Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

HUN HÚT SUỐI GIÀNG



                                 

H ạnh rủ rê mời mọc mãi, cuối cùng tôi cũng bố trí được một chuyến thực tế sáng tác ở suối Giàng. Đó là vào dịp tháng chạp, khi Hội Văn học Nghệ thuật phát tiền đầu tư cho chúng tôi tự do đi thực tế để viết bài. Tôi ứng thêm một tháng tiền lương, vậy là có được một chuyến hành phương Bắc theo lời mời của Hạnh.

Chúng tôi đến trọ ngay tại nhà vợ chồng ông Thào A Lý. Nhà chỉ có ba người. Hai vợ chồng họ Thào đã ngoài sáu mươi, bốn con gái lớn đều đã đi theo nhà chồng ở khác bản, trong nhà chỉ còn lại đứa con út Thào A Mỵ, muời sáu tuổi. A Mỵ hàng ngày vẫn đi chăn đàn dê mấy chục con trên núi đá. Nói là chăn, chứ thực ra chỉ mở cửa chuồng cho dê ra ngoài, rồi dùng cây roi lùa cả đàn đến ngọn núi đá nào đó, rồi để mặc chúng ở đấy cả ngày; sập chiều thì hú gọi cả đàn, rồi để mặc chúng đủng đỉnh nối nhau về nhà. Con dê nào bướng bỉnh tách đàn quậy phá, A Mỵ đã có con chó vàng giúp sức, rượt theo, sủa dắng dỏi, buộc nó phải quay trở lại với đàn. Con chó vàng này đã mười lăm năm tuổi, đã già, nhưng vẫn còn nhanh nhẹn lắm. Nó vốn là giống chó săn, nhưng từ khi Thào A Lý giải nghệ, con chó đã chuyển sang giúp A Mỵ lùa dê đi theo hàng theo lối.

Ngôi nhà của vợ chồng Thào A Lý cất chênh vênh trên sườn núi. Dưới núi là một Thung lũng nhỏ, quanh năm ngập xăm xắp nước, bốn bề trùng điệp núi đá giăng màn. Trước đây thung lũng để hoang, nhưng tới giờ, đã có vài nhà học theo cách của người Tày trồng lúa. Sớm sớm, chiều chiều, những ngọn núi luôn bị bao phủ bởi mây mờ như sương khói. Vào mùa đông, sương khói càng dày hơn, lâu tan hơn, khiến cho phong cảnh càng bàng bạc một nỗi buồn u ẩn. Phía sau ngôi nhà của Thào A Lý có một rừng mận. Đi hết rừng mận, lên lưng chừng núi, rải rác đó đây là những cây chè vàng đã ngoài trăm tuổi. Thào A Lý qúy những cây chè ấy lắm. Bởi lẽ chúng là chè cổ thụ, cao lừng lững tới mười mét, cành lá xum xuê, thân cây hai ba người vòng tay ôm không xuể.

Tôi đi vẽ, Hạnh đi chơi lấy hứng để làm thơ. Mà thực chất thì Hạnh chỉ đi để giúp làm thỏa óc lãng mạn sơn cước của tôi mà thôi. Ngặt nỗi, Hạnh lên được ba ngày thì có tin nhắn về thị xã Hà Giang gấp, ở nhà và ở cơ quan, có chuyện cần phải có ý kiến quyết định của Hạnh. Đã tốn kém lên tới đây, chẳng lẽ lại bỏ về. Hạnh nói: “Ông yên tâm. Tớ về vài ngày, xong việc lại lên. Có gì cần, cứ đến gặp trưởng bản. Tớ với trưởng bản thân thiết như chân tay. Chiều nay tớ hỏi mượn cho ông cây ghi ta. Lúc nào buồn thì cứ tửng tửng vài nốt cho vui”. Vậy là Hạnh trở về, còn tôi thì ở lại.

Đêm đầu tiên, khi chỉ còn mình tôi, Thào A Lý nướng thịt chuột, nướng măng lụi mời tôi uống rượu ngô ngâm bìu dê và mật ong. Đêm núi âm u, thảng thốt những ngọn gió đại ngàn. Heo may thon thót. Tôi với A Lý ngồi bên bếp lửa. A Mỵ với mẹ ngồi bên khung cửi. Tiếng xa lách cách lách cách. Tiếng lửa bếp nổ lách tách lách tách. A Lý nói: “Có nghe tiếng suối Giàng hát không?”. Tôi lắc đầu. A Lý cầm lấy tay tôi. “Nhắm mắt lại mà nghe. Đêm nào nó cũng hát. Bài ca của suối dài lắm, buồn lắm!”. Tôi nhắm mắt lại. Qủa nhiên nghe được những âm thanh lạ lẫm, như hư như thực, như từ thăm thẳm cất lên, đứt quãng, nghèn nghẹn. Tôi nâng cây đàn lên lên, xin phép Thào A Lý được hát. Tôi chỉ biết đàn hát quấy qúa cho vui khi trà dư tửu hậu. Nhưng đêm đó, tiếng đàn của tôi xuất thần, đến mức Thào A Lý cũng ngồi ngây ra. Rồi thì Thào A Lý cũng cất tiếng hát. Tiếng hát của ông nghe phùng phào, khàn đục, nhưng lay động đến lạ lùng.

Con chim ly bay theo tiếng suối
Con chim ly hát theo lời suối
Nói rằng em đã biết dệt ra thổ cẩm
Biết cầm kim may áo
Biết đợi ta bên ngọn suối
Gọi ta cầm khèn đến hát với em
Hát đến tàn đêm có mặt trăng
Hát đến mọc ông mặt trời trên đỉnh núi
Ơi con chim ly, con chim ly.

Thào A Lý hát mãi. Hát mãi. Rồi ông chỏi tay chống cằm, và lịm đi trong thế ngủ ngồi của núi. A Mỵ dìu cha lên tấm sạp tre có lót tấm chăn chiên, phía dưới nêm một lớp vỏ sui dày, đã tán xơ ra như bông xốp. Tôi ngồi lại thêm một lúc bên bếp lửa có chảo cháo to đang sôi lục sục, rồi cũng đi ngủ.


Sáng ngày, tôi thức hơi muộn. Mây núi đã tan. Thào A Mỵ đang mở cửa cho đàn dê ra ngoài. Tiếng be be ồn ả, đánh thức cả rừng mận xanh ngời lên. Khi đàn dê đã nối đuôi dọc theo con đường núi, A Mỵ hỏi: “Đi vẽ suối giàng không? Đẹp lắm”.

Tôi xách giá vẽ đi theo A Mỵ. Chừng gần hai tiếng thì đến suối Giàng.

Suối Giàng mùa đông chỉ còn là một rạch nước nhỏ, bắt nước từ đâu đó trên những dãy núi đá. Dường như nước được chắt ra từ đá, trong văn vắt, mát lạnh đến tê buốt. Lòng suối lổn nhổn đá cuội, đủ màu, đủ cỡ. Cây rừng rủ cành, sà thấp xuống sát mép nước. Nước róc rách, xô đẩy những viên đá cuội phát ra tiếng lanh canh. Lá rừng xào xạc. Nắng lọc qua vòm lá, đổ xuống mặt nước lóng lánh. Nhìn cao lên phía dốc núi, lừng lững một cây pơ mu đại thụ. Tại đó có một mõm đá nhô cao, ngời ngợi nắng mặt trời óng ả. Con dê đầu đàn đã tót lên đứng, ngẩng cao đầu như một vị tướng soái. Chòm râu của nó phơ phất. Cặp sừng nhọn hoắt, hiên ngang chỉa lên trời cao.

Tôi chọn một chỗ thuận lợi, dựng giá vẽ, rồi tranh thủ dùng chì mềm phác thảo hình dáng con dê đầu đàn. Những nét phác sơ sài còn dang dở, con dê đầu đàn đã bỏ đi. Tôi biết nó phải đi kiếm ăn, phải đi săn sóc cả đàn dê cái mấy chục con. Đành phải dùng trí tưởng tượng mà hoàn tất bức tranh. Vấn đề là không gian hoành tráng vẫn còn, sắc màu của rừng, của núi ngập tràn ánh nắng vẫn còn. Và cây pơ mu đại thụ thì vẫn đứng đấy, dòng suối xõa dài tóc nước vẫn rười rượi chảy. Đang say sưa với sắc màu, bỗng tôi nhận ra A Mỵ đã đứng sau lưng từ lúc nào. Gương mặt tròn ửng hồng nắng sớm. Đôi mắt đen cũng lấp lánh nắng. Những chiếc vòng bạc cũng như sáng lên trên lồng ngực đã căng vồng tuổi xuân thì. Ừ nhỉ, tại sao tôi lại không vẽ chân dung của cô gái H/mông này! Mỵ đẹp và gần gũi biết bao. Như hoa mận hay như trái mận? Gì cũng được. Nhưng chắc chắn Mỵ là một phần của suối Giàng, đang róc rách chảy xuống núi sức thanh xuân của rừng. Tôi gợi ý Mỵ ngồi xuống một tảng đá để làm mẫu. Và tôi vẽ. Từng nét, từng nét. Từng gam màu. Từng hoạ tiết. Mỵ hiện dần lên trên giá vẽ. Trẻ trung và duyên dáng. Tôi ngắm Mỵ để vẽ. Tôi ngắm bức chân dung để cảm nhận con người và tâm hồn của Mỵ để vẽ. Đến trưa thì một phần bức tranh đã thành hình.

Mỵ nhìn bức tranh, chợt đỏ mặt. “Đẹp qúa thôi! Không phải Mỵ đâu! Tóc Mỵ cháy nắng cơ mà!”. Tôi nói với Mỵ, sáng mai lại đến đây để tôi vẽ tiếp; tôi cần phải thể hiện màu sắc của không gian, của rừng, của suối. Mỵ đồng ý, nhưng lại nói với tôi, rằng Mỵ muốn tôi dạy cho cách hát theo đàn. Rồi rất tự nhiên, Mỵ ngắt một chiếc lá rừng, đưa lên môi, thổi lên một giai điệu. Rồi Mỵ hát. Tiếng hát trẻ trung và trong trẻo.

Tay em biết xe sợi chỉ đan
Anh không có lòng thì thôi
Có lòng thì về, ta ở với nhau một ngày.
Tay em biết cầm kim khâu áo
Anh không có lòng thì thôi
Có lòng thì về, ta ở với nhau một đêm…

Lời ca thân thuộc, bởi tôi đã đọc được trong cuốn sách nào đó; nhưng giọng ca thì thân thiết đến nao lòng. A Mỵ đã lớn rồi, đã sắp qua tuổi mười sáu. Vậy mà từ hôm đến với Thào A Lý, tôi chỉ coi A Mỵ như một cô bé chăn dê trong truyện ngắn của An phông Đô Đê.

Suốt ba ngày bên suối Giàng, tôi hoàn thành bức chân dung sơn dầu về Mỵ. Và suốt ba ngày sau nữa, tôi lại căng bố lên để hoàn thành tiếp bức sơn dầu về con dê đầu đàn trên mõm đá, dưới gốc cây pơ mu. Với tôi, một chuyến đi thực tế như vậy, đã là đủ lắm, mỹ mãn lắm. Từ đó tôi không chuyên chú vào vẽ, mà dành thời gian để học thổi sáo Mèo, học thổi khèn Mèo. Thào A Lý cho tôi mượn khèn và sáo. Thào A Lý dạy tôi thổi. Tôi học say sưa như tôi vẽ chân dung của Mỵ, vẽ chân dung con dê đầu đàn. Được vài ngày thì tôi đã bập bõm được vài giai điệu của mây ngàn gió núi.

Một lần, Mỵ rủ tôi lên nương ngô sau nhà bẻ bắp ngô đem về. Lên đến nơi, Mỵ chỉ cho tôi thấy một cây cổ thụ đã lún phún chồi non, rồi nói: “Mộc miên đâm chồi biếc là xuân sắp về. Mai anh có đi hái chè với Mỵ không?”

Tôi theo Mỵ đi hái chè. Mỵ dùng thang tre để leo bẻ những búp chè nhú ra từ những cành thấp là đà. Còn tôi leo lên cao. Hai chúng tôi bẻ đầy hai gùi mây thì trở về. Mỵ cho tôi biết, trước đây chỉ bố Mỵ mới được leo hái chè. Từ khi bố lớn tuổi, hàng năm phải nhờ trai bản hái giùm. Hơn một năm nay, Mỵ giấu bố, tự hái chè. Bố Mỵ không bao giờ cho đàn bà, con gái leo lên những cây chè vàng cổ thụ. Vì sao thì Mỵ không biết. Chỉ biết đàn bà, con gái thì hái chè đồi mọc thấp, còn chè vàng cổ thụ thì chỉ đàn ông mới được hái. Việc ủ chè, sao chè là việc của mẹ; gần đây, mẹ đã cho phép Mỵ tự sao lấy chè cho cả nhà. Tôi đã thấy Mỵ ngồi sao chè trong cái chảo gang. Lửa than liu riu, tí tách nổ. Mỵ dùng bàn tay chà chà lên những búp chè hôi hổi ấm nóng. Mỵ rưới vào chảo một ít nước mắm, nói là để chè thêm ngọt, thêm đậm. Những búp chè se dần lại dưới bàn tay trắng trẻo của Mỵ. Sau mấy ngày hái chè, sau mấy đêm sao chè, cả nhà đã có được vài ký chè vàng cổ thụ.

Thế rồi Hạnh đột ngột hiện ra. Anh xách theo cái máy ảnh canon và mấy cuộn phim, nói rằng sẽ ở thêm vài ngày, chụp ảnh cho số Tết. Tôi biết là đã đến lúc phải ra về. Tôi biết, tôi cần phải trở lại suối Giàng một lần nữa. Bao nhiêu ngày ở đây, suối Giàng đã thành kỷ niệm. Hạnh nói: “Việc ông ông làm. Việc tớ tớ làm. Mai ông cứ đến suối Giàng mà chia tay. Trước lúc ra về, tớ sẽ chụp cho ông với gia đình A Mỵ vài kiểu ảnh kỷ niệm. Còn bây giờ thì tớ lang thang săn ảnh. Ngày kia ta về”.

Tôi theo Mỵ dẫn đàn dê ra suối Giàng. Khi đàn dê đã tản ra, tìm ăn những ngọn lá mà chúng yêu thích, Mỵ hỏi: “Cứ theo những dãy núi này mà đi mãi, sẽ tới quê anh à? Quê anh có cây pơ mu, có cây mộc miên không?”. Tôi nói, quê tôi chỉ có cây dừa, cây xoài và cây sầu riêng thôi. Mỵ hỏi: “Cây sầu riêng là cây buồn à?”. Tôi trả lời: cây sầu riêng không buồn, nó là minh chứng cho một mối tình buồn của hai người yêu nhau, không lấy được nhau. Mỵ ngắt một chiếc lá rừng, thổi một câu Sli buồn não nuột. Rồi Mỵ hát. “Tay em biết xe sợi chỉ đan… Tay em biết cầm kim khâu áo”. Tôi ngồi lặng nghe Mỵ hát. Con chó vàng cũng nằm xoãi chân bên cạnh tôi, dim mắt lắng nghe. Gió mùa thao thiết thổi, nhưng nắng vẫn hanh hanh khô giòn. Suối Giàng róc rách hòa theo. Giai điệu nao niết như lời tâm sự, lời gải bày không thể dừng lại được.


Đêm trước lúc chia tay, Thào A Lý đãi rượu qúy. Trưởng bản đến chơi, uống rượu say ngật ngừ. Ông nói tôi đàn cho Thào A Mỵ hát bài hát mà tôi đã dạy cho cô. Và Thào A Mỵ hát. Giọng hát run run bên lửa bếp. Lửa bếp bập bùng hắt bóng Mỵ lên vách nứa. Cái bóng rung rung chập chờn. Bên ngoài, đêm rừng đen đặc, gió xao xiết, lành lạnh. Chim từ quy kêu khắc khoải ở đâu đó.

Khi trưởng bản đã ra về, Thào A Lý hỏi tôi: “Uống rượu nhiều, còn nghe tiếng suối Giàng đang hát không?”. Tôi nhớ cây pơ mu và mõm đá vươn cao trên dốc núi. Hình ảnh con dê đầu đàn hiện lên. Lừng lững, oai dũng. Nếu tôi đến vào mùa hè, tôi sẽ leo lên đấy để chiêm ngưỡng những vì sao. Những vì sao của Anh Phông Đô Đê. Và có thể là cả Mỵ nữa. Mỵ sẽ thổi Sli bằng lá rừng. Hết lá này tới lá khác. Tôi sẽ thổi khèn và thổi sáo. Hết bài này đến bài khác. Tại sao lại không, khi mà tôi đã bập bõm được những giai điệu H/mông đườm đượm hương rừng, sắc núi. Suối Giàng sẽ chở tiếng kèn lá, tiếng sáo trúc đi thật xa xuống đồng bằng châu thổ. Châu thổ đã nắng ấm rồi, nhưng suối Giàng thì vẫn còn lạnh. Chỉ hơn một tháng nữa, hoa đào sẽ nở, hoa ban sẽ nở. Còn mộc miên. Mộc miên đã mơn xanh lá biếc. Còn những cây chè vàng cổ thụ. Lứa búp mới đã lại mơn xanh nữa rồi. Bàn tay Mỵ đã biết sao chè cho cả nhà. Biết bao giờ tôi mới có dịp trở lại suối Giàng. Tôi sẽ đi ngược những dãy núi như Mỵ đã nói. Bấy giờ… chắc Mỵ đã biết xe những sợi chỉ chắc, biết may những chiếc váy áo đẹp. Bởi vì hôm nay, Mỵ đã biết xe sợi chỉ đan, biết cầm kim khâu áo. Mỵ đã lớn rồi. Lớn thật rồi.


Gần đến Tết, tôi nhận được thư của Hạnh.

“Tới giờ này Mỵ mới chịu lấy chồng. Tháng trước nó xuống nhà tớ. Khóc nhiều lắm. Buồn nhiều lắm. Nó nói, suối Giàng cũng khóc đấy. Còn bức chân dung của Mỵ, Mỵ đã tặng cho Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Tớ định sẽ treo vào dịp triễn lãm Tết; nhưng mà thôi. Tớ sẽ gởi vào cho ông. Nó là của ông, của những ngày ông nghe tớ lên suối Giàng sáng tác. Ở tuổi Mỵ, lấy chồng thế là muộn lắm đấy. Mỵ lấy chồng, Thào A Lý sẽ phải bán hết cả đàn dê. Nhưng những cây chè vàng thì vẫn còn. Có điều, cây pơ mu trên dốc núi suối Giàng thì ai đó đã chặt mất rồi. Nó chỉ còn trong bức tranh của ông. Ông đừng bao giờ bán bức tranh ấy nhé!”. Khi tôi nhận lại được bức tranh, lồng kính treo bức tranh lên phòng khách, vợ tôi nói: “Đẹp thật! Cứ như bông hoa gạo ấy. Đỏ thắm và rực rỡ”. Tôi lùi lại ngắm chân dung của Mỵ, chỉ thấy man mác một nỗi buồn. Nỗi buồn chia xa của tám năm về trước. Và thốt nhiên, tôi nghe cất lên từ trong ánh nhìn của Thào A Mỵ, văng vẳng tiếng hát thao thiết của suối Giàng . “tay em biết cầm kim khâu áo, anh không có lòng thì thôi”…

Tôi thả rơi mình xuống ghế, hỏi: “Em biết ở Hà Giang, người ta gọi hoa gạo là gì không? Gọi là mộc miên em ạ! Bức tranh này là “Hoa mộc miên”. Hoa mộc miên của suối Giàng. Anh sẽ treo mãi mãi ở đây, để nhớ về suối Giàng. Suối Giàng từng hun hút chảy trong anh. Em hiểu chứ?”.




VVM.28.7.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .