Việt Văn Mới
Việt Văn Mới




TỪ NHẠC SĨ DZŨNG CHINH
HIỂU THÊM NỖI LÒNG THI SĨ HỮU LOAN


1-Thập niên 60 trước 1975 thế kỷ 20,ở Miền Nam,những ai yêu thích dòng nhạc vàng trữ tình - (boléro),đều biết đến nhạc phẩm: “Những đồi hoa sim” phóng tác thơ Hữu Loan(Màu tím hoa sim).Nhiều người biết tiếng hát Phương Dung,Hoàng Oanh… đã“có công”làm cho nó ngân nga mãi trong lòng công chúng yêu nhạc.Nhưng ít người biết nhạc sĩ Dzũng Chinh là ai ? - trong đó có tôi .

Năm 1969 đọc tin buồn trên báo anh mất ngoài mặt trận,không biết xúc cảm nào đã xui tôi lặng lẽ có đôi vần kính viếng thả vào hư không như một nén tâm hương :“Thơ cho người”(Ký bút danh Phan Đồi Thông,đăng nhật báo Saigon 1969).

Mảnh báo đựng bài thơ cắt lưu lại ngày ấy tình cờ rơi ra từ quyển sách cũ nằm im trên kệ bao năm qua,tẩm ướp thời gian vàng ố - tính nhẩm gần nửa thế kỷ . Xác chữ còn nguyên đó,hồn chữ phiêu diêu – thấy hiu hiu gió thì hay chị về ! – làm bật dậy trong tôi niềm cảm xúc râm ran về một thời đau thương – Tuổi trẻ Miền Nam(sau biến cố Tết Mậu Thân 68 với sắc lệnh tổng động viên toàn phần – đôn quân bắt lính),đã bị lùa không thương tiếc vào lò lửa :“nồi da xáo thịt”.

Thơ cho người (Gửi hương hồn Dzũng Chinh,người tôi không hề quen).

1/ Về cao nguyên thắp sáng hồn
Giọt mưa rớt nhẹ mấy cồn cát hoang
Tuổi thơ lớn dậy muộn màng
Ngó trời,ngó đất,ngó đèn nhang câm
2/ Mấy đồi sim tím xa xưa
Người theo cát bụi cho vừa nước non
Tháng ngày bên vó ngựa mòn
Tôi rơi nước mắt khóc hồn người ơi !
3/ Phận ngu dốt
Nước em mấy dặm đồng bằng
Dân em mấy triệu người hùng hở em ?
Ra đi từ bỏ mẹ cha
Nắng mai ai biết,nắng chiều ai hay
Tuổi vàng thân phận ngu này
Vác bom,vác đạn đổ đầy núi sông
Cơ hồ đêm tối mênh mông
Thù hằn để lại cánh đồng lúa xanh

Dzũng Chinh “Người không quen” đến tận bây giờ mới biết.

Mãi sau này,khi tàn cơn khói lửa,qua mạng toàn cầu,tôi mới biết chút lai lịch nhạc sĩ Dzũng Chinh. Anh tên thật Nguyễn Bá Chính,sinh 18/12/1941 – quê quán Nha Trang,Khánh Hòa.

Trước khi theo học khóa sĩ quan đặc biệt ở Đồng Đế Nha Trang, anh là hạ sĩ quan phục vụ tại Trung đoàn 14 Sư đoàn 9 đồn trú tại Vĩnh Bình(Trà Vinh).Dịp đó,nhạc sĩ Trúc Phương có sáng tác nhạc phẩm “Để trả lời một câu hỏi” với lời đề tặng:“Cho Dzũng Chinh,thằng bạn vai em,vì đời trôi dạt về miền quê hương tôi(Trà Vinh) - Cho tất cả bạn hữu của Dzũng Chinh vùng KBC 3054”.

Cuối năm 1968, sau khi tốt nghiệp với cấp bậc Chuẩn Úy, anh chọn đơn vị Sư Đoàn 23 BB(bản doanh tại Ban Mê Thuột)và xin phục vụ tại Trung Đoàn 44 BB trú đóng tại Sông Mao,Phan Thiết,để được gần quê quán.Giữa năm 1968,được thăng cấp Thiếu úy.Trung đoàn biết anh là một nhạc sĩ,nên bố trí cho về phục vụ ở Khối CTCT - Bộ chỉ huy Trung đoàn tạm thời đảm trách Ban Văn Nghệ,mới thành lập.Vốn mang tính nghệ sĩ và sống phóng khoáng,anh hay "dù" (xuất trại không phép) về Phan Thiết để chơi với bạn bè,nên bị kỷ luật trả về Trung đội tác chiến.Tháng 2/1969,trong một trận giao tranh ở chân núi Chà Bang(tiếng Chàm: Chơk Chabbang),Ninh Phước anh bị trọng thương,chuyển cấp cứu, mất ngày 1/3/1969 hưởng dương 28 tuổi - an táng ở Nha Trang .

Tin anh tử trận đã gợi lên trong tôi nhiều cảm xúc.Tuổi trẻ thời binh lửa,đất nước điêu linh,người đi không trở về - thây phơi chiến địa,ngẫm phận mình chẳng biết sẽ ra sao ? Đột nhiên thốt lên trong tôi : –“Tuổi thơ lớn dậy muộn màng/Ngó trời,ngó đất,ngó đèn nhang câm” …!

“Màu tím hoa sim”của thi sĩ Hữu Loan được khá nhiều nhạc sĩ trong Nam phóng tác phổ nhạc như : Dzũng Chinh,Phạm Duy,Anh Bằng,Duy Khánh.Nhưng có thể nói "Những đồi hoa sim" của Dzũng Chinh ra đời vào thập niên 1960, là bản phổ nhạc sớm nhất được nhiều thế hệ ca sĩ thể hiện: Phương Dung,Hoàng Oanh, Hương Lan, Duy Quang, Sơn Tuyền, Như Quỳnh...

Bài hát viết theo điệu Slow rumba (cũng thường được đàn theo điệu Boléro), âm giai chủ Rê thứ. Ca từ không bám sát nội dung bài thơ,chỉ dựa vào ý thơ. Thi sĩ Hữu Loan trong một bài phát biểu trên Kiến thức Ngày nay cho rằng ông thích nhất bản phổ nhạc này của Dzũng Chinh …

2-Thi sĩ Hữu Loan

Ông tên thật Nguyễn Hữu Loan, sinh ngày 2/4/1916,làng Nguyên Hoàn,Xã Mai Lĩnh,huyện Nga Sơn tỉnh Thanh Hóa. Màu tím hoa sim là cảm xúc đau xót của nhà thơ khi trên đường hành quân - (tham gia kháng chiến),nhận được tin quê nhà người vợ trẻ - bà Lê Đỗ Thị Ninh mất (do chết đuối – tháng 5/1949) .

Nói về đứa con tinh thần,ông đã có dịp trải lòng :“Sau bao nhiêu năm trời ngậm cay nuốt đắng,tôi đã được dịp phơi bày tâm sự trong hai kỳ phỏng vấn của phóng viên đài BBC tiếng Việt phát thanh trong hai ngày 5 và 12/10/2002…. - nói về nguồn gốc của “Màu Tím Hoa Sim” và những hệ lụy của bài thơ đối với tôi và gia đình tôi :

….Tôi khóc người vợ tử tế với mình,người bạn đời hiếm có của mình.Lúc đó khóc như vậy… Y như trong thơ nói đấy : tôi lấy vợ rồi đi Bộ đội,mới lấy nhau được có hơn tháng,ở nhà Bà ấy đi giặt rồi chết đuối ở sông… Tôi thấy đau xót,tôi làm bài thơ ấy tôi khóc.Bài thơ ấy lúc bấy giờ được cho là ủy mị,vì làm thơ là phải không được khóc cho cái đau riêng của mình… Nhưng cái đau khổ riêng của con người tại sao lại không được khóc !? Làm thơ phải có cái tâm mà phải là cái tâm linh thật thiêng liêng thì mới có thơ hay. Thơ hay thì sống mãi. Làm thơ mà không có tình, có tâm thì chả ra gì !”

Khóc thương để giãi bày thì bị phê là “ủy mị” khiến niềm đau trở nên “bất nhẫn”,Hữu Loan tâm sự :“Mất nàng,mất tất cả,tôi chán đời,chán kháng chiến,bỏ đồng đội;từ giã văn đàn về quê làm ruộng,một phần cũng vì tính tôi “hay cãi,thích chống đối,không thể làm gì trái với suy nghĩ của tôi” ..Tôi chẳng cần mặc kệ! Tôi thương,tôi nhớ Hoa Sim của tôi quá rồi !”...

Hữu Loan mất ngày 18/3/2010 – ông được đánh giá là một nhà thơ cách mạng cương trực,khí phách mà cũng đầy những câu thơ ứa lệ : “Chiều hành quân/ Qua những đồi sim/ Những đồi sim dài trong chiều không hết/ Màu tím hoa sim/ Tím chiều hoang biền biệt..”

Từ Hữu Loan đến Dzũng Chinh,đem chưng cất lắng lọc niềm đau thơ-nhạc,ta bắt gặp ở đó chất“người”của con người mọi thời đại – họ khát khao hạnh phúc yêu thương – họ bước vào cuộc chiến được biện hộ bằng mọi lý lẽ,huyền từ hoa mỹ. Và,họ chưa kịp nhìn ra mình đã bị hủy diệt…

Dzũng Chinh – người nhạc sĩ trẻ tài hoa đã ghim nỗi buồn “hoa sim” vào lòng nhân thế - kéo dài niềm đau đến bất tận :“Khói buốt bên hương tàn nghi ngút/ Trên mộ đầy cỏ vàng/ Mà đường về thênh thang/ Đồi sim vẫn còn trong lối cũ/ Giờ thiếu người xưa ấy đồi hoang mới tiêu điều !”…

Giờ đây,mọi chuyện đã lùi xa…rất xa – nhắc nhớ chẳng qua để thấy đất nước mình đã có một thời như thế !

(Tp.Thủ Đức – 07/02/2021)
Tham khảo nguồn internet:
(cafevannghe.wordpress.com;dutule.com; Facebook.com,SG trong tim tôi).





VVM.24.3.2022

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .