Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

NGƯỜI MỘT THỜI


                  

C hiếc xe khách ì ạch leo dốc Cun, dễ mất tới hơn một giờ đồng hồ mới vượt qua 6 cây số. Trận bão lũ lớn cách đây hơn tuần đã làm một đoạn dốc dài bị sạt lở, ô tô không thể đi qua. Dọc hai bên đường, những bụi cây sim, cây mua bẹp dí, vùi dưới đất đá ngổn ngang.
     Đến những cây cổ thụ to tướng cũng bị gió quật làm gẫy ngang cây, thì cả khu rừng tái sinh tơi tả không có gì lạ. Công nhân hạt giao thông sở tại đã phải mất mươi ngày dọn dẹp, nay mới thông đường. Biết vậy, nên từ sáng, tôi đã đáp vội chuyến xe đầu tiên về quê.
     Chuyến về quê lần này, ngoài việc công, tôi còn lo làm các thủ tục để chuyển hộ khẩu cho đứa con gái lên thị xã và không quên tìm tới thăm người bạn thuở thiếu thời, giờ nghe nói đã là cán bộ chủ chốt một phòng chức năng của huyện. Nếu chia đoạn đường từ thị xã miền Tây Bắc này về tới miền xuôi làm ba quãng, thì quê tôi nằm quãng thứ ba từ thị xã xuống. Có nghĩa là ở vào vùng chuyển tiếp giữa miền núi với đồng bằng, thổ nhưỡng được xếp vào diện kém nhất. Chất đất xấu nên mỗi năm chỉ cấy một vụ lúa, vụ kia làm màu. Bù lại, đất cát pha ở đồng đất quê tôi phù hợp với trồng các loại cây màu, như lạc, khoai lang, khoai sọ, đỗ xanh, củ từ, củ đậu. Năng nhặt chặt bị, nhà nào chí thú trồng trọt thì tàm tạm, nhưng nhìn bức tranh chung thì vẫn nghèo lắm. Mấy năm gần đây, nghe nói, tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được chuyển giao tới bà con nhờ có các phòng chức năng của huyện, trong đó có cơ quan của Lâm- người bạn cùng chăn trâu, bắt sáo trên hang đá với tôi thuở nào. Thế mà đã mấy mươi năm rồi còn gì...

     Thu xếp xong việc công, sáng ấy, tôi trở lại huyện. Dãy nhà một tầng kề bên tay trái ủy ban huyện là cơ quan bạn. Không phải mất nhiều thời gian mới tìm được Lâm, vì hôm nay trời mưa, hình như phòng ban nào cũng nhộn nhịp người và chủ đề thời sự mà họ bàn tán vẫn là vụ sạt lở đường mấy hôm trước. Tôi dừng trước cửa phó phòng, để ý bạn một lúc xem có đổi khác gì và cũng là để giấu đi cảm xúc của mình sau bao nhiêu năm gặp lại. Sau tiếng gõ cửa lần thứ hai, Lâm ngẩng đầu lên, cặp kính trễ xuống, đè lên sống mũi tèn tẹt quen thuộc.
     - Cứ vào!
     - Tôm tôi đến cửa nhà rồng, không báo trước mà vẫn gặp, may thế!
     - Anh là...
     - Thử xem nào! Không nhận ra thằng nào nữa ư?
     - Bùi “lỳ” hả? Trời đất! Ở xó xỉnh nào ra thế? Biết ngay mà, cái hôm cậu đi, tôi đã dặn mà không nghe, nên thương tật thế này.
     Lâm cười ha hả. Vẫn nụ cười nghe hơi thái quá thuở nào. Anh ngả người ra sau ghế. Nom anh đạo mạo hơn xưa.
- Ừ, già hơn, nhưng đúng là cựu chiến binh thật, nom cậu oách ra phết. Sương gió dạn dày của chiến trường làm cậu đen đi, suýt nữa tôi không nhận ra nếu cậu không cất tiếng hỏi trước. Tôi nghe nói cậu bây giờ đã là cán bộ tỉnh rồi. Thú thật là tôi bận quá, mấy lần cánh thằng Đạt “khờ”, thằng Hậu “ngố” rủ đi thăm cậu từ ngày cậu còn ở Trại thương binh mà không đến được. Đừng trách, đừng trách nhé!
     Lâm vẫn khéo léo và biết cách nói để không làm mếch lòng người khác như trước đây. Tôi cười:
     - Ai dám trách chứ! Trăm công nghìn việc như thủ trưởng kể có nghìn tay cũng chẳng xuể, mà trách thì còn ra sao?
     - Ờ, ờ... Chỉ cần cậu biết thế là tốt rồi! Mà, đến huyện có việc gì đấy?
     Tôi thành thực:
     - Chẳng giấu gì cậu, mình đi chuyển hộ khẩu cho đứa con gái. Chờ từ chiều qua đến giờ chưa được.
     - Anh bạn quan liêu quá. Phải đưa anh đi thực tế một thời gian cho anh biết thế nào là cơ sở. Chẳng nắm được quy luật gì cả. Chỉ có sáng thứ 2 và sáng thứ bảy mới gặp được, ngày khác thì được chăng hay chớ, lên vào thứ sáu là hỏng rồi. Thôi bây giờ đã đến đây thì ngủ lại đây, ta còn nhiều chuyện để nói lắm đấy nhé. Trong buổi sáng nay hoặc chậm nhất là chiều nay, tôi sẽ giúp anh làm xong thủ tục, được chưa?
     Trong lời nói của Lâm hình như có chút sự cao đạo và kẻ cả của người đã tiếp xúc làm việc với các ngành. Tôi thấy có điều gì khang khác và bỗng có cảm giác khó gần thế nào. Nhưng sự cảm thông và nhiệt tình của Lâm khiến tôi quên đi cảm giác bất chợt ấy. Bởi dẫu có thế nào thì chúng tôi vẫn là bạn từ bé, lại học cùng đại học; vả lại, mấy mươi năm rồi, có biết bao nhiêu chuyện tích tụ để kể.
     Ngồi uống nước được vài phút, thì có hai người bước vào. Người đàn ông đeo kính trắng, dáng hơi gù, chạc ngoài bốn mươi và một phụ nữ ngoài ba mươi tuổi. Chị nhìn tôi mỉm cười, khẽ chào. Lâm đứng dậy.
     - Giới thiệu với Bùi, anh Hưng - Trưởng ban và chị Ninh, cán bộ thú y của ban. Còn đây là Bùi, bạn học đại học của tôi. À mà hồi chúng tôi về thực tập ở nông trường, anh Hưng gặp rồi chứ?
     Hưng quay sang, nhìn tôi.
     - Mình nhớ ra rồi. Trong đoàn học sinh thực tập hồi đó, cậu là người hay đọc thơ, bình văn, nhưng không thể nhớ tên. Mà, trông cậu già đi nhiều đấy.
     Lâm tiếp:
- So với thủ trưởng và tôi thì Bùi vất vả hơn. Hồi ấy, ngay sau đợt thực tập, trở về trường là Bùi nhập ngũ luôn. Sau giải phóng miền Nam, Bùi lại tấp tểnh cái chân thương tật học tiếp. Học xong, do sức khỏe yếu nên cậu ấy xin về làm ở Nhà xuất bản của tỉnh.
Ô, Lâm biết tôi rõ thế ư? Thế mà tôi cứ tưởng... Lâm vừa nói xong, Hưng tay bắt mặt mừng. Anh có vẻ bỗ bã, nhưng chân tình.
     - Xin lỗi cậu nhé. Lâu nay khỏe không, vết thương có hành hạ cậu không đấy? Đúng đúng, mình nhớ hôm chia tay ở nông trường, cậu hát bài gì bằng tiếng Nga nhỉ? À, Ca-chiu- sa! Trách gì, sau đấy cậu đi bộ đội ngay. Thế vợ con ra sao rồi?
     Anh hỏi rối rít, khiến tôi không biết phải trả lời câu nào trước, câu nào sau, chỉ cười trừ. Nhìn kỹ Hưng, thấy anh không già đi nhiều so với hồi bọn tôi đi thực tập; ngược lại, nom béo trắng ra. Chiếc áo budông bó lấy thân hình hơi đẫy, tác phong chậm chạp hơn, nhưng tính sôi nổi và vô tư của anh thì không khác trước là mấy.
     - Mình định đến từ sáng, nhưng tay Tiến chữa xe đạp đầu xóm Khế gọi vào, cạn vài chén rồi. Của ấy ngon, lại mạnh nên lại phải mất vài chục phút sau mới đi được. Tôi để ý thấy chị Ninh ngồi như chịu trận, vẻ khó chịu hiện trên gương mặt. Mãi, chị mới chen vào một câu:
     - Báo cáo các anh, chiều nay cho tôi đến muộn, vì bận thảo báo cáo công đoàn; rồi phải ghé trại lợn của đơn vị bộ đội. Nghe nói lợn bị tụ huyết trùng, đơn vị đã cho người gọi từ sáng.
     Nói xong, chị gật đầu chào chúng tôi rồi ra ngay, như sợ mất thêm thời gian vô bổ trong khi biết bao công việc đang chờ. Trong phòng làm việc chỉ còn lại ba người. Có lẽ chất men giờ mới ngấm nên mặt Hưng đỏ lên, giọng anh hùng biện:
     - Hồi chiến tranh, một lần tôi có việc phải lên thị xã. Vừa đạp xe đến gốc cây gạo to thì gặp máy bay Mỹ, nó bay sát sạt cứ như sập xuống đầu. Tôi quẳng cả xe đạp, chạy thục mạng, vượt mấy bà con mọn rồi nhảy tọt xuống cái hố tăng-xê cạnh đường.
     Anh cười ha hả, đứng dậy.
- Nhưng các cậu biết không. Ngay sau đấy, mấy bà gồng gánh, cả mấy mế Mường đi chợ thấy tôi chạy thì cũng hốt hoảng chạy theo, rồi chồng chất lên cả người tôi. Kết quả, bom đạn đâu chả thấy, hôm ấy tôi bị một vố nghẹt thở vì các mẹ ấy đè.
     Chuyện của anh bi hài đến nỗi ít cười như tôi cũng bị một phen chảy nước mắt. Còn Lâm, có lẽ anh đã quá quen với cấp trên của mình nên mặt cứ tỉnh bơ. Đoạn Hưng hùng hồn kể thì Lâm ngoảnh mặt đi, rít mạnh thuốc lá, như thể cực chẳng đã phải ngồi nghe. Rồi Lâm đưa mắt sang tôi ngầm bảo thủ trưởng là người như thế đấy. Cái vẻ coi thường lộ rõ trong con mắt của Lâm.
     - Nào, chuyện của thủ trưởng đã xong chưa? Giờ tôi muốn bàn với thủ trưởng về cái báo cáo này một lát.
     Tôi đứng dậy định quay ra để Lâm và Hưng trao đổi công việc, thì Lâm ngó qua cửa sổ, đánh mắt về phía trụ sở Công an huyện.
     - Tôi hiểu tâm trạng của ông. Nhưng bình tĩnh. Không được sáng nay thì chiều. Còn bây giờ cứ phải ngồi đây nghỉ ngơi đã. Bọn mình làm việc không có gì bí mật cả. À, có tờ báo Lao Động đây, vụ móc ngoặc lớn quá, may mà sập cầu sớm chứ không thì thằng trúng quả đậm, thằng lại được thăng quan tiến chức. Địa ngục với thiên đường quả trong gang tấc, cách nhau là mấy.
     Lâm đưa cho tôi tờ báo, như để tôi bớt sốt ruột. Nhưng câu chuyện giữa họ cứ lọt vào tai. Lâm lên tiếng trước:
     - Tôi đã đọc kỹ bản báo anh đưa hôm qua. Giá anh báo trước với tôi, tôi sẽ nhờ người khác viết. Ta nên tô đậm vào hai thành tích. Một là nuôi cá, hai là lo đủ giống và phân cho vụ màu tới. Như thế thì báo cáo dễ thuyết phục hơn. Còn việc nhờ khoán sản phẩm mà đạt thế này thế nọ, nguyên nhân vì sao thì dành cho bên huyện ủy họ tổng kết. Tóm lại, ta phải tô đậm về thành tích của phòng ta. Phần đầu báo cáo này viết hơi dông dài, không cần. Những cụm từ mà báo chí trung ương hay dùng như “Xây dựng địa phương thành pháo đài, thành vành đai xanh”, “Biến nghị quyết Đại hội Đảng thành hành động, thực hiện mục tiêu huyện công - nông - lâm toàn diện...”, sao không đưa vào cho hoành tráng nhỉ? Báo cáo phải “lên gân” chứ. Đề nghị anh cho viết lại, hoặc giao cho người khác viết.
     Hưng ngồi nghe có vẻ chăm chú. Nhuệ khí bừng bừng của mươi phút trước tiêu tan hết, thay vì là vẻ mặt ỉu xìu. Chốc chốc lại nghe anh ừ ừ, à à, nửa tán thành, nửa buộc phải nghe theo cấp dưới của mình... “phán”.
     - Thôi, sếp không có ý kiến gì thì ta cứ thế nhé!
     Nói xong, Lâm đứng dậy ngay, không để Trưởng phòng của mình kịp phản ứng. Hưng toan đi ra. Sực nhớ, anh quay lại chào và bắt tay tôi:
     - Bắt tay cán bộ tỉnh nào! Nên, nên về huyện này cậu ạ. Có khối cái để nói. Thôi nhé, chào các cậu!
     Hưng ra khỏi cửa. Lâm nhìn theo cái lưng to bè của Hưng mà nói:
     - Thế nào, ông thử phát biểu cảm tưởng về sếp tôi xem!
     Tôi chưa tìm được câu trả lời, thì Lâm đã nói:
     - Ông ta là giáo viên cấp một từ đời tám hoánh, được ủy ban lấy sang, thế là tịnh tiến từ cán bộ văn thư lên. Cậu biết không, Phó huyện nay mai đấy, xoàng đâu! Thú thực, lúc nãy, nể cậu quá!
     Thấy Lâm vẻ như quá khe khắt với cấp trên của mình, tôi xuê xoa:
     - Hồi thực tập ở nông trường, chúng mình đều đánh giá ông ấy là năng nổ, có trách nhiệm là gì?
     - Thì cái gì cũng có thời anh bạn ạ. Ông ta mới dở chứng từ vài năm nay thôi. Con người ta nhàn hạ, sung sướng quá rồi cũng sinh ra tai quái. Giống như người càng giàu, càng khát tiền, thì càng keo kiệt, bần tiện; cái thằng nghèo rớt mùng tơi thì lại phung phí, hào phóng, sỹ diện hão. Sự đời cứ như ăn miếng trả miếng vậy. Cán bộ gì mà cứ ha há, hô hố ở nơi đông người. Đi bên ông ta, lắm lúc sượng mặt...
     Lâm chiêu một hớp nước, rồi tiếp:
     - Thế nhưng nói đi thì cũng phải nói lại. Các cụ bảo vuốt mặt phải nể mũi, chính ông ta đã ký quyết định nhận mình về đây và cũng là người tiến cử mình chức phó phòng. Giá như không có ông ta chắc gì mình được như bây giờ. Thế nên, có thế nào thì cũng phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Anh bạn ạ. Nhưng tôn trọng thì còn phải xem lại.
     Nói xong, Lâm ngả người ra phía sau. Anh cười, cái cười vẻ như mãn nguyện. Nhìn lại bạn, tác phong thì khác, nhưng cái phần cá tính khiến người ta gờn gợn khi gần gặn thì hình như thời gian càng lâu, càng chai sạn.
     Lâm nói đúng. Hôm ấy tôi phải chờ tới cuối buổi chiều mới lo xong giấy tờ cho con. Trưa, tôi phải ngủ lại chỗ Lâm. Có lẽ thấy tôi vẫn có vẻ dè dặt, nên Lâm cởi mở. Và chỉ khi có riêng hai người, câu chuyện mới bớt đi những khách sáo chốn công đường.
     Ở lớp đại học năm ấy, Lâm không thuộc loại thông minh nổi trội, nhưng anh có cách học riêng. Ví như khi thi vấn đáp, anh có thể chuyển bại thành thắng chỉ bằng sự khéo léo trong cách nói năng của mình mà không cần tới mức phải sôi kinh ninh sử như những người khác. Thầy hỏi thi, nếu không thân thiết thì cũng là chỗ quen biết nên điểm của Lâm bao giờ cũng “xông xênh” hơn chúng tôi. Những buổi lao động xây dựng trường, tự túc lương thực, Lâm tham gia vừa phải, thậm chí ít hơn người khác. Người ta nhận ra Lâm làm cầm chừng để dưỡng sức, cán bộ lớp và giáo viên chủ nhiệm biết, nhưng cấm bao giờ Lâm bị phê là thiếu tích cực. Tôi và Lâm ngủ chung giường, dẫu vạn lần tôi tức tối vì Lâm không bao giờ gấp chăn màn, nhưng không thể giận, mà chỉ cười trừ vì sự chống chế rất siêu của cậu ta.
     Cuối năm học thứ ba, chiến tranh xảy ra ác liệt trên cả ba miền. Toàn trường có hàng trăm sinh viên nhập ngũ. Sau lúc chia tay với cả lớp, Lâm kéo tôi ra góc sân, chuyện trò mãi tận khuya. Có lẽ vừa là tình cảm bạn bè, vừa là nghĩa tình đồng hương nên anh dặn dò cả những điều sâu kín nhất.
     - Mày phải nhớ cho tao là hòn tên mũi đạn nó không biết tránh cái “gáo” của ai đâu nhé. Phải có người có ta, mày là thuộc diện gan lỳ tướng quân đấy!
     Tôi hiểu cái ý sâu sa mà Lâm căn dặn. Nghĩa là đánh đấm thì cũng một vừa hai phải thôi. Đi còn mong ngày trở về. Tôi không tán thành nhưng khi ấy không còn thời giờ tranh luận, mà có tranh cãi thì cái sự vụng chèo khéo chống nổi tiếng của Lâm, thì tôi có nói gì cũng chẳng lại. Vả, trước lúc đi xa có một người chân tình đến vậy thì cũng đáng quý lắm rồi.
     Mấy chục năm qua, chỉ có duy nhất một lần Lâm gặp lại tôi ở phố huyện. Ấy là khi tôi mới từ Trại điều dưỡng thương binh trở về học tiếp Đại học. Lâm nhìn cái chân cà nhắc của tôi, bảo:
     - Đấy mà! Mình đoán cái tính gan lỳ của cậu, lúc trở về chí ít cũng mang thương tật. Nhưng nhìn cậu oách phết. Cho mình chia sẻ vinh dự ấy nhé. Nhưng phải bỏ cái tính sỹ diện của cậu đi. Thời thế, thế thời phải thế! Khi nào về phép, hoặc có dịp thì ghé qua cơ quan mình nhé.
     Bây giờ thì tôi đang ngồi với Phó phòng và là Huyện ủy viên. Cái tuổi gần bốn mươi với đàn ông là tuổi sung sức nhất; mặc dù giữ cương vị như Lâm, thế chưa phải là nhanh, nhưng nói theo cái lý của anh thì tiến chậm mà chắc từng bước và phải hoạch định cụ thể... Anh lại là người có trình độ, được đào tạo cơ bản, thì hẳn những cung bậc đến danh lợi không khó.
     Cơn mưa dai dẳng, hậu quả của trận bão chưa hết. Dãy núi hình cánh cung trở nên bạc phếch sau lớp mưa phủ nhưng vẫn lộ rõ những nẻo đường ngoằn ngoèo như con rắn trườn lên núi. Đấy là con đường mưu sinh của phần lớn cánh thanh niên trẻ tuổi quê tôi. Ngày càng có thêm nhiều người không đeo đuổi đèn sách, bỏ lên núi, tìm gỗ xẻ kiếm tiền. Cũng ngày càng mất đi cái nguyên thủy của núi non nghìn trùng - nơi thuở nhỏ, chúng tôi - những thằng con trai vì chơi trốn tìm đã phải nhiều phen khóc dở mếu dở chui mãi mới thoát ra khỏi rừng nứa, rừng sặt mà về. Giờ, sau bao nhiêu tàn phá, rừng nguyên sinh bị huỷ hoại, trơ những đá. Đồng làng chỉ còn các bà, các chị chân yếu tay mềm cuốc cày trồng khoai, trồng lạc. Năm ngoái, vụ đưa giống mới vào đồng đất, uổng công mà chẳng có kết quả, khiến niềm tin càng bị lung lay. Ngô thì trơ cùi, lạc chỉ thấy rễ trắng phớ mà không thành quả. Ấy thế là người ta nản. Nghe câu chuyện của Lâm kể, tôi thấy buồn buồn. Lâm bảo, là do một số vị ở huyện tham rẻ mà ký hợp đồng giống rởm, chứ vào tay anh ấy ư, đã khác... Chẳng thế mà anh nhất nhất phải khẳng định đã lo được giống mới cho vụ màu tới trong báo cáo thành tích năm là gì?
     - Cậu trước sau vẫn thế nhỉ? Sống nhiều môi trường mà cai được thuốc và chè, kể ra cũng giỏi đấy.
     - Tình thế bắt buộc. Mình là cái máy đo thời tiết mà! Có chút chất kích thích trong người là biết tay nhau ngay. Thú thực, hồi bộ đội mình cũng “bắn” thuốc lào ghê lắm.
     Lâm vừa nhìn tôi, vừa tủm tỉm.
     - Tôi vô tâm, từ sáng tới giờ chưa hỏi cậu được mấy nhóc?
     - Hai, đủ tiêu chuẩn. Đứa trước gái, đứa này... vịt, cậu ạ!
     Phải như trước kia thì Lâm khôi hài và chế giễu tôi ngay, nhưng anh cười đồng cảm.
     - Cậu cũng hệt như mình. Nhưng cô vợ mình đáo để lắm. Đôi lúc mình chán chường...
     Câu chuyện của chúng tôi lắng lại. Lâm chậc lưỡi, thả mắt ra công trường xây dựng đang tấp nập phía bên kia đường. Đấy là hội trường của huyện, chưa hoàn thành nhưng nom bề thế và hình như nó quá lớn, quá to so với cái thị trấn còn bé tẹo và xem ra chậm tiến dưới dãy núi hình cánh cung này. Có lẽ tác giả của nó có cái nhìn vượt trước thời gian nên mới thu hút nhiều tâm lực cho nó đến vậy. Trong khi người ta từng đã so sánh nó với cái khu trường tiểu học cấp bốn tạm bợ xẹp lép dưới chân kia và họ ước: Giá như có thể ưu tiên cho quốc sách?... Tôi định hỏi bao giờ thì công trình thế kỷ kia hoàn thành, Lâm bỗng nói:
     - Chắc Bùi còn nhớ ông Đào, Chủ tịch huyện dạo trước chứ? Năng lực thì cũng vừa phải, trưởng thành từ cán bộ xã lên, không qua trường lớp kỹ thuật hay quản lý nào, nhưng cái hay của ông cụ là biết nghe ý kiến của người giúp việc và cũng rất quyết đoán trong những lúc cần thiết.
     - Mình cũng chỉ biết sơ sơ. Thú thực, mình không quan tâm lắm tới những nhân vật chính trị. Chỉ nghe đồn là có chuyện vật tư xây dựng gì đó...
     Giọng Lâm trầm xuống:
     - Mình tiếc quá. Ông cụ về hưu hơi sớm. Cái tuổi trên năm mươi thì đâu đã già. Nhưng “bệnh” của ông cụ đến quá sớm, lại thêm lũ con như một đám âm binh bất trị. Không đứa nào chí thú làm ăn, tu chí học hành. Uy tín của ông cụ giảm nhiều nên ông cụ phải về hưu trước tuổi đấy chứ. Hôm chia tay, ông cụ chỉ buồn vì không được trực tiếp chỉ đạo đến khi khánh thành hội trường. Đấy! Cậu xem công trình đang vào giai đoạn kết thúc rồi.
     Lâm vừa nói, vừa chỉ ra hội trường phía trước. Thế là vô tình anh đã hướng đúng vào điều mà tôi muốn biết. Trong lúc làm việc, anh tỏ ra không thích Hưng bao nhiêu thì bây giờ anh trân trọng ông Đào bấy nhiêu. Cái từ “ông cụ” mà Lâm dành cho ông Đào nghe vẻ trìu mến khác thường.
     - Chắc có lẽ ông ấy là người tâm huyết với công trình lắm?
     - Đúng thế! Ông cụ là tác giả của nó đấy. Hồi thực hiện hợp tác xã toàn xã, ông cụ làm phó chủ tịch huyện. Lần ấy, tỉnh tổ chức đi thăm một số HTX cấp cao làm ăn khá giả ở một số tỉnh; khi về, ông cụ cứ trầm trồ mãi về cái hồ thủy tạ ở một HTX nọ. Nhưng ở huyện mình đâu có điều kiện như vậy. Và thế là ông nghĩ ngay đến việc xây dựng một hội trường cho huyện. Nó phải khác xa với các hội trường mà ông đã thấy, nó phải để lại dấu ấn của ông thời ông làm chủ tịch cơ. Thế là ý tưởng chuyển thành bước đi cụ thể. Lúc đầu, ý kiến đưa ra không phải ai cũng thống nhất, nhiều người không tán thành. Nhưng bản chất rắn rỏi, tính quyết đoán, ông ký roẹt. Thế là công trường xây dựng được mở ra.
     - Chắc cậu phải là người ủng hộ thủ trưởng mình từ đầu đến cuối chứ? Tôi hỏi.
     - Về khoản này ấy à, chỉ riêng cậu với mình biết thôi nhé. Mình là người biết ý định của ông cụ ngay từ đầu. Mình phản đối ông như nhiều việc khác mình vẫn phản đối ông. Nhưng đấy là khi chỉ có ông cụ với mình thôi. Khi ra tập thể thì mình lại ủng hộ ông cụ. Khi ông cụ đã quyết thì mình không những ủng hộ mà còn đứng ra chịu trách nhiệm ở một số việc nữa. Nói cậu bỏ quá cho, không phải chỉ có việc này sai mà còn nhiều việc khác ông cụ sai bét cả, đôi lúc còn có hại nữa. Nhưng mình không nỡ nói. Có ông cụ giúp đỡ thì mình mới được như bây giờ. Mình xin tiết lộ, có khối chuyện xảy ra trong thi công, xây dựng. Người ta nói đúng hết. Gạch ngói, xi măng, sắt thép bị rút ra khỏi ruột công trình, đã từng đánh sập nhiều người đấy nhé. Riêng mình thì bình chân như vại, tháng ngày thong dong. Cứ phải như mấy ông tướng tàu ấy...

     Đã ba giờ chiều. Ngoài trời mưa cũng vừa tạnh. Lâm vươn vai ngáp dài, đứng dậy. Chiếc kính đeo mắt của anh suýt rơi xuống nền nhà, may sao còn kịp giữ lại. Tôi bỗng mường tượng ra cái mặt nạ thuở nhỏ thường tự sáng tác để chơi trò hóa trang với bạn. Tôi, thằng Đạt “khờ” và thằng Hậu “ngố” toàn bị Lâm phát hiện. Còn nó thì lúc nào cũng tránh đạn giỏi vì có tài hóa trang...

     Buổi hàn huyên hình như Lâm toại nguyện lắm. Tôi thì ân hận vì cái khối kỷ niệm từ thời sinh viên, thời lính và thời bình chất chứa trong lòng tưởng như kể được với bạn, đã không thành. Cả khối tình như nén chặt giữa chúng tôi bỗng trở nên nằng nặng, những muốn cởi bỏ mà không thể, khiến tôi rời thị trấn huyện rồi mà tâm trạng cứ u uất thế nào...-./.




VVM.05.01.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .