Việt Văn Mới
Việt Văn Mới

Nguyễn Mạnh Cường tại CátLở 1965.







CÁT LỞ, NĂM MƯƠI NĂM NHÌN LẠI ...




   LỜI DẪN :

   ViệtVănMới Newvietart chân thành gởi tới bạn đọc CÁT LỞ, NĂM MƯƠI NĂM NHÌN LẠI ... một bài viết mà một số người ở hải ngoại tại HoaKỳ đã nhận định là "có những điều không NÊN nói tới" không nên phổ biến.
   Chính bản thân tôi, Từ Vũ , khi đọc bài viết , mà tác giả Nguyễn Mạnh Cường thuật lại một cách rất trung thực, trung thực như con người của anh mà tôi đã từng biết và vào những năm 1963 cũng đã từng được đứng cạnh anh và các anh : Dương Hồng Duyệt, Trịnh Xuân Sáng , Triệu Bá Thiệp , Trần Danh San ... , tham gia trong Tổng Hội Sinh Viên Liên Khoa để tổ chức những cuộc Biểu Tình Phản Đối Chính Sách Đàn Áp Phật Giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm .
   Nguyễn Mạnh Cường chính là người đã bị mật vụ của chính quyền này bắt giữ, tra tấn , bắt buộc anh phải lên tiếng trên hệ thống truyền thanh (tháng 10 năm 1963) để kêu gọi Sinh Viên Học Sinh ngừng tranh đấu chống lại chế độ nhà Ngô .
   Rồi sau đó , năm 1965, tôi lại được là một trong số những anh em trẻ khác như Trịnh Thái Giám, Hồng Nguyên, Triệu Bá Thiếp, Đỗ Đình Tiêu, VDT (Từ Vũ) ... sống, làm việc tại CátLở Vũng Tầu từ buổi đầu khi CátLở mới vừa thành hình với con số giảng viên chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
   Nguyễn Mạnh Cường trung thực khi phải đề cập mặc dầu chỉ đề cập một số trong rất nhiều "những điều không nên nói tới", những điều có rất thực, rất "phũ phàng" rất cần phải "che đậy" trong bối cảnh xã hội, chính trị, quân sự ở miền Nam Việt Nam (VNCH) vào thời điểm này.
   Trung thành với tiêu chí của Việt Văn Mới Newvietart đã được đề ra từ những năm qua , những dòng hồi ký này được phổ biến hoàn toàn trong khuôn khổ văn chương mà không với bất kỳ một hậu ý chính trị nào .
   Cảm ơn anh Nguyễn Mạnh Cường đã cho phép tôi được đăng tải và ít nhiều cũng cho tôi sống lại một CÁT LỞ, NĂM MƯƠI NĂM NHÌN LẠI ... của cái tuổi 20 đầy mơ ước "vá biển lấp trời" trong thời buổi Bình Dương Bồ Bàn Vô Nghiêu Thuấn ... tại miền Nam VN , để rồi gần nửa thế kỷ sau đó ... cũng đầy chán chường thất vọng vì CON ĐƯỜNG TÔI ĐÃ MƠ ƯỚC, ĐÃ ĐI VÀ ĐÃ HIỂU LÀ ĐI SẼ KHÔNG BAO GIỜ TỚI cũng chỉ vì "những điều không ĐƯỢC nói tới" , "những điều không NÊN nói tới" !.

   TỪ VŨ
ViệtVănMới Newvietart





   T huở ấy:

Nơi eo biển Vũng Tầu Miền Nam Việt Nam có những đoàn thanh niên nam nữ mưu cầu việc lớn tại các Trung Tâm Linh-Sơn-Lĩnh.

Trẻ nhất cũng khoảng 20, tính từ 1964 sau chính biến 1-11-1963, thì nay sau 1/2 thế kỷ cũng đã 70, “thất thập cổ lai hy”, tuổi quý hiếm của thế kỷ trước. Khởi đầu là lãnh tụ Duy Dân Thiên Chúa Giáo Lê Xuân Mai với chủ trương “Chúng Ta Sẽ Thắng Bằng Tình Thương và Lòng Thành Khẩn”; kế đến là vị quan-lại/mandarin Phật-giáo Trần Ngọc Châu với “Chiến Dịch Phượng Hoàng” và sau cùng là người anh hùng áo vải đất Quy Nhơn Nguyễn Bé với “Cung Dã Tràng”, nơi xuống núi của đoàn cán bộ luôn tâm niệm đạo đức chung thủy với dân, nguyện xe cát Biển Đông, lót đường cho các thế hệ sau mà không mưu cầu quyền lực.

Nay đoàn người đó cũng đã nổi trôi theo vận nước, một số là Anh Chị Em chúng ta đang sống tại Hoa Kỳ, chọn nơi này làm quê hương thứ 2, mà lúc đầu cứ nghĩ là tạm nương náu, lòng dối lòng chờ một ngày trở về, không ngờ rằng nay mình thành một người Mỹ thực rồi. Nhà văn Huy Phương trong một bút ký kể rằng trong World Cup vừa rồi, ông hăm hở theo dõi các trận bóng đá đến lúc thấy đội Mỹ thua, ông bật khóc, nhìn quanh, may quá không ai để ý, lúc đó ông mới thấy HK là đất nước của ông thật rồi, từ bao giờ !!! . . . chứ mười mấy năm trước khi tuyên thệ vào quốc tịch ông cũng làm cho tiện việc. Vâng, thưa Các Bạn, chúng ta đang sống những ngày cuối đời tại một đất nước, thiên đàng hạ giới, giường ấm nệm êm, mà sao vẫn còn có người tìm “giống như đệm Kim Đan ở VN thuở nào”!? Em ạ, nhớ không những ngày cuộn nhau trong poncho cửa quân trường. Chiến tranh, cuộc chiến oan nghiệp đã đưa cả dân tộc trong đó có tuổi trẻ của mỗi chúng ta vào vòng xoáy khốc liệt của nó. Rồi nay thế giới lại rơi vào tình trạng căng thẳng đến nỗi nhiều nhà bình luận gọi là Chiến Trạnh Lạnh kỳ 2/Cold War II . Nay đôi lúc trạnh lòng nhớ về quê hương đâu đó tâm trạng của nàng Kiều, khi tỉnh rượu lúc tàn canh, giật mình, mình lại thương mình xót xa. Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa, . . . tại sao văn học Việt lại cứ ám ảnh hoài!? Đồng tuyết năm xưa, Ai trong mỗi chúng ta không có bao kỷ niệm. Chúng ta đang ở những ngày Tháng Tám, Mùa Thu đất trời, mùa thu của cuộc đời, trong đó có Em, có Anh . . . Em còn nhớ tiếng sóng biển rì rầm? tiếng thông reo, phấn thông vàng ánh lên trên những mái tóc còn xanh của chúng ta? Ta nhớ về “ngôi trường” đó, gọi thầm trong tim: Linh Sơn Lĩnh . . .

Những trải nghiệm trong mấy năm làm Huấn Luyện Viên

Nhận được Thiệp Mời Ngày Họp Mặt Thường Niên 31-8-2014 tôi mừng lắm nhất là năm nay với Chủ Đề QUÁ KHỨ . . . CHẲNG SAO QUÊN trong đó Ban Điều Hành kêu gọi viết ra một vài kỷ niệm của mình tại Trung Tâm . . . Đã nhiều lần định viết về những ngày đó, nay có cơ hội, xin gởi tới các Anh đóng góp này.

Khoảng mùa Hè năm 1964, Anh Trịnh Xuân Sáng có đến bảo với tôi ngoài Cát Lở,Vũng Tầu, có một Trung Tâm Huấn Luyện Cán Bộ có tên là Biệt Chính đang cần tuyển người, Anh Sáng có quen với ông Lê Xuân Mai, chỉ Huy Trưởng. Đang thất nghiệp sau đảo chánh ông Ngô Đình Diệm," tao thấy mày làm được đó, lương hậu lắm". Vốn quen biết nhau từ lâu, lại cùng bị mật vụ cụ Diệm suốt năm 1963, nhìn đâu cũng thấy âm mưu đảo chánh bỏ tù tràn lan . . . Chẳng những mình tôi ra ngoài đó mà còn có Trần Hữu Khoa, Dương Cự đều có cử nhân luật, rồi sau đó có nhóm các Anh thân với Khoa như các Anh Cảnh, Phạm Như Cương . . .

Ra đến nơi thì thấy Trung Tâm đẹp thật, đãi ngộ khá, ban giám đốc rất lý tưởng, không phải loại làm sở Mỹ như khối yểm trợ, vỏn vẹn có 3 vị đều cấp bậc Đại Úy : Lê Xuân Mai - Chỉ Huy Trưởng, Nguyễn Xuân Phác - Chỉ Huy Phó Huấn Luyện Chính Trị, Nguyễn Văn Quế - Chỉ Huy Phó Huấn Luyện Quân Sự. Bên dưới là vài ba huấn luyện viên như Cụ Thịnh, Cụ Hồng (đều là có "thành tích VNQDĐ"). Cụ Hồng hình như có qua trường QS. Hoàng Phố bên Tầu, chắc là đàn em của BS Nguyễn Xuân Chữ, thân sinh  ông Phác) và các Anh Hội, Chắt, hình như cũng từ Thông Tin . . . Tài liệu học tập vỏn vẹn "Nghệ Thuật Nói Trước Quần Chúng" . . . buồn cười nhất là bài "Sự Rẫy Chết Của MTGPMN" (sao rẫy lâu thế mà chưa chết, Nguyễn Quang Minh nhạo vậy và bị CHT/LXMai tặng hỗn danh là "Minh maní" vì NQM học tại Manila được HK đưa xuống chứ không do ông tuyển chọn như chúng tôi.  À ! Trong ban huấn luyện còn có "cây (lịch) sử sống" Ung Ngọc Nghĩa. Nguyễn Quang Minh và Ung Ngọc Nghĩa được dành/"cô lập" một phòng riêng để qúy vị tung hoành . . . Nguyễn Quang Minh thì soạn một số câu hỏi "rất Mỹ", nghề của chàng khi làm cho Rand Corporation ở Hậu Nghĩa. Sau này nghĩ lại, thì chàng được "gài" ra Cát Lở cũng để trốn lính, chiều Thứ Sáu là đi máy bay về Saigon, sáng Thứ Hai mới bay ra có mặt. Còn sử gia Ung Ngọc Nghĩa sau này mới biết cụ là lý thuyết gia của Đại Việt, cụ viết các bài bình luận cho báo Cấp Tiến của GS Nguyễn Ngọc Huy. Viết tới đây thì thấy "lấn cấn",toàn chuyện hậu trường khó kiểm chứng. Thôi thì cho phép tôi viết tiếp. Tùy các cắt sén hoặc không đăng thì cũng để "bảo lưu" trong hồ sơ Hội nhà.

Sau này còn mấy đợt ra nữa như Đoàn Thanh Niên Trừ Gian, Đoàn Thanh Niên Tiến Bộ, 100 người trong Đoàn Thanh Niên (quên tên, trong đó có Hồ Anh Tuân thì Phải) của Nội Các Chiến Tranh Nguyễn Cao Kỳ. Rồi trước đó thì có nhóm đảng phái Miền Trung rất "Đẳng cấp" đa số từ người của Cụ Ngô Đình Cẩn, trong đó nổi bật là Phan Xuân, bên trại Seminary hồi đầu có cựu đại-tá Hoàng chỉ huy trưởng bên cạnh cố vấn Mỹ . . . Red ? Rồi cũng một nhóm nữa thân tín của Mỹ từ . . . cựu trung tá tình báo Thân Trọng Huế . . . ngày nay còn Văn Đức Thạnh thường găp ngoài Phúc Lộc Thọ, một người em là nhạc sĩ Nguyễn Đức Minh, một người em nữ là . . . mất cách nay dễ 5,7 năm, anh là chuyên viên chất nổ (nghe nói chỉ bằng một gói thuốc lá mà có sức công phá rất lớn) nói tới đây lại nhớ tới bên cạnh việc huấn luyện cán bộ Biệt Chính, Cát Lở còn huấn luyện 3,4 loại chuyên viên khác nữa đều do các cố vấn Mỹ phụ trách như chuyên viên chất nổ vừa nói, còn có cả các loại cán bộ/chuyên viên khác chỉ mượn mặt bằng, cái vỏ Biệt Chính, có tý ý thức chính trị. Do đó có nhiều lần anh em huấn luyện viên chúng tôi tha phiền/tủi thân về cái danh xưng Biệt Chính = chính trị đặc biệt, quê quá thì CHT/LXMai chỉ cười mà không trả lời vì ông hiểu cái mắc mớ của trung tâm mà ông làm giám đốc/CHTrưởng.

Cát Lở thời Cụ Diệm là trại đóng quân của một loại điạ phương quân bảo đảm an ninh Quốc Lộ 15 (?) Bà Rịa Vũng Tầu mà lúc bấy giờ là sông lạch nuôi tôm sú, chương trình riêng của Bà Nhu, kiểu như các khu định cư dọc các kinh Rạch Giá Long Xuyên cho Công Giáo Di Cư; như từ Bình Dương Lên Cao Nguyên qua Bảo Lộc, Đồng Xoài . . . cho được chính danh ăn ngân sách viện trợ. Sau đảo chánh bất thành 11-11-1960, Phủ Tổng Thống có kế hoạch phát triển con đường huyết mạch này phòng hờ nếu Saigon bị đảo chánh thì chính phủ có thể di ra Vũng Tầu làm thủ đô lưu vong, sẵn tầu thuyền, căn cứ hải quân,giang thuyền,truyền tin sẵn . . . nghe đâu có cả đài phát thanh . . . mà sau này TT Nguyễn Văn Thiệu thừa hưởng. Từ một trung úy truyền tin ở Phước Long, đưa ra sáng kiến dân sư vụ, cho quân đội đi phát áo thung cờ vàng 3 sọc đỏ, giấy bút học trò, cắt tóc cho trẻ em, giúp đỡ các cụ già neo đơn . . . Là một tín đồ Thiên Chúa Giáo, độc thân, rất mực thanh liêm, ông chinh phục được viên cố vấn Mỹ coi như một đáp số cho tình hình khá yên ổn lúc bấy giờ . . . ông đươc giới thiệu về tòa Đại Sứ Mỹ lúc bấy giờ khổ tâm về tác phong thiếu thanh liêm của VN ở nhiều nơi . . . LXMai được bộ phận Combine Study Department  dưới quyền điều khiển của Phó Đại Sứ Colby giao cho việc Huấn luyện cán bộ tại Cát Lở bỏ hoang sau khi TT Diệm bị lật đổ 1-11-1963 và ta có Biệt Chính mà tôi nói ở trên, tôi ra khoảng mùa Hè 1964 khi Cát Lở ( Lam Sơn sau này) chưa có hội trường, chỉ có một dẫy nhà, căn đầu, phiá trước là Văn Phòng của Giám Đốc Lê Xuân Mai, đằng sau là phòng ngủ của ông . . . phòng kế tiếp cho ông Phác ông Quế, kế đó là phòng cho các huấn luyện viên, tôi và Trịnh Xuân Sáng có vợ con thì mỗi người được một phòng riêng và phòng cuối cùng cũng lớn như phòng đầu của ông Mai dành cho 3 các huấn luyện viên độc thân cụ Thịnh, cụ Hồng, anh Hội, anh Chắt . . .

Đến khi xây được hội trường thì một số mới dọn xuống đó có phòng Hành Chánh, đánh máy, quay Roneo, mắc loa đi các nơi, và chị Chắt được giao cho quản lý phòng ăn tập thể, câu lạc bộ vì anh Chắt, cán bộ theo ông Mai từ Phước Long hy sinh trong cuộc thực tâp cuối khoá 5 tại Hoà Long Đất Đỏ . . . Lúc đó tình hình đã xấu đi rất nhanh sau khi ông Diệm đổ và việc huấn luyện lúc đầu toán 18 người nặng về dân sự vụ, phải chuyển sang toán 36 nặng vỏ trang hơn,thích ứng với thực trạng nông thôn hơn . . .

Tuy nhiên Biệt Chính vẫn tiếp tục được phát triển, Cát Lở xây dưng thêm nhiều phòng ốc cho các khoá huấn luyện mỗi ngày một gấp thiếp. Từ 300 lên 800, 1200 và 3000 . . . các tỉnh tới tấp tuyển sinh và gởi đi huấn luyện . . . Biệt Chính nhận thêm Seminary, nơi này cũng xây thêm phòng ốc cho khoá sinh và huấn luyện viên cũng lên đến cả ngàn (vừa giảng viên và hướng dẫn viên) . . . Và cái gì có ăn cũng bị hủ hóa . . . vừa được hoãn dịch, vừa có lương cao. Miền Trung đặc biệt là Việt Quốc gởi người đi học để về điạ phương vừa làm việc đoàn thể vừa ăn lưng cán bộ . . . miền Tây thì vì còn yên ổn, nhu cầu rộng lớn hơn . . . và Hoà Hảo gởi Trung Tá Tỉnh Trưởng Lê Văn Thinh ra Vũng Tầu, tất nhiên ông giữ chức Chỉ Huy Trương măc dù lúc này ông Mai đã lên Thiếu Tá . . . còn ông Phác cùng với 2 huấn luyện viên trẻ : Hồng Nguyên và DTV Từ Vũ thì được đưa lên Pleiku thành lập Trung Tâm Trường Sơn huấn luyện cán bộ Thượng tại Biển Hồ vào cuối khoá 7 CátLở (*). . . Đây mới là một bước ngặt lớn! Số là Bộ Xây Dưng Nông Thôn chủ quản 2 ngành: Vũng Tầu để huấn luyện gọi là Nhà Huấn Luyện như Trường Bộ Binh Thủ Đức, còn nha kia là Nha Công Tác, nơi sử dụng cán bộ đã ra trương đi về tỉnh. Nha này do Trung Tá Trần Ngọc Châu nắm giữ. Trung Tá Châu 2 lần Tỉnh Trưởng Kiến Hoà, một tỉnh đầy ViXi, "Quê Hương Đồng Khởi". Phải nói là ông giỏi, lại có gốc gác lớn. Với ý đồ lấy Trung Tâm Vũng Tầu dưới ảnh hương của mình cho nên ông đã tìm cách đưa Trung Tá Thinh về Vũng Tầu, bước đầu đẩy LXMai xuống làm Phó. Hợp lý qúa đi thôi vì số lượng cán bộ cho Miền Tây lớn nhất. Nhưng ông Lê Văn Thinh vốn người Nam chân chất, chẳng những không chèn ép LXMai mà lại coi như anh em: "người ta làm được việc thì để người ta làm",ông vẫn cứ sống ở lầu 3 với ông Mai,cái gì cần chữ ký của CHTrưởng thì ông ký rồi ra thị xã Vũng Tầu đánh bài với Tỉnh Trưởng Quang (cụt tay), cũng là một ghế tỉnh trưởng ngon, nhàn . . .

Giao thời này kéo dài cả năm, Trần Ngọc Châu thấy giải pháp LVThinh không xong, hỏng ! Bèn sang bước kế tiếp là phải dẹp chủ yếu LXMai và cả LVThinh luôn. Đó là thời điểm mãn khóa 7, đón khóa 8. Trung Tá Châu kết hợp với Đại Việt của GS.Nguyễn Ngọc Huy QGHC xuống hạ bệ LXMai buộc tội LXMai dùng lý thuyết Duy Dân bị coi là secte, giáo phái. Với người Mỹ đây là một tội nặng, ăn ngân sách quốc gia: đào tạo một quốc gia trong một quốc gia! Trong cuốn "The Bright Shining Lie - John Paul Vann and America in Viet Nam", Tác gỉa Niel Sheehan để cả một đoạn nói về Trung Tâm Biệt Chính của Lê Xuân Mai. Đây là một cuốn sách nổi tiếng phê bình những sai lầm của HK tại Việt Nam. Không riêng ông LXMai mà cả cố vấn HK tại TT lúc bấy giờ cũng bị xính vính luôn. Hồi đó tôi rơi vào cơn bão này . . . Khi ông Lê Văn Thinh về ông rất quý tôi và Trần Vĩnh Hoà một giảng viên người Rạch Giá xuất sắc, vợ anh là hướng dẫn viên Nguyễn Thị Loan có một giọng ca tuyệt vời mà trong những đêm sinh hoạt, cố vấn Mỹ dù không biết lời Việt  đều tán thưởng là một "golden voice". Ông Thinh hay rủ chúng tôi ra mấy quán ăn vui chơi, hồn nhiên nhưng làm cho ông Mai không thích cho là chúng tôi đi theo ông Thinh. Mà quả đáng nghi thật, ông Thinh được phân cho cái P.O. 11, ông không ra ở và cho vợ con tôi ra đó. Thấy Trung Tâm có vẻ gì uể oải, ngưng đọng chờ một cơn bão nào đó . . . chắc ông Mai cũng ngửi thấy lơ là từ phía Tòa Đại Sứ Mỹ mỗi khi ông về Saigon họp . . .

Ra ở P.O.11. Như thường lệ mấy chú trong trung tâm chạy xe ra chợ Vũng Tầu lấy báo đi ngang qua thấy tôi đang bế con trước P.O.11 thì báo tin phái đoàn do Trung Tá Trần Ngọc Châu xuống có vẻ truất phế ông Mai, chê bai kết án chương trình huấn luyện của ông Mai. Mấy chú này (phòng hành chánh,thuộc lực lương cơ hũu nên có măt thường nhật còn tôi thì trong khoá mới ở trong TT.) thấy bị xúc phạm bèn gọi tôi vào xem họ dở trò chống gì, hy vọng tôi đủ trình độ đối đáp. Vào tới hội trường thì thấy trên bàn chủ tọa ngoài TT Châu và các sĩ quan lon lá của Nha Công Tác, còn có Luật sư Trần Ngọc Liễn, nổi tiềng sau CM 1-11-63, một số GS trường Quốc Gia Hành Chánh ngồi bên GS nguyễn Ngọc Huy và cả ông Việt Huy, lý thuyết gia của Đại Việt mà tôi biết tiếng từ Saigon. Quả thuyết trình viên này có phần vung vít, tác phong của quân cán trí thức QG tranh ăn, không đẹp tí nào. Mấy anh em của TT đang dơ tay đòi chất vấn, thấy tôi xuất hiện thì hướng nhìn như cầu cứu, tôi cũng tức khí bèn nhẩy lên phát biểu . . . Đại khái tôi phê bình, kết án "người QG tranh xương, thấy chương trình Mỹ viện trợ béo bở còn về phần các vị trí thức: các vị  bị lợi dụng! Hội trường ồn ào tiếng vỗ tay, nhiều vị trên hàng chủ tọa ra về, ngon trớn tôi tuyên bố "kể từ giờ phút này nội bất xuất, ngoại bất nhập, hiện trung tâm đang có cả ngàn khoá sinh còn giữ đầy đủ súng đạn" . . .

Trung Tá Trần Ngọc Châu ra ngay phòng truyền tin gọi về Saigon báo là Trung Tâm đang nổi loạn, có âm mưu tuyên bố tự trị như Miền Trung . . . Báo động của TT Châu thật là nghiêm trọng . . . Ngay tối hôm đó Trung Tướng Nguyễn Đức Thắng, Tổng Trưởng Xây Dựng Nông Thôn ra lệnh ứng chiến toàn vùng từ Trung Tâm Vạn Kiếp Phước Tuy tới trường Truyền Tin, Thiếu Sinh Quân còn ông và mấy sĩ quan trong bộ tham mưu đi trực thăng xuống ngay Phi Trường cùng với mấy xe võ trang tiến vào Seminary bắt bọn nổi loạn . . . Sở dĩ biết được điều này là các sĩ quan đi với ông sau này kể lại: đại úy Thái, thiếu tá Sáng và Thiếu Tá Bùi Mỹ Ngọc, một sĩ quan tham mưu thân tín của ông và may mắn thay ông Ngọc lại là anh ruột của Bùi Diên Thọ, bạn thân học cùng lớp, cùng trong ban Văn Hoá của trường Chu Văn An với tôi và TT Ngọc vẫn theo dõi, qúy mến chương trình Cát Lở như là một trung tâm đào tạo những cán bộ có tinh thần nhất . . . Khi cuộc hành quân vào chiếm Seminary thi như bỏ ngỏ, cảnh vệ và cán bộ trực vẫn nghiêm chỉnh chào. Không có không khí chống đối nào. Lên đến trên lầu bọn tôi vẫn còn thức chờ. Tuy nhiên Trung Tá Châu vẫn ra lệnh nhốt chúng tôi ở trong phòng. Trung Tá Ngọc gọi ngay tôi vào một phòng thẩm vấn tìm hiểu vấn đề. Ông mới vỡ nhẽ là Trung Tá TNChâu đã qúa nóng giận, "fause alerte" và ông Tướng nghe thấy thế liền mở cuộc hành quân cấp tốc này. Sau này Thiếu Tá Thái còn kể lại là được căn dặn phải đề phòng tối đa, nằm bên ngoài hành lang, không uống nước sợ bị đầu độc . . .

Sáng hôm sau TT Ngọc ra ngay biệt thự Hoa Hồng phía trước Nhà Thờ Con Gà báo cáo sự thể.  Ông Tướng cho gọi tôi và Việt Huy ra trình bày với ông 2 chương trình huấn luyện của chúng tôi và của Việt Huy định đưa xuống thay thế.

Và thưa các Bạn, Tướng Thắng cho giữ lại 7/10 chương trình huấn luyện cũ và chương trình mới bên Đại Việt đem xuống chỉ được 3/10 phần lớn là chương trình "Đời Sống Mới".  Và sau vụ này TT LXMai, Quế bị trả về Tổng Tham Mưu, Thiếu Tá Nguyễn Bé ra ngay làm quyền Chỉ Huy Trưởng. Còn nhớ khi ông Bé ra thì tôi vẫn bị nhốt ở lầu 3, gặp tôi khi ra đánh răng súc miệng trong toilet gần đó, ông chủ động làm quen hỏi tôi có cần dao cạo râu không.  Rồi mấy bữa sau cho gọi tôi sang dùng cơm chung với TT. TNChâu. Các Bạn thấy tôi hên không? chẳng những thế, TT Bé còn dùng lại tôi từ vai trò chánh văn phòng khoảng 1/2 tháng rồi sang coi phòng báo chí phụ trách tờ nội san Quê Tôi thay thế tờ Biệt Chính của ông Mai, rồi chính trị viên Tổng Đoàn 1 cùng với Lê Bạch Linh, người thân tín của ông từ ngoài Quy Nhơn,và luôn luôn đãi ngộ tôi vơi biệt nhỡn, cả tháng liền ra cho quà vợ con tôi (savon,thuốc đánh răng . . . của cố vấn Mỹ, cho bác sĩ Bảng ra săn sóc các cháu, khi ấy tôi đã bị lấy lại cái P.O. 11 dọn ra thuê căn nhà lầy lội trông qua bên kia đường là chân núi, cũng có mấy anh em cán bộ củng thuê nhà gần đó) ông Bé còn đón tôi ra bờ biển đều đều, tâm sự . . . đến nỗi mà anh Thục, tài xế tỏ vẻ bực mình về sự qúy mến này. Ông kể tên thật của ông khác nhưng vì là thiếu úy quân đội kháng chiến chẳng may bị thương què chân đành về thành sống với gia đình và ông già khai đại tên Bé khi lấy thẻ căn cước bên QG. Nhưng cuối cùng sau khi ở Tổng Đoàn 1 tôi bị gởi đi Thủ Đức (cô thư ký Ngọc tiết lộ là ông Bé gọi cô vào văn phòng đánh máy mật cái văn thư này gồm có tôi, Thanh Hùng, Nguyễn Ngọc Hoà, Dương Hồng Duyệt, Triệu Trọng Thiếp nhưng riêng tôi thấy đi quân trường thì không đủ sống, vừa lo không biết có được xin về lại trung tâm hay không nhất là hiểu cái thế kẹt của ông Bé chả nhẽ cứng rắn qúa  với các HLV cũ dưới "triều đại" mới của ông? Nhưng phải công nhận rằng ông Bé là người có trí lớn mà tôi quý trọng cách riêng.

Để kết luận bài viết này các chỉ huy trưởng Biệt Chính cho tới TT Huấn Luyện Cán Bộ Quốc Gia từ Lê Xuân Mai, Lê Văn Thinh, Trần Ngọc Châu (kiêm nhiệm một gia đoạn ngắn sau Lê Văn Thinh) rồi Nguyễn Bé là những con người thích hợp nhất trong mỗi giai đoạn và còn yếu tố may mắn rơi vào mắt xanh của cố vấn Mỹ bên cạnh các vị ấy . . . Quả có Thời Thế Cơ thật. Chỉ có cái buồn thân phận nhược tiểu nhiều khi các cố vấn non choẹt quyết định số mệnh dân tộc mình.

Tôi muốn thêm một vài chi tiết này là:

1/ Toàn bộ các chương trình huấn luyện đều bị lạc hậu dù rằng đã thích ứng từ toán 18 lên 36 mà rồi tình thế xấu đi quá nhanh mọi mặt trong xã hội, đời sống đến nỗi cán bộ khi rời TT về địa phương bị dùng như một thứ dân vệ. Ấp chiến lược bị bể hết ngay sau 1-11-63 không phải vì Dương Văn Minh mà thực ra Ấp Chiến Lược đã bị nông dân miễn cưỡng chờ dịp thoát ra ngay từ khi quốc sách này bắt đầu, báo cáo lên trên thì thành công lớn. Sau này nhiều Anh Em chúng ta vẫn thương tiếc coi như nếu còn ACL thì đâu có thua VC dẫn đến 30-4-75 rồi đổ cho HK bỏ rơi VNCH vì phản chiến,vì Kissinger lo cho Israel . . .

2/ Theo tôi thì dản dị thế này: Mỹ cũng muốn cho VNCH thắng chứ để có thế mặc cả ở thế cao hơn nhưng về phương diện chiến lược Mỹ thấy thua trong khi phía VNCH, kể cả các tướng lãnh VN, tư lệnh sư đoàn, quân đoàn thì cũng chỉ đánh với các đơn vị ngang cấp phía bên kia, còn thì Tư Lệnh Mỹ như Westmoreland đối đầu là đối đầu với Văn Tiến Dũng, cũng vậy de Lattre de Tassigny đối đầu với Võ Nguyên Giáp; Ngũ Giác Đài đấu trí với Quân Ủy TW. Cái nhìn, đánh giá của họ khác lắm. Người đánh cờ cao thì đoán biết trước được 3, 4 nước nữa mình có thể thua nếu đối phương đi những nước thế này, thế nọ . . .

3/  Còn nếu đặt vào toàn cảnh thế giới thì Mỹ Việt đồng sàng khác mộng: "dựa vào thuyết domino" HK giúp Pháp trở lại Đông Dương từ 1945, bỏ rơi VM để ngăn chặn các nước ĐNÁ khỏi bị nhuộm đỏ. Dựa vào Tuyên Bố Manila lập nên khối quân sự SEATO, Mỹ đến VN không phải để giúp Bảo Đại, Ngô Đình Diệm rồi Nguyễn Văn Thiệu bảo vệ thể chế tự do mà là để bao vây TC. (cho nên Mỹ giúp Bảo Đại qua người Pháp, sau đó giúp Ngô Đình Diệm, rồi Diệm truất phế Bảo Đại; Diệm không cho Mỹ đem quân vô (?) thì dùng tương lãnh giết Diệm, lập nên Đệ Nhị VNCH . . . Điều này chúng ta đều biết cả thì mới hiễu được chuyện Cố Vấn Ngô Đình Nhu tìm cách gặp Phạm Hùng giả dạng đi săn = muốn thoát HK, như hiện nay chúng ta đang bàn về một qúa trình "thoát Tầu" . . . và cũng chính mưu đồ lén lút đi đêm này mà Diệm-Nhu bị giết, rồi đến sau này Mỹ thắt dần viện trợ khi đã tiếp xúc được với Mao Trạch Đông minh thị bằng Thông Cáo Chung Thượng Hải 1972 được đánh gía như cuộc chiến VN không còn cần thiết nữa và 30-4-1975 đến đã là quá trễ do công  của quân cán chính VNCH đặc biệt là QĐVNCH "chiến đấu quá anh dũng". Và đấy mới là cái oan khiên đau-đáu trong lòng tới ngày hôm nay. Cuộc gặp gỡ Nixon-Mao Trạch Đông năm xưa khác chi "cuộc hội ngô nghỉ mát" giữa Obama - Tập Cẩn Bình ở xa mạc Palm Spring cuối năm 2013,không thảm đỏ,không protocole dành cho quốc khách . . . không đánh giá đúng mức độ quan trọng mang tính quyết định,ảnh hưởng lâu dài chẳng những tới vận mạng đất nước mà còn tới toàn thế giới!!! Chỉ nhìn vào bề ngoài thì chúng ta lại hụt cẳng lần nữa, rồi lại oán trách "Mỹ nó bán chúng ta"/cho ai? không, Mỹ trao CSVN dưới bóng râm/sous coupe TC, "Tầu khựa" và câu hỏi đặt ra: Chúng ta có nên bồi thêm mấy đạp vào Chính quyền Hà Nội cho hả dạ không? Tùy chỗ đứng và góc nhìn của mỗi chúng ta những người Việt Hải Ngoại đang sống ngoài vòng kiềm tỏa của HàNội. Những năm sắp kết thúc Hội Nghị Paris về VN, chính giới VNCH trong đó có những chức sắc VNCH như Ngoại Trương Vương Văn Bắc, như TTTTCH Hoàng Đức Nhã, LMACCC Phan Huy Quát, Trần Văn Đỗ vẫn bán tin bán nghi,bám víu vào những hy vọng mơ hồ rằng 4, 5 đời TT Hoa Kỳ cam kết với VN, tình hình QS lúc đó rất sáng sủa sau thảm bại của CS Tết Mậu Thân, sau Mùa Hè Đỏ Lửa, sau Bình Long oai hùng cả sư đoàn BV chết đứng bởi bom CBU lần đầu tiên được dùng và Mỹ cũng đã giao cho KQ VNCH 3, 4 CBU nữa đang sẵn sàng đẩy lui mọi toan tính liều lĩnh của CSBV . . . Cuối 1974 ngoại trưởng Bắc còn bay đi Arập Saudi vay tiền, vay xăng hy vọng HK ngầm cho đàn em giúp khi chính phủ HK bị QH bó tay; TS Nguyễn Tiến Hưng hấp tấp bay đi Mỹ vào những giờ phút chót "còn nước còn tát" với bửu bối là những bức thư chân tình cam kết bảo vệ VNCH của TT.Nixon (xem thư luân lưu của Nguyễn Ngọc Bích người đi cùng với ông Hưng, cực tả được cái nghẹn ngào đầy nước mắt của chuyến đi này). Bài diễn văn từ chức tức tưởi của TT Nguyễn văn Thiệu. Trong lúc tuyệt vọng người ta thường bám víu vào những hy vọng hão huyền/wish-thinking, như Tào Tháo hứa một vườn Đào phiá trước đám binh lính mỏi mệt, rã rời, đói khát.

Lần lượt những khuôn mặt sau đây ra tăng cường như Trần Danh San, Trần Hữu Khoa, Dương Hồng Duyệt, Đinh Khang Hoạt, Trần Trung Thu, Phạm Hi Tôn, Thanh Hùng, Phạm Như Cương, "Thành VC", Lai Thế Hùng . . . mỗi lúc một phong phú. Chương trình huấn luyện được chia rõ rệt ra 2 lãnh vực: kỹ thuật và chính trị. Kỹ thuật như là nghệ thuật nói trước quần chúng, y-tế, dân sự vụ,nếp sống mới; Chính trị đặt dưới chủ đề " Việt Nam Trên Bàn Cờ Quốc Tế " các bài thuyết giảng  đều xoay quanh chủ đề này cho người cán bộ của ta hiểu rõ vị trí đích thực của cuộc chiến trong toàn cảnh cuộc chiến tranh lạnh trên thế giới. Trong đó bài Sự "Rẫy Chết" Của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam được viết lại bài bản, thuyết phục: qúa trình thành lập MTGPMN? nó sẽ thất bại vì chỉ là công cụ của Hà Nội v.v... Còn  về phương pháp học tập thì có: " Bẩy Bước HọcTập ". Bước 1: mục đích yêu cầu; bước 2: thuyết giảng; bước 3: giải đáp thắc mắc; bước 4: sinh hoạt tổ; bước 5: đúc kết tổ; bước 6: toàn thể các tổ trở lại hội trường cùng với sự hướng dẫn của thuyết trình viên ở bước 2 tổng kết thành Bản Thâu Hoạch; bước 7: văn nghệ kiểu du ca về địa phương sau này.

Tướng Thắng nghe Nguyễn Mạnh Cường trình bày rành mạch như trên thì ông khoái quá chấp thuận giữ lại gần như toàn bộ chương trình huấn luyện chính trị của Biệt Chính 7/10 và chỉ cho phía Việt Huy 3/10 phần lớn là kỹ thuật Tân Sinh Hoạt. Cũng trong lần thuyết trình sinh tử này, giảng viên Nguyễn Mạnh Cường biết rằng Biệt Chính thường bị coi là nhóm giảng viên thiếu trình độ học vấn nên tranh thủ cao giọng đọc mấy câu thơ của Paul Verlaine :

" Il pleut dans mon coeur 
Comme il pleut sur la ville 
Quelle est cette languer qui pénètre mon coeur ?
O bruit doux de la pluie 
Par terre et sur les toits! 
Pour un coeur qui s'ennuie, 
O chant de la pluie . . ." 

Đoán chắc rằng tướng Thắng cũng đọc theo và cũng định top lại thì . . . tôi kết luận: Thưa Trung Tướng: với du kích CS  lẩn mưa mà đi kích đồn còn ta thấy lòng ủ dột như lời bài ca: Một cơn mưa về trên thành phố nhỏ nơi có em, có muà xuân ấm êm . . . Đưa cuộc đời anh đến bến cô liêu . . . Thưa Trung Tướng, chúng tôi đã giảng cho nhau một cách thực tế Từ Chiến Tranh Du Kích sang Chiến Tranh Nhân Dân là vậy, khi người ta để lòng, để con tim vào sứ mạng của mình . . . Hình như tôi đã chinh phục được ông Tướng hoàn toàn khi ông nhìn qua Việt Huy "cứ thế, đúng, cứ thế mà làm" chia tay chúng tôi ra về . . .

(Tiếp . . . coi như footnote) : vào wikipedia tìm Trần Ngọc Châu để biết thêm về nhân vật này: Vụ Án Trần Ngọc Châu;dân biểu Trần Ngọc Châu; Trần Ngọc Châu and Viet Nam War. Trong cuốn "Facing the PHOENIX--The CIA and the Political Defeat of the United States in Viet Nam" Zalin Grant phóng chiếu Trần Ngọc Châu thế này: . . .  is a detailed and revating analysis of the evolution of Viet Nam from 1945 under colonial rule to the fall of Saigon in 1975, understanding the progression of events that marked America trail to failure during the Viet Nam War requires in-depth analysis of the Vietnamese people themselves who they were, what they were fighting  for and where they saw their country going after years of French colonial occupation . . . The  fulcrum of the book, however, is the chronicle of Tran Ngoc Chau, a brillant vietnamese soldier,strategist, and statesman who knew pacification was the only strategy that would reunite his country, and who dedicated himself to this cause . . .

Tôi đã phạm một sai lầm quá lớn khi chống đối Trần Ngọc Châu, phải không, thưa các Anh, không phải là "tranh ăn" mà con người này có chương trình, có kế hoạch lớn, khả dĩ giải quyết cuộc chiến tranh tương tàn của dân tộc! Đáng lẽ phải theo phò ông ta như một số trong các Anh mới đúng!? Để kết luận  đành ca câu: "biết bao nước chẩy qua cầu từ dạo đó". Hay mượn thi-sĩ Tản Đà trong bài Cảm Thu, Tiễn Thu: Nào những ai: tha phương khách thổ, Hải giác thiên nha, Ruột tằm héo, tóc sương pha, Góc phần trạnh tưởng quê nhà đòi cơn.

(*) Sau này ông NX.Phác và 2 giảng viên trẻ Hồng Nguyên và VDT Từ Vũ cũng "được"   "Trung Tướng" Vĩnh Lộc - lúc này sắp sửa lên xe hoa cùng cô sa sĩ MH - đưa ra Toà Án Quân Sự Vùng 2 Chiến thuật với  "tội danh" : Phá Hoại Kế Hoạch Chính Phủ (oái oăm thay kế hoạch này lại do chính 3 người bị đưa ra tòa soạn thảo ra để giảng dạy).
  Kết quả : Toà đại sứ Mỹ đã ban lệnh làm gì thì làm nhưng tuyệt đối ông "tướng" Vĩnh Lộc không được đưa 3 người này ra toà. Tuân lệnh, ông "tướng" Lộc bèn hạ bút ký một bản  "sắc lệnh" : Trục Xuất cả 3 ra khỏi Vùng 2 Chiến Thuật   "của" ông.



.Cập nhật theo nguyên bản của tác giả đã chuyển từ California HoaKỳ ngày 27.3.2015.