Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         


MỐI TÌNH ĐẦU




N ăm đó, tôi và Lê Trọng đang học ở Đại Học Huế, những năm đầu viện đại học nầy mới khai giảng. Thời gian nầy, việc học hành tương đối thoải mái hơn, chỉ cần có mặt ở lớp nghe giảng, thi cử thì cũng phải học ôn nhưng tà tà hơn, không căng thẳng như mấy năm trước, vượt qua những cái bằng Tú Tài 1 và Tú Tài 2 thật chua cay.

Chúng tôi cũng đã lớn, đứa nào cũng trên hai mươi tuổi. Phong tục hồi ấy cũng còn xưa, có nghĩa là khi trên hai mươi, học hành cũng sắp xong thì cha mẹ lo lấy vợ cho con là vừa, lỡ cha mẹ có qui tiên sớm thì cũng đã thấy được mặt cháu nội.
Tuy nhiên, với chúng tôi, việc yêu đương và vợ chồng thì vẫn còn ngơ ngác. Chúng tôi chưa từng yêu ai, chưa từng nắm tay một cô gái nào chứ đừng nói chuyện gì khác. Đứng nói chuyện với một cô gái, một cô bạn học thì còn tự nhiên nhưng trước một đám đông con gái, không chắc là không bị líu lưỡi, nói chẳng ra hơi; còn như có việc gì mà một mình vào trường Đồng Khánh, gặp giờ chơi , mấy cô đứng đầy sân cỏ thì cuống cẳng, không chừng hai chân vướng vào nhau mà té chỏng gọng.

Qua học chương trình Việt Văn lớp Đệ Nhị, qua đọc tiểu thuyết thời tiền chiến, và qua cái lãng mạn tiểu tư sản của người Huế, thần tượng tình yêu của chúng tôi hồi ấy không phải là người thực mà chính là những nhân vật trong tiểu thuyết, chẳng hạn như mối tình không bao giờ thố lộ của Dũng và Loan trong “Đoạn Tuyệt”, tình tuyệt vọng của Trương và Thu trong “Bướm Trắng”, những nhân vật “hư ảo” trong “Hai Buổi Chiều Vàng” hay chú tiểu Lan trong “Hồn Bướm Mơ Tiên”. Chúng tôi tự thấy mình chỉ là những chú bướm, yêu những nàng tiên trong truyện cổ tích, hoặc mơ mộng như kiểu Bùi Quang Đoài:
Trang sách mở rồi
Một tờ thư nho nhỏ
Thương em muôn vạn thuở
Gởi chùm hoa lý phần em
v.v. và v.v…
Một hôm Lê Trọng nói với tôi:
– “Cái thằng Thuần ở lớp tau nói nghe thiệt kỳ. Nó nói nó sẽ bỏ con Nga vì con đó không biết hun.”
– “Nói gì mà nghe trần tục rứa?!” Tôi góp ý với bạn.
Cái sở thích của chúng tôi hồi đó là đọc sách, sách tìm hiểu phổ thông như loại “Livres de Poche” của Pháp hay “Nhận Định” của Nguyễn Văn Trung – Ông nầy hiện đang là giáo sư Triết của chúng tôi – và một số sách nói về các tổ chức Seato, Nato, hoặc “Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc” mà chúng tôi rất mê. Theo tác giả của cuốn sách nầy, ông Hoàng Văn Chí, thì những tác giả trong phong trào “Nhân Văn Giai Phẩm” sẽ được tồn tại trong Văn Học Sử.
Vì học hành tà tà, nên cứ mỗi tối, sau khi cả hai chúng tôi làm xong công việc “Giáo tại gia” – tức là nghề kiếm cơm ăn học của bọn học trò nghèo như chúng tôi – giảng bài lại, ra bài cho “đệ tử” xong là tôi ngồi chờ Lê Trọng. Anh ta từ Ngự Viên – Trọng làm “précepteur” tại nhà một ông Cảnh Sát ở đó, ăn ngủ tại nhà chủ như tôi vậy – đạp xe lên tôi rồi hai đứa đi bộ lang thang dọc theo Ngã Giữa ra trước chợ Đông Ba uống cà-phê Lạc Sơn. Trời mưa hay tạnh đều như thế. Mưa thì càng thú vì mặc áo mưa và mang guốc, không mang sandalle vì sợ hư giày. Cả hai đứa đều có học bổng nên cũng có chút tiền tiêu rủng rỉnh, áo quần mới và sạch sẽ hơn, không đến nỗi tồi tàn như mấy năm Trung Học. Ngồi uống cà-phê và dĩ nhiên chúng tôi nói chuyện chính trị chính em khắp cõi ta bà thế giới. Chúng tôi tưởng mình như thế là ngon lắm.
Một hôm đang ngồi nói về bức tường Bá Linh đang xây, bức tường bị ông Ngô Đình Nhu gọi là “ô nhục” (Bức tường ô nhục), bỗng ông chủ quán Lạc Sơn ngồi két ngay trước mặt hỏi chúng tôi:
– “Ông Thủ Tướng Tây Đức tên là chi rứa?”
Ông ta cũng thành thật hỏi thôi chứ không có ý moi móc gì, nhưng quả thật hết sức mắc cỡ vì cả hai chúng tôi không sao nhớ được tên Adenauer, người cầm “chiếc đũa thần kinh tế” của Tây Đức hồi bấy giờ như báo chí Tây phương gọi. Tới lúc gần về, tôi mới chợt nhớ ra tên ông nầy, nói lại cho ông chủ Lạc Sơn nghe, nhưng tới lúc ấy thì câu chuyện cũng nguội mất rồi. Tuy vậy cũng đỡ tẽn tò chút ít. Trên đường về, Lê Trọng nói với tôi:
– “Ngu thiệt! có cái tên đó mà cũng không nhớ nổi. Ngồi nói chuyện tưởng như là thông kim bác cổ lắm mà cái tên đó cũng không nhớ rạ, ngu chi ngu dữ!”
Bỗng một hôm, cũng khá khuya, Lê Trọng đến khoe với tôi:
– “Tau mới đi ăn tiệc ở nhà vợ tương lai của tau!”
Tôi chưng hửng nhưng không nói gì bởi vì tôi và Lê Trọng chơi thân với nhau lắm, từ lớp Đệ Thất Trường Trung Học Quảng Trị mới thành lập năm 1951, tính ra đến nay thì cũng gần mười năm. Khi tiễn Lê Trọng ra về, tôi hỏi:
– “Mi định cưới con mô rứa. Tau có nghe mi nói ưng con nớ khi mô”
– “Con Nhạn, có cửa hàng bánh kẹo ở cửa Bắc chợ Đông Ba. Con nớ dễ thương và khéo lắm, buôn bán giỏi. Vô tiệc là có khăn lau tay ngâm nước nóng, pha với dầu thơm “Eau de Cologne” thơm thiệt là thơm, lịch sự vô cùng.”
Tôi thoáng thấy nụ cười và nét tự hào trên mặt Lê Trọng.
Thật ra, chúng tôi còn rất nhà quê. Đi ăn giỗ ở nhà bà con thì có, làm gì có việc đi ăn tiệc hay đi nhà hàng sang trọng mà biết khăn lau tay nước nóng tẩm dầu thơm. Đối với Lê Trọng, đó là lần đầu trong đời; còn tôi thì chưa từng.
Tôi cũng chưa bao giờ nghe Lê Trọng nói tới cô Nhạn nầy. Mà tại sao nó lại chịu lấy một con nhỏ bán bánh kẹo. Đâu có cân xứng, ít ra là trong sức học. Huế vốn dĩ có những cái rất chọn lựa, cân nhắc. “Sanh Viên Trường Học Đại” (Như tôi thường nói đùa chữ “Sinh Viên Trường Đại Học – Gọi là Sanh Viên mà không gọi là Sinh Viên là theo cách nói của những người già, những người ưa bảo thủ) thì lấy một cô nữ sinh, nếu cô gái đang còn đi học, hoặc cô giáo viên tiểu học, chí ít cũng thư ký thư kiếc ty sở nào đó, chớ sao lại cô bán bánh kẹo. Chắc là vung úp lộn nồi rồi.
Mấy ngày sau, Lê Trọng cũng chưa hết cái “sướng” của bữa tiệc hôm ấy. Anh ta nói với tôi:
– “Ngồi ăn chung với cả nhà, tau hơi ngại chút ít, nhưng khi cô ta đưa tau ra ngõ, tau phát run.”
– “Tại răng run?” Tôi hỏi.
– “Nó đưa tau ra cổng, cái cổng có mái che và vách tường hơi kín. Cô ta đứng sát bên tau nên tau run.”
– “Không hun nhau?” Tôi hỏi.
– “Mô có! Tay cô ta vịn vào ghi đông xe đạp của tau. Tau muốn nắm cái tay ấy. Chưa nắm đã run. Nói chi tới hun.”
Lê Trọng giải thích.
Tôi không nói gì. Không chê mà cũng không khen, không có ý kiến vì cho đó là việc của bạn, nên tôn trọng.
Vậy mà chỉ tuần sau, cả khu cư xá sinh viên ở tầng lầu trên trường luật, tụi nó đồn ầm lên việc Lê Trọng lấy cô bán bánh kẹo chợ Đông Ba. Lê Văn Lợi mai mỉa khéo:
– “Tụi bay bữa nay có muốn ăn kẹo bánh thì cứ ra ngay quán con Nhạn ở chợ Đông Ba, nói là bạn thằng Trọng thì ăn thả sức.”
Cũng chính nó đi đâu cũng chê bai việc Lê Trọng sắp cưới cô bánh kẹo, làm mất mặt giới sinh viên. Hậu quả những lời nói của Lợi là làm cho Lê Trọng không còn dám bén mảng đến khu cư xá sinh viên nữa. Chờ tới giờ, anh ta chui vào lớp, ngồi hàng ghế chót. Thầy vừa giảng xong là anh ta dọt lẹ, ra chỗ để xe đạp dông về nhà. Nếu thầy có dặn dò chi thêm, tôi sẽ báo cho anh ta sau. Lại một hôm, Lê Trọng đến nhà tôi cũng khá khuya. Trọng nói:
– “Tau đi hồi hôn con Nhạn.”
– “Răng rứa?” Tôi hỏi.
Trọng nói gần như khóc:
– “Tụi nó cười quá, thiệt là trẻn.”
– “Có chi mà trẻn.” Tôi nói. “Ăn thua là mi có ưng cô ta không, cô ta có ưng mi không. Thiên hạ nói, có chi mà lưu tâm. Đừng sợ. Ưng nhau thiệt rồi thì “Dù ai nói ngả nói nghiêng, thì ta cũng vững như kiềng ba chưn.” Trọng làm thinh. Một lúc sau, anh ta nói:
– “Không được mi ơi! Thiệt ra tau cũng không ưng con nớ, nhưng vì anh chị Tôn giới thiệu với cậu mạ tau nên tao bằng lòng.”
Anh chị Tôn là chị ruột khác mẹ và anh rể của Trọng. Cậu mạ (mẹ) Lê Trọng thì đã già. Ba Trọng là ông Nghè, là một chức quan nhỏ thời Nam Triều trước 1945, nay đã về hưu. Năm 1930 ông làm thừa phái (°) ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tịnh, cưới mẹ Lê Trọng là người làng Tiên Điền cũng ở huyện nầy. Bà là người cùng làng với cụ Nguyễn Du, tác giả truyện Kiều. Khi học Kiều, tò mò, tôi có hỏi bà về làng Tiên Điền nhưng bà lấy chồng hồi còn trẻ, theo chồng đi xa nên chẳng nhớ gì về ngôi làng nầy ngoài mấy lũy tre làng như ở nhà quê nước ta. Sau vụ Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930, ba mẹ Lê Trọng sợ quá, xin đổi về Thừa Thiên.
Mấy ngày sau, Lê Trọng đến nói với tôi:
– “Mai, mười hai giờ trưa, mi với tau qua Nha Ngư Nghiệp gặp chị Hoàng vợ anh Đỗ. Chị ấy chịu đi hồi hôn cho tau.”
Anh Đỗ là một thi sĩ nổi tiếng ở Huế lúc ấy, làm thư ký tờ tuần báo “Mùa Lúa Mới”. Tôi cũng đang tập tành viết lách, đang là “Mầm non văn nghệ” để chuẩn bị làm “dại dăng hào” (°) như Lê Trọng hay đùa mà mỉa mai.
Cả hai chúng tôi đều quen rất thân với hai vợ chồng nầy. Có một thời gian ngắn, Lê Trọng làm “précepteur” cho đứa con trai lớn của anh chị ấy.
Tôi không có ý kiến gì, chỉ giữ lời. Trưa hôm sau, cả hai đều có mặt ở Nha Ngư Nghiệp, chỗ chị Hoàng vợ anh Đỗ làm việc, chờ chị ấy ra.
Trên đường từ Nha Ngư Nghiệp ra chợ Đông Ba, chị Hoàng đi Vélo Solex còn chúng tôi thì đi xe đạp, phải rán hết sức mà đạp cho kịp. Tới ngoài cửa chợ, chị Hoàng nói:
– “Trời nắng quá! Máu dồn lên mặt. Để chị đứng một chút cho mặt bớt đỏ.”
Hai chúng tôi vịn xe đạp đứng im, không nói gì. Một lúc chị ấy lại nói:
– “Không yêu nhau nữa thì chia tay. Có chi phải lo. Hai em đứng đây để chị vô một mình.”
Khoảng mười phút sau, chị ấy đi ra, nói:
– “Xong rồi! Thôi mình về.”
Chị lên xe cho nổ máy chạy về nhà. Thấy nét mặt Lê Trọng có vẻ băn khoăn, tôi nói:
– “Đi uống cà-phê mày.”
Rồi hai chúng tôi vào cà-phê Lạc Sơn ngay bên cạnh.
Sáng hôm sau, trước giờ học, khi tôi và Lê Trọng tới trước cổng trường Luật thì thấy một bà già dáng điệu hết sức tiều tụy, đang ngồi bệt xuống đất, dựa lưng vào tường nghỉ mệt. Chợt thấy bà, Lê Trọng nhìn ra ngay mẹ của mình bèn dựng xe bên lề dường rồi chạy tới:
– “Mạ! mạ làm chi ở đây. Mạ vô khi mô mà sớm rứa?”
Bà già bỗng bật khóc và nói:
– “Con ơi! Con làm chi mà lạ ri ? Ai mà đi hồi hôn ri ?”
Nói xong, bà mẹ Trọng đứng dậy, đưa ra một bức điện tín màu giấy xanh. Bức điện tín viết:
“Có một người xưng là chị anh Trọng đến xin hồi hôn. Cho biết ý kiến gấp.”
Xem bức điện xong, Lê Trọng nói với mẹ:
– “Con đó mạ. Con nhờ người xin hồi hôn. Con không lấy con nớ được.”
– “Trời ơi con ơi! Con làm chi mà cậu mạ không hay biết chi cả. Chừ làm răng mà ăn nói với người ta đây trời.”
Nói xong, bà mẹ Trọng ngồi thụp xuống và lại khóc. Trông bà Nghè bây giờ thật là thê thảm. Cái nón lá cũ để bên vách tường, quai nón là sợi dây mây, không phải là quai nhung đen như mấy bà nghè, bà tham như tôi thường thấy. Bà mặc một cái áo dài tuy không có chỗ vá nhưng nhìn qua là biết ngay cái áo đã cũ mèm, vạt áo nhăn vì không ủi. Bà chỉ gài mấy hột nút áo nơi ngực, mấy hột bên nách thì để hở, lộ cái áo trắng màu cháo lòng mặc bên trong có mấy vệt nước trầu vàng ố. Bà mặc quần đen vải và đi chân đất, chẳng guốc dép gì cả.
Trọng hơi mắc cở vì hình ảnh tiều tụy, lôi thôi của mẹ, nói:
– “Đi Huế mà ăn mặc chi rứa không biết. Mạ đừng khóc nữa. Tụi bạn thấy nó cười con chết. Mạ tới đây khi mô”
– “Mạ đi tàu suốt, tới đây hồi bảy giờ tới chừ. Túi qua thằng Tôn đến nói ở trong ni gọi điện thoại ra nói con Nhạn nghe nói hồi hôn, nó té xỉu ngay giữa chợ. Người ta chạy tới xức dầu, quạt cho nó, nó mới tỉnh. Xong nó đóng cửa hàng bỏ về, không bán hàng nữa. Mạ biết ăn nói với người ta răng bây chừ. Chắc anh chị Tôn giận lắm. Khổ quá! Trời ơi là trời!”
Trọng năn nỉ mẹ:
– “Thôi mạ đừng khóc, để con đưa mạ đi ăn sáng. Đứng đây lâu không được mộ”
Tôi biết ý Trọng sợ tụi bạn thấy mẹ anh nên nhìn ra đường, thấy chiếc xe xích-lô trống chạy trờ tới, liền ngoắc lại. Thấy xe, Trọng nói với mẹ:
– “Mạ lên xích lô đi Tụi con đạp xe theo.”
– “Rứa không học à?” Mẹ Trọng hỏi.
Trọng nói dối mẹ:
– “Không! Bữa nay được nghỉ. Con chỉ tới trường gặp bạn mà thôi.”
Nghe Trọng nói dối, tôi thấy buồn cười. Trốn bạn muốn chết mà dám nói tới gặp bạn.
Xe chạy được một đoạn, bỗng bà Nghè đưa tay ra ngoài xe ngoắt ngoắt:
– “Thôi, thôi! Cho mạ xuống.”
Xe xích lô ngừng lại. Tôi và Trọng cũng vừa trờ tới.
Trọng hỏi mẹ:
– “Chi rứa mạ? Mạ ngồi yên cho người ta đưa đi, con đi theo.”
– “Mạ thấy ngợp quá con ơi! Ngồi trơ trơ một mình không có chi trước mặt cả. Lỡ đụng ai thì răng?”
Trọng nói, không dấu được nụ cười:
– “Chi mà sợ! Người ta lái xe hay lắm, không ai đụng mạ mô, Mạ đừng sợ.”
Tôi cũng thấy buồn cười vì cái nhà quê của bà cụ. Quả thật lúc ấy tại thị xã Quảng Trị cũng có mấy chiếc xích lô nhưng chỉ ai đi xa mới đi thứ xe ấy. Thành phố nhỏ, đi đâu cũng gần nên người ta thường đi bộ. Vả lại, từ khi có hiệp định Genève, ông bà Nghè bán ngôi nhà ở thị xã Quảng Trị, dọn về chợ Sãi. Dân chợ Sãi thì không mấy khi thấy chiếc xe xích-lộ
Tôi và Trọng đưa bà Nghè về quán Hương Bình gần đập đá ăn bún bò. Ăn được mấy miếng bà cụ ngưng đũa nói:
– “Chuyện của con làm mạ đắng họng đắng hầu, chẳng ăn chi được. Từ chiều qua tới chừ, nhận điện tín, mạ lo lắm, có ăn chi mô!”
Trọng trấn an mẹ:
– “Mạ cứ nói việc trăm năm là việc quan trọng. Tương lai của con để con quyết định. Rứa là xong.”
– “Nhưng con phải cưới vợ để có cháu nội cho cậu con mừng. Thằng anh mầy ở bên Tây, có vợ có con mà không về, có thấy mặt mũi mấy đứa cháu mô”
Trọng có người anh ruột du học ở Pháp từ năm 1949 đến nay chưa về nước dù đã đỗ đạt và có gia đình.
Trọng cười:
– “Mạ đừng lo. Ra làm giáo sư rồi, có vợ dễ lắm, cưới mấy hồi.”
Ăn xong, bọn tôi đưa bà cụ ra bến xe hơi để cụ về Quảng Trị nhưng cụ cứ đòi đi xe lửa. Cụ nói:
– “Mạ đi xe lửa cho rẻ, xe lô mắc lắm.”
Trọng cằn nhằn:
– “Xe lửa bảy giờ tối mới có. Mạ về sớm để cậu ở nhà một mình.”
Nhắc tới ông cụ ở nhà một mình, bà mới chịu cho chúng tôi đưa cụ ra bến xe hơi.
Suốt hơn hai tuần lễ không thấy Lê Trọng đến chơi. Tôi có thoáng gặp hắn ta ở trường nhưng có lẽ anh ta đi học bữa có bữa không. Nóng ruột, tôi đi tìm hắn ta.
Tới nhà Trọng làm “précepteur” hỏi, Ngô, học trò của Trọng, trả lời:
– “Anh Trọng dọn đi hơn mười ngày ni rồi, không biết đi mộ”
Một hôm, tôi cố gặp hắn ta ở trường. Trọng nói:
– “Mi qua Xã Tắc gặp tau, nhà ông Hữu làm ruộng bên cạnh nền. Nhớ không cho ai biết tau ở đó.”
– “Chi mà bí mật rứa?” Tôi hỏi. Trọng không trả lời vội vàng leo lên xe đạp ra cổng.
Tôi đạp xe lên Xã Tắc tìm Trọng. Xã Tắc tuy nằm trong nội thành Huế nhưng khung cảnh không khác gì ở nhà quệ Giữa xóm có một cái nền hình chữ nhật cao khoảng gần đầu gối, rộng mỗi cạnh khoảng mấy chục thước, chung quanh xây gạch để giữ đất. Đó là nền Xã Tắc, giữa là ruộng Tịch Điền. (°) Nhà Lê Trọng ở lại sát bên cạnh nền. Tuy là nhà tranh, nhưng sạch sẽ và tươm tất. Trước nhà là mái hiên có vách che, có cửa sổ rộng. Khi tôi đến thì Lê Trọng đang ngồi học trước sân. Thấy tôi, Lê Trọng dẫn tôi ra phía đầu nền Xã Tắc, chỗ đó vắng vẻ, nói với vẻ mặt quan trọng:
– “Thằng Hoàng Thanh đi tìm tau, đòi bắn vì tau làm nhục em nó.”
Hoàng Thanh, anh ruột cô Nhạn, là bạn học bọn chúng tôi năm học lớp Đệ Tứ. Sau khi đậu Trung Học, vì đã lớn tuổi, anh ta xin vào làm Công An. Nghe Lê Trọng nói như vậy, tôi cũng hơi lo:
– “Nó cho mày làm như rứa là nhục em nó cũng đúng. Nổi sùng lên nó dám nổ súng bất tử lắm.”
Lê Trọng nói, giọng buồn bả:
– “Tau có dám đi phố mô, cũng không dám đi qua cầu Trường Tiền, lỡ gặp nó giữa cầu là hết đường chạy. Từ đây qua trường, tau đi ngã cầu Bạch Hổ.” (°)
– “Chỗ ni mi cũng làm “précepteur” ? Tôi hỏi.
– “Không, ăn cơm tháng nhưng hơi rẻ. Tháng nầy chưa có tiền trả tiền cơm. Chắc tau bỏ học.”
– “Học bổng mày tiêu hết rồi?” Tôi lại hỏi.
– “Tiêu hết. Chừ thì “bô xu”. Lê Trọng nói, giọng buồn.
Tôi làm thinh; chẳng có cách gì giúp Lê Trọng được. Từ đó đến khi chia tay, hai chúng tôi không nói gì với nhau nữa cả, lòng thì trĩu nặng một nỗi buồn. Tôi nghĩ đến bạn và thấy thương. Mới qua khỏi mấy năm học trung học vất vả, nghèo khó, nguồn vui tới chưa lâu thì bạn tôi gặp một tai nạn khác.
Thế rồi Lê Trọng bỏ học thật. Chưa hết niên khóa, anh xin về dạy học tại ngôi trường cũ mà anh đã từng học ở đó, trường Nguyễn Hoàng, rồi bị động viên trước Tết Mậu Thân năm 1968. Kể từ thời gian ấy, thỉnh thoảng chúng tôi có gặp nhau, chuyện trò, rủ nhau đi uống cà-phê, gác chân lên nhau ngủ chung một giường nhưng nguồn vui vô tư của thời thanh xuân, thuở làm học trò thì không còn nữa. Tôi cũng nhập ngũ sau Tết Mậu Thân, cuộc đời binh lính nổi trôi vô định đưa tôi đi biền biệt vào Nam, hết Cà Mau tới Rạch Giá, Hà Tiên. Quê hương, làng nước, bà con, bạn bè xa dần. Khoảng dài không gian trong đời thực đã trở thành vô tận trong tâm hồn bé nhỏ của tôi, chỉ còn lại những dấu ấn sâu sắc và buồn bã, càng lúc càng nhạt nhòa phai lạt đi trong tận đáy lòng của một người lang bạt tận cuối thiên nhai. …
Khi anh ta đạp chiếc xe xích lô trống ngang trước cửa chợ Đông Ba thì có một người đàn bà đã lớn tuổi gọi:
– “Ê! Xích lô! Vô cửa Thượng Tứ mấy?”
Anh ta hỏi:
– “Trong hay ngoài cửa?”
– “Trong.” Người đàn bà trả lời
– “Xa không?” Anh ta lại hỏi.
– “Một khúc thôi.” Người đàn bà nói.
– “Bà cho ba trăm.”
– “Chi mà “mắc” rứa?” Tuy nói thế, nhưng người đàn bà cũng leng teng xách gói, giỏ lỉnh kỉnh bỏ lên xe xích lô. Trong khi hai bên đối dáp, bà ấy cũng không nhìn người đạp xích lô mà lo soạn lấy mấy gói hàng đem từ trong chợ ra.
Sau khi lên xe rồi, anh ta đạp xe chạy tới, người đàn bà lại nói:
– “Tui biểu ông tui ra đón, nhưng nhiều hàng quá nên tui lại thôi. Xe “vét-pa” chở đâu có hết được. Đi xích lô cho tiện.”
Ban đầu, anh ta thấy người đàn bà nầy có vẻ hơi quen, nhưng khi nghe nói ông chồng đi xe Vespa mà lại ở trong cửa Thượng Tứ thì anh bỗng hơi ngờ ngợ, nghĩ thầm trong bụng: “Thôi chết rồi! Không chừng “người xưa” thì ê càng lắm.”
Bỗng người đàn bà lại hỏi:
– “Ông có liên can chi tới chế độ cũ không? Mấy ông sĩ quan đi cải tạo về, hồi ni đạp xích lô nhiều lắm.”
Anh ta hơi ngại, sợ người đàn bà có thể nhìn ra mình, bèn nói lảng:
– “Tui có quan hệ chi mô! Hồi trước đạp xích lô. Bây giờ chừ cũng rứa.”
Sau vụ từ hôn – cũng đã hơn mười lăm năm rồi – lòng anh ta đôi khi hối hận. Một cô gái từ chỗ giới bình dân, anh đã nâng cô ta lên để chuẩn bị làm vợ một giáo sư trung học tương lai, rồi lại thả cô gái ấy đánh ùm xuống một hồ nước lạnh ngắt. Cô ta không tự tử cũng là điều may cho anh, tránh được cái tiếng thất đức. Ít lâu sau chàng nghe tin cô ta lấy chồng, một người tài xế xe buýt học hành không tới đâu, nhưng lại là con trai một ông nghiệp chủ xe đò giàu có. Chiều chiều người tài xế ấy lái xe Vespa chở vợ đi chơi.
Chàng tự an ủi như thế cô ta cũng sướng một đời. Làm vợ một ông giáo sư, hay cao hơn chút nữa, một ông bác sĩ, kỹ sư là điều mơ ước của nhiều người con gái Huế. Dù có được như thế, trong cái đổi thay của xã hội bây giờ, chắc gì mấy ai một đời giàu có sung sướng như người đàn bà nầy.
Nhưng dù sao, việc không thành do anh ta làm nên ngày xưa cũng là nỗi đau cho cô ta, từng làm cho anh hối hận. Phải chi anh ta đừng tới, để cô ta yên phận một cô gái bán bánh kẹo ở chợ Đông Ba, rồi thành hôn với một người giàu nghèo như thế nào đó, thuộc giới lao động chân tay như cô, thì mọi sự coi như êm xuôi, không có gì. Đằng nầy, anh ta đã tới rồi đành đoạn bỏ đi! Anh thấy mình thật “đoảng”, một con người “đoản hậu”. Dù vì bạn bè chế riễu mà hồi hôn, nhưng bao giờ anh ta cũng thấy lỗi tự nơi mình. Tự trách cho mình.
Rồi chàng ta đi lính gần mười năm, được biệt phái về đi dạy lại. Tù cải tạo 5 năm rưỡi. Thân phận những anh chồng đi tù cải tạo về hơi na ná giống nhau. Người đàn ông khi đã sa cơ thất thế thì đều vậy thôi! Một là ở nhà lặt rau, quét nhà nấu cơm để vợ xông pha ra chợ búa kiếm tiền nuôi cả nhà, hay như chàng, đi làm “dân biểu”. Dân biểu đạp xe đi đâu thì đạp xe đi đó. Đó là nghề duy nhất mà chế độ mới còn làm ngơ với họ.
Vốn dĩ vợ chàng là học trò, nhà chỉ khá giả nhưng bố lại là công chức, con gái lớn lên đi học và quanh quẩn trong nhà, không biết một chút gì về việc buôn bán. Có chồng thì cũng chỉ ở nhà lo việc “tề gia nội trợ”.
Đùng một cái, chồng đi cải tạo “mút mùa Lệ Thủy”. Các cô học trò cũ ấy không nghề không nghiệp, không biết buôn biết bán nên chỉ được có “năm mươi phần trăm thiên hạ”.. Nghĩ tới đó, anh ta cảm thấy buồn cười vì lời nói đùa của bạn anh:
– “Vợ tao chỉ được có năm mươi phần trăm thiên hạ”.
Nghĩa là người ta mười phần thì vợ tao được có năm phần. Này nghe! Người ta “buôn bán làm ăn” thì vợ tao là học trò xuất thân nên chỉ biết “bán” mà không “buôn”, biết “ăn” mà không biết “làm”. Thành ra được năm mươi phần trăm chớ chi nữa!”
Nói câu nói đùa nên anh bạn cười mà lại chảy nước mắt! Nghĩ tới vợ mình cũng năm mươi phần trăm, anh ta thấy thương vợ. Vậy mà hơn năm năm trời, vợ anh ta lấy chi nuôi con? Vốn dĩ anh không giàu. Làm cái nghề mở mang trí óc cho trẻ con, không phải là nghề buôn chữ bán nghĩa, làm sao mà giàu. Có ai làm nghề đi dạy mà giàu? Anh ta nghĩ thế. Mọi người ai cũng nghĩ thế! Đi lính thời buổi vật giá leo thang, dù là lương sĩ quan, lương sai biệt thì cũng “Tiền lính tính liền”, làm chi có dư! Vợ con khổ là điều chắc. Thằng con trai đầu lòng nay 15 tuổi ra ngồi vá xe đạp ngoài cửa Ngăn kiếm ăn qua ngày. Mấy đứa kia đều nhỏ, ở nhà coi sóc nhau để vợ chàng đi buôn “tổng quát”. “Tổng quát” là gặp gì buôn nấy, từ bó rau muống cho tới con cá lóc, cá trê, cái áo cái quần đã cũ, miễn kiếm được vài chục đồng mua gạo cho con ăn.
Vì vậy mà suốt mấy năm trời ở trong trại cải tạo, anh ta biết hoàn cảnh vợ chàng “học trò xuất thân lấy chồng” nên không mấy khi trông vợ lên thăm. Chàng nhìn xuống người đàn bà ngồi phía trước xe và bâng khuâng tự hỏi. Nếu như chàng lấy người đàn bà nầy làm vợ như ngày xưa đã làm lễ hỏi thì trong mấy năm tù cải tạo hay ngay bây giờ, đời chàng ra sao nhỉ?
Chàng có học, vợ chàng cũng có học, nhưng mỗi khi xã hội thay bậc đổi ngôi thì ông hóa thành thằng, thằng hóa thành ông, giống như lúc xã hội đổi thay đời Tây tới cai trị nước An-Nam vậy. Thành ra câu than của Trần Tế Xương gần một thế kỷ trước lại đúng với đời bây giờ: “Sách vở ích gì cho buổi ấy”; cái học, cái kiến thức, trí thức của chế độ cũ mà chàng đã dày công dùi mài, so với đời bây giờ còn rẻ hơn cái bọc nylong đem bán ve chai.
Xe lên cái dốc cầu trước cửa Thượng Tứ nên trở nên nặng, chàng phải rán sức đạp cho qua. Rán lên một chút, một chút nữa thôi, qua khỏi cái đỉnh dốc giữa cầu là xe lại xuống dốc, lại khỏe. Chàng vừa rán sức đạp xe lên dốc vừa nhủ thầm: “Rán lên một chút, một chút nữa thôi.” Nhưng chàng lại sực nhớ sáng nay chưa ăn gì. Sáng nay, chàng tính ăn chén cơm nguội lót lòng nhưng nghĩ đến vợ và con mình chưa ăn gì mà cũng sắp đi kiếm ăn nên chàng lại thôi, nhường lại cho họ. Biết tính chàng như thế, vợ chàng cằn nhằn, biểu chàng ăn. Vốn dĩ chàng có tính bướng, ưa làm trái với những việc gì mà vợ chàng thường ép chàng phải làm. Thấy nét mặt vợ không vui, chàng lại không ăn, uống ngụm nước trà. Vợ chàng nói:
– “Đã không ăn, lại uống nước trà cho xót ruột. Nói mãi không nghe!”
Chàng không trả lời vì thấy vợ nói đúng, nhưng vẫn cứ không ăn, đẩy xe xích lô ra cổng và đạp đi.
Hiện giờ chàng thấy rõ cơn đói đang tới, dù chàng thấy khỏe hơn khi đã qua được đỉnh dốc cao. Rồi cứ cái đà xe xuống dốc như thế, chàng đạp phụ thêm, chẳng mấy chốc, người đàn bà biểu chàng dừng xe lại. Bà ta vội vàng lỉnh kỉnh ôm gói, giỏ đựng đồ ăn vào nhà. Chàng nghĩ có lẽ bây giờ bà ta cũng khá giả lắm nên mới mua sắm nhiều như vậy. Phần đông người ta ngày nay đi chợ mua đồ ăn chỉ là một cái xách nhỏ nhẹ tênh mà thôi.
Khi người đàn bà xuống xe và lấy hết đồ đạc trên xe đi vào nhà, chàng vội vàng quay xe vòng lại con đường cũ, nghĩ tới cuộc hội ngộ bất ngờ và đầy trớ trêu trong đời người, rồi vui mừng nghĩ thầm: “May quá! Bà ta không nhận ra mình.”

(Sự kiện có thật, chi tiết do tác giả hư cấu. Viết để nhớ để thương một người bạn cũ rất thân)
(°) Giờ ra chơi là giờ nghỉ giải lao giữa buổi học
(°) Chức tương đương với Thư Ký Trưởng của một huyện, phủ chỉ dưới quyền Tri Huyện, Tri phủ mà thôi
(°) Đại văn hào
(°) Xã Tắc: Thuở xưa dựng nước tất quí trọng nhân dân. Dân cần có đất ở nên lập nền Xã để tế thần Hậu Thổ; dân cần có lúa ăn nên lập nền Tắc để tế Thần Nông. Mất nước là mất Xã Tắc nên Xã Tắc cũng có nghĩa là Quốc Giạ Xã Tắc đàn (hay nền) là chỗ vua tế Thổ Thần và Cốc Thần. Hai vị thần giữ gìn cho nước nhà được yên ổn. (Theo Hán Việt Tự Điển của Đào Duy Anh)
Sau khi đánh thắng quân Thoát Hoan (Mông Cổ) lần thứ hai, giành lại được giang sơn như cũ, Thái Thượng Hoàng Trần Thánh Tông có làm hai câu thơ để kỷ niệm:
Xã Tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu
Trần Trọng Kim dịch nôm:
Xã Tắc hai phen bon ngựa đá
Non sông thiên cổ vững âu vàng.
Theo truyền thuyết thì sau khi giành lại Thăng Long, vua về lại cố đô thì thấy chân những con ngựa đá trong sân chầu đều dính bùn. Người ta đồn rằng tổ tiên đã cưỡi những con ngựa đá ấy đi đánh giặc Nguyên giúp cho vua và dân nước Nam.
Giữa nền Xã Tắc là ruộng Tịch Điền. Mỗi năm sau khi Khâm Thiên Giám xem thời tiết và định ngày thì Bộ Lễ làm lễ tế Thổ Thần và Cốc Thần. Nhà vua đích thân ra tế và cày một đường ruộng Tịch Điền để tượng trưng, mở đầu cho việc cày cấy mùa màng sắp tới. Sở dĩ có nền Xã Tắc và tế lễ Thổ Thần và Thần nông, v.v… vì nước ta là nước nông nghiệp.
(°) Thực ra là cầu xe lửa. Cầu Bạch Hổ là chiếc cầu sắt nhỏ, gần đầu cầu xe lửa, trên đường từ Huế đi Kim Long. Người Huế thường gọi lầm cầu xe lửa ngang sông Hương là cầu Bạch Hổ.




VVM.28.11.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com