T háng 12 năm 1914
Cuộc chiến kéo dài đã 5 năm rồi. Người ta, các bậc chỉ huy, cũng đã hứa hẹn với những người lính rằng họ sẽ được hồi hương vào dịp lễ Giáng Sinh năm đó, tuy thế không một ai còn tin vào lời hứa này nữa. Mặt trận miền Tây đang sa lầy. Mỗi bên bờ của giải đất chạy dài từ Nieuport đến Verdun, những người lính của cả hai phiá thù địch đều đã được thưởng thức một phong thổ ghê rợn mà gần như mỗi vật dù lớn hay nhỏ hiện diện nơi đó đều tiềm ẩn những điều quái qủy chết người. Khi ngọn gió cực kỳ rét buốt của mùa Đông được nối tiếp sau những cơn mưa lũ của mùa Thu, những kẻ thù địch hai phía chợt khám phá được ra rằng những điều kiện phong thổ cũng gây sự chết chóc hệt như bom đạn.
Trong vùng Flandres - nước Bỉ - nơi mà nước ngập cao đến cả thước trong các chiến hào, những cập chân của rất nhiều người lính bị ủng thối, những mắt cá chân đen xạm rồi...tự động rơi rụng. Chứng hoại thư gây ra bởi sự ngâm dầm kéo dài trong xình lầy này đã được những người bác sĩ quân y Anh đặt tên là "Trench Foot".
Mặc dù người ta cũng đã tuyên truyền rầm rĩ trên báo chí, đài truyền thanh, những bản diễn văn, những tuyên bố...về tinh thần dũng cảm cao độ và sự quyết tâm hy sinh cho những gì gọi là chủ nghĩa, tổ quốc...để động viên những người lính mà đại đa số đã bị bắt buộc phải cầm súng để gọi là bảo vệ cho những gì được người ta nhân danh những từ ngữ cao đẹp : chủ nghĩa, tổ quốc, đất nước, giống nòi...nhưng trên thực tế tinh thần của những người lính có mặt đã từ rất lâu trong các chiến hào lúc này đã thật xuống dốc.
Để cứu vãn tình trạng , bộ tham mưu phía Đức đã tung ra một trận tiến công trên toàn bộ mặt trận vào ngày 19 tháng 12 . Trận đánh diễn ra được mô tả như một cuộc thảm sát kinh hoàng chỉ có thể xảy ra trong một giấc mơ kinh dị sâu thẳm.
Phải chăng con người cần phải có những lời ca tụng, tâng bốc để lao thân tự hủy hoại mình, để tàn sát đồng loại ???.
Gần đến ngày lễ Giáng Sinh, dưới chiến hào của những người lính Anh bắt đầu chất những món qùa Noël của thân nhân từ hậu phương gởi tới, cả bên chiến hào phía hàng ngũ lính Đức cũng thế : quần áo lạnh, thuốc lá, bánh kẹo... Dù những lá thư từ hậu phương được tới tấp gởi cho họ cũng không thể làm họ nguôi ngoai được nỗi nhớ nhà, nhớ đến một mùa Giáng Sinh nào đó bình an bên bếp lửa hồng ấm áp trong một qúa khứ đã thật quá xa xôi... và ... ngày về ... ôi một ngày về khó tưởng tượng là sẽ có ...
Buổi chiều buốt lạnh của ngày 24 tháng 12 năm đó...
Một không khí lạ lùng im lìm bao trùm dải đất hẹp giữa hai dãy chiến hào thù nghịch.
Những người lính gác Anh ghi nhận có một cái gì "huyên náo kỳ quặc" nhưng rất đáng "nghi ngờ" trong chiến hào phiá kẻ thù Đức ... rồi ánh sáng lung linh, chập choạng loé lên từ dưới những chiến hào...rồi thoang thoáng âm thanh của một bài hát...
Những người lính Anh bảo nhau : Bọn lính Đức lại định dở trò trống mới gì đây ?
Một người lính Anh cố lắng tai rồi nhận ra được âm thanh của bài hát "O Tannenbaum" và rồi...cũng chính anh ta, người lính Anh này, chợt chu đôi môi lại để nhẹ nhàng huýt sáo bài "O Christmas Tree"... lúc đầu cũng chỉ dăm ba người nhẹ lời hát theo, rồi chục người, hàng chục người, hàng trăm người truyền nhau dài theo lũy chiến hào, lây sang chiến hào khác... đồng cất lời hát như trong cùng nhịp điệu...bên kia dải đất lời hát tiếng Đức "O Tannenbaum" và bên này dải đất lời hát tiếng Anh..."O Chrismas Tree" và "O Tannenbaum" trầm thống quyện lẫn vào nhau, bi thảm quấn quyện vào nhau và những tròng mắt những ngươì lính nhòe ướt...
Trong lòng những người lính Anh khi đó nhất định phải có một câu hỏi : Phải chăng bọn "Teutons Đức" kia cũng là người như họ ? Để rồi trong bóng đêm, thấp thoáng qua làn sương mù, những người lính Anh lại phải đặt ra một thêm câu hỏi khác : Những cành thông rực ánh sáng bên bờ hào kẻ thù kia có ý nghĩa gì ? bởi một lẽ vào thời kỳ này phần đông tại các nước Âu Châu người ta chưa biết truyền thống của người Đức với cây Thông trong mùa Giáng Sinh, và những Tommies - "lính Anh" đều ngớ ngẩn .
Đêm Giáng Sinh êm đềm trôi qua ... và mặt trận miền Đông vẫn yên tĩnh .
Sáng sớm hôm sau, ngày 25, trên một vùng cao của địa phận Saint-Yvon, trung úy Anh Bruce Bairnsfather, cha đẻ ra "Old Bill", người lính hài hước trong truyện bằng tranh vẽ, đã chứng kiến sững sờ một "bức tranh siêu thực" :
Trong làn sương mù lạnh buốt còn chưa tan hết, một người lính Đức, đầu đội chiếc nón sắt với chiếc mũi nhọn hoắt, tiến chậm rãi về chiến tuyến Anh vẻ mặt hớn hở với một nụ cười trên môi, đưa cao về phía trước cây thông nhỏ được trang trí vài ngọn đèn cầy nhỏ lung linh ánh sáng mà anh ta đang cầm trên tay . Bên những chiến hào của những người lính Anh, nhiều mũi súng chĩa hướng về anh lính Đức hớn hở này ... họ vừa chĩa súng vừa hỏi nhau : Phải chăng đây là một cái bãy mà bọn Đức dăng cho họ ?. Họ nhìn nhưng vẫn không bóp cò súng của họ. Rồi, sau đó, 3 người lính Đức xuất hiện, rồi 5, rồi 10 ... leo qua những hàng rào kẽm gai ranh giới ngăn đôi vùng đất "không người và đầy sự chết chóc " . Trước hiện trạng khó có thực này, những người lính Anh cũng không biết phải phản ứng thế nào...và sau đó... trên dải đất nhỏ hẹp chết chóc chỉ cách nhau hơn 150 thước của ngày hôm qua...những người lính y phục ka ki (Anh) và những người lính khoác chiếc áo choàng dài xám (Đức) đã siết tay nhau, bô lô ba la vài câu mà người đối diện chỉ đóan hiểu là lời chào hỏi hay chúc mừng gì gì đó !.
"Bức tranh siêu thực" này đã xảy ra không xa Ypres miền Đông vùng Flandres .
Thật khó tưởng tượng và nghĩ được khi nhìn những kẻ thù mới chỉ đêm hôm qua mà lúc này lại có thể trao đổi
với nhau những điếu thuốc, những món bánh kẹo và cụng ly với nhau giữa khung cảnh hoang tàn ghê rợn chết
chóc mặc cho ngôn ngữ bất đồng, vả chăng ngôn ngữ có còn là một biên giới cho họ trong lúc này không ? Không, trăm lần không, vạn lần không .
Một tiểu đoàn lính Ecosse đề nghị đá banh với một trung đoàn lính Anh . Trận đá banh diễn ra với vị trọng tài là ... một anh lính Đức và khán giả cổ võ là những người lính của hai phe thù nghịch ... Những người lính Đức cười nghiêng ngửa khi khám phá được rằng những người lính Highlanders - Anh lại tồng ngồng trong những chiếc kilt (váy) của họ đang mặc. Có cảnh nhìn phải rơi nước mắt khi chứng kiến những người lính của hai phía giúp nhau để chôn cất những người xấu số, đã bỏ mình còn nằm rải rác trên chiến địa , bất kể đó là Đức hay Anh.
Những vùng khác cuộc ngưng chiến chỉ diễn ra duy nhất một đêm Giáng Sinh nhưng tại vùng Ypres thì vẫn "tự động" kéo dài trong ngày 26 tháng 12.
Tại Anh Quốc, gia đình những người lính Anh đã nhận đưọc hàng loạt thư từ từ mặt trận gởi về đề cập đến cái mà những người lính Anh ngoài mặt trận gọi là "tình người" của những người lính Đức : Ở hậu phương mọi người đều sững sờ, họ không thể hiểu được nữa.
Trên bộ chỉ huy tối cao Anh thì nhất định cái sự kiện "siêu thực" kia phải được chấm dứt . Để siết chặt lại mọi việc điều động chỉ huy : hàng loạt văn kiện, thông báo, mệnh lệnh được phổ biến tới tấp tất cả chỉ với nội dung giản dị : Thân thiện hoặc liên lạc dưới bất cứ hình thức nào với kẻ thù sẽ bị đưa ra toà án quân sự và có thể bị kết án tử hình vì đó là tội phản...quốc.
Những người lính Anh đã được biết các văn thư, mệnh lệnh, thông báo kia nhưng cho dù rằng họ đã bị cảnh cáo, đã bị đe dọa, hầu như tất cả không nghe, không muốn nghe, không muốn biết và cũng chẳng cần biết nữa bởi lẽ họ cảm thấy rằng họ gần gũi những kẻ thù của họ, bọn lính Đức khốn khổ như họ, đang ở dưới các chiến hào ngập nước lạnh buốt bên kia cũng như họ ở bên này, hơn là những vị tướng lãnh, thủ tướng, bộ trưởng của họ ở Luân Đôn.
Những vị sĩ quan chỉ huy trực tiếp của họ ra lệnh cho họ phải nổ súng nhưng họ cũng vẫn giả bộ như không nghe được lệnh.
Thế rồi...Bộ Tổng Chỉ Huy lực lượng Anh Quốc đã phám phá ra và xử dụng một
biện pháp giản dị nhất nhưng
cũng hữu hiệu nhất :
Trong lúc dưới chiến hào đẫm nước lạnh cóng, những người lính Đức còn đang say sưa tiếp tục hát những bản hát
của mùa Giáng Sinh , chắc chắn họ vừa hát vừa nghĩ đến gia đình, cha mẹ, vợ con...ở quê nhà hay nghĩ đến sự thân thiện với một người lính Anh nào ngày hôm trước,
thì...một trận hồng thủy bom đạn sối xuống đầu họ .
Thế rồi ... cuộc thảm sát lại tiếp tục.
Để tưởng niệm những người đã hy sinh một cách vô nghĩa và cũng để ghi lại một giấc mơ của mùa Đông năm đó, một chiếc thập-tự-giá cao một thước đã được dựng lên ngay tại nơi đây, đối diện với trang trại Notredame, giữa cái hố sâu chứng tích của một chiến hào và một cánh đồng .
Ôi một giấc mơ hy vọng chan chứa tình người nhưng lại quá ngắn ngủi !.
Viết kể theo phim thực hiện bởi Vikram Jayanti