Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         


BỐ CON NGƯỜI ĐI BIỂN



D ưới những hàng dứa dại mọc lung tung, bãi cát trắng thoai thoải nghiêng mình xuống mặt nước. Sóng êm hơn, gió cũng dịu dàng hơn, được che khuất bởi bức trường thành của đảo. Bờ phía đông là đại dương, dựng đứng, sóng táp vào vách đá như có bão.

Quả là những thuận lợi hiếm có cho một làng biển. Đã thấy bóng dáng của làng ở những ngôi nhà vách nứa, mái lợp cỏ gianh, xiên chéo vào vách nhà là ống nứa dẫn nước từ suối rừng ở trên sườn núi cao, nước chảy xuống phuy nghe rất giòn. Buổi chiều trên các sân nhà, đã thấy căng thùng thình những vàng lưới rộng, phảng phất bay đâu đó những sợi khói bếp xanh lam, với mùi cá nướng thật quyến rũ. Dưới bóng cây, đã thấy thấp thoáng quần áo phơi, có cả cái áo ngắn cũn cỡn của trẻ con và cái quần thâm của đàn bà.

Toàn bộ số xi măng và gạch mà bố Nhụ tải về được, chỉ đủ để xây bệ cột cờ ở đầu đảo. Bây giờ lá cờ đỏ sao vàng, chủ quyền đất nước đối với hòn đảo, bay phần phật, trông như một đốm lửa lấp loáng cháy ở lưng trời.

Mấy ngày nay, nhóm thợ xây của làng biển đang trát và hoàn thiện cái bể chượp rất to ở cuối đảo, nơi có bến cá, với những cột trụ và sàn ghép toàn bằng cây gỗ to tròn, buộc chằng chịt bằng những mảnh lưới ni-lông đã thải loại.

Bố Nhụ thường xuyên có mặt ở ngư trường, chỉ huy các tướng cá vây bắt hải sản.

***

Hôm sau, Ngạnh lại đến và đi cùng một chú bộ đội mặc áo màu biên phòng. Nhụ đoán là chú Thuận, nhưng không thấy có ống nhòm. Quần đùi, áo may ô màu cháo lòng, trông Ngạnh rắn chắc như một thỏi sắt.

- Chú Thuận đấy. - Ngạnh nói.

- Cháu cũng đoán thế. Thế ống nhòm của chú đâu?

Chú Thuận cười vỗ vào vai nó:

- Đây này! - Chú chỉ vào đôi mắt của mình.

Nhụ ngước nhìn và thấy đôi mắt chú trong trẻo, long lanh sáng, lòng đen dày và to, theo ông Nhụ có lần nói, thì đó là dấu hiệu của người có lòng lành, có thể ra khơi vào lộng với họ được.

- Cháu nghĩ, nếu được nhìn toàn đảo qua ống nhòm của chú, thì thú lắm.

- Thế bây giờ cháu có bận không?

- Cháu trực nước, nước đầy phuy này thì cho ống nứa vào phuy khác.

Trông cả một dãy nước thế, chỉ nửa đêm, tàu bố cháu về, có bao nhiêu dốc xuống tàu đi biển hết. Lần nào cũng thiếu nước.

- Vậy thì, để chú.

Chú rất mau lẹ, nối thêm một ống nứa và nước lập tức chảy vào cái thùng phuy to, còn chờ sẵn ở hàng ngoài.

- Thấy chưa. Còn lâu mới đầy. Ta đi chơi một lúc. Đảo đẹp phải xem bằng mắt chứ. Đi được rồi!

Chú Thuận nói và lập tức kéo hai đứa ra ngoài sân. Gọi là sân, nhưng đấy là bãi cát trắng rộng và dài, được viền bằng mấy cây dứa dại, để ngăn nó với bờ biển. Mặt trời đã về chiều, ẩn sau những làn mây đùng đục, âm âm, tỏa xuống bãi cát một thứ ánh sáng nửa vời. Đường ven mép biển, do những bàn chân to bản và vững chãi của người dân chài vạch lên, như một vết chém nghiêng, rồi mất hút vào đám cây cỏ hoang dại, mùa nào cũng rụt rè nở những chấm hoa lăn tăn, đủ các sắc màu. Dưới vòm xanh tư lự của cây rừng, đã thấy những chiếc lá tàn úa. Gió bắt đầu khô, xao xác thổi lồng lên từng đợt, rồi tắt ngay trong những vòm cây cao, để lại vẻ bơ vơ trống trải sau những cành vươn ra, cong queo, khuềnh khoàng như những cánh tay dị tật.

Chú Thuận nói với Nhụ:

- Chú sẽ đưa cháu lên Miếu Ông Voi. Ở đấy, nhìn cả vùng biển đảo mới thú.

Rừng đã bảng lảng thu. Những thân cây cao lưng chừng trời, khẽ khàng thả xuống từng chiếc lá úa. Không gian tĩnh lặng và trang trọng. Nồng nàn mùi đất bốc hương và mùi lá ải lên men. Chẳng biết mưa từ bao giờ mà thân cây thông dại trắng mốc, nứt nẻ, có những vệt nước chảy ngoằn ngoèo. Trời đứng gió, nhưng trong rừng vẫn âm âm một thứ tiếng vang rền, không thực rõ ràng. Hay là gió đã nổi lên ở vách rừng phía bên kia.

- Không có tiếng chim à, chú?

- Có. Đấy, nghe thấy không?

Lúc đó, Nhụ mới nghe thấy một tiếng chim gù, vẳng vọng lại từ phía xa.

- Ôi chao, rõ ràng là mùi mít chín.

- Đang mùa mít rồi đây. Nhưng cây mít ở đâu? - Nhụ hỏi.

- Tìm lối khác thôi. Không có mít chín đâu. Mùi rắn đẻ đấy. - Chú Thuận nói. - Quanh đây có một con rắn độc cỡ bự đang đẻ trứng. Chạm vào nó bây giờ là chết mất ngáp.

Ồ lạ nhỉ. Nhụ chợt nghĩ và nó im lặng hít thở rất sâu để kiểm tra lại xem có phải có mùi mít chín không. Nó nhìn vào con Róc đang luẩn quẩn bên chân Đức, bạn của Ngạnh vừa nhập vào đoàn đi chơi rừng. Róc đưa mắt rất nhanh, hai cánh mũi phập phồng, loang loáng ướt rồi khô:

- Cróc! Cróc! Cróc!...

Nhụ bỗng nhớ đến ông Trương Sần và cái dáng mập mạp thấp lùn của ông, mái tóc bạc phơ, nước da đỏ quạch, màu vỏ só. Ông thường đứng chống hai tay vào háng. Cái rọ sắt đựng rắn đeo nặng ở bên hông, mà Nhụ như còn nghe thấy tiếng ướt và dẻo của con rắn, trườn quanh trong rọ với tiếng rì rà... rì rà... Không biết lúc này, ông Trương ở đâu.

***

Bốn chú cháu quay lại rồi rẽ vào khu rừng trúc. Trước đây gọi là rừng Trúc Võng. Một con suối nhỏ, nước rất trong, chảy lững lờ, làm những sợi rêu xanh bám vào những tảng đá xám hai bên bờ, nhảy múa nhịp nhàng. Ở giữa dòng, một bầy cá nhỏ chỉ bằng ngón tay út, ve vẩy vây và đuôi, miệng khẽ há ra, lặng lẽ bơi đứng. Gần như không có một tiếng động nào, báo hiệu sự có mặt của con suối, ở quãng rừng, có lẽ là đầu nguồn này. Bên kia suối, đã thấy những chiếc măng trúc non bị nhím ăn dở, chân chúng in lỗ chỗ như vết chân chuột. Những cây trúc vàng óng, vút cao, đã bắt đầu trổ hoa. Hoa trúc cứng và vàng, không có hương vị gì, vậy mà đâu đó, vẫn thoảng một mùi thơm nhẹ nhõm, xa ngái... Hương của rừng trúc tỏa ra, khi những chiếc lá dài và sắc của nó, chạm vào mùa thu...

Men theo bờ suối, lại vào cánh rừng thưa, ở độ cao khoảng hơn trăm mét. Trên cành cây, một cặp vợ chồng sóc, màu nâu xám, đang nhí nhoáy bới tìm, chợt thấy người, chúng vội lẩn vào phía sau thân cây, đánh rơi xuống trước mặt Nhụ những chiếc nấm mà chúng đang phơi dở. Những chú chim liếu điếu không biết nấp kín ở chỗ nào trong các vòm lá, bỗng kêu lên đồng loạt, giòn giã và rối rít.

- Nghỉ một chút, chú à. - Đức nói và nó vẫy tay cho con Róc, lúc ấy, đang nghiêng một bên chân đái vào búi cỏ để đánh dấu đường.

- Cháu cũng thấy mỏi giò lắm. Bơi trên biển hàng cây số, cháu không thấy mệt như phải leo rừng. - Ngạnh cởi cái áo may ô màu cháo lòng ra, rải xuống đất và nó nằm lên, mắt nheo nheo vì bất chợt gặp phải những tia sáng rọi xuống sau một vòm lá.

Chú Thuận ngồi xuống bên cạnh Nhụ, ngắt hai chiếc lá, đưa lên môi. Giai điệu quen thuộc của một khúc quân hành thời Trường Sơn đánh Mỹ, chợt vang lên réo rắt. Con Róc chạy lăng xăng, hết dũi đám lá mục này, lại hít gốc cây kia, dáng bận rộn tíu tít.

Nhụ chạy đến thì thấy ngay trước mặt, vắt ngang lối đi, một con trăn đất đang nuốt một con chồn, sung sướng đến đờ đẫn cả mặt mũi…

***

Lên đến Miếu Ông Voi thì đã vàng mặt trời. Bốn chú cháu đứng trước một tảng đá xanh, rộng và nhẵn đến mức rêu không sao mọc được nữa. In lên bầu trời âm âm, vần vụ những đám mây màu lông chuột, là một cành đa khô khẳng, lởm chởm ngang dọc, như bộ sừng khổng lồ của con hươu thời cổ đại.

Dấu tích thời chiến trận còn để lại trên mặt đất những vũng tròn và nông, đổ gẫy những cành đa lớn, hàng người ôm, nứt toác vết bom chẻ.

- Miếu Ông Voi chỉ có thế này thôi ạ? - Nhụ hỏi chú Thuận.

- Chỉ có thế. Trước kia, cây đa cao lớn và xanh tươi lắm, vô hình trung đã là ngọn đèn biển cho những chiếc thuyền táo tợn nào đó của người dân chài ngày xưa dám coi khinh sóng dữ.

- Chú đã trông thấy cây đa ấy chứ!

- Cũng nghe các lão ngư nói thế. Chú đến đây, cây đa đã chết rồi.

- Thế còn miếu?

- Ấy là nói theo thói quen.

- Vậy thì phải gọi là Miếu Cây Đa. Làm gì có Ông Voi. - Đức nói. - Ông Voi là con cá Voi. Có thể nhìn từ một nơi nào đó, núi này giống như con cá Voi. Dân đi biển chỉ thờ một loại cá là cá Voi và gọi cá là Ông. Cá Voi rất to, thường cứu người dân chài khi bị hoạn nạn trên biển.

- Trời ơi! Thế sao Ông Voi lại không cứu mẹ và em cháu... - Ngạnh bỗng thốt lên, giọng chua xót và hờn dỗi.

Chú Thuận ớ ra một lúc, chưa biết trả lời thế nào. Sau này Ngạnh mới biết rằng, chính ông Voi cũng không cứu nổi chú Thuận trong một đêm giông...

Nhụ đứng ngây ra nhìn chú và trong khoảnh khắc ấy, một cảm giác vừa mới mẻ vừa xưa cũ, bỗng ập đầy tâm trí Nhụ. Ấy là cái cảm giác về sự thần bí trong rủi may của nghề biển, mà ông Nhụ đã truyền lại cho Nhụ vào những ngày lễ tết…

***

Đức nói với con chó như nói với một đứa bé. Cảm giác như con chó hiểu, ánh mắt nó dịu và ngoan, cái lưỡi đỏ và dài thè ra, liếm lên đến tận mũi.

Trước mắt Nhụ là khu nhà chượp, to rộng và thấp mái, từ đó toả ra mùi tanh khẳn của cá ngâm còn thiếu độ mặn. Chiếc sân cát dài theo mép biển, lô nhô cọc, cái thẳng cái xiêu, trên đặt liên tiếp những phên tre phơi cá. Cá vừa se mình, cái đuôi khẽ cong lên. Mùi cá phơi được nắng, đã bắt đầu có vị thơm, chỉ thoảng nhẹ trong gió. Cuối sân căng một lưới bóng chuyền. Cách đấy vài trăm mét là trụ sở ủy ban, trong có một máy thông tin vô tuyến, nối liền đảo với đất liền. Đấy cũng là Đài chỉ huy các đội tàu đánh cá biển. Trên nền trắng lóa của mái tôn, lấp loáng bay lá cờ đỏ sao vàng, chủ quyền của hòn đảo.

Nhụ bảo Ngạnh:

- Chúng mình chỉ nên đào sá sùng thôi, trai ngọc để nuôi không nên bắt. - Thế nếu hôm nay đào sá sùng, mày có mang mai đi không? - Ngạnh nói, vẻ hờn dỗi, nó cầm muôi gõ gõ vào đầu một viên đá cuội ám khói, làm rơi ra những hạt gạo trắng tinh đã chín nhừ.

***

Chả biết sinh ra từ đâu, những mảng sa mù cứ lớn dần, đầu tiên lất phất bay như những đám lông thỏ. Một vài đám bay vào đảo, rồi tan đi trong các ngọn cây cao. Rồi đậm dần, đặc dần, nặng dần, bỗng chốc ùn ùn như những quả núi xốp, táp vô hồi kỳ trận vào sườn đảo, lấp đầy các khe rãnh, các cầu cảng và bãi cát. Những vạt đồi xao xác hoa lau, những bông lau gầy còm, giã gạo chấp chới rồi chìm mất tăm trong biển khói màu mắt cá. Những vòm cây khép tán, thoi thóp, rồi ngạt thở trong những cái bao đục lờ lờ, trông lửng lơ như những cái trứng nhện khổng lồ. Đỉnh núi Miếu Ông Voi bồng bềnh trôi trong hư ảo. Cái đèn pin dài ngoẵng trong tay bố Nhụ chọc ra một tia sáng nhọn hoắt, rồi tù dần, rồi to bè ra, vàng vọt, rồi mất hết ánh sáng. Ngửa đèn pin lên nhìn, pha sáng vàng đặc và không có tia, tròn xoay, như mắt của con hổ ăn đèn trong đêm tối. Mọi hoạt động đều ngưng, trừ những mảng sa mù câm lặng và cuồng dại, cứ quay đảo cuồn cuộn. Đến chín, mười giờ, sa mù mới loãng dần, chảy thành dòng e dè và ngoằn ngoèo, theo kẽ nứt trên vỏ cây thông dại, thành vài giọt nước rơi vu vơ xuống mặt đất, từ cuối cái cuống đen của cành bồ kết đang rụng lá, thành mùi âm ẩm nhưng đến là nồng nàn trên má người, trên ngực áo người...

- Tiết trời này rồi sẽ có chuyện đây. - Bố Nhụ lẩm nhẩm.

- Chuyện gì hả bố?

Ông rướn cặp lông mày rậm, có những sợi to và dài quá cỡ lên nhìn con, gương mặt thẫn thờ, mệt mỏi.

Đến chiều vẫn chưa thấy có tàu ra. Nhụ lên văn phòng ủy ban xem sự thể Văn phòng được quét dọn sạch sẽ. Phía tường hồi, sau tượng Bác Hồ đặt trang trọng trên bục gỗ, là phông vải màu xanh nước biển, làm nổi bật dòng chữ dán, cắt bằng giấy trắng, đặt ở phía tay phải Biển bạc của ta do dân ta làm chủ, lời Bác nói với ngư dân đảo Tuần Châu và Cát Bà ngày 1/4/1959. Cạnh tượng Bác Hồ, một cọc gỗ Bạch Đằng bảy trăm năm, cắm nghiêng trên đế xi măng hình sóng nước. Nhụ đã đặt vào đó, viên đất đáy sông Bạch Đằng mà nó nạo ra từ mỏ neo tàu. Giữa phòng là hai hàng bàn phủ vải cũng màu xanh nước biển, Nhụ biết là mượn từ đồn biên phòng. Chú Thuận ngồi ở gian bên, đang ghi chép gì đó trong sổ tay.

Còn đang băn khoăn nên vào phòng làm việc của chú Thuận hay không, thì trông thấy Đức đang đi xuống bãi cát cùng với con chó vàng đốm trắng. Nhụ đi theo.

Một đống củi không biết được vun lại từ bao giờ, và ngọn lửa thình lình bùng lên. Ngọn lửa đã lôi ra từ bóng tối, những tảng đá to bằng cái bồ, nham nhở vết răng gặm của sóng, những mũi tàu cá và thuyền máy nghếch lên, ngạo nghễ và từng trải. Lố nhố biết bao nhiêu là người, ngổn ngang bao tải, sọt, quanh gánh, chai lọ. Ồn ào một hồi, vì tiếng người gọi nhau và tiếng chó cắn, tiếng lợn kêu.

Trên sườn đồi, Nhụ thấy đi xuống một nhóm bộ đội, rồi lại một nhóm nữa. Từ sân trụ sở ủy ban, hai ba tốp thanh niên đi ra, vừa đi vừa chạy gằn. Có mấy người vác trên vai những tấm ván gỗ xẻ. Họ đứng tụm lại hay tản ra xung quanh đống lửa. Bóng họ dài, ngắn, chập chờn, nghiêng ngửa, thấp thoáng in lên vạt đất sỏi của sườn đồi, trông như trong một điệu vũ thời tiền sử. Che khuất đường chân trời không có sao, những đỉnh hình răng cưa đen sẫm của núi Mõm Cá Sấu, nguệch ngoạc bóng cây đại ngàn.

- Không cập vào nữa được à? - Có tiếng ai gọi to từ trên bờ xuống.

- Cạn rồi. Cạn mất rồi! - Tiếng trả lời xôn xao.

- Có cụ già, đàn bà và trẻ con không?

- Có. Có. Có!

- Nước sâu lắm. Ái dà dà...

- Yêu nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội...

- Không lội được đâu.

Trên bờ, những cây củi to và khô được vứt thêm vào đống lửa. Người kéo ra đông thêm. Tưởng tất cả những ai có thể có mặt được, thì đều đã có mặt. Những cụm khói thuốc lá xanh nhạt, nghi ngút tỏa lên từ mái tóc của mấy người chụm lại. Bóng họ ngổn ngang hắt xuống những bụi dứa dại, hắt xuống mặt nước thẫm đen, nhuếnh nhoáng hồng.

Đã có mấy người từ tàu cá tranh nhau nhảy xuống lẵng. Con lẵng chao đi, bập bềnh, chỉ tí nữa là ụp. Mấy chú bộ đội còn rất trẻ, nhanh nhẹn để cả quần áo, lội ào xuống nước, kéo mấy con lẵng khác lại. Không biết những ai đã kê nhanh những tấm ván gỗ xẻ lên.

- Buộc dây thép vào! Buộc dây thép vào cho người đi qua đã! - Ai đó nói to lên bằng một giọng ngực rất vang.

- Đồ vật hàng hóa thì để mai.

- Mai với cuốc gì?

- Vôi với gạch, ai mà chuyển bây giờ được.

- Có vôi à?

- Ối!

- Ưu tiên cụ già, phụ nữ, em bé đây.

- Ái! Xéo vào chân người ta!

- Người lên trước! Người lên trước!

Không còn phân biệt được tiếng ai với tiếng ai nữa.

Người đầu tiên đập vào mắt Nhụ là ông Trương Sần, với dáng béo lùn, nước da đỏ màu đồng điếu, tóc bạc trắng và quấn quanh người lủng củng những bi đông rượu. Nhụ nhảy lên ôm chầm lấy ông. Hơi rượu từ các bi đông bị va vào nhau tỏa ra nồng nặc.

***

Chiều qua, bố Nhụ nhận được thông báo: Có bãi cá nổi ở phía biển đông nam, cách đảo khoảng tám mươi kilômét. Đấy là chỗ nước chảy vật lại, khi dòng hải lưu từ phía bắc về, bị mũi nhọn của núi Mõm Cá Sấu chẻ ra làm đôi. Bác xuống tàu ngay và lệnh cho các tàu lưới vây quay về tọa độ đó, để săn bắt. Sản lượng cá ước tính vài chục tấn.

Nhụ về nhà chuẩn bị nấu cơm chiều. Bước qua cửa, Nhụ dừng lại ngay. Ở chân giường, con gà mái đang cào cào trên nền đất. Nó xù lông ra, đứng dạng chân, thân hơi khụyu, như đang chịu một sức nén vô hình, cổ rụt lại, mào rũ xuống, màu tím đen, kêu lên mấy tiếng rất trầm và đục: kẹc, kẹc, kẹc, kẹc... Một lát sau, nó nghển cổ lên, mắt nhìn Nhụ trừng trừng, nhưng Nhụ biết là nó không nhìn thấy gì cả. Rồi bịch một cái, một quả trứng ướt át và bóng nhãy, rơi tọt xuống. Con gà mái rùng mình và dường như rất ngạc nhiên, trước cái quả tròn kỳ lạ lăn lăn bên chân. Nó đứng nhìn một thoáng có vẻ đắn đo, mào đỏ tươi dần có thể nhìn thấy được, rồi như thể hốt hoảng, nó bỗng nhiên bay vù ra, kêu cục ta cục tác ầm ĩ...

Đây là lần đầu tiên, Nhụ chứng kiến quá trình ra đời của một sự sống. Nhụ cầm quả trứng, còn đầm đìa sáng tạo trên tay, cảm thấy nỗi vui cứ thấm dần vào lòng mình.

***

Đến chín giờ tối, vẫn chưa thấy bố Nhụ về, ông Trương và Nhụ phải ăn cơm trước. Ngọn đèn đặt trên mâm cơm, dát gió, chốc chốc lại lung lay rồi phụt tắt. Dường như không chịu đựng nổi sự ám ảnh nặng nề của nỗi mất mát và sự chờ đợi, hai ông cháu thong dong đi ra biển, xem có ánh đèn tín hiệu của tàu về không.

- Trời này lại sắp có giông đây. Nhưng chỉ có trời mới biết, nó sẽ nổi lên ở chỗ nào. - Ông Trương lẩm bẩm. Và một phản xạ được duy trì từ thời còn lái đò ngang trên sông Bạch Đằng rộng hơn hai dặm nước, ông bỗng huơ tay ra...

- Bão thì dù không có dự báo thời tiết, người dân chài cũng biết trước được. - Ông Trương lại nhẩn nha nói. - Nhìn chân mây, chớp cao một mét và thưa, là bão đang sinh. Ba hôm sau, chớp chạy hình rễ cây lằng nhằng và loang loáng ở ngay sát mặt nước, là bão sắp đến gần. Còn giông thì không ai biết trước được. Bủa mái chèo xuống nước, mái chèo nhẹ bẫng, không còn lực đẩy, nước quanh thuyền đã chết, nổi bọt trắng như dãi cua, và bốc lên mùi hôi lợm giọng như mùi cá ba gai ươn. Quay lại, lốc đã lừng lững hiện ra ở ngay phía sau lưng rồi. Con lốc cuồn cuộn xoáy tròn hình trôn ốc, quay cuồng dữ tợn và đen tối như thần chết... Nó đến chỉ một loáng rồi đi, nhưng sức tàn phá thì khủng khiếp...

Ông Trương đặt bàn tay ấm và nặng lên vai Nhụ, kéo Nhụ ngồi xuống bờ cát. Phía sau, rặng núi Mõm Cá Sấu tím sẫm, in hình răng cưa lởm chởm lên nền trời màu thiếc, bí hiểm và ngang tàng. Những rặng cây khẽ rì rào trong đêm dịu dàng và mượt như nhung. Dăm khung cửa hình chữ nhật, sáng hồng ánh đèn, như lỗ thông hơi của một biển lửa đang cháy mang mang ở trong ruột trái đất. Trước mặt, biển thẫm đen. Quả là trong đêm, biển đồng lõa với trời về những mưu đồ phản trắc và bí mật. Âm u trên chín tầng cao, những ngôi sao thoi thóp thở rồi chết đuối trong khoảng không vô tận màu máu cá.

- Cu Cõn! (*) - Ông Trương bỗng thì thào. - Rồi lớp người như cháu sẽ làm chủ hòn đảo này. Còn bây giờ, dù muốn dù không, gánh nặng sẽ đặt lên vai bố cháu. Lúc này, ông thấy không thể bỏ bố cháu lại mà về được. Ông sẽ ở lại đảo, sẽ ở lại đảo...

Rồi sau đó, Nhụ im lặng lắng nghe mà không rõ ông Trương nói những gì. Đêm đen và biển cả đã bỏ bùa mê vào tâm hồn ông. Giọng ông bỗng lang thang như một người mê sảng...

***

Tàu đi trong sớm mai, trời lành gió nhẹ, biển dịu dàng và thơm như mùi da thịt trẻ con ở tuổi còn bú sữa mẹ.

Bố Nhụ ngồi trong khoang tàu, hàng lông mày rậm, có những chiếc cứng bạc và dài quá cỡ, che mờ ảo khoảng sáng của hai con mắt hơi to.

Bác nhẹ nhàng bảo Nhụ:

- Tàu đi thẳng hướng gió, nếu sóng vỗ không đều ở hai bên mạn, là phía trước có cồn đá ngầm. Sóng chính là tiếng nói của biển, cũng là nỗi vui buồn riêng của biển, ở mỗi nơi mỗi khác, không nơi nào giống nơi nào, ở mỗi khoảng thời gian mỗi khác, tiếng sóng sáng không giống tiếng sóng chiều. Năm nay sẽ được mùa cá thu, trong mẻ lưới nào cũng có nhiều tép và cá ruội...

Đã vào vùng có sóng lừng, con tàu dềnh lên nghiêng đi, để lại phía sau một vệt dài nước trắng, sủi bọt ngầu ngầu. Mười bốn cặp tàu thong dong theo sau, trước mũi mỗi con tàu, lá cờ đỏ sao vàng, loại nhỏ, bay phất phất. Trông tàu, Nhụ đã có thể phân biệt được tàu lưới vây, đánh cá nổi như cá nhâm, cá trích, cá nục... Được mùa, có mẻ lưới, có thể vớt lên đến ba bốn mươi tấn. Công suất tàu chỉ khoảng trên dưới hai trăm sức ngựa. Tàu lưới rê, lưới cản, từ ba trăm năm mươi đến bốn trăm hai mươi sức ngựa, lọc nước ở độ sâu trên dưới năm mươi mét, để thu về những con cá lớn hơn, có con ba cân, năm cân, mười cân, mười lăm cân, như cá mối gộc, cá ngừ đại dương, cá hồng hoa, cá phèn sọc, đôi khi có cả cá mập hơn một tạ.

Nhụ ra đứng trước mũi tàu, tay bám vào cọc bích, tập cho quen với những con sóng trẻ, hung hăng, luôn nhào lộn, hất tàu lên, bọt sóng bắn tung tóe. Nhụ nghĩ: rồi mình sẽ phải tập đi, tập ăn, tập ngủ, trong trạng thái tàu chao lắc dữ dội. Đã thấy xa xa, những tàu cá Hà Tiên, Côn Đảo, Vũng Tàu, Bình Định...

Bố Nhụ ra chỗ con, bước chân nặng chắc và người vẫn thẳng, trong lúc con tàu nghiêng đi, vì cú đánh vỗ mặt của sóng lưỡi búa. Có bố ra, Nhụ thấy yên lòng hơn, vì tuy cố giữ vẻ thản nhiên bên ngoài, nhưng bên trong, Nhụ vẫn thấy ghê ghê, rờn rợn, khi nhìn bốn bề, trập trùng những đỉnh núi sóng trắng xóa. Nhìn trước nhìn sau, những con tàu bạn như những chiếc lá nhỏ, nổi dềnh lên, rồi lập tức khuất dưới những ngọn sóng nát nhàu.

- Bố ơi, liệu có giông bão không?

Bố Nhụ cười:

- Không. Sóng thế này là trời lành. Bệnh ung thư không chữa được là bệnh không đau. Trước khi có bão, mặt biển sẽ phẳng lì và trắng rợn như mặt gương lồi. Đang lúc gió cả, triều cường, sóng chỉ to một lúc nữa thôi.

Bác đặt vào bàn tay Nhụ cái la bàn nhỏ bằng hộp diêm và mỏng dính, rồi đưa cho Nhụ cái ống nhòm.

- Con nhìn về phía tây tây bắc đi.

- Dạ.

- Thấy gì không?

- Không ạ.

- Nơi ấy là chỗ ở của cha con mình. Đỉnh núi Ông Voi đã chìm sau lưng sóng, là chúng ta đang ở biển Đông rồi. Con nhìn theo hướng nam đông nam đi. Thấy gì không?

- Có tàu cá, bố ạ.

- Đấy là tàu của làng cá Bạch Đằng Giang ta đấy. Có mấy chiếc?

- Hình như sáu bảy chiếc.

- Đang buông lưới, đúng không?

- Vâng ạ.

- Đấy chỉ là một nhóm tàu. Các đội tàu khác còn ở ngoài vòng ngắm. Chúng ta đang buông lưới trong vòng một trăm cây số vuông. Con nhìn về phía đông đông nam xem nào?

- Không thấy gì ạ. Biển trắng xóa.

- Bình tĩnh nhìn lại đi.

- Có, bố ơi, có!

- Mấy tàu?

- Nhỏ lắm, một, hai... có hai tàu thôi.

- Sẽ có hơn nữa đấy. Đấy là giữa biển Đông rồi, và tàu con thấy là tàu hải quân Việt Nam. Biển rộng mênh mông, đúng không? Nhưng tất cả đều được chúng ta kiểm soát.

- Tàu hải quân. Làm sao bố biết?

- Mũi tàu và dàn ăngten, khoảng mười, mười lăm phút nữa, thì con cũng sẽ biết. Hai chữ viết tắt H.Q màu trắng sẽ thấy rất rõ ở hai bên mạn tàu.

Nhụ căng mắt ra nhìn. Trái tim nó bắt đầu đập mạnh. Hai con tàu bỗng chốc bị xóa dưới lớp bọt sóng, rồi lại nhô lên, lần này, cao hơn. Lại có một chiếc tàu thứ ba nữa, in lên đường chân trời...

- Bố ơi! Liệu anh Thu nhà mình có ở đó không?

- Chắc là có.

- Con không thể hình dung được bây giờ anh ấy như thế nào?

- Thì anh ấy chắc cũng không hình dung được là cha con mình đang ở đây...

Bác đỡ chiếc ống nhòm từ tay Nhụ. Vừa lúc đó, một con sóng lớn lập tức ập vào, rồi nhoài đi, đẩy con tàu lên cao, rồi lại vít mũi tàu chúi xuống, bọt sóng táp lên sàn tàu loang từng vệt theo hình vòng cung. Mặt Nhụ bỗng thấy nhớp nháp, vướng víu, bởi những vẩy nước mặn li ti bám vào, lằng nhằng và co dãn như mạng nhện. Da mặt tê tê...

- Con có sợ không?

- Không.

- ...

- Biển hùng vĩ quá, bố ạ!

- Nhưng Con Người, Con Người còn hùng vĩ hơn. Con có hiểu không?

(*) Cõn là tên cúng cơm của ông nội Nhụ, bạn thân của ông Trương Sần. Nhân vật Trương Sần có thói quen, khi xúc động mà gọi ai thường gọi tên bố hoặc tên ông của người đó .
______________________________
Trích đoạn từ Phần II tiểu thuyết HÒN ĐẢO PHÍA CHÂN TRỜI. Tiểu thuyết viết về vùng biển đảo huyện Vân Đồn. Xoay quanh 2 nhân vật chính: Nhụ ( nhân vật được đặt tên từ tên một loại cá) và bố Nhụ, một chỉ huy đánh cá khơi xa, là các nhân vật khác, các cháu thiếu nhi, các lão ngư, các tầng lớp nhân dân trên đảo, bao gồm dân cư sở tại và nhiều người dân từ đất liền ra giữ đảo, đến các chiến sĩ biên phòng. Tác phẩm ra đời sau 2 năm nhà văn đi thực tế sáng tác ở các đảo Bản Sen, Thắng Lợi, Minh Châu, Ngọc Vừng, Cống Yên, Quan Lạn… từ những năm 72-74 của thế kỉ trước. Rất nhiều chi tiết thực về phong cảnh và nghề biển ở các địa phương trên, đã được phản ánh trong các trang viết, với ngôn ngữ đẹp, rất giầu chất thơ, ca ngợi vùng biển đảo hùng vĩ của đất nước và những con người Vân Đồn sinh sống và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam ở vùng biển đảo thân yêu này. Tác phẩm đã được tặng giải C cuộc vận động sáng tác của Nhà xuất bản Kim Đồng và Hội Nhà văn VN năm 2000 và được đưa vào sách giáo khoa phổ thông cấp tiểu học từ ngày đó cho đến nay. Đầu năm 2018, tác phẩm đã được tái bản lần thứ 7 trong bộ sách chọn lọc của Nhà xuất bản Văn học.




VVM.18.10.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .