Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         

tranh Tran Quang Dinh


BẾN ĐỢI




C hiều xuống. Nắng trải dài trên mặt sông một màu vàng lấp loáng. Dòng nước tựa như tấm lụa nhấp nhô, uốn lượn, vắt hờ hững ngang ruộng đồng mênh mông, xanh ngát.

Đứng trên cầu, ông Trần có thể nhìn rõ ngã ba sông Đợi. Con nước ung dung xòe rộng rồi rẽ thành ba nhánh. Chúng len lỏi, luồn lách, chảy xòa vào giữa vùng đất bạc màu.

Đứng trên cầu, ông cũng có thể dõi mắt nhìn hàng dừa nghiêng nghiêng soi bóng phía xa. Nơi mà ông thường neo thuyền đợi khách sang sông . Tựa lưng vào gốc cây, ông lim dim hút thuốc, nhả khói. Loại thuốc giồng tuy không thơm nhưng hơi nặng, gây cảm giác sảng khoái, lâng lâng. Ông lắng nghe sóng vỗ ì oạp vào mạn thuyền. Tiếng bìm bịp kêu nước lớn. Tiếng lá dừa xào xạc như lời thầm thì, ru êm của quê hương mộc mạc. Cũng chính nơi nầy, ông thảng thốt khi nghe tiếng khóc tu oa, khản đặc từ trên chiếc xuồng ba lá không người lái. Ông kinh hoàng đến độ quên dùng thuyền mà phóng ào xuống nước, bơi theo tiếng khóc. Ông bắt gặp một hài nhi còn đỏ hỏn. Đôi môi tím rịm vì lạnh đang há rộng kêu khóc. Chẳng biết làm sao, ông bế xốc đứa bé lên, ôm vào lòng, quên luôn là mình mẩy ông đẩm nước. Và ông ngạc nhiên vô cùng khi tiếng khóc bỗng dưng ngừng bặt. Cặp mắt bé tí nhìn ông một thoáng rồi khép nhẹ. Bé thản nhiên ngủ. Nó như cảm nhận hạnh phúc được chở che, đùm bọc.

Trái tim tưởng chừng đã khô cằn bỗng chốc òa vỡ một cảm xúc lạ lùng. Cánh cửa lòng mở rộng. Ông bàng hoàng, hân hoan, xao xuyến lạ lùng. Ông cảm thấy mình lớn mạnh hơn, nhân ái hơn và cần thiết hơn đối với đời.

Ông Trần đưa chú bé về nhà. Chọn cho nó một cái tên mà ông yêu thích: Thuyền! Đối người chèo đò đưa khách qua sông thì còn gì quí hơn thuyền? Vả lại, thuyền cũng đã đưa chú bé “trôi sông “ đến với ông, ban cho ông niềm vui mới: Một đứa con. Những ngày cô quạnh không còn.

Trước kia, ông đã từng có một gia đình. Nhưng, chiến tranh đã cướp mất những người thân của ông. Một quả bom quái ác đã rơi đúng ngôi nhà bé nhỏ lúc ông vắng mặt. Tất cả tan thành cát bụi. Bỏ ông lại với khổ đau, đơn lẻ.

Từ ngày có bé Thuyền, ông như được hồi sinh, tất bật, bận rộn, vất vả nhưng vui. Ông vui vô kể. Ông háo hức chờ khách gọi đò, vui suớng nhận tiền công và mau mắn quay về khi mặt trời vừa chếch bóng. Ông sang nhà bà Ba láng giềng để rước bé Thuyền. Ông mớm cơm, tắm rửa cho nó. Và, đêm về, ông nằm vắt vẻo trên võng gai, miệng ầu ơ câu ca dao ngọt lịm. Bé Thuyền ngủ say trên cánh tay ông như được nghe lời ru của mẹ.

Rồi Thuyền lớn dần, ông lại đưa con tới trường làng.Buổi học đầu tiên của bé sao mà cảm động! Bé mặc áo trắng còn thơm mùi vải mới, chiếc quần đùi màu xanh dương còn nếp xếp. Bé bấu chặt bàn tay ông, không chịu rời ông nửa bước. Cô giáo phải để ông cùng ngồi bên bé trong lớp học. Để rồi khi cô dạy hát, bé lại tựa vào cánh tay ông mà ngủ. Ông không nỡ gọi mà cứ ngồi chết cứng đến khi trống trường vang lên, bé choàng dậy, ngơ ngác. Hai cha con lại dắt nhau về.

Bây giờ, mọi thứ đều đã rất xa. Thuyền đã lớn, đã trưởng thành và cũng đã rời khỏi vòng tay ông. Thuyền đi tìm nguồn cội của mình và mất hút. Hình như nó không hài lòng về hoàn cảnh hiện tại. Con của một ông lái đò nghèo khổ. Thuyền đã chán những bữa cơm rau đạm bạc. Nó thích những chiếc áo thời trang hơn mấy bộ đồ cũ cứ dầy thêm vì phèn đóng.

Ở đây, có gì đâu! “Cây đa cũ, bến đò xưa”. Có lẽ chỉ quyến rũ được ông. Chính ông cũng ngạc nhiên không hiểu tại sao ông lại bám chặt nơi nầy đến thế? Ông cũng có học đó chứ, Đối với dân trong vùng, mảnh bằng trung học cơ sở của ông đâu phải thấp. Ông đã chọn nơi nầy làm điểm tựa cuối cùng, an phận sống bên bến nước. Còn Thuyền, tuổi trẻ với những ước mơ táo bạo làm sao buộc Thuyền chôn chặt thời thanh xuân nơi đầm lầy, hẻo lánh. Chẳng lẽ buộc Thuyền theo nghề của ông. Chiếc cầu ông đang đứng cũng đủ chứng minh việc ra đi của Thuyền là hợp lý. Bây giờ, có ai còn muốn qua sông bằng đò khi chiếc cầu đúc bằng xi măng cốt thép đứng chễm chệ kia? Như thế, ông cũng không còn là người cần thiết nữa. Lâu rồi, người ta đã quên cái tên “Ông lái đò” mà gọi bằng cách khác:”Ông câu”.

Đúng rồi! Ngày nào ông cũng ra đây câu cá. Nhưng mọi người thường bảo nhau hình như ông có mục đích gì khác chớ không phải chờ cá cắn câu. Nếu không, tại sao lúc phao chìm mà ông vẫn ngồi thừ người như chết. Chẳng buồn giật dây câu. Và, chiều về, trong giỏ chỉ có vài con cá còm cõi. Người ta lại kháo nhau rằng ông là một người sung sướng. Ông rãnh rỗi giết thì giờ bằng cách ấy. Vì tháng nào người bưu tá cũng mang tiền của Thuyền gởi cho ông đến tận nhà. Với số tiền ấy, ông có thể ngồi nhà ăn suốt tháng.

Chỉ riêng mình ông hiểu. Ông buồn lắm! Ông không chờ tiền đền ơn đáp nghĩa của Thuyền. Tiền trả nợ áo cơm, công lao nuôi dưỡng . Mà ông đợi. Ông thèm ánh mắt ấm áp, giọng nói trong trẻo của Thuyền. Ông mơ tưởng vòng tay đứa con trong những khi đèn khuya hắt bóng.

Chiều nào cũng vậy, ông tựa thành cầu dõi mắt về phía chân trời. Ông đợi! ./.




VVM.14.12.2023.NVA

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .