Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         



MỘT THỜI ĐI HỌC



Kính tặng quý thầy cô trường Tiên Long Quận I (Cũ)


N hớ lại mấy mươi năm về trước, thành phố Sài gòn chưa có trường mẫu giáo công lập hoặc tư thục như hiện giờ nên lứa tuổi lên 4, lên 5 của chúng tôi đa số chỉ được cha mẹ kèm cặp dạy vần, tập viết a, b, c tại nhà để năm sau đi học lớp Năm (lớp 1) ở trường Tiểu học trong Quận hoặc xa hơn. Hồi ấy chỉ có các vườn trẻ (Jardins d’enfant) dành cho các con em học chương trình Pháp mà thôi.

Tôi được bà nội dẫn đến một lớp mẫu giáo tư trong xóm do một bà giáo đã có tuổi mở ra dạy các trẻ nhỏ. Nơi đây tôi được những chữ cái đầu trên, đánh vần, ráp chữ và tập đồ bằng những nét nguệch ngoạch, chã ngay hàng thẳng lối chút nào. Bà giáo bới đầu củ tỏi, mặc áo túi trắng, cầm cây roi mây dài, nhưng chỉ để gỏ nhịp trên băng ghế để chúng tôi đánh vần, đọc lớn tiếng theo giọng của bà. Chúng tôi ngồi trên những chiếc ghế nhỏ, thấp, kê cuốn vần, tập trên những băng gỗ dài để đọc, viết. Chỉ khoảng mấy tháng sau, tôi đã đọc chữ thông thạo, vần xuôi, vần ngược đều xuôi rót.

Thế là tôi chuẩn bị đi học lớp Năm (lớp đầu của tiểu học) ở “trường nhà thờ”, cách nhà hơn cây số, không xa lắm nhưng phải đi qua một con rạch nhỏ tên là Rạch Bần thông ra Kênh Tàu Hủ lúc bây giờ. Tôi nhớ con rạch nhỏ chút xíu mà phải đi đò băng ngang, mỗi chuyến 5 cắc (tiền hồi 1952-1953) sau lên 1 đồng bạc. Vì lúc ấy, tôi nhỏ con, ốm yếu nên cô Hương tôi đưa đi rước về để xách cặp, mực viết cho tôi thong thả lên đò một mình.

Ngôi trường xây trong Khuôn viên nhà thờ Cầu Kho đường Phát Diệm bấy giờ tên Lê Văn Gẩm dạy từ lớp Năm đến lớp Nhất, tôi nhớ vậy. Nhưng tôi không học hết lớp với các dì phước dòng Mến Thánh Giá ấy mà lại chuyển sang trường khác vì bị đòn oan. Khi tôi lên lớp Tư (lớp 2) thì có một cô giáo bên ngoài phụ trách. Một hôm trong giờ cả lớp đọc bài Sử Ký, tôi bỗng hứng chí sao không biết, quay sang cười toe toét với cô bạn ngồi bên thì cô giáo bắt gặp liền gọi lên bàn giáo viên, không hề hỏi lý do vì sao, cô giáng ngay cho tôi một bạt tay nẩy lửa với năm móng tay nhọn cào trên gương mặt, tôi vừa đau vừa sợ lẫn hoang mang quay về chỡ ngồi khóc tức tưởi. Hôm sau nhất định xin má tôi nghỉ học luôn dù má tôi năn nĩ nên đi học lại. Sau cùng ông bà nội đồng ý cho tôi nghỉ học “Trường dì phước” nhưng yêu cầu tôi vẫn phải học giáo lý ở nhà thờ.

Nghỉ học độ một tuần, má tôi dắt tôi đến xin nhập học tại trường tư thục Tiên Long đường Cô Bắc Quận 1. Theo lời giới thiệu của người bạn của anh bà con ở kế bên nhà. Tôi học lại lớp Tư với một cô giáo rất hiền và tận tâm. Cô giáo Tư thường mặc áo dài trắng đi dạy học, tính tình hóa nhả, giản dị. Cô hơi trọng tuổi nên thường gọi các học trò lên nhổ tóc sâu, tôi không dám nhưng nhỏ bạn Ngọc Nhung hay xung phong liền. Cuối năm, cô Tư lại dẫn hết đám học trò lích nhích vào Sở Thú (Thảo Cầm Viên) chụp hình kỷ niệm. Tiếc là qua bao nhiêu năm tháng tôi đã làm thất lạc hết những bức ảnh thuở nhỏ ở trường Tiên Long nầy. Giờ đây ngôi trường địa chỉ đỏ ấy không còn nữa, đã trở thành dãy phố sang trọng cuối đường Cô Bắc từ khi thầy Hiệu Trưởng qua đời.

Rồi tôi lên lớp Ba, học với cô giáo hiền lành ít nói, rất nghiêm nhưng không bao giờ đánh đòn học trò, chỉ phạt quỳ gối nếu không làm bài tập về nhà, không chép bài đầy đủ vào tập Luân Chuyển. Khi xét tay dơ, không cắt móng sạch sẽ nhất là bọn con trai hay bắn bi, đánh đáo chỉ khẻ tay thôi. Đó là hình phạt thông thường dành cho lũ học trò nam nữ nghịch ngợm như quỷ sứ tụi tôi. Thuở đó, chúng tôi củng không hề giận cô thầy vì đã phạt mình, có lỗi mới bị phạt mà thôi thầy cô có la rầy cũng phải chịu, nếu về nhà mét ba má thì có khi còn bị phụ huynh cho thêm một trận đòn nên thân vì tôi không nghe lời thầy cô, giữ kỷ luật nhà trường.

Cô Nguyệt Ánh lớp Ba thì hay mặc áo dài, tay cúp phồng, hơi yểu điệu nhưng điềm đạm phần nhiều chỉ rầy la chứ ít đánh đòn, dù hình như cô thầy nào củng thủ sẵn cây roi dài ở bên mình hết. Năm đó bắt đầu có Tập làm Văn tức là cô ra một đề học sinh phải tập viết một bài văn có nhập đề, thân bài, kết luận. Trước đó, ở lớp Tư chỉ đặt câu theo các từ ngữ cô cho thôi nên tôi rất lúng túng chưa biết cách làm một bài dài như thế, đành về nhà hỏi má, má tôi phải đọc từng câu cho tôi chép. Hôm sau đem nộp cô, cô tôi đọc qua thì biết ngay không phải do tôi làm bài. Khi trả tập, thầy phê câu: “Em phải tự làm bài”, tôi thú thật với cô má tôi là tác giả nên như để khuyến khích, cô Ánh cho 5 điểm thay vì 3 điểm về cái tội không tự mình làm bài văn trên.

Kể từ ngày ấy, tôi cố gắng đọc thêm truyện tranh cổ tích, truyện ngắn nhi đồng, thỉnh thoảng lén đọc những trang tiểu thuyết của Bà Tùng Long, nhà văn Trọng Nguyên, Dương Hà trong tờ báo Sài Gòn. Mới ra hàng ngày, má tôi mua để theo dõi tin tức vì ba tôi cấm con nít đọc tiểu thuyết người lớn, nhưng theo ý nghĩ trẻ con của tôi hồi đó thì ba loại truyện dài, tiểu thuyết ấy đều lành mạnh, giáo dục chứ đâu có gì quá lố, bậy bạ dù có viết về yêu đương, vợ chồng đôi chút, nhưng vì ba tôi rất nghiêm khắc đối với con gái nên đành phải lén đọc trộm. Nhưng có lẽ nhờ vậy mà lần lần tôi khá lên về môn Việt văn, được cô khen tự làm bài được, tôi nhớ cũng đã rèn chữ đẹp để viết tập Luân Chuyển trong lớp vì nhà trường đặt ra là ở tiểu học mỗi học sinh phải lần lượt viết tất cả các bài học, bài làm, trong ngày vào một quyển tập đặc biệt để Ban Giám Hiệu kiểm tra việc học tập của lớp 3 đến lớp Nhất.

Nếu ở lớp Ba tôi được biết nhiều đến văn chương thì khi lên lớp Nhì tôi lại làm quen với âm nhạc qua người thầy mà tôi luôn kính trọng và yêu mến trong hai năm học lớp Nhì và Nhất.

Tuy thầy Nuôi không phải là nhạc sĩ chuyên nghiệp, nhưng thầy yêu nhạc và đã truyền lửa thích âm nhạc cho chúng tôi, những đứa trò nhỏ tếu táo. Thầy đã dành thì giờ để dạy chúng tôi những bài nhạc về quê hương, đồng nội như Nhạt Nắng, Hoa Xuân của Phạm Duy và trong giờ Nhạc, tôi đã làm gan hát bài Nhạt Nắng ấy mà có lẻ thầy yêu thích nhất nên tôi được hưởng trọn 8 điểm ngon ơ làm các bạn trong lớp xầm xì to nhỏ là thầy thiên vị, nhưng tôi mặc kệ, điểm cao là được rồi. Về Việt văn, có lần nhân dịp lễ Giáng Sinh, thầy ra đề “Hãy tả cảnh một đêm lễ Giáng Sinh mà (các) em đã dự”. Trong lớp tôi ngày ấy, có tôi đạo Công Giáo và cô bạn Hoàng Mai theo đạo Tin Lành, và sau khi thầy chấm điểm toàn lớp, khi trả bài thầy đọc lên cả hai bài của Mai và tôi, khen phần kết luận bài của tôi, thầy đọc xong cả lớp lại vỗ tay tán thưởng làm tôi đỏ mặt mắc cỡ nhưng thầm vui mừng. Sau đó, tôi nghe các anh, chị lớp Đệ Tam, Đệ Nhị kể lại thầy tôi đã đem bài luận văn ấy đọc cho các anh chị nghe như bài văn mẫu làm con bé Lý tầm thường tôi bỗng được toàn trường biết tên tuổi kể cả thầy Tổng Giám Thị, thầy Hiệu Trưởng.

Giờ Văn, Nhạc thì thế, nhưng trái lại đến giờ Toán, Hình Học, Động Tử thì tôi trở thành kẻ khốn đốn, tội tình nhất vì tôi dỡ môn ấy và đứng bét lớp. Thầy đã nhiều lần “thân tặng” tôi những ngọn roi đáng đích vì tôi dạy hoài vẫn làm bài trật lất về động tử một chiều, ngược chiều, nào là quảng đường, vận tốc, vòng xe gì gì đó ôi thôi nhức cả đầu, lại thêm vòi nước chảy vào hồ mấy giờ đầy, mấy giờ vơi, trời ơi học hoài không hiểu, thế là “bọn đì”. Tôi hải hùng giờ Toán muốn chết nhưng củng ráng ì ạch leo lên lớp Nhất cho hết cấp 1 (theo ngày nay) để đi thi Tiểu Học nhờ những môn học khác bù qua.

Một thời đi học thật vất vả, cực khổ nhất đối với bản thân tôi, nhưng bù lại với sự tận tâm, nhiệt tình “vì đàn trẻ thân yêu” của các thầy cô ngày đó đã đem lại cho tôi các kiến thức sâu rộng giúp tôi rất nhiều khi bước vào đời không bao giờ phai mờ thật đáng quý trọng.

Kỷ niệm những năm cuối bậc tiểu học để lại trong tôi rất nhiều điều không thể quên, thầy lớp Nhì theo lên lớp Nhất phụ trách Việt Văn, thêm thầy Kiêm Lữ dạy toán, cả hai thầy lẫn trò đều rất cố gắng dạy và học hết sức để chuẩn bị kỳ thi Tiểu Học đầu đời của học trò nhỏ. Thầy Văn đọc Chánh tả cả giọng Bắc và Nam để chúng tôi làm quen khi ra trường thì gặp vị giám khảo “người miệt ngoài”.

Kỷ niệm những năm cuối bậc tiểu học để lại trong tôi rất nhiều điều không thể quên, thầy lớp Nhì theo lên lớp Nhất phụ trách Việt Văn, thêm thầy Kiêm Lữ dạy toán, cả hai thầy lẫn trò đều rất cố gắng dạy và học hết sức để chuẩn bị kỳ thi Tiểu Học đầu đời của học trò nhỏ. Thầy Văn đọc Chánh tả cả giọng Bắc và Nam để chúng tôi làm quen khi ra trường thi gặp vị giám khảo “người miệt ngoài” (chúng tôi thường nói thế), thầy còn đòi hỏi cả lớp phải một trăm phần trăm không lỗi chánh tả mới hài lòng. Thầy hay đọc cho lớp viết đoạn văn “ Về làng Mọi” của nhà văn Lý Văn Sâm (tôi nhớ hình như vậy) trong đó có câu: “Mây trôi trôi vô hạn, nước xuôi xuôi vô định, lòng tôi củng mênh mông như mây và nước lúc bấy giờ” là tôi thích và ghi nhớ nhất. Sáu mươi năm đi qua, không biết câu văn trên tôi viết lại đây có chính xác không, nó đã được in trong quyển “Chánh tả” bán ở Yễm Yễm thư quán của thi sĩ Đông Hồ sáng lập ở góc đường Nguyễn Thái Học nhìn sang đường Trần Hưng Đạo Quận 1 bây giờ. Hồi tưởng lại thời gian sau nầy, khi có dịp đứng trên chuyến phà sang sông về Gò Công thăm mộ một người bạn, nhìn nước chảy mây trôi, tôi lại liên tưởng đến câu văn đầy chất thơ ấy chợt thấy mình cũng đồng tâm trạng với tác giả lúc tãn cư về quê ngoại thời chiến tranh. Từ đấy, tôi cảm thấy yêu văn thơ và có ý nghĩ là trong tương lai sẽ theo học Văn Khoa vì sẽ được đọc sách, thơ văn và điều quan trọng nhất là khoa văn chương sẽ không bao giờ đụng đến toán, mặc dù má tôi có lần nói là “Làm nhà văn, thi sĩ sẽ nghèo và cuộc đời lận đận lắm con à”.

Trường tôi mở lớp Luyện thi Tiểu Học miễn phí cho học trò lớp Nhất vào các buổi tối sau lớp học, chia ra ngày Văn, ngày Toán mà cả thầy trò đều ra sức thi đua rèn luyện để đạt kết quả tốt nhất. Cuối cùng, sau thời gian học tập cật lực, vất vả đối với lứa tuổi 11, 12 của chúng tôi đã thành tựu, đã sinh hoa trái ngọt ngào. Năm đó, Nha Tiểu Học ra quyết định học sinh đúng 11 tuổi theo Khai sinh hoặc trên nữa mới được đi thi. Hú hồn, tôi vừa đúng 11 tuổi tròn. Cả lớp tôi hình như đậu một trăm phần trăm Kỳ thi hết cấp 1 tại Hội Đồng thi là trường Tiểu Học Vĩnh Hội Quận 4. Tôi viết ra đây như một kỷ niệm thời thơ ấu vì ngôi trường nầy cũng không còn nữa vì đã giải tỏa để mở rộng Quận Tư hay sao đó tôi không rõ lắm. Và thế là tên tôi được ghi lên “Bảng Vàng” đặt trước văn phòng Hiệu Trưởng và cũng để cho người dân quanh vùng biết là trường Tư thục có tỷ lệ Học sinh đậu cao, điều đó làm ba má và tôi hãnh diện trong lòng.

Nhưng sau đó, tôi lại không thi vào Đệ Thất. Trường Gia Long, Trưng Vương như các bạn nữ hồi ấy các bạn trai thì nộp đơn thi Pêtrus Ký, Võ Trường Toãn, v.v… mà theo quyết định của ông nội, cắp sách đi học “trường ma sơ” ở Tân Định Quận 3, để được học, trau dồi Pháp và Anh Ngữ. Nhờ vào những giờ Pháp văn tuy ít ỏi ở lớp Nhì trường Việt mà tôi có được kiến thức căn bản để theo học chương trình Pháp trường Thiên Phước. Bản thân ngoài những bài học ở trường bán trú, tôi về phải vùi đầu học thêm từ ngữ, toán, tiếng Pháp, lại một phen cực nhọc, vất vả “chạy ô mồ mắc ô mả” với những “con chữ” lạ hoắc không phải tiếng bản xứ của mình.

Điều mà tôi muốn kể ra là cũng gặp phải “thảm họa Toán”. Chương trình học cũng giống như bên tiếng Việt nhưng các môn đều bằng tiếng Pháp, lý, hóa, sinh vật kể cả Anh Văn cũng giảng bằng tiếng Pháp “phờ răng xe” tất tần tật ráo trọi. Nhưng ơn Chúa mọi ,mọi sự đều qua, lại còn được lãnh prix (phần thưởng) hàng tháng, hàng năm, nhưng… khổ sở nhất cũng là Toán (Mathématique, Algèbre) Hình Học, Đại số với tôi là nỗi sợ triền miên, các môn “quái quỷ” nầy là sự đau khổ to lớn hơn thiên tai, bệnh tật xảy đến cho tôi. Lịch sử lại lập lại, lại tái diễn: giờ Toán là tôi bị “ăn bánh tét nhưn mây” (thành ngữ quen thuộc của thế hệ chúng tôi hồi ấy) các ma sơ cũng đánh đòn dữ lắm, có hôm tôi làm sai bài Đại số trên bảng, sơ giảng đi giảng lại hoài, mà tôi cứ đứng thừ ra không hiểu gì, giận quá ma sơ quất cho tôi mấy cây vào chân đau điếng, mà tôi không dám khóc hay về mét má. Chiều về, lúc đi tắm, má thấy những lằn roi hằn trên chân tôi, má có vẻ xót xa nhưng lặng thinh không nói gì cả. Đến tối, má tôi kêu lại, chỉ nói khẻ: “Con phải ráng học, đừng để bị đòn nữa nghe”. Tôi lặng lẽ gật đầu mà nước mắt tuôn rơi vì tủi thân.

Ở mái trường ấy cũng còn có những ma sơ hiền và thương học trò kém như tôi, các sơ thường chú tâm rèn nữ công nữ hạnh, gia chánh cho các nữ học sinh, cả về luân lý (moral), cách giao thiệp với mọi người ngoài xã hội, cả giáo lý công giáo cho các học trò nữ lương lẫn giáo. Sau này, ở các lớp trên, có những chị lớn rất thành đạt và nổi tiếng ở nhiều lãnh vực, kể cả lứa tuổi của chúng tôi ngày ấy.

Khi hoàn thành xong bậc Trung Học (Certificat) vì hoàn cảnh gia đình, vả lại một phần vì yêu thích tôi vào làm ở một công ty tư nhân với chức vụ thư ký.

Sau khi Miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi đăng ký đi học lại để hoàn tất Tú Tài theo chương trình mới ở lớp Bổ Túc Văn Hóa ban đêm trường Bùi Thị Xuân Quận 1. Ở đây, thầy cô đều rất dễ mến, tận tình giúp đỡ chúng tôi những người lớn tuổi lấy lại cơ bản sau nhiều năm ngưng học tập khi tôi vào lớp 10A, 10B (tương đương 11, 12 của Sài Gòn trước đây).

Các thầy Hoàng dạy Lý, cô Trị dạy Hóa, cô Minh An phụ trách Văn, các cô thầy Toán tôi quên tên đều hết lòng giảng dạy, hy sinh giờ giấc sinh hoạt bản thân và gia đình để đến lớp Bổ Túc ban đêm của các học sinh lớn tuổi vừa học vừa làm như đa số chúng tôi lúc đó.

Vẫn phải trở lại những giờ Toán kinh khủng khiếp, thêm cái môn “Hình Học không gian” phải vận dụng trí tưởng tượng nữa mới “chết cửa tứ” lại phải nhờ các bạn học giỏi hơn giải lại các bài học hóc búa. Và kế tiếp là những Kỳ thi trắc trỡ, gian nan đối với bản thân tôi như “cá phải vượt vũ môn” vậy. Rồi đến cuối, cũng hoàn thành cấp 3 (theo tên gọi lúc ấy). Thế là thở phào nhẹ nhỏm như trút được cái “gánh học tập” nặng nề. Cho đến khi tôi ghi danh học Khoa Ngữ Văn Đại Học tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh và theo học hơn năm năm trời cũng “trần ai khoai củ” lắm vì cũng phải vừa làm việc vừa tranh thủ đến giảng đường sáng thứ năm chiều thứ bảy mong đạt được ý nguyện ngày thơ ấu là đậu bằng “Cử nhân Ngữ Văn”. Đó cũng nhờ vào công lao giảng dạy của quý thầy Hoàng Như Mai, Lê Đình Kỵ, Lê Trí Viễn, Trần Chút …ở Khoa Văn+Ngôn Ngữ, đã hết lòng truyền dạy cho chúng tôi. Ngày nay, có những vị đã đi xa nhưng chúng tôi không bao giờ quên ơn các thầy ấy.

Quá trình học tập từ thơ ấu của thế hệ chúng tôi ở thế kỷ 20 trước đây là như thế. Các thầy cô của chúng tôi như những người đưa đò đã đặt hết tình thương lẫn tâm huyết để luyện rèn, truyền tải kiến thức xây dựng những con người hoàn thiện, những công dân tốt cho đất nước mà không hề vì cá nhân mình và quyền lợi riêng tư . Chúng tôi những đứa trò nhỏ ngày đó luôn vâng lời cha mẹ, thầy cô dạy bảo, nếu có lầm lỗi gì mà bị thầy cô trách phạt thì cũng phải nghe theo, không hề phiền giận, vì người xưa có câu “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” chắc hiện nay đã lỗi thời rồi, song lớp trẻ của chúng tôi ngày ấy đã yêu quý thầy cô và hành xử như thế. Các thầy cô xưa vẫn mãi là tấm gương sáng, sống động mãi trong tâm hồn chúng tôi từ ấy cho đến ngày nay./.




VVM.27.11.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .