G iữa trưa đầy nắng Sài Gòn chị bán cà phê vỉa hè chợt nói, sắp tháng chạp rồi nè. Thốt nhiên lòng se lại. Ừ nhỉ, tháng chạp sắp về rồi. Mưa phùn sắp về với Hà Nội rồi. Tôi đã đi qua hầu khắp những miền quê có mưa phùn. Chẳng biết có thiên vị không, trước sau tôi vẫn đinh ninh nói đến mưa phùn là người ta nhớ ngay đến Hà Nội.
Mưa phùn xứ núi thường lẫn với sương mù, đậm và lạnh hơn mọi nơi. Mưa phùn xứ biển lại nhẹ tênh, ấm hơn mọi nơi, thoắt biến thoắt hiện trong gió bấc. Mưa phùn xứ Huế ngắn đến nỗi dường như không có, bất chợt hiện ra trong mưa dầm và biến mất trong mưa dầm. Mưa phùn Khu Bốn quê tôi chưa kịp mênh mang như sương mù Đà Lạt đã bị nắng gió đuổi đi rồi, hoặc như mưa phùn xứ Huế, vội vàng đuổi theo mưa dầm và bị mưa dầm nuốt chửng. Chỉ có Hà Nội và ngoại vi- bắc nam Sông Hồng kéo lên miền trung du-, mưa phùn mới đúng là mưa phùn.
Đúng là mưa nhưng không phải mưa. Không thấy hạt mưa nào cả, chỉ thấy những màn hơi lành lạnh nhẹ không, trắng mờ như hơi nước phả trên kính giăng rộng khắp nơi. Đường khô áo khô nhưng tóc và lá cây lấm tấm những giọt nhỏ tí xíu trong veo.
Đúng là sương nhưng không phải sương, trắng mờ mênh mang như sương mà bay bay như mưa, rơi rơi như mưa. Bay dạt dào trên dòng sông cánh đồng ao hồ, bay nghiêng nghiêng trên đường phố rộng dài, bay thẳng đứng trong hẻm nhỏ ngõ nhỏ để rồi rơi phơ phất trên những tàng cây. Giọt giọt rơi từ lá, chảy ngoằn ngoèo trên nhưng thân cây khô ráo.
Và lạnh. Mùa đông sương sớm lạnh giá, cái lạnh rin rín nước. Mùa đông mưa lạnh buốt, cái lạnh sũng nước. Không như sương không như mưa, mưa phùn man mát lành lạnh, cái lạnh thanh thanh. Mưa phùn đủ lạnh để cho ta khi cầm tay nhau, áp vào má nhau, sà vào lòng nhau… bỗng thấy ấm áp lạ thường.
Mưa phùn là vậy đó nhưng chỉ có ở Hà Nội mới cảm được hết, không biết vì sao. Có lẽ mưa phùn ở đây ít bị pha tạp bởi sương mù, gió bấc. Cũng có thể Hà Nội hợp với mưa phùn, tưởng động mà tĩnh, tưởng lạnh mà mát, lặng lẽ nhẹ nhàng không hề vướng víu tiếng ồn như người Hà Nội.(Là nói người Hà Nội Đông Đô, Hà Nội Kẻ Chợ). Mới hiểu vì sao ở đâu cũng thích mưa phùn, thích nhất vẫn là người Hà Nội.
Tôi có mưa phùn tuổi 18 ngày hoà bình đầu tiên, áo trấn thủ với áo bông hoa dung dăng dung dẻ dọc Bờ Hồ, tay thô ráp quê mùa nắm tay thon mềm dưới gốc cây Vô Ưu cổng đền Ngọc Sơn. Ngực non mới nhú bên hoa Vô Ưu vàng tươi mới nhú. Mưa phùn thấm vào má nhau, rọi vào mắt nhau, cuộn vào tóc nhau…ôi nhớ!.
Nhớ thời bao cấp tuổi 22 áo đại cán với áo len tím, tuổi 26 áo bay Liên Xô với áo phao nylon hồng phớt, thời mở cửa tuổi 30 áo Nato với áo lông trắng, tuổi 34 áo da với áo Bomber Jacket xanh da trời… Cứ mùa mưa phùn là nhớ Hà Nội đến buốt tim.
Tôi không thích gọi mưa phùn là mưa bụi, dù hạt mưa phùn giống hạt bụi, gọi thế cũng chẳng sai. Nhưng mưa bụi đã có tên riêng cho mưa tuyết, mưa bùn, mưa máu ở Tây Nam Địa Trung Hải, thứ mưa chứa đặc bụi sa mạc khô cằn ở Bắc Mỹ. (Tra google thì biết). Mưa phùn không chứa bụi, tinh khiết lắm. Thời khắc lập xuân nào ông trời cũng cho một không gian tinh khiết. Thanh tao nữa. Dường như mưa phùn xuất thân từ chốn tinh khiết thanh tao, giữa giao mùa Đông tàn Xuân lập sà xuống xứ này giúp cho người ta biết thế nào là thanh tao tinh khiết. Tinh khiết của mối tình đầu tóc xanh, thanh tao của mối tình cuối cùng tóc bạc. Cả tinh khiết lẫn thanh tao của mưa phùn đều rưng rưng cái lạnh nồng nàn thương nhớ.
Thương nhớ nghìn năm mưa phùn Hà Nội. Lý Thường Kiệt cưỡi ngựa trắng vượt sông Như Nguyệt về Thăng Long đưa tin đại thắng đả Tổng phá Khâm Ung Liêm. Người ngựa như bay trong mưa phùn tháng chạp Ất Mão 1075. Trong mưa phùn tháng chạp Kỷ Dậu 1789 Nguyễn Huệ cưỡi voi vào Cửa Bắc tìm cành đào Nhật Tân tặng công chúa Ngọc Hân, voi trận và cành đào như bơi trong ức vạn tấm voan mưa bay. Trong mưa phùn tháng chạp Bính Tuất 1946 “rộn ràng Đồng Xuân, xanh tươi bát ngát Tây Hồ. Hàng Đào ríu rít Hàng Đường, Hàng Bạc, Hàng Gai”1… máu thấm trong mỗi hạt mưa xuân. Mưa phùn năm ấy đượm màu máu đào ướt lạnh. Trong mưa phùn tháng chạp Nhâm Tý 1972 Hà Nội bị thương bởi B52, những em bé Hà Nội đội khăn tang đi tìm người thân, chập chờn trong màn mưa giăng những chiếc khăn tang trôi cùng những cành đào.
Chẳng phải giáo điều, cái gì cũng gán cùng lịch sử, chỉ vì lịch sử Hà Nội dường như là lịch sử của những tháng chạp mưa phùn, lạ thế. Ai nói câu này nhỉ? Không nhớ. Hình như là Nguyễn Đình Thi khi viết “Người Hà Nội” tháng chạp mưa phùn quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh. Hình Như là Văn Cao khi viết “Mùa Xuân đầu tiên” tháng chạp mưa phùn năm hoà bình thống nhất đầu tiên. Hình như là Phan Nhân khi viết “Bài ca cho em” tháng chạp mưa phùn lần thứ ba những cuộc chiến tranh biên giới ở hai đầu đất nước... Ai? Không nhớ nữa.
Chỉ nhớ Phan Nhân dưới mưa phùn tháng chạp năm 1981 bên gốc muỗng già 45 Bà Triệu rưng rưng chén rượu đập nhịp, rưng rưng hát “Một bài ca từ trái tim… luôn yêu đời…luôn mơ ước… yêu thương con người…Yêu Đất Nước và yêu em.” 2 Bài hát một câu da diết nhất vang vọng nhất kiệm lời nhất về Hà Nội. Ấy là bài hát của mưa phùn.
1. Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi
2. Bài ca cho em của Phan Nhân.