Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


KHOẢNG TỐI



T hức đang mơ màng du hồn về dĩ vãng thì phải trở về hiện tại bởi tiếng nói từ loa phát ra, yêu cầu hành khách sửa lại lưng ghế và thắt dây an toàn vì phi cơ đang giảm cao độ để chuẩn bị hạ cánh. Nhìn qua khung cửa nhỏ, thành phố Los Angeles ban đêm như một tấm thảm đen trải dài vô tận. Đúng mười năm rồi Thức mới trở lại Cali. Lần truớc cũng xuống phi trường Los Angeles, cũng khoảng giờ này tháng này. Lần trước đến đây vì tình yêu cũ, lần này vì tình bạn cũ. Và mối tình xa xưa kia đã làm Thức suy tư suốt mấy tiếng đồng hồ trên chuyến bay. Khoảng cách mười năm so với một đời người không quá ngắn, nhưng chuyện mười năm trước, Thức tưởng chừng như vừa mới đâu đây thôi, xúc giác như còn cảm nhận và hương vị như vẫn còn vương vất đâu đây.


Sinh ra và lớn lên trong một gia đình trung lưu, nề nếp và nghiêm khắc, Thức chỉ biết lo học hành cho thành đạt, đến nơi đến chốn. Thân phụ chàng thường nói câu ‘’Phi thương bất phú‘’ để chỉ những người giàu có, nhưng ông lại không khuyến khích con cái trong việc kinh doanh, chỉ khuyên bảo lo học hành để mai sau ra làm công chức hay thầy giáo... Nghĩa là những nghề nào ổn định về công việc cũng như lương hướng. Mấy anh em Thức cứ tăm tắp như vậy mà theo, chẳng ai dám đi ra ngoài khuôn khổ đó cả. Khi đã trưởng thành, phần vì sợ cha mẹ, phần do nhút nhát nên thấy bạn bè có bồ bịch này nọ, Thức cũng chẳng dám làm quen cô nào. Ra trường, đi làm được vài ba năm vẫn không kết thân được với một người bạn khác phái nào, mãi cho đến khi gặp Nga trong tiệc sinh nhật của một người bạn cũ cùng trường. Buổi dạ tiệc được tổ chức tại nhà riêng là một biệt thự sang trọng vì Trực là con nhà giàu có và quyền thế. Khi đưa thiệp mời, Trực còn dặn dò là có cả khiêu vũ. Thức không biết nhảy đầm nhưng cũng nhận lời vì muốn xem khung cảnh và sinh hoạt của giới thượng lưu như thế nào. Sau phần ẩm thực, đến phần khiêu vũ thì Thức lẩn vào một góc tối, ngồi nhìn thiên hạ từng cặp du dương theo điệu nhạc. Ngồi như thế không được bao lâu, bất chợt có tiếng người hỏi:

- Sao anh không ra nhảy với mọi người?

Thức quay nhìn người mới đặt câu hỏi, trong ánh đèn mờ mờ, đó là một người con gái còn trẻ, xinh xắn. Sau một chút đắn đo, Thức đành thú thật:

- À, tại tôi không biết nhảy.

Cô gái mạnh dạn hơn, ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh.

- Nhảy cũng đâu có khó gì, anh chỉ tập một lúc là biết thôi, nhảy cho vui thì

dễ, còn nhảy giỏi lại là chuyện khác.

- Tôi cũng nghĩ vậy nhưng chưa bao giờ thử cả.

Cô gái trở nên liến thoắng:

- Nếu vậy để Nga chỉ cho anh nghe, đợi điệu nhạc nào dễ Nga sẽ hướng dẫn, đừng ngại, không khó đâu.

- Thôi, cám ơn cô, để lúc khác chứ lúc này tôi thấy không tiện. Chắc cô là bạn của gia đình Trực?

- Nga là bạn của Vân, em anh Trực.

Thật lòng Thức cũng không có ý định học nhảy lúc này, vì trông những bước chân uyển chuyển mềm mại, chàng hiểu ngay mình khó có thể học nhảy trong chốc lát, chỉ muốn ngồi nói vài ba câu chuyện với Nga một lúc rồi kiếu từ, về sớm quá sợ mang tiếng không được lịch sự. Nhưng khi nghe bản nhạc slow thì Nga nắm tay Thức kéo ra sàn nhảy. Không lẽ lại dằng co từ chối trước mặt mọi người, Thức đành đứng dậy theo Nga. Nàng nhỏ nhẹ nói vào tai Thức cách đếm bước chân, Nga có cách giải thích khá rõ nên chỉ vài phút sau là Thức đã bước đi đúng nhịp. Khi bản nhạc kết thúc, hai người về chỗ ngồi, Nga lên tiếng:

- Anh nhảy được rồi đó, vài lần nữa là quen thôi. Thầy này nhiều năm kinh nghiệm mà!

- Cô học hồi nào mà có vẻ thành thạo quá, chắc là hay đi party lắm phải không?

- Nói đùa với anh chứ Nga cũng chỉ biết vài điệu căn bản và cũng không sành sỏi lắm đâu -- rồi cười nói tiếp, chỉ dám làm thầy anh chứ không dám qua mặt ai hết.

Bấy giờ Thức cảm thấy vui lây với cái tính hoạt bát của Nga, lại có vẻ tự tin hơn, không quá tệ như chàng vẫn nghĩ về mình, thêm vào đó là được tiếp xúc gần gũi với người khác phái vui vẻ, linh hoạt nên Thức không còn ý định về sớm nữa. Khi cùng ngồi với nhau ở bàn, Nga dùng hai ngón tay trỏ và giữa chỉ bước đi, rồi lúc nào có nhạc thích hợp lại kéo Thức ra sàn nhảy. Hai người như hình với bóng, dưới mắt mọi người đây là một cặp tình nhân gắn bó, vì chàng và nàng không nhảy với một ai khác. Trong ánh sáng mờ mờ cùng màu son phấn làm tăng vẻ đẹp của Nga hơn lên khiến Thức ngây ngất, chàng cảm thấy mạnh dạn, ăn nói lưu loát, rồi khi đêm vui kết thúc, Thức lại có cơ hội đưa Nga về tận nhà. Tình yêu đã đến rất nhanh sau đêm vui đó, và những ngày kế tiếp đã có đôi tình nhân khắng khít, đi về có nhau.

Thức rất thiết tha với mối tình đầu, cũng như bao nhiêu người mới yêu, thấy cuộc đời là hạnh phúc, nên chàng đã xây bao nhiêu là ước mộng cho tương lai. Nhưng chưa tròn một năm thì cuộc tình đã kết thúc. Nga tự ý quay lưng và cắt đứt mọi liên lạc để Thức không thể nào gặp được nàng nữa. Nga đã chủ động đến, rồi đi, không một lời giải thích khiến chàng mang theo nỗi thắc mắc đến tận hơn hai mươi năm sau.

Trong chuyện tình ái, Thức không có nhiều kinh nghiệm, lại thêm mặc cảm mình không thuộc loại đẹp trai và ăn nói không duyên dáng. Dù thực tế chàng cũng không quá tệ và nói chuyện không có duyên thì cũng có cái chân thật. Nhưng có lẽ do đạo mạo, ít nói, khiến người đối diện phải dè dặt khi muốn kết thân, hoặc do sự nhút nhát nên Thức ngại tiếp xúc với phái nữ, sợ mở lời không được hưởng ứng thì xấu hổ. Bởi vậy khi quen biết Nga, Thức như được bước qua một con đường mới, khác với con đường chàng đi từ bao nhiêu năm qua. Con đường mới có nhiều hoa thơm cỏ lạ đã làm Thức mê muội, không còn phân biệt thật hư xấu tốt, đến khi hiểu được ra lẽ thì tâm hồn cũng đã sứt mẻ ít nhiều. Cuộc tình tan làm Thức buồn lắm, chàng cố níu kéo nhưng lần nào đến tìm Nga đều được người nhà trả lời Nga không có nhà, gọi điện thoại ra sở cũng được trả lời Nga vắng mặt. Một đôi lần gặp thì Nga tỏ vẻ lạnh lùng xa lạ. Mối tình đầu thất bại đã giúp Thức trưởng thành hơn trong vấn đề tình ái, biết nhìn người ngó ta, những dại khờ trước kia đã bớt đi rất nhiều. Mặc dù là mối tình đầu, Thức cũng không còn nặng tình lưu luyến, nhưng những con đường từng chung đôi, bao nhiêu góc phố từng hẹn hò, những hàng quán đôi lần ghé qua, cùng những rạp ciné với bóng tối đồng lõa…, đối với Thức luôn là những kỷ niệm thật đẹp, chẳng bao giờ quên được.

Sau Nga, Thức cũng có thêm vài mối tình nhẹ nhàng, không đủ sâu đậm để đi đến hôn nhân. Cha mẹ của Thức cũng sốt ruột nên tìm người mai mối . Cuối cùng, bà mối đã kiếm được cho Thức một người con gái, con nhà tử tế và có học thức. Như vậy là trong nhà có năm anh em ba trai hai gái, chỉ cô em út tự chọn người yêu khi đang là sinh viên, còn bốn người kia đều nhờ mai mối mới nên vợ chồng.

Gia đình Hảo cũng như gia đình Thức, đều chịu ảnh hưởng Nho giáo. Hảo được đi học trường tây rồi đi du học ở Pháp, nhưng văn hóa Tây phương không lấn áp được truyền thống gia đình. Hảo có sắc đẹp trên trung bình, hiền hậu nhưng lại rụt rè kín đáo nên không quen biết nhiều. Đến ba mươi tuổi, được người giới thiệu làm quen với Thức. Cùng cảm thấy có sự tương hợp trong ý tưởng và quan niệm sống, nên cả hai đã đồng ý đi đến hôn nhân. Tiệc cưới được tiến hành trong sự hân hoan của gia đình, và cha mẹ của đôi bên đều bằng lòng cho sự kết hợp này.

Từ khi về sồng chung với nhau, Thức nhận thấy Hảo là người của gia đình nhiều hơn xã hội, mặc dù trong sở làm Hảo có chức vụ cao, dưới quyền cũng nhiều nhân viên. Cả hai cùng đi làm, nhưng khi về nhà, Hảo lo cơm nước và quán xuyến gia đình. Thức cũng áy náy khi thấy Hảo dành hết mọi chuyện nấu ăn giặt giũ… Nhưng khi đề nghị đề mình phụ giúp như rửa chén chẳng hạn thì Hảo không đồng ý, bảo đó là chuyện đàn bà. Thức nghe nhưng cảm thấy chẳng mấy thoải mái khi để một mình Hảo gánh hết chuyện nhà, vì vậy mỗi buổi chiều, khi cả hai cùng đi làm về, trong lúc Hảo chuẩn bị cơm tối thì Thức cũng vào bếp, phụ những gì có thể làm được. Lâu dần thành thói quen nên Hảo cũng dành sẵn cho Thức vài việc để giúp mình. Hai người sống với nhau được vài năm thì biết Hảo không thể có con, dù cố gắng chữa trị nhưng không thành công. Thời gian đầu cả hai đều buồn, nhưng mỗi người đều cố giấu để còn an ủi nhau. Những lúc trông thấy Hảo bồng bế con người khác, Thức cũng bùi ngùi thương Hảo, nếu có con Hảo là người mẹ tốt. Đôi khi vô tình, gặp cảnh vợ chồng con cái người ta vui vầy với nhau, Thức cũng cảm thấy lòng mình se thắt. Nhưng thời gian trôi qua đã mang theo dần những mong muốn, tuổi càng cao thì cả hai cùng chấp nhận sống với nhau bằng nghĩa vợ chồng keo sơn.

Khi dắt nhau ra sống ở hải ngoại, những năm đầu vì phải lo ổn định cuộc sống, Thức và Hảo cũng không mấy quan tâm tới chuyện con cái. Đến khi đời sống trở lại bình thường, cả hai cùng thấy trống vắng vì căn nhà rộng đi về chỉ có đôi bóng. Ý nghĩ về một đứa con trở lại trong tâm trí Thức và Hảo. Lúc còn ở quê nhà, mở cửa ra đã gặp hàng xóm, bạn bè và tiếng trẻ con nô đùa, còn ở xứ người, chung quanh hàng xóm không mấy thân thiết, gặp nhau chào hỏi lịch sự nhưng nhà ai nấy ở. Bà con ruột thịt đã không nhiều, lại sống cách xa nhau nên không tiện thăm viếng. Hảo đề nghị Thức xin con nuôi, một điều Thức cũng có nghĩ đến nhưng còn e ngại, con đẻ còn mang tiếng ‘’Sinh tử mạc sinh tâm‘’ huống chi con nuôi. Thức sợ sau này con nuôi phát triển theo một cách khác không như mình hướng dẫn sẽ buồn khổ. Cả Thức và Hảo đều có tinh thần trách nhiệm cao nên nghi ngại đắn đo. Cuối cùng cả hai bàn bạc nhau và đi đến kết luận không nghĩ đến chuyện này nữa. Tuy vậy, những chiều mùa đông giá lạnh, bước chân ra khỏi sở, trông thấy vợ chồng con cái đón đưa nhau, Thức không thể nào không suy nghĩ và buồn cho mình. Hảo cũng không hơn, mỗi lần gặp cảnh mẹ cùng con gái dắt nhau đi phố hay dạo chơi ngoài công viên, Hảo cảm thấy xót xa, trách định mệnh sao đắng cay, sinh ra phận đàn bà nhưng lại lấy mất của nàng thiên chức làm mẹ.

Thức đi làm suốt ngày, công việc ổn định nhưng nhàm chán, vì ngày nào cũng có bấy nhiêu việc. Nhưng Thức chẳng muốn tìm kiếm công việc khác, đã thế lại dặn lòng cố gắng làm cho đến ngày hưu trí. Đời sống tình cảm cũng vậy, từ ngày lập gia đình, Thức không mơ tưởng đến một người đàn bà nào khác, hoặc mở một cuộc phiêu lưu mới. Có lẽ do bản tính mà cũng có thể do sự giáo dục của gia đình. Cuộc sống tưởng cứ thế lặng lẽ êm trôi. Nào ngờ sóng gió lại nổi lên. Một hôm trong giờ làm việc, điện thoại trên bàn reo, Thức cầm phone trả lời thì nghe một giọng phụ nữ nói:

- Anh Thức hả ?

- Vâng, tôi đây…

- Có biết ai đây không?

- À…à … Không biết, xin lỗi...

- Có còn nhớ… thầy dạy nhảy không?

- À… Nga hả? Phải Nga không?

- Đúng, Nga đây, vậy là vẫn còn nhớ, tưởng quên mất rồi chứ, hơn hai mươi năm rồi!

- Ừ nhỉ! Hơn hai mươi năm rồi… Nhưng sao Nga biết số phone của anh, ai cho vậy?

Nga cười nói :

- Số phone thì mở sổ điện thoại ra là thấy, tại sao phải cần ai cho! Bây giờ chắc chắn anh đã có gia đình, vậy con cái ra sao, được mấy đứa?

Sau vài câu hỏi xã giao, Thức kể cho Nga nghe qua cuộc sống của mình hiện tại, Nga cũng cho biết nàng hiện sống với Mai, con gái duy nhất được mười sáu tuổi, đang còn đi học. Nga đã ly dị với chồng khi con được hơn một tuổi. Cả hai cùng nói chuyện suốt cả tiếng đồng hồ, thoải mái, thân thiết như hai người bạn lâu ngày không gặp. Câu chuyện vui đến nỗi Thức cũng quên đi thái độ lạnh lùng trước kia của Nga. Nhưng khi câu chuyện kết thúc, đặt điện thoại xuống thì trong lòng Thức xuất hiện một cảm giác khác lạ. Bao nhiêu chuyện trong dĩ vãng xa xưa tưởng đã vào quên lãng, phút chốc trở mình thức dậy. Từ lúc đó, những kỷ niệm nối đuôi nhau đi qua tâm trí của Thức, nó như một cuốn phim được chiếu đi chiếu lại. Nhưng mỗi lần chiếu lại, có thêm thắt những phần lục lọi được trong trí nhớ. Và cứ thế, Thức thẩn thờ suốt mấy tiếng đồng hồ còn lại ở sở, rồi lại theo chàng về nhà. Hình ảnh Nga với ánh mắt nụ cười ám ảnh Thức mấy ngày kế tiếp. Thức muốn gọi điện thoại nói chuyện với Nga, nhưng ngần ngại vì không biết Nga có cùng một tâm trạng với mình chăng, Thức vẫn còn nghi ngờ sự thành thật của nàng. Cũng vì không nói chuyện với Nga nên chuyện xưa càng sống dậy trong lòng. Thức nhớ kỷ niệm vui buồn trong những ngày tháng với Nga, một thời trẻ trung, sôi nổi và yêu đời. Càng nhớ bao nhiêu thì Thức lại càng luyến tiếc một quãng đời tươi đẹp của tuổi thanh niên, khi chưa va chạm nhiều với cuộc sống, chưa biết nhiều những ưu phiền của thế gian.

Ba hôm sau, Nga lại điện thoại cho Thức, có lẽ nàng cũng bị dĩ vãng làm xáo trộn tâm hồn. Hai người nói chuyện say sưa, kể cho nhau nghe những chuyện vui buồn trong đời sống. Hai mươi năm không gặp, trong tâm trí người này vẫn giữ hình ảnh trẻ trung của người kia. Cuộc tình đã bị cắt ngang do Nga chủ động, không một lời giải thích lý do nên đối với Thức nó vẫn còn đâu đó, chưa có dấu chấm hết, vì vậy sự trăn trở của Thức mạnh mẽ hơn Nga. Trong lúc cuộc sống đang nhàm chán, thiếu bạn bè để nói chuyện hay tâm sự thì Nga xuất hiện, cùng với những tình cảm ngổn ngang đang chuyển biến trong lòng, Thức viết ra giấy rồi gữi cho Nga đọc. Ngày nào vào sở Thức cũng dành ít thời gian viết thư, nhưng không phải là thư tình mà viết với hình thức nhật ký. Có những việc khi viết xong, Thức cũng biết là không có gì liên hệ tới Nga, cũng không phải vấn đề mà đàn bà thường để ý, nhưng được vài ba trang thì chàng bỏ bao thư gửi đi. Cũng từ đó, Nga gọi điện thoại cho Thức thường xuyên hơn. Nhưng càng nói chuyện nhiều, Thức càng nhận ra cách nói chuyện vui vẻ của Nga ngày xưa không còn nữa, giờ đây thường là những lời buồn chán, thở than. Một câu hỏi suốt hơn hai mươi năm qua vẫn canh cánh trong lòng, Thức đợi lúc thuận tiện sẽ hỏi Nga, đó là tại sao cuộc tình đang nồng ấm thì Nga lại quay lưng, không một lời từ giã!

Nga nhỏ hơn Thức hai tuổi, nhưng lại bước chân vào đời sớm hơn. Khi Thức còn ngồi ở giảng đường thì Nga đã kiếm được tiền. Học chưa xong trung học, Nga xin vào làm thư ký cho một hãng thầu xây cất. Trong thời gian này Nga quen biết rồi yêu một sĩ quan trẻ mới ra trường. Hai người tính chuyện lâu dài với nhau, nên dù chưa cưới xin, Nga tin tưởng giao trọn sự trong trắng cho người mình yêu. Nhưng mộng ước không thành vì chàng đã bỏ thân nơi chiến trường. Vết thương lòng cũng nguôi ngoai dần vì Nga còn trẻ, chung quanh có nhiều người theo đuổi. Nàng thú thật với Thức là trong thời gian quen nhau, Nga vẫn chưa dứt khoát với Thức vì còn vài người đàn ông khác để lựa chọn. Trong số đó có Tuấn, con trai ông chủ hãng, giàu có và hào hoa. Tuy nhiên, Thức là người nàng kính trọng và dành cho nhiều cảm tình tốt đẹp nhất. Nhưng chính vì sự đứng đắn, chững chạc của Thức làm nàng e ngại, biết Thức có chấp nhận lấy một người con gái dở dang như nàng không. Nói ra sự thật, Nga sợ Thức coi thường mình thì tình yêu cũng mất. Nhưng không nói, đợi đến khi về làm vợ Thức, liệu có giữ được hạnh phúc gia đình không. Vì sống trong thời kỳ xã hội còn khắt khe với phụ nữ nên Nga phải chịu ảnh hưởng. Muốn được làm vợ Thức, nhưng phải tính chuyện lừa dối chàng. Suy đi tính lại, Nga không dám phiêu lưu. Tuấn thì khác với Thức, anh ta là một tay chơi nên tánh tình tỏ ra phóng khoáng hơn. Tuấn theo đuổi Nga, dù biết sự thật cũng thề thốt yêu đương, trung thành với nàng suốt đời. Anh ta ngon ngọt bảo với Nga là vui chơi đã quá nhiều, nay chỉ muốn dừng chân, lo cho gia đình và vợ con… Cuối cùng Nga chấp nhận lấy Tuấn, nhưng nàng không một lời giã biệt vì tình yêu chân thành và sự đứng đắn của Thức làm nàng luyến tiếc. Bởi ý nghĩ đơn giản của Nga lúc đó là nói lời chia tay với Thức thì mối cảm tình tốt đẹp kia sẽ mất. Mất một tình yêu trong sáng có ai mà chẳng tiếc!

Sống với Tuấn trong một vài năm đầu rất êm ấm, Nga cảm thấy mình thật hạnh phúc vì Tuấn tỏ ra biết lo gia đình, biết chiều chuộng Nga. Trong khi xã hội có nhiều thay đổi vì biến cố 30 tháng 4, gia đình Tuấn vẫn sống đầy đủ. Nhưng được chừng hơn ba năm sau, khi Nga có thai thì Tuấn trở lại con đường ăn chơi như trước. Lúc này đồng bạc có giá, với tài sản sẵn có, Tuần tha hồ vung vít, nay em này mai em nọ. Nga khuyên bảo thế nào Tuấn cũng chẳng nghe. Sau khi Nga sanh nở, tưởng có con sẽ làm Tuấn suy nghĩ lại, nhưng vẫn chứng nào tật ấy. Cuối cùng khi con được đầy năm, Nga quyết định bế con đi vượt biên. Hy vọng sang đến Mỹ sẽ gởi giấy bảo lãnh Tuấn sang, xa rời cuộc sống trác táng. Nhưng Nga đã lầm, Tuấn không những không đi mà còn đem người đàn bà khác thế chỗ của Nga. Kết cuộc, thay vì gởi giấy bảo lãnh, Nga đã gởi giấy ly dị. Thế là một trang đời đã lật qua, nơi xứ lạ quê người, phải tự lo liệu lấy cuộc sống, vừa đi làm vừa nuôi con, nhiều lúc Nga cảm thấy chán nản, nhưng nghĩ đến con Nga lại cố gắng. Thời gian trôi đi, con lớn dần, Nga cũng dạn dày, chững chạc hơn và ít khi nghĩ đến chuyện kết hợp với người đàn ông khác vả lại Nga cũng không gặp được người vừa ý .

Hai mẹ con sống ở Mỹ được mười lăm năm, Nga quyết định đưa con về Việt Nam, trước là để cho con gái gặp được cha ruột, sau là thăm gia đình bè bạn. Trong một bữa tiệc, vô tình Nga gặp người anh họ của Thức mà trước đây có biết chuyện hai người. Anh ta nghĩ đơn giản là chuyện đã cũ, nay hai người đều đã có cuộc sống riêng, nếu gặp nhau cũng chỉ coi nhau như bạn bè, vì vậy không ngần ngại cho số điện thoại của Thức để Nga liên lạc. Nào ngờ sự kiện này này đã làm xáo trộn cuộc sống bình yên của cả hai. Bao lâu nay Nga sống cô đơn, khép mình trong bổn phận làm mẹ, cuộc sống đơn điệu nhàm chán đã làm cho Nga trở nên bi quan, không còn hồn nhiên yêu đời như xưa. Từ ngày liên lạc với Thức, Nga như tìm được một người thân để tâm sự, hàn huyên. Nàng thường gọi điện thoại cho Thức vào buổi sáng, trong lúc ngồi chờ đến giờ đi làm. Vì Thức ở miền đông, cách Cali ba tiếng nên Nga gọi thường vào giờ Thức được nghỉ giải lao. Cũng tiện nhưng vì lúc đó chưa có cách gọi bằng card, vì vậy tháng nào Nga cũng phải trả tiền điện thoại khá nhiều. Thức yêu cầu Nga gọi ít lại, nhưng Nga nói úp mở là có nói chuyện được thì Nga mới không tìm nguồn vui khác.

Hai người tiếp tục liên lạc với nhau như vậy cũng được tám tháng. Thức kín đáo không cho Hảo biết, Hảo cũng không thắc mắc hành vi của Thức vì sống với nhau bao nhiêu năm qua, Thức không làm điều gì để Hảo mất tin tưởng cả. Mối tình cũ đã làm Thức phải suy tư, nuối tiếc. Tuy nhiên, khi nghĩ đến việc thay đổi cuộc sống hiện tại để có thể sống chung với Nga, ý tưởng đó không thuyết phục được Thức. Bởi chưa bao giờ Thức có ý nghĩ sống xa Hảo, hơn nữa, Thức vẫn còn ít nhiều thành kiến không đẹp với Nga, vì hơn hai mươi năm trước nàng quay lưng đi mà chẳng nói một lời. Dù vậy tình cũ không rủ cũng đến, cả Thức và Nga đều có ý muốn gặp lại nhau. Lúc đầu Nga dự tính đợi khi Mai có mấy ngày nghỉ cuối năm, hai mẹ con sẽ qua thăm Thức. Nhưng Nga không xin nghỉ được vì công việc cuối năm bận rộn. Thức cũng muốn sang thăm Nga, và cũng để quan sát đời sống như thế nào mà đã làm biến đổi con người nàng, từ một người nhí nhảnh, lạc quan yêu đời, một tánh tình mà Thức rất thích ở Nga, thì nay lại đầy bi quan yếm thế. Chàng cũng hy vọng nếu hiểu rõ được nguyên nhân sẽ tìm cách nâng đỡ tinh thần của Nga lên, không muốn mỗi ngày càng suy sụp thêm nữa. Thức đã nói dối Hảo là có người bạn cùng khóa ngày trước, hiện ở Cali và đang hấp hối vì bị ung thư, các bạn cũ muốn có một cuộc họp mặt, trước khi anh ta mất. Thức còn chọn tháng tư, vì tháng này Hảo phải bận rộn tổng kết năm tài chánh sẽ không đi theo được. Hảo thật thà khuyên Thức nên đi thăm bạn lần cuối. Thấy Hảo quá tin tưởng ở mình, Thức thấy lương tâm chẳng yên ổn, nhưng tình cũ vẫn có sức quyến rũ không cưỡng lại được. Vậy là chàng xin nghỉ phép một tuần để đi thăm Nga.

Phi cơ hạ cánh lúc hơn tám giờ rưởi. Thức vội vã ra cổng thì Nga đã chờ sẵn, cả hai cùng nhìn nhau ngỡ ngàng trong giây lát rồi ôm chầm lấy nhau. Thức nay đã mập ra và hơi có bụng , còn Nga đẫy đà hơn xưa, trên khuôn mặt xinh xắn ngày nào nay đã xuất hiện vài nếp nhăn. Như đã hẹn hò từ trước, Nga giữ cho Thức một phòng ở khách sạn gần nhà Nga và đưa chàng về đây. Sau khi cất xong hành lý, cả hai cùng đến một nhà hàng cách đó không xa mà Nga đã giữ chỗ trước. Nhà hàng nằm trên triền đồi thoai thoải, nhưng cũng có thể nhìn thấy thành phố lấp lánh ánh đèn. Hơn hai mươi năm, cả hai mới có dịp ngồi ăn với nhau trong một nhà hàng như thuở xa xưa. Thức cầm tay Nga mà nghe xao xuyến, thời gian như ngừng lại. Nga đã già đi nhiều hơn số tuổi của nàng, lời ăn tiếng nói mang nhiều ưu tư chứ không vui vẻ, duyên dáng như xưa, đôi bàn tay mềm mại ngày nào đã làm Thức rung động, nay cũng dạn dày với những vết chai. Cả hai cùng ít nói, vì mỗi người đang chìm trong nỗi suy tư riêng của mình. Cả một dĩ vãng hiện về, một niềm luyến thương nuối tiếc. Im lặng một lúc, Nga lên tiếng :
- Ngày xưa em thương và kính trọng anh lắm, lúc nào em cũng có mặc cảm tự ti, không xứng đáng với anh. Anh đứng đắn đàng hoàng, ngoài em ra, vòng tay anh chưa hề ôm ấp người con gái nào khác. Tuấn thì đã có bao nhiêu là con gái đi qua đời, thậm chí nhớ không hết. Em đã lấy Tuấn vì nghĩ con người ăn no cũng phải ngừng, chơi bời nhiều quá cũng phải có lúc ngưng. Tuấn không quan tâm đến dĩ vãng của em, điều đó làm em cảm thấy thoải mái hơn là lấy anh. Anh cao cả, anh phải được hưởng những gì trong sạch, chứ em thì đã vướng bụi trần rồi. Em hỏi ý kiến mấy đứa bạn thân, tụi nó cũng có cùng một ý nghĩ như vậy, chứ mất anh em cũng khổ tâm lắm…

- Em có lý của em chứ thật ra bao giờ anh cũng thấy mình tầm thường, sống gần hết cuộc đời mà chẳng làm được điều gì xứng đáng cả. Ngày đó nếu em mạnh dạn nói sự thật, biết đâu ngày nay đã khác.

- Đôi khi em cũng nghĩ như vậy, nhưng không hiểu lúc đó sao em lại ngại nói lên sự thật… Có lẽ do duyên nợ chúng ta không có!

- Từ ngày em chia tay anh, mặc dù vẫn sống ở Saigon, nhưng chúng ta chẳng có cơ hội nào gặp lại nhau, đến nay anh mới biết em lấy Tuấn.

Rồi nửa đùa nửa thật Thức cười hỏi:

- Chắc hồi đó lấy Tuấn vì đẹp trai con nhà giàu và chê anh nghèo lại xấu trai nữa chứ gì?

- Cũng là một lý do, nhưng nó không quan trọng lắm vì lúc đó mình còn trẻ, đời còn dài, còn lý tưởng và nhiều hy vọng, - Nga cười rồi tiếp - vả lại, lúc đó anh có nghèo rớt mồng tơi đâu, cũng là công chức hạng A mà, lấy anh biết đâu sau này làm bà này bà nọ…

Hai người cùng ngồi với nhau đến khuya mới đưa nhau về. Xe dừng trước khách sạn, Thức muốn Nga vào chơi một lát, nhưng nàng từ chối:

- Thôi, khuya rồi, để em về kẻo Mai nó trông, không biết mẹ đi đâu vì từ hồi nào tới giờ em chẳng khi nào về nhà quá trễ như hôm nay. Anh lên phòng ngủ ngon, sáng mai em sẽ đến.

Thức chưa bước xuống xe. Dưới ánh đèn đường mập mờ, cả bốn mắt cùng nhìn nhau thật lâu rồi cùng vòng tay ôm lấy nhau, môi tìm môi hôn nhau say đắm. Buông nhau ra, Thức thấy một vài giọt nước mắt lăn dài theo khóe mắt Nga. Thức lại ôm Nga vỗ về, lòng chàng cảm thấy xót xa.

Hôm sau Nga đến sớm, nàng mặc chiếc áo t-shirt màu thiên thanh, vì biết Thức thích màu áo thuở mới quen nhau. Vừa khép cửa phòng là Thức ôm lấy Nga, cả hai cùng ghì chặt vào nhau, rồi lăn ra chiếc giường còn bừa bộn chăn mền. Đất trời chỉ còn có hai người. Rồi Nga nằm gối đầu tay Thức và vòng tay ôm lấy chàng, nói nhỏ:

- Phải chi em gặp lại anh sớm hơn chừng mười năm, em sẽ sinh cho anh một đứa con cho anh vui . - Nói tới đây Nga bỗng nhiên sôi nổi - À! Mà để em tính lại coi, có thể hôm nay đúng ngày, em mà có bầu, lần này anh sẽ không để thoát em đâu!

- Thoát gì nổi! Trốn hơn hai mươi năm rồi vẫn bị em tóm cổ mà, đâu thoát khỏi yêu tinh tình nữ!

- Sao lại gọi em là yêu nữ?

- Muốn xuất hiện thì xuất hiện, muốn biến mất thì biến mất, chẳng yêu tinh là gì?

- Ừ! Em cũng quỷ quái thật. Rồi ngậm ngùi nói tiếp. Tụi mình đã lớn tuổi cả rồi, sanh con ra mà nó kém cỏi, không bằng ai cũng tội nghiệp cho nó. Muộn quá rồi!! … Hơn hai mươi năm nay em vẫn mong có được một người đàn ông đi bên cạnh , để được chia sẻ buồn vui và những giây phút đầu gối tay ấp như thế này. Lấy Mỹ thì em không thích, mà Việt thì ở đây không nhiều, cơ hội gặp nhau rất ít, lại bận con cái, rồi công ăn việc làm, thêm nhiều thứ lo khác nên thời gian trôi qua lúc nào không hay, nhìn lại thấy sắp hết cuộc đời rồi!

- Anh cũng thông cảm chuyện đó , nhưng ở đây là vùng nhiều người Việt định cư nhất, chẳng lẽ bao lâu nay em chẳng gặp được ai?

- Đồng ý là như vậy, nhưng mình bây giờ đã lớn, biết tính toán lựa chọn chứ đâu phải như thuở trẻ trung nữa.

Cả hai cùng nằm tâm sự đến trưa mới cùng nhau xuống phố. Ăn trưa xong, Nga đưa Thức đi thăm một vài nơi trong thành phố. Sau cùng là đi chợ chuẩn bị bữa cơm chiều. Nga cho biết đã nói chuyện với con gái về việc có Thức qua thăm. Con cái ở xứ Mỹ không quan tâm lắm chuyện tình cảm của cha mẹ, Mai chỉ biết Thức là boyfreind cũ của mẹ, và cũng muốn gặp Thức vì mấy tháng nay vẫn thường nghe mẹ nhắc đến nhiều lần.

Căn nhà của Mai nhỏ và xinh xắn nằm dưới chân đồi. Trong nhà trang trí đơn giản nhưng khá ngăn nắp. Khi gặp Mai, Thức nghĩ ngay đến hình ảnh của Nga ngày xưa vì Mai rất giống mẹ. Bữa cơm tối quây quần chỉ có ba người làm Thức nghĩ đến một gia đình ấm cúng. Nhưng không chỉ riêng Thức, cả Nga và Mai cùng có ý nghĩ đó, chỉ khác nhau địa vị của mỗi người. Đến khuya, trước khi đưa Thức về, Nga đề nghị ngày mai cả ba cùng đi Las Vegas, vì cuối tuần, Mai được nghỉ nên rất vui vẻ đi cùng.

Sáng sớm hôm sau, Nga và Mai đến khách sạn đón Thức rồi cùng nhau lên đường. Thức đã đến Las Vegas một lần cách đây khá lâu, lần này đến có ít nhiều thay đổi. Sau khi lấy hai phòng ở khách sạn, cả ba cùng thả bộ dọc theo con phố chính. Nga cười ghé vào tai Thức nói nhỏ:

- Mai nó hỏi em sao không ở chung phòng với anh mà lai ở cùng phòng với nó.

- Trẻ con lớn lên bên này không giống như tụi mình ngày xưa. Nếu được như vậy chắc tụi mình đã khác chứ không như bây giờ.

Cả ba cùng đi lang thang, ngắm cảnh thành phố. Buổi tối cùng nhau đi ăn rồi qua xem show. Khi trở về khách sạn thì đã quá nửa đêm. Mai lên phòng ngủ trước. Thức và Nga đi loanh quanh xem người ta đánh bài. Thức không biết chơi bài nên chỉ đổi tiền xu kéo máy, nhưng Nga lại đổi tiền để đánh lớn. Cũng từ đây Thức biết nguồn vui mà Nga nói úp mở chính là đánh bài. Nga rất thích đánh bài. Thức kéo máy không thắng được đồng nào nên đến xem Nga đánh. Nga thấy vậy nói Thức cùng đánh chung, nàng có lý luận rất dị đoan là Tổ thường đãi kẻ mới biết đánh bạc, nhưng Thức từ chối. Đứng cạnh Nga được một lúc lâu, Nga có vẻ áy náy nên bảo Thức về phòng ngủ trước. Thấy ở lại cũng chẳng làm gì, lại buồn ngủ nên Thức làm theo lời Nga. Về phòng, Thức thay quần áo rồi lên giường mở TV xem, được một lúc thì tắt đèn đi ngủ. Đến gần chín giờ sáng hôm sau mới thức giấc. Sau khi rửa mặt, Thức thay áo quần bước ra khỏi phòng, nhìn sang phòng Nga thấy im lìm quá, chắc Nga còn ngủ. Chàng ra đường phố, tìm chỗ uống cà phê, nhìn quang cảnh thành phố luôn luôn nhộn nhịp này. Thức băn khoăn nghĩ đến cái đam mê đánh bạc đầy nguy hiểm của Nga.

Trong những ngày phép còn lại của Thức, Nga đã sắp sẵn chương trình đi chơi suốt Cali, từ nam đến bắc. Nhưng được dịp là Nga lại ghé qua sòng bài. Hầu như ở Los Angeles có bao nhiêu sòng bài thì Nga đều đưa Thức đi thăm cả. Thức than phiền thì Nga lý luận:

- Em biết đây là điều không nên làm, nhưng anh thử nghĩ coi, những buổi tối, sau khi cơm nước xong em cảm thấy trống vắng vô cùng, xem TV mãi cũng chán, sách báo thì anh biết rồi, em rất lười đọc. Chỉ khi ra đến sòng bài là có sự náo nhiệt ồn ào, và những con bài làm em không còn suy nghĩ chuyện gì khác. Đem tiền vào sòng bài biết là sẽ thua, ban đầu em trích ra một phần nhỏ của tiền lương để mua vui, nhưng dần dà thấy nghiện và số tiền cũng gia tăng, nhưng chưa biết làm cách nào dứt ra được.

Nga còn tâm sự luôn bị nỗi cô đơn vây bủa chung quanh, dù có con gái bên cạnh, nhưng Mai ở một thế hệ khác, khó tìm được sự đồng cảm sâu xa. Nếu cứ phải quanh quẩn trong nhà như vậy chắc sẽ tự tử sớm. Thức nghe và hiểu hoàn cảnh của Nga, nhưng để giải quyết vấn đề thì không biết phải có cách gì. Làm sao tìm được một người ở bên cạnh, để cùng chia sẻ với Nga những buồn vui, những ngày mưa tháng nắng của cuộc đời này.

Một tuần lễ qua nhanh. Trước khi về, Thức cùng Nga đến một nhà hàng gần biển. Ở đây, Thức đã dùng hết lời lẽ có được để khuyên bảo Nga xa lánh các sòng bài, khuyến khích nàng cố gắng vui sống và làm tròn bổn phận người mẹ. Nga rưng rưng buồn nói nàng cũng hiểu, nhưng có những việc làm đi ra ngoài sự kiểm soát của chính mình. Tuy vậy Nga cũng hứa sẽ cố gắng. Ra khỏi nhà hàng, trời chưa tối hẳn. Cuối tháng tư nên ngày đã dài hơn, mặt trời vừa lặn nên còn vương vất những tia nắng cuối cùng. Thức cảm thấy buồn buồn khi nhìn cảnh ngày tàn, chàng liên tưởng đến cái phù du của đời người, của mình, của Hảo, của Nga..., tất cả đang tàn dần như những ánh nắng hiu hắt cuối chân trời. Đời người thì không dài mà hạnh phúc lại mơ hồ, mấy ai tự cho mình là hoàn toàn hạnh phúc trên cõi đời này. Thức nắm tay Nga đi dọc theo con phố thưa người. Nga đi sát vào người chàng rồi nói:

- Em nhớ mãi buổi chiều mưa năm nào, anh đưa em về sau khi đi ciné. Dưới cái dù che mưa, em cũng nép sát vào anh như thế này. Lúc ấy em mong con đường dài vô tận để chúng ta có thể đi mãi bên nhau… Cũng là lỗi ở em, không biết nắm lấy hạnh phúc trong tay.

- Không nên nghĩ vậy Nga ạ. Sống đến ngần này tuổi, chúng ta phải chấp nhận rằng mỗi người đều có một số mạng riêng, và hạnh phúc của mình còn tùy thuộc vào vận số đó. Cái chính là mình phải biết tìm cho mình một lẽ sống, để vui và hạnh phúc mà đi cho hết cuộc đời…

Hai người vừa đi vừa nói chuyện đến khi trời tối hẳn mới trở về. Trên đường về, Thức muốn ghé lại nhà Nga để chào từ biệt Mai. Chàng cảm thấy quý mến Mai. Mai ngoan và dịu dàng, nhất là cũng chưa bị Mỹ hóa như một số cô gái cùng lứa tuổi. Ngược lại, Mai cũng dành cho Thức nhiều cảm tình tốt đẹp.

Hôm sau khi ra phi trường, trước khi lên máy bay, Thức còn nhắc lại lời khuyên chiều hôm trước. Nga rưng rưng nước mắt, ôm chầm lấy Thức nói nhỏ:

- Vâng, em sẽ cố gắng nghe lời anh, để được xứng đáng với anh. Nhưng biết bao giờ em mới gặp lại anh đây?

Rồi hai người trao nhau nụ hôn từ giã. Thức bước nhanh vào cổng. Quay nhìn lại thấy bóng Nga lủi thủi, cô đơn in dài trên lối ra, lòng chàng thổn thức, thấy thương Nga vô cùng.

Trở về nhà, suy nghĩ chuyện của hai người, Thức nhận thấy tình cảm của hai người bấy lâu nay chỉ là dư vị của cuộc tình xưa, không thể gọi là một tình yêu sâu đậm, vả lại khó đi lại từ đầu vì mỗi người đều có một đời sống riêng, và những sợi dây ân tình, những cái rễ đạo lý đã đan kết vào nhau suốt mấy mươi năm qua, khó lòng tháo gỡ ra được. Nhưng Thức hiểu mình chẳng thể nào quên được Nga, những kỷ niệm vui buồn cùng tình cảm tốt xấu dành cho Nga sẽ mãi mãi theo chàng đến hết cuộc đời.

Trong sở làm, Nga vì công việc nên chẳng nói chuyện được với ai, đồng nghiệp phần đông là người Mỹ, thường khó kết thân, còn bạn Việt đã ít lại chỉ có thể gặp nhau vào cuối tuần . Về đến nhà có nói chuyện với Mai cũng vài ba câu, nên gần như suốt ngày Nga mở miệng được vài lần. Bởi vậy, khi có nhu cầu phải nói thì Nga dùng điện thoại. Từ ngày liên lạc với Thức, tháng nào hóa đơn tiền điện thoại cũng cao gấp mấy lần bình thường vì gọi viễn liên. Để tránh tốn kém cho Nga, Thức khuyên Nga không nên gọi thường xuyên như vậy, phải cách vài tuần một lần. Và tránh tình trạng bên này nói qua, bên kia nói lại. Chàng cũng ít viết thư như trước. Tuy vậy, thỉnh thoảng Thức vẫn gọi hỏi thăm Nga. Thức cũng cho Hảo biết Nga là bạn cũ mới liên lạc được sau hai mươi mấy năm. Hảo quí bạn của chồng nên đôi lần Nga gọi điện thoại và gặp Hảo cầm phone, Hảo vui vẻ nói chuyện rồi mời hai mẹ con Nga có dịp sang chơi.

Sau những sôi nổi vì sự hồi sinh của mối tình xưa cũ, Nga hiểu ra là cuộc tình của hai người không có chỗ nào bám víu để tiến xa hơn được. Nhưng bù đắp vào đó, Nga tìm được một người đàn ông mà nàng kính trọng và tin tưởng để có thể kể lể tâm sự từ thể xác đến tâm hồn. Cuộc sống trôi dần với thời gian. Ngày Mai vào đại học, Thức đã gửi tặng Mai một cái computer với lời khuyên bảo và khuyến khích chân thành. Nga vẫn giữ liên lạc với Thức nên chàng cũng biết qua những sinh hoạt của hai mẹ con. Rồi Mai ra trường, đi làm được khoảng ba năm thì lấy chồng. Theo lời Nga kể thì chồng Mai là một thanh niên Việt Nam mới sang Mỹ, cả hai quen biết nhau từ khi còn học đại học. Nga rất vui vì chỉ sợ Mai lấy Mỹ, ngôn ngữ thì không ngại nhưng tập quán khác biệt. Nga thường chỉ trích lối sống gia đình theo kiểu Mỹ, nên Thức hiểu ngầm rằng Nga sợ sau này Mai có thể rơi vào hoàn cảnh như nàng bây giờ. Để chuần bị cho đám cưới, Nga trao đổi ý kiến với Thức về nghi lễ và tiệc tùng…, Thức không sành về chuyện cưới hỏi nhưng cũng sốt sắng hỏi thăm tin tức để hướng dẫn cho Nga. Nàng cũng tha thiết mời Thức và Hảo cùng qua dự đám cưới, nhưng chưa kịp trả lời thì mẹ của Hảo mất. Vì có đại tang, Hảo từ chối nên Thức cũng không có dịp gặp lại mẹ con Nga lần nữa. Đám cưới xong, hai vợ chồng Mai dọn ra ở riêng. Nga chỉ còn lại một mình trong căn nhà vốn đã quạnh quẽ, nay lại trống vắng hơn.

Thời gian cách đây khoảng hai năm, Nga thường gọi điện thoại cho Thức, than phiền về cảnh cô đơn buồn bã sau khi Mai về với chồng. Rồi một ngày bất chợt nhận được thư Nga, Thức hơi ngỡ ngàng vì chẳng mấy khi Nga viết thư nên vội vã mở ra xem. Đầu thư cũng những chuyện thăm hỏi bình thường, nhưng cuối thư có thêm mấy dòng : ‘’…. Khi anh nhận được thư này thì chắc anh không còn cơ hội gặp em nữa . Em đã quá mệt mỏi với thế gian này , em sẽ đi tìm một thế giới mới hạnh phúc hơn. Xin anh hãy cầu nguyện cho em… ‘’ Thức biết có điều chẳng lành vội gọi điện thoại cho Nga nhưng không có ai trả lời. Thức gọi cho Mai thì nghe tiếng nức nở:

- Cậu ơi! Má con chết rồi, Má bỏ con mà đi cậu ơi! Tại lỗi ở con, con không biết thương Má, con đã bỏ Má bơ vơ...

Thức quá xúc động, tự nhiên hai hàng nước mắt chảy quanh, chẳng tập trung tinh thần để khuyên bảo, an ủi Mai được điều gì. Thức chỉ nói chung chung:

- Không phải lỗi ở con đâu Mai ạ! Con đừng trách con nữa, Má con có lý do của Má, không vì một ai cả…

Cảm nhận được giọng nói đầy cảm xúc của Thức, Mai ngưng khóc. Rồi nàng kể cho Thức nghe Nga đã uống thuốc ngủ như thế nào và chuyện cứu chữa ra sao. Nhưng tất cả cố gắng cũng không làm Nga sống lại. Thức lấy lại tinh thần, nói phải trái để an ủi Mai, cũng như khuyên bảo điều hơn lẽ thiệt.

Thức chỉ xúc động nhiều chứ không ngạc nhiên về chuyện Nga tự tìm đến cái chết. Vì đã từ lâu, Thức nhận thấy tinh thần của Nga ngày một xuống thấp mà chàng không có cách gì vực lên được. Qua lời Mai kể, Nga mất cách đây gần hai tuần, tức sau lần cuối cùng nàng gọi điện thoại cho Thức, nhưng thư thì Nga lại nhờ ai đó gửi sau vài ngày. Nga cũng để di chúc cho Mai, nói đừng báo tin cho ai biết, dĩ nhiên trong đó có Thức. Nga cố tình sắp xếp để khi Thức biết tin thì mọi chuyện hậu sự đã rồi. Mai còn cho biết thêm, về sau này Nga thường xuyên đi đánh bài đến nỗi phải bán cả xe, nợ nần thì chống chất. Đây cũng có thể là động cơ đưa đến quyết định tự tử của Nga.

Hơn ba mươi năm trước, Nga đến thổi bùng ngọn lửa tình đang khao khát của Thức, nhưng rồi Nga lại tự ý dập tắt nó đi. Hai mươi năm sau, Nga lại đến thổi một luồng gió mới vào cuộc đời đang đơn điệu nhàm chán của Thức. Cả hai cùng cố khơi lại ngọn lửa xưa, nhưng tro đã tàn, củi đã mục. Có cố gắng lắm thì làn gió cũng chỉ khơi được ngọn lửa lập lòe yếu ớt, soi rọi trên hai khuôn mặt với những hư hao theo năm tháng, cùng với những ràng buộc của cuộc đời. Lần này Nga ngự trị trong lòng Thức không hẳn gọi là một tình yêu, nhưng đã cho Thức hiểu thêm những khía cạnh của cuộc sống , những trăn trở, khắc khoải của một kiếp người.

Sau khi Nga mất, Thức và Mai vẫn giữ liên lạc với nhau, đôi khi gặp những chuyện khó khăn Mai thường hỏi ý kiến của Thức. Lần nầy đến Cali để dự đám cưới con trai trưởng của Phái, một người bạn thân cùng ở chung một xóm, cùng học với nhau suốt mấy năm tiểu và trung học. Thức đã hẹn sẽ đến thăm Mai rồi cùng nhau đi thăm mộ của Nga.

Máy bay hạ cánh, Thức theo đoàn hành khách bước xuống phi trường. Vừa ra khỏi cổng đã thấy Phái đứng đón. Cách nhau hơn mười năm không gặp, Phái đã thay đổi nhiều, trông khác hẳn ngày xưa, Thức phải nhìn một lúc mới nhận ra được. Phái thuộc loại người lúc nào cũng lạc quan yêu đời, vừa thấy Thức đã vui vẻ chào hỏi:

- Sao! Mày có khỏe không? Trông mày vẫn thế, tóc chưa bạc, chỉ có bụng hơi lớn đó nghe, liệu mà diet đi! Mày thấy tao ra sao?

- Tóc thì nhuộm đó ông ạ, còn bụng mày có thua gì tao đâu mà chê! Trông mày bây giờ giống hệt như ông già mày ba mươi năm về trước.

Thức theo Phái ra chỗ đậu xe, vừa ngồi vào xe Phái nói ngay:

- Mày về nhà tao ở, tao lo cho mày chỗ ăn ngủ trong mấy ngày ở đây, muốn đi đâu tao đưa đi.

- Nhà có chỗ ngủ không, nếu không thì cho tao ra Motel nào gần nhà cũng được, chỗ bạn bè cứ nói thật chứ đừng khách sáo gì nghe!

- Yên chí, nhà tao không thiếu chỗ ngủ. Phải chi có bà xã mày nữa thì mới đáng lo chứ có một mình mày tao dư sức phục vụ, nhưng sao không ráng kéo bà xã mày theo?

- Lúc này bà xã tao bận tổng kết năm tài chánh, đâu có đi đâu được.

- Mày còn nhớ kỷ niệm ngày xưa, khi còn học lớp nhì, mày rủ tao qua ngủ bên nhà mày một đêm, bị ông già mày đuổi về, ổng nói còn nhỏ làm gì phải có phép của cha mẹ, muốn ngủ lại phải nói ông già tao qua nói với ổng một tiếng. Ông già mày khó quá trời, bởi vậy anh em mày nên cả.

- Chứ mày có hư chỗ nào đâu?

- Đồng ý là vậy, nhưng… tao vẫn thấy nể ông già của mày.

Trên đường về nhà Phái, Thức quan sát kỹ hơn thì thấy mặc dù đã gần sáu mươi tuổi, đầu hói tóc bạc và mang kiếng lão, nhưng gương mặt Phái vẫn hồng hào, toát ra cái vẻ an nhiên tự tại. Để có được cuộc sống tươi sáng, con người cần phải biết đẩy lùi bóng tối qua một bên. Thức ngậm ngùi nghĩ đến Nga, đến những khoảng tối tăm của cuộc đời nàng. Không biết có nên đổ lỗi do số mệnh hay do Nga không nỗ lực. Nhưng khi cái tâm đã không còn thì cái tướng cũng phải tàn theo. Thức chợt nhớ đến câu mà thân phụ chàng vẫn thường hay đọc: ‘’Hữu tâm vô tướng, tướng tự tâm sinh… ‘’

Quebec 11-05






| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com