Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
             


VẺ ĐẸP
RIÊNG TẶNG CÁC BÀ CÁC CÔ

  


Y phục của phụ nữ


Mới nghe đầu đề, ta chớ vội cho là một vấn đề nhỏ mọn không đáng bàn, một vấn đề thuộc về vật chất. Chính ra vật chất vẫn có mật thiết với tinh thần mà nó lại cùng với tinh thần phân biệt rõ ràng loài người với giống vật. Người ta khác giống vật là bởi trí khôn và bởi cả quần áo.

Các nhà đạo đức thường nói: “quần áo chỉ là những vật dùng đề che thân thể ta cho khỏi gió, mưa, nắng, lạnh, ta chẳng nên để ý đến cái đẹp, cái sang của nó làm gì”. Muốn theo đúng như thế, xoàng ra ta cũng phải là một bậc thánh hiền. Nhưng khốn nỗi, chúng ta chỉ là chúng ta, nghĩa là những người thường, sống, chết có hạn, đầy rẫy những lòng ham muốn, nhữờng tịnh xấu xa mà… tính ưa đẹp lại là một.

Ngoài sự tiện lợi, ta còn ưa thêm cái đẹp, cái sang. Chẳng phải chúng ta hây giờ mới thế, các cụ tổ ta đời xưa cũng đã vậy rồi, trừ các cụ “tổ khỉ” là không kể, cái đó đã cố nhiên vì… các cụ còn là khỉ, chưa biết diện.


Theo ý tôi, quần áo tuy dùng để che thân thể, song, nó có thể là tấm guơng phản chiếu ra ngoài cái trình độ trí thức của một nước. Muốn biết nước nào có tiến bộ, có mỹ thuật hay không, cứ xem y phục của người nước họ, ta cũng đủ hiểu.

Y phục của người các nước Âu, Mỹ không những rất gọn gàng, hợp với khí hậu xứ họ, mà kiểu mẫu lại rất nhiều và rất đẹp. Như thế đủ tỏ ra rằng họ có một cái trình độ trí thức rất cao, một nền văn minh rất rõ rệt và luộn luôn tiến bộ.

Đoái nhìn lại nước nhà, tôi không khỏi có điều chán nản. Trừ y phục của bọn trai chúng tôi, phần nhiều phỏng theo kiểu mẫu của người Âu, Mỹ, còn y phục của các bạn gái, tôi xem thấy có nhiều điều bất tiện mà lại không có vẻ chi là mỹ thuật.

Tuy rằng vài năm gần đây, y phục của các bạn gái cũng có một vài phần sửa đổi, song sự sửa đổi đó chẳng qua chỉ ở mấy cái màu sặc sỡ, mấy thứ hàng lạ nước ngoài. Rút cục lại, đâu vẫn hoàn đấy. Công sửa đổi cũng bằng thừa.

Phụ nữ đời nay có khác phụ nữ đời xưa họa chăng ở chỗ không đội nến thúng quai thao, không đi dép cong hay giày “mõm nhái” như họ. Còn thì, vẫn kiểu áo lòe sóe ấy, vẫn cái quần lụng thụng đen ngòm ấy. Hoặc giả cũng có người ưa mặc quần trắng, song tiếc rầng số đó rất ít. Họ có ít không phải là họ sợ mặc quần trắng nó sạch quá, chỉ tại họ sợ cái dư luận “quáng gà” của người mình. Hơi trông thấy bóng một cô mặc quần trắng đi qua là y như có kẻ bất bình nói mát… nào là tân thời, nào là lố lăng, thôi thì đủ thứ… Nhưng nghĩ cho kỹ, những kẻ đó bất bình cũng phải… Vì sao các cô giảm không theo họ ở bẩn? Vì sao các cô lại tư tiện bỏ quần đen, nó là cái quốc hỗn quốc tuý của họ? Vả quần đen có bẩn cũng chẳng ai thấy mà lại đỡ tốn công giặt. Rõ dại vô cùng.

Nhưng nói là nói vậy, nếu các bạn gái không sợ ở sạch, tôi sẽ khuyên nên mặc hẳn quần trầng. Cái quần trắng cũng như cái đường ngôi lệch, đôi giày gót cao, e nó chẳng hề tiêu biểu cho sự lãng mạn, dâm ô.

Nếu các bạn cũng lại đồng ý như tôi: “sống thời buổi nào, theo thời buởi ấy” mà muốn lựa gió xoay chiều, tôi xin đánh bạo khuyên thêm các bạn nên sửa sang lại bộ áo.

Sửa sang không phải là công việc dễ. Vẫn biết rằng mỗi bước tiến là một bước hay, mỗi điều mới là một điều lạ, song bước vội hay ngã, mà mới quá, có thể làm ta chướng mắt. Vậy sửa đổi, ta phải sửa đổi dần, tỉ như người trèo thang phải trèo từng bậc.

Bộ áo của các bạn gái rồi đây phải như thế nào?

Trước hết, nó phải hợp với khí hậu xứ ta, với thời tiết các mùa, với công việc, với khuôn khổ, với mực thước của thân hình mỗi bạn; sâu nữa, nó phải gọn gàng, giản dị, mạnh mẽ và có vẻ mỹ thuật và lịch sự. Nhưng dù thế nào, nó cũng phải có cái tính cách riêng của nước nhà mới được. Các bạn là phụ nữ Việt Nam, vậy áo của các bạn phải có một vẻ riêng để người khác khỏi nhầm các bạn với phụ nữ nước ngoài, như nước Tàu, nước Pháp. nước Nhật Bản chẳng hạn… mà cả nước Lồ-lố nữa, (nếu nó cũng là một nước).

Các bạn thử để ý nhận xem, cái áo hiện thời của các bạn có điều gì bất tiện, và thừa không?

Muốn để các bạn khỏi mất thì giờ vô ích, tôi xin thưa: Chính cải cổ là thừa và hai ống tay bất tiện. Cúc cổ chẳng bao giờ cài thì cái cổ để làm gì, tôi xin hỏi? Để che cổ ư? Thì nó nhỏ xíu thế kia, che thế nào đủ, vả lại áo các phụ nữ nước lạnh bên Âu, Mỹ còn chẳng cần cổ, nữa là xứ ta khi hậu rất nóng. Còn hai ống tay thì… thì các bạn cứ thử co tay lại vuốt mái tóc mà xem. Có phải nó chật quá không? nó khó chịu và bất tiện lắm không? Mà người không dám co tay vào, duỗi tay ra thì mất hết vẻ tự nhiên, mềm mại, yểu điệu của trời đất phú riêng cho các phụ nữ không?

Không những thế, các kiểu áo của các bạn nó lại còn kỳ dị lắm nữa. Nếu các nhà mỹ thuật bên Âu, Mỹ qua xứ ta, chẳng may lần đầu mà được thấy những bộ áo của các bạn, tôi dám chắc họ phải ngạc nhiên mà buột mồm kêu: “Ố là là…” (nếu họ là người Pháp).

Phải, họ lấy làm lạ là phải, vì phụ nữ nhà Nam sống trong thế kỷ hai mươi này mà còn giữ những bộ quần áo lôi thôi, lốc thốc như thế ư?

Trời sinh ra người, vốn sẵn dành cho các hình dáng riêng, chỗ nở, chỗ thắt hợp với đủ phương diện mỹ thuật chứ chẳng phải là trơn tuột như cái hộp kẹo sìu hay ống bột “Nét-lê” [Nestle]. Bởi vậy áo mặc phải ăn với người, phải có đường lối văn minh thì vẻ đẹp ấy mới có thể lộ ra ngoài được. Sau nữa kiểu mẫu phải tủy theo từng người mà thêm bớt. Ví dụ như áo người gầy phải nhiều nếp chếp thêm mà áo người mập mạp phải cho lẳn thì trông mới mất vẻ khẳng khiu hay sồ sề. Muốn các bạn hiểu được những sự sửa sang hay thêm bớt đó thì từ kỳ sau tôi sẽ lần lượt phô bầy những kiểu mẫu tôi đã nghĩ được.

Tôi mong rằng rồi đây các bạn gái sẽ mạnh bạo mà tiến bước, gác bỏ ra ngoài những điều bình phẩm vô giá trị. Vẫn biết rằng: người ta phải cầu dư luận, nhưng dư-luận “quáng gà”, ta có quyền vứt bỏ. Điều gì hay, ta theo, dở ta bỏ, miễn là ta không làm gì quá lạm, rởm đời, có thể tổn đến hạnh phúc, hại đến dạnh dự của ta và của nước.


Lần này tôi hãy tạm cho một kiểu áo mới ra mắt các bạn. Mới thoạt trông chắc có người cho là lạ. Song của đáng tội, nó cũng hơi lạ thật. Nó lạ là vì nó mới, nó gọn gàng – nếu tôi không dám bảo là đẹp – nói tóm lại là vì nó khác với kiểu mẫu hiện thời của các bạn. Cái đó đã cố nhiên, nếu để tâm suy xét, hẳn ai cũng công nhận như vậy.

Sửa sang mà lại không mới, không khác kiều mẫu cũ thì chẳng ai còn dám sửa sang cho “to chuyện”.

Vậy kiểu áo này tuy có đôi vẻ khác thường, xin các bạn cứ yên lòng. Không những nó có một tính cách riêng, nó lại còn tỏ cho người ngoài biết rằng: nước ta đã đến thời kỳ biết cải cách và riêng cũng có bộ quốc phục hợp thời. Ngoài ra nó lại còn đúng với phép vệ sinh, thâu gồm các vẻ mỹ thuật và thêm giúp dáng điệu của “phái đẹp”.

Sở dĩ tôi cho hơi chật ở chỗ bụng là vì tôi muốn phân biệt rõ ràng phần ngực với phần bụng. Trái hẳn với ý tưởng của một vài nhà đạo đức Việt Nam, người Tây đều cho bộ ngực cần nhất cho nhan sắc phụ nữ. Một người con gái đẹp mà “không có ngực”, nghĩa là ngực lép kẹp như chiếc đồng hồ Oméga – thì không thể nào gọi là một người đẹp hoàn toàn được…

Có người khi trông thấy một thiếu phụ có bộ ngực nở nang thường ra chiều mai mỉa, vì họ cho thế là chướng, là lẳng lơ. Đối với người đó, nếu ta đem ý tưởng Âu Tây, tinh thần mỹ thuật ra giảng, chắc họ không khi nào chịu hiểu. Họ có biết đâu rằng chính người mình cũng hay dùng câu: thắt đáy lưng ong để tả một người con gái đep. (Một số báo sau, tôi sẽ có bài nói về cách luyện bộ ngực cho được nở nang).

Từ bụng trở xuống, ta nên thu, hẹp lại cho mất vẻ lòe xòe. Nhưng, có một điều tôi muốn các bạn đề ý theo hơn hết là nên bỏ hẳn chiếc vạt con và cho chùng thêm các vạt chính. Ngoài hai việc lau tay và hỉ mũi, ta để vạt con không những nó không ích gì thêm nữa, mà nó lại còn bất tiện vì về mùa rét, ta mặc hai, ba áo kép một lúc thì những vạt con ấy chồng chất lên nhau sẽ làm cho ta khó chịu và người trông sẽ thành một bên phồng cộn, còn một bên lép kẹp.

Còn các vạt chính, tôi khuyên nên cho dài chút nữa, không phải để đối chọi với những chiếc pardessus de ville của phần nhiều công tử âu trang đâu mà chỉ vì tôi nghiệm rằng: phụ nữ các nước cũng cho là áo có hơi chùng – nhưng đừng lụng thụng – thì mới tôn được vẻ đẹp.

Ta cứ để ý xem áo của phụ nữ các nước văn minh như Pháp, Đức, Nhật cho đến những dân tộc mà ta cho là ít tiến hóa, sống trong những núi thẳm, rừng xanh (các cô Mường Hòa Bình, Thái ở Phong-thổ) ta sẽ thấy rõ. Dù họ không đồng ý nhau hẳn ở những thứ hàng, kiểu may, họ cũng giống nhau được ở chỗ cho vạt chùng là đẹр. ./.

Báo Phong Hóa 1934





VVM.06.12.2023-

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .