Việt Văn Mới
Việt Văn Mới


NGƯỜI PHẬT TỬ ĐẦU TIÊN




              Câu chuyện về người Phật tử Việt đầu tiên tại núi Quỳnh Viên (Thạch Hà - Hà Tĩnh) đã được thư tịch cổ nói đến nhiều kể từ đời Trần; và cho đến thời hiện đại, nhiều nhà nghiên cứu sử học, Phật học Việt nam đã cố gắng gỡ bỏ các lớp vỏ huyền thoại để nhất trí khẳng định trên cơ sở khoa học rằng: Núi Quỳnh Viên là có thật, trên đó còn có một ngôi chùa Quỳnh Viên, mà tại đây, Chử Đồng Tử có duyên may gặp một nhà sư tên Phật Quang, được ông ta dạy những bài học đầu tiên về Phật pháp nguyên thủy. Gần đây nhất, TS. Lê Mạnh Thát tại một Hội thảo khoa học quốc gia đã chính thức đề nghị: "Tỉnh Hà Tĩnh cần tổ chức một cuộc khảo cổ về những di tích tại núi Long Ngâm, trong đó có nền nhà Chử Đồng Tử bên chùa Quỳnh Viên để góp phần minh chứng cho việc khẳng định vấn đề nêu ra – tức là: chùa Quỳnh Viên ngày nay là nơi phát tích của đạo Phật Việt Nam, và đương nhiên, Chử Đồng Tử là vị Phật tử đầu tiên của nước ta vào cuối thế kỷ II TCN, giai đoạn cuối cùng của thời đại Hùng Vương… Thế nhưng, lớp huyền sử mang đậm màu thần tiên quanh câu chuyện có thực trên vẫn chưa được gỡ bỏ hoàn toàn, và thiên truyện lịch sử nhỏ này có tham vọng làm nốt công việc khó khăn đó…
T rên một chiếc thuyền buôn lớn năm cánh buồm của người Hoàng Chi thời cổ đại (một lãnh địa thuộc nước Ấn xa xôi), chàng thanh niên họ Chử nhìn mãi về phía thuyền vừa xuất bến, nơi Tiên Dung vợ chàng chắc còn đang lưu luyến từ lúc đôi vợ chồng trẻ chia tay không thể hẹn đích xác ngày gặp lại… Bến thuyền bắt đầu chìm khuất trong sương mù. Ông thương gia trung niên người Ấn kín đáo nhìn chàng vẻ cảm thông. Nửa năm trời ông đã lưu lại nhà của vợ chồng này tại khu buôn bán phồn thịnh của thị trấn Hoa Xá gần một vịnh biển lớn nước Văn Lang. Ngoài việc trao đổi hàng hóa, ông còn chú tâm dạy tiếng nước ông cho đôi vợ chồng trẻ ham hiểu biết và đã thực lòng đề nghị ông truyền dạy tiếng nói cùng các phong tục tập quán xứ Ấn. Ông hiểu mơ ước thầm kín của họ là được đến thăm viếng quê hương của Đức Phật, mà sau hai thế kỷ, công đức của Đức Phật đã bắt đầu lan tỏa tới các vùng viễn Đông, qua các thương nhân Phật tử trên những thuyền buôn của Ấn hoặc thuyền nước ngoài giao thương với người Ấn…

Sau nửa năm làm khách quý, ông khách buôn người Ấn bảo vợ chồng Chử:

- Tôi biết hai người chẳng phải là thương nhân bình thường… Quý vị buôn bán là để mong sản vật nước Văn Lang được nhiều vùng xa biết tới, đồng thời giúp nhiều đồng bào nghèo của quý vị đỡ vất vả trong cuộc mưu sinh… Tôi sắp về nước, muốn đền đáp tấm lòng quý hóa của anh chị: Hãy xuất một thoi vàng theo tôi về Ấn để mua vải vóc, hương liệu, đồ trang sức… Quý vị sẽ được lời gấp đôi thậm chí gấp ba đó! Nhưng, điều này chắc quan trọng hơn với quý vị… - Ông nhíu cặp mắt hiền từ - Tôi sẽ đưa các vị tới đảnh lễ tại gốc Bồ đề, nơi thái tử Tất Đạt Đa đã thiền tọa và chứng đắc giác ngộ trở thành Đức Phật Thích-ca Mâu-ni.

Chẳng đợi chồng gật đầu đồng ý, Tiên Dung đã khuyến khích chồng bằng những lời chân thành ngọt ngào, rằng lang quân hãy đi một chuyến xa để thỏa chí ước nguyện của cánh chim bằng, ở nhà thiếp sẽ thay chàng lo liệu mọi việc ổn thỏa…

Sau một ngày thuyền căng buồm lướt sóng, Chử vẫn thấy thấp thoáng đất liền, rừng núi phía xa, chàng định hỏi thì ông người Ấn mỉm cười:

- Cậu đừng vội. Trước khi chúng ta ném mình vào biển khơi mênh mông mịt mù, tôi muốn đưa cậu tới thăm một chốn này đã…

Trước mắt họ là một vùng núi non hùng vĩ trùng điệp. Từ trên thuyền có thể nhìn thấy một cửa biển hoang vu mà nước sông đang ào ạt trào ra biển lớn.

Ông người Ấn chỉ tay:

- Đó là Cửa Sót… Dòng sông chảy men dãy núi thiêng Quỳnh Viên, còn gọi là Nam Giới sơn… Đây chính là điểm cuối cùng của nước Văn Lang…

Chử nhìn ông người Ấn vẻ kính phục. Ông cười xòa:

- Có gì đâu! Thuyền buôn phương xa chúng tôi cần hiểu rõ hình khe thế núi, địa lý phong thủy cùng phong tục tập quán nơi mình tới làm ăn mà… Nhưng chàng trai này, trước khi đến quê hương Đức Phật mà cậu hằng mong, thì cần tới thăm một đệ tử chân truyền của Ngài…

Thấy Chử ngẩn mặt ra, ông người Ấn từ tốn giải thích:

- Trên núi Mốc của dãy Long Ngâm - Quỳnh Viên sơn kia có một vị cao tăng nước tôi đã sang ẩn tu mấy năm nay… Lúc đầu ông theo một phái đoàn truyền giáo do vua A Dục sai đi, nhưng sau ông tách riêng ra để tới phương Nam này… Tên thực ông là gì tôi không rõ nhưng có biệt danh là But-đa-bra-ba (Buddabrabha), có nghĩa là “Ánh sáng của Phật”…

Chử thốt lên:

- Phật Quang! Còn But-đa, lâu nay dân tôi vẫn ngưỡng vọng Ngài và gọi thân quý là Ông Bụt…

Ông người Ấn gật gù, vẻ mừng rỡ:

- Tôi rất vui sướng khi biết đạo Phật đã lan tỏa ánh sáng của Ngài tới nhiều phương trời… Nào, ta hãy tới tiếp kiến sứ giả của Ngài… Nhưng cậu nên nhớ ông Phật Quang này còn được gọi là “ông Khoai”, vì đã mang giống cây khoai lang, cây mít nước tôi sang hướng dẫn dân vùng này trồng…

Hai người xuống một chiếc thuyền nan vừa được hạ từ thuyền buồm. Chử vất vả chèo thuyền và cập thuyền vào một bến vắng cách xa cửa sông. Rồi hai người trèo lên ngọn núi linh thiêng sẽ trở thành huyền thoại suốt nhiều thế kỷ sau. Hầu như không có đường, hai người phải thận trọng gỡ các cành cây, gai góc, dây leo um tùm để không gẫy cành và tổn thương dây leo. Ông người Ấn thỉnh thoảng ngước nhìn lên xác định phương hướng, chợt ông chỉ tay:

- Kia rồi!

Chử nhìn theo, những anh không thể nhận ra cái gì giữa vùng rừng rậm rạp âm u chứa đầy sự huyền bí. Anh cắm cúi bước theo người Ấn. Trên sườn núi có một khoảng không gian bằng phẳng, và một cái am tạo bằng tre nứa và cỏ in dấu vết mưa nắng đã hiện ra.

Hai người kính cẩn bước vào am cỏ, qua một lối cửa trống trơn. Sau một lúc định thần, họ mới nhận ra trong bóng tối om om có một dáng người đang tĩnh tọa với vẻ thư thái, thanh tịnh không biết đến ngoại cảnh. Ông ta trạc ngoại bốn mươi, khắc khổ, gầy, nhưng rắn chắc tựa lõi gỗ lim. Hai người chắp tay cúi đầu chờ đợi. Lát sau, nhà tu hành mà giờ ta sẽ gọi là Phật Quang từ từ mở mắt. Sư nói một câu như niệm chú bằng tiếng Pàli cổ xưa mà Chử chưa bao giờ được nghe từ ông thương gia Ấn, rồi sư nói bằng tiếng Ấn bình dân, Chử hiểu gần hết:

- Ngài trở về cố quốc, tới thăm bần tăng đó ư?

- Vâng, thưa Ngài. Con có đưa theo một người, mà con nghĩ duyên Phật sẽ cho người ấy có hạnh ngộ được Ngài khai mở cho về Phật pháp…

Nhà tu hành trên núi Quỳnh Viên giơ một bàn tay lên:

- Ta đã chờ đợi anh ta từ lâu… Mà đừng nói rằng: ta sẽ Khai mở điều gì cho người ấy, bởi đó là người đã tràn đầy Phật tính rồi… - Ông nhìn sang Chử - Này anh, sao giờ anh mới tới?

Hai người như há hốc miệng kinh ngạc. Nhà tu hành ẩn dật từ tốn tiếp:

- Đôi khi hạ sơn đi khất thực, ta đã được nghe các bác tiều phu, ngư phủ vùng này kể cho nghe về lai lịch cùng đạo hạnh của vợ chồng anh…

Chử thốt lên:

- Dạ thưa, chúng con đã có đạo hạnh gì đâu ạ?

- Chỉ riêng cái việc Công nương của Hùng Nghị Vương xóa bỏ ranh giới Sang - Hèn, Giàu - Nghèo để chấp nhận anh làm chồng, giữa khi anh không có một mảnh vải trên mình, đã rõ là phẩm hạnh của một người giàu tính Phật…

Chử kinh ngạc:

- Trời đất! Thầy biết cả chuyện nhân duyên trái khoáy động đến Qủy thần và Triều đình của chúng con!…

Sư mỉm cười:

- Câu chuyện này mà ở đất nước của ta, chắc hẳn sẽ có nghệ nhân biến thành trường ca để mọi người múa hát thâu đêm suốt sáng, và có học giả sẽ viết vào Kinh Dục lạc Kama Sutra dành cho tăng lữ quý tộc đó!

- Nhưng…

Nhà tu hành giơ tay ngắt lời:

- Anh định hỏi: sao gọi là Phật tính ư? Ta biết rằng, không ít kẻ cầm quyền phương Bắc luôn rêu rao bôi nhọ dân Giao Chỉ - Cửu Chân, nhưng chính họ phải cần học hỏi nhiều ở những người họ cố tình gọi là “cầm thú”, “không biết đạo nghĩa vợ chồng”! Họ biết rõ đó là những người “Thờ cha mẹ như thờ trời” giống y họ, nhưng lại hơn họ là biết sống theo một đạo lý Phật, cái đạo lý đương rất xa lạ với họ trong các cuộc chém giết tranh giành lẫn nhau, đó là: “cứu nghèo giúp thiếu, thương nuôi mọi người là đứng đầu của hạnh”… Công nương của anh đã nhìn thấy ở trong con người anh, giữa khi anh nghèo túng khốn quẫn nhất, cái Tình thương với nhân quần, với đồng bào anh… Và khi kết duyên trăm năm với anh trong cõi đời hữu hạn này cũng là kết với duyên Phật sẽ phải tồn tại trên mảnh đất này hàng ngàn năm nữa đó…

Thương gia người Ấn góp lời:

- Vâng thưa thầy, hai vợ chồng vị này đã dựng lên một khu buôn bán trù phú ở cảng biển Hoa Xá, trợ giúp bao người nghèo vật tư tiền của, công ăn việc làm, từ tiền bán thuyền bán nữ trang của Công nương Tiên Dung…

- Ta biết! Vợ chồng họ còn mở mang vài con đường buôn bán tơ lụa, trầm hương, đá quý xuyên nhiều vùng xa trên biển cả, trước mắt là giúp dân và sau đó sẽ góp vào công khố để lo nghiệp lớn triều đình…

Chử chắp tay cảm kích:

- Cám ơn thầy đã thấu hiểu! Nhưng chúng con chưa làm được bao nhiêu đâu ạ… Còn nhiều gia đình túng thiếu đang mỏi mắt trông chờ ở chuyến đi này của con sang đất Phật…

Sư lại ngắt lời:

- Không chỉ trông chờ ở chút lãi anh mang về đâu, chàng trai! - Chử mở to mắt dò hỏi, chờ đợi - Họ còn trông chờ điều anh sẽ mang về lớn hơn rất nhiều kia… - Sư trầm ngâm lúc lâu rồi mới tiếp tục - Anh biết không, Phật tổ thời tại thế cũng đã phải buồn phiền về không ít đệ tử của Phật mà không chuyên tâm tu tập chính pháp mà chỉ thích ăn ngon, thích được cúng tặng các vật dụng quý hiếm và những tấm y đắt tiền ở nhà các thí chủ giàu có - Ông giơ một tấm y ở bên một bình bát và một cây gậy lên - Hai thương gia có biết rằng: ta vẫn thực hành các hạnh tu buổi đầu của Phật tổ nhằm tìm đường Giác ngộ, bằng chính tấm y này đây…

Nhà buôn Ấn cầm tấm y ngắm nghía:

- Con đã được nghe nhiều, nay mới mục kích. Đây có phải là tấm y phước điền, tấm cà sa như thửa ruộng gieo trồng phúc đức, được chắp vá từ những mảnh giẻ nhặt về từ bãi tha ma hoặc vải thừa nhà thợ may, phải không thầy?

Nhà tu hành gật đầu, mắt ông long lanh như rớm lệ:

- Không ít vị sư thời trước và hiện tại ở quê hương Phật còn mưu toan sửa đổi giáo lý và giáo luật để dễ tu hành, để trục lợi nữa… Thật đau lòng!

Sư đứng dậy, bước ra ngoài am, tới chỗ có thể nhìn trọn vẹn từ trên cao về phía Cửa Sót đang cuốn nước về biển Đông xa tít tắp. Hai người đi theo ông. Khung cảnh hoang sơ, lộng lẫy và u buồn đang rực lên trong ánh chiều tà…

Sư chỉ tay về bên trái:

- Dưới kia, có ngọn suối mang tên Hiêu Hiêu đón nước ngọt thơm của đá núi dãy Quỳnh Viên sơn - Ông lại chỉ tay về phía phải - Ngọn núi kia chạy ra sát biển, đón sóng biển ầm ào đêm ngày như tiếng sấm nên được gọi là Long Ngâm… Hai nhà buôn hãy xem: Thiên nhiên sao mà tuyệt diệu, chúng như kêu gọi các giáo pháp trên đời chỉ cần thuận theo chúng thôi, bằng tu dưỡng Tự ngã, hãy kính cẩn trước Thiên nhiên bằng Thiền (zen), bằng Du-già (yoga). Điều đó giúp chúng ta không chán nản khi đau khổ, không trở nên sa đọa khi hạnh phúc… Chừng nào tìm được trong ta cái thế giới chân thật không có gì bất biến, không có gì trường tồn, không bị trói buộc bởi không gian - thời gian, thì tức là đã đạt cõi Niết bàn rồi đó!

Chử bất giác quỳ sụp xuống lạy nhà tu hành:

- Thưa thầy, lâu nay con đi tìm chân lý Phật, và đang trên đường đến quê hương Đức Phật… Nhưng gặp thầy đây là con đã thấy Phật rồi…

Nhà tu hành vội bước tới đỡ Chử đứng lên:

- Không đâu! Trong anh đã có sẵn Phật rồi, tìm đâu xa! Giữa ta và anh hình như đã có duyên tự kiếp trước, còn kiếp này gặp nhau, ta cảm thấy có bổn phận giúp anh, chỉ chút ít thôi… - Chử nhìn sâu vào mắt nhà tu hành mà cả con người ông như toát ra ánh sáng Phật vừa linh thiêng vừa ấm áp - … Phải, đó là bổn phận chỉ cho người đi sau ta con đường thật sự dẫn đến sự An Lạc của tâm hồn…

- Con xin được ở lại đây làm đệ tử thầy, để được thầy truyền pháp đến nơi đến chốn…

Nhà tu hành người Ấn không dấu được sự xúc động mà sau nhiều năm tháng ông đã gửi hết vào cây cỏ trăng sao vùng núi Quỳnh Viên. Ông chắp tay kính cẩn trước người đệ tử mới, và cũng là duy nhất của ông, vui vẻ nhận anh làm Phật tử của Am Quỳnh Viên - gốc của ngôi chùa Quỳnh Viên sau này.

Chử nhờ ông thương gia Ấn thay anh tiếp tục thực hiện công việc buôn bán mà họ đã giao ước, và nhờ ông: nếu khi quay lại, không muốn lên núi Quỳnh Viên đón anh thì tới thị trấn Hoa Xá kể cho vợ anh nghe mọi chuyện đã diễn ra tại đây...

Chử học được ở sư Phật Quang phương pháp tĩnh tọa, thiền quán, điều hòa hơi thở, và được nghe sư đọc giảng nhiều đoạn Kinh sách quan trọng bằng nguyên tác Phạn ngữ… Độ gần nửa năm sau, thuyền buôn của ông thương gia Ấn quay lại núi Quỳnh Viên đón Chử. Chàng bảo chưa muốn về. Mấy tháng qua, sau lúc học Phật pháp, chàng san nền, vào rừng chặt tre nứa và đã dựng lên một ngôi nhà tranh nhỏ gần Am Quỳnh Viên để có dịp sẽ đón vợ lên cùng tu tập. Sư Phật Quang khuyên:

- Lúc này thì trò cần về Hoa Xá, đem ánh sáng Phật pháp cho dân Văn Lang. Cô ấy đang mong trò đấy!

Sư Phật Quang đưa cho Chử chiếc gậy, cái nón và chiếc bình bát, với lời dặn: “Trò cần giữ gìn ba vật này. Các việc Linh Thông đều nằm trong đó cả”. Sư mang “Ánh sáng Phật” không cần giải thích rõ và cụ thể, việc “Linh Thông” ra sao, bởi gần năm tuần trăng làm bạn với người Phật tử đầu tiên này của nước Văn Lang, ông hiểu: những đoạn Kinh Phật gốc ông đọc cùng vài kỹ thuật hành pháp truyền dạy thực ra chỉ là sự chứng nghiệm sáng sủa trong trái tim chàng trai nước Việt thuần hậu, lương thiện, và đã sẵn Phật tính như ông nhận ra ngay từ buổi ban đầu…

Sau này, câu chuyện về ba bảo vật sư Phật Quang trao cho Chử sẽ thành truyền thuyết hấp dẫn đến say lòng: Chử Đồng Tử và Tiên Dung đã hóa phép chúng ra Cung điện Thành quách Phố xá nhằm đánh lừa quan quân triều đình kéo đến hỏi tội đôi vợ chồng… Sự thật thì các việc “Linh Thông” của Phật giáo quyền năng mà sư dặn chỉ là chuyện “năm giới Cấm” và “mười điều Lành”, khả dĩ giúp người theo Phật pháp chân chính sẽ đạt được trạng thái “không lạnh, không nóng, không đói không khát, công nghiệp và phước đức hội tụ, đạp lửa không bỏng, đi dao không đứt, muốn đi thì bay, ngồi thì phóng quang, biến hóa không chừng, ẩn hiện vô chừng, mọi thứ độc không thể làm hại” - như Kinh sách từng nói rải rác mà ông đúc kết lại. Ông tin rằng chàng trai này sẽ có một sức mạnh tinh thần phi phàm để giúp gia đình chàng và đồng bào của chàng vượt qua mọi thử thách khốc liệt đang chờ đợi trên mọi nẻo đường. Nhưng ông không thể ngờ: bắt đầu từ những Phật tử đầu tiên như Chử Đồng Tử - Tiên Dung, đạo Phật Việt đã bắt đầu thấm vào lòng người dân đất nước này như một nguồn suối trong lành không bao giờ vơi cạn trước mọi thủ đoạn tàn độc, có khả năng giúp hồi phục mọi vết thương lòng đau đớn, hóa giải mọi hận thù, và nhân lên vô hạn tình yêu thương ngay cả khi nó có nguy cơ bị cạn kiệt, bị truy đuổi… -/.




VVM.18.12.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .