Tuổi 17.
Một ngày tháng 5.1975. Chuyến xe đưa tôi từ Hà Nội vào Sài Gòn phải dừng lại chờ phà rất lâu bên bờ Bắc sông Gianh trên đất Quảng Bình. Lúc ấy cảnh quan bến phà còn như thời chiến tranh, đường dẫn xuống phà lổn nhổn gạch đá, đất đỏ bụi mù, cây cối xơ xác… Đoàn xe đi “tiếp quản” miền Nam nối dài hàng cây số chờ qua phà. Chỉ có hai chiếc phà lừ đừ qua lại, người xe nhốn nháo cả ngày giữa nắng quái tháng năm đến suốt đêm. Trong bộ quần áo bộ đội, mũ cối trên đầu, gương mặt những công nhân lái phà cũng bạc ra vì mệt mỏi nhưng họ vẫn miệt mài làm việc.
Bến phà sông Gianh từng là trọng điểm đánh phá của đạn bom Mỹ trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Địa danh này tôi được biết từ khi còn nhỏ. Khi ấy anh tôi là bộ đội đóng ở một binh trạm sửa chữa xe ở khu vực này, còn ba tôi cũng nhiều lần đi công tác qua đây. Vào khoảng năm 1967 trong một chuyến lưu diễn, khi vừa qua phà sông Gianh thì ba tôi phát hiện chiếc ví trong túi quần không còn nữa. Trong đó là toàn bộ giấy tờ của đoàn công tác, không biết rơi mất từ lúc nào, vì cả đoàn hành quân từ sáng sớm, qua bờ nam sông Gianh mới lên xe đi tiếp. Ba tôi quay lại bến phà, trình bày sự việc để được qua phà ngược về bờ Bắc (bảo vệ bến phà hỏi rất kỹ vì có trường hợp người đi lạc, hoặc đề phòng “B quay” – người đào ngũ). Ba tôi nghĩ là không thể tìm thấy chiếc ví nhỏ trên con đường nườm nượp quân đi, nếu rơi lúc lên xuống phà thì không còn hy vọng. Vậy mà như một phép màu, giữa đêm tối bụi mịt mờ, chỉ có ánh đèn pin nhỏ xíu mà ông nhìn thấy chiếc ví nằm trên một gốc cây bên đường, chắc chắn ai đó đã lượm được và để đây cho người mất quay lại lấy. Ba tôi mừng đến rơi nước mắt…
Sau này lịch sử còn cho tôi biết, sông Gianh từng là nơi xảy ra nhiều trận chiến vô cùng ác liệt. Từ năm 1627 đến 1672 hai bên Trịnh–Nguyễn giao tranh liên tục ở vùng này. Tuy cùng lấy danh nghĩa "Phù Lê" nhưng sau nhiều năm giao chiến, cả hai bên đều kiệt quệ về sức người sức của nên phải chấp nhận đình chiến. Sông Gianh trở thành ranh giới chia nước Đại Việt thành Đàng Trong và Đàng Ngoài trong hơn hai trăm năm sau đó.
Đại Nam liệt truyện kể rằng, sau trận chiến ác liệt kéo dài vào cuối vào năm 1672, khi chiến thuyền quân Trịnh rút lui, chúa Trịnh ra lệnh tha tất cả tù binh phe chúa Nguyễn, lại cho quần áo, ai muốn đi đâu thì đi. Bởi vì đó là những người bị bắt đi lính, không theo bên này thì phải theo phía kia, gần như ngoài ý muốn. Còn phía chúa Nguyễn “Sau khi quân địch rút lui, phàm những quân lính Bắc Hà bị bắt, Hoàng tử Hiệp đều sai cấp cho tiền gạo quần áo, tha cho về, không giết một người nào. Lại đặt một lễ đàn trong thành Trấn Ninh tế tướng sĩ tử vong, cũng đặt một đàn ở ngoài thành Trấn Ninh để tế quân Hà Bắc chết trận”. Người chết thuộc bên này hay bên kia đều là dân nước Việt, tất cả đều xứng đáng giải oan sau cuộc “nồi da xáo thịt”.
Dòng sông nào là giới tuyến thì dù hai trăm năm hay hai mươi năm, một chuyến đò ngang cũng sẽ nối liền… Còn lòng người, lỡ cắt chia rồi thì phải bao lâu mới về một mối?
Tuổi 37
Tôi có vài chuyến đi dọc theo sông Thu Bồn ở xứ Quảng. Đây là một trung tâm quan trọng của vương quốc cổ Champa. Trong công trình của giáo sư Trần Quốc Vượng về “Miền Trung Việt Nam và văn hoá Chămpa - một cái nhìn địa - văn hóa”, ông đã chỉ rõ vai trò quan trọng của các con sông ở miền Trung trong sự phát triển của nhà nước và văn minh Champa. Theo ông, mô hình một vùng văn hoá Chămpa được “quy hoạch” theo một dòng sông thiêng. Quảng Nam là khu vực tiêu biểu cho mô hình này: theo dòng sông thiêng Thu Bồn, thượng nguồn có núi thiêng là đỉnh Răng mèo, thánh địa Mỹ Sơn, hạ lưu có thành Trà Kiệu và cửa sông là cảng thị Đại Chiêm Hải khẩu (Hội An), Cù lao Chàm là tiền cảng. Văn minh Champa phát triển rực rỡ chính là nhờ một hệ thống cảng thị nối liền sông – biển – giao thương suốt mười mấy thế kỷ.
Lần ấy sau khi khảo sát Di sản thế giới Thánh địa Mỹ Sơn, tôi đi xuôi dòng Thu Bồn ra Cửa Đại. Hành trình này có đoạn đi thuyền trên sông, nhiều đoạn đi trên bờ ven sông. Là con sông có lưu vực lớn, hàng năm sông Thu Bồn đã bồi đắp phù sa cho đồng bằng Quảng Nam, một trong những đồng bằng lớn và trù phú nhất nước ta, tạo nên sự giàu có của những làng xóm yên bình đẹp như tranh ở hai bên bờ sông. Theo sử sách, thời chúa Nguyễn thuế nộp bằng lúa gạo từ xứ Quảng có thể cung cấp đủ cho cả Bắc hà.
Trước khi đổ ra biển, ven các nhánh sông nhỏ của Thu Bồn có nhiều làng nghề truyền thống nay là những di sản văn hoá quý giá. Đó là các làng dệt xứ Quảng nổi tiếng khắp nơi, là làng mộc Kim Bồng nơi có các thế hệ nghệ nhân đã có đóng góp to lớn cho những kiến trúc nhà cổ ở Hội An và nhiều nơi khác, nhất là phía Nam. Gần đó là làng gốm Thanh Hà - di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia với nét đặc sắc là sản phẩm từ nồi ơ đến bát đĩa, chén tô, bình bông... đều được làm thủ công rồi nung trong lò cóc nhỏ gọn, mỗi lò có những sản phẩm riêng độc đáo.
Nằm ven sông Hoài là Hội An. Phố cổ “Di sản thế giới” là tổng hòa của những nét văn hóa độc đáo. Những ngôi chùa, dãy nhà xưa với vẻ đẹp cổ kính và tĩnh lặng đã tồn tại gần bốn trăm vòng xuân hạ thu đông hòa hợp với sự hồn hậu của con người Hội An… Hội An từng là một thương cảng quốc tế sầm uất từ thế kỷ 17 -18. Ngoài khơi Cù lao Chàm đã khai quật được một tàu đắm chở gốm Chu Đậu của Việt Nam (thế kỷ 15,16) xuất khẩu đi nước ngoài, trên “con đường gốm sứ” của thế giới đi qua biển Đông.
Có thể coi sông Thu Bồn là “cái nôi” của hai Di sản thế giới. Nếu ở Thánh địa Mỹ Sơn thời gian như ngừng lại thì Hội An, Cù lao Chàm cho đến nay cuộc sống vẫn không ngừng phát triển.
Tuổi 57.
Sông Đồng Nai đã sản sinh và lưu giữ những trầm tích lịch sử, đồng thời kết nối hệ thống di sản văn hoá của miền Đông Nam bộ.
Nhiều lần đi theo dấu chân những đoàn lưu dân thời khẩn hoang từ cửa Cần Giờ vào vùng đất Gia Định xưa, tôi càng thấm thía thế nào là “Nhà Bè nước chảy chia hai/Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về”, mới hiểu vì sao ông Thủ Huồng dựng nhà trên sông, để sẵn gạo nước cho ghe xuồng nghỉ lại chờ nước ròng nước lớn. Sau này không hiểu sao chuyện Thủ Huồng có thêm đoạn cuối giống tích xưa “Mục Kiền Liên cứu mẹ”, làm mất đi phong vị phóng khoáng của con người Nam bộ.
Lưu vực sông Đồng Nai là địa bàn của một nền văn hoá phát triển mạnh mẽ từ 3.000 năm trước. Cư dân cổ trồng trọt, làm gốm, buôn bán trao đổi từ thượng nguồn về hạ lưu và ra đến biển. Tại đây cũng tồn tại một “vùng văn hoá” theo mô hình của GS Trần Quốc Vượng: thượng nguồn Đồng Nai là Thánh địa Cát Tiên, vùng hạ lưu có thành Biên Hoà (thời Nguyễn) “được xây dựng trên một thành Man”, chắc hẳn là di tích thành cổ từ thời trước đó, ra đến cửa sông là cảng thị Cần Giờ có từ thời tiền sử. Và rất có thể Côn Đảo chính là một “tiền cảng”. Vào thời Nguyễn quân đóng ở Côn Đảo thuộc đạo Cần Giờ của Thành Gia Định.
Trên sông Đồng Nai còn có những địa danh nổi tiếng như Cù lao Phố (Biên Hoà), một thương cảng giao dịch quốc tế của cả vùng Gia Định hồi thế kỷ 17, 18. Cù Lao Rùa (Bình Dương) là nơi tụ cư đông đúc, phong cảnh thanh bình, xóm làng trù phú… Với lịch sử xa xưa và liên tục, Đồng Nai/Gia Định không phải là một “vùng đất mới” vì nơi đây đã từng có những nền văn hoá rực rỡ.
Gần đây, TP. Hồ Chí Minh chú ý đến việc phát triển đường sông và đôi bờ sông Sài Gòn. Nhưng đừng quên, sông Đồng Nai chảy đến Nhà Bè thì có thêm phụ lưu là sông Sài Gòn. Ngoài ra nó có hai phân lưu là sông Soài Rạp và sông Lòng Tàu là hai tuyến đường thuỷ chủ yếu đi ra biển ở cửa Soài Rạp và cửa Cần Giờ. Vì vậy đối với vùng đất Sài Gòn, Gia Định, sông Đồng Nai và sông Sài Gòn đều có vai trò ý nghĩa quan trọng: là nguồn nước, là con đường kết nối Sài Gòn với Đông và Tây Nam Bộ và xa hơn... Trong bối cảnh địa – văn hóa – kinh tế đó mới có thể khai thác và phát triển “tài nguyên sông nước” phù hợp với quy luật “thông thương – thông thoáng – hướng biển” của Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh.
***
Số phận cho tôi sự may mắn khi được đi qua, đi theo nhiều dòng sông nổi tiếng từ Bắc vào Nam. Sông Gianh với nỗi đau chia cắt trăm năm, sông Thu Bồn là dòng chảy của một vùng văn hoá giao hoà Việt – Chăm độc đáo, sông Đồng Nai là nguồn lực của “vùng kinh tế trọng điểm” trong mọi thời kỳ lịch sử của đất nước… Mỗi dòng sông đều là con đường xuyên thời gian lịch sử, đều chứa đựng những di sản văn hoá quý giá, đều nối liền đôi bờ, hai miền ngược xuôi, và cuối cùng “trăm sông đều ra biển cả”.
Một đời người qua được mấy dòng sông… Những dòng sông đã trở thành ký ức không phai, đã mang lại cho tôi biết bao tri thức, biết bao tình cảm. Và tôi mong đến một ngày nào đó, khi dòng sông đời tôi ngừng lại, tôi lại được hoà mình vào một dòng sông… -./.