Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



TƯỞNG CHỪNG ĐÃ MẤT...



"H ôm nào bố xuống nhà con chơi cho biết nha bố !”. Con bé Vân đáng yêu, một sinh viên ở trọ cứ nhắc mãi câu mời ấy nên ông Tân phải chiều nó thôi . Làm sao không chiều nó được bởi vì nó là một thiếu nữ xinh xắn, trong sáng, lại rất hay hát, mà hát toàn bài “ độc ”. Sáng sớm cho đến chiều tối, trừ những lúc đi học thì thôi, hễ cứ ở nhà : …Vằng vặc ấy cái đêm trăng rằm, nửa đêm là ra về sáng ấy…bóng trăng bằng ư cái ngọn cây cau*... hoặc ngâm nga : Sự tình ai có thấu í chăng…để anh thơ thẩn dưới bóng ông trăng tiêu sầu* …Những câu hát tưởng chừng đã chìm vào thời gian, biến theo sương khói lại được hát lên bỡi một giọng hát trong trẻo tuyệt vời. Bố phải xuống nhà con bố nhé ! Ừ thì xuống !

Mở cửa đón Ông Tân và Vân là một người đàn bà mà ông Tân không thể đoán được tuổi ! Không đoán được tuổi vì đã già, vì ngoài thân hình gầy gò, bà ta có khuôn mặt chảy dài, miệng méo xệch … chỉ riêng đôi mắt sáng lấp lánh . “ Bố…đây là mẹ con!”. “Dạ…chào chị !”. “Vâng, mời bác vào nhà ạ ! Con Vân nó bảo sáng về nên tôi chờ mãi, không biết hai bác cháu đường xa…”. “Con và Bố Tân đi xe buýt nên chậm thế mẹ ạ, không nhanh như mọi hôm đi xe đò đâu ! “. “Con đưa bác ra phòng tắm lau mặt cho mát, rồi đưa bác lên gác nghỉ con nhé ! Mẹ tranh thủ nấu nồi cơm ”…

Qua thủ tục chào hỏi, Bé Vân đưa ông Tân ra sân sau. Một mình tha thẩn, ông mới có dịp quan sát nơi mình vừa đến. Căn nhà xây một trệt một lầu giữa vườn cây ăn trái, nền gạch men sáng bóng, sạch sẽ tinh tươm từ phòng khách đến phòng tắm nhà bếp…là cơ ngơi của người đàn bà góa này, vì Vân từng bảo nó mồ côi cha từ nhỏ. Nhưng nhìn dáng đi, rồi nghe tiếng nói, ông Tân chợt có cảm giác quen quen thế nào ! Rửa mặt xong, ông vội vàng vào bếp : “ Chị ! Chị Sửu phải không ? “. Người đàn bà giật mình ngước nhìn ông Tân, hồi lâu : “Ối giời ! Anh Tân phải không ? Em cứ ngờ ngợ…

Tay người đàn bà rung lên trong tay ông, hai hàng nước mắt chảy dài với những chuyện cũ…

Ngày ấy Tân 25 tuổi, nhân viên của Phòng tổ chức Lâm trường Lộc Phú, là thành viên Ban đón tiếp lao động Hà Sơn Bình đợt đầu vào tháng 9/1977. Khu vực dòng tu Santa Maria cũ dưới chân đèo Bảo Lộc dùng làm địa điểm tiếp nhận 3.000 lao động đợt ấy. Nguyên một tu viện được giao cho nhà nước sau ngày giải phóng, dùng làm chỗ ở tạm thời trước khi lực lượng lao động này được phân về các đơn vị sản xuất. Không có đủ chỗ ở, người ta làm gấp những dãy nhà tôn không có vách, thậm chí còn sử dụng cả lều bạt. Tiếng là lao động kinh tế mới nhưng họ được tổ chức như bộ đội, Chính quyền địa phương tuyển và giao quân theo chỉ tiêu cấp trên lệnh xuống, biên chế theo từng đội 120 người. Họ toàn những người trẻ tuổi, độc thân, còn cán bộ khung là những người làm công tác quản lý hợp tác xã, lớn tuổi hơn. Tất cả chỉ đi một mình chứ không cả hộ như sau này.

Một lần Tân nằm nghỉ trên xe, có vài cậu trẻ tuổi, trông nhếch nhát, men đến: “Bác ơi … Bác làm ơn cho chúng cháu xin một tẹo xăng ! “ . “Xin xăng làm gì?”. “Thưa….chúng nó phát cho cháu cái bật mà không phát xăng nên cháu không làm sao bật được ạ ! “.

Người thanh niên vừa nói vừa móc túi lấy ra một cái bật lửa, loại bằng nhôm, sử dụng đá lửa…Thế này thì phải có xăng mới được, nghĩ thế nên Tân nói : “Hãy tìm cái lọ nho nhỏ ra đây tôi lấy cho ít xăng…”.

Thì ra, ở tạm, đèn dầu, ngủ sạp ! Nhìn quanh chẳng thấy cậu lái xe đâu, có lẽ chàng ta đang sà vào tán tỉnh mấy em ở phòng nữ, Tân mở cốp xe tìm được cái ống hút rồi bật nắp bình nhiên liệu, lấy cho chàng thanh niên ấy một chai xăng, loại chai nước ngọt mà Ban tiếp nhận đã phát… Những ngày ấy, lái xe chưa biết bán xăng dầu, chưa biết đánh quả…Ở cơ quan của Tân, người thủ kho là một anh bộ đội già xuất ngũ vẫn thường tin tưởng mở kho cho lái xe vào “ tự giác lấy xăng “ sau khi đã nhận phiếu xuất kho.

Vừa lấy xong xăng cho cậu này thì có đến mười người khác, lỉnh kỉnh chai lọ, có cả chai bia loại ba xị, đến xin xăng. Người lái xe phát hiện ra, chạy đến la làng : “Anh Tân cho hết xăng , chiều nay anh đẩy xe lên đèo đó nha ! “.

Người lái xe và Tân phải áp dụng phương án phát cho bốn người một chai xăng loại một xị. Cuối cùng được nhận những lời cám ơn rối rít, có cả thổ âm kiểu “ Con bò vá…àng “ của vùng Sơn Tây, Hòa Bình.

Tân thả bộ theo con suối Santa Maria, nhìn thấy một cảnh tượng khó quên : Dòng suối tháng tư to như một con sông nhỏ, đông đặc người là người. Các cô mặc cả quần áo khi tắm, những chiếc áo cánh mỏng dính sát vào người, da thịt lồ lộ… tiếng cười nói náo nhiệt trải dài đến trăm mét, 3.000 người đâu phải là ít !

Bốn giờ rưỡi chiều, họ ăn cơm theo qui định của trạm. Các cô gái ăn xong, chui lên giường, khóc ! Một người khóc, vài ba người khóc rồi cả phòng nữ khóc. Bên cạnh tiếng khóc còn có những lời kể lể về sự nhớ nhung, buồn bã nghe mà não ruột !

Đi xây dựng vùng kinh tế mới là một nghĩa vụ như nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc thời chiến. “ Đất nước ta giàu đẹp, đâu cũng là quê hương “ mà, pa-nô, khẩu hiệu khắp nơi ! Có cô hưởng ứng phong trào, đăng ký lên đường với tinh thần như những câu khẩu hiệu ấy, nhưng ngày đi Nam gần đến lúc lấy chồng, phải ở nhà nên đành nhờ cô em gái đi thế…Chuyện vào Nam xây dựng vùng kinh tế mới là một chủ trương lớn của chính phủ nên việc đi đứng của lao động được tổ chức thật tươm tất, cũng lễ lên đường, cũng lễ tiễn đưa… chẳng khác gì bộ đội . Chính quyền địa phương hỗ trợ lương thực và một số trang bị ban đầu cần thiết, chính quyền nơi đến cũng cung cấp lương thực, bảo hộ lao động và dụng cụ sinh hoạt như chăn, màn, chiếu, gối…Do vậy, dân quanh vùng Santa Maria đã mua được bao nhiêu là gạo muối, nồi niêu, áo quần bảo hộ lao động…Nhiều cô gái mang tên tuổi chị mình nhưng thực tế vẫn còn vị thành niên ấy là những người lĩnh xướng trong chương trình khóc lóc mỗi ngày.

Sửu, cô gái cựu Thanh niên xung phong, đi thay cho đứa em gái sắp lấy chồng, trong số 3.000 người đã ở Santa Maria ngày ấy, nhưng đến gần bốn tháng sau Tân mới biết Sửu…

Đội sản xuất Bờ Lam nằm trên đường Bảo Lộc đi Lộc Bắc. Đây là một đội chuyên ươm giống thông ba lá với hơn một trăm người con gái, chỉ có anh đội trưởng là đàn ông, khoảng ba lăm, nguyên là đội phó của một hợp tác xã nông nghiệp bị kỷ luật vì một tội gì gì đó. Anh ta được xóa kỷ luật, phục vụ mọi quyền lợi khi tình nguyện vào Nam đợt này…

Đang mùa mưa, lại là Ủy viên Ban chấp hành Công Đoàn cơ sở phụ trách văn thể nên Tân vác ba lô đi khắp lượt các đội sản xuất gây dựng phong trào văn nghệ, thể thao trong công nhân lâm trường. Với Đội vườn ươm toàn nữ này, việc huấn luyện các bài thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ, các kỹ năng điền kinh…để tham gia hội thao sẽ không có gì hứng thú, nếu Tân không thực sự quan tâm đến họ. Tân thương mến họ như những đứa em gái từ khi biết họ trong “đội tuyển khóc” ở Santa Maria, chàng muốn làm một điều gì cho họ mất đi cảm giác nhớ nhà, buồn bã vì ngày ngày chỉ trông thấy rừng núi, sống trong những thiếu thốn từ vật chất đến tinh thần.. . Mỗi lần Tân vào đội, họ đều tỏ ra mừng rỡ, có khi mỗi bên một cô gái cặp tay Tân, dắt vào văn phòng đội, thân mật đến độ hình như họ quên Tân là một người đàn ông ! Bao nhiêu đường, sữa để dành lần lượt mang ra “ liên hoan với anh Tân “, thậm chí các cô còn tặng cho Tân chiếc khăn được đan bằng những sợi len vụn, sau thời gian lao động…

Một buổi chiều, Tân thả bộ ra con suối cạnh vườn ươm, chàng bắt gặp những cô công nhân nói cười thật náo nhiệt.Tân lặng lẽ quay về vì sợ họ mất tự nhiên khi tắm rửa, giặt dũ . Bỗng có tiếng hát ! Đó là những câu hát quan họ trong trẻo, cao vút đang đi ngược về phía mình, ra vũng tắm. Cô gái đội nón lá, khẩu trang kín mặt chỉ chừa đôi mắt. Đôi mắt đen, sáng, lông mi dài…thật đẹp . Sửu đó !

Những ngày tập hát cho đội văn nghệ Lâm trường để tham gia hội diễn Công đoàn ngành đều có Sửu. Không thể không có Sửu vì Sửu hát rất hay. Đêm đầu tiên, những câu hát Quan họ dịu dàng, tình tứ như Xe chỉ luốn kim, Ngồi tựa mạn thuyền đến Người ơi người ở đừng về*… của Sửu làm chết điếng hồn Tân ! Tân đã tập cho Sữu hát với đàn guitare hai ca khúc mang âm hưởng dân ca đồng bằng Bắc bộ của Phó Đức Phương để tham gia hội diễn. Nhưng, cũng dưới ánh sáng đèn dầu ấy, Sửu đã hát cho Tân nghe những bài hát không nằm trong nội dung chương trình, đó là “ Xẩm” và “ Chèo “. Sửu mộc mạc, gần gũi trong những bài Xẩm bao nhiêu thì ngọt ngào, điệu đàng trong làn điệu Chèo bấy nhiêu. Nghe Sửu hát Chèo, Tân như không nhìn thấy những nhược điểm về nhan sắc của Sửu nữa ! Cái hồn của Chèo hiện ra trong câu hát trong trẻo , trong ngón tay uyển chuyển, trong đôi mắt lúng liếng... Người ta nói : “ Người nghệ sĩ Chèo dấu mình trong câu hát…”, quả không sai ! Nhiều năm sau, Tân không sao quên được những câu Xẩm“ Nhị Tình “ : Mặt trời chưa trọn một ngày/ Mặt trăng rồi cũng ngát ngây vì tình… hay Con cò nghiêng cánh ngẩn ngơ/ Mênh mông sóng lúa bên bờ phì nhiêu…, hay những câu chèo “ Nhớ quê “ : Từ khi giã biệt đồng quê/ Đêm đêm còn có nhớ về quê hương …và Niềm vui xua bớt cảnh nghèo/ Tình làng nghĩa xóm, sớm chiều có nhau/Lá trầu còn có quả cau i..i…ì.. i… Qua Sửu, Tân mới thấy được các động thái lấy hơi, nhả chữ , buông câu … cho đến những luyến láy của Chèo, mà trong hơn mười năm cầm đàn guitare, biết nghe và chơi nhạc, Tân chưa bao giờ biết được. Cho nên với Sửu, Tân quý trọng với ít nhiều sự mang ơn. Thân hình thon thả, cao ráo nhưng khuôn mặt Sửu mất cân đối vì miệng hơi bị lệch, Ngày hội diễn cô ca sĩ cưng của Tân chỉ được giải B, có lẽ vì nguyên nhân là Sửu không đẹp…Ai cũng bảo một đội sản xuất trong rừng về thành phố mà được giải thưởng và bằng khen là quý rồi, nhưng Tân rất buồn, thầm trách Ban giám khảo hội diễn đã không cảm nhận được cái đẹp từ tiếng hát của Sửu ! Tân thầm hứa, đến mùa hội diễn năm tới, Sửu với trích đoạn chèo “ Súy Vân giả dại “ như chàng đã được xem Sửu diễn, thì ăn chắc ! Nhưng cái ngày ấy đã không có !

Khi các đội sản xuất Lâm nghiệp được thành lập, gồm cả công nhân nam lẫn nữ có thể làm đủ các công việc từ chăm sóc vườn ươm, trồng rừng mới đến tu bổ rừng cũ, đội của Sửu được tách ra mấy nhóm để nhập vào với các đội toàn nam khác. Rồi đến cuối mùa mưa, vào cao điểm trồng rừng, tất cả các bộ phận gián tiếp của Lâm trường đều tỏa xuống các đội tham gia trồng cây cho kịp thời vụ. Mãi đến ngày nghiệm thu, Tân mới biết là Sửu đã bỏ đi ! Ngày ấy, công nhân Hà Sơn Bình ở các nông, lâm trường bỏ việc rất nhiều, Chỉ cần 5 ký cà phê hoặc mươi ký trà lọt về thành phố là thu nhập bằng cả tuần lương, nên trên những chuyến xe đò tuyến Lộc Phú-thành phố Hồ Chí Minh bao giờ cũng có một vài người. áo bộ đội, nón cối, dép râu…đi buôn. Dân địa phương gọi họ là dân “Hà Sơn buồn”, với giọng điệu thông cảm thì ít mà chê bai thì nhiều. Những con người đương thì hai mươi, chui hẳn vào rừng từ tháng này sang tháng khác, thực phẩm là cơm hơn nửa phần độn với cá khô mua cung cấp, mọi thứ đều thiếu thốn…Có lần Tân về công tác Vùng 3, sau này là Huyện Đạ Tẻ, đang vào vụ khai hoang, trồng khoai mì, chàng vô tình nhìn thấy đến vài chục cô con gái trần truồng tắm sông sau giờ lao động, họ không giặt quần áo sợ tốn xà phòng và cũng vì sợ đồ chóng rách! Tắm xong, họ mặc quần áo sạch vào, bộ đồ lao động bẩn mang về, để ngày mai mặc tiếp ! Những cuộc thăm viếng của các quan chức, các cuộc họp cơ quan, họp công đoàn, họp chi đoàn thanh niên…làm sao giữ họ được. Có người còn bảo chỉ có những kẻ thực thà, nhát gan mới chôn chặt vào đơn vị sản xuất. Việc Sửu bỏ lâm trường đi cũng là hợp lý thôi, tuy nhiên Tân vẫn cứ nhớ đến, cứ tiêng tiếc một giọng hát, một cô gái tài hoa…

Không phải em bỏ đội trồng rừng để đi buôn đâu, em bỏ đi vì lão Thông đấy. Anh nhớ lão Thông đội trưởng không ? Lão ấy gian lắm, miệng cứ thơn thớt đồng chí này, đồng chí nọ. Lão còn xưng bố con với chúng em nữa đấy, nhưng lão “dê” không chừa đứa nào. Có lần, tiếp phẩm mua được lòng heo, anh nhớ không ? tiêu chuẩn một ký thịt thì mua được hai ký lòng hoặc xương, cả đội liên hoan, em say ! Đêm, ấy lão vào giường em và em đã thất thân với lão. Sáng ra, mọi sinh hoạt vẫn bình thường nhưng em thấy ngượng quá, nhất là xấu hổ với chính mình vì hình như em đã đồng tình với lão…Mấy hôm sau có được tiền lương tạm ứng, em bỏ đi một mạch về Bắc. Em rất muốn gặp anh để từ giã nhưng không dám cho dù anh là người em quý trọng nhất khi vào đây. Yên ! Anh hãy nghe em nói ! Những lần em hát, anh chỉ có nghe, rồi thôi. Một đêm, khi anh sắp về Lâm trường, em hát : Người ơi ! người ở đừng về hết lòng, hết ý, anh nghe mà như không ! Anh tưởng chiếc khăn len là “ công trình tập thể “ á hả ? Đi mua, chắp nói từng đoạn len cũ cho thành một chiếc khăn không thể là công việc của nhiều người được, với lại chúng nó toàn là trẻ con mới lớn. Em đã lặng lẽ đan nó nhiều ngày, vì anh . Không hiểu anh vô tình hay anh đã nỡ xử tệ với em ? Em luôn có cảm giác có lỗi với anh sau chuyện lão Thông. Đôi lúc em nghĩ sao lại là lão Thông mà không là anh trong sự cố ấy ! Dù sao, anh và em chưa có gì nhau cũng là một cái hay, phải không anh ?

Em về nhà lại gặp bao nhiêu khó khăn vì chuyện hộ khẩu. Khi đi, em đã cắt hộ khẩu tại địa phương, bỏ về không có giấy tờ từ Lâm Đồng, em trở thành người sống ngoài vòng pháp luật ngay trên quê hương mình. Không hộ khẩu có nghĩa là không có gì cả. Anh đã biết sự quan trọng của hộ khẩu, sổ gạo, sổ mua nhu yếu phẩm lúc bấy giờ nó như thế nào rồi. Không thể ở nhà được, em đến nương tựa gia đình người chị ở Phúc Thọ, Ai thuê gì làm nấy, em sống lặng lẽ cho đến 1984, em theo anh chị đi Nam. Lại Kinh tế mới, nhưng đợt sau này là đi hộ gia đình, cái vụ hộ khẩu của em chẳng ai để ý cả. Vào đây, chúng em được nhà nước cấp cho tôn cất nhà và trang bị ban đầu đầy đủ. Anh chị em bán tôn cho người địa phương, cất nhà tranh, vách trát đất, lấy tiền làm vốn, cực khổ trăm bề…Ngoài đất canh tác, đất thổ cư được cấp, chúng em còn tranh thủ khai hoang, phá rừng làm rẫy tùy thích. Nơi này đất tốt, trời không phụ người, chúng em ăn độn quanh năm, có khi chỉ ăn ngô, khoai cả tháng, phá rừng làm rẫy trồng cây lương thực để có cái ăn mà trồng cà phê, cây ăn trái… Mười mấy năm trời mới được ngày hôm nay như anh thấy đó. Không phải em là người khổ nhất đâu ! Anh tưởng cái Vân là con đẻ của em hả ? Có một đôi bạn trẻ đồng hương em, yêu nhau nhưng gia đình hai bên không chấp nhận…Thế là họ đăng ký, bỏ nhà vào đây, để được sống gần nhau. Em quý mến họ như người ruột thịt. Họ có bé Vân, rồi đã lần lượt chết khi con bé chưa đến kỳ thôi nôi ! Một thân một mình, em nhận bé Vân làm con từ ngày ấy. Trời thương, nó chỉ biết ăn và ngủ, chẳng bệnh tật gì, lớn lên lại ngoan và chịu khó…Nó học giỏi lắm anh ạ, những ngày học cấp ba, nó ra ở trọ học ngoài huyện, không bao giờ tiêu hết tiền mẹ gởi, không có tuần nào là không về thăm mẹ. Chăm lắm nhưng cháu vẫn thi rớt đại học. Nó về xã, vừa làm cô giáo mẫu giáo vừa giúp mẹ sản xuất, hai năm sau mới đặt chân vào ngưỡng cửa đại học. Năm nay, nó tốt nghiệp xong, em lại lo chuyện chồng con. Mai mốt anh về cùng lo cho con thì vui biết bao nhiêu ! Ừ nhỉ… Nó chẳng gọi em bằng mẹ, gọi anh bằng bố rồi là gì, cho dù em chỉ là mẹ nuôi, còn anh thì…xa lắc, xa lơ! Em không về phố đâu ! Em ở đây đã quen rồi, bây giờ đường ô tô đi ngang cổng, không thiếu thứ gì. Mấy năm trước, em định bán vườn, bán đất ra thị trấn hay lên Đà Lạt, cho con nó sống thuận lợi hơn, nhưng Vân nó không thích chuyển vì ở đây còn có họ hàng , bà con chòm xóm thân thiết bấy lâu, nên em mới làm nhà đấy chứ. Biết đây rồi, thỉnh thoảng anh hãy về với mẹ con em… cho vui anh nhé !

“Bố…,Mẹ… !” Vân vừa vào nhà, thấy mẹ đang tựa vào ngực bố Tân, con bé vội bỏ đi. Ông Tân gọi lại : “Vân ! Con dừng lại bố bảo…”. Thấy con bé dừng ở cửa chưa muốn vào nhà, ông Tân nói thêm : “Bố và mẹ con đã biết nhau từ năm 1977, sau đó chưa bao giờ gặp lại. Mãi đến hôm nay bố theo con về…”. Bà Sửu vẫy con : “Bác Tân nói đúng đó con à, ngày ấy mẹ và bác ấy chỉ gặp thoáng qua rồi mất hút…”. Vân trả lời tỉnh khô : “Thì con có ý kiến gì với bố mẹ đâu à ! “.

Ông Tân buông bà Sửu, cố nhích rời ra, chờ một lời trách từ con bé. Nhưng dường như Vân cũng xúc động trước cuộc gặp gỡ của mẹ mình và bố Tân, nó nhìn hai người với thái độ đồng tình làm ông Tân yên tâm phần nào.

Nơi này, ngày nào chỉ là rừng già đến bạt ngàn cỏ tranh, không có một bóng người. Nhiều lần, cánh Lâm Nghiệp của ông Tân vào, phải đi xe ba cầu hoặc xe bánh xích, đêm ngủ phải đốt lửa để phòng thú dữ, nhiều người nhát gan chỉ uống nước đóng chai chứ không dám uống nước đun sôi vì sợ sốt rét ! Vậy mà bây giờ, hằng rừng cà phê đang trổ bông, phảng phất hương thơm vào đến trong phòng. Đường nhựa, nhà xây và những tiện nghi chẳng kém gì thành phố…Thời gian ! Gần ba mươi năm, hai lần kinh tế mới, , hình hài không còn gì ngoài… đôi mắt, bà Sửu vẫn là người con gái chưa một lần lập gia đình, vẫn còn giữ trong lòng một chút tình với mình mà ông Tân không hề biết . Chuyện cũ được kể một cách tự nhiên như là chuyện của ai đó, có lẽ vì tâm đã tịnh, lòng đã yên, nhưng sao đôi mắt bà cứ ngân ngấn nước ! Ông Tân xúc động như có một thứ gì đè nặng lên ngực khi biết được những điều sâu kín từ mấy mươi năm trước. Với ông, sự quen biết ngày ấy là một thứ quen biết thoáng qua như một cái liếc mắt của những người trẻ tuổi, rồi qua, rồi xa ! Chẳng có quan hệ sâu nặng, nợ nần gì nhưng ông không thể quên bà chỉ vì tiếng hát ngày ấy, một kỷ niệm trở thành báu vật, tưởng chừng đã mất vừa tìm gặp được.

Khi tương phùng là khi í a… tương ngộ*… ngẫm lại bài quan họ cũ, ông Tân bất giác mỉm cười, vừa lúc bé Vân chạy sà đến nắm tay ông : “ Bố ! ”…-./.

*Những chữ in nghiêng là tựa và lời những bài dân ca Bắc bộ.




VVM.22.11.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .