Việt Văn Mới
Việt Văn Mới



ĐẠO THỜ CÚNG

TỔ TIÊN CỦA NGƯỜI VIỆT



  
        

P han Kế Bính ở những năm đầu thế kỷ 20, theo xu hướng Duy tân của các nhà nho, nhất là Ðông Kinh Nghĩa Thục, đã nhận xét về tục phụng sự tổ tiên, với ý kiến đả phá những rườm rà của tục ấy trong xã hội Việt Nam ta. Ông viết trong Việt Nam Phong Tục: Xét cái tục phụng sự tổ tiên của ta rất là thành kính, ấy cũng là một lòng bất vong bản, cũng là một việc nghĩa vụ của người. Nhưng cũng nên biết rằng sự cúng cấp là để tỏ cái lòng thành kính, chứ không phải để mà phụng dưỡng tổ tiên, thì dùng cách nào cho ngụ được cái lòng ấy cũng đủ.

Nói đến thờ cúng tổ tiên người ta nghĩ ngay đến cúng giỗ. Nhà nào nghèo và đơn chiếc lắm một năm cũng vài cái giỗ lớn: ông, bà, cha, mẹ. Lớn ra lại thêm bác, chú, cụ rồi tổ. Có giỗ chính, giỗ giúi. Mà giỗ nào thì cũng phải có đồ ăn bày lên bàn thờ, rồi vàng hương cúng quảy. Nhà nào mà không có giỗ hay không làm được giỗ thì coi như đại bất hạnh. Người ta sống nhiều vào ngày tết và ngày giỗ vì vào những dịp ấy là họ hàng mới có dịp tụ họp, để trước là cúng người quá cố, sau là ăn giỗ.

Thờ cúng tổ tiên không chỉ là một hiện tượng đơn thuần xã hội, và như nhiều người thuộc lớp tân học coi là một trở ngại cho công cuộc đổi mới xã hội, hay là duy tân cho tiến kịp các nước tiền tiến, điển hình là nước Pháp. Theo mới nghĩa là Âu hoá. Thực ra nếu cứ nhìn vào văn hoá Tây phương làm khuôn mẫu, thì họ không có thờ cúng tổ tiên như ta thật, mà cũng không vì thế mà mất bản chất con người. Trái lại không có những thành kiến, những ràng buộc gia đình áp chế tự do cá nhân. Người ta gọi đó là những hủ bại của gia đình cần phải phá bỏ để cho cá nhân được tự do.

Trước khi có phong trào Duy tân hướng về Ðông Phương theo gương Nhật Bản, xã hội Việt Nam vẫn coi thờ cúng tổ tiên như một thứ đạo. Nguyễn Ðình Chiểu đã nói lên điều này:

Thà đui mà giữ đạo nhà
Còn hơn có mắt ông cha không thờ.

Ðạo nhà tức là thờ cúng gia tiên, hay là đạo thờ cúng ông bà tổ tiên.

Ðể cho rõ hơn, chữ Ðạo khác với chữ Tôn giáo mà người ta dùng để dịch chữ Religion. Sự thờ cúng tổ tiên đã được nâng lên thành một sinh hoạt tâm linh, một đức tin vững chắc vào sự hiện hữu của tổ tiên đã khuất ở thế giới bên kia.

Vì có ý hướng duy tân và với óc duy lý của nhà nho mà Phan Kế Bính đã hạ giá tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên như một sinh hoạt đúc tin xuống thành một tình cảm thành kính nhớ ơn và ngưỡng mộ tổ tiên, do đấy mới nói là dùng cách nào cho ngụ cái lòng ngưỡng mộ ấy là đủ. Trong khi đó thì người dân lại có một tin tưởng khác là tổ tiên vẫn gần gũi với con cháu và sẵn sàng tham gia vào mọi công việc của con cháu cũng như khi còn sống. Họ có thể dùng quyền uy ở cõi âm để che chở giúp đỡ người sống.

Việc cúng giỗ chính là biểu lộ sự đối xử của con cháu với tổ tiên đã khuất như khi còn sống. Người ta cụ thể hoá câu của Khổng Tử sự tử như sự sinh. Trước cúng, sau ăn. Cỗ lớn thì tổ tiên mừng cho con cháu thành đạt; cỗ nhỏ, chén cơm quả trứng, tổ tiên biết lòng thành của con cháu nghèo nàn mà giúp đỡ.

Dù đã trải qua rất nhiều sự đánh phá, bài bác, tục thờ cúng tổ tiên của ta vẫn không vì thế mà bị diệt. Ngày nay nó là một yếu tố đức tin để đi vào tìm hiểu sinh hoạt tâm linh của người Việt.

Một câu chuyện vui rất xưa, nhưng biểu lộ được cốt lõi của đạo thờ ông bà của ta. Có một người Pháp chê một người Việt rằng: tổ tiên của các anh đã chết rồi, có ăn uống gì được đâu mà bày thực phẩm ra cúng. Bằng cớ là cúng xong cỗ cúng vẫn còn y nguyên. Ông Việt Nam đáp lại: thế người chết của các anh có ngửi được không mà các anh bày hoa cúng? Chuyện là chuyện vui nhưng nó bày tỏ sự khác biệt về tâm lý của hai bên.

Bởi không phải chỉ có Việt Nam là có đạo thờ ông bà. Tục thờ cúng tổ tiên ở Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và ở nhiều dân tộc khác thuộc Á Châu cũng có. Tùy theo xã hội mà có nghi thức khác nhau, nhưng mẫu số chung vẫn là tin vào linh hồn của tổ tiên luôn luôn ở quanh ta để chia xẻ buồn vui và giúp đỡ con cháu.

Lúc này chúng ta đã có đủ bình tâm và khách quan để tìm hiểu về truyền thống tín ngưỡng làm căn bản cho gia tộc người Việt Nam; để nếu nói gia đình là nền tảng của xã hội thì nếu muốn xã hội mang tính chất nhân bản thì ngay tự gia đình cũng đã phải là hạt nhân của xã hội nhân bản. Có khi nào người ta lại vì người khác khi đã lấy hạnh phúc cá nhân làm cứu cánh. Ðạo thờ ông bà không phải chỉ đơn thuần là những bữa cúng giỗ để con cháu họ mạc hưởng thụ thực phẩm, mà còn có nhiều hệ quả đối với xã hội. Ở Việt Nam khác với Trung Hoa hay Nhật là có Phật Giáo Hòa Hảo đưa ơn tổ tiên cha mẹ lên hàng thứ nhất của Tứ ân (ơn tổ tiên cha mẹ, ơn đất nước, ơn Tam bảo và ơn đồng bào nhân loại ).

1. Nguồn gốc của đạo thờ cúng tổ tiên

Sự thờ cúng tổ tiên xuất phát từ một tin tưởng người ta có phần thể xác và tinh thần. Phần tinh thần còn lại sau khi phần xác chết đi: thác là thể phách còn là tinh anh. Sự tin tưởng vào linh hồn bất diệt và sống trong thế giới u minh, hay là cõi âm là một tin tưởng có nguồn gốc sâu xa và rất phổ quát trong hầu hết các dân tộc tiền sử.

Người tiền sử đối xử với người chết như khi họ còn sống và tin rằng linh hồn họ luôn luôn quanh quẩn cạnh người nhà để giúp đỡ và che chở cho những người ruột thịt. Những linh hồn ấy sống trong cõi âm nhưng vẫn quanh quẩn ở dương thế dù với mắt người không nhìn thấy được gọi là ma. Tục thờ linh hồn người chết này có rất sớm và tạo nên bản sắc tín ngưỡng truyền thống của Việt Nam. Qua nhiều thời gian, tục này có thay đổi nhưng trên cơ sở tin tưởng vào sự không hủ nát của linh hồn tổ tiên thì vẫn không suy xuyển.

Có thể nói rằng tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một tín ngưỡng bản địa của dân tộc Việt Nam có cùng với cư dân ở khắp nơi, không những từ miền Nam sông Dương tử xuống đến các hải đảo xa xôi ở Ðông Nam Á. Khi bị văn hóa Hán, tiêu biểu là Nho, Lão, Phật xâm lấn, bao trùm thì tín ngưỡng này không mất, nhưng lại biến đổi lớp vỏ ngoài và đã làm cho văn hoá Hán phải thích ứng theo tín ngưỡng cổ. Còn những dân tộc ở quá xa xôi trong rừng sâu, không có điều kiện tiếp xúc với các nền văn hóa khác thì vẫn còn giữ tục thờ linh hồn nguyên thủy với những nghi thức chôn cất thờ cúng cổ xưa.

Từ căn bản, quan niệm duy lý của Nho giáo về siêu hình là công nhận có linh hồn, có quỷ thần, nhưng không đặt nặng trọng tâm suy tư vào đấy; kính quỷ thần mà xa ra. Thế mà chuyển sang sinh hoạt thì lại thờ người chết như đối với người sống (sự tử như sự sinh) tức là coi nhười chết như vẫn còn hiện diện trước mặt với đầy đủ ý thức tâm tình của người sống và nhất là có khả năng làm được nhiều điều mà người sống bị hạn chế. Biến thái cao nhất của tục thờ cúng tổ tiên là những người đại biểu cho Nho Giáo, hay dùng Nho Giáo làm căn bản xây dựng hệ thống quyền lực cai trị, đã chủ trương việc tôn vinh những người có công có đức lúc sống bằng việc ban tên thụy, tế lễ long trọng trong dịp tang ma, ban tiền bạc, ruộng tế để con cháu thờ phụng. Không thể nói đó là thủ đoạn chính trị để mua sự trung thành của bề tôi, mà phải nghĩ rằng chính triều đình cũng chia xẻ một đức tin vong hồn của những bề tôi vẫn luôn luôn ở cạnh để vẫn giúp vua như lúc sinh tiền.

Nói đến đạo Nho thì phải nói đến chữ Hiếu. Con thờ cha mẹ không những lúc đang sống, mà ngay khi một vị quan dù lớn trong triều đình mà gặp tang cha mẹ, cũng phải xin nghỉ để cư tang, có khi còn làm túp lều bên cạnh mộ để gần gũi vong hồn mới mất của cha mẹ. Ngày nay chúng ta coi là cổ hủ vì chỉ nhìn ở hiện tượng; nhưng thực ra đó cũng xem rất giống như đầu mối của tục thờ ma của một số bộ tộc còn sinh sống gần đây trên các vùng thượng du hay cao nguyên, là khi người thân chết, họ đặt vào áo quan làm bằng một thân cây đục rỗng, dựng ở góc nhà, như thế để sớm hôm ra vào vẫn như còn gần gũi như lúc còn sống. Một thời gian lâu sau mới đem chôn.

Quan niệm người chết đi sang một thế giới khác vẫn sinh hoạt tuy có thể thay đổi vị thế, như khi còn sinh tiền nên thân nhân phải lo cho người chết đầy đủ để cuộc sống ở thế giới mới không gặp khó khăn, thiếu thốn. Việc tùy táng do đấy có tính chất phổ quát không chỉ ở dân tộc Việt Nam, mà còn có ở nhiều dân tộc khác trên thế giới từ rất lâu đời vẫn còn tồn tại đến ngày nay, dù đã có vài thay đổi về chi tiết. (2)

Khi đã phát triển thành một xã hội nông nghiệp định cư trên một địa bàn rộng lớn, thì việc thờ cúng gia tiên cũng tiến hành song song với sự thành hình rộng rãi gia tộc. Lúc ấy bắt đầu nảy sinh quyền hạn và bổn phận riêng của gia tộc cũng như cộng đồng. Những sinh hoạt tâm linh cũng thay đổi theo chiều hướng cái nào thích hợp với xã hội mới thì được chuyển hóa; cái nào không hợp thới sẽ bị đào thải. Tục thờ cúng gia tiên là một chuyển hóa quan trọng từ tín ngưỡng thờ linh hồn, và nó trở thành căn bản cho tổ chức gia đình, lớn hơn là họ hàng đối với xã hội đã định cư.

Người ta rất khó giải thích hay chứng minh sự hiện hữu của các vong hồn người thân, nhưng người ta vẫn tin tưởng và đã tạo nên một niềm tin vững chắc rằng chết chưa phải là hết. Vong hồn vẫn sống với gia tộc nhưng với mức độ thiêng liêng hơn để có thể hoặc làm hại cũng tàn khốc hơn người sống hay phò hộ thì gặp may mắn hoặc gạt bỏ được tai ách. Ở mỗi thời đại, sự tin tưởng này có mang theo nhiều yếu tố của thời đại ấy. Vong của những người của thế kỷ 20 lại dùng những tiện nghi khoa học của thời đại này. (3)

Văn hoá Tây Phương, tiêu biểu là văn hoá Pháp theo những người đô hộ sang ta đã làm thay đổi nhận thức của ta từ đầu thế kỷ 20. Nguyên nhân từ mặc cảm thua sút về văn minh dẫn đến sự mất chủ quyền quốc gia, khiến người ta luôn nghĩ rằng nếu theo được văn minh Thái Tây thì nước nhà sẽ hưng thịnh. Từ những chuyện lớn quốc gia đại sự đến những chuyện người ta coi là nhỏ nhặt như việc giỗ chạp, nền tảng gia đình nếu theo được Tây chắc sẽ đưa xã hội đến tiến bộ.

Thực sự người ta thấy Tây không có giỗ và gia đình họ mạc của Tây cũng quá đơn giản, không hề có bàn thờ gia tiên. Theo sự suy nghĩ của những người tân học hầu hết hồi đó thực sự tuổi còn rất thanh niên, phần lớn chỉ ở độ tuổi 30 mà với sự thành đạt Tây học, khiến nhất thiết điều gì xưa cũ cũng đều là cổ hủ. Tiếng nói của nhà nho đứng tuổi dù là đi làm cách mạng chống Pháp, duy tân cũng không được đánh giá cao vì những người lớp trẻ có thành kiến rằng Nho Giáo là một trở ngại trên đường tiến hóa.

Thờ cúng tổ tiên không thuộc phạm trù triết học để bàn cãi rồi tin hay không tin. Nó đã là một bản chất của nhân loại ; hơn thế nữa tình gia đình còn thấy ở cả một số động vật nữa. Tùy theo địa phương và thời đại, những biểu hiện có khác nhau, nhưng bản chất vẫn là sự thương yêu và đùm bọc người thân trong gia đình và lan ra đến họ hàng.

Cụ Phan Bội Châu là người nhiệt liệt chủ trương Duy tân. Cụ đã ở Nhật và trực tiếp quan sát được những đổi mới đã đưa Nhật đến địa vị cường quốc, cạnh tranh ngang ngửa với các quốc gia tiền tiến Tây phương, như một tấm gương sáng cho phong trào duy tân. Cụ đã dạy bảo từ thời ấy là phải duy trì nền tảng gia đình với tục lệ thờ cúng tổ tiên bằng một câu nói rất đơn sơ nhưng rất nặng ý nghĩa: Tôi biết ít chữ, dạy lại cho con trẻ để sau này nó biết khấn tổ tiên. Cả một nền Nho học không truyền lại điều gì mà chỉ dùng chữ Nho để khấn tổ tiên vào ngày cúng giỗ. Cụ Phan muốn nói rằng dù nhận định cái học nhà nho đã hỏng rồi phải thay bằng cái học khác; nhưng nền tảng gia đình mà tinh thần là sự thờ cúng tổ tiên phải duy trì. để như chất keo sơn gắn chặt các thành viên trong gia đình nhỏ với gia tộc lớn mà từ đó kết hợp thành tinh thần đoàn kết dân tộc.

Tục thờ cúng tổ tiên tuy có nguồn gốc từ tín ngưỡng cổ sơ nhất của loài người, nhưng qua thời gian và địa phương lại có những thay đổi về nghi thức và phạm vi, nó biểu lộ rõ ràng sự tiến bộ trong tổ chức xã hội nông nghiệp.

Thông thường việc thờ cúng tổ tiên của chung một họ diễn ra ở nhà thờ tổ và được giao cho một người gọi là thừa tự trông nom săn sóc bàn thờ, đèn nhang cúng vái ngày thường và tổ chức ngày giỗ để con cháu tụ họp đông đủ lễ tổ tiên, sau đó thừa huệ cỗ bàn. Ta gọi là trước cúng sau ăn. Giỗ to nhỏ tùy theo ngôi vị trong gia tộc. Gần như người ta không quên một phần tử nào trong gia tộc đã thất lộc. Ngay những người chết trẻ thường được coi là linh thiêng nên thờ gọi là bà cô hay ông mãnh.

Ðã có một thời người ta (đây là những ông Tây và những ông Tây da vàng) chê rằng tục thờ cúng gia tiên không hợp lý, mê tín; và trong đầu óc duy lý đó nghĩ rằng thờ cúng tổ tiên là thờ những người quá cố trên trước của gia chủ như cụ, ông bà, cha mẹ; trong khi đó thờ tổ tiên của Việt Nam, nơi theo sự hình dung tưởng tượng của người ta lại là nơi quy tụ của những người cùng họ đã khuất. Nói rõ thì gia tộc chết cũng như gia tộc sống chỉ có khác nhau một đằng ở dương gian và một đằng ở âm phủ. Nếu ở dương gian gia tộc đã hiện hữu phức tạp và thân tình thế nào thì cái tộc họ ấy ở dưới âm cũng như vậy.

Một tác giả Tây học ở đầu thế kỳ 20 đã nhận xét rất xác đáng về sự hiện diện của tổ tiên trong gia tộc người Việt như sau: Người Hán Việt cho rằng việc tin tưởng kẻ chết vẫn sống vô hình bên cạnh người sống là điều tự nhiên thông thường. Mối tin tưởng này không phát xuất từ một hành vi đức tin, từ nhu cầu hy vọng hoặc nhu cầu giải thích bí nhiệm sự sống, đây không phải là một xác tín khó lý giải; đây là một điều xác thực buộc họ phải công nhận với sự hiển nhiên như của các thực tại hữu hình và khả giác. (4)

Ngày trước ta đã chỉ trích tục thờ cúng tổ tiên mà nhất thiết không tìm hiều rõ cội nguồn và những biến thái của nó để có thể thấy phần nào những thay đổi ở tương lai.

Người ta không nói đến tử vì tổ tiên, như tử vì Ðạo để thấy rõ mức cuồng tín với Ðạo thờ ông bà hoàn toàn không có gì để so sánh với điều mà người ta gọi là đức tin tôn giáo. Nổi bật nhất lại là tin vào mối dây thân ái của tổ tiên liên kết mọi thành phần trong gia tộc. Ý thức ấy đã tỏ lộ trong một đoạn văn khấn tiêu biểu trong ngày giỗ: Con là…Việt Nam quốc…tỉnh…huyện…xã…thôn…, chiếu lệnh đã truyền, cảm xúc sâu xa, cẩn cáo…và trước linh tọa, xin kính cáo: nhân ngày lễ giỗ, con xin kính tiến trầu, rượu, bánh, trái, giấy bạc giấy vàng. Khấn xin…cùng mọi thành phần gia đình cư ngụ từ đường cũng như bà con ruột thịt lẫn bà con thông gia đồng lai phối hưởng. Cẩn cáo (5).

Từ tín ngưỡng thờ linh hồn sơ khai đã biến ra một thứ phải gọi là Ðạo thờ cúng tổ tiên với đầy đủ đức tin và nghi thức đã làm nên sức mạnh tinh thần cho những thành phần trong gia tộc mà xét về nhiều mặt tích cực cũng như tiêu cực phải gọi là yếu tố căn bản của văn hoá Việt Nam.

2. Từ thờ cúng tổ tiên đến gia đình họ mạc

Thờ cúng tổ tiên là tinh thần của gia tộc. Không có quan niệm tổ tiên khi chết vẫn quanh quẩn sinh hoạt với những thành phần của gia tộc thì không thể lấy cái gì mà liên kết những người cùng chung huyết thống lại với nhau; để mặc dầu vì hoàn cảnh làm ăn hay gặp nghịch cảnh phải xa lìa đất tổ, họ hàng thì vẫn thấy xa là xa không gian nhưng mình vẫn còn ràng buộc bằng tinh thần với họ hàng. Việc giữ giỗ của họ lớn là do tộc trưởng đã đành, nhưng người ta đã không cấm mà còn khuyến khích những người ở chi thứ vẫn giỗ những thân thuộc trực hệ và gần thì như là ông bà cha mẹ chẳng may khuất núi. Ta thấy một hệ thống chân rết ở họ hàng từ gần đến xa qua nhiều đời dù phải xa lìa, dù không biết mặt nhau, nhưng vẫn có cái tình máu mủ để mà quan niệm rằng giọt máu đào hơn ao nước lã. Có khi đánh nhau vỡ đầu đấy mà khi nhận ra biết là có họ đánh nhau vỡ đầu mới biết anh em thì thôi chín bỏ làm mười, thương yêu nhau vì cùng là con cháu một tổ sinh ra.

Không cần biết rằng quan niệm và tổ chức gia tộc này là của Trung Hoa truyền sang ta, hay là của bản địa nảy sinh do nhu cầu định cư và sản xuất nông nghiệp mà thành; mà chỉ biết rằng nó đã lớn lên cùng dân tộc và tạo thành bản vị của văn hóa truyền thống dân tộc. Những tư tưởng ngoại lai đến sau như Nho, Lão, Phật đã phải biến dạng theo nó. Không phải vô căn cứ mà Quan Âm ở Việt Nam và Trung Hoa là Phật Bà, và Quan Âm Thị Kính của Việt Nam mang nhiều dấu vết tín ngưỡng thờ gia tiên. Ðạo Nho từ khởi nguyên Khổng Tử nói: quỷ thần kính nhi viễn chi (quỷ thần kính mà xa ra). Thế mà theo với lịch sử và xã hội mà Ðạo Nho muốn dung hợp đã phải đổi sự tử như sự sinh (thờ người chết như thờ người sống ). Khởi đi từ một triết lý coi chết chưa phải là hết và người chết hay là tổ tiên hiện diện trong gia đình mật thiết đến nỗi thay vì ngự trị ở một cõi cao xa, một thế giới tách biệt, họ được coi như vẫn giữ vị trí của mình trong giây liên hệ họ hàng, trong đẳng cấp phẩm trật gia đình. Vì thế nghi thức cúng giỗ được sửa soạn như khi, hay còn hơn hồi họ còn sinh tiền.

Bàn thờ tổ tiên là nơi để tổ tiên về hưởng giỗ chạp, được đặt ở gian giữa nhà. Nếu là nhà thờ tổ (từ đường) cũng phải đặt giữa nhà thờ họ và do tộc trưởng trông nom; nhiều thì hàng ngày thắp nhang, không thì cũng phải các ngày giỗ chính cùng là sóc vọng, tết nhất, hay những việc đột xuất khác như hiếu hỉ, khao vọng.

Trên bàn thờ bày những đồ thờ nhang đèn như đỉnh trầm, cây nến, mâm bồng, có khi thêm cặp hạc và bình bông, Nhưng quan trọng hơn cả là bài vị của tổ tiên ( còn gọi là linh vị, thần chủ). Ngũ đại mai thần chủ ( năm đời thì chôn bài vị ) tức là trên bàn thờ đến đời thứ tư. Riêng ở nhà thờ tổ thì thờ từ vị tổ khai sáng, (hay vị thủy tổ), cho nên đã thấy ở Trung Quốc những nhà thờ họ mà bài vị xếp từ dưới lên cao dày đặc như mái ngói. Còn ở Việt Nam vì chiến tranh nhiều, cuộc sống bấp bênh nên ít có tình trạng nhà thờ tổ bền vững được hàng nghìn năm.

Bàn thờ là chỗ thiêng liêng của gia đình cho nên nghèo thì bàn thờ mộc, giàu thì bàn thờ sơn son thếp vàng, các đồ thờ bằng đồng. Tuy nghèo nhưng so ra thì luôn luôn phải hơn những vật dụng khác trong nhà. Bàn thờ là biểu tượng cho nguồn cội của gia đình mình, cho nên trong xã hội cũ mà vì hoàn cảnh làm ăn nghèo túng, Tết nhất, giỗ chạp không có được mâm cơm cúng, người ta khổ sở và tủi hổ vô cùng. Chúng ta ngày nay không hiểu được vì sao con nợ ngày xưa phải bằng mọi cách trước tết đi chuộc bát hương về để bày bàn thờ cúng gia tiên.

Sinh hoạt của tổ tiên cũng như sinh hoạt của người sống. Thậm chí người ta còn nhớ cả những điều sở thích hay không ưa, kiêng khem của người quá cố để khi giỗ ngày Tết bày ra cúng hay không được dùng. Sự kiêng cữ này ở cấp bậc lớn hơn là cái hèm. Phạm vào điều cấm kỵ thì tổ tiên giận, không hưởng cỗ, có khi trừng phạt con cháu, như thuở còn sinh tiền dạy dỗ con cháu, hay có khi còn trừng trị bằng roi vọt; nhưng bây giờ thì lại làm cho đau ốm, hay không thuận lợi trong sinh hoạt.

Việc kiêng hèm này còn lên cao đến các đền thờ như ở đền thờ Hai Bà Trưng, dân cúng bánh trôi để nhắc lại tích các Bà tự trầm chứ không để lọt vào tay giặc. Trong đền thờ thì lại tránh màu đỏ (5).

Tương ứng với thế giới bên kia, tổ tiên 5 đời thì bỏ thần chủ (bài vị) vì coi như đi đầu thai; ở đại gia đình sống thì ngũ đại đồng đường. Hiếm có người sống quá trăm tuổi vì thất thập cổ lai hy ( Bảy mươi xưa nay đã hiếm).

Tổ chức gia tộc với nhiều thế hệ ở chung với nhau trong một địa bàn với nhiều nhà liên kết trong một khuôn viên có tường hay hàng rào kiên cố bao bọc. Những họ mạc này sống qua nhiều đời và luôn giữ dây thân tộc dù có phải vì lý do loạn lạc hay sinh kế mà không thể sống quây quần với nhau

Những tụ cư của một đại gia đình như thế, bước đầu vì lý do an ninh khiến những người định cư phải sống gần nhau để bảo vệ chống lại thú dữ hoặc trộm cướp. Khi ở đồng bằng hết thú dữ thì là giặc cướp. Ðại gia đình phát triển lớn với khoảng năm đời chung sống, cùng với những người giúp việc có thể đông đến vài trăm người, đủ để thành một ấp lớn. Nền luân lý gia đình chính là pháp luật cho mọi người trong tập đoàn ấy tuân theo mà cư xử. Nền luân lý gia đình ây chủ yếu là giáo dục con trẻ trong gia đình, xa là trong họ noi theo đức độ của tổ tiên để không có những hành vi gọi là làm điếm nhục gia phong, đứng về mặt tiêu cực; còn tích cực thì phải học hành, nếu là họ có văn học, mà phần lớn thì họ văn học vốn là tiêu biểu để mọi người dân vươn tới, thì con cháu phải lo học hành, thi đỗ làm quan, khiến vẻ vang cho họ và nối chí tổ tiên đã có thời thịnh đạt.

Với tổ chức gia tộc và nền luân lý chủ ở gìn giữ công đức tổ tiên, các thành phần trong gia đình mà lỡ trong họ có người làm điều trái thì tự mình là con cháu xấu hổ, không giám nhìn ai.

Như Leopold Cadiere đã phân biệt giáo dục gia đình của người Việt với giáo dục tôn giáo như: Bình đẳng trong tình thương cha mẹ dành cho chúng, con trai, con gái cũng bình đẳng trong sự giáo dục chúng nhận lãnh. Ðây tôi ( Cadiere) nói đến giáo dục gia đình, không nói đến lối giáo dục xấu hay tốt chúng có thể nhận lãnh trong các học đường hiện đại.

Chẳng có trong gia đình, trong chùa chiền lẫn đâu khác, việc dạy đạo, nghĩa là một giáo trình tôn giáo, như thấy tại Campuchia chẳng hạn, nơi mà mọi con trai đều buộc phải qua một thời gian nào đó ở trong các chùa. Vả lại ai dạy? dạy gì? Ðâu có cơ quan tôn giáo chuyên trách việc bảo tồn sự tinh tuyền của hệ thống giáo lý mạch lạc, quy tắc luân lý rõ ràng. Thậm chí Phật Giáo, vốn có tín điều, luân lý và phẩm trật, vẫn không được dạy cho các trẻ Annam, và đấy là một trong nhiều lý do khiến ta không thể xếp người Annam vào số các dân tộc Phật giáo được. Người Annam chẳng biết gì về đạo này, Nhưng tất cả đều biết những gì liên quan đến việc thờ cúng tổ tiên và thần thánh.

Ấy là vì cho dẫu không có huấn giáo đúng nghĩa, cũng có một sự đào tạo tôn giáo nào đó, và sự đào tạo này có được qua kinh nghiệm cá nhân, nhờ trẻ nghe và thấy.

Trước tiên chúng thấy nhiều sự kiện trong nhà chúng hay trong nhà một ông bác của chúng có một bàn thờ tổ tiên, các thành viên trong gia đình, xét như thành viên của gia đình chứ không xét như là gì khác, thỉnh thoảng lại tụ họp nhau trước các bàn thờ ấy để làm một số nghi lễ; bên cạnh nhà cha mẹ chúng, có nhiều am miếu, nhiều nơi thánh, tại đó các hào mục trong làng hoặc cả làng đều đến cúng tế vào một số ngày nhất định. (6)

Người ta gọi tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên cũng không phải là quá đáng, tuy nhiên ý nghĩa của chữ tín ngưỡng là lòng tin vào một tôn giáo theo định nghĩa Tây phương không hoàn toàn áp dụng cho tổ chức thờ cúng tổ tiên của gia tộc Việt Nam. Ở gia tộc không có hàng giáo phẩm và bàn thờ tổ tiên ở mỗi gia đình không phân biệt trưởng thứ đều đông đúc dần theo cuộc sống. Nhà thờ họ nơi dòng họ ấy lên đến tổ khai sáng có khi lâu đến mấy trăm năm là thường.

Sự gìn giữ hương khói của một gia tộc cũng quan trọng như gìn giữ những thành phần của gia tộc còn sống. xảy cha còn chú, xảy mẹ bú dì. Trong họ phải đùm bọc nhau sao để đừng có việc thoát ly gia đình, xa dời họ hàng, làng mạc. Người ta rất sợ cảnh tha phương cầu thực dù có thể nhờ đấy mà làm ăn khấm khá giàu có hơn khi còn ở lại làng gần họ hàng. Nhưng người ta vẫn có một thôi thúc tình cảm để sao cũng phải sống gần họ hàng, ít ra thì ngắn ngày và một khi thất lộc đi rồi thì sao cho được chôn ở gần phần mộ tổ tiên để lại được gần gũi nhau trong một thế giới khác.

Chúng ta có thể ngày nay bằng nhận thức thiên về lý trí khoa học chê cười sự mê tín đó. Nhưng tại sao ta tin vào một đức tin với Chúa với Phật, mà lại nghĩ rằng tin vào sự hiện diện của linh hồn tổ tiên là nhảm nhí và mê tín. Thực sự nhìn chung từ rất lâu người Việt Nam khi lên chùa hay xem lễ nhà thờ phần lớn vẫn là cầu phúc hơn là cầu sự giải thoát. Người ta vì gia đình, họ hàng hơn là vì hạnh phúc cá nhân, nên để khuyên can những phần tử có quyền thế dễ gây tội ác cho người khác thì thành viên của gia đình, gần là cha mẹ, xa là chú bác cô dì đều khuyên nhủ ăn ở hiền lành, đừng làm ác để phúc lại cho con cháu. Không có tinh thần gia tộc, nhiều khi người ta không muốn có những hành động có tính chất tốt đẹp lâu dài. Người ta lo cho thế hệ tương lai hơn cho hiện tại. Một thế hệ tương lai gần sát chứ không phải lối viễn tưởng muôn đời cho con cháu mai sau.

Nhìn kỹ ta thấy các tôn giáo lớn của thế giới như Nho Giáo, Lão Giáo, Phật Giáo và sau này là Thiên Chúa Giáo cũng đã có nhiều thay đổi để thích ứng với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên bản địa. Tín ngưỡng này liên hệ nhân quả với gia tộc. Gia tộc không thể bền vững nếu không có tổ tiên làm sợi dây liên kết ràng buộc người sống với người chết để cùng mưu hạnh phúc cho nhau. Tổ tiên được thờ cúng như khi còn sinh tiền ( đôi khi còn hơn) để gây phúc cho con cháu. Do đấy gia đình có nhiệm vụ nối dài giòng giống với tương lai rực rỡ. Các phần tử trong gia đình trong khi thi hành các lễ nghi đối với tổ tiên thì sẽ nghĩ tới tương lai mình cũng không bị lìa xa gia tộc khi chết, cho nên nỗi đau đớn nhất của người ta là không có người tiếp nối gia tộc, hay là không có hậu. Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại.

Tình cảm đã được nâng lên nhgư một bổn phận là chữ Hiếu. Không có lòng hiếu người ta không lấy gì để liên kết gia đình. Ở lòng hiếu thảo không thể có sự miễn cưỡng hay giả trá mà tình cảm gia đình bền vững được. Ta cũng không phải lo lắng để mất thì giờ bàn cãi về ngu trung hay ngu hiếu Ngay từ khởi thủy của Ðạo Nho, Khổng Tử cũng đã không chấp nhận chữ hiếu mù quáng, nghĩa là con cái phải tuân phục ý kiến của cha mẹ dù đúng hay sai. Sự tương quan giữa cha mẹ và con cái đề tạo nên lòng hiếu là ai cũng phải nghĩ đến tiện nghi của nhau. Phụ từ tử hiếu ( cha hiền từ mà con thì hiếu) mới giữ được tình cảm tốt đẹp của gia đình.

3. Quan niệm phúc đức với gia tộc Việt Nam

Cây xanh thì lá cũng xanh
Cha mẹ hiền lành để đức cho con.

Ở những buổi đầu đại gia đình sống quây quần vừa tiện cho việc sản xuất nông nghiệp, vừa để tự vệ chống cướp bóc và thú dữ cùng thiên tai. Xã hội nông nghiệp càng về sau tổ chức càng hoàn chỉnh, người ta đã tìm ra một triết lý hành động lấy cứu cánh là sự trường cửu của gia tộc. Việc hoạt động của cá nhân trong một gia tộc có liên quan mật thiết đến sự sống tinh thần của mọi thành viên trong gia tộc. Người ta muốn một cuộc sống miên trường ngoài đời người để theo kinh nghiệm sống mà quan niệm phúc đức được thành hình. Có người không tin vào phúc đức vì đó là một hiện tượng khó lý giải bằng lý trí. Nhưng việc may rủi mà ngày xưa người ta trông vào phúc đức ông bà cha mẹ, thì vẫn dùng lý luận trốn chạy thực tế rằng đó chỉ là sự tình cờ không do tính toán của con người. Những hên xui, may rủi không do con người tính toán hay nỗ lực mà đạt được thì người Việt chúng ta cho là do phúc đức ông bà phù hộ gặp may, lánh dữ. Chúng ta ngày nay dù có gạt ra ngoài nhận thức việc may rủi, nhưng không nhất thiết là nhận nó hoàn toàn không có. Hành động ấy cũng giống như con lạc đà vùi đầu vào trong cát để bảo rằng không có sư tử mà thôi. Không giải thích nhưng không cấm chúng ta tạo điều kiện để cho những điều may xảy đến và điều dở tránh đi, đó chính là việc vun trồng phúc đức:

Người trồng cây hạnh người chơi
Ta trồng cây đức để đời mai sau.

Lấy đức làm căn bản thì mọi thành phần trong gia tộc phải tu thân làm sao để cho phúc đức nhà mình được tròn và nó tỏ lộ ra ở những hoạt động gọi là ở hiền gặp lành. Ðôi khi chúng ta tránh né việc giải thích một số sự kiện xảy ra ngoài lý trí như những sự may rủi. Không hẳn lúc nào cũng là quả báo nhãn tiền để người ta góp đức như một hình thức đầu tư có lời; mà phần nhiều là phúc dày nhiều đời cho con cháu: đời cha ăn mặn, đời con khát nước. Một hành động cẩu thả ở đời này sẽ lưu lại hậu quả xấu cho đời sau với con cháu mình. Cũng bởi người Việt lấy cứu cánh là sự vinh mậu của gia tộc nên rất thận trọng khi hành động. Người ta có thể xoay quanh luật pháp để làm những điều ác mà luật pháp con người không trừng phạt được. Nhưng người ta không làm như thế vì sợ tổn âm đức. Người ta hình dung ra một luật lệ siêu hình là trời kia có mắt. Phải chăng đó là một hình thức siêu cấp hóa của lương tâm con người?

Ông Ðào Duy Anh trong khi viết về văn hoá Việt Nam đã nhận xét về nhân sinh quan lưu phúc cho đời sau: Người thì hoặc cho nhân loại tiến bộ vô cùng nên loài người cần phải ra sức phấn đấu, tiến thủ (như người Âu châu) hoặc cho nhân gian là mộng ảo, huyền ảnh, loài người không cần phải hành động làm gì (người Ấn Ðộ) hoặc cho nhân sinh là chốc lát (như bóng sổ, như gang tay) ta nên hành lạc kẻo già không kịp hối (như bọn khoái lạc chủ nghĩa). Người Việt Nam thì có cái kiến giải tầm thường và chắc chắn hơn, chỉ trông cậy vào con cháu để lưu truyền nòi giống và tiếp nối sự nghiệp của tổ tông. Người ta đã có quan niệm ấy thì sở dĩ làm điều thiện ở đời, sở dĩ có lúc hy sinh, không phải cốt cầu vinh nhục ở lai sinh (như nhà Gia tô giáo), cũng không mong giải thoát khỏi vòng luân hồi (như Phật giáo) mà chỉ cốt lưu chút phúc ấm cho con cháu đời sau. Người có lòng ác cũng không sợ ngày thẩm phán cuối cùng hoặc là hình phạt ở Ðịa ngục mà chỉ sợ con cháu bị ác báo mà thôi. (7)

Thực sự thì Trung Hoa cũng có quan niệm về âm đức cuả gia tộc phổ biến ở đại chúng khiến cho những chủ thuyết Nho, Lão, Phật đã phải biến dạng khi muốn gia nhập hệ tư tưởng của người dân.

Việc so sánh để tìm ra ý niệm nguyên thủy của các tôn giáo trên, chúng tôi thấy không là đối tượng của bài này, mà chỉ nêu lên tư tưởng chỉ đạo cho việc truyền tử lưu tôn là lợi ích và sở thích cá nhân phải đặt sau sự sống và danh dự của gia đình lưu truyền nhiều đời.

Nếu một quốc gia, một dân tộc có nhiều tộc họ hiền hậu, vinh quang thì hẳn dân tộc ấy cũng đáng gọi là có văn hiến.

Ðể gây phúc cho một gia tộc, ngoài việc làm tích cực của các thành viên trong gia tộc, còn có các tổ tiên đã khuất. Tích cực hơn là tín ngưỡng vào mồ mả của tổ tiên có ảnh hưởng đến cuộc sống của con cháu. Chỉ có xã hội đặt trên cơ sở lưu phúc nối dõi tông đường mới trân trọng về việc chọn đất an táng tổ tiên. Người ta tin rằngsống về mồ mả, không ai sống về cả bát cơm. Ở thời trước, tức là trước khi văn hoá Việt Nam bị Âu hoá, không ai thắc mắc về vấn đề mồ mả chôn theo phong thủy. Thậm chí luật pháp còn bảo vệ mồ mả và trừng phạt những người xâm phạm đến phần mộ của người khác.

Thật sự chúng ta có cần chứng minh tính xác thực của ảnh hưởng mồ mả trên cuộc sống của một gia tộc không? hay chỉ đặt nặng vấn đề ám thị và hỗ trợ của mồ mả trên hành vi luân lý và xã hội của người dân. Thế hệ đương thời dù đang gặp những chuyện không may, không xứng ý toại lòng, vẫn trông mong vào mạch đất nhà sẽ hồi lại hay kết phát mà thay đổi cuộc sống.

Ðành rằng có những hiện tượng tiêu cực trong việc chọn đất an táng mà không có kết quả gì, khiến có những lời chế diễu:

Hòn đất mà biết nói năng
Thì thầy địa lý hàm răng chẳng còn

nhưng việc tin tưởng vào sự kết phát của mồ mả tổ tiên khiến người ta trân trọng cuộc sống của gia tộc khi sống cũng như lúc chết, nó có khả năng khiến cho mọi thành phần trong gia tộc cư xử với nhau không phải bằng những luật lệ thành văn, mà bằng tình thương yêu nhau, không nỡ làm người thân của mình phật ý, buồn lòng vì những hành vi vị kỷ.

Bàn rộng ra về khía cạnh nghệ thuật, người bình dân Việt Nam thích đọc Truyện Kiều và đã tin tưởng một số nhân vật trong truyện thành thần có thể chỉ bảo cho điều họa phúc bằng cách bói Kiều. Người ta ngưởng mộ Kiều vì lòng hiếu thảo của Kiều đã đáp ứng đúng với tình cảm yêu mến và hy sinh cho gia đình.

Bán mình đã động hiếu tâm đến trời chứ không phải thưởng thức câu văn hay như những người có học.

Cho nên tư tưởng xuyên suốt tổ chức gia tộc Việt Nam trong nền văn hoá dân tộc là chữ hiếu và thờ cúng để nối lấy âm đức của tổ tiên.

4. Ảnh hưởng của tục thờ cúng tổ tiên đến xã hội

Những người ở đầu thế kỷ khi có khát khao Âu hoá đã chỉ nhìn ở khía cạnh tiêu cực của những cúng giỗ hay hiếu hỉ và cho là người Việt suy thoái vì những sự tin nhảm vào tổ tiên đã chết. Hơn thế nữa chịu ảnh hưởng nhiều của trào lưu lãng mạn Pháp, người ta thù ghét gia đình: Ôi! gia đình, ta thù mi cột chân cá nhân vào trong vòng tù ngục. Vì thế người ta đưa lý trí vào mổ xẻ một số phong tục tập quán của ta và thấy đâu cũng là lạc hậu. Thực ra cúng giỗ có gì là xấu xa, nhưng vin vào vấn đề vệ sinh để chỉ trích:

Khi sống thì chẳng cho ăn
Ðến khi giỗ tết làm văn cúng ruồi

vấn đề là trừ ruồi chứ không phải bỏ giỗ. Nếu xét về phương diện xã hội, ta cần xem tác dụng của tục thờ cúng tổ tiên đến xã hội chứ không phải tìm cách giải thích và bài bác nó. Trong thực tế người ta đã bài bác, cấm đoán việc giỗ chạp mà cho đến nay chúng ta vẫn duy trì giỗ tết thờ cúng tổ tiên. (8)

Ở một xã hội định cư nông nghiệp thì tổ chức gia tộc quần cư là giải pháp thích hợp nhất vừa sản xuất vừa bảo vệ cuộc sống và tài sản. Chế độ này tận dụng được nguồn nhân lực ở mọi lứa tuổi và mọi thành phần trong gia đình đã được phân công theo khả năng tự nhiên. Nơi một nhà nông, đứa bé lên 6 cũng đã làm được công việc nhổ cỏ, bắt sâu hay cho gà vịt ăn, đỡ việc cho người lớn phải đảm nhiệm việc nặng nhọc.

Có người vin vào lý do xã hội kỹ nghệ hiện đại với những tập trung ở thành thị không cho phép sự hiện diện của đại gia đình, do đó việc gia đình phân tán và liên kết lỏng lẻo là quy luật tất yếu. Gia dình đã không còn sinh hoạt chung ít ra là 3 đời thì nói gì đến họ hàng.

Vấn đề đáng nói ở đây là không phải tổ chức gia tộc quyết định hoàn toàn tinh thần họ hàng. Các gia đình nhỏ họp lại thành một gia tộc hoàn toàn do nhờ ở sợi dây tình họ hàng liên kết. Ở thời trước không ai thắc mắc hay hoài nghi về tình thân gia tộc này. Người ta không mất công lý luận để xác nhận sự hiện diện của nó; mà chỉ bằng quan sát và chiêm nghiệm thường ngày để thấy rằng về phương diện vật chất các người trong gia đình có giống nhau về diện mạo và dáng dấp. Ðó là vấn đề di truyền mà ngày nay khoa học đã phát triển lên rất cao. Nhưng còn vấn đề tính tình và phúc đức mà con cháu thừa hưởng được của ông bà tổ tiên thì khó nhận diện được. Nói rằngbố mẹ sinh con, Giời sinh tính là nhìn nhận rằng con người mang cá tính riêng và do cá tính ấy mà sẽ tạo ra phúc hay họa cho đời mình và cho mai sau. Như thế con người không hoàn toàn là một khuôn đúc của di truyền. Cá tính ấy được phát triển trong gia đình như một xã hội nhỏ để khi vào đời cũng phải hành xử với thân tình như trong gia đình thì xã hội mới trở thành một cộng đồng nhân bản, lấy tình nghĩa làm phương châm hành động.

Thờ cúng tổ tiên không có nghĩa là chỉ cúng kiếng mấy ngày giỗ, mà chính là biểu hiện việc phụng sự tổ tiên như các vị linh hiển ở trước mặt. Ngay cả việc thờ anh hùng và nhân thần như Hai Bà Trưng, Trần Hưng Ðạo (giỗ cha) cũng không mang ý nghĩa hời hợt như một số các nhà Tây học sau này nói là nhớ đến công nghiệp mà kính trọng giống như Tây làm tượng Napoléon hay Victor Hugo để kỷ niệm. . Nó hoàn toàn không giống điều mà chúng ta ngày nay ở Úc thấy hàng chữ để dưới các tượng đài chiến sĩ Lest we forget. Thờ cúng tổ tiên của ta chính là tạo một hoàn cảnh, một không khí cho những người sống với những vong hồn tổ tiên gặp gỡ, sinh hoạt như lúc còn sinh thời.

Xin đơn cử một thí dụ mà các nhà tân học phê phán vì không nhận được thông đạt của văn hóa cổ. Ông Vũ Ngọc Phan trong bài phê bình cuốn tiểu thuyết Lá ngọc cành vàng của Nguyễn Công Hoan đã viết một đoạn bày tỏ hoàn toàn ý tưởng xa lìa văn hóa Việt Nam này:…Ông Phủ là một người rất cổ hủ, điều đó, tác giả đã cho người ta thấy rồi, nhưng giữa thế kỷ 20 này, làm gì còn có người khấn ông vải về để trừng trị em.

Ông Phủ lấy cái khăn bàn phủ lên lò sưởi và đặt hai cây nến đồng hai bên; rồi cung kính, ông bưng cái ảnh cụ cố, đặt ngay ngắn vào giữa.

Rồi ông giải chiếc chiếu trước chỗ thờ; ông đứng nghiêm trang, chắp tay đoạn thụp xuống lễ bốn lễ, rồi quỳ, suỵt soạt khấn…

Cả nhà im lặng. Ông Tham mặt cắt không được hột máu, rất lo sợ. Ông biết rằng vì anh quá khắc, nên mới sửa phạt ông bằng cách khấn các cụ về để trừng trị ông là đứa con vô phúc.

Ông Phủ đứng cạnh chỗ thờ, nghiêm chỉnh nói giọng dõng dạc như giọng quan toà:

– Tội chú đáng đánh đòn. Nhưng anh nghĩ thương cho chú đã lớn, và đã là ông nọ ông kia, nên anh trình các cụ tha cho chú. Vậy chú vào lễ tạ các cụ, rồi nằm xuống đây.

Ông Tham rưng rưng nước mắt, vào lễ tạ bốn lễ…Ðoạn ông Phủ nói:

– Bây giờ chú chịu tội đi.

Lập tức ông Tham nằm sấp trên chiếu, duỗi thẳng cẳng, gục đầu xuống gác. Ông Phử lấy chiếc ba-tơng, nâng hai tay, quay về phía thờ, vái dài một cái, rồi để ở ngang mông em. Rồi ông đứng cạnh bàn thờ, nhìn ông Tham mà diễn thuyết (Lá ngọc cành vàng, trg 114,115 và 116)

Ðó là cảnh đại khôi hài. Nếu ông Phủ gàn dở đến thế, thì ông Tham là một người tân học và có nhiều lương tri, như tác giả đã viết, lẽ nào lại mặt cắt không được hột máu và rất lo sợ, rồi cái ông tân học ấy lại rưng rưng nước mắt, lại nằm sấp trên chiếu nữa. Thì ra ông Tham người có óc tân tiến, đã biết theo lời thầy thuốc Tây để chữa cho Nga, đã dám đưa cả Chi là người yêu của Nga vào dỗ dành Nga cho Nga khỏi bệnh, mà lại sợ cụ cố đã qua đời từ lâu đánh như thế ru? (9)

Ðiều mà Vủ Ngọc Phan coi là khôi hài thì xã hội cũ ta coi là nghiêm túc. Ðừng nhầm người Việt có óc mê tín dị đoan, không logic, Trái lại ai cũng biết người chết hóa ra ma thì làm sao hành động như người sống. Tin ở sự hiện diện để trở thành một ám thị khiến cơ sở luân lý mang tính chất siêu hình có nhiều hiệu quả đối với con người hơn là chỉ dựa vào một vài giới luật của trần gian. Người ta có thể xoay quanh luật để đạt ước muốn, nhưng không thể xoay quanh đức tin để làm bậy được.

Bất cứ việc hiếu hỉ, sinh hoạt nào mà người ta thấy là có tầm quan trọng thì đều nhang đèn bàn thờ gia tiên để cầu cúng. Lễ vật có khi chỉ là hoa quả trong vườn nhà, tùy gia phong kiệm, tổ tiên không bao giờ đòi hỏi (người ta nghĩ và tin là thế) mâm cao cỗ đầy. Anh khóa đi thi, cáo với tổ tiên. May ra mà thi đỗ thì lễ tổ để tạ ơn đã phù hộ cho anh vào trường thi lanh lợi. Việc nhà gặp rắc rối, cũng lễ tổ để cầu phù hộ độ trì. Ai cũng nghĩ rằng tổ tiên linh thiêng chỉ làm việc phải lẽ. Nền luân lý có tính siêu hình ấy làm cho gia đình trở thành một môi trường dạy luân lý rất tốt. Theo Leopold Cadiere thì: Xét như nhà giáo dục luân lý, gia đình từng có nhiều phẩm chất mà học đường hiện đại không có được. Trong gia đình, trẻ được ấp ủ yêu thương, kiềm chế bởi lòng tôn kính, chịu ảnh hưởng tôn giáo của ông bà; người sống kẻ chết liên kết với nhau để khắc sâu vào tâm trí nó các nguyên tắc đạo đức mà kinh nghiệm cá nhân cũng như các tác giả có học đã ban cho nó. Về sau, cũng chính ảnh hưởng giáo hóa ấy của gia đình góp cho nó đem thực hành trong đời sống những nguyên tắc người ta đã từng tin vào nó khi còn trẻ.

Ảnh hưởng ấy của gia đình rất hiển nhiên, rất thực hữu, đến nỗi ngay khi người Annam thoát ra ngoài, thì phẩm hạnh anh ta liền bị ảnh hưởng. (10)

Sống thành gia dình là bản chất của con người vừa có tính chất bẩm sinh vừa phổ quát. Ngay trong thời đại kỹ nghệ gia đình thu nhỏ lại vừa vì lý do kiểm soát sinh sản sợ nạn nhân mãn, vừa vì sinh hoạt và tổ chức xã hội không cưu mang nổi một đại gia đình quá đông nhân số. Tuy nhiên điều tha thiết của đại đa số vẫn là có một gia đình với con cái.

Ở xã hội cũ khi mà vấn đề an sinh xã hội chưa được tổ chức chu đáo, thì cách đảm bảo cho lúc về già, khi sức khoẻ suy yếu không còn làm việc sản xuất được là trông cậy vào con cái: trẻ cậy cha, già cậy con. Ngày nay ở những nước mà chế độ an sinh xã hội tốt, vấn đề trợ cấp tuổi già không phải lo nữa. Tuy nhiên người ta vẫn cứ thích có con cái, gia đình cho vui vẻ. Những người ghét bỏ gia đình vẫn bị coi là có phần trái với thiên tính. Người ta khó tưởng tượng được sự bất ổn nếu xã hội được xây dựng toàn bằng những cá nhân nam và nữ.

Ngày nay người ta nói nhiều đến khủng hoảng của gia đình và luân lý xuống dốc, con cái thoát ly cha mẹ để sống cuộc sống riêng cho được tự do làm theo sở thích, dù rằng hiện tại trong gia đình cũng không còn ngăn cấm như xưa. Gia đình hiện tại nhìn như một môi trường sống của những cá nhân biệt lập về ý tưởng và tình cảm. Giáo dục gia đình trở nên không kiến hiệu khi gia đình đã mất nền nếp và kỷ luật. Ở gia đình bình thường còn thế, đến những gia đình có vấn đề lục đục vợ chồng thì cuộc sống càng dễ trở nên địa ngục, khiến đứa trẻ mong cho chóng lớn để thoát nơi ấy.

Một gia đình đúng nghĩa là môi trường tốt cho việc nuôi dưỡng cả vật chất lẫn tinh thần của đứa trẻ phải có tình cảm gia đình và cả phần luân lý siêu hình khiến cho cá nhân không tìm thấy đâu là chốn yên ổn thoải mái cho tình cảm, một mục đích để phấn đấu mà không tìm thấy ở bất cứ chốn nào kể cả đức tin tôn giáo.

Việc đánh mất lòng tin vào gia đình phải kể là từ khi người ta vì mục đích chính trị, phương tiện nào cũng tốt miễn là đạt mục dích, nên đã dùng con trẻ trong gia đình theo dõi và tố cáo cha mẹ. Việc có thành lúc ấy, nhưng không ngờ di lụy về sau. Xã hội không tin nhau được thì còn gia đình. Ðến gia đình cũng là nơi rình rập để biến thành miệng hùm nọc rắn ở đâu chốn này thì tình cảm vợ chồng con cái, anh em còn gì mà tồn tại được. Lúc ấy người ta chỉ còn tình đồng chí ngoài miệng mà bên trong vẫn canh chừng lẫn nhau.

May thay hiện tượng khốc liệt này không xảy ra đúng như như một số các nhà chủ trương văn hoá Mac-xit mong muốn. Thiên tính gia đình vẫn tồn tại, để đến một lúc nào đó chính trị thay đổi, thì tổ chức gia đình lại được phục hồi với tình thương yêu như xưa.

Ở những nước Tự do, tuy gia đình không bị chính trị áp chế, nhưng tình trạng khủng hoảng gia đình vẫn là một vấn đề ưu tư hàng đầu về phương diện xã hội. Càng ngày càng có nhiều trẻ sớm thoát ly gia đình, những vụ ly dị hay tội ác chết người gây ra do gia đình lục đục. Pháp luật tỏ ra không hữu hiệu trong việc ngăn ngừa tội ác. Nói thế không phải là đổ lỗi cho pháp luật quá nhẹ tay trong việc trừng phạt kẻ phạm tội. Vấn đề là làm sao cho những mâu thuẫn, những xáo trộn trong gia đình đừng xảy ra; hay nếu có xảy ra thì cũng dễ tìm được phương án ôn hòa và hữu hiệu để giải quyết.

Trong một xã hội lấy cá nhân làm bản vị thì danh dự cá nhân là căn bản cho người ta phấn đấu giữ gìn. Người ta thà mất tính mệnh hơn là mất danh dự. Các phần tử trong một gia đình cũng cư xử trong việc tôn trọng danh dự riêng của cá nhân. Người Việt khi sống với xã hội Úc thấy con cái xa dần mình và cái gọi là mái ấm gia đình không còn nữa, theo thời gian nó như một quán trọ. Có người đổ lỗi vì an sinh xã hội của Úc tốt quá khiến con trẻ chỉ mới bước vào tuổi vị thành niên thôi cũng đã có thể xin trợ cấp để sống tự lập theo sở thích. Nếu họ có sống chung thì cũng chẳng còn giữ được cái tình, cái nghĩa hay là bổn phận như xưa. Sự thực thì nếu không nhờ trợ cấp xã hội, tình trạng còn thê thảm hơn cho trẻ khi chúng được giáo dục đào tạo cho tinh thần chỉ biết vun quén cho cá nhân. Ngay cả việc hôn nhân cũng đặt nặng ở vấn đề tạo hạnh phúc cho đôi lứa về vật chất và tinh thần trên căn bản cá nhân, để một lúc nào đó cuộc sống chung không còn hứng thú nữa thì hai cá nhân lại tách ra đi tìm hạnh phúc khác.

Trong một đại gia đình ngày xưa thì đạo hiếu thay thế cho hạnh phúc cá nhân. Danh dự cá nhân phải hòa đồng với danh dự của gia tộc. Nếu có tiêu cực một người làm quan cả họ được nhờ kéo bè kéo đảng thì cũng có phần tích cực là các thành phần trong gia tộc phải làm sao cho họ mình tốt đẹp hơn họ khác; ngày xưa thì mức cao nhất ngoài đấng Thiên tử ra là thi đỗ làm quan to, nức tiếng thanh liêm

Ngày trước có người Pháp mai mỉa nói rằng;trong mỗi người Annam đều có một ông quan. Làm như xã hội ta là một xã hội trọng quan. Thực ra đó là một xã hội nhân bản trọng văn hóa. Người mà thi đỗ đại khoa để được ra làm quan là đã học tập tu dưỡng đạo làm người kết hợp thành việc tôn trọng danh dự gia tộc và danh dự quốc gia tiêu biểu là tổ tiên và nòi giống. Ðiều này khiến ta hiểu trong bài Bình Ngô đại cáo Nguyễn Trãi đã thay lời Lê Lợi để nói đến công đức của tổ tiên trong việc diệt được quân Minh, thu hồi độc lập cho tổ quốc: Nền vạn thế xây nên chăn chắn, thẹn nghìn thu rửa sạch làu làu. Thế là nhờ trời đất tổ tông khôn thiêng che chở giúp đỡ cho nước ta vậy. (11)

Trên con đường duy tân cho nước nhà lạc hậu ở cuối thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20 thật tình chúng ta không thấy được viễn tượng thay đổi của xã hội cũng như đâu là căn do chính đưa đến sự yếu kém về văn minh. Tưởng rằng ta cứ học được văn minh khoa học Thái tây là đưa nước nhà đến hùng cường. Trong việc phá hoại cái cũ quan trọng nhất là không tìm hiểu về phương diện xã hội của tục thờ cúng tổ tiên mà chỉ bài bác những khía cạnh tiêu cực của nó như là tốn kém, ganh tị trong họ hàng mà không nghĩ rằng nó tạo ra một ám thị để củng cố danh dự chung của một tập thể cùng chung huyết thống, rồi từ đó nâng lên cao là danh dự của cả dân tộc.

Trở về được ý nghĩa đích thực của tục thờ cúng tổ tiên thì ta thấy ngay lúc này dù đang ở giữa một xã hội lấy cá nhân làm căn bản như Tây phương, việc tạo lại niềm tin và danh dự đại gia đình bằng những ngày cúng giỗ tổ tiên cho con cháu nhận ra huyết thống và dòng giõi của mình cũng không phải là là chuyện lố bịch và không thể làm được.

Tôi nghĩ rằng hành động của Alex Haley đi tìm lại nguồn gốc tổ tiên ở Phi Châu của ông sau đó vẫn sống ở Mỹ, chính là gợi lại thiên tính nhân bản của mình./.

Chú thích:
(1) Phan Kế Bính, Phong tục Việt Nam Vẫn thường nghe: một trăm cái giỗ đổ đầu trưởng nam.
(2) Tôi nghĩ rằng cả một đạo quân bằng đất nung mà người ta đào được ở Thiểm Tây, có lẽ là vật thế cho người sống tùy táng. Hiện tại trong nhiều đám cúng giỗ vong, người Hoa và người Việt đã đốt mã cả xe hơi, T. V. tủ lạnh bằng giấy.
(3) Trần văn Chương – Khảo luận về tinh thần luật Hán Việt
(4) Trích lại của Leopold Cadiere – Về văn hóa và tín ngưỡng truyền thống của người Việt, trg 43
(5) Theo sử Trung Hoa thì Hai Bà thua trận, bị Mã Viện chém đầu, nên trong đền thờ Hai Bà dân chúng kiêng thờ màu đỏ; trong thần tích nói là Hai Bà thua trận, tuẫn tiết bằng cách gieo mình xuống sông Hát.
(6) Leopold Cadiere – Tục thờ cúng tổ tiên của người Việt, trg 95
(7) Ðào Duy Anh – Việt Nam Văn Hóa sử cương, trg 324 – 325. Saigon 1951
(8) Còn nhớ khoảng năm 1975, có ông ở Tân An làm đám giỗ lớn, mời cả Chủ tịch Huyện và xã đến ăn giỗ. Ăn xong các vị chính quyền phạt gia chủ đã phạm lệnh cấm làm giỗ của nếp sống văn hóa mới. Tiền này gọi là tiền ngu. Nghe nói sau khi đóng tiền, khổ chủ thề từ nay làm giỗ không mời thằng cán bộ nào hết.
(9) Vũ Ngọc Phan – Nhà văn hiện đại, trg 1067, 1068
(10) Leopold Cadiere, trg 101, 102
(11) Bình Ngô Ðại cáo – Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim dịch



Cập nhật theo nguyên bản của tác gỉa ngày 28.02.2021 .