Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         


SẮC MÀU TÌNH YÊU



M ột lần, trong cơn say rượu, thằng em kết nghĩa lè nhè:  - Này, chị tưởng chị sáng tạo... văn học đấy à? Lầm to!

 Tôi ngượng ngùng:  

- Eo ơi, chị có tưởng vậy bao giờ. Chú lầm rồi.

 Nó kề khuôn mặt đỏ lừ nực nồng mùi men chua loét gần sát mặt tôi, nói như quát:  

- Không, tôi không lầm. Chị không có sáng tạo gì ráo. Chị chỉ là một người ghi chép.

 Biết cãi với người say chỉ thêm tức, tôi đấu dịu:  

- Ừ, thì ghi chép, cũng đúng!

 Nó chồm tới, cặp mắt đỏ ngầu:

 - Phải! Ghi chép thôi! Chị nhìn lại đi, tác phẩm của chị thế nào? Nói lên điều gì? Chỉ có mỗi một vấn đề giáo dục cứ được lặp đi lặp lại, nhào nặn, vo tròn, bóp méo!

Cảm thấy bị xúc phạm nhưng tôi cố gắng nghĩ rằng đấy chỉ là rượu nói, không phải thằng em kết nghĩa muốn làm mình đau đớn, nghẹt thở, bực tức, giận dữ...nhưng tôi cố nén, tôi không muốn tình nghĩa chị em biến mất khi tôi thốt ra những câu khó nghe. Im lặng! Tưởng tôi ngủ gật, nó vỗ mạnh vào vai tôi:

 - Phải không chị?  

- Phải!

 Tôi gật đầu. Mong nó về quách cho xong. Nhưng, nó lại thản nhiên bật bếp gas, bắc ấm nước lên. Nó định châm trà. Vậy là khổ! Sắp phải chịu đựng. Nghe và nghe! Không gì chán cho bằng nghe một người say nói. Liên miên. Nhắc đi nhắc lại mãi những câu mà nghe đã thuộc lòng. Đã vậy, còn phải nhìn khuôn mặt đỏ rật như da gà chọi đang cơn say máu.

Phải giật mình thon thót khi cặp mắt đỏ quạch trợn trừng, trợn trạo cứ nhắm thẳng vào mình. Phải ngó hai cánh mũi phập phồng, giần giật, hỉnh lên. Và, phải ngửi mùi chua loét phà vào mặt mình. Tôi ngao ngán tựa lưng vào thành ghế, vòng tay ra sau ót, đỡ lấy cái đầu tội nghiệp của mình. Nước sôi, nó tự động lấy một vốc trà ném vào bình. Nhiều cọng trà rơi lợt đợt ra ngoài, chẳng buồn nhặt, nó châm nước. Bật cười hô hố khi thấy nước tràn ra ngoài, khiến cho những cọng trà vương vãi trên bàn cựa mình xòa lá mềm mại.

Thế là đi đời cái khăn trải bàn mới mua. Lớp nhựa sẽ co lại rúm ró như mặt bà già. Đoán được ý tôi nó hất hàm:  

- Mai, em mua cái khác đền cho.

 Nguýt xéo, tôi gầm gừ:  

- Mệt quá!

 Kéo ghế, ngồi đối diện tôi, nó rót hai tách trà rồi bưng bằng hai tay, đưa ngang mày:

 - Tiền chủ, hậu khách. Mời chị!

 Bật cười, tôi nhận xét:

- Khùng quá, chú ơi!

- Chị biết tại sao em khùng không?

- Tại sao?

- Đọc truyện ngắn của chị.

Tôi đỏ mặt vì tức nhưng cố gắng không nói gì hết. Nó cười ha hả, gật gù:

- Im lặng là vàng. Lầm to, trường hợp này, im lặng là... đồng ý. Mà bà chị chối cũng không được. Truyện của chị cứ xoay vòng nghề giáo.

Cho chị biết, bài nào em cũng có đọc ráo trọi. Đọc xong, chóng mặt. Vì xoay vòng vòng.

 Thở hắt ra, tôi phân bua:

- Chú nói cũng đúng. Nhưng tôi là giáo viên thì viết về giáo dục là đương nhiên rồi.

Vừa nhấm nháp trà, nó vừa nhìn chằm chằm vào mắt tôi. Hình như nó không say. Nó chỉ mượn rượu làm tấm bình phong che dấu bản chất nhu nhược và dùng rượu để khơi dậy tính hiếu thắng của một thằng nhóc thường xuyên thất bại. Tội nghiệp! Tôi dịu giọng:

- Chú nói đúng lắm.

Nó chụp lấy cơ hội:

- Đấy, chị chịu rồi chứ gì. Bà chị ơi, thường ngày phải lên lớp, chị chưa thỏa sao mà bắt cái ngòi viết cũng... lên lớp. Nhân vật của chị cũng lên lớp dài dài.

Tôi bật cười:

- Theo chú, tôi nên viết như thế nào, về cái gì?

Nó ưỡn ngực, khoác tay:

- Cái gì cũng được ráo. Miễn đừng có giáo dục trong đó. À, có thể là chuyện... lừa đảo, chuyện... ma, chuyện tình, chuyện các Sao lộ hàng...

- Những thể loại đó, đề tài đó tôi... đâu có nắm vững.

Với lại có nhiều cây bút lão luyện đã chọn chúng rồi. Họ rất thành công. Còn tôi, làm sao dám múa rìu qua mắt... nhà văn. Tôi chỉ là người ghi chép như chú vừa bảo. Muốn viết, phải có vốn sống, mà tôi...

- Thì chị hãy mau tiếp cận với môi trường đó, kiếm vốn.

 Nghĩ đến chuyện bôn ba để gần gũi đối tượng... tôi phát ngán:

- Thôi, chị đầu hàng.

Bỗng dưng nó giận dữ, thét to đến nỗi tôi giật nẩy mình:

- Dở, quá dở! Vậy thì đừng viết nữa, gác bút đi!

Nó đứng lên, xô ghế sang một bên, lừng lững đi ra cửa. Bóng tối chụp xuống dáng người thiểu não. Trong này, ánh đèn sáng quắc, gay gắt, nhức nhối. Tôi bật khóc.

Từ hôm ấy, tôi gác bút. Bao nhiêu cảm hứng, niềm vui trong sáng tạo đã biến mất. Tôi dật dờ, ngơ ngẩn như một mụ dở hơi. Chẳng biết mình muốn gì và sẽ làm gì. Quanh quẩn toàn những chuyện vặt vãnh, tủn mủn của đàn bà. Làm bếp, ăn uống, dọn dẹp và ngủ. Đáng lẽ, tôi phải béo ra, hai gò má chảy xệ, da loáng mỡ. Nhưng, trái lại. Tôi như cái xác khô. Vô cảm! Mùa hè tới. Trường học đóng cửa, càng nản hơn. Thời gian cứ trôi, rất chậm. Tôi ra vào, vào ra, bức bối. Cuối cùng, quyết định phải viết thôi. Một câu chuyện không có giáo dục trong đó. Hình sự hoặc là kinh dị chẳng hạn. Không thì...

Sáng nay, tôi dậy sớm. Trời trong vắt không một gợn mây. Hơi sương mát rượi. Trên vòm cây sau nhà, chim ríu ran hót chào ngày mới. Tôi hân hoan nhận ra niềm vui đã trở lại với mình. Không chần chừ, tôi vào nhà, mang cây bút và quyển vở ra sau vườn, định đến ngồi bên ngôi mộ cổ, dưới vòm cây ngọc lan. Nơi mà thuở bé tôi vẫn thường chơi trốn tìm. Tôi sẽ viết ở đó, chứ không phải ở cái bàn đặt cạnh cửa sổ, trông ra vườn sa ri của ngoại. Tôi bắt đầu chán cái thế giới quen thuộc và những bài viết cũ của mình. Thằng em kết nghĩa nói đúng. Cần phải luôn luôn đổi mới phong thái viết lẫn nội dung. Để cái nghề dạy học của tôi ngủ yên mà thoát ra... một lối khác, như nghĩa địa chẳng hạn.

Khung cảnh ở đây khiến tôi giật mình sửng sốt. Chao ôi, lạ hoắc lạ huơ. Như một nơi chưa hề đặt chân tới. Mới hôm nào, thanh minh, nó vẫn... y sì, âm u, yên tĩnh. Vậy mà... Ngôi mộ cổ bị nhốt trong vòng rào khác. Bỗng dưng tôi nhớ đến ngôi mộ xây bằng gạch men xanh, màu trời quang. Ngôi mộ của một cô gái trẻ chết vì... mộng du trong thế giới tình yêu. Bị tình phụ, buồn và chết. Một cái chết vô nghĩa. Rẻ rúng. Chỉ vì một cái đồng hồ mạ vàng cô tặng người mình yêu. Và người cô yêu tặng lại cho người hắn yêu.

Cái đồng hồ, thước đo thời gian ấy bỗng trở thành thước đo tình yêu.

Một vật thể biểu hiện tình yêu. Mất nó, đời đáng chết. Và, cô chết.

Người ta đem cô ra đây, đặt dưới mái vòm tráng men bóng loáng, màu hy vọng. Hy vọng bắt gặp tình yêu vĩnh cửu.

 Bây giờ cái màu xanh ấy biến mất. Nơi đó là một khoảng sân tráng xi măng phẳng lì, ghép nối những viên gạch tàu đỏ au. Màu chiến thắng!

Trên đó, rải rác những chậu hoa kiểng, đẹp và sang. Vẻ giàu có thắng thế, chiếm lĩnh khoảng không gian dành cho người chết.

Một người đàn ông tóc hoa râm hiện ra ở khung cửa, hách dịch hất hàm:

- Dòm ngó gì đó, cô?

- Tôi tìm ngôi mộ xanh. Tôi giật mình, ấp úng.

Như để nhìn rõ mặt tôi, ông ta bước đến chỗ rào, gần nơi tôi đứng:

- Lấy cốt rồi.

- Ồ, ai lấy vậy, ông?

- Tôi

- Ủa, lạ vậy kìa? - Tôi ngạc nhiên, kêu lên. Người đàn ông kiêu hãnh:

- Đâu có gì lạ. Ba má cô ta đồng ý mà. Năm chỉ vàng chớ ít ỏi gì. Tôi phải chi năm chỉ mới xong việc.

Tôi kinh hồn trước sức mạnh vạn năng của đồng tiền, lắp bắp:

- Linh hồn cô ta sẽ về đâu?

Bật cười ha hả, gã đàn ông nhìn tôi như nhìn một người từ hành tinh khác vừa tới.

- Có lẽ lên thiên đàng hoặc xuống địa ngục.

Hắn nói đúng. Chỗ này không dành cho tình yêu mà là nơi phơi bày lòng tham không đáy. Ngôi nhà to thế kia, còn chưa đủ. Vươn tới, vươn tới, lấn dần đất mộ. Không còn chút hứng thú nào để viết lách, tôi bỏ vào nhà. Nghe tôi kể lể, tức tối mẹ tôi thản nhiên bảo:

- Thôi đừng để ý chuyện người ta nữa. Lo làm để có cái ăn, cái mặc.

Sao con không ngồi viết ở góc nhà, ra ngoài đó làm chi cho bực bội.

Mẹ tôi xách giỏ đi chợ. Thằng em kết nghĩa cũng vừa tới cửa theo sau là một cô gái trẻ, xinh xắn. Hôm nay, trông chú em có vẻ tươi tỉnh, hạnh phúc khác thường. Quần áo thẳng thướm. Mái tóc bù xù bấy lâu được cắt tỉa khéo léo, bóng mượt. Đến trước mặt tôi, nó xoa hai tay vào nhau, cười cầu tài:

- Chị.

- Chú mới tới, còn...

- Đây là người yêu của em.

Ra vậy! Cô bé thẹn thùng, hai gò má bừng đỏ, miệng cười e ấp, duyên dáng. Tôi buột miệng: “Em xinh lắm!” Thằng em kết nghĩa như lá cờ gặp gió lớn, phấn khởi: “Em chết vì nụ cười của nàng đấy!” Cô gái lúng túng, liếc dài: “Anh này!”

Tôi bật cười. Thằng em trời ơi, đất hỡi nói luôn một mạch:

- Chị, nàng rất thích những bài viết của chị nên muốn làm quen. Nàng thường bảo bài chị viết thường gợi trong lòng nàng dòng cảm xúc đặc biệt. Chị giáo dục bằng nghệ thuật.

- Không dám, chú cho tôi lên tàu bay giấy à? Chú có nghĩ như vậy không?

Nó cười toe toét, đáp tỉnh queo:

- Em cũng đồng ý với người em yêu. Tuy hai mà một đấy! Bà chị thân yêu.

Nheo mắt, nó tiếp:

- Chị đã dùng ngòi bút để nói lên mơ ước hoàn thiện cuộc sống.

Tôi bật cười. Ôi, cái thằng em kết nghĩa và tình yêu. Tôi nhớ đến những bức tranh nó vẽ. Toàn những gam màu tối. Một khuôn mặt u ẩn, hốc hác, dài thượt. Thiếu nữ trong tranh thường phải đội một con bồ câu xoải cánh, hoặc một hàng cây trụi lá, dọc theo con đường vắng ngắt, cô quạnh. Toàn cảnh buồn bã, đơn điệu. Từ nay, chẳng biết nó sẽ ghi chép gì trên khung lụa. Tôi chợt nhớ đến trang giấy trắng, chưa viết dòng nào và cây bút gác.





VVM.28.12.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com