Vào đầu những năm sáu mươi, không nhớ chính xác năm nào, tôi từ Phan Thiết tới Phan Rang thi tú tài phần I, ban C, kỳ thi đầu tiên chung cho hai tỉnh. Phan Rang nhỏ hơn Phan Thiết, cũng có vẻ nghèo hơn. Bãi biển rất xa thành phố. Để tìm chút không khí, mọi người thường tới công viên có hồ bán nguyệt.
Buổi chiều trước ngày thi, bọn học sinh tụ tập khá đông, cố thư giãn. Tôi đi theo lũ bạn trong trạng thái lơ mơ. Hình như lúc nào tôi cũng lơ mơ. Chúng nó xì xào bàn tán, chỉ trỏ cô nọ cô kia, nhưng trong mắt tôi, chẳng có chút gì đọng lại. Tôi nghe loáng thoáng tiếng mấy đứa : "Cúc Phan Rang". Bọn chúng dừng lại xa, phía bên kia hồ.
Hồ rộng, từ vị trí đó, tôi thoáng thấy một nửa thân hình nghiêng nghiêng cúi xuống, thêm nửa thân hình xao động trên khoảng trống mặt hồ. Mặt hồ phủ gần kính từng mảng lá súng xanh ngắt, những bông súng vươn lên đơn độc, phơn phớt một chút nắng chiều. Nếu người con gái không nhẹ nhàng tiến tới, thì từ vị trí đó, chỉ có thể thấy vẻ đẹp rất mơ màng, hư huyễn, rất thơ. Tiếng chân bước trên lối cỏ, mỗi lúc một gần. Từ vị trí này, đã có thể thấy bàn tay trắng như sữa đọng, mười ngón thon dài ngập ngừng khép kín tà áo lụa Hà Đông, bàn tay nuột nà nhẹ gỡ cánh hoa vương trên tóc rối. Từ vị trí này, nhìn nghiêng mới thấy hết vẻ thanh tú của sống mũi dọc dừa. Không hiểu nàng có thấy tôi không? Ánh mắt tưởng chừng ái ngại. Đôi mắt đen, vời vợi, trong suốt, rất dịu dàng, hình như lúc nào cũng ướt. Đôi môi anh đào khép kín, vẫn thấy được nụ cười.
Có đứa bạn nói nhỏ bên tai:
-Cúc Phan Rang, em họ tao đó, đến đi.
Nó cười, đẩy tôi tới trước. Bước tới một bước, luống cuống lùi lại thành hai. Hình như cạnh nàng còn hai cô bạn. Hình như bọn họ đang cười rúc rích. Hình như có tiếng đấm nhẹ vào lưng sau mỗi tiếng cười. Cảnh vật xung quanh rất mờ nhạt, lãng đãng. Không gian càng thêm tù đọng, chới với, khi tiếng bước chân mỗi lúc một xa. Tôi len lén nhặt mấy cánh hoa đã vướng trên tóc rối, mái tóc dài, óng mượt. Cánh hoa đỏ rực, không phải mùi hương phượng vĩ, hình như là hương cúc đầu mùa.
Theo lời bọn ba hoa, nếu lấy cánh hoa đã rơi trên tóc, phơi sương đủ ba ngày, nửa đêm thắp hương cầu nguyện, cánh hoa trở thành một thứ bùa yêu. Tôi len lén làm đủ công việc của đứa rất ngu. Nàng là ai? Là Huệ? Là Lan? Là Cúc? Là người? Hay là gái Liêu Trai? Nếu là gái Liêu Trai, tôi cam tâm suốt đời làm gã thư sinh khờ khạo. Gã thư sinh đêm đêm chong đèn đọc sách. Gã thư sinh dưới trăng thổi sáo, ngồi đợi trước thềm. Tiếng dơi bay qua, tiếng lá xào xạc trong vườn, cũng bàng hoàng tưởng tiếng bước chân.
Tôi ép cánh hoa trong trang sách quý, cuốn sách rất hay, ngày ngày tôi vẫn mở ra, không đọc, chỉ ngắm cánh hoa. Cánh hoa héo úa, những chấm vàng lốm đốm viền quanh sắc đỏ, dần dần trở thành màu nâu tàn tạ.
Đêm đó, tôi nằm mơ thấy mình lạc tới Địa Đàng. Địa Đàng có cỏ lưu ly, có hoa cẩm chướng, có đàn bướm trắng lượn lờ trên suối nước trong. Địa Đàng có trái đào thơm, có dòng mật ngọt. Tôi cuống quýt chạy dọc, chạy ngang, tìm mãi không thấy, nên vội bỏ về. Tôi lại mơ thấy mình lang thang chợ tết. Chợ tết có gái tóc thề, có gái lưng ong, có gái mặt hoa da phấn. Tôi điểm mặt từng người rồi vội bỏ đi. Đi mãi, đi mãi tới hồ bán nguyệt. Dưới trăng mười bốn, có gái hồ ly xõa tóc bên hồ rợp bóng liêu trai. Tôi bước tới đánh liều cầm lấy bàn tay. Bàn tay nuột nà trắng như đọng sữa. Tôi cúi xuống hôn nhẹ bàn tay thoang thoảng hương cúc đầu mùa. Có tiếng cú rúc trăng, giật mình tỉnh dậy, tôi sợ toát mồ hôi, vì thấy mình xúc phạm.
Mấy năm sau, cũng chẳng rõ mấy năm, vì hình ảnh bên hồ bán nguyệt lúc nào cũng là hiện tại, tôi vào Sài gòn ghi tên học Văn Khoa. Học hành bữa đực, bữa cái, bữa đực nằm khèo, bữa cái rong chơi. Đến lúc vào phòng vấn đáp phải hỏi bạn bè :
-Cụ Toản là ai? Sao tao không quen?
Một buổi sáng đứng phất phơ ngoài hành lang , có hai cô gái cắp sách đi qua. Một cô mặc váy mini, cổ chân đeo dây chuyền, có gắn chuông vàng nhỏ xíu. Một cô áo hoa, lộng lẫy vẻ đẹp kiêu kỳ. Tôi rất lơ mơ, chẳng buồn nhìn kỹ. Gã bạn ngày trước ghé tai nói nhỏ:
-Cúc Phan Rang, em họ tao đó, nhớ không?
Gã cười, đẩy tôi tới trước.
-Có dám đến không thì bảo.
Tôi nhìn gã phớt lạnh :
-Lớn rồi.
Tôi sửa lại cổ áo, khuỳnh tay, dáng đi hùng dũng. Không hiểu vì sao cô nàng dừng chân, quay lại. Mái tóc kiểu Sylvie Vartan, gò má phớt nhẹ phấn hồng, môi son mọng đỏ, tà áo hoa may khéo ôm sát vòng eo. Hình như chỉ có đôi mắt sót lại chút thơ ngây ngày trước. Tôi bỗng dưng khựng lại, trân trân, rồi vội bỏ đi. Từ đó mỗi khi vô tình giáp mặt, tầm mắt tôi tự nhiên thấp xuống, bước chân như cuống quýt trốn xa. Tôi rất sợ, sợ nhìn thêm lần nữa, "Nhan sắc của Cúc Sài Gòn sẽ giết chết vẻ rất thơ của Cúc Phan Rang".
Chiều Sài Gòn rất đẹp, trước mặt trường có lá me bay. Xa tí nữa, con đường Huyền Trân Công Chúa có hàng cây dầu cao vút dẫn tới công viên, nhưng công viên không có hồ bán nguyệt, nên không có chỗ cho gái Liêu Trai nghiêng mình ngắm bóng. Trong lòng tôi là Cúc Sài Gòn hay Cúc Phan Rang? Cúc Sài Gòn nhường lại cho đời, còn tôi lặng lẽ đi tìm.
Mưa Sài Gòn đến và đi bất chợt. Không biết từ lúc nào áo quần ướt sũng dính sát vào da. Cũng không biết từ lúc nào trời đã về khuya. Một vài cô gái ăn sương nép dưới gốc cây, cũng kiểu tóc Sylvie thời thượng, cũng mặt hoa da phấn. Lúc tôi đi ngang, mấy cô vẫy tay ngoắc lại :
-Đi không anh?
-Đi đâu?
Đám con gái ôm nhau cười rúc:
-Đồ điên.
Đường phố Sài Gòn buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều, buổi tối hình như lúc nào cũng vắng, không một bóng người, tưởng chừng có thể múa may, ca hát tự do.
Năm đó tôi bỏ học ngang, cũng không rõ từ lúc nào. Trước hết dạt về miền Trung. Gái miền Trung đa tình, may ra gặp được bóng dáng hồ ly. Đêm đầu tiên tôi ghé ngủ đò ở bến sông Hương. Trên sông có ánh đèn dầu ngược xuôi leo lét, có mấy con đò bán món ăn khuya, có tiếng hò não nuột, da diết lòng người, có những mảnh đời chập chờn, hàng đêm trôi dạt. Cô lái nhìn vào trong khoang :
-Anh ơi! Cần không? Em gọi.
Lang bạt chán rồi, cũng đến lúc về quê. Tôi đã ba mươi tuổi rồi, đường đời đi hết phần ba. Thỉnh thoảng lật trang sách cũ, ngắm cánh hoa ngày ấy.
Mẹ cầm tay tôi bảo :
-Lấy vợ đi, kẻo về sau cha già con cọc.
Tôi cố tìm một người con gái không yêu, có thể không bao giờ yêu. Hai vợ chồng trôi dạt về một tỉnh lỵ rất xa. Sợ cảnh cha già con cọc, vợ tôi cấp tốc đẻ ra một lũ nhóc con. Tã lót đứa trước chưa kịp cất đi, đã vội đem phơi để cuốn đứa sau. Tôi xin được một chân công chức với lý lịch lớp ba trường làng. Gã công chức quèn chạy hết ty nọ, ty kia, xách hồ sơ trình ký. Các ông trưởng ty có thói quen ra hiệu bằng cách phẩy tay. Gã có thói quen đặt tập hồ sơ lên bàn không cần mở miệng. Lâu dần gã đánh mất thói quen ngôn ngữ. Thời khóa biểu của gã rất đều: sáu giờ thức dậy, đánh răng rửa mặt, ăn lưng cơm nguội, rồi đạp xe lọc cọc đi làm. Đúng mười hai giờ về nhà ăn ba bát đầy, buổi tối ăn hai bát rưỡi. Xỉa răng, hút thuốc qua loa, rồi vô đi nằm. Cuối năm gã được lĩnh giấy khen là tay mẫn cán, được thưởng một ít tiền còm. Lương tháng mang về cho vợ. Tiền còm dắt ở túi sau.
Một lần tôi vác cặp theo trưởng ty đi họp ở Phan Rang. Xe lướt qua khu hồ bán nguyệt. Hình như có gái hồ ly thấp thoáng bên hồ rợp bóng Liêu Trai. Buổi chiều họp xong, trưởng ty có thói quen ra hiệu bằng cái phẩy tay. Tôi có thói quen lang thang mỗi khi rỗi việc, nhưng không dám rẽ lại phía hồ, bởi rất sợ gặp Cúc năm xưa, bây giờ rực rỡ vẻ đẹp Sài Gòn.
Có quán nhậu bình dân vỉa hè xập xệ. Điện đường vàng vọt. Trên mặt bàn gỗ tạp leo lét một ngọn đèn dầu. Tôi nghênh ngang kéo ghế, gọi xị rượu với một con khô. Chủ quán là một cô gái, cô gái nhìn tôi cười tình. Tôi cũng ỡm ờ liếc mắt, rồi nói vu vơ:
-Nóng quá nhỉ, có gì mát mẻ tí không?
Năm nay tôi đã bốn mươi, đường đời đã đi một nửa. Lật trang sách cũ, vẫn thấy cánh hoa ngày ấy. Năm nay tôi đã sáu mươi, cuộc đời đã đi gần trọn. Lật trang sách cũ, cánh hoa vẫn còn. Cánh hoa héo quắt, teo lại bằng nửa ngón út, sắc đỏ biến thành màu nâu xẫm xịt. Tôi không còn là gã thư sinh đêm đêm chong đèn đọc sách, cũng không còn là gã thư sinh dưới trăng thổi sáo, ngồi đợi trước thềm. Vì nàng vốn không phải là gái Liêu Trai, nên không một lần gõ cửa.
Một buổi chiều tôi thơ thẩn đứng ở góc đường, không nhớ rõ đã uống cữ rượu chiều hay chưa, cữ rượu cháy gan, cháy phổi cần như liều thuốc.
Có gã thanh niên hàng xóm đến đỡ lưng tôi.
-Bác ơi, già rồi, uống rượu làm chi.
Tôi cười ngu ngơ, nhìn gã:
-Tôi say à? Lạ nhỉ! -/.