Việt Văn Mới
Việt Văn Mới





Nếu phải chung sống với Covid:


NGÀN NĂM CHE MẶT -
"NGÀN NĂM MÂY BAY"




Giễu nhại trong truyền thông: Mong manh nghệ thuật - chuyện đùa


Những tuần qua, thỉnh thoảng chúng ta nghe một bài hát cũ được đặt lời mới, bài thơ nổi tiếng được sửa từ ngữ nhằm truyền thông phòng, chống dịch Covid-19… Hình thức sáng tạo ấy là nghệ thuật giễu nhại. Đó là cách “chế” lại tác phẩm gốc để tạo ra hiệu quả nghệ thuật khác trong những bối cảnh diễn xướng, trình bày nhất định.

Hình ảnh gương mặt Nữ thần Tự Do - biểu tượng của nước Mỹ - được giễu nhại như một bệnh nhân đang phải dùng máy thở trong điều trị Covid-19. Minh họa của các tác giả M.Meissner & M.Eing Báo DER SPIEGEL để diễn đạt tình trạng khủng hoảng hiện nay của Mỹ trước đại dịch! Tác phẩm giễu nhại mới nhất là hình ảnh Mona Lisa đeo… khẩu trang!

Ngàn năm Che mặt

Qua hàng ngàn năm sống của loài người, chiếc mặt nạ đã bao lần đổi thay ý nghĩa, diện mạo, công năng... Nó đang trở thành một phụ kiện thời trang và rất có thể sẽ là một phần bắt buộc của trang phục thường ngày nếu kể từ đây, loài người phải chung sống vĩnh viễn với virus corona.

Được sử dụng từ thời kỳ đồ đá, chiếc mặt nạ qua hàng thiên niên kỷ phát triển của nhân loại đã có những sự thay đổi công dụng bất ngờ.

Từ chỗ là những vật được sử dụng cho những nghi lễ thờ tế từ thời đồ đá, những chiếc mặt nạ sau hàng ngàn năm lại trở thành đạo cụ trong các vở kịch, rồi trở thành một phần của các phục trang lễ hội. Khoảng 400 năm trước, mặt nạ bắt đầu có một công dụng mới: bảo vệ con người trước các nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch.

Những chiếc mặt nạ đầu tiên

Năm 1983, trong cuộc khai quật khu khảo cổ Nahal Hemar ở phía nam sa mạc Judean của Israel, các nhà khoa học tìm thấy trong một hang từng chứa hàng ngàn món đồ phục vụ việc cúng tế có những giỏ đan bằng thừng, hạt chuỗi bằng gỗ, vỏ sò, dao đá, sọ người trang trí bằng nhựa cây. Họ còn tìm được những mảnh vỡ của hai chiếc mặt nạ có dính ở mặt trong cả tóc của người đeo.

Các phân tích khoáng chất xác định những chiếc mặt nạ này có tuổi lên đến 9.000 năm, là mặt nạ cổ nhất thế giới được tìm thấy. Một số mặt nạ có sự tương đồng về độ nhô của gò má, hõm thái dương, hốc mắt với các sọ người cũng tìm thấy trong hang, cho thấy mặt nạ đá mô phỏng gương mặt người quá cố và được dùng cho các buổi lễ thờ người chết. 

Có 15 mặt nạ đá nặng 1-2kg đã được thu thập suốt nhiều năm ở khu vực sa mạc Judean.

Về công dụng của những chiếc mặt nạ thời tiền sử này, Debby Hershman, người từng tham gia cuộc khai quật Nahal Hemar và dành mười năm thực hiện nghiên cứu toàn diện đầu tiên về 15 mặt nạ đá, lý giải khi chuyển từ săn bắn hái lượm sang trồng trọt chăn nuôi, con người - khi đó chưa có chữ viết - đã khẳng định quyền sở hữu đất đai từ việc thừa hưởng của cha ông bằng các nghi lễ thờ người quá cố và tái hiện hình ảnh tổ tiên.

Nhưng đó có thể không phải là những chiếc mặt nạ đầu tiên của nhân loại. Có thể trước đó hàng ngàn năm, con người đã biết làm mặt nạ bằng vỏ cây, gỗ, da và những vật liệu này không thể tồn tại được lâu để các nhà khảo cổ khai quật.

Điều ngạc nhiên là những chiếc mặt nạ tương tự mặt nạ đá Israel ngày nay vẫn đang được các cộng đồng dân cư bản địa ở châu Đại Dương và châu Phi sử dụng trong các lễ thờ tổ tiên.



1/ Hình dáng đáng sợ nhất có lẽ là mặt nạ mỏ quạ được các bác sĩ sử dụng trong đợt bùng phát dịch hạch ở châu Âu hồi tk 17
-2/ Một trong những chiếc mặt nạ cổ nhất thế giới được tìm thấy ở sa mạc Judean của Israel mô tả được cả bọng mắt, cho thấy đây là mặt nạ của một người già. (BBC)
3/ Khẩu trang thêu hoa của nhà thiết kế Đỗ Quyên Hoa.

Mặt nạ từ lễ tế đến lễ hội

Ở các nghi lễ tôn giáo của Ai Cập cổ đại, quan tư tế thường đeo mặt nạ đầu thú hay đầu của các vị thần. Phổ biến nhất là mặt nạ thần chết Anubis hình đầu chó thường xuất hiện trong các tang lễ và được vẽ trên nhiều vách hầm mộ.

Mặt nạ hình mặt người chỉ được dùng để phủ lên xác ướp với mục đích giúp linh hồn nhận ra cơ thể mình để nhập vào và sống lại. Mặt nạ xác ướp thường dân được làm bằng xơ papyrus hay vải lanh ngâm hắc ín, mặt nạ xác ướp hoàng gia được làm bằng vàng hay đồng mạ vàng, nổi tiếng nhất là mặt nạ của vị pharaoh chết trẻ Tutankhamun nay được trưng bày ở Bảo tàng Quốc gia Ai Cập tại Cairo.

Người Hi Lạp cổ đại dùng mặt nạ để diễn kịch. Có thể vì làm bằng vật liệu không bền, những chiếc mặt nạ kịch nghệ đầu tiên không thể tồn tại đến nay. Nhưng bằng chứng về chúng được ghi lại trên chiếc bình gốm Pronomos nổi tiếng có niên đại 400 năm trước Công nguyên, mô tả toàn cảnh sinh hoạt trong nhà hát và có cảnh các diễn viên cầm trên tay các mặt nạ.

-Một chiếc mặt nạ kịch nghệ có niên đại thế kỷ 4-5 tr. CN được tìm thấy ở Hi Lạp cho thấy sau phần miệng rộng có một loa đồng giúp phóng đại tiếng của diễn viên.

Thế kỷ 16-18 ở châu Âu phổ biến hài kịch Commedia dell'arte của Ý sử dụng mặt nạ để thể hiện tính cách nhân vật. Loại hình này để lại một “di sản” tồn tại đến ngày nay chính là gương mặt nhiều màu sắc của các anh hề rạp xiếc, có khi là một mặt nạ, có khi là hình vẽ trực tiếp lên mặt.

Mặt nạ kịch nghệ vẫn được dùng trong kịch Noh của Nhật Bản, và một biến thể khác của mặt nạ kịch nghệ là những khuôn mặt nhiều màu sắc được vẽ bằng màu trực tiếp lên da trong nghệ thuật hát bội của Việt Nam hay kinh kịch của Trung Quốc.

Từ năm 1168, lễ hội Carnival được tổ chức ở Venice để ăn mừng chiến thắng của Cộng hòa Venice trước sự bành trướng của giáo trưởng Ulrich II of Aquileia đến từ một vùng nay thuộc miền bắc nước Ý.

Mặt nạ trong lễ hội này được dùng không phải để che giấu danh tính, mà để che giấu tầng lớp, khiến cho mọi người dù quý tộc hay dân thường đều trở nên bình đẳng với nhau để tận hưởng không khí vui tươi. Đến nay, lễ hội hóa trang này đã được tổ chức ở khắp nơi trên thế giới.

Mặt nạ chống nhiễm khuẩn

Song song với việc được sử dụng trong các loại hình nghệ thuật biểu diễn từ nhạc kịch, hài kịch đến ballet với nhiều dạng từ che nguyên mặt đến trùm kín đầu, rồi có khi chỉ che nửa mặt trên, chiếc mặt nạ từ thế kỷ 17 có thêm một chức năng mới: che chắn, bảo vệ con người trước những nguồn truyền nhiễm.

Hình dáng đáng sợ nhất có lẽ là mặt nạ mỏ quạ được các bác sĩ sử dụng trong đợt bùng phát dịch hạch ở châu Âu hồi thế kỷ 17 (ảnh dưới).

Bên trên bộ trang phục chống dịch bằng vải phủ dài đến chân là một chiếc mặt nạ có hình dạng mũ da trùm kín đầu và mặt, phần mắt được khoét lỗ và gắn thủy tinh để nhìn được ra ngoài, phần mũi miệng gắn mỏ dài và nhọn chứa nước hoa hay hương liệu để át mùi hôi thối và ngăn chặn việc truyền nhiễm qua đường không khí.

  Năm 1878, trong các bài viết đăng trên tạp chí Hospital Gazette và tạp chí Scientific American, bác sĩ A. J. Jessup ở New York đã đề xuất việc dùng mặt nạ cotton để hạn chế lây nhiễm dịch tả.

Ông viết: “Một tấm lọc cotton được làm đúng cách và được đeo để che miệng và mũi hẳn sẽ ngăn chặn các loại vi khuẩn gây bệnh nguy hiểm tồn tại trong không khí”. Bác sĩ Jessup dẫn ra các thí nghiệm ông đã thực hiện, nhưng ý tưởng của ông không được chú ý.

Khi một trận dịch hạch thể phổi tấn công Mãn Châu năm 1910, triều đình Mãn Thanh đã bổ nhiệm bác sĩ Ngũ Liên Đức (Wu Lien-Teh, hay Goh Lean Tuck), trí thức Malaysia gốc Hoa được đào tạo ở Đại học Cambridge, phụ trách việc chống dịch.

Bác sĩ Liên Đức - người sau này được đề cử giải Nobel y sinh (năm 1935) - đã tạo ra loại mặt nạ ngăn chặn lây bệnh qua không khí bằng cách dùng gạc lưới y tế loại lớn quấn ngang mặt, chèn bông dày ở phía trước mặt, buộc lại sau đầu. Đó là phiên bản đầu tiên của chiếc mặt nạ che nửa dưới khuôn mặt dùng trong y tế ở châu Á, được người Trung Quốc gọi là 
khẩu trang.

100 năm phát triển của khẩu trang

Đến trận dịch cúm Tây Ban Nha 1918, mặt nạ che nửa mặt dưới hay khẩu trang đã được nhân viên y tế ở Mỹ đeo thường xuyên. Ở California, người ta có khẩu hiệu “Wear a mask or go to Jail” (Đeo khẩu trang hay vào tù). Ở Seattle, tất cả những người đi tàu điện đều phải đeo khẩu trang.

Đến năm 1920, khẩu trang đã trở thành tiêu chuẩn của phòng mổ và 100 năm sau đó, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm nhiều thiết kế khẩu trang với nhiều vật liệu khác nhau.

Ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn đã dẫn đến sự xuất hiện của khẩu trang chống bụi, lọc khí. Ấn Độ và Trung Quốc và các quốc gia đang phát triển là nơi các loại khẩu trang này được sử dụng phổ biến.

Khi khẩu trang trở thành một thứ được đeo hằng ngày, các nhà thiết kế Trung Quốc biến nó thành một món phụ kiện thời trang. Trong bộ sưu tập thu đông 2015 của nhà thiết kế Masha Ma hay bộ sưu tập Heaven Gaia được Xiong Ying giới thiệu tại Tuần lễ thời trang Paris 2019, khẩu trang được thiết kế với hoa văn và màu sắc đi theo từng bộ trang phục.

Sau gần nửa năm virus corona càn quét khắp thế giới, khẩu trang đang được hàng tỉ người sử dụng. Các nhà thiết kế châu Phi đã bắt đầu thiết kế các phụ kiện che mặt bằng chất liệu da tương đồng với túi xách hay bằng vải tương đồng với áo quần.

Sophie Zinga, nhà thiết kế nổi tiếng của Senegal, dự đoán: “Tôi tin là trong hai năm tới, chúng ta sẽ phải thích nghi với việc chung sống cùng virus và các nhà thiết kế thời trang sẽ tích hợp khẩu trang vào từng bộ trang phục thành những chiếc mặt nạ thời trang”.

Một trong những chiếc khẩu trang duyên dáng nhất thế giới có lẽ là những sản phẩm được nhà thiết kế Đỗ Quyên Hoa sản xuất ở một làng nghề phía Bắc Việt Nam, với chất liệu vải cotton ba lớp có thể cản được các giọt bắn, được trang trí bằng hoa văn thêu tay tinh tế và những màu sắc lộng lẫy huyền hoặc. MH (Tổng hợp từ National Geographic, Bloomberg, AP, Britannica..).

Khẩu trang không che được Nụ cười

Có cần cười nữa không khi ai cũng đeo khẩu trang?

Cười là một cách giao tiếp với nhiều mục đích, chứ không chỉ bày tỏ niềm vui. Vậy có cần cười nữa không khi không ai có thể thấy chúng bởi lớp khẩu trang?

Khi chiếc khẩu trang trở thành vật không thể thiếu, người ta mới nhận ra tầm quan trọng của việc… thấy miệng người đối diện. 

Biên tập viên Belinda Luscombe của tờ Time hôm 1-6 còn bàn về chuyện “ta mất gì khi nụ cười ẩn sau khẩu trang?”, rằng giờ đây ngay cả chuyện tưởng như bình thường là mỉm cười khi bước sang một bên, nhường ai đó đi trước, cũng trở nên bất khả.

Đây là lúc để ý đến tầm quan trọng về sự chuyển động của các cơ gò má, tức việc cười. Theo Luscombe, con người biết cười từ khi mới 42 ngày tuổi và sẽ còn thực hành biểu cảm gương mặt này đến hết đời. “Và rồi đột nhiên tất cả những kỹ năng, những miệt mài tập luyện cười của ta trở nên vô nghĩa - Luscombe viết - Chúng ta đánh mất hình thức giao tiếp ưa thích vào thời điểm mà ta cần nhiều cách để giao tiếp hơn bao giờ hết”.

Paula Niedenthal, nhà tâm lý học và chuyên gia nghiên cứu biểu cảm gương mặt thuộc Đại học Wisconsin - Madison, phân loại việc cười thành ba dạng: cười vui sướng (khi ngạc nhiên hay được quà), cười thân ái (chí ít là để không “tỏ ra nguy hiểm” theo nghĩa đen) và cười áp đảo (chứng tỏ ta hơn người).

Nghiên cứu của Niedenthal cho thấy sẽ khó phân biệt được cười thân ái và cười áp đảo nếu không thấy nửa dưới gương mặt của người cười. Chẳng hạn một người dắt chó đi dạo thì chó sủa trước người lạ, bèn cười. Nếu người đó đeo khẩu trang, ta sẽ không biết họ cười khiêu khích (sợ cún ta chưa) hay cười cầu hòa (xin lỗi vì con vật ngớ ngẩn của tôi).

Luscombe lo ngại rằng giao tiếp mà không cho người đối diện thấy ta đang cười giống như trò chuyện qua tin nhắn, rất dễ hiểu lầm. Ta mất đi phương tiện để nhận biết mình đang nói chơi hay nói thiệt, đùa giỡn hay nghiêm túc.

Thật may là theo các chuyên gia ngôn ngữ hình thể, vẫn có cách nhận biết nụ cười trong thời khẩu trang. Người ta vẫn hay mô tả ai đó có “con mắt biết cười”. Đó không phải là văn mẫu, mà đã được nhiều nghiên cứu chứng minh.

Theo Janine Driver - nhà sáng lập và chủ tịch Viện Ngôn ngữ hình thể ở thủ đô Washington, D.C., dù không thấy miệng người đối diện nhưng ta vẫn biết được nhiều điều thông qua đôi mắt và chân mày của họ. “Khi thật sự vui, ta sẽ thấy được qua nếp nhăn bên mắt” - Driver nói với Đài Today.

Nhà tâm lý học Paul Ekman cũng cho rằng “nụ cười vui sướng thực thụ” sẽ thể hiện qua vết chân chim và mắt nheo lại. Các dấu hiệu này không xuất hiện khi ta cười giả bộ. “Khi em bé cười, ta vẫn nhận ra ngay cả khi bé ngậm núm vú giả bởi đôi mắt nói lên tất cả” - Driver nói.

Không chỉ thấy nụ cười xuyên qua lớp khẩu trang, mà ta còn “nghe” được khi ai đó nhoẻn miệng. Theo Ursula Hess - chuyên gia nghiên cứu cảm xúc Đại học Humboldt (Đức), khuôn miệng thay đổi khi cười sẽ làm giọng nói nghe tươi sáng hơn, trong khi gương mặt ngầu sẽ phát ra âm thanh đục hơn.

Nếu đã biết rằng ta không chỉ thấy mà còn nghe được nụ cười giấu dưới khẩu trang, Driver khuyên rằng trong thời ai cũng ninja kín mặt nhìn vô cùng hình sự, hãy cứ vẫn cười vì chắc chắn người đối diện sẽ biết. Ngoài ra, theo Driver, “tiếp xúc bằng mắt với người khác trong thế giới mới điên rồ này cũng đủ sức làm thay đổi mọi thứ”.

Điều này đồng nghĩa với một lời khuyên quan trọng khác: đã che kín nửa gương mặt rồi thì chớ nên đeo kính râm mà giao tiếp. Lúc này có toe toét cười thì cũng không ai đoán biết nổi. “Khi tôi không thấy mắt anh, tôi không diễn giải được cảm xúc của anh và cảm thấy không chắc chắn, từ đó dẫn đến việc tôi không tin anh và cảm thấy không thoải mái khi ở cùng anh” - Driver giải thích (TRÚC ANH-TTCT)



1.Khi các vị thần Ấn Độ cũng đeo khẩu trang

Nhiều nghệ sĩ dân gian Ấn Độ đã phát hành một loạt tranh mang thông điệp về sự giãn cách xã hội, và giữ vệ sinh, để ngăn Covid-19 lây lan.

2.Cách đeo khẩu trang không tháo vẫn ăn được bánh

Cô gái đeo chiếc khẩu trang xẻ đôi, cầm chiếc bánh ngồi ăn trong quán khiến nhiều người xem không nhịn được cười.

3.Cảnh sát Ấn Độ đội nón Cô-Vít dọa dân ở nhà tránh dịch

Đó là kiểu nón bảo hiểm vừa được xài thử ở Chennai, Ấn Độ, để những người dám léng phéng ra đường giữa lệnh phong toả toàn quốc phải hết hồn, khi nhận ra… “virus đang tiến về phía họ”!



4.Khi “Cô gái đeo bông tai”… đeo khẩu trang phòng dịch

Trong những tác phẩm mỹ thuật nổi tiếng được nhiều hoạ sĩ biếm quốc tế “triệu hồi” để tạo nụ cười ý nhị, cùng ý thức phòng chống dịch Covid-19, có bức tranh “Cô gái đeo bông tai ngọc trai”, còn được gọi là “Nàng Mona Lisa Bắc Âu”.



TỪ KẾT

Ngàn năm Mây bay: Những áng mây tuyệt đẹp và kỳ ảo ở Lào Cai

Chiều ngày 8/11/2017, người dân thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai) bất ngờ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ ảo của bầu trời đầy mây trắng với hình khối khác lạ. Mấy ngày trước, do ảnh hưởng của không khí lạnh tràn về nên bầu trời Lào Cai u ám mây đen. Ngày 8/11, khi nắng ấm bừng lên, những áng mây tuyệt đẹp bất ngờ xuất hiện đã khiến nhiều người vô cùng thích thú. Một vài hình ảnh mây tuyệt đẹp xuất hiện ở Lào Cai chiều ngày 8/11:



Mây và Con Người

Mây đi liền với khí hậu nên khi xem tin thời tiết trưóc khi đi ra khỏi nhà, các bản tin khí tượng có đề cập đến nhiệt độ, áp suất không khí và mây. Nói về mây, ta có mây vàng, mây trắng, mây xám, mây đen v.v. Trong điện toán có thuật ngữ điện toán đám mây.

Nhà thơ cũng đề cập nhiều đến mây:

Làm thi sĩ nghĩa là ru với gió
Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây
 (Xuân Diệu)

Hàn Mặc Tử có câu thơ “Gió theo lối gió, mây đường mây”.

Nhiều nhạc sĩ cũng dùng mây làm đối tượng bài hát nên ta bắt gặp đó đây Chiều tím, Chiều vàng v.v.

             Chiều tím chiều nhớ thương ai, người em tóc dài Sầu trên phím đàn, tình vương không gian,

Truyện Kiều: Khi còn hi vọng, cụ Nguyễn Du cũng dùng chữ mây vì sau cơn mưa, trời lại sáng: Trời còn để có hôm nay, Tan sương đầu ngỏ, vén mây giữa trời (Phó TT Mỹ Biden đã lẩy Kiều - 2015)

Ngàn Năm Mây Bay

Nếu tình huống phải “Ngàn năm Che mặt” xảy ra thì ta cứ tự an ủi là Khẩu trang của ta đẹp tương tự màu sắc tuyệt đẹp của những áng Mây, nên ta đành ngậm ngùi, bâng khuâng hát ca khúc Ngàn Năm Mây Bay - bài hát ấy "là nỗi buồn thật đẹp, thật nhẹ nhàng, thật mênh mang như bức tranh thủy mặc, một ca khúc lãng mạn” mà Nhạc sĩ Nguyễn Hiền viết đặc biệt cho phim do Đạo diễn Hoàng Anh Tuấn thực hiện năm 1963, phỏng theo tác phẩm nổi tiếng cùng tên của nhà văn Văn Quang (hiện sống ở Saigon). Nguyễn Hiền sinh năm 1927 tại Hà Nội. Bắt đầu học nhạc từ năm 1935, ông sử dụng thành thạo: dương cầm, vĩ cầm, phong cầm. Năm1954 ông di cư vào Nam, năm 1988 ông và gia đình định cư tại Hoa Kỳ theo diện ODP. Ông qua đời vào ngày 23/12/2005 tại California.

Tác phẩm nổi tiếng của ông là “Hoa bướm ngày xưa” và “Anh cho em mùa xuân” (thơ Kim Tuấn). Theo ca sĩ Quỳnh Giao cho biết thì nhạc sĩ Nguyễn Hiền là người rất giỏi ngoại ngữ. Ông thông tạo cả 2 tiếng Anh, Pháp, đã dịch ca khúc Thiên Thai bất hủ của nhạc sĩ Văn Cao ra tiếng Anh ( sau 1975, Văn Cao đã vào Saigon gặp gỡ và cảm ơn ông). Nguyễn Hiền cũng có trí nhớ phi thường. 

Ca khúc: Ngàn Năm Mây Bay - Nguyễn Hiền

Chiều tím không gian mênh mang niềm nhớ
Dư âm năm xưa còn đó, đâu tìm người hẹn hò?
Nhìn áng mây trôi đem bao ngày tháng
Tâm tư buồn lúc Thu sang, mà tiếc nuối dĩ vãng  

Nhớ khi ta quen nhau trong chiều vắng
Êm êm câu ca trầm lắng, cung đàn lòng nhịp nhàng
Mộng ước mai sau bên khung trời sáng
Đôi tim hòa khúc yêu đương, đời là vạn niềm thương

Cầm tay nhau ngậm ngùi sao không nói ?
Đếm sao rơi mà e lúc chia phôi
Gió trút mãi lá vàng bóng hiên ngoài
Để lòng nghe xa vắng  trong đêm dài

Nhớ nhau khi mây vương vương mầu tím
Dư âm câu ca trìu mến, mang một lời thề nguyền
Ngàn kiếp mây bay không phai niềm nhớ
Thu sang lòng thấy bơ vơ, giờ chỉ còn mộng mơ

(Tham khảo: Sách báo – Internet)


Cập nhật theo nguyên bản của tác gỉa chuyển từ SàiGòn .