Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


ÔNG THƯỜNG




N hìn đồng hồ đã hơn hai giờ sáng, mà không tài nào chợp mắt được. Ông Thường xỏ chân vào dép và bước thật nhẹ nhàng để không làm tỉnh giấc của bà Nga, ông đi đi lại lại ngoài phòng khách, hút hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác. Bỗng từ đằng sau tiếng bà Nga nói vừa đủ nghe: Hôm nay ông làm sao thế! có việc gì mà khiến ông không ngủ được vậy, ông Thường rít một hơi thuốc dài phả khói lên trần nhà rồi thủng thẳng: -Không có chuyện gì đâu! bà cứ vào ngủ đi, chắc hôm nay thời tiết thay đổi nên khó ngủ, tôi ra ngoài này cho thoải mái một lát. Bà Nga đi vào, nhưng còn nói với:

Còn chuyện gì ông để đến mai, bây giờ vào đi ngủ để gìn giữ sức khỏe nữa chứ!. Tuy nhiên bà hiểu tính ông, nên cứ để mặc kệ ông, bà Nga lên giường nằm nhưng cũng không sao chợp mắt được. Chuyện tay bí thư thôn Thượng hôm nọ lại hiện lên trong ký ức của bà.

Nguyễn Kỳ là cháu ruột ông phó chủ tịch huyện, đã có một thời anh ta trong quân ngũ, sau khi trở về địa phương được ông cậu làm cán bộ huyện, vì vậy từ buổi ban đầu được các vị cán bộ ở xã quan tâm cho đi học lớp chính trị do huyện mở. sau khoá học trở về được xếp ngay vào vị trí ban quản trị hợp tác xã dịch vụ, thời gian qua đi, ông cậu trên huyện được thăng quan tiến chức và lẽ đương nhiên Nguyễn kỳ ở xã cũng được thơm lây. Từ vị trí phó ban quản trị hợp tác xã, Kỳ được bầu vào thường trực Đảng uỷ qua kỳ đại hội Đảng bộ xã. Vì năng lực, trình độ non kém nên mọi công việc đều do bí thư gánh vác, sau một năm công tác và qua nhiều thử thách cuối cùng lãnh đạo đành phải bố trí xuống cơ sở đảm nhiệm vị trí bí thư chi bộ. Nhưng rồi ở vị trí ấy cũng chẳng được bao nhiêu, hết chuyện này đến chuyện khác xảy ra, nào là việc triển khai nghị quyết của Đảng bộ không đến nơi, đến chốn gây thất thoát lớn về kinh tế của nhân dân và ảnh hưởng đến uy tín, làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng, cũng như chính sách của nhà nước. Một điều nguy hại hơn là trong cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ, đã để xảy ra mất đoàn kết nội bộ, kéo bè, kéo cánh gây dư luận không tốt trong nhân dân. Trong công tác chỉ đạo sản xuất thì không bám sát đồng ruộng, để có phương án kịp thời đối phó với dịch bệnh gây tổn thất lớn cho nông nghiệp. Những chuyện ấy đã đến tai các đồng chí lãnh đạo huyện, vì vậy bản thân ông Thường bị cấp trên khiển trách, súyt nữa phải chịu kỷ luật. Làm lãnh đạo thật là khó chứ đâu phải lúc nào cũng ngồi mát, ăn bát vàng như người ta tưởng. Bà Nga chép miệng thở dài! thói đời là như vậy mà, trâu buộc ghét trâu ăn, mặc cho đời xoay vần. Suốt cả cuộc đời bà đã cực nhọc vất vả, khi thì chạy chợ kiếm từng đồng, lúc thì lăn lưng ra đồng để rồi có ngày hôm nay. Bà để ngoài tai mọi lời đàm tiếu và luôn nhắc nhở ông phải cẩn thận trong công việc, thậm chí có những lần chính bà đã bày cho ông đường đi, nước bước. Nói cho cùng cái ghế chủ tịch mà ông đang ngồi là do bà định đoạt, chứ như ông thì…

Tiếng chuông đồng hồ đánh bính boong sáu tiếng, ông Thường giật mình tung chăn ngồi dậy, vươn vai mấy cái rồi đi xuống nhà ngang. Đánh răng rửa mặt xong, thức ăn bà Nga đã chuẩn bị sẵn trên bàn, ông vừa ăn vừa nghĩ một số công việc sẽ triển khai trong hội nghị sáng nay. Nhưng gay cấn vẫn là vấn đề nhân sự, biết chọn ai thay thế vị trí phó chủ tịch mà cậu Thu đang đảm nhiệm, vì sắp tới cậu Thu được rút lên huyện. Cậu ấy đi thật là tiếc, vừa có năng lực lại hiền lành, khiêm tốn, công việc mà giao cho cậu ấy thì ông yên tâm. Làm việc đã mấy khoá ai thế nào mà ông không biết, nhưng có điều việc đi hay ở là do cấp trên quyết định biết làm thế nào được. Có tiếng gọi bà Nga ở ngoài cổng, cắt đứt dòng suy nghĩ của ông. Nhấp ngụm nước rồi ông đi lên nhà đẩy chiếc xe ra sân, theo thói quen, ông khởi động bằng chân rồi mới cho nổ máy, tiếng máy nổ đều và êm,ông kiểm tra lại xăng rồi nhấn ga đi ra khỏi sân, như sực nhớ điều gì ông cho xe dừng lại nói với vào nhà: Bà Nga ơi ! trưa nay tôi không về, bà nhớ đừng để cơm nhé!

- Tiếng xe máy xa dần, bà Nga vào nhà ngồi xuống bàn với tay nhấc điện thoại: Alô! có phải nhà chú Thắng đấy không ạ? đầu dây bên kia có tiếng trả lời:

- Vâng! em là Thắng đây, có việc gì đấy chị?

- Chẳng có việc gì đâu! là tôi hỏi chú, hôm nay có cuộc họp triển khai …phải không chú?

- Hôm nay có mấy anh ở trên huyện về triển khai nghị quyết ấy mà!

- Bà Nga thở phào! vậy là may rồi, mình cứ tưởng ông ấy lại …!

Cũng tại cái tính ông ấy, kể từ khi về làm bạn với nhau và đã từng có bằng ấy mặt con có bao giờ bà nghi hoặc đâu, thế mà gần một năm trở lại đây cái nề nếp sinh hoạt của gia đình có phần nào bị xáo trộn. Ông ấy thường đi sớm, về muộn nhiều hôm cả đêm không về nhà, mọi công việc gia đình từ công to, việc lớn đều một mình bà thu xếp, lo liệu, ông ấy chẳng hề quan tâm, cũng không hỏi han lấy một lời. Đôi khi một mình ở nhà thức khuya, dậy sớm bà thấy tủi thân, nhưng rồi bà cũng tự động viên mình và lấy công việc làm vui. Bà Nga ơi! có tiếng gọi từ ngoài cổng, bà Nga đi ra cửa, có tôi đây ai gọi đấy! vừa nói xong thì chị Loan vồn vã đi vào sân. Tưởng ai mời chị vào xơi nước! bà Nga đon đả kéo chiếc ghế và rót nước mời khách. Câu chuyện giữa hai người rôm rả hẳn lên, nào là chuyện tay Kỳ ở xóm Thượng bị kỷ luật, nào là mấy vụ đánh lộn ở xóm Đông, thôi thì đủ cả từ chuyện trong nhà, đến chuyện ngoài ngõ đều tuôn ra tất. Lựa thời cơ bà Nga đang hứng khởi, chị Loan vào đề ngay: chả mấy khi mới có dịp ngồi trò chuyện với chị em định nhờ chị chuyện này, em biết chỉ có chị mới giúp được!

- Thôi có gì thì cứ nói chị nghe đi, nếu giúp được thì chị sẽ giúp ngay!

- Nghe nói ở bãi giữa sắp tới xã sẽ bán đất ở, chị nói với anh giúp em một xuất! em không dám quên ơn chị đâu. Tuy nhiên cô ta đã dúi vào tay bà Nga một cái phong bì !

- Em cứ vẽ, nhỡ người ta nhìn thấy thì…chị yên tâm đi chỉ có em và chị thôi mà!

Bà Nga đang chuẩn bị đi chợ, thì cô bé nhà dì Lài đi vào gọi to, Bà Nga ơi ! có gì đấy cháu, bà ở đây!

- Mẹ cháu bảo có vài chục con cua đem sang để bà nấu canh!

- Sao không để mà nấu, bà cũng chuẩn bị đi chợ đây!

- Nhà cháu còn mà, mẹ cháu bảo đem để bà nấu canh cho ông, ông thích ăn mà!

- Bà cảm ơn cháu ! cháu bà ngoan lắm.

Làm cua xong, bà Nga ra vườn hái một nắm rau mồng tơi và rau đay. Chỉ một loáng mùi canh cua đã bốc lên thơm lừng, mọi việc xong xuôi chỉ chờ ông Thường về là ăn cơm. Tiếng chuông đồng hồ điểm sáu tiếng, bà Nga đặt các thức lên bàn, đậy lại rồi lên ngồi xem phim, thỉnh thoảng có tiếng xe máy bà lại ngó ra xem có phải ông Thường không. Chương trình phim buổi chiều đã hết mà vẫn không thấy ông Thường về. Cơm, nước , thức ăn đã nguội, bà Nga sốt ruột cứ đi ra, đi vào. Lạ thật giờ này không về mà còn đi đâu! bây giờ ai làm việc nữa, mọi câu hỏi cứ xáo trộn trong đầu bà. Bà Nga vào bấm điện thoại gọi cho ông, nhưng lại cái giọng cô nhân viên bưu điện : “ số máy này hiện không liên lạc được, xin quí khách vui lòng gọi lại sau”. Bà Nga bật ti vi xem chương trình thời sự, thế nhưng gọi là xem chứ đầu óc bà cứ để đâu, lòng dạ bồn chồn. Ngồi dựa vào đi văng bà thiếp đi lúc nào không biết, mặc cho ti vi cứ nói. Ông Thường về tới nhà đồng hồ đã điểm chín tiếng, trong nhà tiếng ti vi vẫn nói đều mà không nghe tiếng bà Nga, cứ như mọi hôm về đến nhà là bà đã ra đon đả, vậy mà hôm nay sao im lìm thế. Dắt xe vào nhà ngang, ông

Thường lên nhà trên, đi lại gần khẽ lay gọi, mình ơi! sao lại ngồi ở đây mà ngủ thế này ! Bà Nga giật mình choàng dậy, ông đấy à! hôm nay đi đâu mà về muộn thế? tôi chờ ông về mãi chẳng thấy, rồi thiếp đi lúc nào không biết, thôi để tôi hâm lại thức ăn kẻo nguội hết rồi. Ông đi rửa chân tay rồi vào ăn cơm. Cơm nước xong ông Thường vào bàn uống nước, bà Nga cũng đã sửa soạn xong mọi việc, nhân lúc này bà Nga đem chuyện của chị Loan ban sáng nói với ông Thường. Nghe hết đầu đuôi câu chuyện, ông mới thủng thẳng, bà thì cứ ôm rơm cho nặng bụng, chuyện đất đai người ta đang kiện tụng ầm lên, không khéo ra toà cả lũ nay mai. Mà từ nay Bà đừng có can thiệp vào chuyện của …không để ông Thường nói hết câu, bà Nga liền to tiếng, ông bảo tôi can thiệp cái gì? ông nên nhớ rằng cái ghế chủ tịch mà ông đang ngồi là tôi phải lo mất ăn, mất ngủ hàng tháng trước khi bầu cử. Nếu ông giỏi thì từ nay tôi không dám làm phiền ông nữa! để bớt sự căng thẳng, ông Thường nhỏ nhẹ, thôi tôi xin bà có gì để sáng mai, giờ tôi đi nghỉ đây.

Đêm đã khuya mà ông Thường không sao chợp mắt được, hết chuyện này đến chuyện khác cứ ào tới dằn vặt ông. Lạ thật chuyện đất cát mới đưa ra bàn trong thường vụ, vậy mà bên ngoài họ đã biết hết, ai để lộ thông tin đây? suy đi ngẫm lại không thể tin ai được, nếu không cẩn thận thì sẽ bị vạ lây. Hơn nữa trong lúc đang triển khai cuộc vận động học tập tấm gương đạo đức của Bác, mà câu nệ là bị kỷ luật như chơi. Suốt cả một đời phấn đấu, vào sinh ra tử, trong chiến tranh bom đạn cái chết cận kề ông không sợ , mà bây giờ trong yên bình chỉ sơ xuất là đi toi. Ngày ở chiến trường đồng đội, đồng chí thương yêu nhau, đùm bọc nhau, chung nhau từng mẩu thuốc, từng miếng lương khô, từng giọt nước, đúng là sống chết có nhau. Vậy mà ngày nay trong hoà bình, cùng nhau xây dựng đất nước, mà con người lại mưu mô, thủ đoạn, tranh giành địa vị, kèn cựa như vậy ư? Thôi thì mình cũng phải cố gắng làm cho tròn nhiệm vụ của người Đảng viên, mình không thể cứ để nước chảy bèo trôi mãi được, chỉ còn mấy tháng nữa là hết nhiệm kỳ, có lẽ lần này phải xin lui để cho lớp trẻ chèo lái. Chỉ có cách ấy là có thể hạ cánh an toàn, ý nghĩ ấy làm cho ông thấy nhẹ nhõm, đầu óc thanh thản và ông thiếp đi lúc nào không biết.

Nước giếng buổi sáng mát lạnh làm ông Thường tỉnh táo, xoá đi mọi ưu tư phiền muộn. Đằng đông trời đã ửng hồng, một ngày mới lại đến./. -




VVM.28.11.2024-VA283.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .