Việt Văn Mới
Việt Văn Mới







TỤT DỐC




  H   ắn là một kẻ khốn khổ. Khốn khổ và mạt hạng!

Cách đây dăm năm, ai dám nghĩ rằng sẽ có lúc Hắn khốn khổ và mạt hạng? Dăm năm là quãng thời gian ngắn so với một đời người. Nhưng cái dăm năm tụt dốc của Hắn thật quả đằng đẵng, lê thê đến ghê rợn.

Nhiều lúc hắn muốn tự vẫn. Cái chết sẽ chấm dứt mọi mất mát, nhục nhã. Cái chết sẽ đem đến cho Hắn sự yên ổn, an toàn. Sẽ chẳng còn những dày vò, cắt rứt tâm can. Sẽ chẳng còn những cơn vật vã khát rượu, đói ăn. Sẽ chẳng còn nỗi sợ hãi khi đắm chìm trong cơn cháy túi…

Nhưng Hắn sợ. Hắn hoảng loạn. Hắn hãi hùng. Giữa đêm đông lạnh giá, Hắn tướp táp mồ hôi, tưởng mình đang nằm sâu dưới ba tấc đất. Hắn vùng dậy. Mấy cái đốm hương nhấp nháy trên bàn thờ làm Hắn liên tưởng đến ma chơi lập lòe nơi nghĩa địa âm u. Hồi mới tụt dốc, Hắn rất chăm hương khói. Mỗi sáng ra, Hắn thay nước cúng, đốt hương, lầm rầm khấn vái. Trước khi đi ngủ, cũng lại những động tác ấy. Nhưng đó chỉ là thời gian đầu. Gần đây, Hắn quên bẵng điều đó. Có thể vì khấn vái mãi chẳng thấy linh, Hắn đâm xao nhãng. Cũng có thể, ông bà ông vải đã thấu những việc đê tiện Hắn nhúng tay vào, nên Hắn lánh… Có lúc Hắn nghĩ, trốn quách đi một nơi xa xôi nào đó cho yên. Nhưng ngẫm lại, mảnh trời này nhỏ lắm. Trốn đâu cho thoát! Mà Hắn cũng chẳng kịp thực hiện ý đồ đó. Tiếng ken két, vô tình của cánh cửa nhà giam đã rít lên sau lưng, đưa Hắn bước sang trang khác của cuộc đời…



Dăm năm trước, cái con người “đại ca” trong Hắn oai phong lắm. Tướng mạo Hắn đĩnh đạc, đàng hoàng. Khuôn mặt vuông, miệng rộng. Đôi lông mày dài nhếch về phía thái dương. Đôi mắt lúc nào cũng như cười, dễ dãi. Đang thời đoạn “vào cầu”, túi Hắn lúc nào cũng rủng rỉnh tiền. Lại thừa hưởng cái tính rộng rãi, phóng khoáng của cha, nên Hắn thường bao bạn bè mỗi khi vào quán xá. Với trong họ, ngoài làng cũng vậy, ai có việc cậy nhờ, trong tầm tay, Hắn gật phắt chẳng tính thiệt hơn.

Cha Hắn là kẻ sĩ Bắc Hà chính cống. Bạn bè quý ông ở tính bộc trực, rộng rãi. Bề dưới quý ông vì sự ân cần, bao dung, nâng đỡ họ. Phụ nữ yêu ông vì là người đầy tố chất nam tính và hào hoa. Nhưng cả đời ông, tình yêu chỉ có một - mẹ Hắn. Còn những kẻ ghét ông? Đó là một số kẻ có chức quyền. Họ sợ ông vì ông thấu rõ bản chất vụ lợi, đạo đức giả trong họ; vì ông là người ác khẩu mà tâm thật hiền. Còn họ - những kẻ khẩu phật tâm tà. Ông khác họ. Ông đàng hoàng sống. Ông vững vàng khẳng định mình với đời. Ông hy vọng, Hắn - thằng con trai duy nhất, được như mình.

Năm Hắn giải ngũ, qua mấy tháng thấy con vẫn nằm nhà, ông hỏi:

Con chưa quyết định được gì cụ thể à?

Hắn đặt cuốn sách trên tay xuống, nhẹ nhàng nói:

Mấy đứa bạn nhờ con giám sát công trình. Có lẽ con nhận.

Ông nghe xong, im lặng. Tùy nó thôi. Ngay từ khi con cầm mảnh bằng Đại học Xây dựng, ông coi nó đã trưởng thành. Vì vậy lúc Hắn xung phong vào phục vụ quân đội, ông cũng không cản. Ông nghĩ, xưa mình có tính toán gì đâu khi bỏ nhà bỏ cửa để lên chiến khu phục vụ Cách mạng. Giờ, có thế nào chúng nó còn thuận hơn thế hệ mình rất nhiều. Con chuyển ngành, ông dự định xin cho vào làm việc ở mấy cơ quan hành chính, nó đều không ưng. Nó nói, thích công việc xông xáo hơn. Ba cái việc quản lý Nhà nước chung chung, không hấp dẫn được nó. Mặc dù người ta đang hô hào cải cách hành chính đấy, cũng không dễ gì một sớm một chiều thay đổi được. Có khi, rơi vào những chỗ ấy, con ông sẽ trở nên thụ động, biếng nhác. Ông hiểu quá rõ cái cảnh quan chức nhà nước sáng cắp ô đi, chiều đội nón về là thế nào rồi. Ngoài việc hội họp triền miên lại ngồi quanh bàn trà tán gẫu. Giờ nó muốn nhào vào công việc tự do; muốn làm đúng nghề được đào tạo; muốn thử sức trong lĩnh vực kinh tế; muốn kiếm tiền bằng những giọt mồ hôi của chính mình… Tốt thôi! Nhưng, cái gì cũng có tính hai mặt - ông nghĩ vậy; và khuyên con, giọng trầm ngâm:

Tùy con thôi. Chỉ có điều, dù làm gì con cũng phải luôn giữ cho được cái tâm thật trong sáng.

Ông nhắc lại điều đã từng nói với con như một thói quen. Chứ, ông tin nó lắm. Vậy mà… chữ “tâm” ấy, giờ hắn quên mất rồi. Bởi, phải quên để cố thoát ra khỏi ngõ cụt, để hòng cứa đứt cái thòng lọng đang thít cổ Hắn đến nghẹt thở!


♣ ♣

Những năm đầu bước vào làm ăn tự do, Hắn như cánh diều gặp gió. Cái chất đàng hoàng, chắc chắn, phóng khoáng nhưng kín kẽ, nhẹ nhàng mà lại kiên quyết, cùng với tay nghề “cứng” đã liên tục giúp Hắn vào cầu; thường xuyên kiếm được những vụ làm ăn béo bở và màu mỡ. Nhưng thói thường, sự thành công nhanh chóng hay làm người ta dễ thỏa mãn, dễ bất cẩn. Hắn không là ngoại lệ! Hắn đã bị lóa mắt. Hắn đã tưởng mình bất khả chiến bại. Hắn đã không nhận ra thời cuộc. Hắn xuống dốc dần…

Đang lúc bối rối, một chiến hữu hé cho HắnHHắn khả năng thoát bế tắc. Có một vụ “đánh” hàng qua biên giới, cần số tiền tương đối lớn. Nếu trót lọt, khả năng lãi suất tới bốn mươi phần trăm. Vốn thân nhau từ thuở mặc quần thủng đít, trong nhiều năm vẫn là “chiến hữu” tin cậy của nhau, Hắn rút tất số tiền tiết kiệm của mẹ, được năm trăm triệu góp vào. Thắng vụ này, mỗi thằng lãi vài trăm triệu, ngon ơ - Hắn nghĩ vậy - Có tiền trả bớt vốn lãi ngân hàng, rồi tìm cách khất khoản nợ còn lại.

Đúng như tính toán của thằng bạn, chuyến làm ăn chót lọt. Nhận lại phần vốn lãi, mặt Hắn tươi tỉnh hẳn. Hán khao bạn một trận nhậu. Rượu vào, lời ra, thật rôm rả. Rồi bạn Hắn gạ:

Anh đừng vội trả ngân hàng bây giờ.

Thế cậu định thế nào?

Em tính, anh cầm chục triệu đút cho thằng làm hồ sơ ở ngân hàng. Xin nó lờ cho một tháng nữa. Em làm chuyến tiếp. Chắc chắn tới đây anh có nửa tỷ trả ngân hàng!

Hắn lưỡng lự, chợt hỏi:

Này, vì tin nhau, tao chẳng hỏi chuyến rồi mày làm gì? Nói thật đi, vẫn hàng điện tử chứ?

Em nói điều này, đại ca đừng giận. Đại ca mải làm xây dựng, chẳng hiểu gì về các loại hàng khác. Đánh hàng điện tử, nếu chót lọt, có lãi cũng làm sao được bốn mươi phần trăm - Bạn Hắn thận trọng trả lời chầm chậm.

Vậy hàng gì? - Hắn đưa mắt thăm dò.

Cái thế của anh em mình giờ kẹt quá rồi, em đành liệu mạng vài quắn…

Liều mạng? Tại sao lại thế? - Hắn giật giọng, thảng thốt; bắt đầu lờ mờ hiểu ra…

Em hỏi đại ca, nếu không làm như em, giờ đại ca xoay xở kiểu gì? Đại ca làm gì để có lãi và trả tiền ngân hàng bây giờ? - Giọng thằng bạn có vẻ bất cần, lại như ở thế chủ động…

Hắn im lặng. Thằng bạn nói đúng. Tất cả các “cửa” Hắn đã gõ rồi. Đều bị tắc. Khoản vay ngân hàng là căng nhất, nếu để lâu, e bị xiết nợ, mất nhà của tổ tiên. Mẹ Hắn, vợ con Hắn nữa, sẽ ra sao? Chẳng còn cách nào khác. Thôi đành! Đã chót đưa chân rồi…

Qua nửa tháng, chẳng thấy tin tức gì về thằng bạn. Đột nhiên, trong lòng Hắn như có lửa đốt. Tuần nữa trôi qua… Một buổi cuối chiều, cô vợ bạn Hắn hơ hải chạy đến Công ty, khóc chu chéo:

Anh ơi, hu… hu… chồng em hu… hu… bị bắt rồi, hu… hu…

Hắn sững giữa phòng như trời trồng:

Sao, nín đi, nói xem nào?

Hu… Ban nãy công an hu… hu… đến nhà thông báo, hu… nhà em bị bắt vì buôn… ma túy… hu… hu…

Hắn ngồi thụp xuống cái ghế salon bên cạnh. Đầu óc quay cuồng. Hắn lịm đi, bất tỉnh. Lúc hồi lại được, đồng hồ chỉ đã quá nửa đêm.


♣ ♣

Mẹ hắn bảo:

Độ này con gày quá. Công việc có bận cũng phải biết chú ý giữ sức khỏe chứ.

Hắn im lặng. Rồi dè dặt:

Mẹ còn khoản tiền nào không?

Tiền ở cả trong cái sổ tiết kiệm hôm trước đưa con rồi đấy. Thế con lại cần vốn à? Mẹ chỉ còn năm trăm đô la và một dây chuyền vàng năm chỉ thôi. Em gái con tặng hôm đám cưới vàng của bố mẹ.

Tim Hắn chợt nhói. Làm sao lại ra nông nỗi này cơ chứ? Đến nhà của bố mẹ, Hắn đã phải thế chấp ngân hàng. Cả đời bố mẹ bóp mồm bóp miệng, ăn chả dám, tiêu cũng không, dành dụm được năm trăm triệu đồng để dưỡng già, Hắn cũng ném nốt vào canh bạc cuối cùng với thằng bạn. Nay đi tong hết cả rồi !

Đời Hắn, đâu có lường đến cơ sự này…


♣ ♣

Hắn bước chân vào thương trường thật tự tin. Một lúc Hắn nhận trông coi ba công trình của thằng bạn thân. Hắn là người xốc vác. Giỏi chịu vất vả hơn người. Sớm trưa, trên cái xe máy đời tám mốt, Hắn phành phạch đi như chong chóng, từ Ngã Tư Sở đến tận khu Công nghiệp Sài Đồng. Bảy năm trong quân ngũ, ít nhiều Hắn có động chạm đến nghề. Vì vậy, vốn kiến thức tiếp thu được ở trường không những không bị thui chột, mà Hắn còn tích lũy được kha khá kinh nghiệm. Biết Hắn là kỹ sư xây dựng, cấp trên thường huy động Hắn tham gia các công trình của đơn vị. Hắn luôn thể hiện là người sắc sảo, nhận biết nhanh mọi công việc. Người thợ không qua được mắt Hắn nếu làm dối, làm ẩu. Hắn leo giàn giáo vắt vẻo để kiểm tra từng mạch vữa xem có bị rỗng không. Hắn còn cầm ngọn đèn điện rà sát mặt tường để kiểm tra độ phẳng trát. Lắp ống dẫn nước, Hắn bắt thợ bơm rồi xả vài lần, đảm bảo nước không bị phun phè phè ở các mối nối, mới cho xây trát kín. Con người giỏi chuyên môn, đầy trách nhiệm của Hắn đã mê hoặc được mọi người. Ai thuê Hắn giám sát công trình thì mừng quá vớ được vàng. Bạn bè tin cậy Hắn đã đành. Nhưng bên A, tức những người chủ công trình, cũng quý Hắn. Ngay cả những người thợ bị Hắn giám sát, bắt bẻ cũng thích Hắn. Vì Hắn chẳng bao giờ nặng lời, thô bạo với bất kỳ ai. Họ thích Hắn còn vì Hắn rộng rãi trong chi tiêu tiền bạc. Trăm cái thích có thể kể ra ở Hắn. Chẳng biết từ bao giờ, cái danh từ “đại ca” đã được gán cho Hắn. Quen miệng, bạn bè cũng gọi Hắn là “đại ca”. Và, cả những người chủ bên A, khi cần cũng: “đại ca” ơi…

Trong những bữa rượu mừng kết thúc công trình, Hắn nổi lên như một nhân vật trung tâm được trọng vọng. Điều đó đã khẳng định vai trò của Hắn với đời. Một hôm, bố Hắn hỏi:

Con làm được đến gần chục công trình rồi đấy nhỉ? Mà chưa có sự cố nào phải không?

Không đâu, bố ạ. Chỉ có loáng thoáng vài chỗ tường bị thấm nhẹ trong những ngày mưa dầm, vì thợ đặt ẩu viên gạch lỗ nằm ngang. Còn mấy cái con trực tiếp thầu sau này rất tốt. Hy vọng đều giữ được chất lượng như ban đầu.

Ông hỏi vậy, vì Hắn hay kể công việc của mình những lúc tạt tới thăm bố mẹ. Mẹ Hắn ngồi nghe, thầm tự hào về con trai. Đứa em gái Hắn đã lấy chồng phương xa. Dăm ba tháng lại có thư từ và gửi bố mẹ ít tiền gọi là chút thơm thảo. Tuy các con phương trưởng cả, nhưng ông bà cũng không phải nhờ chúng nó. Đồng lương hưu chuyên viên bảy của ông đủ cho hai cụ ăn uống và thuốc thang khi đau mình đau mẩy. Còn sự cố lớn trong đời, nhờ trời, đến nay chưa hè hấn gì. Với sự cả nghĩ đàn bà, mẹ Hắn nói:

Công việc nhiều thì tốt thôi, nhưng trước hết cần giữ gìn sức khỏe. Độ này mẹ thấy con hơi sa đà rượu chè đấy!

Vui ấy mà mẹ. Công trình hoàn thành có chất lượng, lại càng vui hơn. Anh em bè bạn chiêu đãi nhau thỏa thích cho bõ những ngày mưa nắng lăn lộn.

Đã đành! Nhưng cũng đừng thất thường quá, không tốt đâu. Còn dành thời gian bảo ban thằng nhỏ. Nó bắt đầu lớn rồi, con trai có bố ở bên thì tốt hơn.

Mẹ nó kèm được rồi mà. Làm công việc của con, tối ngày là chuyện không tránh khỏi.

Mẹ cũng biết thế. Mẹ chỉ nhắc con vậy thôi. Năm nay nó lớp năm rồi còn gì.

Vâng, nó cũng cao quá. Cao đến vai con rồi đấy.

Kể cũng nhanh. Từ ngày chuyển ngành đến giờ đã hơn năm năm. Khi đó, thằng cu con mới vào lớp một. Mỗi lần bố đón ở cổng trường, nó khoác cái cặp to tướng trên vai, vừa chạy lon ton vừa hét “Con chào bố”. Lơ mơ, một vài năm nữa nó cao vọt, lúc đó muốn nói chuyện với nó có khi Hắn còn phải ngước nhìn lên. Cũng phải thôi. Như Hắn đấy. Chuyển ngành, từ lúc bấp bênh chẳng có việc làm. Rồi ngửa tay xin làm thuê. Đến giờ, trực tiếp thầu một lúc vài ba công trình. Mà lúc nào cũng có người xin “gối” kế hoạch. Hắn cảm thấy cái chỗ kiếm ăn có thể yên tâm được rồi.

Sướng nhất là Hắn đã xây mới hoàn toàn căn nhà cấp bốn của bố mẹ. Chỉ có một chút tiền gọi là tình cảm của cô em đối với cha mẹ, còn Hắn cáng đáng hết. Ngôi nhà cao ngất, mênh mang, mát mẻ. Trước lúc các cụ quy tiên, cũng phải được đàng hoàng chứ. Thật tội! Mấy chục năm sống trong căn nhà mái ngói ta, dột nát quá, bao nhiêu sách quý của bố bị mối mọt ăn dần. Trên đình màn bố mẹ, luôn phải che một lớp nilon chống bụi và dột. Không khí trong nhà lúc nào cũng ẩm thấp. Hôm mừng tân gia, bố Hắn lặng đi, ngỡ ngàng đến tột đỉnh khi bước chân vào nhà. Còn mẹ Hắn, không ngớt xuýt xoa, sung sướng. Vì trong quá trình xây dựng, Hắn đã thuê căn hộ khác cho các cụ ở. Qua nửa năm, ngôi nhà ba tầng với gần trăm mét vuông diện tích mặt đất lừng lững mọc lên, xóa sạch dấu tích cũ, các cụ ngạc nhiên là phải!

Giờ đây, bố mẹ được thênh thênh trong tòa nhà lớn, Hắn thấy hả dạ quá. Mấy lần các cụ giục đưa mẹ con thằng cu về ở cùng, nhưng vợ chồng Hắn chưa muốn. Căn nhà Hắn đang ở thuộc vị trí đẹp, nhiều người đang gạ mua. Vợ Hắn còn lưỡng lự. Cô ấy hy vọng giá còn lên cao hơn. Mà giữ nhà thì phải có người ở chứ. Cũng may, các cụ còn khỏe cả, từ từ chuyển về cũng được.

Công việc ngày càng nhiều hơn. Đúng lúc Nhà nước “mở cửa” mà. Tiếng tăm của Hắn trong giới xây dựng chẳng mấy người không biết. Lúc này Hắn đã bước vào làm ăn quy củ. Hắn thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, chuyên tư vấn, nhận thầu các công trình xây dựng dân dụng. Trong tay Hắn lại có một đội ngũ thợ tay nghề tốt. Hắn thật thanh thản với những gì mình đang có.

Thói đời, đã xông pha thương trường, khó ai giữ được giờ giấc sinh hoạt ổn định. Lại nữa, để giành phần thắng, chẳng mấy cái hợp đồng được ký trên bàn làm việc, mà hầu hết những vụ béo bở thường được ký tắt ngay trên bàn nhậu. Hơi bia rượu sẽ làm cho các mối quan hệ nồng hậu và mãnh liệt hơn. Mọi điều kiện trao đổi giữa các bên, nhờ rượu bia mà người ta nói với nhau đỡ thấy ngượng mồm. Chỉ còn phần thủ tục giấy tờ, là hoàn tất ở nơi văn phòng. Với những điều này, Hắn cũng không thể là ngoại lệ! Càng mở rộng làm ăn, càng phải giao lưu thù tiếp. Vì thế, đi sớm về muộn đã là việc bình thường của Hắn. Hằng tối, Hắn bỏ cơm nhà cũng là chuyện không lạ, lại luôn ở trạng thái “sưa sưa” lúc bước chân về đến cửa. Vợ Hắn đôi lúc khó chịu, nhưng do có tiền rủng rỉnh nên cố nén. Đôi khi loáng thoáng nghe mấy tên đệ tử trêu chồng mình có “gì đó” với con nhỏ làm văn phòng công ty Hắn, cô ta lồng lộn:

Thế mà lúc nào cũng bảo đi công chuyện. Việc gì mà hôm nào cũng tận tối khuya mới về?

Là việc đưa khách đi nhậu để kiếm hợp đồng. Cô không tin là việc của cô - Hắn lè nhè trả lời vợ.

Thế cái con mắt xanh mỏ đỏ ngồi cạnh anh ở công ty, thì sao nào? - Vợ Hắn vặn hỏi.

Cô ta là người giúp việc. Đừng có hoa mắt, ghen bóng ghen gió - Hắn chối bay chối biến.

Đừng có lỡm con này. Có chút tiền bắt đầu rửng mỡ - Vợ Hắn gào lên.

Hắn trừng mắt nhìn vợ, rồi lảo đảo bước về phía giường, đổ vật xuống đống chăn, ngủ lịm đi.

Trước, Hắn đâu phải là người lang chạ. Lại hết lòng với bố mẹ, vợ con nữa chứ! Nhưng đúng là từ khi có tiền, Hắn đã thay đổi dần tâm tính. Còn cô vợ, cũng chẳng còn giữ được tính nết dịu dàng như trong cuộc sống trước kia nữa. Hồi hai người mới lấy nhau, ở căn nhà cấp bốn lụp xụp mà vẫn ấm áp quá. Bữa cơm chỉ vài ngọn rau muống luộc với đĩa tép rang cùng mấy quả cà muối, thế mà hai vợ chồng chuyện trò như pháo rang. Giờ, cô vợ mấp mé tuổi ngũ tuần, với cái mũi hếch nhô lên giữa hai gò má chảy xệ, chẳng còn hấp dẫn nổi Hắn nữa. Hắn đã quen với những bữa nhậu tối ngày, toàn những đặc sản bê thui, bò tùng xẻo, thịt chó bảy món… Phục vụ cho bữa nhậu lại là những tiếp viên trẻ xinh đẹp, có bàn tay mở nắp chai rượu ngoại dẻo như múa vũ ba lê. Các nàng còn rót vào tai Hắn bao câu mời ngọt ngào cùng những nụ hôn mơn trớn, gợi tình. Hắn thấy đời mình có lẽ chẳng còn điều gì phải phàn nàn nữa rồi!(?)

Khi công việc đang phất lên như diều thì bố Hắn mất. Ông cụ ra đi thanh thản trong vòng tay bà cụ, do bị cảm nhập tâm. Bà cụ suy sụp hẳn sau sự ra đi của chồng. Hắn thuê “oshin” phục vụ mẹ. Hằng ngày, Hắn đi về với mẹ nhiều hơn, cho bà khuây khỏa. Nhưng công việc nhiều quá, mà nỗi đau qua thời gian rồi cũng lắng xuống, nên Hắn lại thưa dần việc thăm nom mẹ. Cái guồng máy khi đã khởi động, thì bất kể một con buloong hay đinh vít đều phải quay theo; huống hồ, Hắn phải chỉ đạo một công ty xây dựng đang có tiếng tốt. Ngoài việc đầu tư cho các công trình xây dựng, Hắn thế chấp ngôi nhà của bố mẹ để vay tiền mua mấy trăm mét đất ở ngoại thành. Cơn sốt đất chưa thể dừng, khi nào tính thấy “ăn đủ”, Hắn sẽ “vụt” đi. Lúc đó, vừa tăng thêm được lưng vốn, lại vừa trả nợ được ngân hàng.

Giấc mơ “vàng” của Hắn còn chưa thực hiện được thì xuất hiện dấu hiệu xuống dốc của cuộc làm ăn. Có lẽ, do quá say sưa lao vào các phi vụ làm ăn mà Hắn không nhận ra thời cuộc. Chính sách về đầu tư nước ngoài của Chính phủ thể hiện một số bất cập, nên không còn thu hút được các doanh nghiệp và doanh nhân nước ngoài như thời gian trước. Các công trình xây với mục đích cho người nước ngoài thuê đều bị đình đốn. Tiền Hắn xuất ra, thu về rất chậm. Hắn bắt đầu rơi vào tình trạng bế tắc. Cái nhà một trăm năm mươi mét vuông bên hồ Thủ Lệ do Hắn ứng vốn xây dựng, chủ nhà đã nói thẳng rằng, phải chờ khách thuê mới có tiền trả Hắn. Mà kiếm được khách nước ngoài thuê bây giờ quá khó. Hơn nữa, có được trả thì sẽ theo kiểu “nhỏ giọt”. Thế là bị đọng vốn mấy trăm triệu ở đó. Còn mấy công trình khác trong Thanh Xuân và trên đường Hoàng Quốc Việt, đều trong tình trạng tựa thế cả.

Hắn không chỉ bị đọng vốn trong xây dựng. Thời gian làm ăn xuôn xẻ, bọn đệ tử vay mượn Hắn để buôn bán cũng nhiều. Chúng lần lượt bị “gãy cầu”. Nhiều đứa phải vào tù. Số tiền bọn chúng vay biết bao giờ mới đòi được? Đầu tư xây dựng đi vào ngõ cụt thì đất cũng bị rớt giá. Mấy trăm mét đất khu vực ngoại thành thế là bị đóng băng. Hạn vay ngân hàng đã quá nửa năm. Nửa năm này, Hắn toàn phải vay “nóng” để có tiền trả lãi ngân hàng. Mà vay nóng, có nghĩa là lãi rất cao. Lại còn tiền “làm luật” cho đám nhân viên ngân hàng, nhờ họ hợp thức gia hạn vay nữa chứ… Trăm thứ tiền nợ bủa vây Hắn. Liệu tình trạng này bị kéo dài đến bao giờ? Những chỗ vay “nóng” cũng đang giục giã Hắn trả…

Vợ Hắn qua cơn xốc vỡ nợ, đã chịu bán nhà riêng để chuyển về ở cùng mẹ chồng. Nhưng quan hệ vợ chồng Hắn đang đà rạn nứt, nay đến cả cơm cũng không cùng nồi. Cô ta ở tít tầng trên cùng, chẳng quan tâm gì đến sinh hoạt của mẹ chồng. Mà cô ta cũng chỉ ở nhà buổi tối. Ngày chả biết đi đâu. Thằng con trai Hắn, thảng hoặc mới giáp mặt bố; chả biết có phải đi bụi đời… Còn bà cụ, vẫn không hề hay biết về thực trạng của Hắn. Có thể, cụ chỉ cảm thấy có cái gì khang khác trong quan hệ vợ chồng Hắn.

Hai thứ tài sản lớn nhất là căn nhà của vợ chồng Hắn và mảnh đất ở ngoại thành bán đi trong giai đoạn này chẳng được là bao. So với tổng số tiền Hắn nợ chả khác gì muối bỏ biển. Tiền bán nhà, bán đất và thu nợ chưa đến tay, đã bị các chủ nợ xăm xăm đòi. Rốt cuộc, Hắn lâm vào tình thế “giật gấu vá vai”. Nhưng “giật gấu” riết rồi cũng chẳng còn chỗ để “giật”; “vai rách” vẫn hoàn “rách vai”. Chiếc xe máy mới lên đời chưa được năm, bị chuyển vật vã từ hàng cầm đồ này đến nơi cho vay nặng lãi nọ, cuối cùng cũng biến mất tăm mất dạng. Đấy là thứ tài sản có giá trị cuối cùng “ra đi”. Mọi đồ vật trong nhà có thể đổi lấy chút tiền, Hắn đã quắp đi bằng sạch. Giờ mẹ Hắn cũng đã biết mọi chuyện. Cụ hiểu tại sao vợ con Hắn lại chuyển về đây. Cụ vỡ nhẽ cái u uất trong quan hệ vợ chồng Hắn. Cụ ngộ ra nguyên nhân làm cái thân hình Hắn quắt lại như xác ve. Cụ xót sa số tiền chồng mình dành dụm cả đời cho vợ, để yên tâm nhắm mắt về nơi chín suối, đã không cánh mà bay. Cụ đau đớn trước sự đổ vỡ của đứa con trai duy nhất - chỗ dựa tuổi già, thế là vô vọng. Cụ thảng thốt mỗi lần nghe chuông điện thoại réo đòi nợ… Đêm đêm, nằm chong mắt, ngước nhìn ngọn đèn trên trần nhà cao vút, nỗi buồn khổ làm nhói buốt trái tim già thoi thóp. Không gian trống trải, mênh mang, cụ càng thấy đêm dài vô tận… Nhà cao cửa rộng mà sao khốn khổ thế này!? Đâu rồi nếp nhà đầm ấm xưa? Ông ngồi đọc sách. Bà lui cui vá áo rách cho con. Nó ngồi cạnh, bóc củ khoai lang, suýt xoa vừa thổi vừa nhai, tấm tắc khen ngon quá. Giờ, có đốt đuốc cả ngày cũng không tìm thấy nét cười trên gương mặt nó. Phận già thui thủi, ra trống vào trơn…

Con bé “oshin” thấy ông chủ lúc nào cũng lặng ngắt, chẳng dám ho he một câu. Nó thương cụ lắm, chỉ thì thào nói để cụ đủ nghe. Nó bảo:

Bà ăn đi. Bà ăn cho khỏe. Cháo ngon lắm, bà ạ.

Có hôm thấy cụ nằm bất động trên giường lâu quá, nó ghé tay nâng dậy, dỗ cụ đi chơi. Hai bà cháu đi lòng vòng quanh mấy phố. Đến một ghế đá nơi vườn hoa, nó rủ cụ ngồi. Nó hỏi:

Bà ơi, vườn hoa này có lâu chưa? Trước nó có đẹp như bây giờ không?

Cụ ứa nước mắt, thầm nghĩ lại, cũng chính chiếc ghế này, lúc chồng còn sống hai người thường đi dạo và nghỉ chân tại đây để nói chuyện. Hai đứa con khi còn bé cũng hay theo bố mẹ đến đây chạy nhảy tung tăng.

Bà ơi, đến giờ uống thuốc rồi, bà cháu ta về đi.

Cụ chống gối đứng dậy. Thấy con bé ân cần chăm mình, lòng cụ tái tê. Người dưng đấy, mà chỉ tí tuổi đầu, sao tình cảm thế, chu đáo thế! Còn con cụ đâu? Dâu cụ đâu? Cả cháu cụ nữa? Đêm, ngày nào có thấy! Căn nhà trống hoác, hoang vu, lạnh lẽo!

Đêm đêm, Hắn - con trai duy nhất của cụ, khật khưỡng, nhếch nhác trở về. Lần nào cũng vậy, vừa bước chân qua cánh cửa con bé “oshin” mở, Hắn nhào ngay vào giường và chìm trong cơn say triền miên, vô tận. Cụ dò dẫm đến bên, ngắm khuôn mặt hốc hác, râu ria lởm chởm, rậm rì của Hắn. Rồi, lặng lẽ khóc thầm cho đến khi đôi mắt già nua cạn hết nước. Hết đứng ngắm, khóc thương con, cụ lại lần đến bên bàn thờ thắp hương, khấn tổ tiên và chồng, cầu mong sự phù hộ độ trì cho nó tai qua nạn khỏi.


♣ ♣ ♣

Boong... Boong... boong...

Ba tiếng chuông thong thả theo nhịp nhấn. Hắn vẫn ngủ vùi trong cơn say vật vã từ tối qua. Mẹ Hắn lật đật ra mở cửa. Bóng mấy người mặc quần áo công vụ lố nhố bên ngoài. Nghe tiếng khóa lách cách mở xong, họ đẩy cửa bước vào. Hắn kịp nhỏm dậy. Trong số người đến có ông Trưởng xóm. Cụ xây xẩm mặt mày, loạng choạng khi nghe người công an đọc lệnh bắt con cụ. Có ai đó đỡ sau lưng...

Khi tỉnh dậy, người đầu tiên mà cụ nhìn thấy là con bé “oshin”. Khuôn mặt nó đẫm nước mắt. Nó nói:

Bà ơi, ban nãy công an còng tay đưa bác đi rồi. Họ nói, đến chiều sẽ niêm phong nhà. Ngân hàng đòi nợ. Hình như bác bị bắt còn vì tội đánh bạc và dính líu đến buôn ma túy nữa. Còn bác gái bảo cháu nói với bà, bác ấy đi, không quay trở lại nữa đâu. Bà ăn tí cháo cho lại sức. Chiều cháu đưa bà tạm về quê cháu. Rồi cháu sẽ báo cho cô sau.

Đôi mắt vô hồn của cụ từ từ chảy ra hai giọt nước. Có lẽ, đó là hai giọt nước mắt cuối cùng của cuộc đời cụ!...

Cụ lập cập đứng lên, mở tủ. Run run với tay cầm lấy cái hộp sơn mài. Run run mở cái nắp hộp. Trước mắt cụ, chỉ còn vuông vải đỏ lót đáy hộp. Chỉ có vậy mà thôi! Cái dây chuyền năm chỉ vàng cùng năm trăm đô la đã không cánh mà bay tự bao giờ!

Dưới khoảng trời ảm đạm của buổi chiều thu lạnh, hai bóng người, một già một trẻ, dìu nhau ra khỏi nhà. Đi được một đoạn, bỗng có tiếng gọi phía sau họ. Ông hàng xóm hấp tấp đạp chiếc xích lô lại gần, cùng con bé “oshin” dìu bà cụ lên xe, rồi lặng lẽ chở họ đi.