Cơ quan của Hạnh và Đại nằm ngay trên bờ sông Cầm, một con sông bắt nguồn từ những con suối thuộc ba xã An Sinh, Bình Khê, Tràng Lương của dãy vòng cung Đông Triều. Về mùa mưa lũ, nước sông lên to chảy cuồn cuộn, cuốn theo tất cả những gì mà nó vơ được ở trong rừng đổ ra hòa vào dòng sông Đá bạc thuộc hệ thống Bạch đằng giang ra bể. Mùa khô cuối năm, khi mà những cơn mưa rừng đã hiếm hoi, sông trở nên hiền khô như chú ngựa đã thuần, lững lờ trôi theo đôi bờ xanh ngát những vườn cây trái. Mỗi khi thủy triều dâng lên, nước sông lại tràn vào những ruộng bãi ven sông và cũng chính những ruộng bãi này đến “ mùa rươi” lại cung cấp cho người dân nơi đây một nguồn đặc sản vô giá.
Hạnh làm kế toán cho một xí nghiệp mộc đã gần năm nay. Cô có thân hình nhỏ nhắn, nước da trắng mịn, gương mặt trái xoan xinh xắn và đôi mắt đen nhánh lúc nào cũng ươn ướt nước. Dạo Hạnh mới về cơ quan có khá nhiều chàng trai đem lòng yêu cô đến si mê nhưng trái tim cô đã thuộc về Hải, một chàng trai cùng xóm hiện đang làm nhân viên bưu điện dưới Quảng Yên. Tuy cùng một tỉnh nhưng thuở ấy đang chiến tranh khốc liệt nên họ rất ít khi được gặp nhau. Hai bên gia đình cũng đã nhiều lần giục giã nhưng Hạnh và Hải đã thỏa thuận với nhau đợi thêm một thời gian họ thu xếp cuộc sống ổn định rồi mới cưới.
Đại là công nhân mộc trong xí nghiệp Hạnh làm kế toán. Anh cao ráo, khỏe mạnh và khá đẹp trai. Tuy anh chỉ hơn Hạnh một tuổi nhưng nom chững chạc và từng trải. Mới đầu anh cũng có vẻ đeo duổi cô nhưng khi biết cô đã có người yêu thì anh cũng kiềm chế và giữ khoảng cách vừa phải nên cô rất quí trọng và tin anh như anh trai của mình. Do xí nghiệp đa phần là công nhân ở xung quanh nên tối đến họ đều về nhà, chỉ còn vài người nhà xa phải ở lại cơ quan trong đó có cô và Đại. Hai người thường nấu cơm chung với nhau, giờ nghỉ Hạnh nấu cơm còn Đại lại vác cần câu ra sông Cầm câu cá, mò cua hến về cải thiện. Cơm tối xong nói chuyện gãu với nhau một lúc rồi Đại về phòng ôm đàn hát nghêu ngao. Còn lại một mình Hạnh cũng thấy lẻ loi, trống trải. Tiếng hát của anh nửa như vô tình, nửa như hữu ý cứ lọt mãi vào tai cô. Đôi lúc yếu lòng cô lại ra gần cửa sổ đứng lắng nghe cho rõ những âm điệu trữ tình xao xuyến : “ Ở hai đầu nỗi nhớ, ta càng yêu nhau hơn. Ở hai đầu nỗi nhớ… nghĩa tình đằm thắm hơn…” Ôi Hải ơi, giờ này anh ở đâu. Có biết rằng em đang cô đơn thế nào không?...
Một tối ăn cơm xong Đại bảo với cô đêm nay khi thủy triều lên chắc chắn sẽ nhiều rươi lắm và rủ cô cùng đi vớt. Hạnh cũng háo hức chưa biết vớt rươi thế nào nên vui vẻ nhận lời luôn. Khoảng nửa đêm Đại gọi cô dậy, hai người vội vã đi ra phía bờ sông. Mảnh trăng hạ tuần vẫn còn lơ lửng giữa trời tỏa ánh sáng nhàn nhạt xuống dòng sông. Lần đầu tiên Hạnh được nhìn sông Cầm dưới ánh trăng gần đến như vậy. Đêm nay thủy triều lên to nom mới hùng vĩ làm sao. Cô cảm thấy mình thật nhỏ bé trước một màu trắng xóa mênh mông vô tận. Cô chợt nhớ đến Hải và thầm nghĩ nếu người đi bên cô đêm nay là anh thì hạnh phúc biết bao. Anh sẽ ôm chặt cô và trao cho cô những nụ hôn ngọt ngào, đằm thắm dưới ánh trăng khuya vời vợi. Mải mơ mộng Hạnh bỗng trượt chân rơi tõm xuống sông chìm nghỉm. Cô cuống quit vùng vẫy nhưng càng ngày càng chìm sâu xuống. May quá Đại nghe tiếng động nên vội quay lại nhảy ào xuống vớt được cô lên. Theo bản năng sinh tồn, cô ôm riết lấy anh và khóc ấm ức. Đại bế bổng cô lên lặng lẽ đưa cô đến một gò đất cao gần đấy. Hai tấm thân ướt sũng, nóng rừng rực dính chặt lấy nhau. Hạnh như kiệt sức mụ đi, cô ngoan ngoãn để mặc hai bàn tay Đại rờ rẫm cởi dần bộ quần áo ướt sũng dính chặt trên người…
Sau đêm ấy Hạnh như người mất hồn. Cô tránh không gặp Đại và tự nhốt mình trong phòng day dứt, ân hận. Nghĩ đến Hải cô thấy mình có lỗi với anh nhiều quá. Anh Hải ơi trong một phút yếu đuối em đã có lỗi với anh, em không còn xứng đáng với tình yêu của anh nữa rồi anh ơi. Mấy ngày sau, khi đã nghĩ kĩ cô quyết định gọi Hải về, cô sẽ thú nhận hết tội và chia tay với anh. Nhưng khi Hải về nhìn ánh mắt anh cô lại không đủ can đảm để nói ra sự thực. Cô quanh co viện cớ nào là họ không hợp nhau, nào là hoàn cảnh công tác mỗi người một nơi… và xin được chia tay với anh. Không đợi Hạnh nói hết, Hải như người phát cuồng. Anh lôi phắt Hạnh lên ban lãnh đạo xin nghỉ phép cho cô và đưa thẳng cô về quê để tổ chức lễ thành hôn. Trước những sự quyết đoán có phần gia trưởng ấy Hạnh chỉ biết khóc thầm mà tuân theo nhưng trong lòng thì cánh cánh một nỗi lo sợ. Sau lễ thành hôn cô thấy trong người khang khác và linh cảm mình đã có con với Đại…
Tám tháng sau ngày cưới cô ở cữ và sinh được một bé trai bụ bẫm, xinh xắn. Thay vì vui mừng Hạnh lại thấy thực sự lo lắng vì đứa bé có nhiều nét hao hao giống bố. Những ngày này Hải vẫn lặng lẽ chăm sóc cô nhưng nhìn nét mặt anh cô biết anh không tin đứa bé là con anh.Có một lần quá bức xúc anh đã bật kêu “ nuôi con cho ác”. Nghe anh ca cẩm Hạnh biết không thể kéo dài cuộc sống như vậy được. Cô thú nhận hết và chủ động xin li hôn. Li hôn xong cô đem con ra miền đông xin vào làm công nhân một nông trường chè ở vậy nuôi con và dấu biệt không cho ai biết về lai lịch của mình...
Mặc dù đã có một gia đình khá hạnh phúc, vợ ông là một phụ nữ xinh đẹp, đảm đang, các con ông đều đã thành đạt. Hơn ba mươi năm qua, kể từ khi ông biết được mình đã có con với Hạnh và vợ chồng Hạnh vì thế mà đã chia tay thì lòng ông luôn day dứt không yên. Nhiều lần ông dấu vợ con lặng lẽ đi tìm tung tích nàng như đều bặt vô âm tín. Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa rươi là ông lại lần ra chợ ngẩn ngơ nhìn những thúng rươi tươi đang bò nguây nguẩy. Ông tin nhất định có ngày Hạnh sẽ về và nhất định ông sẽ gặp được bà. Không biết có phải duyên nợ của họ chưa hết hay sao nên ông trời thương hại mới dẫn dắt cho họ gặp nhau. Hôm ấy Hạnh đi thăm con đang công tác ở trên Hà Nội, trên đường về bà nảy ra ý nghĩ đến cầu sông Cầm sẽ xuống xe rẽ vào chợ xưa vừa mua rươi và nhân tiện thăm lại nơi kỉ niệm của thời con gái thơ dại. Còn đang ngơ ngẩn nhìn ngó thì ông đã nhận ra bà. Ông túm tay bà lôi thẳng vào một nhà hàng đặc sản lẩu rươi gọi món và gặng hỏi bắt bà phải kể về mình, về con. Nhìn ánh mắt vừa mừng vừa lo vừa có vẻ cầu xin của ông bà thấy chạnh lòng nên đã kể hết mọi chuyện cho ông nghe… Nước đã sôi, ông nhẹ nhàng chế gia vị và rươi vào nồi rồi nửa đùa nửa thật nói: “ Năm xưa anh chưa kịp bắt rươi ở sông cho em ăn thì năm nay mình cùng bắt ở nồi em nhé…” Bà ngước mắt nhìn ông bắt gặp ánh mắt ông đang âu yếm nhìn mình mặt bà bỗng đỏ dựng lên. Một cảm giác mà mấy chục năm qua bà không hề có. Ánh mắt đang vô hồn của bà cũng vụt trở lên long lanh sáng. Bà nhẹ nhàng lấy đầu ngón chân cái âu yếm chí nhẹ chân ông… Họ mải nhìn nhau say đắm quên cả nồi lẩu đang nghi ngút khói!.-./.