B ài thơ “Nghỉ Hè” của thi sĩ Xuân Tâm, sáng tác năm 1941 đã khắc ghi trong tôi hình ảnh của một cậu học trò chuẩn bị xa ngôi trường, vội vàng học nốt giờ học cuối cùng để cùng bạn bè lên đường bắt đầu nghỉ hè, chứ không phải như các em học sinh thời nay, các em chẳng được nghỉ hè “thật sự”như thời xưa, thật là đáng tiếc. Bài thơ dễ thương ấy như sau:
Sung sướng quá giờ cuối cùng đã hết
Đoàn trai non hớn hở rủ nhau về
Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê
Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ.
Một nét mặt trăm tiếng cười rộn rã
Lời trên môi chen chúc nối nghìn câu
Chờ đêm nay sáng sớm bước lên tầu
Ăn chẳng được lòng nôn nao khó ngủ...
Chú tôi sinh sống tại Hải Phòng đã lâu, nên tôi thường được gia đình cho đi nghỉ hè ở Hải Phòng, thành phố cảng duy nhất ở miền Bắc. Vào mùa hè, du khách có thể tham gia những chuyến du lịch và vui chơi giải trí trên bãi biển Đồ Sơn, quần đảo Cát Bà hay vịnh Hạ Long. Vào mùa thu, tham dự Hội Chọi Trâu hay thăm những làng nghề truyền thống. Vào mùa đông, đến với thú vui leo núi, thăm các hang động tại Cát Bà, lên núi Voi. Vào mùa xuân, tham dự nhiều lễ hội, thăm các di tích lịch sử: Lễ hội Đền Trạng tưởng niệm cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm , viếng thăm sông Bạch Đằng oai hùng, đã mấy lần làm khiếp sợ quân Tàu xâm lược– sông nằm ở phía đông bắc Hải Phòng. Tôi có nhiều kỷ niệm khi tắm biển cùng với các em con ông chú ở bãi biển Đồ Sơn nổi tiếng xinh đẹp tại miền Bắc. Sau đó, gia đình thân phụ tôi chuyển nhà và sống luôn ở Hải Phòng.
Thời gian nghỉ hè, sau đó sinh sống ở Hải Phòng, tôi cứ nhìn về phía ánh đèn sáng lung linh từ xa xa để nghĩ về Hà Nội thân thương của tôi...
Nhạc sĩ Hoàng Dương sáng tác ca khúc “Hướng Về Hà Nội” rất hợp với tâm trạng của tôi khi tạm thời sống xa Hà Nội, trong lòng luôn vấn vương, nhớ nhung, lúc nào cũng tơ tưởng về Hà Nội.
“Hà Nội ơi! Hướng về Thành phố xa xôi, ánh đèn giăng mắc muôn nơi, áo màu tung gió chơi vơi...”
Hà Nội của tôi, trước đây là kinh thành Thăng Long nước Đại Việt đời Lý và đời Trần, kinh thành Đông Đô đời Lê Sơ và đời Mạc, kinh thành Đông Kinh đời Lê Trung hưng và trấn Bắc Thành đời Tây Sơn và đời Nguyễn (thời vua Gia Long) chỉ tới năm 1831 vua Minh Mạng mới lập ra tỉnh Hà Nội.
- Danh từ Hà Nội bắt đầu có từ đấy. Hà Nội có nghĩa là ‘phía trong sông’, vì thực tế tỉnh mới này trên đại thể được bao quanh bởi 2 sông: sông Hồng và sông Đáy.
- Có người cho rằng chữ Hà Nội là lấy từ câu trong sách Mạnh Tử “Hà Nội hung tắc di kỳ dân ư Hà Đông, chuyển kỳ túc ư Hà Nội (Hà Nội bị tai họa thì đưa dân về Hà Đông, đưa thóc từ Hà Đông về Hà Nội).
- Nhưng có lẽ là do vua Minh Mạng rất coi trọng Trung Quốc, cái gì của Trung quốc cũng đều đẹp cả, nên bên đó có Hà Nội thì vua cũng đặt Hà Nội bên ta, chẳng hạn, vua ban chiếu chỉ ‘Cấm phụ nữ bên ta Mặc Váy’ đề giống phụ nữ Trung Quốc mặc Quần, nên người dân đã có câu vè mỉa mai như sau:
Tháng Tám có Chiếu Vua ra,
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng,
Không đi thì chợ không đông,
Đi thì lỡ lấy quần chồng hay sao?
Hà Nội trở thành Thành phố do một sắc lệnh của tổng thống Pháp và được xếp vào loại thành phố cấp 1. Sau Cách mạng tháng 8 thành công, Quốc hội khóa đầu tiên năm 1946 quyết định thành phố Hà Nội trở thành thành Thủ đô của Việt Nam cho tới nay.
Hà Nội đã thu hút nhân tài bách nghệ bốn phương, tài tử giai nhân từ bốn phương trong nước lần lượt về đây sinh cơ lập nghiệp, tạo ra các phố phường, tạo nên nền văn hiến, nét thanh lịch cho Hà Nôi.
“Hà Nội ơi, phố phường giãi ánh trăng tơ, liễu mềm nhủ gió ngây thơ, Thấu chăng lòng khách bơ vơ...”
Ca dao cổ cho ta biết về Hà Nội 36 phố phường như sau:
Rủ nhau chơi khắp Long Thành (thành Thăng Long)
Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai
Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai
Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Hài, Hàng Khay
Mã Vĩ, Hàng Điếu, Hàng Giày
Hàng Lờ. Hàng Cót, Hàng Mây, Hàng Đàn
Phố Mới, Phúc Kiến, Hàng Than
Hàng Mã, Hàng Mắm, Hàng Ngang, Hàng Đồng
Hàng Muối, Hàng Nón, Cầu Đông
Hàng Buồm, Hàng Đậu, Hàng Bông, Hàng Bè
Hàng Thùng, Hàng Bát, Hàng Tre
Hàng Vôi, Hàng Giấy, Hàng The, Hàng Gà
Quanh đi đến phố Hàng Da
Trải xem Phường Phố thật là cũng xinh
Phồn hoa thứ nhất Long Thành
Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ
Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ
Bút hoa xin chép nên Thơ lưu truyền.
Thực ra, ‘phố và phường’ là hai phạm trù khác nhau. Vào thời Lê, ‘phường’ ngoài nội dung chỉ các tổ chức của những người cùng làm một nghề (phường chèo, phường thơ) thì còn một nội dung nữa, chỉ những khu vực địa lý được coi là đơn vị hành chánh cấp cơ sở ở kinh thành Thăng Long. Như thế, không làm gì có cái gọi là “Hà Nội 36 phố phường”, chỉ có Thăng Long thời Lê có 36 phường hoặc là thời Minh Mạng có 239 phường, thôn, trại. Bây giờ sang vấn đề ‘phố’. Phố khác hẳn phường. Nếu ‘phường’ nguyên nghĩa là một khu vực hành chánh thì ‘phố’ nguyên nghĩa là chỗ bán hàng, nơi bày hàng, tức là như ta nói ngày nay là ‘cửa hàng, cửa hiệu’. Phố có thể là một ngôi nhà bày bán hàng, mà cũng có thể ban đầu chỉ là một chỗ trống nhưng lấy làm nơi bày hàng hóa để buôn bán. Cho nên ví dụ như cụm từ’phố Hàng Trống’ nguyên nghĩa chỉ là một ngôi nhà, một cửa hàng có bán mặt hàng là ‘trống’... Song do các “phố” tập trung ken sát nhau thành một dãy (dài hoặc ngắn là tùy) nên cái ‘dãy gồm nhiều phố’ ấy (phố với nghĩa là cửa hàng, cửa hiệu) cũng được gọi tắt là “phố”. Do sự hình thành như vậy mà trong một phường cổ có nhiều phố... Cho nên phường không bao giờ lại ngang hàng với phố mà là ‘trùm lên’ các phố. Và cũng vì thế, 36 phường thời Lê không thể là 36 phố + phường được.
“Hà Nội ơi! Những ngày thơ ấu trôi qua, Mái trường phượng vĩ dâng hoa, Dáng chiều ủ bóng tiên nga. Hà Nội ơi! Dáng huyền tha thiết đê mê, Tóc thề thả gió lê thê, Biết đâu ngày ấy tôi về...”
Mỗi khi hát câu này, tôi lại càng nhớ về thời thơ ấu và niên thiếu của tôi ở Hà Nôi. Tôi quên thế nào đươc những hàng cây ‘Phượng vĩ’ mọc ở sân hầu hết các trường tiểu học, trung học- nơi tôi từng theo học. Cây Phượng vĩ thì to hơn cây ‘Điệp’(do ‘Hồ Điệp’ vì hoa trông rất giống con bướm- nhiều người nhầm lẫn 2 cây này với nhau). Phượng vĩ có hoa màu đỏ, với nhị mọc thò ra ngoài trông như ‘đuôi chim Phượng nên gọi là ‘Phượng vĩ’ (Vĩ có nghĩa là ‘đuôi’)- sau học sinh hay goi tắt là ‘Hoa phượng”- giống cây này có nguồn gốc tại đảo Madagascar, đông nam châu Phi, cũng từng là thuộc địa của Pháp nên họ đã mang cây Phượng vĩ sang trồng ở nước ta. Nhờ đó mà học sinh có nhiều kỷ niệm với Hoa Phượng đỏ thắm sân trường khi kỳ Nghỉ hè đến. Tôi và các bạn bè có rất nhiều kỷ niệm về cây Phượng ở sân trường của chúng tôi. Hoa phượng thì được đem ép khô, dán trong cuốn Lưu Bút, ở đó bạn bè chuyền tay nhau, ghi lại cảm nghĩ, tâm sự của mình về trường lớp, bạn thân hay bạn cùng lớp... Nhụy cong cong của hoa phương được dùng làm móc câu đề hai người thi đấu với nhau. Quả xanh của phượng được dùng làm đạn ‘bắn ná’ để chúng tôi bắn nhau trong trường.
“Một ngày, mùa chinh chiến ấy, Chim đã xa bầy, mịt mờ bên trời bay...”
Với sự thăng trầm của lịch sử, Hà Nội đã trải qua thời kỳ đạn bom thời Toàn quốc Kháng chiến, qua 10 ngày chiến đấu, quân và dân Hà Nội đã giành thế chủ động, làm cho quân Pháp bị thiệt hại nặng, đã làm thất bại âm mưu ‘đánh chiếm thành phố’ của Pháp. Sau khi đã giam chân địch được 2 tháng, thấy nhiệm vụ kìm hãm, tiêu hao địch đã đạt yêu cầu và cần phải bảo vệ lực lượng, nên cấp trên quyết định để Trung đoàn Thủ đô rút lui ra ngoài.
Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi, trong ca khúc “Người Hà Nội, đã viết:
Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây. Đây lắng hồn núi sông ngàn năm. Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội mến yêu. Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời. Hà Nội hồng, ầm ầm rung. Hà Nội vùng đứng lên! Hà Nội vùng đứng lên! Sông Hồng reo. Hà Nội vùng đứng lên!
“Một ngày, hồng tươi hoa lá, Hát câu tình ca, nói lên lời thiết tha...”
Sau chiến thắng lịch sử Điên Biên Phủ, nhân dân Thủ đô đã vui mừng chào đón Bộ đội trở về Hà Nội, không khí tưng bừng, phấn khởi đó đã được nhạc sĩ Văn Cao diễn tả trong ca khúc “Tiến về Hà Nội” như sau:
- Năm cửa Ô đón mừng Đoàn quân tiến về, Như đài hoa đón mừng nở năm cánh Đào chảy dòng sương sớm long lanh. Chúng ta ươm lại hoa, sắc hương phai ngày xa, Ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu. Những bông hoa ngày mai đón tương lai vào tay, Những xuân đời mỉm cười vui hát lên...
“Hà Nội ơi! Nước Hồ là ánh gương soi, Nắng hè tô thắm đôi môi. Thanh bình tiếng guốc reo vui. Hà Nội ơi! Những chiều sương gió dâng khơi, Có người lặng ngắm mây trôi, Biết bao là Nhớ tơi bời.”
Ca khúc ‘Hướng về Hà Nội’ nhắc đến các Hồ xinh đẹp nằm rải rác khắp Thành phố, khiến tôi sực tỉnh, bồi hồi nghĩ về biết bao Hồ ở Hà Nội đã ghi dấu vết, khắc ghi kỷ niệm thời niên thiếu nơi đó.
Hà Nội có thể được mệnh danh là ‘Thành phố có nhiều Hồ’, bởi nơi đây có rất nhiều Hồ xanh ngát, xinh tươi, tựa như vô số tiên nữ sắc đẹp tuyệt trần tô điểm cho vẻ đẹp của Hà Nội, vốn đã xinh, lại càng xinh hơn! Cho tới năm 1966, theo ước tính là Hà Nội có trên 40 Hồ lớn nhỏ nhưng quá trình đô thị hóa đã lấp đi nhiều. Nay ở nội thành có các Hồ lớn như: Hồ Tây, Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Trúc Bạch, Hồ Thiền Quang, Hồ Bảy Mẫu và các Hồ nhỏ thì có: Hồ Ba Mẫu, Hồ Đồng Nhân, Hồ Đống Đa, Hồ Giám (nằm trước Quốc Tử Giám), Hồ Giảng Võ, Hồ Ngọc Khánh, Hồ Thanh Nhàn, Hồ Thành Công, Hồ Thủ Lệ, Hồ Xã Đàn. Ngoại thành cũng có nhiều Hồ đẹp: Linh Đường (Thanh Trì), Vân Trì (Đông Anh), Đồng Quan (Sóc Sơn). Trong số đó, tôi có nhiều kỷ niêm thời học trò với Hồ Tây. Hồ Gươm, Hồ Trúc Bạch...
- Hồ Tây: hồ lớn nhất trong nội thành, Hồ này đi vào lịch sử với tên là Dâm Đàm (đầm Mù sương), tới thế kỷ 15 lại gọi là Hồ Tây. Có nhiều truyền thuyết về Hồ và tên gọi của Hồ: theo truyện “Hồ Tinh” thì Hồ có tên là hồ Xác Cáo, theo truyện “Khổng Lồ đúc chuông” thì Hồ lại có tên là Trâu Vàng. Hồ Tây từ lâu lắm đã là thắng cảnh, từ đời Lý, Trần các vua chúa đã lập quanh Hồ nhiều cung điện làm nơi nghỉ mát, giải trí, hiện nay quanh Hồ còn 61 đình, chùa, đền, phủ rất đáng tham quan.
- Hồ Hoàn Kiếm: tôi có rất nhiều kỷ niệm với Hồ Gươm, với đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc cùng với Tháp Bút và Đài Nghiên. Qua Đài Nghiên là đến cầu Thê Húc (nơi đậu lại ánh sáng mặt trời ban mai). Đầu cầu bên kia là Đắc Nguyệt Lâu (lầu được trăng) tức cũng là cổng đền Ngọc Sơn. Đền là nơi thờ Văn Xương, Quan Vũ và Trần Hưng Đạo.Trước mặt bái đường là Trấn Ba Đình (đình chắn sóng). Về phía tây của Hồ có gò Tháp Rùa xinh xắn.
- Hồ Trúc Bạch: hồ vốn là một phần của Hồ Tây, do đắp đê Cố Ngự (sau đọc chệch ra là Cổ Ngư), sau đổi là đường Thanh Niên. Bờ hồ phía nam xưa có làng Trúc Yên, các cung nữ bị an trí ở một cung điên thời Chúa Trịnh, dệt lụa để sinh sống, lụa dệt rất đẹp, dân ưa dùng gọi lụa làng Trúc (Bạch chữ Hán nghĩa là Lụa). Giữa Hồ có một đảo nhỏ, trên có đền Cẩu Nhi, tương truyền có từ thời Lý.
Hà Nội đã được hưởng thanh bình từ sau khi Pháp thua trận Điên Biên Phủ, Hà Nội sống trong thanh bình với tiếng guốc vang lên trên hè phố đông đúc, náo nhiêt. Guốc là loai đồ vật bằng gỗ có quai dùng để mang ở chân. Phải kể từ Trung Quốc, với những đôi guốc gỗ cùa thời Từ Hy Thái hậu. Phải kể đến Nhật Bản, với những đôi guốc gỗ quai xỏ ngón. Và phải kể đến Việt Nam, với những đôi guốc nhẹ nhàng, thanh thoát. Guốc VN đã được xếp vào hạng vật phẩm mang tính truyền thống dân tộc, ngang vị với Nón lá và Áo dài. Thời học sinh có nhiều kỷ niệm về guốc mà trong bài thơ ‘Tiếng guốc sân trường cũ’, Nguyễn Hữu Chung đã ghi lai:
Anh vẫn nhớ mỗi lần em mang guốc,
Anh vụng về khen đôi guốc… đẹp đôi...
Nhớ không em ngày xưa hoa sứ trắng,
Nở chan hòa trong đôi guốc em mang..’
Từ lâu đã có một thành ngữ quen thuộc khi nói về đặc tính của Thăng Long – Hà Nội: “Nghìn năm Văn Hiến”. Văn Hiến bao hàm không chỉ nội dung của khái niệm Văn hóa, Văn minh mà còn nhấn mạnh một yếu tố quan trong nữa, đó là những Hiền tài của Đất nước. Nền Văn Hiến của một Dân tộc bao gồm cả trình độ Văn hóa và số lượng Hiền tài của Dân tộc ấy. Sự ra đời của Văn Hiến Thăng Long có thể bắt đầu từ ngày kinh đô Thăng Long ra đời (năm dời dô của vua Lý Thái Tổ - năm 1010). Tuy nhiên, Văn Hiến Thăng Long không phải đã được hình thành từ con số không. Hàng ngàn năm lịch sử trước đây đã chuẩn bị cho sự ra đời và phát triển của nó. Văn Hiến Thăng Long là sự tiếp nối và nâng cao của những phẩm chất của Con người Việt Nam đã được rèn đúc suốt bao nhiêu thế kỷ chiến đấu để tồn tại và phát triển.
Thăng Long – Hà Nội đã tiếp thu mọi tinh hoa của các vùng, nhào nặn lại theo yêu cầu của đời sống toàn dân tộc. ‘Hà Nội thanh lịch’ là nói về tính cách của một nếp sống, một lối sống đầy tính văn hóa, đó chính là cái bản lĩnh chung của dân tộc cộng với sắc thái riêng của đất Thăng Long – Hà Nội “Nghìn năm Văn hiến”.
Từ đó, ca khúc giàu tình cảm “Hướng về Hà Nội” đã gợi nhắc cho tôi biết bao niềm ưu tư lẫn và hãnh diện về Thủ đô, và cùng nhau cất tiếng hát ”Thăng Long hành khúc ca” của nhạc sĩ Văn Cao:
‘Cùng tiến bước về phương Thăng Long thành cao đứng
Trong khói sương chiều ám trên dòng sông
Nhị Hà còn kia! Nhị Hà còn đó!
Lũ quân chàng Tôn sập cầu trôi đầy sông
Tháp đây Gươm thần đâu dưới nước biếc
Có chăng bao người bao nhiêu luyến tiếc...
Ơi Thăng Long! Ơi Thăng Long! Ơ Thăng Long ngày mai
Xây đắp dưới vinh quang bằng chí khí anh hùng
Gần xa hò hét: Thăng Long! Thăng Long! Thăng Long thành!