Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


     VƯƠNG TRÙNG DƯƠNG, MỘT CÂY BÚT ĐA DIỆN  



                    

H ơn ba mươi năm trở lại đây, trên các báo Việt ngữ ở hải ngoại, độc giả đã quen biết bút hiệu Vương Trùng Dương, một cây bút viết nhanh, viết đều, đủ loại, viết những gì cần thiết, trên rất nhiều phương tiện thông tin, báo giấy, báo mạng, nhật báo lẫn tuần báo, tạp chí, những blog, web văn học.

- Viết nhanh, và đều. Rất nhanh, mỗi ngày có một sự kiện gì trong lĩnh vực văn chương nghệ thuật, âm nhạc, là chỉ cách một vài ngày sau đó, đã có ngay bài viết của Vương Trùng Dương. Dù một bản tin vẫn có ít nhiều tư/tài liệu cần biết về sự vụ ấy.

- Viết đủ loại. Một tác phẩm mới của một tác giả vừa ra mắt độc giả, một văn nghệ sĩ vừa qua đời, một cuộc triễn lãm hội họa, một đêm ca nhạc tầm cở, buổi thuyết trình văn học đáng lưu tâm, đều có bài viết của Vương Trùng Dương. Khi là tường thuật hiện tình, đôi khi là một bài nhận định, tiểu luận. Đương nhiên, theo cách viết “trường phái nhanh gọn” Vương Trùng Dương, không phải “chuyên sâu” như các phê bình gia chuyên nghiệp. Nhưng với Vương Trùng Dương, ta có ngay “Cái để đọc”.

Đây là một lợi điểm của Dương, trong một nhơn loại đương thì, cần thức ăn nhanh, ham cái “biết ngay tích tắc”. Thái độ chung hiện nay của quần chúng, qua mọi lĩnh vực, là lướt qua, lướt qua. Nhưng những qua nhanh này là biểu kiến của văn minh, của tiến hóa, không là cái lụp chụp kiểu ăn xổi ở thì.

- Viết những gì cần thiết. Mỗi ngày, mỗi tỉ sự vụ, làm sao viết cho hết. Sự phân loại, lựa ra những hiện tình cần thiết để loan, đề viết về, là một nghệ thuật. Vương Trùng Dương đã rất nhạy bén, nên đã có hằng trăm bài về các nhạc sĩ, văn gia, thi sĩ, những nhân vật nổi tiếng, xưa, tận nay.

Qua hàng chục năm cầm bút, Vương Trùng Dương, đã viết về những tên tuổi được liệt kê dưới đây:

- Nhạc sĩ, ca sĩ:

Hoàng Trọng, Đoàn Chuẩn, Lê Thương, Lê Trọng Nguyễn, Lan Đài, Trầm Tử Thiêng, Song Ngọc, Hoàng Nguyên, Lê Trạch Lựu, Nguyễn Văn Đông, Nhật Trường Trần Thiện Thanh, Anh Bằng, Nguyễn Hiền, Vũ Đức Nghiêm, Cung Tiến, Phạm Đình Chương, Đan Thọ… Thái Thanh, Mộc Lan, Thanh Thúy, Hà Thanh, Lệ Thanh, Lê Thu, Mai Hương…

- Nhà văn, nhà thơ:

Khái Hưng, Nhất Linh, Phan Khôi, Nguyễn Bá Trác, Nguyễn Thạch Kiên, Nguyễn Mạnh Côn, Duyên Anh, Bà Tùng Long, Cung Tích Biền, Nguyện Thị Thụy Vũ, Linh Bảo, Văn Quang, Văn Phan, Nguyễn Quang, Hà Mai Anh, Nguyễn Thụy Long, Trần Hoài Thư, Luân Hoán, Thái Tú Hạp, Mai Trung Tĩnh, Võ Thạnh Văn, Trạch Gầm, Trần Yên Hòa, Dương Viết Điền, Phan Xuân Sinh, Lê Đức Luận… Hoàng Cầm, Quang Dũng, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Hữu Loan, Nguyễn Bá Trác, Nguyên Sa, Lê Trạch Lựu, Lê Thương, Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Nguyễn Đình Toàn, Du Tử Lê, Trần Tuấn Kiệt, Hà Huyền Chi, Phan Nhự Thức, Lê Văn Trung, Trần Văn Sơn…

- Nhà nghiên cứu, nhà giáo:

Hồ Biểu Chánh, Trần Huy Bích, Lê Văn Khoa, Lê Mộng Nguyên… Những đề tài liên quan về Văn học Nghệ thuật, Âm nhạc…

Nhìn chung, Cõi viết của Vương Trùng Dương thiên về âm nhạc. Tâm sự về ngọn nguồn “ma đưa lối quỷ dẫn đường” vào cái cõi réo rắc lênh đênh của dây tơ tiếng kèn, chính Dương đã có lời tâm sự. Rằng thì, từ thuở bé anh đã say mê lời ca tiếng hát. Âm nhạc giúp anh hiểu biết hơn, giải khuây khi buồn, làm dịu cơn đau, mở rộng tâm hồn để tiếp cận với cái đẹp của thiên nhiên, con người.

Xem ra, hơn nửa số lượng Dương đã viết là về âm nhạc. Món này nó đa đoan diễm lệ hơn chốn văn chương thơ phú, hội họa rất nhiều. Bởi vì nó luôn, anh anh em em, người tình già đầu non, cô tình trẻ chỗ cổng trường; trong thị thành con đường tình bóng mát lá me bay, nơi chiến trường lửa đạn xương gãy thịt rụng tùm lum, vầy mà qua âm nhạc, tình huống nào cũng gởi gắm được cái nhớ nhung quyến luyến, quanh quẩn với Chữ Tình. Nhà văn, bị người tình cho ra rìa, hiếm khi ngồi kỳ khu, ra công viết cái truyện tả oán. Nhưng với một nhạc sĩ, lời than van tình lỡ tình sầu, tình oan trái, tình thiên thu, tình trong giây phút, tình nghèo tình muộn tình xa’’… lắm khi lại trở thành những tuyệt tác.

Nhạc sĩ nói riêng, âm nhạc nói chung là vị thần tình ái. Đủ mùi ca ngâm chỗ biệt ly tái hội. Tiếng tơ đồng, nhịp phách, lời ca nó xoáy vào tâm can con người, đục thẳng và tức thì, hơn mắt phải đọc, mặt phải nhìn từng dòng từng trang chữ. Lại khổ chữ lớn chữ nhỏ trên giấy tốt giấy xấu, đeo kính vào gỡ kính ra. Viễn thị cận thị thậm chí đui mắt vẫn rung cảm khi nghe tiếng nhạc. Nấu bếp, nhậu nhẹt, ngủ với vợ, là lúc sách vở, tranh họa đi chỗ khác chơi, bấy giờ tiếng nhạc lời ca lên ngôi.

Vương Trùng Dương mê nhạc, viết về âm nhạc, là đúng vậy rồi.

Luôn luôn làm việc nhưng thấy Dương cũng khá thảnh thơi. Mỗi sáng luôn có mặt ở một quán cà phê quen thuộc, cùng anh em, ngay cả thời gian 7 năm, phụ trách Section B (bài vở và layout) nhật báo. Những câu chuyện văn nghệ, lan man những sự đời gió trăng mây nước. Dương luôn vui vẻ, khiêm tốn, hài hòa thân thiện với mọi người. Văn là người. Văn phong của Dương cũng nhẹ nhàng, thoáng đảng. Chữ nghĩa khá dể hiểu.

*

Một khối tình con. Vì đời còn là một bài thơ.

Vương Trùng Dương, tên khai sinh là Trần Ngọc Dưỡng, sinh đầu tháng 2 năm 1945 (âm lịch tuổi Giáp Thân) tại Quảng Nam. Gia đình của Dương, từ lâu, định cư tại Chợ Được, một ngôi chợ khang trang nằm bên bờ sông Trường. Chợ cũng là bến ghe thuyền. Đò dọc theo sông dài, đò ngang qua bên kia sông là vùng ven biển Đông. Gần biển, những đêm mùa đông, trong chiếu chăn hãy còn nghe tiếng sóng biển ầm vang. Buổi chiều, đêm trăng, ngồi bến sông Chợ Được, nhìn sông dài trời rộng, những thuyền trôi, đẹp vô cùng. Sông Trường, non chín mươi năm trước, khi tôi tuổi lên mười, là con sông huyền hoặc, khá đặc biệt của Xứ Quảng.

Tại miền Trung Việt, hầu hết các con sông đều bắt nguồn từ cao, trong lòng dãy Trường Sơn, đổ xuống đồng bằng rồi ra cửa biển. Sông Trường không như thế. Nó chảy dọc theo bờ biển, gần như song song với con đường Cái quan, từ bắc vào nam. Nếu gọi nó có nguồn từ nam ra bắc cũng chẳng ai cãi cọ. Vì nó là một hợp dòng từ hai cửa biển chảy qua về với nhau. Phía bắc là cửa Đại, Hội An, phương nam là cửa An Hòa, Tam Kỳ.

Chẳng ai hiểu nó bắt nguồn từ cửa biển nào. Nên chẳng biết bờ sông bên nào là tả, hoặc là hữu ngạn của nó.

Hằng ngày, tuổi thơ, Dương nhìn ngắm sông, mê mây trôi lòng nước, cùng bọn nhóc nhảy ùm, tắm sông. Ký ức đã dìu dặt.

Sông Trường, có hai dòng nước từ hai cửa biển chảy vào ngược chiều nhau, An Hòa đổ ra, Hội An chảy vào. Mỗi khi thủy triều dâng, biển chảy vào mỗi cửa sông. Thủy triều hạ, nước biến cửa nào tự chảy trả về biển đó. Lúc triều dâng hay rút, nước sông Trường vẫn một dòng nước ngọt, không hề có cái lờ lợ vì pha nước biển. Nơi hai dòng nước ngược chiều đụng/gặp nhau là bến Tây Giang. Suốt chiều ngang sông từ bờ này sang bờ kia song, chỗ này, có một ngấn nước cao. Thủy triều hạ, ngấn nước tan. Sông lại hoàn sông. Chờ ngày mai, thủy triều lên, sự tình lại tái hiện.

Tuổi lên mười, tôi có dịp đến Chợ Được, may còn có dịp nhìn con sông rộng, những đêm trăng, thuyền bến, khu chợ đã vắng người, một vùng quê thơ mộng, bãng lãng vô cùng. Hôm nay Trường Giang đã cạn, chỉ là một con lạch nhỏ, những bùn lầy.

Hội An, một đô thị cổ, một thời rực rỡ cửa biển, mở ra đại dương với những thương thuyền Bồ Đào Nha, Y Pha Nho, Pháp Lang Sa, Nhựt Bổn… Hội An một thời ngủ dài, ngủ những mấy trăm năm, Hội An thức giấc với xiêm y, hình hài một di sản thế giới; Và, Sông Trường huyền hoặc bên này, Trường Sơn kỳ vĩ núi kia; những quần thể tháp Chàm Mỹ Sơn Đồng Dương; Và, Dòng sông Thu sức chảy bạt ngàn, phá bờ này thành vịnh nước sâu, bồi qua bờ kia thành những bãi dâu xanh chiều chiều; Quảng Nam, khí thiêng ấy đã giúp gì cho những danh nhân Xứ Quảng ở khắp mọi lĩnh vực?

*

Một lần, vào cuối thập niên 50s, thế kỷ trước, theo lời mời, tôi lại có dịp đến Chợ Được, để tập cho các em gái, thiếu nữ Phật Tử Chợ Được những màn vũ múa. Tôi đánh đàn và trực tiếp chỉ dẫn cho các em. Trong số này có hai người chị của Vương Trùng Dương. Bấy giờ Dương đang là một thiếu niên khá ngộ nghĩnh 14 tuổi. Dương rất mê tiếng đàn măng-đô-lin của tôi. Sinh hoạt Phật Tử nơi đây rất đông. Một ngôi chùa to đẹp, vườn chùa rộng đầy bóng mát, là do chính thân phụ Vương Trùng Dương đứng ra gầy dựng, và bảo tồn đã lâu năm.

Hai tuần ở Chợ Được là những ngày vui, những giờ hạnh phúc của chúng tôi.

*

Thời thế đã mau chóng đổi trắng thay đen, chiến tranh, ly tán. Mỗi phận người bỗng là, “Một chiếc linh hinh hồn nhỏ / man man thiên cổ sầu” (Huy Cận). Xa nhau tưởng đã quên nhau. Hai mươi bảy năm sau, 1987, tôi tình cờ gặp lại Vương Trùng Dương từ Đà Lạt về Sài Gòn, lúc Dương ghé thăm tôi. Bấy giờ Dương đã là một sĩ quan quân đội Cộng Hòa. Xuất thân khóa I Nguyễn Trãi, Đại học Chiến tranh Chính trị Đà Lạt (12/1966-5/1969). Phục vụ ở Tiểu Đoàn 20, rồi Tiểu đoàn 10 CTCT, sau cùng trở về quân trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt. Năm 1975, một thời gian đi trại tù Cải tạo trở về, Dương ghé thăm tôi, chuẩn bị cho năm 1990, đi định cư theo diện H.O tại Mỹ. Lại 29 năm sau, năm 2016 tôi gặp Dương tại Mỹ. Trên 55 năm (1959-2016) hai anh em chúng tôi chỉ gặp nhau một lần (1987) Sự quý hiếm ấy tạo ra cái tình thân thiết. Vàng này được thử lửa đời.

Lúc này, sau khi có mặt trên đất Mỹ, Vương Trùng Dương, đã có một bề dày hoạt động văn nghệ báo chí khá đáng khen. Là, thành viên trong Trung Tâm Văn Bút VN Nam California những năm đầu của thập niên 1990s và Hội Ký Giả Việt Nam Hải Ngoại. Tổng Thư Ký các tờ Việt Press, nguyệt san Thế Giới Nghệ Thuật, tuần báo Tình Thương, Đất Nước, Rạng Đông, bán nguyệt san KBC (2002-2005), nguyệt san văn học Tân Văn (một thời gian), nguyệt san Hồn Việt…

Năm 2005, Chủ Nhiệm Cali Weekly và trang web Cali Weekly. Năm 2008, phụ trách Section B của nhật báo Saigon Nhỏ (2008-2016, đảm trách bài vở và layout) & Tổng Thư Ký, Chủ Bút nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hòa cho đến nay.

Hiện nay Vương Trùng Dương sống tại Little Saigon, nhà cửa khang trang, con cháu đông đúc, tất cả học hành giỏi dang.

Viết những dòng này, tôi đã ở thềm tuổi 90, người em Vương Trùng Dương đã 80. Nhưng còn viết, còn chuyện trò được, cười vui cùng hoa cỏ, nếu tất cả có thể, thì cứ là vui.

Vương Trùng Dương viết nhiều về bạn bè, thân hữu… Nhưng, theo lời tâm sự chỗ riêng tư, Dương cho biết đã từ chối phỏng vấn về bản thân (chỉ có 2 lần với nhà báo Uyên Vũ và nhà thơ Triều Hoa Đại). Với tôi, Dương vẫn luôn luôn coi tôi như một người anh, một Huynh Trưởng trong Gia Đình Phật Tử vào cuối thập niên 1950s nơi quê nhà, vì tôi và người chị thứ sáu của Dương cùng tuổi và trong GĐPT (nay đã ra người thiên cổ). Cuộc đời gẫm lại, là một bài thơ. Bài thơ lung tung, không vần, không niêm luật bắt buộc, nhiều nắng vàng gió mưa tự động, bao rủi may bất ngờ, là một đời thanh thoát. Cứ là, tôi đến từ buổi sơ nguyên, và hẹn em ở thế kỷ sau. Lãng mạn dỏm, xem sao.

Senior Village Garden Grove Orange County, July, 2024




VVM.11.8.2024.