Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

NHỮNG HẠT SẠN




     T ô phở nóng nghi ngút hơi bay lên cao lan tõa trong không gian một thứ mùi vị pha trộn của nước lèo, thịt bò và hành ngò tiêu ớt. Ly cà phê đen ngào ngạt bốc lên một làn hương thơm nồng nàn quyến rũ. Anh ngồi trước hai thứ đó, lim dim mắt, cúi mặt xuống để ghé mũi vào bên này một chút, đưa qua bên nọ một tí rồi hít một hơi thật dài cho tất cả những mùi vị của món ăn và thức uống chui vào đầy lồng ngực, thật là sảng khoái khi buổi sáng vừa thức dậy đã thấy vợ bày sẵn lên bàn cho mình một minh chứng của tình yêu qua sự lo lắng chu đáo dễ thương và no đủ này.

“Ngon thật”, anh sảng khoái thầm khen như vậy khi bưng tô lên húp một ngụm lớn nước phở béo ngậy và nuốt cái ực, đang định lùa vào miệng thêm một gắp phở nữa thì anh giật mình khi nghe tiếng vợ từ dưới bếp đi lên, cố ý nặng chân kéo lê đôi dép mủ, chị dài giọng nói với âm hưởng giận hờn mát mẻ:

- Này… ngủ đẫy giấc rồi nhé, ăn no bụng rồi nhé, uống cà phê sướng miệng rồi thì đưa tấm nệm ra nắng phơi dùm tôi, nhớ đấy…

Anh khựng lại với miếng phở còn trong miệng chưa kịp nuốt xuống bụng; Trời đất, sao giọng vợ anh lại chanh chua đến như vậy? Đang ăn ngon tự nhiên anh cảm thấy miệng đắng nghét, no ngang, anh đưa mắt nhìn vợ đi qua chổ anh đang ngồi, chị mang theo một bộ mặt nặng trì trì như đeo đá, còn cố tình lết mạnh đôi dép cho nó phát ra tiếng “lẹt xẹt…lẹt xẹt…” rất chói tai, chị gằn giọng nhắc nhở:

- Nhớ phơi tấm nệm đấy.

Bị cụt hứng; anh không nói không rằng mà bỏ ngang tô phở, quăng mạnh đôi đũa, đứng lên cố bình tỉnh cầm ly cà phê hớp một ngụm cho hết sạch, sau đó anh lẳng lặng vớ lấy cái áo sơ mi bẩn đang nằm trong chậu chờ giặt rồi khoát vội lên người, dắt xe ra sân nổ máy phóng đi mất tiêu, chị ngớ người ra kêu:

- Ơ kìa…này…phơi tấm nệm đi chứ…

Nhưng anh đã đi mất hút, chị bực bội lầu bầu một mình rồi khệ nệ lôi tấm nệm dày cui, nặng chịch đem ra sân phơi nắng, trong lòng rất ấm ức khó chịu.

Anh đạp xe qua nhà mẹ, lòng cũng giận lắm chứ; “trời đánh còn tránh bữa ăn” nữa là, tại sao trong lúc anh đang thưởng thức, đang hưởng thụ khoái cảm của sự ăn uống mà chị lại có thái độ và lối nói với anh đầy cộc cằn sai khiến như vậy? Thà rằng để anh tự đi ra quán ăn phở, uống cà phê còn hơn…Phải chi chị nhỏ nhẹ cộng thêm một chút ngọt ngào để nói với anh rằng:-“Anh ơi, bao giờ ăn xong thì phơi hộ em tấm nệm nhé, nó nặng lắm em không sao khiên nổi” thì anh sẽ buông đũa ngay lập tức để vui vẻ đem tấm nệm ra phơi, sau đó vào ăn tiếp, thậm chí có phải khiên luôn cả một tảng đá anh cũng không từ chối nếu sức của anh cho phép, đằng này chị nói theo cái kiểu mẹ sai con, chủ sai tớ…ai mà chịu nổi.

Anh mang theo nỗi ấm ức bước vào nhà mẹ, thấy cái võng còn trống, anh buông mình nằm xuống, duỗi thẳng một chân trên võng, còn một chân chống dưới đất đẩy cho chiếc võng đong đưa qua lại. Suốt mấy tháng nay theo ông thầu đi xây nhà, làm toàn những công việc nặng nề, anh cũng mệt lắm chứ, định bụng là trong lúc chờ làm công trình mới, được nghỉ vài ngày anh sẽ xem xét lại nhà cửa để có gì hỏng hóc thì sữa lại…nhưng vợ anh đã dội một gáo nước lạnh vào dự tính của anh.

Mẹ anh từ sau nhà đi lên, bước tới chỗ anh ngồi, phe phẩy cái nón để quạt lấy tí gió, thấy anh buồn bực, mẹ hỏi:

- Sao vậy con? Hôm nay không đi làm à? Bịnh hả?

Anh ngồi dậy thả chân xuống đất, lắc đầu trả lời mẹ:

- Chiều hôm qua xong công trình, ông thầu giao nhà cho chủ rồi mẹ ạ, con nghỉ ít hôm chờ đi xây nhà mới.

Mẹ lấy nón quạt cho anh, hỏi tiếp:

- Sao con buồn? Có buồn mới qua thăm mẹ, đúng không?.

Anh chỉ muốn mình nhỏ lại như ngày xưa để dụi đầu vào ngực mẹ. Anh kể cho mẹ nghe nỗi bực tức của mình:

- Mẹ nghỉ coi, hôm qua bàn giao nhà, anh em thợ được chủ thầu mời nhậu, con cũng biết lượng sức mình nên uống không nhiều, nhưng mãi vui câu chuyện với anh em bạn nên về hơi muộn, vợ con nó cằn nhằn hoài nhức cả đầu, bực quá con nằm vật ra giường giả bộ say, ngáy thật to để vợ con hết cằn nhằn, chứ nếu không làm thế chắc con bạt tai cô ấy rồi. Sáng nay thức dậy thấy cô ấy dọn sẳn cho con tô phở với ly cà phê ở trên bàn, tưỡng là vui rồi ai ngờ…

Mẹ anh cười dỗ dành:

- Đàn bà mà con, chấp nhứt làm gì, con trai mẹ là Nam Nhi Đại Trượng Phu, trút hết những bực bội nho nhỏ ấy ra cho nhẹ lòng để còn làm việc lớn con ạ.

Chỉ với một câu nói đơn sơ giản dị của mẹ thôi mà làm cho lòng anh cảm thấy vơi đi ít nhiều nỗi buồn bực, nhưng anh chưa muốn về nhà vội vì mẹ nói rằng sẽ nấu món canh riêu cua với rau đay để anh ăn cơm cho mát bụng, bù lại tô phở dang dở sáng nay, sau đó thì ngủ một giấc trưa cho khỏe người.


Chị đóng cửa tiệm tạp hóa để đi chợ, cố lựa mua những món anh thích ăn.Buổi trưa anh vẫn chưa về, chẳng biết là đi đâu, cơn hờn giận trong lòng chị lúc sáng đã nguôi ngoai nhường chổ cho lòng thương cảm, chị thấy mình cũng hơi quá đáng khi sẳng giọng với anh, có lẽ chỉ tại đêm qua anh về nhà mà miệng thì nồng nực hơi men, đã thế anh lại còn không chịu tắm rửa cho sạch, cứ để nguyên bộ dạng nhếch nhác mà ngã nhào xuống nằm vắt ngang giường rồi còn ngáy to như sấm, suốt đêm chị nằm bên ngoài phòng khách lòng ấm ức nên không sao ngủ được. Dù giận thì giận mà thương thì vẫn thương vì thế mới có tô phở và ly cà phê để sẵn trên bàn cho anh vào buổi sáng. Thương thì thương mà giận thì còn giận nên chị đã nặng nề khi “ngỏ lời nhờ vả” anh với vẻ trịch thượng sai khiến làm anh tự ái, tô phở còn dở dang trên bàn như đang nhìn chị và có vẻ trách phiền dùm cho anh, chị chợt nghỉ: “ nếu như mình là anh lúc đó nhỉ?” chắc cũng giận lắm, “cách cho hơn của đem cho” mà. Cảm thấy trong lòng thắc thỏm không yên với nỗi ân hận vì đã làm cho anh giận phải bỏ dỡ tô phở ngon, ngẫm nghỉ lại thì cũng đã có nhiều lần chị không phải với anh theo nhiều cách khác nhau.

Anh rất hiền, hai người cưới nhau vì tình yêu, hơn hai năm rồi nhưng chị vẫn chưa muốn có con, chị ngại sự thiếu thốn mặc dù họ có một tiệm tạp hóa bày bán đủ thứ linh tinh, anh làm thợ xây dựng, chị ở nhà bán hàng, cuộc sống tạm ổn nhưng sao tánh chị lại nóng nảy, nói nhiều, hay hờn giận và lại ưa buông ra những lời “mát mẽ” lắm khi làm cho người nghe có cảm giác khó chịu, mà anh là người bị nghe nhiều nhất. Anh than với mẹ về điều này, mẹ cười:

- Tự con chọn thì con phải chịu, ngày đó mẹ cũng đã nói với con nhận xét của mẹ về nó, con có chịu nghe mẹ đâu, con còn nói “nghe cô ấy nói hay như chim hót”… là gì.

Anh đưa tay gãi đầu:

- Ngày đó sao…mỗi lần con nghe cô ấy nói mà không thấy chán mẹ à, cứ như là mình được nghe chim hót ấy, bây giờ thì…giống như là hai lổ tai bị tra tấn vậy đó. Nếu cô ấy cứ như thế này thì con…mệt lắm mẹ ơi.

Mẹ an ủi:

- Con ạ, vợ chồng sống với nhau phải biết đem cái tốt của nhau mà nhân lên gấp hai, ba lần, và chia cái xấu của nhau ra thật nhỏ. Chọn đã khó mà thay đổi càng khó hơn.

- Mẹ nói cứ như là triết gia vậy đó, mới có vài năm thôi mà sao con có cảm giác mệt mỏi lắm mẹ à, nhất là mỗi khi về đến nhà con luôn mong chờ cô ấy đưa cho con một ly nước mát, một khăn lau mặt, được như vậy thì bao nhiêu mệt nhọc của con sẽ vơi đi nhiều lắm. Mẹ ơi, có khó gì lắm đâu mà sao vợ con không làm được?...

Mẹ anh cười rất hiền:

- Vợ chồng sống với nhau có đến ba giai đoạn với ba ánh mắt nhìn nhau, này nhé; giai đoạn một là thời gian đầu sống với nhau, lúc nào hai người cũng nhìn nhau đầy say mê đắm đuối…Qua giai đoạn hai, đó là thời gian dài tiếp theo giai đoạn một, lúc này thì bắt đầu thấy rỏ những cái xấu và tánh tình của nhau với những điều không hợp nhau, vậy là nhìn nhau rất khó chịu, lạnh lùng đôi lúc là lạnh lẽo nữa kìa, trong thời gian này các cặp vợ chồng phải cố gắng hết sức để mỗi người phải tự sữa đổi mình sao cho phù hợp với người kia, làm sao để được như “cái vung nó đậy vừa với cái nồi”, đây là giai đoạn khó khăn nhất, nó đòi hỏi hai vợ chồng phải biết khoan dung mà tha thứ lỗi lầm cho nhau, nhường nhịn nhau để vượt qua được những tánh khí “trái nết trở trời” của nhau mà xích lại gần với nhau hơn. Khi đã vượt qua được giai đoạn “ nhìn nhau mắt in hình viên đạn” rồi, lúc đó hai vợ chồng mới tiến đến được giai đoạn thứ ba, thời kỳ này thì hai người sẽ nhìn nhau rất là đằm thắm dịu dàng, đầy trìu mến, bởi vậy mới có câu nói ví von “ gừng càng già càng cay”.

Anh cười ôm hai đầu gối của mẹ, nói:

- Mẹ nói hay quá, con tóm gọn lại nhé: giai đoạn một nhìn nhau “say mê đắm đuối”. Giai đoạn hai nhìn nhau “mắt in hình viên đạn” Giai đoạn ba nhìn nhau “đằm thắm, âu yếm dịu dàng”. Lúc đó thì…cả hai người đều đã già, mẹ nhỉ.

- Ừ, như cha và mẹ đây này, càng già cha mẹ càng thương nhau. Cuộc sống vợ chồng ví như khi mình có một thúng gạo ngon nhưng lẫn trong đó có nhiều hạt sạn, muốn nấu thành cơm ngon thì cả vợ lẫn chồng phải cùng nhau nhặt hết những hạt sạn ấy đi. Không thể vì những hạt sạn lẫn trong thúng gạo mà hất bỏ nó đi, nếu thế thì đến bao giờ ta mới có chén cơm ngon để ăn cho khỏi đói lòng; hả con?

Mẹ lại dặn dò anh:

- Con phải tìm những điều tốt có ở nơi vợ mình mà nhân lớn lên để yêu thương nó, đừng phóng to cái xấu của nó để rồi ghét vợ, con nhé.

Anh về nhà khi trời chạng vạng tối, đem theo trong lòng những lời mẹ nói như kim chỉ nam cho mình, chị đã dọn sẳn một mâm cơm rất tươm tất để chờ anh, nhìn mâm cơm có những món ngon mà mình thích, anh cảm thấy ấm lòng nhưng vẫn còn e ngại những lời “sai bảo mát mẻ” của chị, anh lẳng lặng đi vào nhà tắm và ngạc nhiên lẫn cảm động vì chị đã máng sẳn cho anh một bộ áo quần sạch. Nước mát dội lên người làm anh nhẹ nhàng khoan khoái, có tiếng chị mời cơm, giọng ngọt như mía:

- Anh ơi, vào ăn cơm.

Chị ngồi so đủa, bới cơm ra chén cho anh và cho chị, không ai muốn nhắc lại chuyện lúc sáng, như thế cũng ngầm hiểu rằng chị đang muốn chuộc lổi với anh, anh nghĩ đến lời mẹ nói về “ những hạt sạn”, anh nhủ lòng sẽ nhặt ra bớt, từ từ từng hạt…Mặc dù đã có một chút hơi ấm nhưng vẫn còn trống trải, anh nói với chị:

- Nhà mình còn thiếu tiếng trẻ con, em nhỉ.

Chị cúi đầu cười bẽn lẽn với một lời mời gọi đầy ẩn ý:

- Dạ, vậy tối nay mình sẽ có, anh nhé.

Anh nghỉ thầm: “mừng quá, đã có vài hạt sạn loại khòi thúng gạo” rồi đây. Anh ăn thật cơm thật ngon miệng, nhiệt tình…Mẹ anh đã nói đúng, vợ anh có rất nhiều điểm tốt và anh phải nhân lên gấp nhiều lần để yêu cô ấy hơn, anh nghỉ rằng sẽ nhờ mẹ nói với cô ấy những điều như đã nói với anh, như thế cả hai vợ chồng anh sẽ cùng nhau nhặt bỏ ra ngoài “những hạt sạn có ở trong thúng thóc”, để “mâm cơm hạnh phúc” của gia đình anh ngày càng được ngon hơn, như mẹ nói “ gừng càng già càng cay” ấy mà. -/.




VVM.25.12.2024.