N
hã Vy được làm quen với họa sĩ Văn Trung trong dịp được mời tham dự buổi phát hành tác phẩm mới của người bạn văn Khánh Hưng. Nhã Vy cầm tập sách mới còn thơm mùi mực; ngắm nghía tranh bìa, rồi 3 phụ bản mầu bên trong, cảm thấy rất thích phong cách vẽ vừa ấn tượng, vừa hiện thực của họa sĩ. Nàng nhờ Khánh Hưng giới thiệu với Văn Trung, để hy vọng sẽ nhờ trình bầy bìa cho tác phẩm sắp xuất bản của mình.
Thế rồi họ gặp, quen nhau, trao đổi cùng nhau những thông tin về bìa sách - phút chốc, họ đã trở thành bạn. Sau ngày Nhã Vy gởi bản thảo để Văn Trung xem mà trình bầy bìa và chọn giúp phụ bản khoảng một tuần, anh đã gọi cho Nhã Vy.
Văn Trung đọc bản thảo, trao đổi cảm nhận về tác phẩm, và lòng trân quý những trang văn thấm đẫm tính nhân văn của nàng. Đáp lại, Nhã Vy có dịp bày tỏ lòng ngưỡng mộ phong cách vẽ rất hiện đại của anh.
Họ đã yêu nhau tự lúc nào. Tình yêu ấy như có sợi dây vô hình, đã gắn kết họ lại một cách tự nhiên, mầu nhiệm. Hằng ngày họ làm việc, chia sẻ nhau những vui, buồn, hạnh phúc; dù là qua điện thoại, hay qua mạng internet; nhưng họ đều cảm thấy được gần kề bên nhau như hôm nào, họ tìm thấy ở người kia cái còn thiếu của mình.
Văn Trung đã tâm sự cùng nàng, anh đã tốt nghiệp trường Mỹ Thuật Huế năm 1978. Về dạy vẽ ở trường Cao đẳng Sư phạm năm năm, rồi đáp lại tình yêu của Mỹ Hoa - người nữ sinh đã từng học vẽ với anh. Họ yêu nhau, tưởng có thể trọn đời gắn bó, nhưng sau khi kết hôn được hai mặt con; Mỹ Hoa chán cảnh nghèo khó, thường so sánh anh với những người bạn giám đốc, trưởng phòng của mình. Anh biết mình chỉ là một họa sĩ nghèo, không địa vị như họ, nên yêu thương vợ con nhiều hơn, mong bù đắp cho họ những thứ mình không có. Nhưng mỗi ngày Mỹ Hoa càng tỏ ra khinh thường, thậm chí chê bai anh. Dù vậy, anh vẫn hy vọng một ngày nào đó Mỹ Hoa sẽ hồi tâm, chuyển ý. Nhưng, lẽ đời - chuyển sông dời núi thì dễ, mà chuyển dời bản tính thì khó. Mỹ Hoa đưa đơn ly hôn đã viết và ký sẵn, yêu cầu anh ký vào.
Anh đau khổ, không hề đặt bút, dù phải chịu đựng kéo dài cuộc hôn nhân gắng gượng nầy. Sau một thời gian, gần mười lăm năm chung sống trong sự ưu phiền, dằn vặt; Mỹ Hoa vẫn cương quyết chia tay.
Nhã Vy nghe anh nói, dù qua điện thoại - nhưng hơi thở anh từng lúc như lạc giọng, thổn thức. Một hôm, Nhã Vy cũng ân cần tâm sự cùng anh, về cuộc đời nàng: Ra trường, đi dạy được một năm, nàng lập gia đình với Thịnh - bạn đồng nghiệp, cùng dạy chung một trường. Thịnh tỏ ra khó chịu khi có truyện ngắn, hay thơ của nàng được đăng trên các tạp chí. Về sau, anh cấm đoán, rồi hằn học đến nặng lời, ngăn cản không cho nàng viết. Đôi lần, Thịnh nói những lời xúc phạm nặng nề, làm nàng vừa buồn, vừa tủi. Nhã Vy đam mê viết là để đem lại niềm vui cho mình, và cho người, chứ không vì một lý do nào khác. Vì hạnh phúc gia đình, nàng cam chịu, im lặng, không dám làm anh phật ý; nhưng vẫn không rời bỏ bàn viết mỗi đêm sau giấc ngủ. Một hôm, Thịnh đọc được bài thơ của nàng trên tạp chí Văn nghệ - anh tức giận xé quyển tạp chí rồi quăng vào sọt rác. Trước cử chỉ, ánh nhìn, lời nói xa lạ, thô bạo như thế, nàng uất ức cãi lại; anh mắng nàng, rồi vung tay tát vào mặt nàng, như trút cơn giận dữ.
Nàng khóc, và biết rằng, cuộc hôn nhân này khó mà lâu dài, bền vững như ý nguyện ban đầu của nàng, khi hai tâm hồn không cùng chung chí hướng, chung ước mơ. Lần ấy, Nhã Vy nói thẳng với anh, dù anh có làm gì, nàng cũng không từ bỏ mơ ước. Ước mơ là người chứng chân thật của đời sống. Thế là anh viết đơn ly hôn, nàng dửng dưng, chấp thuận. Nhã Vy đã nhiều lần nghĩ, sự rạn nức, tan vỡ của một mái gia đình, nằm ngay trong hai tâm hồn chung sống, chứ không ở một nơi nào khác!
**
Nhã Vy đạp xe rẽ vào con đường hai bên là hai hàng tre xanh mát, nàng xổ xuống con dốc nhỏ, qua khúc cua, rẽ vào cổng. Nhã Vy dựng chiếc xe đạp ở cổng, đứng ngắm ngôi nhà mầu trắng, lợp ngói đỏ, nổi bật giữa khu vườn xanh xanh mầu cây cỏ, lá hoa. Nàng mĩm cười hạnh phúc như nhìn được một phong cảnh đẹp - ngôi nhà mà nàng ước mơ từ lâu, giờ đây đã hiện ra rõ ràng trước mắt.
Ngôi nhà cấp 4, chỉ khoảng 80 mét vuông, mà sao nàng thấy thật rộng, thật xinh xắn. Trước thềm là sân vuông rộng, mỗi bìa năm mét, tráng xi măng sạch sẽ. Dọc phía ngoài bờ sân là những bụi bông Trang nở hoa đỏ rực, những bụi Trà mi, Nguyệt quế hoa trắng muốt, thơm ngát. Phía trái góc sân đặt cái vò nước trên kệ, và chiếc gáo dừa được móc trên một cây gỗ cắm sẵn. Những chậu Sứ, chậu Hồng, cây cảnh, bon - sai đặt dọc phía bên trong bờ sân, dãy hành lang. Từ ngoài cổng trải dài đến sân là vườn rau xanh, chính giữa là con đường nhỏ lát sỏi. Những khóm rau xà lách, rau cải, ngò gai còn đọng nước vừa được tưới, óng ánh rung rung trong làn gió nhẹ. Nhã Vy cảm thấy lòng thư thái, ấm áp, vui vui.
Trung tưới nước vườn cây ăn trái ở phía sau cũng vừa xong, anh bước ra sân trước, tươi cười đón nàng:
- Chào bà xã đi chợ về! Đạp xe có mệt không em?
Nhã Vy âu yếm liếc nhìn anh, có cảm giác như niềm hạnh phúc đang tràn ngập, trên mắt, trên môi mình, và ùa vào trong khắp ngõ ngách của ngôi nhà nhỏ thân yêu này. Niềm hạnh phúc to lớn một đời còn lại đã đến quá bất ngờ, nàng không tìm kiếm, không dám mong cầu; nhưng nó đến như tia nắng ban mai ấm áp, trong trẻo, sưởi ấm trái tim lạnh lẽo, mà nàng nghĩ rằng, chẳng bao giờ còn có thể rung động được nữa. Nàng thầm cảm ơn anh- cảm ơn duyên lành, đã đưa anh đến, bước vào đời nàng; để nàng thấy cuộc sống thật ý nghĩa, thật tươi đẹp!
Nhã Vy bám hai tay vào cổ anh:
- Có anh là em không mệt gì hết. Hôm nay, gặp mực tươi, em mua một mớ về muối mắm, ít bữa chua, ăn với rau luộc anh trồng, chắc là ngon lắm.
- Chà! Cái món đó anh mê lắm à nhen, em của anh hiểu ý, giỏi quá.
- Thôi, đừng có chọc quê người ta, giỏi gì mà giỏi.
- Thiệt mà - Trung nhìn nàng, cười - anh “thề” không nói dối.
Nàng véo lên mặt anh:
- Thiên hạ thề thốt biết bao nhiêu, nhưng rồi - nàng ngập ngừng, em tin anh, thề làm gì cho rắc rối, anh!
Nhã Vy cười khanh khách - nụ cười mà nhiều lúc tự mình nghe lại, đã nhận ra từ lâu nàng đã quên mất, hay nó đi đâu xa, nay mới chịu trở về. Một cảm giác ấm áp dấy lên trong lòng, cũng với tiếng cười hồn nhiên ấy, mẹ nàng hay ví là “tiếng nổ của bắp rang” ngày xưa. Nàng thoáng nghe nỗi nhớ thương tràn về, nhớ ngôi nhà cũ, với tiếng cười dòn tan của mấy chị em quây quần bên nhau. Ngày ấy, nàng cùng người chị gái hay cười vang khi chạy giành nhau mấy trái xoài non, lúc có cơn gió mạnh thổi qua, làm xoài rụng.
Bước vào phòng khách, bức “Ngày Mới” của anh được treo phía trên cửa sổ, làm phòng khách sáng, đẹp và trang nhã, bên bộ ghế mây xinh xinh mầu trắng được kê bên dưới. Trong tranh, vầng sáng mặt trời vừa nhô lên phía đông một mầu ửng đỏ tỏa xuống vùng quê xanh xanh bóng tre, làng mạc, như sức sống bừng lên đón chào ngày mới; gợi cho nàng cảm giác an bình mỗi ngày.
Nhã Vy mang giỏ đi thẳng ra phía sau, ngang qua phòng làm việc của anh, nàng chợt dừng lại ngắm bức tranh anh đang vẽ dở - đó là bức vẽ nàng đang tưới nước vườn rau trước sân, người và cảnh như tan hòa vào chung niềm vui tươi, thật sinh động. Nàng đặt hai phông bánh in và gói trà trên kệ, chỗ chiếc phản gỗ hai người thường ngồi nghỉ ngơi, uống trà sau giờ làm việc, rồi ra phía sau.
Nhã Vy vào bếp, đong hai sét gạo vào nồi, vo sạch, rồi cắm điện. Nàng lấy khăn lau vội qua bếp nấu, những lọ mắm đủ loại xếp ngay ngắn trên kệ. Nàng biết anh rất thích mắm, nên mỗi lần đi chợ, gặp cá cơm, ruốt tươi, hay mực là mua về muối mắm. Ngày nào cũng có một món mắm thay đổi; khi thì mắm ruốt kho thịt mỡ, khi thì mắm ruột kho chắm rau, khi thì mắm cá thu chưng với trứng. Nhiều khi anh thích mắm cua, nàng phải nhờ mấy đứa trẻ hàng xóm ra đồng bắt về, ngâm nước vo gạo một đêm, rửa sạch - xay giã làm mắm cho anh. Nàng hay cười với anh: “Số anh khổ, nên thích toàn là mắm.” Anh chỉ cười: “Số anh vậy, biết sao bây giờ? Trời thương cho gặp em, anh sướng rồi nè, ăn mắm gì cũng có”.
Trung bước qua phía hông nhà, giàn mướp nở hoa vàng rực rỡ, những trái mướp lớn nhỏ lủng lẳng, đung đưa, ong bướm lượn lờ; cho anh thêm cảm xúc, niềm vui khi ngồi bên giá vẽ. Anh luôn thấy mình thật may mắn, cuối đời gặp được người vợ vừa xinh đẹp, hiền thục, lại cùng chung niềm đam mê nghệ thuật, cùng ước vọng một đời sống giản dị, nhưng nồng ấm tình yêu. Anh bước từng bước chậm, thư thả, lại bên hàng đu đủ sai quả, trồng xen kẽ bên những luống rau, khẽ hái một trái vừa chín hườm; rồi quay hái thêm mớ rau tàn ô, ngò gai, sà lách, với mấy trái cà chua. Anh phụ Nhã Vy lặt rau, chuẩn bị mâm cơm.
Anh gọt vỏ trái đu đủ vừa hái, rửa sạch, bào thành sợi, cười với nàng:
- Anh thích món này nữa nè, đu đủ bào trộn nước mắm ớt tỏi, chanh đường là nhất.
- Em cũng rất thích, để đó em làm, không ngon, không phải là bà xã anh - nói xong, nàng cười lớn.
- Ngon hay không ngon, em vẫn là bà xã anh, không bao giờ thay đổi. Nhớ chưa?
Nàng cười dòn:
- Dạ! Em nhớ rồi, ông xã ạ! Anh là nhất.
-Nhất thiệt không đó? Nhớ nhé, quên là chết với “tui”.
- Sao quên được, anh là ưu tiên một rồi mới đến chuyện ngồi bàn viết, thiệt mà. Khi sáng đi bộ thể dục về, em có hái mớ rau bình bát và ít măng dòi; lát nữa em sẽ cho anh ăn món canh rau tập tàn nấu cá mành, pha chút đăng đắng của măng, ngon phải biết đó.
- Bà xã anh giỏi thiệt, biết hết những gì anh thích - Trung liếc nhìn nàng, cười hiền.
- Anh cũng vậy, em nghĩ gì anh cũng biết hết, lạ thật anh hén.
- Có gì mà lạ, chúng ta là “một đôi” bị lạc nhau, giờ gặp lại cơ mà. Em không nghe câu “tuy hai mà một” sao?
Cả hai cùng cười lớn, tiếng cười sao mà dòn dã, rổn rang đến thế.
Cuộc sống của họ trôi qua êm đềm giữa làng quê êm ả, bên lũy tre làng, bên ruộng đồng thân yêu, bên xóm giềng chân tình, mộc mạc. Sáng nào họ cũng thức dậy sớm, cùng nhau đi bộ thể dục để đón ánh mặt trời vừa nhô lên phía biển. Họ đi trên con đường làng nay trải bê tông phẳng phiu, sạch sẽ, rồi rẽ vào con đường lô ra đồng. Trung nắm tay Nhã Vy đi giữa sóng lúa rì rào, nghe hơi thở của đất trời rạo rực như lan tỏa vào người. Anh sóng đôi bên nàng, an bình hít thở không khí trong lành giữa ruộng đồng yên ả buổi sớm; rồi như chợt nhớ - anh khẽ bóp nhẹ tay nàng như tỏ lòng biết ơn. Nhã Vy thầm thì: “cảm ơn anh!”, bỗng Trung dừng lại - anh ôm hôn nàng, nói qua hơi thở: “Chúng mình cảm ơn nhau em ạ!”
Buổi tối, sau khi cơm nước xong, ngồi chuyện trò một lát ở phòng khách; hai người cùng đến phòng “Niệm Phật” thắp nhang, rồi ra ngồi trước hiên nhà với bình trà Trung đã chế sẵn.
Nhã Vy hớp ngụm trà - thong thả đặt ly xuống bàn, nàng nhìn thẳng lên mắt Trung, nói chậm rải:
- Em vừa viết truyện ngắn, có tựa là “Xóm Giềng”, anh nghe em đọc, góp ý cho em, anh nhé!
- Sẵn sàng là đọc gỉa đầu tiên của em cơ mà!
Nhã Vy vội vào phòng lấy tập bản thảo truyện vừa in khi chiều ra, cẩn thận mang đôi kính vào mắt, rồi đọc lớn. Trung lắng nghe từng lời nàng - nhân vật nữ - “cô Ba” trong truyện thật đặc biệt; một con người dung dị, chân chất, giàu lòng nhân ái, được mọi người trong xóm yêu mến, nể phục. Cô sẵn sàng chia sẻ cùng mọi người bát cơm, chén cháo khi họ khó khăn, dù cô cũng khổ nghèo như họ; sẵn sàng giúp bà con bất cứ việc gì, khi họ cần đến. Tiếng nói của cô có sức mạnh, có thể làm lay chuyển mọi suy nghĩ, hành vi đến bà con láng giềng chung quanh cô; cả cái xóm nhỏ ấy thay đổi rõ rệt, từ khi cô về sống ở đấy; trẻ em chăm học, không còn la cà, rong chơi, đàn đúm nữa; người lớn trở nên hiền lành, yêu thương, giúp đỡ nhau, không còn chửi mắng, cãi kình nhau như trước.
Nhã Vy đọc hết truyện, nàng bưng tách trà hớp một ngụm:
-Sao anh? Truyện thế nào, cần thêm bớt gì không?
Trung đốt điếu thuốc đưa lên môi hít một hơi dài, anh thong thả:
-Truyện có tính giáo dục cao, nhân vật nữ ấy, tuy ốm yếu, nhưng đầy sức mạnh; đã cảm hóa những người hàng xóm hung dữ trở nên hiền lành, như con người của chị ta. Anh nghĩ, em giống nhân vật nữ ấy. Chúc mừng em!
-Vậy thôi à?
-Em đã nói lên được tính giáo dục, tính nhân văn của truyện. Ở con người ấy, toát lên tình yêu thương, chân thật; mà tình thương muôn đời là sức mạnh, gắn kết người với người lại nhau. Thực trạng xã hội ngày nay, đều “mắc bệnh” lãnh cảm, khép kín, vị kỷ, thờ ơ với tất cả chung quanh, câu chuyện là một “nhắc nhở” cần thiết lắm, em ạ!
Nhã Vy hôn lên má anh, ngã đầu lên vai anh, nàng thầm thì:
- Cảm ơn anh!
- Cảm ơn nhau em ạ! - nói xong, anh thong thả ngâm đoạn thơ vừa viết tặng nàng.
“Gởi em lời chúc an lành
Gởi luôn cả trái tim anh đợi chờ
Qua rồi bao thuở bơ vơ
Thuyền xưa nay đã cập bờ yêu thương!”.
Nhã Vy xúc động, con thuyền trôi nổi đời nàng đã cập bến yêu thương, nàng nguyện với lòng sẽ yêu thương anh thật nhiều, để có thể bù đắp những bất hạnh mà anh đã gặp.
Trung hôn lên má, lên môi, lên những sợi tóc lòa xòa trên khuôn mặt nàng. Anh thì thầm:
- Anh yêu em nhiều, nhiều lắm em biết không?
Trăng đã lên cao, ánh sáng dịu dàng tỏa xuống vườn rau trước sân một mầu vàng óng ả. Cơn gió nồm nhẹ thoáng qua, đủ đưa mùi hương của hoa Nguyệt quế, Trà mi thơm thơm trong gió. Trung nghĩ: “nàng như vầng trăng ở trên kia, mà không, nhỏ một chút thôi, đủ soi sáng cuộc đời anh, đủ cho anh đi hết cuộc đời này”.
***
Tiếng chuông báo thức của chiếc điện thoại vang lên, Nhã Vy giật mình bước lại tắt điện thoại. Nàng ngơ ngác, thoáng chút nuối tiếc “ngôi nhà mơ ước” vừa được hiện ra, được xây đắp trong giấc mơ bất chợt mà sống động như thực, vẫn còn khiến nàng ngơ ngác, bàng hoàng. Nàng nhắm nghiền đôi mắt, hít thở thật đều, như cố níu kéo thời khắc được sống an vui trong ngôi nhà mộng tưởng kia. Hạnh phúc như căng tràn đến hiện tại. Nàng nghĩ đến Trung, người đã cho nàng một tình yêu đích thực, người đã luôn chia sẻ những gì mình có với nàng; từ đi đứng nằm ngồi, đến công việc hằng ngày, cho nên nàng đã nhìn thấy anh rất rõ, như đang sống chung trong một mái ấm gia đình. Đồng thời, Nhã Vy cũng đã nhận ra, qua “ngôi nhà mơ ước” một niềm hân hoan, một niềm tin làm nàng thêm yêu quí cuộc sống này hơn, yêu bản thân mình hơn.
Bất chợt tiếng điện thoại lại reo lên, nàng chạy lại bàn viết bắt máy. Giọng Trung ở bên kia đầu dây- ấm áp, thân tình:
-Chào buổi sáng! Chúc ngày mới an lành, em yêu!
Một niềm hạnh phúc vô biên làm nàng ngất ngây mở đầu một ngày mới. -
Gởi luôn cả trái tim anh đợi chờ
Qua rồi bao thuở bơ vơ
Thuyền xưa nay đã cập bờ yêu thương!”.