Việt Văn Mới
Việt Văn Mới





KHÔNG CÓ TỜ BÁO “BƯU ĐIỆN” NÀO CẢ!



C ác bản tin hàng ngày trên Youtube thỉnh thoảng có nhắc đến tên một tờ báo của Trung Quốc là “Bưu Điện Hoa Nam.” Đây là một tờ nhật báo tiếng Anh thuộc sở hữu của tập đoàn Alibaba, xuất bản tại Hồng Công. Tên tiếng Anh của tờ báo là The South China Morning Post. Tờ báo này còn có ấn bản ngày Chủ Nhật với tên The Sunday Post. Ngoài ra, Hồng Công cũng có một tờ Nhật báo có tên The Hongkong Post, nhưng cả hai tờ, The Sunday Post The Hongkong Post này ít khi được người làm tin ở Việt Nam nhắc tới. Trong khi đó, đặc biệt các báo của Đảng Cộng sản Việt Nam thường đề cập một tờ báo của Mỹ là “Nhật báo Bưu Điện Oa-sinh-tơn” mà tên của nó là The Washington Post.

Ví dụ:

“Mới đây, một bài bình luận trên tờ Bưu điện Oa-sinh-tơn, nói rằng: “Hoa Kỳ có vẻ tỏ ra chưa thực sự cương quyết với các hành xử được cho là đàn áp nhân quyền và các nhà bất đồng chính kiến ôn hòa ở Việt Nam”. (Tuyên Giáo – Tạp Chí của Ban Tuyên Giáo Trung Ương)

“Nhật báo “Bưu điện Oa-sinh-tơn” (Mỹ) số ra ngày 25-3 đưa tin trong thời gian gần đây, tập hồ sơ “Dữ liệu thông tin nhân dạng khủng bố” (TIDE) của Trung tâm chống khủng bố quốc gia Mỹ (NCC), đã tăng đột biến, từ mức dưới 100.000 hồ sơ năm 2003 lên khoảng 435.000 hồ sơ hiện nay…” (Quân Đội Nhân Dân)

“Tin tặc tấn công báo Bưu điện Oasinhtơn Sau hai nhật báo lớn là New York Times (Thời báo Niu Yoóc) và Wall Street Journal (Nhật báo Phố Uôn), ngày 2/2 tới phiên Washington Post (Bưu điện Oasinhtơn) thông báo đã trở thành nạn nhân mới nhất của tin tặc.” (Tin Tức – Thông Tấn Xã Việt Nam)

Báo chí Mỹ có lẽ còn có ít nhất một tờ báo “Bưu Điện” như vậy nữa nhưng cũng ít được báo chí Việt Nam nhắc tới là tờ The New York Post. Nếu Thái Lan có tờ The Bangkok Post, thì Sài Gòn từ năm 1963 đã có một tờ nhật báo tiếng Anh The Saigon Post. (Đình bản ngày 26 tháng 4/1975). Hiện nay Sài Gon có một kênh tin tức trên Youtube cũng lấy tên The Saigon Post.

Trước giờ hầu như ai cũng “dịch” (hoặc hiểu) hai chữ tiếng Anh Post Office (tiếng Pháp là Le Bureau de Poste) với nghĩa là Bưu Điện. Có lẽ ít người thắc mắc tại sao trong dịch vụ thư tín (Post/poste - bưu chính) này lại có Điện gì trong đó?

Thực ra Post Office, tiếng Anh, hay Bureau de Poste, tiếng Pháp, chỉ có nghĩa là Bưu Cục thôi. Từ điển Pháp Việt của Đào Duy Anh cũng dịch Bureau de Poste là Bưu Cục. Theo cách giải thích vắn tắt của người Pháp, Un bureau de poste est un établissement où s'exerce le service du courrier pour un territoire donné. (Bưu cục là cơ sở thực hiện dịch vụ thư tín cho một lãnh thổ nhất định). Hoặc nói rõ hơn một chút, đó là nơi người ta đến gởi thư từ hoặc một số hàng hóa có trọng lượng nhỏ theo đường bưu chính. Sở dĩ mọi người quen gọi nó là Bưu Điện vì ngày xưa dịch vụ Bưu chính này có đảm nhiệm luôn cả phần thông tin liên lạc bằng điện tín và điện thoại. Người Pháp gọi chung ba dịch vụ là Postes, Télégraphes et Téléphones (Bưu chính, Điện tín và Điện thoại) và chúng thường được viết tắt là PTT. Vậy thì Bưu Điện là cách nói tắt gồm Bưu chính, Địện tín, và Điện thoại.

Ngày trước, chung quanh phần trên cái đồng hồ tròn lớn mặt nền trắng chữ số đen, tại mặt tiền của Bưu Điện Trung Tâm thành phố Sài Gòn có gắn ba chữ cái lớn PTT sơn màu đen. Trong năm 1969 nhà Bưu Đện thành phố bị đội “Biệt Động Sài Gòn” (VC) đặt chất nổ làm chết một Đại úy QL VNCH và 3 thường dân, cùng 21 người khác bị thương. Cái đồng hồ bị vỡ chỉ còn cái khung bên ngoài. (Trong hình). Về sau, có lẽ cùng năm đó, khi thay cái đồng hồ mới, người ta đã gỡ đi ba chữ này.) Trước năm 1975, do tình trạng chiến tranh, có lúc thư tín trong nước được chuyển đi rất chậm, trong giới báo chí Sài Gòn có người đã nói đùa ba chữ PTT trước nhà Bưu Điện có nghĩa là Phải Từ Từ.

Ngày nay công nghệ điện tín đã hoàn toàn nhường chỗ cho công nghệ điện thư (email) và tin nhắn (message); dịch vụ điện thoại tách khỏi Bưu Điện, trở thành hoạt động kinh doanh của một số công ty nhất định, người ta vẫn theo thói quen dùng từ Bưu Điện để gọi các Bưu cục và dịch vụ Bưu chính viễn thông. Nhưng cho dù không có sự thay đổi này, từ Post trong tên các tờ báo nước ngoài từ trước đến nay cũng không bao giờ có nghĩa là Bưu điện.

Trong tiếng Anh (British English), từ Post có một nghĩa là thư tín được dùng trong một số expressions liên quan đến dịch vụ bưu chính, tức dịch vụ chuyển và phát thư. Ví dụ: -post: thư tín.

Registered post. -Thư có ghi số (Trước 1975 người miền Nam gọi là thư bảo đảm)

Was there any post for me today? -Hôm nay tôi có cái thư nào không?

She was opening her post. -Chị mở thư ra.

-the post: chuyến thư.

-to catch/miss the post: gởi kịp/không kịp chuyến thư.

-What time does the post go? -Mấy giờ thì chuyến thư được gởi đi?

-(the) first/second/last post of each day. -chuyến thư đầu tiên/thứ hai/cuối cùng trong ngày.

Applications must arrive by first post on September 23. -Đơn xin phải (được gởi) đến theo chuyến thư đầu tiên vào ngày 23 tháng Chín.

-by post: bằng đường bưu chính.

-The winners will be notified by post. -Những người thắng sẽ được thông báo bằng đường bưu chính.

-in the post: Theo đường bưu chính/Trên đường chuyển/phát thư.

-Your letter must have got lost in the post. -Chắc là thư của chị đã bị thất lạc trong khi chuyển phát.

-I'll put a copy of the book in the post. -Tôi sẽ gởi một bản cuốn sách theo đường bưu chính.

-through the post: qua/bằng đường bưu chính.

-A parcel arrived through the post. -Một bưu kiện đã đến qua đường bưu chính.

Ngoài ra, Post có các nghĩa phổ biến như sau:

1. POST là một vị trí/chức vụ công việc (thường có tính quan trọng trong một công ty hay tổ chức lớn). Ví dụ:

-to apply for a post: nộp đơn xin việc. -I applied for the post and was asked to attend an interview: Tôi nộp đơn xin vào vị trí đó và được yêu cầu tham dự một cuộc phỏng vấn.

-to offer somebody a post: (giao) cho ai một công việc. -She was offered the post of ambassador to India: Bà được giao chức vụ đại sứ tại Ấn Độ

-to appoint somebody to a post: chỉ định/bổ nhiệm ai vào một chức vụ công việc. -They said he had been appointed to the post by virtue of cronyism: Họ nói rằng anh ấy đã được bổ nhiệm vào vị trí này nhờ có quan hệ thân hữu

-to take up a post; đảm nhận một công việc mới. -He will take up his post as Head of Modern Languages in September: Ông ấy sẽ đảm nhận vị trí Trưởng phòng Ngôn ngữ Hiện đại vào tháng 9.

2. POST là vị trí, đồn, bốt của quân đội, trạm... Thời Pháp thuộc, đồn Cảnh sát cũng gọi là bốt. “Bốt Catinat” nổi tiếng một thời trên đường Catinat Sài Gòn (Thời VNCH là đường Tự Do, sau 1975 là đường Đồng Khởi). Bốt là cách phát âm “Việt hóa” của từ POST/POSTE.

-By 5 am the soldiers were already at their posts. - Đến 5 giờ sáng, những người lính đã có mặt tại vị trí của họ

-No one was allowed to leave their post. -Không ai được phép rời khỏi vị trí của họ.

-trading post: Trạm giao dịch(They realised the strategic importance of the site and used it as a naval base and trading post.

-Họ nhận ra tầm quan trọng chiến lược của địa điểm này và sử dụng nó như một căn cứ hải quân và trạm giao dịch.)

-He had found the observation post two miles beyond the outer rim of the Jabal Hamrin. -Ông đã tìm thấy trạm quan sát cách mé ngoài của Jabal Hamrin hai dặm.

3. POST là cây cọc, cây cột, bằng gỗ hay kim loại chống hay chôn chặt xuống đất.

-A fence post. -Một cây cọc rào.

bedpost: chân giường.

gatepost: cột cổng

lamp-post: cột đèn.

signpost: cột bảng hiệu.

-cột dọc khung thành trong bóng đá, khúc côn cầu cũng gọi là post.

-The ball hit the post and bounced off: Bóng trúng cột dọc khung thành và nảy bật ra.

-post cũng là cột mốc về đích trong cuộc đua, nhất là trong trường đua ngựa.

-The Magic was first past the post. -Con Magic đã về đích trước.

Thế nhưng khi nói “(to run/to be driven or pushed) from pillar to post” thì người ta không nói gì về cột hay cọc hay… bưu điện, mà có ý nói bị buộc phải vất vả di chuyển liên tục từ nơi này sang nơi khác. Vú dụ:

-Peggy has been moved from pillar to post by the company in the last four years. She’s tired of never being in one place for more than a few months.

-Peggy đã được công ty chuyển nơi này sang nơi khác trong bốn năm qua. Cô ấy mệt mỏi vì không bao giờ ở một nơi trong hơn một vài tháng.

-To set up the company we had to run from pillar to post facing no end of paperwork and authoritative manners. -Để thành lập công ty, chúng tôi đã phải chạy từ nơi này sang nơi khác với vô số thủ tục giấy tờ và các cung cách quyền hành. -To set up the company we had to run from pillar to post facing no end of paperwork and authoritative manners.

4. POST là bài viết, bản tin hay tờ nhật báo. Ở góc trái phía trên bài viết của bạn trên facebook có dấu ba chấm. Bấm chuột vào đó, nếu trong cài đặt bạn chọn ngôn ngữ là tiếng Anh, bạn sẽ thấy trong cửa sổ xổ xuống có mấy chữ theo thứ tự từ trên xuống: “pin post,” “edit post,” “save post.” Còn nếu bạn chọn ngôn ngữ Facebook là tiếng Việt, các chữ đó tuần tự là “Ghim bài viết,” “sửa chữa bài viết,” và “Lưu bài viết.”

Post là một bài viết, một bản tin. Bản tin in ra hàng ngày bán cho người ta mua về đọc, đó là một tờ báo. Thế nên từ Post trong những cái tên báo như The Washington Post, The New York Post, The Saigon Post, The Bangkok Post, The South China Morning Post, The Sunday Evening Post, vân vân, chỉ có nghĩa là tờ nhật báo, tuần tự là Nhật báo Washington, Nhật báo New York. Nhật báo Sài Gon, Nhật báo Băng Cốc, Nhật báo Buổi sáng Hoa Nam, Nhật báo Buổi chiều, vân vân, chớ không hề là báo Bưu Điện gì cả.

Ngoài ra, từ Post trong tên các tờ báo còn có thêm một nghĩa khác có tính lịch sử. Ngày xưa các triều đình vua chúa tổ chức ngựa trạm để đưa tin. Với những tin tức bình thường, người đưa tin (sách lịch sử gọi là người phu/chạy trạm) chạy ngựa trên một quảng đường nhất định từ trạm này đến trạm kia thì dừng nghỉ, ngủ lại qua đêm, ngày mai chạy tiếp. Nhưng với các tin hỏa tốc, người chạy trạm sẽ không dừng nghỉ. Khi đến một trạm kế tiếp, anh ta đổi ngựa và tiếp tục chạy để bảo đảm tin tức được đưa về triều đình sớm nhất. Vào thế kỷ 18, người Anh//Mỹ gọi cách chạy ngựa suốt đường không nghỉ như thế là “travelling post” (chạy vượt trạm). Qua thời gian, từ post mang ý khẩn cấp; những thông tin khẩn cấp vì thế cũng có nghĩa là rất quan trọng, tin nóng, tin hay, tin mới nhất, tin hấp dẫn. Vì vậy, một tờ báo mà tên của nó có chữ Post là có ý tuyên bố nó có tin tức nóng nhất, mới nhất. Tờ The Morning Post, chẳng hạn, hàm ý thông báo những tin tức sáng nay của tờ báo còn nóng hổi vì mới nhận được qua người đưa tin “chạy xuyên trạm” trong đêm qua.

Chuyến thư gởi đi đầu tiên và cuối cùng trong ngày của một Bưu cục được gọi là first post last post. Nhưng expression “the first post” có một nghĩa quân sự là cuộc kiểm tra đầu ngày của sĩ quan chỉ huy tới các điểm canh gác (sentry posts) của binh lính quanh doanh trại. Và expression “the last post” là tiếng kèn đồng (được thổi ở nốt La (A), kéo dài 45 giây) báo hiệu chấm dứt cuộc kiểm tra đó. Trong thế kỷ 18, “the last post” trở thành tiếng kèn thu không.

Thời xưa quân lính (và dân cư) sống trong các thành quách, ban ngày dân cư ra sinh hoạt ngoài thành, chiều tối trở vào thành. Đến một giờ nhất định những người canh giữ cổng thành đánh ba hồi chiêng hoặc trống kéo dài chậm rãi báo hiệu giờ đóng cửa thành. Người ta gọi đó là tiếng chiêng/trống thu không.

Kiều từ trở gót trướng hoa,
Mặt trời gác núi chiêng đà thu không.
(Kiều)

“Tiếng trống thu không báo hiệu trời sắp tối. Từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều, thưa thớt, chậm rãi, buồn bã.” (Thạch Lam, Nắng Trong vườn)

The last post – tiếng kèn thu không trong lục quân Anh và Úc cũng vậy.

Trong thế kỷ 19, trong các quốc gia thuộc khối đế quốc Anh (The British Empire), the last post có một chức năng mới nữa là tiếng kèn tưởng niệm trong các tang lễ quân sự hoặc buổi lễ tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh trong chiến tranh. Tiếng kèn đồng cất lên với nốt Si giáng (B♭) buồn bã kéo dài 75 giây.

Vì từ Post được thảo luận ở đây là một danh từ, không thuộc trong ngữ cảnh mô tả hành động cho nên ta không bàn đến động từ Post. Và Post cũng không phải là một tính từ (dạng tính từ của Post là postal - thuộc về hoặc liên quan đến bưu chính). Khi được dùng như một tiếp đầu ngữ (prefix), Post có thể tác động đến từ sau nó giống như tính từ, nhưng cũng chỉ có nghĩa là hậu/sau, như:

Post-doctoral: hậu tiến sĩ

Posthumous: tử hậu (sau khi chết): (như trong câu: But good conduct now can bring posthumous promotion or vice versa.

-Nhưng hành vi tốt bây giờ có thể mang lại sự tưởng thưởng sau khi chết hoặc ngược lại.)

Post-operative: hậu phẫu

Postmodernist: thuộc chủ nghĩa hậu hiện đại

Postpartum: hậu sản. (Phụ nữ) sau khi sinh.

Post-war: hậu chiến.

Vân vân,

Tóm lại Post không phải là Bưu Điện. Và không có tờ báo Bưu Điện nào cả.




VVM.16.3.2023 -

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .