chắc nàng có kỷ niệm sâu sắc với loài hoa này? Mỗi người yêu một loài hoa, làm sao giải mã được ý tưởng lãng mạn của người con gái chưa biết tên.
Trưa hôm đó, tôi đưa thương binh vào trạm, cầm nhành hoa tầm xuân hăm hở tìm nàng. Không biết cô ấy ở nhà hầm, hay trong hang? Thường, thương binh nặng nằm trong hang đá, nhẹ nằm lán nửa chìm, nửa nổi, có hào dẫn vào hầm chữ A kiên cố.
Tôi cầm nhành hoa tầm xuân đi các lán ngó nghiêng, tìm không thấy nàng. Chắc em nằm trên hang? Tôi trèo lên cửa hang, bỗng nghe tiếng gọi:
- Anh ơi! Anh bộ đội cầm hoa tầm xuân ơi! Tôi quay lại, thấy em đứng bên bờ suối vẫy tay, miệng cười tươi. Tôi vội xuống núi đến chỗ em. Còn cách một, hai mét tôi khựng lại, sợ mình nhầm. Vì cô gái trước mắt tôi chừng 22, 23 tuổi. Mặt trái xoan, đôi mắt huyền lúng liếng, e ấp dưới hàng mi như nửa vầng trăng, sống mũi thẳng, cổ cao ba ngấn, miệng chúm chím cười, hai hàm răng trắng muốt, đôi má lúm đồng tiền tôn vẻ đẹp nền nã, xinh tươi như nụ tầm xuân hương sắc giữa rừng. Nàng cao khoảng 1,65m, ba vòng eo tạo những đường cong quyến rũ như người mẫu.
Thấy tôi sững sờ không nói gì, nàng hỏi:
- Anh không nhận ra em sao?
- Chưa biết tên em, không biết gọi thế nào cho tiện.
- Tên em... anh đang cầm đó. Nàng cười ranh mãnh...
- Em tên Xuân - Hoàng Thị Tầm Xuân.
- Anh là Lưu Xuân Tầm.
- Tầm Xuân - Xuân Tầm... hay thật đấy! (Cười.)
- Anh tặng Xuân nụ tầm xuân. Rất thú vị em mang tên một loài hoa đẹp!
- Cảm ơn anh Tầm! Em rất thích hoa này! Ở trạm cứu thương không có hoa tầm xuân, em để ý tìm mà chưa gặp, nay được anh tặng thật bất ngờ. Tôi kiễng chân găm nụ tầm xuân lên mái tóc nàng. Xuân mỉm cười, ngoan ngoãn cúi đầu cho tôi cài hoa lên mái tóc mun đang xanh lại.
Dáng chúng tôi in bóng lung linh trên mặt suối trong veo như bức tranh thủy mặc giữa rừng. Hai đứa tình tự bên bờ suối vắng... Nhìn đôi chuồn chuồn ớt cắn đuôi nhau, nhún nhẩy trên mặt nước... Tôi mường tượng đến cặp vú nõn nà căng tròn của Xuân, khi băng vết thương đụng vào nó, như chạm vào bùa mê, thuốc lú... Lòng rạo rực muốn ôm hôn Xuân, nhưng vội kìm lại - mình chưa cầu hôn. Tôi hít sâu lấy lại bình tĩnh... Mùi lá sả từ mái tóc nàng lan tỏa như chất men tình ngây ngất...
Mình đã yêu Xuân rồi sao? Liệu nàng có yêu mình không? Em có người yêu chưa? Để giấu sự thèm khát nụ hôn của người đàn ông tuổi đứng bóng, tôi đánh trống lảng chuyển chủ đề câu chuyện:
- Vết thương của em đỡ nhiều chưa?
- Cũng may, mảnh bom nhỏ xuyên vào đây - nàng chỉ tay vào vú, rồi nằm lại kẽ xương sườn; hai viên bi găm vào mông và đùi, đã gắp ra. May, nó không chui vào bụng. Hôm đó em không phát hiện được hai viên bi chết tiệt này nên mất nhiều máu.
- May hôm ấy em không phát hiện vết thương ở mông thuộc vùng cấm kị, chắc gì em để anh sờ vào? (Cười.)
- Thôi nỡm ạ. Hôm đó anh chẳng sờ… v là gì? (Cười) Hôm ấy em xấu hổ chết đi được... trên người không mảnh áo, máu đầm đìa. Nếu không gặp anh chắc em chết dưới bờ suối! Mất máu khát khô cổ, em cố bò xuống suối, cách mép nước chừng hai mét ngã vật bên gốc cây, chẳng biết nằm đấy bao lâu, thì gặp anh.
- Cũng may em không đến được bờ suối. Vì, gặp nước uống cho đã khát, máu chảy mạnh, gây tử vong nhanh.
Chắc em còn phải điều trị vài hôm nữa mới về đơn vị. Cần gì để anh tiếp tế.
- Cảm ơn anh Tầm. Ở đây em được chăm sóc chu đáo, ăn no, vết thương chóng lành. Khổ nhất, hôm ấy đến lượt em lên bàn mổ, hết thuốc mê. Họ tiêm thuốc tê rồi mổ, như mổ lợn. Không mổ ngay, vết thương nhiễm trùng uốn ván, hoại tử, thì nguy. Nằm trên bàn mổ đau quá, em la cha mẹ khản cổ, “tè” cả ra quần. Xấu hổ quá, khi nghe mấy chị hộ lý kể lại...
Được cứu chữa kịp thời, thuốc men đầy đủ, vài hôm nữa em lại ra mặt đường. Anh không phải tiếp tế gì nữa. Các anh ăn còn chưa no nữa là...
- Lâu nay em có nhận được thư nhà không. Các cụ ở quê khỏe mạnh chứ? Anh thật vô tâm, chưa biết quê em ở đâu?
- Anh đoán em người tỉnh nào?
- Nghe giọng nói, anh dùng phép loại trừ, em không phải dân Nghệ An, Hà Tĩnh. Giọng nửa Nam Định, nửa Thái Bình; đôi khi na ná tiếng Thanh Hóa quê “choa”... (Cười). Em người Ninh Bình, quê hương Đinh Bộ Lĩnh, đúng không?
-Anh đoán đúng!
Cha em là công an, năm 1965 vào miền Nam công tác, hy sinh trong cuộc tổng tấn công mùa xuân năm 1968. Mẹ em ở với vợ chồng cậu út, dạy học ở trường làng.
-Thế anh ở huyện nào của tỉnh Thanh Hóa?
- Anh ở Thọ Xuân, quê hương hai vị anh hùng dân tộc, mở ra hai triều Tiền Lê và Hậu Lê, hiển hách chiến công.
Cha hy sinh ở Điện Biên Phủ. Mẹ ở với vợ chồng người anh cả. Anh đi xa chẳng giúp gì mẹ và anh chị. Mong đất nước hết giặc, về lập gia đình vợ chồng cày cuốc nuôi con, nuôi mẹ, thờ cúng tổ tiên. Việc nước, việc nhà trọn vẹn. Chiến tranh sắp kết thúc!
- Thật thế không anh?
- Thật!
- Thế thì sung sướng quá.
- Nếu em bằng lòng, sau chiến tranh ta làm đám cưới! Nàng mỉm cười ý nhị, đôi mắt huyền long lanh ngước nhìn tôi muốn nói điều gì... Tôi cầm tay nàng.
- Em làm vợ anh nhé! Nàng choàng tay qua vai tôi, ngước nhìn đắm đuối... Như diêm gặp lửa. Tôi đặt nụ hôn nồng nàn lên môi Xuân, bên bờ suối vắng. Cả đêm ấy tôi không ngủ, nghĩ: Mình đã có nụ tầm xuân!
Ngày 30-4-1975 quân ta giải phóng miền Nam chiến tranh kết thúc! Năm sau chúng tôi ra quân, và tổ chức cưới. Sau chiến tranh, mẹ già, nhà dột, thiếu thốn đủ đường, vợ chồng tôi không nản. Bắt tay vào khai hoang, phục hóa, với công thức VAC- (vườn-ao-chuồng) tự túc lương thực, từng bước ổn định đời sống. Năm 1980, chúng tôi có đứa con trai đầu lòng, đặt tên là Lưu Xuân Trường. Năm năm sau, định đẻ thêm cháu gái cho có nếp, có tẻ. Không ngờ tòi ra cậu con trai dị tật, thật buồn.
Lưu Xuân Sơn, lọt lòng đầu to như quả bưởi, đôi chân ngắn, bé tẹo như chân búp bê; hai bàn tay nhão nhớt như cua bấy, toàn thân nặng 2,5kg, cơ bắp nhũn như sứa...Nhận con từ tay người hộ lý, tưởng nó bị nhiễm chất độc da cam, vợ tôi khóc òa... Các chị hộ lý cũng nghĩ vậy. Nhưng bác sĩ bảo: “Cháu bị dị tật bẩm sinh!”
Mẹ tôi khuyên: “ Các con đừng lo, có đầu có đuôi nuôi lâu cũng lớn. Cứ chăm sóc cháu chu đáo, nuôi ăn học đến nơi đến chốn nhất định thành người có ích!”
♣ ♣ ♣
Năm tháng qua đi. Sơn lùn đã ba mươi tuổi. Cao 1,20m, nặng 43kg. Cơ bắp săn chắc. Nửa người từ thắt lưng lên, phát triển bình thường; chỉ tội đôi chân bé, ngắn tũn. Được cái sáng dạ, học giỏi tất cả các môn. Mười hai năm học phải đưa, đón cháu ngày hai buổi đi về.
Khi Sơn tốt nghiệp phổ thông trung học loại giỏi, các thầy cô khuyên: Sơn nên thi vào ngành y.
Khi Sơn đỗ “Trường y dược học cổ truyền Việt Nam” gia đình mừng lắm. Nhưng lấy gì nuôi nó ăn học sắu năm?
Tôi trăn trở nghĩ đứa con tàn tật, không có nghề làm sao sống nổi. Khi vợ chồng tôi qua đời, nó dựa vào đâu? Thằng anh đang học nghề, hai năm nữa mới xong. Trông vào vài sào ruộng khoán nuôi hai con ăn học ngoài Hà Nội là không tưởng. Nhưng không có nghề không sống nổi!
Chưa tìm được giải pháp thích hợp, nhiều đêm trằn trọc đợi sáng.
Vợ tôi động viên:
- Bằng mọi cách, anh phải theo con nuôi nó học. Em ở nhà nhon góp tiền, gạo cho hai bố con. Mười hai năm học phổ thông, rau cháo mình nuôi hai con học tốt; bây giờ còn sắu năm học nghề cho thằng Sơn, ta gắng vượt qua !
Tôi ôm vợ vào lòng, trào nước mắt, vì vợ chồng ý hợp tâm đồng, quyết nuôi con thành người có ích. Tuy nhiên, vẫn lo sức khỏe của vợ - thương binh loại hai. Khi thay đổi thời tiết, ba vết thương thi nhau dày vò “ nụ tầm xuân” của tôi nhăn nhó đớn đau. Ước chi sẻ chia nỗi đau thân xác cho nàng. Sắu năm một mình, một nắng, hai sương trên đồng gom góp đồng tiền, bát gạo tiếp tế cho con. Khi ốm đau biết tựa vào đâu?... Nhưng vẫn phải cho con nhập trường.
Trong túi chỉ có hơn triệu bạc, tôi thuê một gian nhà kho của hợp tác xã bỏ không cạnh trường Y, quét dọn sạch sẽ, kê chiếc giường đôi lấy nơi bố con tá túc. Rất may Sơn học giỏi, con thương binh được cấp học bổng toàn phần. Nhưng, tôi làm gì để nuôi mình, sách vở, quần áo cho con, tiền thuê nhà, các khoản đóng góp khác…?
Một buổi chiều tôi đang thổi cơm, nghe tiếng trẻ con khóc thét từng hồi ở nhà giữ trẻ đối diện. Tôi chạy sang thấy cô bảo mẫu tát vào mặt cháu bé đôm đốp, vì cháu ỉa, đái ra quần. Tôi túm bàn tay bạo hành, dằn giọng:
- yêu cầu cô dừng tay. Không được đánh trẻ thơ như vậy. Nếu không, tôi sẽ báo công an! Cô ta hằn học nhìn tôi thách thức:
- Cứ việc, anh là ai, dám can thiệp vào việc người khác?
- Tôi là công dân Việt Nam, yêu cầu cô không được hành hạ trẻ thơ vô nhân tính như vậy!
Nhiều người trong khu phố nghe ồn ào kéo đến. Mẹ cháu bé vừa đi làm về, phẫn nộ nhảy vào túm tóc cô bảo mẫu giằng xé, mắng nhiếc cho bõ giận. Tôi cùng mấy người kịp can ngăn. Cô bảo mẫu chạy trốn búa rìu dư luận...
Ngày hôm sau, nhà trẻ đóng cửa. Tôi nhận mấy bé đem về chỗ tôi ở, trông nom các cháu.
Tôi nói với cha mẹ các cháu:
- Do thiếu cơ sở vật chất, và tiền bạc, tôi chỉ cho các cháu điểm tâm bữa sáng, gia đình cho ăn hai bữa chính. Công giữ trẻ các vị cho bao nhiêu xin cảm ơn.
Là người yêu trẻ, tôi chăm sóc các cháu nhiệt tình, chu đáo. Bữa ăn sáng của các cháu là cháo thịt băm, bỏ ít rau thì là; hoặc mì tôm đập thêm vài quả trứng gà, cho lá mơ tam thể, rau hẹ, thay đổi bữa cho trẻ ăn ngon miệng. Tôi giữ ba cháu, cho ăn no, tắm rửa sạch sẽ, dạy chúng múa hát, chào cha mẹ, người lớn.
Sau một tháng thử việc, nhiều nhà đem con đến gửi, nhưng tôi không nhận thêm vì nhà chật, dụng cụ nấu ăn, đồ chơi, chẳng có gì.
Tháng đầu, ba mẹ các cháu cho tôi mỗi nhà một triệu năm trăm ngàn đồng. Tôi nói:- Do cơ sở vật chất nuôi dạy trẻ chưa tốt, tôi xin các vị một triệu đồng là đủ. Nhà nào hoàn cảnh khó khăn cho tôi năm ba trăm cũng được. Vài hôm sau, họ góp tiền mua cũi, bát đĩa, bàn ghế, quạt điện, đồ chơi... cho các cháu. Quét vôi, ve trang trí gian nhà giữ trẻ gọn gàng sạch sẽ hơn. Tôi nhận thêm hai cháu nữa. Mỗi tháng bình quân thu bốn triệu đồng. Nhiều nhà cho thêm vài trăm ngàn tiền giấy bút cho cháu Sơn. Tôi cảm động trào nước mắt.
Sơn thấy bố vất vả lúc trẻ hờn la, khi chúng đái, ỉa tùm lum... Bố dậy từ bốn giờ sáng quét dọn sân trường giúp bác bảo vệ trường y, lúc ông ốm. Nấu ăn, đưa đón con đi học ngày hai buổi; đi chợ mua ăn, giặt giũ... công việc ngập đầu từ mờ sáng đến khuya mới được ngả lưng.
Đã học được ba năm, Sơn định bỏ vì thấy cha mình quá khổ. Tôi nói với con:
-Trèo cau sắp đến nơi, không bỏ được. Nghề thầy thuốc cần học đến nơi đến chốn. Tính mạng người bệnh không thể là vật thí nghiệm của những thầy thuốc tồi. Thầy thuốc giỏi như lá bùa hộ mệnh của bệnh nhân, đừng để họ thất vọng về mình!
Thầy hiệu trưởng trường y thấy tôi thường xuyên quét dọn sân trường, đun nước sôi, lau bàn ghế sạch sẽ... khi bác bảo vệ ốm. Ông nhận tôi vào làm lao công, hợp đồng mỗi tháng bốn triệu đồng.
Ông nói:
-Số tiền không nhiều, nhưng thu nhập ổn định, giữ trẻ vất vả, không hợp với đàn ông. Bác cố gắng làm tốt công việc, nuôi cháu sơn học hết chương trình.
Tôi vừa khóc vừa nói:
- Cảm ơn thầy hiệu trưởng. Tôi sẽ hoàn thành nhiệm vụ! Đêm nằm, trộm nghĩ: Trời giúp bố con mình rồi. Con cứ yên tâm học, Sơn ơi.
♣ ♣ ♣
Sơn tốt nghiệp Trường y dược học cổ truyền Việt Nam, loại giỏi. Về nhà, cháu đến chùa Linh Ứng, bắt mạch kê đơn, châm cứu chữa bệnh miễn phí hai năm. Sau về mở phòng khám tại nhà. Lúc đầu bắt mạch kê đơn, châm cứu, dần dần vay vốn ngân hàng lập kho dược, bốc thuốc điều trị hằng ngày. Bệnh nhân các huyện lân cận đến đông. Ông bà già cô đơn được miễn phí.
Vợ chồng tôi thở phào, thấy Sơn lùn có tay nghề vững vàng, thu nhập cao. Nhà ở, phòng khám, nhà thuốc, mười giường bệnh nội trú được xây dựng trong khuôn viên cây xanh, bồn hoa, cây cảnh khang trang. Cái tên chú Sơn lùn, giỏi châm cứu nhiều người biết đến.
Nhưng, vợ chồng tôi băn khoăn: Giá sơn có vợ đỡ đần cơm nước, giặt giũ, chăm sóc bệnh nhân nội trú. Khi vợ chồng tôi già yếu lấy ai giúp nó?
Một buổi sáng, tôi ngồi uống trà, đầu óc trống rỗng. Tuy hai anh em Trường, Sơn đã trưởng thành. Trường có xưởng sữa chữa ô tô, đầu tư hàng chục tỷ đồng tại Mĩ Đình-Hà Nội, 15 thợ lành nghề làm việc thường xuyên, kinh doanh phát đạt. Sơn là thầy thuốc giỏi, khoa châm cứu, được mệnh danh: “Đôi bàn tay vàng.” Giá Sơn có vợ thì hay quá. Tôi đang mãi nghĩ, thì bà xã đem hộp mứt sen lại; tôi rót thêm chén trà đưa cho vợ, đỡ chén trà trên tay tôi, bà nói:
- Cô Phượng con bà Phú bên làng Tây biếu ông hộp mứt sen. Tôi vỗ trán cố nhớ lại...
- Có phải cô gái bị đinh râu làm méo mồm, đến châm cứu ở nhà ta năm ngoái không?
- Đúng đấy, bà Phú buôn hoa quả ngồi chợ với em lâu nay. Con bé Phượng khoảng 23, 24 tuổi, đẹp người đẹp nết, chiều chiều ra thu dọn hàng giúp mẹ. Hỏi ra mới biết, nó vào Bình Dương làm trong xý nghiệp giày da, bị bọn xấu cưỡng hiếp, bỏ việc hai năm nay về nhà làm ruộng.
Nửa đùa, nửa thật em nói với bà Phú:
- Hay chị gả con Phượng cho thằng Sơn lùn nhà tôi ?
- Chẳng biết ý bọn trẻ thế nào. Ai chứ cậu Sơn thì vợ chồng tôi tán thành. Nó thấp lùn, nhưng thông minh, chẳng thế mà tốt nghiệp đại học loại giỏi.
Con Phượng tố cáo bọn cưỡng dâm, bị chúng đánh báo thù chạm vào dây thần kinh số sáu, số bảy gì đó, méo miệng. Khi đưa nó sang nhờ cậu Sơn chữa, tôi nói tránh đi do: “ đinh râu” (!)
Em đánh bạo:
- Bà hỏi ý cháu Phượng xem, nó có bằng lòng làm con dâu tôi không?
Hôm qua gặp em ngoài chợ, Bà Phú thân tình bảo:
- Con phượng nói: “ Chỉ ngại anh Sơn không vui, vì con không còn trinh tiết”...
Tôi đang do dự chưa biết ý Sơn thế nào, từ phòng khách Sơn bước sang, nói chen vào: “ Đám ấy được đấy bố ạ. Cô ấy xinh xắn, khỏe mạnh, nết na, đã tốt nghiệp phổ thông trung học, thuận việc truyền nghề sau này. Chuyện hoạn nạn quá khứ của cô ấy, với con không thành vấn đề.”
Vài ngày sau, gia đình tôi xin bỏ miếng trầu, định ngày ăn hỏi, nạp tài, và ngày giờ đón dâu. Đám cưới Sơn - phượng, tôi giao cho anh cả Trường tổ chức rất hoành tráng. Bà con, cô bác hai họ, trong làng, ngoài phố, cơ quan, xí nghiệp, các bệnh nhân đến dự đông vui lắm.
Mới đó đã năm năm trôi qua. Thủy - con cháu Sơn bổn tuổi đang vuốt râu ông nội, cười như nắc nẻ.
Phượng có trình độ chuyên môn như y sĩ thực thụ, giúp Sơn chăm sóc bệnh nhân, nội chợ chu đáo như “ cô Tấm” trong nhà. Vợ chồng Sơn - Phượng yêu thương nhau quấn quýt tựa đôi sam. Mỗi lần họ về thăm bố mẹ vợ, Sơn ngồi sau xe máy ôm eo vợ, nhìn đàng sau như chiếc ba lô con cóc. Người làng mỉm cười chúc mừng cặp vợ chồng hạnh phúc!
Họ khen vợ chồng Sơn, 5 năm ủng hộ quỹ khuyến học huyện 250 triệu đồng. Phóng viên đài truyền hình tỉnh hỏi:
- Anh nghĩ gì về khuyến học, khuyến tài mà ủng hộ số tiền này?
- Số tiền nhỏ này chưa đáp đền công lao to lớn, bởi những tấm lòng vàng cha con tôi nhận được từ nhà trường, và bà con trong thời gian qua. Nếu không có sự giúp đỡ ấy tôi đâu được như hôm nay.
“Nụ tầm xuân” của tôi như trẻ lại, khi xem phóng sự về gương khuyến học, khuyến tài của đài truyền hình tỉnh nói về con mình.
Tôi chợt nhớ khi đón Sơn ra đời, vợ tôi khóc òa... tưởng quái thai. Sáu năm giữ trẻ, quét trường, vật lộn mưu sinh nuôi con ăn học. Cảm ơn nhà trường, thầy hiệu trưởng, các thầy cô giáo, bác bảo vệ, cha mẹ có con gửi trẻ... những tấm lòng vàng chắp cánh ước mơ cho cậu học trò nghèo, dị tật bay xa!
Nhân kỷ niệm lần thứ 35 ngày cưới. Tôi ra vườn chọn nhành hoa tầm xuân đẹp nhất, tặng vợ thân yêu - người tiếp sức cho chúng tôi vượt lên số phận. -/.