Việt Văn Mới
Việt Văn Mới










ÂM VANG TIẾNG CHUÔNG









Ô ng ngoại Ngàn có vẻ bồn chồn, ngồi đứng không yên. Chốc chốc, ông ra ngõ ngóng về phía cây cầu Long Bình rồi quay vào. Ông ngồi ngã ngửa trên chiếc ghế bành, thở hắt ra.

Ngàn sốt ruột hỏi:

- Ngoại đang mong ai hả ngoại?

Ngoại Ngàn gật đầu, mắt vẫn ngó mong ra ngoài đường:

- Ừ, mấy ngày nay sao không thấy anh ba Sanh bán cà rem ngang đây. Không biết có chuyện gì xảy ra nữa không? Hay là anh ấy bệnh rồi?

Ngàn chợt nhớ hổm m rày vắng tiếng leng keng, leng keng quen thuộc. Âm thanh rộn rã gọi mời bọn trẻ háu ăn. Tiếng chuông gợi lên hình ảnh một ông già tóc hoa râm, còng lưng đẩy chiếc xe có cái thùng màu cánh phượng. Trên nền màu rực rỡ ấy có vẻ chữ “ Cà rem Hữu Tiếng” dưới hình một thằng bé đang thè lưỡi liếm kem. Cặp mắt nó sáng còn hơn đèn ô tô. Rõ ràng nó đang khoái chí khi được nếm cà rem Hữu Tiếng. Cái vị ngòn ngọt, beo béo thơm thơm ấy không lẫn vào đâu được. Nhất là bánh kẹp do ông ba tự nướng lấy. Nó vừa giòn, vừa thơm nức. Kem ngon mà bán rẻ. Năm trăm đồng tới hai muỗng. Đã vậy, ông ba còn chế sữa bò lên trên kem. Cắn một miếng, ngon ơi là ngon! Con nít xóm nầy mê tít. Dù gần đây có mấy chiếc xe kem khác cứ lượn qua lượn lại mở nhạc inh ỏi “Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng…cô đơn”. Âm thanh sướt mướt cứ trượt dài trên đường, xoáy vào óc, gợi sự tò mò của bọn trẻ. Chúng xúm lại xem, bàn tán. Có đứa mua một cục kem. Nhưng chúng nhận ra ngay: kem không ngon, không rẻ bằng kem của ông ba Sanh. Những bài hát cũng nhanh chóng trở nên nhạt nhẽo, gây bực bội khi mọi người cần yên tĩnh. Cuối cùng, bọn Ngàn vẫn yêu thích tiếng chuông trong trẻo.

Ngoại đã thay bộ đồ bà ba trắng, chụp cái nón cối lên đầu rồi quay sang dặn dò Ngàn:

- Ngàn, coi chừng nhà nghen con! Bà ngoại đi chợ về con bảo ông đã qua Hoà Thuận thăm bác ba Sanh.

Ngàn tiếc hùi hụi. Phải có bà ngoại ở nhà thì nó đã xin theo ông thăm chỗ ở của ông Ba Sanh. Tuyệt lắm! Ngôi nhà vách ván hoàng tâm nằm lọt thỏm giữa vườn cây ăn trái. Đây là một cái vườn tạp. Ông ba trồng đủ thứ trái cây cốt để ăn đủ bốn mùa. Sau nhà là một cái ao đường kính khoảng ba mét. Ông nuôi cá tra bần. Con nào con nấy to cộ. Tiếp đến là ruộng lúa trải dài đến tận chân trời. Ngàn thích chạy trên bờ đắp để đến dãy gò đất có cây vông đồng. Đứng đó, Ngàn tha hồ đón gió đồng nội mát lành, thả tầm mắt ngắm trời bao la tiếp giáp mặt đất rộng mênh mông. Ngàn tha hồ ngắm bóng người nhấp nhô, lom khom, khi ẩn khi hiện giữa thảm lúa xanh mơn mởn. Ông ngoại Ngàn thường bảo ông ba nằm vắt chân chữ ngũ cũng thừa của ăn, của để. Ruộng bạt ngàn, cây trái lúc lỉu. Nhưng ông bà Ba là những người siêng năng, hay lam hay làm. Bà Ba bán bánh cống ở chợ huyện. Đây là loại bánh được chế biến từ bột gạo, nhân bánh có tép, củ sắn. Bánh được chiên giòn, ăn chung với bún nước lèo hay bánh ướt nhân tôm thì ngon hết ý. Bà ba chỉ bán buổi sáng. Buổi chiều bà ở nhà xay bột, chăm sóc vườn cây, thăm ruộng. Bà ba có lần đã nói với tôi “ Làm người mà chỉ biết có ăn với ngủ rồi chờ chết thì có khác gì con vật.” Có người thắc mắc rằng hai ông bà không có con, làm chi cho lắm rồi chết để của cải cho ai? Ruộng không tự cày cấy lại thuê người làm còn lời lóm gì nữa? Rồi lại còn bấu lấy nghề bán cà rem. Làm chi cho rối vậy không biết ? Ông ba trả lời mấy câu mà ngoại Ngàn cứ nhắc đi nhắc lại mãi vì hạp ý “Tôi chỉ sợ làm không ra của cải . Chứ có của cải thì thiếu gì chỗ để sử dụng. Không con thì có cháu, có láng giềng, có giòng họ. Còn chuyện mướn người làm ruộng thì …khoẻ. Đã vậy còn tạo được công ăn việc làm cho một số người nghèo. Tôi thích đi bán cà rem vì nó cũng đem đến một ít lợi nhuận mà còn cho tôi được dịp gần gũi trẻ con. Chúng thật hồn nhiên và dễ thương.”

Trời đã không chìu lòng người. Anh Sơn, đứa con nuôi mà Bác ba quý hơn vàng hơn ngọc đã cạy tủ cuỗm mất hộp nữ trang của bác ba gái, đem về cho cha mẹ ruột. Bác ba buồn lắm, không phải vì mất một số vàng lớn mà vì anh ruột và chị dâu không biết dạy con, dung dưỡng một đứa ăn cắp. Bác giận họ ngu. Họ ham lợi trước mắt mà đánh mất cái gia sản bác dành sẵn cho anh. Bác Ba xé tờ di chúc rồi lập tờ di chúc khác. Nghe nói, anh chị bác dắt con qua nhà lạy lục, xin lỗi. Nhưng bác lạnh lùng bảo “Tham thì thâm! Người như thằng Sơn thì cho nó một hạt cát cũng uổng. Đem ruộng cho nó thà để cho chó ỉa còn hơn!”.

Khi ông ngoại đến thăm mới hay ông ba đột ngột qua đời sau một cơn nhồi máu cơ tim. Sau đó vài tháng, bác ba gái vì buồn rầu sanh bệnh rồi cũng quy tiên.

Bây giờ, chỗ ở của ông Ba đã trở thành trường mẫu giáo Hoà Thuận. Nơi nầy, ngày ngày vang vang tiếng nói, tiếng cười trẻ thơ. Ở một góc trường, người ta có xây một cái miếu nhỏ thờ ông bà Ba. Cái bình nhang nghi ngút khói hương. Người ta tưởng tiếc bác như một người thân yêu trong gia đình.

Bây giờ, mỗi trưa, tiếng leng keng leng keng quen thuộc lại vang lên dọc phố. Ai cũng biết đó là âm vang tiếng chuông của người bán cà rem Hũu Tiếng. Lũ trẻ bu lại mua không phải vì kem ngon mà vì tội nghiệp. Anh ta nghèo quá. Quần áo bạc màu, da đen sạm, lưng như còng xuống vì đẩy chiếc xe nặng nề. Anh đội cái nón sùm sụp, che kín nửa khuôn mặt. Dù vậy, ai cũng nhận ra đó là anh Sơn.