Tặng những nạn nhân chất độc da cam
C hiều tàn. Dường như trước khi chạy trốn khỏi buổi chiều, mặt trời đã kịp để lại phía tây những cuộn mây bồng bềnh ánh hồng. Ráng chiều ửng đỏ cả bầu không.
Dưới bầu trời lung linh sắc màu như thế, đám trẻ con khu phố mải miết chơi bắn bi, đá banh và thả diều. Chúng hò hét ầm ĩ. Người lớn ở khu phố này nhìn chúng và mỉm cười độ lượng.
Có một người lớn nữa. Đó là một người đàn ông trung niên đang phóng cái nhìn từ khu nhà chung cư cao tầng. Chiều nào cũng vậy, người đàn ông cũng ra đứng ở ban công ngắm cảnh chiều tà và lũ con trẻ chơi đùa. Đã hơn nửa tiếng đồng hồ rồi mà ông không rời mắt khỏi bọn trẻ. Ông nhìn lũ trẻ bắn bi với vẻ tò mò, thích thú. Nhìn từ xa nên ông không biết những viên bi có màu gì nhưng chắc chắn là chúng phải nhiều màu, trong veo dưới ánh nắng chiều còn sót lại. Những viên bi nhiều màu, trong veo gợi nhớ tuổi thơ xa xăm của “Tí đầu đinh” (tên ngày nhỏ của ông).
Gọi là Tí đầu đinh vì tóc nó cứng, đen nên nó chỉ húi ngắn, tóc cứ dựng đứng lên như đầu đinh vậy. Nó sinh ra trong một gia đình đông anh chị em ở một làng quê nghèo thuộc cao nguyên nam phần. Như nhiều làng quê nghèo của Việt Nam thời chiến tranh, làng quê của nó nhỏ như lòng bàn tay nhưng rất kiên trung với cách mạng. Trai tráng ở làng đều ra rừng khi còn ít tuổi. Người thì mài mòn chân đất theo dân công, cõng gạo trèo năm truông, bảy suối. Người thì dành dụm từng nắm rau, hạt muối gửi nuôi những đứa con của rừng. Hai anh đầu của nó ra rừng rồi không về nữa… Chiều chiều, mẹ nó nhen bếp lò, hong manh áo sờn vai của các anh, nhìn mưa đầy trời, nước mắt cứ chảy ngược vào trong. Mẹ nó lại cặm cụi với vườn rau quanh năm suốt tháng.
Nó học tiểu học ở trường làng Xuân Sơn. Rồi gia đình nó phải chuyển đi Đức Trọng vì liên tục tù đày. Nó và đứa em họ bằng tuổi ở làng đi học, chăn bò và giữ vườn. Hằng tuần, ba mẹ nó mang gạo và thức ăn về một lần. Thời đó, chiến tranh ác liệt. Ký ức tuổi thơ của nó là thường xuyên ăn gạo sống, không tắm rửa và sợ ma. Nó còn chết hụt hai lần vì đạn. Nó là thủ lĩnh bắn bi của đám trẻ con làng. Sau mỗi lần chơi ăn bi, nó lại chia đều cho bọn trẻ con trong xóm. Nó rửa bi thật sạch, lấy giẻ lau chùi rồi giơ từng viên bi lên ngắm nghía dưới nắng mặt trời. Ui da! Những viên bi đủ màu, tròn xoe lung linh dưới nắng. Nhìn mãi không chán, mỗi lần nhìn nó đều phát hiện màu của viên bi hình như khác hơn, đẹp hơn. Bi ve đã trở thành niềm đam mê của nó và bọn trẻ…
Người đàn ông mỉm cười khi nhớ lại quá khứ của mình. Phải rồi, bi ve là niềm đam mê nhưng ông còn nhớ, trẻ con làng ông chiều chiều lại còn thích chạy lên những đồi con để thả diều, nhìn mây trôi… Cánh diều đem theo bao ước mơ của con trẻ lên bầu trời lộng gió. Diều ngày xưa không công phu, nhiều màu sắc như bây giờ. Ông nhìn đám người lớn, con trẻ đang thả diều dưới kia. Diều nào cũng đẹp, đủ kích cỡ, màu sắc sặc sỡ: cánh bướm, cá vàng, rồng bay, phượng múa… Cứ như các nghệ nhân đang khoe tài sắc trong hội thi diều cung đình Huế ngày xưa. Hầu hết chúng được phối trí các tông màu đỏ, hồng, da cam, xanh lá… bay dìu dặt trên nền trời. Đẹp và thanh bình quá! Người đàn ông khẽ reo thầm. Ráng chiều nhuộm đỏ các cánh diều làm cho chúng thêm huyền hoặc. Ông thấy mang máng một cái gì, mơ hồ một điều gì chưa rõ nét…
Còn nó vẫn là thủ lĩnh của đám con trẻ ở làng. Nó là kẻ đầu têu của những chuyện kỳ quái nghiêm trọng. Nhiều đám trẻ trong làng mê bong bóng nhiều màu, bi ve, ngựa gỗ. Riêng nó cùng dăm bảy đứa chạy lên đồi, thích thả diều thì ít mà mê mải ngóng chờ những chiếc máy bay ngang qua khu đồi vào buổi trưa. Người làng nói với nó là người Mỹ đã rải thứ chất khai hoang gì đó có thể giết chết những đứa con của rừng. Họ phun chất khai hoang bằng máy bay ở tầng thấp, vào ngày nắng lớn. Dưới bụng máy bay ở phía sau phả ra hai luồng bụi nước lớn có ánh cầu vồng mà màu cam là đậm nhất. Mỗi khi máy bay ngang qua đầu, lũ trẻ hò reo vui sướng. Nó cố rướn người cao hơn cả bọn để đón lấy những hạt bụi nước li ti, những mong sẽ chạm tay vào ánh cầu vồng có màu cam đậm nhất. Sau mỗi đợt rải chất khai hoang, quần đảo chán trên bầu trời, những chiếc máy bay biến mất. Không còn ánh cầu vồng rực rỡ. Không còn những bóng khói màu cam. Lũ trẻ buồn thiu trở về, rộn ràng bàn tán, lý giải về những bóng khói màu cam vừa xuất hiện. Nhiều đứa hôm sau kể lại, những bóng khói màu cam đã chập chùng trong giấc ngủ tinh khôi của chúng.
Ráng chiều vẫn đỏ rực.
Người đàn ông như nhớ lại một điều gì. Ông chậm chạp bước vào phòng. Tựa hẳn vào cửa kính. Thế rồi từ cái mơ hồ mà ông cảm thấy đã thành sự thật: những cuộn mây ánh hồng bỗng quần tụ lại với nhau tạo thành đám khói lớn đậm đặc màu da cam, làm chao đảo mọi cánh diều. Cơn lốc màu da cam ấy bay vụt vào nhà. Người đàn ông đã không kịp đóng cửa.
Ông ta hét lên một tiếng. Cơn lốc màu da cam làm đổ bình hoa, ly tách, quét sạch các thứ trên bàn lớn. Sách báo rơi vãi xuống sàn nhà… Sau phút chốc, đám khói da cam bay thốc ra khỏi nhà, để lại người đàn ông đang ngồi phệch xuống sàn nhà bên góc tủ, tay vịn thành giường. Ông bất động thẫn thờ…
Chiều chiều, nó vẫn chạy lên đồi ngóng những bóng khói màu cam. Nó vẫn rướn người cao hơn cả bọn để đón lấy những hạt bụi nước li ti, những mong sẽ chạm tay vào ánh cầu vồng có màu cam đậm nhất. Đợi những bóng khói màu cam tan xong, nó vẫn chưa thỏa lòng. Đêm còn theo về chập chùng trong giấc ngủ.
Quê nó nằm trong vùng tạm chiếm. Nỗi ám ảnh chiến tranh luôn thường trực trong bữa cơm hàng ngày. Chiến tranh đã cuốn theo con người mọi thứ: tình yêu, tuổi trẻ, những mơ ước xa xăm… Tháng 1 năm 1973, nó phát bệnh. Mặt và toàn thân nó bỗng nhiên căng nứt, chảy nước nhầy nhụa. Nó phải nằm đợi sáu ngày sau, ba nó về đưa đi bệnh viện Đà Lạt. Hai mươi ngày sau, nó xuất viện với di chứng còn lại là những đốm nước ở mười đầu ngón tay, sau đó cứ lan dần, lan dần ra mãi…
Mùa hè năm ấy, lũ bạn nó cứ thập thò ngoài cửa. Nó biết bọn chúng nhớ da diết những bóng khói màu cam. Nỗi nhung nhớ ngây thơ hiện rõ trên nét mặt. Một hôm, không cầm lòng được, nó gọi thằng Bi Đen, Bi Trắng, Bi Tím (nó thích đặt tên lũ bạn bằng tên các loại bi ve yêu thích):
- “Tụi bay lên đồi đi. Coi những bóng khói màu cam có gì khác không về nói lại tau với. Tau bịnh chưa đi được”.
Lũ bạn lắc đầu quầy quậy nói rằng khi nào Tí khỏi bịnh sẽ cùng đi luôn. Nhớ thì cùng nhớ chớ không sao đâu Tí ơi!
Những chiếc máy bay tiếp tục quần đảo trên bầu trời, ngang qua khu đồi vào buổi trưa hè để phả xuống khu rừng những luồng bụi nước đậm đặc chất khai hoang ánh lên cầu vồng những bóng khói màu da cam. Lũ trẻ con không còn hò reo vui sướng khi máy bay ngang qua đầu nữa. Mùa hè năm đó, bệnh nó không thuyên giảm mà bùng phát nặng thêm. Bọn thằng Bi Đen, Bi Trắng, Bi Tím… cứ theo giữ chân nó hoài vì sợ nó tự tử.
Sau rồi, mọi chuyện đã qua, lũ trẻ ở làng lớn lên, phân tán mỗi đứa mỗi nơi. Nó vẫn còn ở lại làng Xuân Sơn trong cái nắng oi bức của mùa hè đầy bão táp. Nó đâu ngờ rằng: mùa hè năm đó đã khép lại một tuổi thơ dữ dội khởi đầu cho 34 năm chịu đựng tàn khốc của cuộc đời!
Điều lạ lùng là tiếng hét của người đàn ông không làm cho người hàng phố ngạc nhiên chút nào. Bọn họ nhìn lên căn hộ chung cư ở tầng ba - nơi phát ra âm thanh quen thuộc đó, lắc đầu ái ngại. Với họ, chuyện người đàn ông thỉnh thoảng hét lên giữa ban ngày không có gì phải ngạc nhiên. Ông ta bị stress, bị ám ảnh, bị chấn động bởi bom đạn trong quá khứ… Đại loại là vậy thôi!
Chỉ có chị là hiểu ông lặng thầm. Chị hiểu nỗi ám ảnh trong quá khứ của ông. Như mọi lần, chiều nay khi ông hét lên như thế, chị đang nấu bếp. Vội cởi tạp dề, chị chạy vội lại dìu ông ngồi xuống giường, pha cho ông ly chanh nóng và khuyên ông hãy nằm nghỉ ngơi một lát. Chị dỗ dành ông như dỗ dành một đứa trẻ con thích nũng nịu với mẹ. Gần 5 năm chung sống với ông, chị vẫn chưa hiểu hết ông. Có nhiều bí mật của ông vừa hé mở ra rồi lại đóng khép lại ngay trước mắt chị. Cuộc đời lạ lùng, đau khổ của ông gieo vào chị niềm cảm thương sâu sắc. Chị kém ông đến 11 tuổi. Hai người cùng làng Xuân Sơn. Câu chuyện về ông, chị chỉ nghe kể lại nhưng đã thầm cảm mến. Anh chị của chị và của ông đều học ở trường dòng Domaine và Minh Đức. Đến lớp 12, ông phải nghỉ một năm để trị bệnh. Sau đó, ông nghỉ thêm mấy năm nữa. Chị không biết tin tức gì về ông kể từ ngày ấy.
… Thời học Đại học, chị bất ngờ gặp lại ông. Ông là bộ đội vừa mới phục viên. Vẫn mái đầu húi cao gọn gàng, gương mặt nghiêm nghị. Cái cười từng trải hiện rõ qua nếp nhăn nơi khóe miệng. Da mặt không được mịn màng lắm với những vết sẹo nhỏ lỗ chỗ như người bệnh vừa sau trận thủy đậu dài ngày. Họ nhận đồng hương và nhanh chóng thân thiết nhau.
Thoạt đầu, ông coi chị là em gái nên kể nhiều chuyện cho chị nghe. Ông kể về tuổi thơ dữ dội của ông, về giấc mơ những bóng khói màu cam, về nỗi ám ảnh trong quá khứ với căn bệnh quái ác thường xuyên tái phát.
Sau giải phóng, tình hình đất nước khó khăn, không có thuốc, bệnh càng bùng phát nặng hơn. Ông đã đi nhiều nơi, khám bệnh nhiều chỗ, kể cả các chuyên gia hàng đầu ở hải ngoại nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm. Năm 1982, bác sĩ đầu ngành da liễu Việt Nam nghi ông bị chất độc da cam. Có thể không phải nhưng nó trở thành nỗi ám ảnh! Nỗi ám ảnh không chỉ là quá khứ xa xăm của một tuổi thơ dữ dội mà trở thành tảng đá đen, mặt trời đen tối đè nặng tâm trí ông. Có lần chị hỏi:
- “Sao anh chưa vợ con gì?”
Ông cười khô khốc:
- “Ồ, chưa đâu em. Nếu có con và nó bị ảnh hưởng thì anh phát điên! Anh chưa bao giờ dám xem một bài báo hay chương trình truyền hình nói về chất độc da cam. Anh cũng muốn có một đứa con nếu khỏi bệnh. Đến lúc nào đó rồi hẵng hay em ạ!”.
Giọng ông trầm hẳn xuống nhưng cứng cỏi, rất từng trải. Chị thấy lòng mình vừa cảm phục, vừa mến thương.
Về sau, chị còn biết thêm một lý do nữa khiến ông chần chừ không chịu lấy vợ. Hồi học đại học, ông đã uống Desamethasone đến bốn năm mà không biết. Thuốc đó làm ông giảm hẳn khả năng đề kháng. Những người uống cùng đợt với ông, nay không còn ai. “Được như anh bây giờ là quý lắm rồi! Hồi tuổi hai mươi, anh nổi loạn, trác táng, bất cần đời. Anh yêu rất nhanh các cô gái rồi cũng bỏ rơi họ một cách nhanh chóng. Phần nhiều các cô tự rơi vào vòng tay anh, chủ động đến với anh. Anh yêu họ nhưng cũng chán ghét họ, chán ghét ngay chính bản thân mình… Tuổi hai mươi của anh là vậy đó. Em có thấy anh xấu xa không em?”.
Không. Chị đã không ghét ông. Đã năm năm rồi còn gì kể từ khi chị lấy ông. Năm năm rồi chung sống với ông mà không dám rời xa Capôt. Chị vẫn ao ước có con với ông. Nhưng chị cũng hiểu ông, sợ ông bị tổn thương. Thôi, đành vậy…
Chị nhìn ông đang thiếp đi. Bên ngoài kia trời đã sập tối. Bóng tối bao trùm mất rồi. Nhìn về phía tây, chị tự hỏi: không biết mặt trời đi ngủ có phải là mặt trời đen không? Vì đó là bài hát yêu thích của ông và các bạn sinh viên thời tuổi hai mươi nổi loạn… Giai điệu kỳ dị của bài hát “Mặt trời đen” gieo vào chị một nỗi buồn thương khó tả cho một kiếp người :
“Mặt trời đen, quá đen, đen như đời ta… Sao ta vẫn thấy mặt trời đen như mực. Mặt trời đen, đen như ma quái… Ah!... Ah!... Ah!... Ah!...”
Có lẽ sự chịu đựng tàn khốc nhất của nó là giấc mơ về những bóng khói màu cam khi bệnh mới bùng phát. Mặc cho thân thể đau nhức, bỏng rát, chảy nước nhầy nhụa, đầu óc nó vẫn nung nấu nhớ về những buổi chiều chạy lên đồi cùng lũ bạn ngóng chờ bóng khói màu cam. Nhiều đêm rồi, những đốm sáng màu cam vẫn chập chờn trong giấc ngủ. Nó mơ thấy: Nó và lũ bạn chạy theo những đốm sáng ấy. Chạy miết, chạy miết đến một khu rừng rậm. Thoạt đầu, những đốm sáng da cam lúc ẩn lúc hiện, sau rồi chúng mất hút. Khu rừng rậm đen tối bao quanh nó và lũ trẻ. Từ các cành cây cổ thụ già nua, những gai nhọn dài ngoằng đâm ra tua tủa, bấu chặt bọn trẻ. Nó cố hết sức kéo những gai nhọn ra mà không được. Những gai nhọn vẫn bấu, lún sâu vào da thịt nó. Nó sợ hãi khóc rống lên! Nó đâu biết là ngay trong giấc mơ, nó vẫn phải chịu đựng nỗi đau đớn, sợ hãi đến tột cùng! Chuyện này lặp lại hằng đêm trong suốt cuộc đời còn lại của nó…
Nửa đêm, người đàn ông thức giấc. Ngứa khủng khiếp. Những cơn ngứa bỏng rát như kim châm, kiến đốt chạy ran khắp cơ thể. Không phải ngứa bên ngoài mà ngứa từ bên trong dòng máu sục sôi. Như những lớp nham thạch muốn phun trào ra khỏi ngọn núi lửa. Người đàn ông cong lưng, cào cấu rồi lại chịu đựng, rên gầm gừ như con sói cái. Sau cơn ngứa, người đàn ông vật người ra. Ông thở hồng hộc, có vẻ như đuối sức vì phải gồng mình chịu đựng. Chị chứng kiến và khổ tâm vô cùng. Muốn nói gì đó mà không nói được thành lời. Chị đưa tay định vuốt ve, an ủi ông. Ông rít lên:
- “Đi đi. Làm ơn đừng lại gần…”
Ông xua đuổi chị. Nhưng chỉ ngay sau đó, ông lại vật vã với cơn ngứa tiếp theo. Lần này dữ dội và khắc nghiệt hơn. Ông cào cấu, cắn xé. Hàm răng cắn chặt gối để chịu đựng cơn ngứa khủng khiếp hành hạ cơ thể. Hai bàn tay to khỏe là hai gọng kìm sắt. Mười ngón tay như những gai nhọn và sắc bấu vào da thịt vẫn chưa thỏa cơn ngứa. Cho đến khi da thịt ông rướm máu thì ông đã thấm mệt. Ông nằm im lặng, mắt mở trừng trừng, tức giận sự bất lực của chính mình…
Chị ở cạnh ông khi trời đã gần sáng. Ông đã không còn sức xua đuổi chị nữa. Ngôn ngữ nói của ánh mắt ông đã nói với chị tất cả: Em làm anh xúc động quá. Cám ơn em lắm lắm!
Chị lấy khăn ấm lau sạch những vết thương tứa máu trên thân thể ông. Trên áo pyzama màu xanh nhạt và tấm ra trải giường trắng toát, có rất nhiều vết máu do động tác cào cấu của ông để lại. Nhưng chị hoàn toàn bất ngờ: những vết máu không phải màu đỏ bầm mà dần dần biến thành màu da cam! Cứ loang ra, loang ra mãi…
Cuối cùng thì mặt trời đã mọc. Sau một đêm, bình minh lên rạng rỡ.
Phương đông đỏ hồng.
Người đàn bà là chị với đôi mắt thâm quầng chợt sáng hẳn lên khi nhìn thấy mặt trời mọc. Buổi sớm bao giờ cũng gieo vào lòng con người ta cảm giác vui sống của một ngày nắng mới. Thế rồi từ phía đằng đông, những tia chớp sáng lóa mắt chị. Những tia chớp quyện lại thành dải mây sáng trắng bồng bềnh, bay lượn vào nhà chị. Chị nghe thấy những âm thanh vui tai:
-“Chi…ri…íu! Chi…ri…íu! Chi…ri…íu!”
Vô số những thiên thần bé nhỏ trên dải mây trắng sáng mềm mại. Đó là những thiên thần có cánh, đôi mắt mở to tuyệt đẹp như những viên bi ve trong suốt. Các thiên thần nhảy múa, còn dải mây trắng sáng bồng bềnh cuộn quanh người đàn ông đang mê ngủ. Người đàn bà chưa hết ngạc nhiên đã lại thêm bất ngờ khi dải mây cuộn quanh người ông trong chốc lát lại bay vào không trung, bay mất hút vào cuối chân trời. Chị quay lại. Không còn tin vào mắt mình nữa. Thân thể ông không còn những vết máu loang lổ màu da cam. Không còn vết trầy xước dấu tích của một đêm cào cấu, vật lộn với căn bệnh quái ác. Lưng ông đã trở nên phẳng lì, mặt và tay mịn màng tuyệt đẹp. Chị reo lên khe khẽ:
- “Anh ơi! Dậy mà xem nè…”
Nhưng mắt ông vẫn nhắm nghiền… Chỉ có miệng ông đang hé nụ cười. Nụ cười hồn nhiên của thằng Tí đầu đinh thơ dại ngày xưa…