- Em sẽ viết văn, anh ạ!
Tôi trố mắt, như thể vừa nghe nàng nói… tiếng nước ngoài:
- Nghĩa là viết truyện, là làm văn sĩ ấy à?
Vợ tôi gật đầu:
- Em vừa nghĩ ra một ý truyện hay lắm. Viết xong em sẽ gửi tham dự cuộc thi TRUYỆN NGẮN HAY, biết đâu chẳng đoạt giải nhất?
Tôi hoan hỉ tán thành ngay. Tôi vốn là người chồng biết quý trọng tài năng của vợ mà. Nghĩ đến viễn tượng được đọc thấy tên vợ mình trong danh sách trúng giải, tự nhiên tôi vinh dự quá. Ôi chao, lúc đó mặc sức cho những ai vẫn yêu mến hay vẫn ghen ghét gia đình tôi phải càng yêu mến và càng ghen ghét nhiều thêm!
Tưởng tượng thế, tôi phơi phới trong lòng. Tôi tích cực đi mua ngay một tá bút bi và hai ram giấy A4 trắng tinh về cho vợ làm nháp mà sáng tác. Tôi dọn cho nàng chỗ ngồi viết nên thơ, mát mẻ và nhiều ánh sáng nhất. Tôi khuyến khích nàng dành cả thời gian cho “sự nghiệp văn chương”, việc đi chợ nấu ăn mỗi ngày đã có tôi tình nguyện… phục vụ. Nói thế chứ tôi có cực nhọc gì đâu, vì hai vợ chồng đã nhất trí với nhau rằng: trong thời gian vợ tôi sáng tác, cả gia đình sẽ… mua cơm hộp! Thế thôi.
Mất hai ngày, vợ tôi vẫn chưa tìm ra được một cái tựa đề ưng ý. Không ngờ viết văn khó đến thế?
- “Vạn sự khởi đầu nan” em ạ.
Tôi động viên, và chốc chốc lại rót vào tai nàng:
- Em viết xong đưa cho anh duyệt trước, có gì anh góp ý cho, nhất định sáng tác đầu tay của em phải là một tuyệt phẩm!
Sang ngày thứ năm, sau khi xé xé dập dập hết gần ba chục tờ giấy nháp, vợ tôi cũng đã viết xong đoạn mở đầu. Mừng quá, tôi kéo ghế lại ngồi sát bên cạnh, ghé mắt nhìn vào trang giấy.
Dưới hai chữ “truyện ngắn” thật nắn nót là tựa đề to tướng NGƯỜI CHỒNG CẬN THỊ.
Tôi sửng sốt kêu lên:
- Ô hay! Anh cận thị hồi nào?
- Ơ kìa, em có viết về anh đâu?
- Thế em viết về ai?
- Không về ai cả. Viết bâng quơ thế thôi. Gia đình nào mà chẳng có một người chồng?
- Nhưng tại sao lại cận thị mà không là một bệnh nào khác?
Vợ tôi giảng giải:
- À, em đang kể về một ông chồng bị cận thị rất nặng, một hôm làm vỡ mất mắt kính, thế là có rất nhiều chuyện buồn cười xảy ra.
Tôi liếc mắt xuống dưới, lại phát hiện chi tiết không thể bỏ qua:
- Khanh là ai đây?
- Là nhân vật chính, là người chồng cận thị.
- Sao lại tên Khanh?
- ???
- Có hàng tỉ cái tên sao em không chọn, lại chọn tên Khanh? Thôi, anh biết rồi, tên người yêu cũ của em chứ gì?
Vợ tôi kêu lên:
- Vớ vẩn! Làm gì có chuyện đó!
- Anh nghi lắm. Phải “có gì” thì em mới đặc biệt ưa thích cái tên ấy chứ?
- ???
- Sao em không đặt tên anh? Bộ tên anh không hay bằng tên Khanh à?
- Anh thật lẩn thẩn. Ừ, thì đặt tên anh vậy.
Vợ tôi gạch chữ Khanh đi và viết thay vào đó tên tôi.
Tôi đọc tiếp: Ngọc nhìn sâu vào mắt chồng sau cặp kính dày cộm. Cô thì thầm: “Em thích anh đeo kính lắm, lúc đó em có cảm tưởng được anh yêu nhiều hơn…” Tôi nhăn mặt:
- Nghĩa là sao? Chẳng lẽ những người chồng không cận thị như anh thì không biết yêu vợ?
- Không phải, em không định nói thế. Em chỉ muốn người đọc liên tưởng cô Ngọc rất yêu chồng nên yêu luôn cặp mắt kính dày cộm của chồng thôi.
- Dài dòng! Thì cứ viết “Ngọc rất yêu chồng” có hơn không? Viết văn mà lê thê thế là hỏng, chỉ tổ làm khổ người đọc. Tại sao cứ thích viết cho cầu kỳ rắc rối rồi bắt người đọc liên tưởng? Thế lỡ người ta không chịu liên tưởng thì sao nào?
- Thì… thôi!
Tôi hùng hổ:
- Thôi sao được? Là thừa, là phí giấy, là tốn mực… Biết chưa?
Vợ tôi ngẩn mặt ra, có vẻ dao động dữ dội.
Cuối cùng, nàng xóa bỏ hết đoạn vừa rồi, thay vào mấy chữ cụt ngủn “Ngọc rất yêu chồng” đúng như góp ý của tôi. A, có thế chứ! Được vuốt ve tự ái, tôi hả dạ lắm. Rồi ra vẻ sành sỏi, tôi giảng giải:
- Em biết không, các văn hào trên thế giới mỗi người đều có một sở thích riêng nên họ mới viết ra tác phẩm nổi tiếng toàn cầu được. Ông vừa viết vừa ngốn hàng thùng bánh ngọt. Ông sáng tác dưới ngọn nến tù mù. Ông chuyên dùng bút chì. Ông khác chỉ viết được khi trời mưa bão sấm chớp thôi… Còn em thì cần gì nào?
Vợ tôi thật thà:
- Em chỉ cần yên tĩnh một mình.
Tôi cụt hứng, lẳng lặng đi lại góc nhà, nằm xuống đ i-văng đọc báo, vờ không chú ý đến vợ nữa.
Được yên tĩnh một mình, quả vợ tôi có hăng hơn thật, cầm bút viết nhoay nhoáy.
Tôi băn khoăn thắc mắc quá: Quái, vợ tôi viết những gì mà lắm thế? Nhân vật nào đang xuất hiện tung hoành bên trong bộ óc xinh xinh kia? Có bóng dáng một “cố nhân” nào của nàng không?
Nghĩ thế, tôi giật thót người. Chết thật, tôi thiếu cảnh giác quá, ai lại để vợ tự do mơ mộng thế bao giờ? Ừ, đúng đấy, thích viết văn thì cứ viết, ai cấm, nhưng mượn văn chương chữ nghĩa để nhớ nhung “người này người nọ” là không xong! Cần phải kiểm soát ngay xem nàng viết những gì.
Tôi vùng dậy, lại bàn cầm tờ giấy lên và chẳng lâu lắc gì đã “tóm” được ngay một câu: Lúc chàng cười, đôi mắt chàng sáng rực lên…
- Hừm, lại “chàng” nào đây?
- Thì vẫn là nhân vật giống tên anh chứ ai.
- Viết Hắn, Gã, Y… được rồi, “chàng” nghe “sến” lắm. Mà này, em gạch bỏ hết câu này cho anh.
- Sao thế?
- Viết sai bét chứ còn sao trăng gì nữa? Làm gì có ai khi cười mà mắt sáng rực lên được, người nào lúc cười cũng híp mắt lại thì có.
- !!!
- Đây nữa: Ngọc khổ vì mùi thuốc lá của chồng. Mỗi lúc ở bên nhau, mùi thuốc khét lẹt làm cô như ngạt thở… Trời ạ, viết thế có chết người ta không? Anh Xuân, bạn thân của anh nghiện hút thuốc lắm, anh ấy tưởng em chỉ trích sẽ giận vợ chồng mình đấy.
- Trên đời này thiếu gì người nghiện hút thuốc, đâu phải mình anh Xuân?
- Đành vậy, nhưng anh Xuân là bạn thân của anh, vẫn giúp đỡ anh nhiều trong công việc làm ăn, không nên làm mất lòng anh ấy.
Vợ tôi đấu dịu:
- Thôi được, để em sửa lại. Nhân vật trong truyện của em bắt buộc phải đam mê một thứ gì đó. Em sẽ cho anh ta nghiện rượu, chiều nào cũng vào quán nhậu đến bò lê bò càng. Được chưa?
- Ấy đừng! Chồng chị Hai là dân nhậu chính cống, em viết thế, chị ấy chửi cho tắt bếp.
Vợ tôi ngẫm nghĩ:
- Vậy để anh ta đánh bài nhé? Hay mê đua ngựa?
Tôi sừng sộ:
- Này, em định bêu xấu cả nhà anh đấy à? Em đã biết anh nghiện đua ngựa còn anh Ba của anh thì mê đánh bài mà.
- !!!
- Anh không hiểu sao em cứ phải để cho nhân vật của em nghiện hết thứ này đến thứ khác như thế? Rõ rắc rối! Bỏ phứt thằng cha ấm ớ ấy đi cho xong chuyện!
Mặt vợ tôi ngẩn ra:
- Tức là bỏ cả cái truyện ngắn của em đi à?
- Nghĩa là… Ý anh muốn nói… À không, em cứ giữ lại truyện ngắn của em chứ, nhưng cho cô Ngọc bỏ quách anh chồng ẫm ương kia đi cho rảnh! Đàn ông gì mà hết nghiện hút thuốc, ghiền rượu rồi lại mê đánh bài, đua ngựa thì… Ơ… ơ…
Tôi lỡ trớn nói hớ thành ra ú ớ nửa chừng. Nhưng may quá, vợ tôi không chú ý chi tiết đó. Nàng đang chống tay ngồi buồn xo.
Một lúc lâu sau, vợ tôi lẳng lặng thu dọn giấy bút, xếp lại cẩn thận cất vào tủ. Những ngày sau đó cũng không còn nghe nàng đả động gì đến truyện ngắn dự thi ấy nữa.
Như thế nghĩa là vợ tôi đã có quyết định dứt khoát rồi: vì không thể cho cô Ngọc bỏ chồng được (mà suy cho cùng, trên đời này làm gì tìm cho ra một người đàn ông không vướng vào một thứ đam mê nào cơ chứ?) thành thử vợ tôi đành bỏ ý định viết văn cho xong chuyện!
A ha, đấy thấy chưa? Tôi đã biết mà, vợ tôi có bao giờ làm được điều gì đúng như nàng đã nói đâu? Đàn bà thường thế đấy, họ thay đổi ý kiến xoành xoạch, y như… chong chóng! Thích viết văn thì cứ viết đi, ai cấm? ./.