-Nó giống nụ cười anh há!
-Ừa! Giống nụ cười của em! Rất thơm!
-Xạo vừa thôi ông! Nụ cười mà cũng thơm!
Có tiếng hai con chim sẻ lích chích cãi vã trên ngọn cây ngọc lan. Tôi nhìn lên và chợt đứng dậy.
-Để anh hái cho em nụ ngọc lan kia!
-Wow! Mà thôi! Cây cao lắm, anh cũng...cao tuổi rồi!
Câu nói chạm lòng tự ái đàn ông. Tôi năm nay mới 44 tuổi, đang xuân mà. Nếu không có cuộc hôn nhân vừa đổ bể ba năm trước, ai cũng tưởng tôi chưa vợ. Tôi quyết thể hiện sự tráng kiện của tên đàn ông một lần lỡ làng, bèn tháo giày, đến bên gốc ngọc lan xù xì, mốc trắng. Gốc cây này khá to, có lẽ tuổi của nó cũng bằng tuổi em, hơn ba chục năm rồi. Khi leo lên, bàn chân bị kẹt giữa hai nhánh cây, đau rát. Trèo lên cao, tôi bắt đầu thở dốc, nhưng khi bàn tay chưa kịp giơ lên hái nụ hoa thì tôi phát hiện một tổ ong vằn vện to bằng chiếc chén cơm. Tổ ong mặt quỷ đang được xây dựng, mấy con ong màu vàng đen bò quanh miệng tổ, cảnh giới. Hú hồn! Chỉ xém chút thôi là bàn tay tôi lãnh đủ ba bốn cái nọc độc của lũ ong.
Thấy tôi tháo lui, em ngửa mặt lên, tay che mắt, cười rổn rảng:
-Sao rồi! Người cao tuổi sợ độ cao hả?
Tôi tụt xuống đất, hổn hển:
-Có tổ ong mặt quỷ kìa em, ngay cạnh nụ ngọc lan á! Xém nữa anh bị ong chích rồi.
Em la toáng lên, kéo tôi lùi ra xa.
Chúng tôi ngồi trong quán cà phê CHỢT NHỚ, chiếc bàn gần phía bờ sông. Em còn chưa hết xuýt xoa vì mối nguy hiểm tôi vừa thoát. Em than van, rằng mấy lần bảo ba đốn bỏ cây ngọc lan mà không được. Thực ra em rất quý nó, nhưng vì trồng sát nhà quá, càng lớn lên, rễ cây càng xâm thực bức tường đầu hè, làm nứt nẻ mấy hàng gạch. Em sợ một ngày nào đó rễ cây sẽ làm đổ tường. Ba em trấn an:
-Hông sao đâu con! Tệ lắm thì nó làm bung tróc lớp hồ vữa tô bên ngoài. Để bữa nào kêu thằng út về, biểu nó đào đốn bỏ khúc rễ đó là OK! Hay con sợ nhà sập thì lên Sài Gòn với ba má!
-Hông!Con muốn ở lại đây, với đám học trò tật nguyền của mình!
Có lần nào đó, em lỡ miệng nói với tôi, là không muốn quay lại thành phố hoa lệ, với ám ảnh cô đơn, lạnh lẽo trong trại trẻ mồ côi. Những sợ hãi lo lắng khi con búp bê nhỏ của em bị lũ bạn giành giật, bẻ gãy mất một tay. Năm ấy lên bốn tuổi, em đã biết vui mừng khi có một đôi vợ chồng trẻ lịch sự, phúc hậu đến gặp và thăm em thường xuyên. Đến nỗi những lần sau trông thấy họ là em nhào tới ôm chầm lấy. Đó chính là ba má nuôi của em bây giờ. Từ khi nhận em làm con nuôi, vợ chồng họ sinh được cậu con trai vàng, nên càng quý em hơn.
Dòng sông lười biếng trôi, dắt theo đám lục bình đủng đỉnh nở hoa tím dọc đường. Ly cà phê đen của tôi nổi đám bọt vàng béo ngậy, khác hẳn ly cà phê sữa màu hổ phách của em. Dòng sông nhỏ hẹp, tưởng như với tay một cái là tới bờ bên kia. Em hỏi tôi có biết sông này tên là gì hông?
-Tên là Cẩm giang!
Tôi cười khà. Nhưng đôi mắt đen tròn của em nhướng lên, háo hức:
Ừa, mỗi vùng đất đều có lịch sử của nó. Em cũng là một bí ẩn của lịch sử đời người. Sau này lớn rồi, ba má nuôi cũng nói thiệt hoàn cảnh của em, từ thông tin của Trại trẻ mồ côi. Năm một chín tám mốt, người ta phát hiện chiếc giỏ mây lớn trước cổng trại. Đứa bé gái bụ bẫm xinh xắn chừng ba tháng vẫn ngủ say, không hề biết mình bị bỏ rơi. Trong lá thư để lại, người mẹ sinh ra bé có nhờ cậy trại mồ côi nuôi nấng, chăm sóc. Chị nói đêm ấy sẽ lên tàu vượt biên, nên không dám thử thách mạng sống của đứa con mới sinh giữa đại dương. "Vợ chồng tôi xin cúi đầu cảm tạ. Sau này làm ăn khấm khá, chúng tôi sẽ quay lại chuộc con và hậu tạ!". Nhưng bao nhiêu năm sau, chẳng thấy ai quay lại tìm em hết.
Cây ngọc lan ba trồng bên hè, là mang từ trên Sài Gòn về, từ hồi gia đình lên đây làm Kinh tế mới. Ở sau căn nhà cũ cũng có một cây ngọc lan ba má trồng kỉ niệm ngày cưới. Câu chuyện của em bắt đầu có nước mắt. Tôi liếc nhìn ánh mắt ướt thẫm, hàng mi cong vút đang dính bết lại. Bàn tay nhỏ bé trắng hồng nắm lấy bàn tay gân guốc của tôi, xiết nhẹ. Ừa, chuyện đời mà, có những điều không thể quên được. Như cái ngày đầu tiên em từ thành phố theo ba má nuôi về đây, bầu trời như lộng lẫy, vút lên cao với những cánh cò trắng chao nghiêng đẹp mê hồn. Cả hàng rào ô rô đầy gai góc cũng hấp dẫn, bí ẩn như câu chuyện cổ tích.
Tôi thương em, nhói trong lòng, khi nghĩ tới phận mồ côi. Có lẽ vì mặc cảm đó mà đến giờ em vẫn chưa chịu tìm lấy một nửa của mình. Em kể về niềm vui khi được sống với tụi nhỏ ở trường. Cứ cho là như vậy. Nhưng đêm tối mênh mông và cô đơn trong mái nhà của mình, em đối diện với điều gì?
-Sao em không lấy chồng?
-Em sợ đàn ông! Nói đúng ra là có lấy chồng, xong đăng ký kết hôn rồi người ta bỏ em, khi biết em chỉ là con nuôi xin từ trại mồ côi.
-Ừa! Thôi bỏ qua đi em! Nó là cái duyên mà. Vô duyên bất tương phùng. Có níu kéo mấy cũng vậy.
Tôi an ủi em, nhưng lại nhói trong lòng. Mình thì có hơn gì đâu. Cuộc sống chồng vợ mười năm trời tan vỡ lãng nhách. Tôi kể cho em nghe hết sự tình, trước khi ngỏ lời yêu nhau. Chúng tôi gặp nhau trong một lần du lịch ở căn cứ Trung ương Cục. Tôi thích nhìn một cô gái hát bài Vàm cỏ Đông. Rồi em vô tình trở thành hướng dẫn viên cho chúng tôi khi vào thăm khu rừng lịch sử. Rồi xin số điện thoại, nick name FB, rồi ...đến ngày hôm nay, vỏn vẹn chừng sáu tháng, vừa yêu vừa tìm hiểu. Tôi không giấu gì em, rằng vợ cũ của mình nhỏ nhắn, có duyên và tài đảm.
-Vậy sao anh bỏ người ta mà đi?
-Vì cổ hay gian dối và không tôn trọng gia đình anh! Có thể là anh sai lầm khi bỏ đi, nhưng lòng tự ái đàn ông nó kỳ lắm!
-Hai cô em gái của anh hông giống anh chút nào, họ không đẹp bằng anh?
Câu hỏi của em tôi đã nghe nhiều lần, ai cũng nói vậy. Ba tôi còn nói vui. Hồi có bầu tôi, má hay nghĩ tới một chàng kép hát mà bả si mê, nên tôi sinh ra giống chàng đó. Hỏi là ai, ổng chỉ cười hơ hơ. Riết rồi tôi cũng không để ý làm gì, cho tới hôm nay em lại hỏi.Tôi ít kể chuyện về gia đình mình, vì sợ em chạnh lòng. Tôi mong ba má và hai em gái sẽ yêu thương, trân trọng em. Tôi cũng muốn ba má nuôi của em cảm thông và thương hai chúng tôi thiệt lòng. Hôm nay từ thành phố tới đây thăm em, tôi có ý định kỳ nghỉ cuối tháng Tư cộng với ngày lễ lao động, sẽ cùng em về Sài Gòn ra mắt ông bà nhạc tương lai.
-Ba má nuôi sẽ rất quý anh, vì nhìn anh rất hiền và thiệt thà. Anh hơi giống ba em! Thiệt đó, bữa nào về thăm ba má thử nhìn coi!
Tôi bất ngờ vì một ngôi nhà cũ hai tầng ngự giữa khuôn viên rộng đầy màu hoa rực rỡ. Cây hoa ngọc lan phía sau vườn đã trở thành cổ thụ, cành lá vươn tận hành lang tầng hai. Má nuôi của em chừng 70 tuổi, còn phảng phất nét duyên dáng đài các. Hình như bà hơi sững lại khi nhìn thấy tôi.
-Hai đứa lên lầu mà coi hoa ngọc lan, để má chuẩn bị cơm nước! Ông già ngồi chơi cờ ngoài đầu phố,về bây giờ!
Cành ngọc lan chìa mấy chùm hoa tận tay chúng tôi chào mời, trắng muốt nụ cười thơm ngát.
-Cây ngọc lan nhà em trên Tây Ninh là con của cây nầy đó anh. Mai mốt đám cưới rồi, anh về trển ở với em nha?
Tôi gật đầu, hái một bông ngọc lan vừa hé nở cài lên vành tai hồng hồng của em.
-Đền em bông hoa bữa trước!
Bữa cơm thân tình có tô canh chua cá lóc mà tôi rất thích, chắc em bỏ nhỏ với má. Đang ăn, em bỗng nhìn tôi rồi nhìn qua ông già, la lên:
-Anh giống ba em thiệt chớ! Ra đường chắc người ta lầm là cha con.
Ông già cũng mỉm cười, nhìn chăm chú vô mặt tôi, nâng ly bia:
-Zô con! Giống nhau càng tốt, rồi mình cũng là người nhà mà!
Tuần sau, em nhắn tin cho tôi. "Ba nói cái lỗ mũi anh giống mũi thằng út! Ba má em muốn tới thăm nhà anh, được hôn?". "Ồ! Hên quá còn gì! Để anh thông báo trước với ông bà già". Tôi mất ngủ vì mừng. Các "phụ huynh" có thiện ý tới thăm nhau là tín hiệu tốt cho hai kẻ đang yêu. Em cũng nói thấy ba nuôi mấy đêm mất ngủ, mấy bữa bỏ ăn, thần thái bất thường, khi vui khi buồn. Ôi trời! Ổng lo lắng cho con gái cưng chớ có gì đâu.
Sự vui mừng của tôi và em lên đến cực điểm, khi thấy hai cặp vợ chồng già tay bắt mặt mừng như những người bạn cũ. Hai đứa em gái tôi nghe tin có khách quý cũng ghé qua, phụ trà nước. Rảnh tay, tôi dẫn em tới căn phòng nhỏ phía cuối nhà.
-Đây là phòng riêng của anh từ nhỏ tới khi đi lấy vợ, có nhà riêng bên Bình Chánh.
Giường ngủ, chăn nệm, bàn ghế vẫn còn y nguyên, ngăn nắp, vì mỗi lần tôi về thăm nhà đều ngủ tại đây. Em chợt im lặng, bàn tay nhẹ nhàng vuốt lên tấm ga trải giường, tới mặt chiếc bàn gỗ còn in vết mực thời thơ ấu, rồi dừng lại khá lâu trước tấm ảnh tôi chụp hồi mới được kết nạp Đoàn thanh niên.
-Anh giống thằng út chi lạ! Em thốt lên.
-Anh Hai! Ba kêu kìa!
Tiếng cô em gái làm tôi vội buông vòng tay vừa ôm chặt lấy em.
Ngoài phòng khách, ba má nuôi của em có vẻ xúc động. Trên tay bà già run run một tấm ảnh đen trắng đã loang lổ. Giọng bà nghẹn ngào:
-Lúc thấy ổng bị tụi nó đánh đập lõa máu đầu, tôi chỉ kịp giúi thằng nhỏ vô tay người phụ nữ đứng kế bên, rồi nhào tới đỡ cho chồng. Tới khi tan cuộc đánh lộn, quay qua tìm con thì không thấy đâu nữa. Tôi khóc ngất.
Má tôi hai tay đỡ lấy tấm ảnh, nhìn ngắm một lúc, rồi gật gù:
-Tôi nhận ra chị rồi! Vẫn chiếc áo cổ Trần Lệ Xuân này, nhưng lúc đó mặt chỉ hoảng hốt chứ hông tươi như vầy. Chị tha lỗi cho. Lúc đó hàng ngàn người chen lấn lên máy bay trực thăng, bọn lính đã nổ súng ẩu vô đám đông, vợ chồng tôi tháo lui, ai dè kẹt lại. Như vậy lại hên, để thằng Hai có cơ hội gặp được ba má đẻ.
Tôi bàng hoàng, xúc động khi nghe bốn người ngồi kể lại câu chuyện cũ mấy chục năm trước.. Họ đều là công chức chế độ cũ, vì lo sợ Việt cộng trả thù mà dắt nhau chen chúc lên máy bay để ra tàu biển di tản qua Mỹ. Tôi chính là đứa trẻ bị lạc, khi má nhờ một phụ nữ ẵm giùm để tới cứu ba. Ba kéo tôi ngồi xuống bên cạnh, vỗ về:
-Ba xin lỗi con! Ba má giấu chuyện này vì không muốn con mang mặc cảm là đứa trẻ bị bỏ rơi. Nay thiệt có phước, cơ may run rủi mà ba má đẻ con tìm tới đây và nhận ra con.
Má nuôi của em nước mắt ràn rụa, nhìn tôi và thốt lên:
-Con trai của má! Lạy trời phật đã cho ba má gặp được con. Giờ mới thấy quyết định của má ở lại không đi di tản là rất đúng.
Bất chợt nghe tiếng thút thít từ phía em. Chắc em đang nghĩ tới thân phận mình, tới hai đấng sinh thành đã bỏ em trước lại Trại trẻ mồ côi để vượt biên. Ba tôi, hay cũng là ba nuôi của em chợt lo lắng:
-Thưa anh chị! Bữa nay vợ chồng tôi tới thăm gia đình, là định bàn chuyện hôn nhân cho hai đứa này. Giờ hai đứa đều là con tôi, là anh em trong nhà, biết làm sao đây!
Má tôi cười giả lả:
-Ôi lo gì anh chị ơi! Từ từ rồi tính mà! Giờ mời anh chị dùng cơm với chúng tôi! Coi như bữa cơm đoàn viên đi! Được hông?
Em líu ríu bước đi bên cạnh, bàn tay nhỏ bé, ấm nóng níu chặt khuỷu tay tôi, như muốn được che chở, cầu cứu. Tôi cúi xuống, hôn phớt lên trán em. Yên tâm đi em gái (giờ tụi tôi là anh em rồi). Nhất định chúng mình sẽ có nhau.