1.
TRỪ những hôm mưa thì hai buổi tối cuối tuần luôn là thời điểm công viên X. đông vui nhất. Trời trong, gió mát không chỉ thu hút các cặp đôi hò hẹn mà còn là nơi lý tưởng cho người ta đưa cả gia đình đến sau những ngày làm việc, học hành căng thẳng, dưới khí hậu nóng bức nhiệt đới.
Ở đây có khu trò chơi dành riêng cho trẻ em, có một sân khấu ca nhạc mini, có nhiều kiot bán các “món ăn vặt đường phố”.
Những dãy ghế đá đặt dưới gốc cây cao chẳng bao giờ còn chỗ trống. Nhưng chẳng ai than phiền. Người ta đem theo những tấm bạt -có thể nhỏ bằng chiếc chiếu, có thể rộng bằng cả một gian phòng- trải lên cỏ làm chỗ nghỉ chân, ăn uống.
Tối nay cũng như mọi lần, với tờ báo trải rộng, Ái và Phong ngồi bên nhau, trò chuyện và ngắm thiên hạ đi lại.
Ái đặc biệt thích thú quan sát nhóm bạn trẻ tụ họp dưới gốc cây bên cạnh. Không chỉ mang bánh kẹo, họ còn đem theo cây guitar đàn hát với nhau. Rất rộn ràng, rất náo nhiệt. Hòa niềm vui với nhóm bạn, Ái cũng cười, cũng vỗ tay tán thưởng một cách hồn nhiên.
Điều đó làm Phong lưỡng lự, ngại làm Ái khóc. Nếu biết 11 giờ đêm nay, Phong phải có mặt ở phi trường cùng gia đình xuất cảnh, nhất định Ái sẽ gục vào vai anh nức nở không ngừng. Phong rất sợ mỗi khi nhìn người yêu khóc. Mấy tháng nay, tuy Phong đã khéo léo hé lộ từ từ để dẫn dắt tâm lý cho Ái thì mỗi lần anh gợi đến, cô cũng rơi nước mắt. Từng giọt lệ lặng lẽ chảy dài chẳng phải lưỡi dao vẫn làm lòng Phong đau như cắt, không phải ớt vẫn xát tận tim gan anh nỗi xót xa.
Họ hàng nhiều người chê tính cách Phong yếu đuối. Anh không buồn, không giận. Chẳng phải tiền nhân đã đúc kết qua câu thơ “Than ôi, chí lớn trong thiên hạ / đựng không đầy đôi mắt mỹ nhân” sao? Phong có mềm lòng vì người con gái anh yêu thì có gì đáng chê trách?
Cân nhắc thế, Phong quyết định đợi đến lúc đưa Ái về tới cổng nhà, hãy nói lời từ giã. Lúc này cứ để Ái hồn nhiên nói, vui vẻ cười. Sẽ không thiếu lúc cho cô khóc: đêm nay, đêm mai và nhiều đêm sau nữa, mỗi khi nhớ tới anh. Dù biết chia tay chỉ là tạm thời, ổn định cuộc sống mới rồi gia đình Phong sẽ xúc tiến chuyện hôn nhân, Ái vẫn không thể không đau khổ. Cũng phải thôi, đã yêu bao giờ người ta chẳng khao khát ở gần nhau mỗi ngày, mỗi giờ? Có thế mới cần đến hôn nhân để được sống chung một mái nhà vĩnh viễn…
Đột ngột, có một người đàn bà xuất hiện.
2.
Người đàn bà tiến lại gần, làm tiếng đàn hát của nhóm bạn trẻ bên cạnh tôi im bặt.
Tôi ước chừng chị ta khoảng 40 tuổi, dáng khắc khổ, gầy gò. Bộ quần áo trên người xộc xệch, mặt đầy căng thẳng như đang sợ hãi điều gì.
Chị ta ngồi xuống… à không, phải nói là quỳ là lết mới đúng. Quỳ và lết bằng đầu gối trước Phong và tôi, trước nhóm bạn trẻ bên cạnh, rồi sau đó thì trước cả bất cứ người nào đi ngang qua.
Tay chìa ra một tờ giấy, chị vừa khóc vừa kể lể liên hồi. Hẳn tâm trạng đang hoảng loạn nên kể chẳng ngành ngọn đầu đuôi. Tôi rất chăm chú mới lõm bõm hiểu: Chị ta có một đứa con nhỏ… mấy tuần nay thập tử nhất sinh ở bệnh viện nhi đồng… Bác sĩ vừa giục chị tìm mua ngay một loại thuốc đặc trị, khá đắt và hiếm hoi… Chỉ thuốc đó mới cứu sống đứa bé… Vợ chồng chị sơ ý ngủ quên, bị kẻ xấu móc túi lấy sạch tiền rồi… Đây, giấy tờ của nó đây…
Tờ giấy chứng nhận của bệnh viện hẳn đã qua tay nhiều người nên nhàu nát và khá nhem nhuốc. Tôi mới lướt mắt qua vài dòng đầu thì chị đã rút về để chìa sang cho nhóm bạn trẻ:
-Xin mọi người làm phúc giúp đỡ… Con tôi có thể chết bất cứ lúc
nào… Tôi chạnh lòng thương, rất muốn giúp chị mà túi không có một xu. Đi chơi với Phong tôi chẳng bao giờ cần đem theo tiền.
Tôi nói nhỏ với anh:
-Tội nghiệp quá… Anh giúp chị ấy ít tiền đi.
Tôi đinh ninh Phong sẽ làm theo ngay, như trước giờ vẫn thế. Không ngờ, anh chỉ trả lời:
-Để xem sao đã. Giờ lừa đảo nhiều lắm.
Tôi sửng sốt quá vì chưa bao giờ Phong từ chối điều gì tôi yêu cầu, nhất là với một việc thiện.
Phong lại nói:
-Trò này quen lắm. Bạn bè anh mấy người bị lừa rồi.
Tôi cãi:
-Không đâu. Làm gì có người mẹ nào độc miệng đem chính con mình ra trù rủa?
-Có thể chị ta chẳng có đứa con nào đâu em!
Phong vẫn không thuyết phục được tôi. Bởi “Trông mặt mà bắt hình dong”, nhìn mặt người mẹ này không có nét gì xảo quyệt, chỉ hằn lên sợ hãi và đau thương. Là Phong đa nghi quá đến mất lòng tin vào con người thôi.
Chị ta không ngớt rền rĩ:
-Xin thương cứu con tôi… Nó sẽ chết nếu tôi không kịp mua thuốc vào…
Tiếng khóc của chị lôi kéo nhiều người dừng lại, tạo thành một vòng tròn vây quanh, xầm xì bàn tán. Có người bất động. Có người nghe ngóng chốc lát rồi bỏ đi. Cũng có không ít người mủi lòng đưa tay vào túi mình lục lọi.
Tôi bảo Phong, giọng hờn dỗi:
-Em không đem tiền theo. Anh cho em mượn tạm một ít vậy.
Phong thoáng cau mày:
-Em nghĩ anh bủn xỉn keo kiệt hay sao?
Rồi Phong nhìn từ đám đông sang nhóm bạn trẻ bên cạnh, lặp lại những lời như đã cảnh cáo tôi. Nghe anh nói, vài người lắc đầu rút khỏi đám đông và nhiều bàn tay đang nắm tờ tiền bỗng rụt rè, lưỡng lự.
Phong biến tôi thành dở khóc dở cười. Tôi ê chề quá, cảm thấy xấu hổ lẫn tủi thân. Một nỗi thất vọng lớn lao làm tôi đau thắt lòng, cái đau của người chứng kiến thần tượng của mình bỗng dưng… sụp đổ. Chồng tương lai của tôi đây ư? Sao đến bây giờ tôi mới nhìn rõ con người Phong? Lâu nay tôi vẫn nghĩ anh có trái tim nhân hậu. Chúng tôi quen biết rồi yêu đương cũng từ các chuyến thiện nguyện cùng nhau. Anh đã sốc vác, năng nổ, nhiệt tình biết bao. Một chàng trai giàu lòng nhân ái, chan chứa bao dung, luôn cúi xuống nỗi nhọc nhằn đau khổ của tha nhân bằng sự cảm thông sâu sắc. Có phải tôi hời hợt, xốc nổi quá nên chưa tìm hiểu kỹ đã quyết định chuyện sẽ ăn đời ở kiếp mai sau? Và điều gì biến Phong của tôi đột ngột tệ hại thế này? Bởi nói cho tận cùng, nếu người đàn bà kia trong băng lừa đảo thật đi nữa, cũng đâu có gì to tát? Sao chỉ vài chục bạc nhỏ nhoi mà Phong quan trọng đến thế? Đã không chia sẻ còn tác động người khác cũng nghi kỵ, dửng dưng như mình. Tôi không thể hiểu nổi. Liệu Phong có ân hận nếu hoàn cảnh này đáng thương, thực sự cần giúp đỡ?
Người đàn bà khóc vẫn nức nở khóc. Đám đông im lặng xung quanh vẫn im lặng quan sát. Cả Phong cả tôi cũng thế. Không ai bảo ai, tất cả như cùng chờ đợi một biến đổi bất ngờ…
Thì ngay lúc ấy, tiếng đàn ông kêu lên, giọng khê đặc như sũng nước:
-Con chết rồi, má nó ơi!
-Ối con ơi!
Gào lên ba tiếng bi thiết, người đàn bà lăn ra đất, giãy đành đạch.
Một gã đàn ông lực lưỡng lách qua đám đông, sấn vào vừa vực vợ dậy vừa sụt sùi mếu máo:
-Muộn rồi… Tìm thuốc làm gì nữa?
-Bác sĩ bảo chỉ cần có thuốc là con tôi sống… Nó chết oan rồi!... Ông Trời ác quá! Tôi biết làm sao đưa con về quê với tổ tiên đây, hả Trời?
-Đừng oán trời trách đất mà mang tội… Vợ chồng mình “ở hiền gặp lành”, rồi sẽ có cách đưa được con về thôi…
Chị vợ thôi không gào khóc nữa, chẳng hiểu do phần nào nguôi ngoai vì biết chấp nhận số mệnh hay bị phân tâm bởi những tờ tiền mọi người đang tới tấp ấn vào tay?
Lúc này tôi như đứng hình, lòng dậy lên nhiều cảm xúc trái chiều. Ngậm ngùi. Ân hận. Oán trách… Tôi cảm thấy chính mình vừa góp phần gây ra cái chết của đứa bé. Người mẹ kia nói đâu sai. Nếu tôi mau mắn giúp đỡ, nếu tôi hăng hái khuyến khích mọi người tiếp tay đóng góp để chị đủ tiền mua thuốc, biết đâu đứa bé được cứu sống kịp thời?
Nước mắt ứa ra, tôi nghẹn ngào tự trách mình. Tôi sai rồi. Tôi nhẫn tâm quá. Tim tôi còn là máu thịt loài người hay chỉ là khối robot lạnh lùng, vô cảm? (Sau này, khi tỉnh táo lại, tôi mới nhận ra nào phải tôi kết tội tôi đâu, mà đang lên án Phong đấy thôi. Phong là nguyên nhân, là thủ phạm chứ tôi hoàn toàn vô can).
Nhưng giờ không phải lúc tôi truy cứu hơn thua, mà nên làm ngay một việc gì để chuộc bớt lỗi lầm. Không cần hỏi mượn tiền Phong nữa, tôi tháo phăng chiếc vòng vàng đang đeo ở cổ tay ra.
Phong giật mạnh cánh tay tôi như ngăn chặn, nhưng tôi đã thả nhanh chiếc vòng vào túi áo người mẹ đau khổ. Tôi chỉ có thể “đền bù” như vậy thôi để chị có thể nhanh chóng đưa đứa trẻ xấu số về quê yên nghỉ với tổ tiên.
Chiếc vòng tay này là kỷ vật cha tôi mua mừng tôi đậu lớp 10 trường chuyên. Tôi xem nó như gia bảo. Bây giờ tôi không tiếc nó nữa, vì tôi biết mình vừa “đánh mất” một thứ khác quý giá hơn nhiều: Phong!
Thật vậy, chỉ mươi phút vừa qua, tôi thật sự “mất” Phong rồi. Nói chính xác: tình yêu tôi dành cho Phong đã nhanh chóng héo úa, lụi tàn khi cảm nhận rõ rệt lòng mình đang hờ hững lắm. Tôi vô cùng thất vọng. Tôi vỡ mộng thảm thương. Chồng của tôi có thể nghèo, có thể xấu trai nhưng chắc chắn không mang trái tim vô cảm như Phong. Cứ nghĩ Phong vừa gián tiếp “giết” một đứa trẻ, tôi rùng mình sợ hãi. Nỗi ám ảnh sẽ còn hành hạ tôi lâu dài lắm. Tôi nghĩ.
-Sao em làm thế? Em có còn tỉnh táo không?
Lời nói của tôi lúc này lạnh lẽo không khác ánh mắt nhìn Phong:
-Anh đừng can thiệp nữa. Em có quyền làm những gì em muốn.
-Nhưng chiếc vòng…
Tôi ngắt ngang:
-Anh thôi đi, đừng lên mặt dạy khôn em! Anh có biết em đang rất hối hận không? Thì ra trước giờ em lầm anh…
-?
-Chia tay thôi. Chúng ta không hợp nhau đâu.
-Ái, em vừa nói điên khùng gì thế?
Tôi nhấn mạnh từng lời:
-Em-muốn-chia-tay. Chấm-dứt-từ-giờ-phút-này.
Nói xong câu đoạn tình, tôi quay lưng, tất tả bỏ đi.
Phong chạy theo nắm cánh tay tôi lôi lại:
-Em không thể phũ phàng như thế. Bình tĩnh nghe anh nói đã…
-Em đang bình tĩnh đây. Và em lặp lại: em muốn chia tay anh!
-Nếu anh sai, anh xin lỗi. Hiểu cho anh, anh không phải thần thánh nên chắc chắn cũng có lúc phạm sai lầm. Anh không cố ý… Để anh chuộc lỗi…
-Anh chuộc lỗi được à? Làm sao cho đứa bé sống lại, anh chuộc ngay đi.
-Em thật vô lý. Có phải vì anh mà đứa bé chết đâu? Sao lại đổ tội lên anh?
-Anh có một phần trách nhiệm, em thấy thế đó. Anh tối này không còn là anh trước kia nữa. Anh làm em quá thất vọng, làm em vỡ mộng não nề.
-Ái, hãy nghe anh nói…
-Anh nói gì cũng vô ích. Em không muốn nghe. Từ mai anh đừng đến tìm em nữa.
-Anh chưa kịp nói với em chuyện quan trọng, em cũng không nghe sao?
Tôi bướng bỉnh:
-Không! Đã chia tay thì nghe làm gì nữa?
-Nhưng anh vẫn cần nói với em một lời từ giã. Chỉ hơn 2 giờ nữa, anh phải có mặt ở phi trường. Gia đình anh sẽ bay chuyến đêm…
Hẳn Phong nghĩ tôi sẽ rơi nước mắt như những lần trước nghe anh nhắc chuyện cùng gia đình xuất cảnh? Một khi đã thốt lời chia tay thì Phong ở lại hay ra đi, khác gì nhau? Thật đấy, tôi không quan tâm, lúc này lòng tôi dửng dưng một cách kỳ lạ đến tôi cũng… không ngờ!
Tôi nhếch mép, hờ hững:
-OK. Chúc thượng lộ bình an!
Tôi bỏ chạy và một lần nữa, Phong đuổi theo ra tới bên ngoài công viên:
-Em định đi đâu?
-Em về nhà.
-Để anh đưa em về.
-Không cần. Anh lo việc của anh đi kẻo lỡ giờ bay đấy.
-Chờ anh lấy xe. Em không thể chạy bộ về được đâu.
Phong vừa quay lưng vào nhà giữ xe thì tôi nhanh chân rảo bước ngược hướng nhà mình. Khi chạy xe ra không thấy tôi đứng đợi, hẳn Phong sẽ đinh ninh tôi tự về rồi, còn bằng cách nào khi một xu không dính túi thì… chỉ mình tôi biết.
Nhưng tôi có định về đâu, chỉ muốn một mình lang thang trên phố để nghiền ngẫm sự việc vừa xảy ra. Ngổn ngang trăm mối tơ vò, tôi không biết lòng mình đang buồn hay vui, đang đau hay hận?
Tôi ngơ ngẩn tự xét: tôi có quá “tuyệt tình” với Phong không? Trái tim mềm yếu vừa trả lời “CÓ” thì lý trí lập tức cãi phăng: “KHÔNG”. Lý trí bao gồm lòng tự tôn, tự ái và tự kiêu của tôi không cho phép tôi nhận sai lầm. Nó rủ rỉ dỗ ngọt tôi: tôi đã đúng, tôi luôn đúng!
Tôi cứ lang thang như thế, không biết bao lâu.
Trời bắt đầu nhiều gió, càng lúc càng lạnh làm tôi liên tiếp rùng mình. Vai tôi lạnh. Môi tôi lạnh. Tim tôi còn lạnh hơn. Bây giờ tôi mới nhận ra hết nỗi cô đơn của mình. Tôi bơ vơ quá, lẻ loi quá.
Lúc này chuyến bay đưa gia đình Phong rời khỏi phi đạo chưa?
Và đến lúc này, nước mắt tôi mới lặng lẽ chảy dài…
3.
Đôi giày mới mua đi lần đầu cứa lên bàn chân Ái những đường trầy sướt, cô cũng không hay biết. Đến khi có cảm giác đau thì đã hình thành mấy vết lở loét ứa máu rồi.
Bất đắc dĩ Ái phải tháo giày ra, xách lủng lẳng, đi chân trần trên đường phố, phớt lờ nhiều ánh mắt xoi mói tò mò bám theo.
Gió lồng lộng thổi mái tóc bay ngược rối tung, Ái chẳng màng vuốt xuôi lại. Những lọn tóc dài nhớp nháp nước mắt dính lên khuôn mặt thành các đường kỷ hà, tạo thêm dáng dấp… liêu trai.
“Hẳn đã sang ngày mới, từ lâu”, Ái ước chừng.
Người thấm mệt, hai bàn chân mỗi lúc mỗi xót đau nhưng Ái vẫn chưa muốn về nhà. Phòng cô treo đầy hình Phong, cô sợ phải đối diện kỷ niệm. Cô đang cần bôi xóa tất cả, muốn làm lại từ đầu.
“Chấm dứt thật rồi… Vĩnh viễn chia tay rồi…”
Vừa đi, Ái vừa lẩm nhẩm như một kiểu tự kỷ ám thị. Để nhủ lòng đừng quên hay dỗ mình thôi nhớ?
Bỗng…
-Thứ đầu bã đậu! Tao đã cản đừng có diễn trò con bệnh sắp chết nữa, xưa rồi! Hồi tối tao mà không kịp nhảy vô là đêm nay cả đám đói rã họng!... Rồi còn cái vòng vàng đâu, định nuốt một mình hả?
-Đang cất trong người đây nè. Đợi mai tui bán rồi chia, làm gì quýnh quáng như gà mắc đẻ vậy, “cha nội”? Tui rành sáu câu “cha” quá mà, đã lần nào tui dám ăn chặn của “cha” một xu teng đâu?
“Tiếng ai sao quen quen?” Đang lững thững đi, Ái ngờ ngợ đứng dừng lại. Bên vỉa hè chỗ một xe hủ tiếu gần đấy có hai thực khách đang cắm cúi ngồi ăn, quay lưng ra ngoài lề đường nên không nhìn thấy Ái.
Ái dễ dàng nhận ra ngay: cặp “vợ chồng” có con mới chết mà cô đã “cống nạp” chiếc vòng vàng cho chúng.
-Ờ, biết trên biết dưới là khôn đó. Dám lạng quạng qua mặt “cha”, “cha” vặn cổ như vặn cổ gà!
Cặp vợ chồng lúc nãy thấy hiền lành đáng thương bao nhiêu thì giờ lộ giọng du côn, bặm trợn bấy nhiêu, hiện nguyên hình băng lừa đảo, đúng như Phong cảnh cáo.
Ái sững sờ chết lặng. Nỗi uất ức đau thắt lòng cô. Cô không tiếc kỷ vật đã -thay Phong- “đền bù” cho chúng. Điều cô tiếc nuối quý giá hơn chiếc vòng nhiều… rất nhiều lần.
Có là quá muộn rồi chăng? Những lời “tuyệt tình” mà Ái vội vã tuôn ra trong một phút thiếu kềm chế cảm xúc đã là lưỡi dao chặt đứt một tình thâm, là hàng rào thép gai chặn mất lối quay đầu.
Bây giờ Ái mới nhận ra: cô không hề vỡ mộng. Bởi đã là “mộng” thì có phải “thật” bao giờ đâu mà “vỡ”!
Ngước nhìn lên bầu trời cao, Ái ngậm ngùi hình dung Phong đang lơ lửng trên tầng mây nào đó. Giờ Phong cũng là một áng mây trôi, đã trôi xa tắp.
Ái thầm hỏi: Rồi mai sau trên đường đời, liệu hai người có còn cơ hội tái ngộ nhau?
Ái không biết. Đó là câu hỏi không có lời giải đáp. Bởi “mai sau” thuộc tương lai, mà tương lai thì chẳng ai lường trước được bao giờ.
Chỉ một điều Ái biết rõ: Giả sử có ngày áng mây đó trôi trở lại nền trời này, chắc chắn cũng không thể còn mang nguyên vẹn hình thù của áng mây ngày cũ.