Tết Nguyên Đán từ mồng 1 đến mồng 3 tháng 1 âm lịch, được mọi người Việt Nam
coi là những ngày thiêng liêng nhất đối với con người và vạn vật. Trong những ngày này con người cảm thông với
tổ tiên, với các người trong gia đình và với trời đất. Theo quan niệm này dân chúng đã quy định công việc cho mỗi ngày như sau:
từ 12 giờ đêm ngày 30 tháng Chạp đến sáng ngày mồng một là thời gian con người cảm thông với đất trời. Trong thời gian này, mọi nhà đều lễ Giao Thừa, là lễ tiễn ông thần cai quản năm cũ và đón ông thần cai quản năm mới.
Hai vị thần này bàn giao công việc đúng vào nửa đêm ngày 30 rạng ngày mồng một. Sau đó mọi người rủ nhau đi lễ đình chùa hoặc nhà thờ. Cũng trong ngày mồng một để cảm thông với tổ tiên và các người trong gia đình, các con cháu, bà con trong họ phải đến
nhà con trai trưởng họ để lễ tổ tiên và chúc Tết các bậc bề trên rồi chúc Tết lẫn nhau. Ngày mồng hai Tết là ngày cảm thông với người ngoài xã hội. Trong ngày này các bạn bè đi chúc tết nhau,
các nhân viên cấp dưới đi chúc các cấp trên, học trò chúc tết thầy v.v… Ngày mồng ba Tết dành riêng để mọi người có thể đi thăm bà con họ hàng hoặc bạn bè ở xa. Ngoài ra chiều ngày mồng ba Tết nhiều gia đình còn làm cỗ cúng tổ tiên để tiễn vong hồn ông bà về cõi âm,
chấm dứt ba ngày Tết. Tết là ngày trọng đại nhất của người Việt Nam và là một lễ nghi mang nhiều tính
chất dân tộc nhất. Tết Nguyên Đán thể hiện quan niệm triết lý đông phương Dân tộc Việt Nam tin theo Khổng Giáo từ hàng ngàn năm nay. Theo sự tin tưởng này thì Trời, Đất và Người chỉ
là một thể. Trời sinh ra người và vạn vật, Đất nuôi sống người và vạn vật. Khi con người và vạn vật chết đi, thân xác lại trở
về với Trời Đất. Như vậy con người tin Trời là cha, Đất là mẹ và có bổn phận phải kính trọng Trời Đất. Sự kính trọng này biểu hiện vào ngày Tết vì ngày Tết được chọn vào ngày bắt đầu mùa Xuân của âm lịch,
là mùa cây cối đâm chồi nẩy lộc hoặc trổ bông và thời tiết cũng trở nên tươi mát. Ngoài ra ngày đầu mùa xuân còn là ngày
bàn giao công việc giữa các vị thần của trời có nhiệm vụ xuống cõi trần cai quản nhân gian. Theo tục lệ Việt Nam, khi muốn tỏ lòng kính trọng một người nào thì phải ăn mặc chỉnh tề, nói năng lễ phép
và có thứ vật gì ngon nhất và quý nhất đem dâng cho người đó, vì vậy trong ngày Tết mọi người mới nghỉ việc và làm cỗ cúng Trời Đất. Tết Nguyên Đán là ngày báo ơn Theo quan niệm của Việt Nam, đại gia đình là đơn vị chính và gồm ba thế hệ. Thế hệ đã qua gồm có các người đã chết.
Thế hệ đương thời gồm có ông bà cha mẹ, chú bác cô dì, và thế hệ tương lai gồm con cái và cháu chắt. Ngày Tết là ngày sum họp của đại gia đình để tỏ lòng biết ơn đối với các người chết. Người trong gia đình
có nhiệm vụ đi sửa sang phần mộ các người chết, quét dọn bàn thờ, làm cỗ cúng các người chết. Nhiều người mê tín lại cúng các
nhà cửa, trâu bò, vợ lẽ nàng hầu làm bằng giấy cho các người đã chết. Về phía các người sống thì người
dưới báo ơn người trên bằng cách đi thăm viếng, chúc Tết, hoặc mua các của ngon vật lạ biếu các người bề trên như ông bà cha mẹ, chú bác v.v… Việc tỏ lòng báo ơn quan trọng như vậy nên nhiều người, dù phải đi làm ở xa, cũng cố tìm cách trở về ăn Tết với đại gia đình
tại quê quán hoặc nơi có người trưởng tộc cư ngụ. Xã hội Việt Nam là một xã hội nông nghiệp. Dân chúng sống bằng nghề
nông và chăn nuôi, nên phải làm việc quanh năm, ít có thì giờ rảnh rang để nghỉ ngơi. Chỉ có thì giờ vào khoảng tháng giêng các công việc đồng áng mới nhẹ bớt vì lúa đã cấy xong, chỉ cần phải làm
cỏ và chờ cho lúa chín vào tháng tư. Ngoài ra thời tiết trong thời gian này cũng không thuận lợi cho việc trồng trọt. Vì vậy nhà nông có ba tháng tương đối ít công việc. Trong thời gian nầy dân chúng thường tổ chức các buổi hội
hè đình đám, rước lách để vui chơi thỏa chí cho bõ những ngày làm việc vất vả trong năm. Ngày Tết Nguyên Đán mở đầu cho các
ngày hội này, nên ca dao Việt Nam mới có câu: Tháng giêng là tháng ăn chơi Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè. Về phần trai gái, có những luật lệ cấm đoán nghiêm nhặt con trai con gái đến tuổi trưởng thành không được tự do giao du với nhau dù chỉ là một cuộc nói chuyện rất thường. Các bà mẹ các cô gái sợ con gái hư hỏng, gây tiếng xấu cho gia đình nên giao rất nhiều công việc cho các cô gái lớn, để các cô không có thì giờ nghĩ đến các chàng trai trong làng. Sự cấm đoán đã gây ra nhiều sự thiệt thòi cho trai gái tìm hiểu lẫn nhau, nên Tết là ngày vui vẻ nhất của trai gái, và dịp này họ được gia đình cho phép gặp nhau và sự gặp gỡ đôi khi rất cởi mở và đầy hứa hẹn không bị dư luận dị nghị. Dân tộc Việt Nam rất tôn trọng sự hòa thuận trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Các nhà luân lý học cũng như các bực già cả luôn luôn khuyên mọi người nên sống hòa thuận và nhường nhịn nhau. Ca dao Việt Nam có câu: “Dĩ hòa vi quý” nghĩa là sự hòa thuận là quý nhất hoặc “Chữ nhẫn là vàng” ngụ ý sự nhường nhịn nhau quý như vàng. Sự hòa thuận không những thể hiện trong gia đình mà còn thể hiện trong cuộc sống xã hội qua câu ca dao:
“Bán anh em xa mua
láng giềng gần” hoặc “Tứ hải giai huynh đệ” nghĩa là bốn bể đều là anh em v.v… Ngày Tết Nguyên Đán là ngày thể hiện và nhắc lại đức tính hòa thuận đối với mọi người bằng cách không ai nói to, nói tục,
chọc phá người khác, không chửi rủa người khác, trong bất kỳ trường hợp nào. Mọi người đều tin rằng nếu mình gặp được
mọi sự tốt lành trong ngày Tết thì suốt năm sẽ gặp được nhiều may mắn, nên mọi người đã cố gắng giữ cho ba ngày Tết được thật êm đẹp,
đã tạo được sự bình tĩnh trong tâm hồn, để cố tránh các sự
việc mất hòa khí sau này và vì vậy ca dao mới có câu “Vui như Tết”.-/.
T
ết Nguyên Đán là một lễ lớn nhất trong năm cái Tết chính của Việt Nam là: Tết Thanh Minh (3.3), Đoan Ngọ (5.5), Trung Nguyên (15.7), Trung Thu
(15.8), và Nguyên Đán (1.1 âm lịch).
VVM.17.01.2025.