Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

MƯỜI HAI NHÀ THƠ MIỀN NAM
NHỮNG NĂM SÁU MƯƠI

* cao mỵ nhân * diễm châu * đào minh lượng *
* hà phương * hà yên chi * kiều thệ thủy * nhị thu *
* như lan * tuyết linh * thanh nhung * trần dạ từ * viên linh *


          DẪN NHẬP

          Giới thiệu 12 nhà thơ mới nhất hôm nay của Miền Nam trong khoảng thời gian 1955 đến 1960, tôi không làm công việc phê bình mà chỉ ghi lại cảm tưởng riêng khi nhìn họ qua thơ trong giai đoạn bắt đầu - dù nhiều tác giả đã xuất bản thơ, như Hà Phương, Hà Yên Chi, Diễm Châu … và có tác phẩm đăng nhiều trên tạp chí, sách báo, đích thực đã là nhà thơ nổi tiếng với giới thi ca vào giai đoạn này.
         Trước khi tập hợp một số bài báo thành cuốn MƯỜI HAI NHÀ THƠ MỚI NHẤT HÔM NAY (in ronéotypé trong Loại Sách Đại Nam Văn Hiến, Saigon 1961), những bài viết nói về các tác giả Cao Mỵ Nhân, Diễm Châu, Đào Minh Lượng, Hà Phương được đăng tải trên tuần báo Tân Dân, chủ nhiệm Mai Lâm Nguyễn Đắc Lộc, vào những năm 60-61, ký Đường Bá Bổn.
          1961
__________________________________________________
(*) Sách in lần này mang nhan đề : MƯỜI HAI NHÀ THƠ MIỀN NAM NHỮNG NĂM SÁU MƯƠI ký Thế Phong.


8 - NHƯ LAN
(Nguyễn Thị Như Lan, 194?)


Một người con gái nữa làm thơ ở tuổi ngoài hai mươi, khi cô đang còn ngồi trên ghế Nữ Trung Học Gia Long. Rồi giã từ tuổi hoa học trò làm cô giáo, gần gụi với lớp người măng trẻ ngây thơ. Tôi không được đọc tiếp những bài thơ vào tuổi đã ra đời của cô - mà ở đây chỉ giới thiệu những bài thơ khi cô giáo còn là học trò. Như Hoài Niệm, Màu Hoa Thương Nhớ, Lối Cũ, Trên Sóng Hoàng Hôn, Trở Về, Ngày Xưa. Riêng bài cuối này, in trên tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong vào năm 1960. Có lẽ đó là bài thơ mới nhất mà tôi được đọc của Như Lan.

Với tôi, một người con gái trẻ làm thơ quả là đáng quý trọng - hơn nữa lại là thơ mang một tâm hồn dung dị từ quê hương sông nước Đồng Nai.

Tôi đang sống ở Miền Nam, cảnh đẹp nơi này nhiều lần làm tôi say mê. Một rặng dừa xanh tốt lớp lớp kéo dài trên con đường thẳng tắp dài hàng mấy chục cây số đưa đến Kiên Giang. Cảnh sống thật êm đềm, nhìn từ phía ngoài vào, thật xúc động nóng hổi, nhưng hối hả và êm đềm phiá trong. Một khu rừng già ở Biên Hoà, một cảnh sông nước đẩy đưa cảnh chiều buồn Tân Uyên đầy bí hiểm. Tất cả linh hồn sống của đất nước Miền Nam, nhiều lần khiến tôi quên được cảnh vật lộn cam go cuộc sống. Chán chường với cơm áo hàng ngày - huống hồ bây giờ lại biết đến, có những chuyển biến tâm hồn của thơ phản ánh trong thơ Như Lan.

Thế giới trẻ thơ của Như Lan còn mang nhiều hình ảnh quê hương, nơi tác giả sống, miền Tân Uyên như có lần người đọc tìm thấy trong văn Lý Văn Sâm, qua tác phẩm Kòn Trô.

Và là người nữ, mấy ai không nói đến tình yêu! Tình yêu của Như Lan ở đây man mác trong thơ, hòa hợp với rặng cây xanh, nơi rừng chiều âm u khép kín. Nhất là một người nữ trẻ chưa thể bị đồng hoá với nếp sống toàn diện của đô thị, ồn ào tiếng động cơ, cơ hội làm lấm bùn bao tâm hồn ngây thơ, trong sáng.

Lối Cũ, bài thơ của Như Lan, nói lên sự thèm thuồng của một tâm hồn trong trắng đã mất đi - nghĩa lọc lừa biến đổi. Cô không dùng ngôn từ bay bướm, chau chuốt đậy che - nhưng chân tình bộc lộ:

Mà mấy năm rồi xa chị
Thiết tha nhớ bưởi Biên Hoà
Nhớ rừng Tân Uyên nắng xế
Nhớ đêm tắm ánh trăng ngà

Đô thành người ta lừa lọc
Đô thành người ta sa hoa
Chị ơi, từng đêm gục khóc
Bao ngày thơ cũ xoá nhòa.

Tôi không nói đoạn thơ này thật hay - nhưng tôi tin chiều sâu ẩn ức tâm hồn thơ muốn bày tỏ niềm chán chường đô thị - cầm bằng ngôn từ thơ nghiêng tay. Đó cũng là khuyết điểm chung của người mới làm thơ hay dùng hình ảnh sáo mòn.

Đến bài thơ Màu Hoa Thương Nhớ, Như Lan không làm dáng qua thơ như Thanh Nhung, hoặc điêu luyện súc tích như Cao Mỵ Nhân, hoặc chưa thể nhìn đời qua cặp mắt khinh bạc kiêu sa Hà Phương - mà trong thơ Như Lan, như tôi nói, lối thơ nhẹ nhàng, mang nội dung khắc khoải, bồn chồn, có mai mỉa cũng chỉ mỉa mai nhẹ nhàng, nhưng bao giờ cũng luyến mến tuổi thanh xuân mình đang có. Nếu toàn bài thơ trên có điều nào đáng trách cứ, theo tôi là điều này: lối xử dụng ngôn từ chưa mấy đúng chỗ nên bài thơ thiếu sự đồng nhất. Nói như văn hào Lỗ Tấn (Trung quốc), đó là mẫu mực, cơ hội ráp lại của sự lai căng, thiếu đồng bộ. Chẳng hạn như một người ăn mặc theo cách thức của tỉnh Hồ Nam, nói giọng Sơn Tây, xử thế theo lối Hồ Bắc. Với Như Lan, bài thơ mang khung cảnh miền Nam, tâm sự miền dừa cội nhưng lại có ngôn từ “mần răng” của quê hương xứ sở thân gầy. Dưới đây là một bài thơ rất gợi cảm của Như Lan:

Dửng dưng một buổi về đô thị
Lạnh những bàn chân bước nhịp buồn
Nắng đổ dặm dài thương cố lý
Mấy mùa sương gió ắp cô đơn.

Chân bước lê trên mộng úa nào
Như trên lá úa rụng chiều nao?
Tuổi thơ ngây chết bao giờ nhỉ
Và tại vì đâu mình xót đau

Cúi mặt mình đi giữa phố phường
Nắng mùa năm cũ hãy còn vương
Cành hoa thương nhớ loang màu máu
Tức tưởi sau nơi mỗi cổng trường

Xa biết bao nhiêu những chuỗi ngày
Tóc còn ươm mộng xoã ngang vai
Mắt xanh lưu luyến phương nào nhỉ?
Hoa đẹp bình minh cũng thở dài

Rồi giữa ngày xuân khóc giã từ
Xa thầy xa bạn khóc ưu tư
Để cho năm tháng tuy tàn tạ
Mà những ngày xưa chẳng xóa mờ

Chân dạn dầy trên mấy dặm đời
Nghe lòng thêm nhớ những niềm vui
Nắng không về áp hương trần thế
Mà tháng ngày phong những nụ cười

Màu đỏ lay hoang sắc phượng buồn
Màu hoa thương nhớ thuở nào vương
Để nghe lắng nhịp thời gian chuyển
Và đếm sân trên nẻo phố phường.

(trích trong Hoa Mười Phương)

Thơ lục bát của Như Lan xử dụng ý và lời Nguyễn Bính, cộng thêm đời chưa đắng cay của riêng cô - thứ cay đắng mà Trần Độc Tú (Trung quốc) chủ trương bát bất - gọi là thứ cay đắng chưa trải mùi đời cho lắm. Nhưng lời thơ có đoạn khá chau chuốt, tài hoa trong bài thơ Hoài Niệm, chứng tỏ tác giả khá dầy công phu luyện thơ cho riêng mình. Có những câu:

Tâm tư nghiêng ngả về chiều
Thư hồng đã viết những ngày vào thu
Mênh mông hồn mộng vu vơ
Mỉm cưởi đọc những lời thơ ngọc ngà
…………………………………
Nhưng mà mây nước gió đưa
Biết bao nhiêu chuyện hững hờ riêng tây
…………………………………
Sầu hoang đọng đắng đôi môi
Mênh mang mây nước, màu trời cô liêu
Tâm tư nghiêng ngả về chiều
Mộng hồn đã vỡ ít nhiều cố nhân.

Một đến hai đoạn trong bài thơ Màu Hoa Thương Nhớ ở trên, Như Lan hoài niệm về những ngày thơ ấu. Ôi! một ngày xa xưa ấy đã làm bao kẻ bỏ trường để mai này nhớ lại - sau nhiều lần vật lộn với sự sống cuộc đới cay nhục, thì mỗi lần đi qua mái trường xưa bồi hồi xúc cảm nhớ thương! Thơ Như Lan luyến mến mái trường xưa thật cảm động, khác hẳn thơ Hà Yên Chi chỉ ca tụng thế giới thần tiên hoặc thiên về hoài vọng tuổi xuân nhẹ nhàng theo lối thơ riêng biệt Hà Yên Chi. Tôi còn rất yêu đoạn thơ dưới đây của Như Lan :

Để chiều nhặt lá mùa thu
Kết thành mũ miện giả như bà Hoàng
Bà Vua không có giang san
Triều thần là những bướm vàng bơ vơ
Ngày xưa thơ hãy còn thơ
Sắc xanh đẹp tuổi học trò ngây ngô
Bao nhiêu tâm sự hững hờ
Chừ đây vọng nhớ người xưa mà buồn

( Ngày Xưa )

Những câu thơ này mang không khí thơ, ý tưởng là lạ, dễ mến, dễ cảm, dễ xúc động. Như một lần tôi yêu thơ Nguyễn Bính, có câu:

Em ạ, ngày xưa Vua nước Bướm
Kén văn tài mở Điệp lang khoa
Vua không lấy Trạng, Vua thề thế
Con bướm vàng tuyển đậu Thám hoa.

mang theo không khí của một triều đại đã mất, nửa hư mà nửa thực, khiến người đọc nhớ hình bóng cũ, liên tưởng tới truyền tộc dân mình, thơ thật hay! Mà cũng vẫn chỉ bằng hai câu thơ của Như Lan thôi:

Bà Vua không có giang san
Triều thần là những bướm vàng bơ vơ

Điều mơ ước nhất của tôi hôm nay: cầu chúc một Như Lan này cũng như nhiều Như Lan khác; sẽ triển khai đời sống thơ nội tâm thật sâu rộng, súc tích hơn nữa. Không ai có thể làm hơn Như Lan khi cô nói về tâm hồn của riêng cô suy cảm, kể cả quê hương cô sinh ra và lớn lên. Mỗi người trong chúng ta có một quê hương và chung một tổ quốc, thế là có một thế giới tâm hồn thơ yêu mình, yêu đất nước mình hết sức riêng biệt.

Mở rộng cánh cửa đời sống quê hương Miền Nam yêu dấu, Như Lan là bàn tay xây dựng dòng thơ quê hương sông nước mến yêu đáng tin cậy mà trước Như Lan, Vân Trang (§), Ái Lan vv… và trước nữa là Sương Nguyệt Anh chẳng hạn vậy.


9 - THANH NHUNG
(Công Huyền Tôn Nữ Nha Trang, 1941)



Lớp nhà thơ cùng thời với Như Lan, Hà Phương, Tuyết Linh là Thanh Nhung ở Nha Trang. Cô góp mặt trong các tuyển tập thơ Hoa Mười Phương, Tiếng Thơ Miền Trung và đăng thơ rải rác trên tạp chí Phổ Thông của Nguyễn Vỹ, tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong của Hồ Anh. Tổng quan mà xét, thơ cô không có gì thật mới lạ, chung chung trong khía cạnh thơ trữ tình, nhưng thơ có nét mạnh bạo về tư tưởng, hình tượng mới. Nếu so sánh thơ Thanh Nhung với thơ Hà Phương, thơ Thanh Nhung chưa đạt được tầm cỡ, kể cả tư tưởng và cách diễn đạt thì chưa bằng Cao Mỵ Nhân. Nhưng thơ Thanh Nhung có một sức sống đang bừng dậy.

Những bài thơ mang tên U Hoài, Hoang Dại, Giận Hờn, Cánh Chim Bằng, Mùa Xuân Thiếu Nữ, Chớm Mộng, Tưởng Niệm vv… rất súc tích ngôn từ thơ của thiếu nữ đến tuổi dậy thì, yêu đương, nhưng người thơ hơn được người khác là biết gieo vần, đặt cú pháp, ráp ngôn từ, lựa âm điệu để thành thơ. Hẳn sao thoát được hơn một lần chịu ảnh hưởng người thơ đi trước, như Nguyễn Bính, T.T.Kh, Vũ Hoàng Chương, Xuân Diệu… tôn làm thầy ở những bước đầu.

Trong Chớm Mộng, Giận Hờn, diễn đạt thơ theo kiểu cách làm nũng như thơ Giận Nhau của Nguyễn Xuân Huy, ở Đầu Mùa, ngôn từ thơ Xuân Diệu, nhưng non tay, ý dại. Và hương xuân thơ Xuân Diệu còn hoài ám ảnh trong thơ Thanh Nhung, nhất là Mùa Xuân Thiếu Nữ đời mình.

Hẳn tôi chẳng cần phải dài dòng thêm nữa! Hẳn đứt như thế rồi, vì độc giả có thể đặt câu hỏi: Sao tôi còn nói là triều thơ đang bừng dậy?, bởi lẽ trong sự chịu ảnh hưởng qua lại kia, vốn thơ đời riêng của Thanh Nhung phải nhận là có và đang có dáng dấp đi lên. Thêm một cách nhìn đời qua thơ kiểu à la mode Xuân Diệu, rất Tây phương mà lại hoá ngây ngô:

Khóc suốt đêm nay bởi nhớ thương

như Xuân Diệu có lần cũng rất ngây ngô viết:

Cũng như xa quá nên ta chỉ
Thấy núi yên như một miếng bìa

Bây giờ bàn đến toàn bài thơ Tưởng Niệm của Thanh Nhung - làm thơ để có thơ nghĩa là làm thơ cho có, không cần từ cảm hứng nào đưa tới, nôm na là trước và sau làm thơ vẫn chưa làm gì cả. Bằng chứng đại loại như bài thơ dưới đây:

Mưa xuống trong lòng đêm vắng lạnh
Đường xa hun hút gió căm hờn
Ngẩn ngơ hương khói tìm hư ảnh
Khóc suốt đêm nay bởi nhớ thương

Mấy trang thư cũ còn nguyên đó
Ý tưởng mười lăm trắng ngọc ngà
Người viết đã vào trong nấm mộ
Hồn trăng chừ đặt đâu phương xa

Đây cành hoa huệ tươi thanh sắc
Đây khói trầm hương dáng não nùng
Và cả lòng tôi đầy nước mắt
Mời hồn bạn cũ đến vui chung

Chập chờn dư ảnh ngày thơ ấu
Tưởng bóng người xưa đứng cạnh mình
Mái tóc sông Hương buồn diễm ảo
Mắt hồn nghiêng một mảnh trời xanh

Chưa nắm tay nhau mà han hỏi
Rưng rưng mắt nên sầu nhang khói
Kêu khẽ trong lòng Hạnh của tôi.
……………………………… (§)
1960

(trích tạp chí Phổ Thông)

Tôi đọc xong, thú thật chẳng một chút xúc động và tự hỏi có phải đây là cách xếp ngôn từ, ráp vần, nhịp điệu để có một bài gọi là thơ chăng? Một đoạn văn vần tầm thường không có ý tưởng, thương khóc đầy giả tạo, làm cho người đọc không thương cảm cùng. Cùng một nghĩa, khi đọc đến một loạt bài thơ như vậy, cần phải kể đêùn Hoang Dại, Giận Hờn. Dưới đây là một đoạn thơ điển hình cho điều nói trên, trong bài Hoang Dại:

Miền xa nắng đẹp
Tóc óng chiều sương
Màu hoa tim tím u buồn
Buộc hồn lữ khách ngàn phương đi rồi

Nỗi buồn, cảnh sầu, vẻ đẹp ban chiều, màu sim tím sẽ không làm ai chung cảm được với tác giả, vì lẽ Thanh Nhung nghèo nàn hình ảnh, ít cảm xúc, lại thiếu ngôn từ chứa đựng nội dung muốn bày tỏ. Chẳng hạn nói về một người đau khổ, không thể bật tiếng cười khoái trá, vỗ tay bảo bạn: Tôi đang buồn lắm đây. Nếu tin được vậy là buồn, quả nỗi buồn trở thành khôi hài, vô vị. Nếu muốn bạn tin mình buồn thiệt, phải cần có cảm xúc buồn đau thoát lộ trên mắt, môi, trong dáng điệu, cử chỉ. Nếu là động tác kịch cũng cần phải có nghệ thuật làm cho người xem tin là thật, huống hồ thơ - càng phải gây nhiều xúc động lâu bền, sâu sắc hơn - còn khẩu từ suông có làm ai cảm động thực bao giờ?

Đại để thơ của các nhà thơ trẻ hôm nay là bắt chước buồn đau mà thực chẳng mấy đau buồn! Thú thật, tôi phải đọc tiếp dăm bài của Hà Phương như vậy, hẳn tôi đã phải kêu lên: Thiên tài ở đâu, sao không hiện dưới mắt trần tục này, để ta mỏi mắt tìm mà không thấy! May mà tôi gấp lại và còn một lần nào đó, có hứng cảm lại đọc tiếp. Có lẽ không còn nhớ rõ một lần nào, nhưng thoáng tìm được tứ mới, cảm nghĩ chân tình của người thơ giội vào tâm hồn tôi. Còn nữa, một đôi ý tưởng trong thơ Thanh Nhung khá mạnh bạo:

… Tôi biết ngày xưa đã mất rồi
Hương yêu lịm chết giữa bờ môi
Chiều nay trong gió sầu hoang lạnh
Mộng cũ bơ vơ mấy nẻo trời

Trở mạnh xua tan những tủi hờn
Mà sao lòng vẫn thấy cô đơn
Thành kinh thiên hạ yên vui nhỉ
Nghe nỗi niềm đau rụng xuống hồn.

(U Buồn)

Thì ra Ai chiến thắng mà không từng chiến bại/ Ai đã khôn chẳng dại đôi lần (§) đúng một phần nào ở kinh nghiệm cuộc sống tác động vào tâm hồn Thanh Nhung để thành thơ. Giọng thơ có vẻ thấm đắng cay rồi đó, nó không còn nhơn nhơn (§§) nữa. Thêm một bài thơ thấu nghĩa đời, khá cảm động là bài Đầu Mùa :

Gió khẽ than van cùng lá biếc
Ngại ngùng chim nép cánh run run
Mưa đầy lối nhỏ lời da diết
Buồn cả trời mây, lạnh cả hồn

Một mảnh trời xưa trĩu nghẹn ngào
Dòng sông tình cảm phớt lao đao
Hồn mê mẩn rứt niềm cay đắng
Trời đoạ đầy tôi đến xứ sầu

Còn nhớ hôm nao cây lá xanh
Rèm thưa sương tỏa, khói xây thành
Tôi hồn dệt mộng - đời thơm ngát
Chắp cánh yêu thương lại xứ tình

Thuở ấy lòng hoa chửa vương sầu
Sương chiều đánh đắm ngọc trân châu
Nắng mơ làm thẹn màu nhung gấm
Triều đại thần tiên: giấc mộng đầu

Rồi mộng đầu theo mây viễn phương
Mỗi năm hoa lá rụng ven đường
Mỗi năm mùa cũ về ray rứt
Là một lần nghe tiếng đoạn trường

Thôi đã về đây mùa lạnh cũ
Tình thơ mờ nhạt bóng thương yêu
Gió mưa vội khép trời tương ngộ
Trời hỡi! Lòng tôi khổ rất nhiều.
1960

(trích tạp chí Phổ Thông)

Tâm hồn rất ư là người nữ, rất ư là Nguyễn Xuân Huy trong Nắng Đào, đọc thơ cảm được nét ngây thơ rất đáng yêu của Thanh Nhung, của những cô gái đến tuổi yêu:

Mọi người trêu em mãi
Thẹn thùng em bước đi
Em biết mình thôi dại
Bởi chưng đã dậy thì

Em trở nên mơ mộng
Trần gian đẹp bao nhiêu
Tâm hồn nghe rung động
Dâng rạt rào tình yêu

(Chớm Mộng)

Như bao người thơ nữ trẻ hôm nay, Thanh Nhung hướng dòng thơ về tình yêu. Ngoài tình yêu ra, không còn tìm thấy khía cạnh nào quan trọng khác! Yêu rồi đau khổ, rồi than vãn, luyến mến, sầu bi, tiếc nguồn yêu dấu khi xa nhau, thơ lãng mạn khổ đau. Nhưng thi tứ chưa mới, ngôn từ cũ mượn sầu đau, khóc lóc của người thơ tiền chiến. Thời đại này, hẳn không cần xác pháo nhiều để tiễn chân em, như mỗi lần người nữ đi lấy chồng, gọi là sang sông, sang ngang, hãy nên trả lại cho Mười Hai Bến Nước của Nguyễn Bính trước 1945. Như vậy, tính chất thời đại của văn chương hôm nay khỏi bị khuất lấp:

Đời thơm phức hương xuân mê mải
Ngắm dung nhan xao xuyến bản đàn lòng
Nghe rộn ràng như những chuyến sang sông
Mà lấy pháo làm tê môi thắm

Nội tâm lòng mình, đó là cả một kho tàng vô cùng phong phú, chỉ riêng mình có - lòng mình - cũng vẫn cần phải có chìa khoá mở vào để hiểu sâu hơn. Thiên tư thi nhân là phải tìm cái mới, cảm giác mới, rung động mới, tất nhiên phải dùng ngôn từ mới diễn đạt. Chúng ta làm người, có ai giống ai từ khuôn mặt, giọng nói, tính tình, như vậy mỗi người có một tâm hồn riêng biệt. Sao chúng ta không căn cứ từ khởi điểm này để khai triển cái riêng mà ta sống, nghĩ, cảm - chỉ riêng ta, ta có, riêng ta, ta mang. Tôi tin khi tâm hồn rung động phong phú gồm nhiều hình tượng sống mới dễ chấp nhận. Chúng ta không cần vắt lại rung cảm của bầu sữa cạn nguồn thơ tiền chiến. Hãy xa đi, mà chỉ nhìn đó như cái gương thôi, đừng bắt mình, hình dáng, cảm nghĩ mình từ hình dáng cảm nghĩ cũ đã qua rồi! Có thế mới có một nền văn chương hiện đại, mới ghi được sự sống một thời mới, điển hình cho một trào lưu mới - mà sự hiện diện chúng ta đúng là một may mắn nhất. Hãy đừng khóc như nhà thơ tiền chiến Vũ Hoàng Chương: Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ rồi sống bây giờ mà mượn bóng dáng, hình ảnh tâm tưởng, ngôn từ cũ để diễn tả lại cái mới của chúng ta. Đó là sự thiệt thòi, nói chung và cả nói riêng đối với Thanh Nhung. Tin tưởng rằng sẽ có một Thanh Nhung mới mẻ - nên những bài thơ khen và không khen trên đây, với người nữ Thanh Nhung chỉ là một cái đà bước tới.


...... CÒN TIẾP ...




VVM.06.12.2023-NVA.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. vietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .