M
ệt mỏi. Đói meo. Từ lâu nó không còn ăn bữa sáng nữa bởi nguồn tài trợ của thầy u ở quê ra luôn thất thường, do mùa màng thất bát.
Hoàn cảnh sống đã rèn luyện cho nó cách tiêu tiền thật chi li. Cũng bởi biết chi li nên cả phòng đã tin tưởng bầu nó cái chức
"Đi chợ Trưởng" với nghĩa vụ lo cho cả phòng 5 miệng ăn không bị "no dồn đói góp"... Thế nhưng, dù khéo đến mấy, cái túi tiền của năm
sinh viên vẫn càng về cuối tháng càng teo dần một cách đáng lo ngại.
Nó cứ đi như một cái máy: trường - chợ - nhà trọ. Cái tam giác ấy được lặp đi lặp lại, thành thói quen, thành một nếp nhăn trong vỏ não.
Đến chợ. Cái áo màu tàn thuốc thêu những bông hoa phơn phớt tím lướt qua mắt nó. Nó biết nếu được khoác chiếc áo này, trông nó sẽ đẹp hơn
trong mắt các chàng trai. Nếu được khoác chiếc áo này, nó sẽ bớt thẹn vì những bộ đồ đã quá cũ kỹ của mình. Và biết đâu, nếu có một
cái áo mới, nó sẽ có đủ tự tin, cho một cơ hội hẹn hò... Thế nhưng, lúc này nó thấy cái áo thật là trừu tượng, bởi lẽ nó không thích
màu tàn thuốc, bởi lẽ những bông hoa phơn phớt tím được thêu thùa hơi rườm rà mà tính nó lại thích đơn giản, bởi lẽ có áo mới sẽ bị
"chúng nó" xúm lại ngắm nghía và đòi khao, và bởi lẽ, nó không bao giờ được khoác chiếc áo đó, vì nó không có tiền mua.
Chợt nó sững lại. Một cái gì đó đang ngọ nguậy trước mắt. Hai con người, một người đàn ông và một đứa trẻ. Người đàn ông đang bò lết
bằng hai tay trên cái nền chợ lép nhép nước mưa để kéo lê đôi chân bị liệt, một bên ống chân bị băng bó tới tận đầu gối. Trên đôi chân
tật nguyền ấy là một cái bao tải, trên bao tải là đứa trẻ khoảng hơn một tuổi đang thiêm thiếp ngủ. Vài ba con ruồi vo ve trên
khuôn mặt lem nhem mũi dãi, khiến đứa trẻ có cảm giác nhột, thỉnh thoảng hai tay giật thột khua lên không khí rồi dụi dụi vào mắt
mũi đầy ghèn dử. Nó rùng mình. Cái gì đó như một nỗi đau đớn vỡ ra làm nhói buốt nơi tim nó. Mỗi bước lê, người đàn ông lại
rên lên nặng nề, khó nhọc. Tiếng rên như vón cục lại, cứng đanh đập vào màng nhĩ khiến nó cảm thấy đau thấu tận óc.
Lết được một đoạn vài gang tay, người đàn ông lại kiệt sức nằm phủ phục. Hai cùi tay rách bươm, bê bết bùn. Hai bàn
tay đen đúa ôm ghì cái mũ cối đã nát đựng ít đồng tiền lẻ được bố thí. Nó liếc xuống tay mình, bàn tay trắng xanh
đang cầm năm ngàn đồng. Bữa chiều của năm sinh viên. Khuôn mặt bần thần của "thủ quỹ" Khánh hiện lên trong óc nó một cách rõ rệt:
"Này, còn năm ngàn đồng cuối cùng đấy nhé. Hết nhẵn. Mai chủ nhật tao về bác kiếm bữa. Con Hoa, con Quyên về quê xin "tài trợ".
Mày và con Thúy ở lại chịu khó "ăn chay" thêm một hôm. Khánh dúi vào tay nó năm ngàn đồng cuối cùng, rồi với vẻ day dứt, gợi ý:
"Hay là... mày bảo với chủ nhà cho ứng trước tiền dạy thêm tháng này đi?"; "Không được, tao mới dạy con người ta được mươi ngày...";
Trả lời xong câu ấy, không biết khuôn mặt nó còn hiện lên vẻ bần thần đến cỡ nào mà Khánh lảng ngay ánh nhìn đi chỗ khác,
trong khi miệng vẫn tươi cười bả lả: "A tao nhớ ra rồi. Nhà bác tao có giàn nhót có lẽ bây giờ đang chín rộ. Thứ hai tao về
sẽ đền bù xứng đáng!". "ừ, biết thế, thôi đừng nói nữa mà tao thèm, bởi vì nhót thì chua ứa nước miếng ra đây này".
Và để ý nghĩa đừng bám riết lấy những quả nhót đỏ tươi và chua ứa nước miếng ấy, nó liền chuyển về khái niệm "ăn chay".
Ăn chay thì tâm hồn thanh tịnh lắm. Ăn chay thì sống lâu nữa. Báo đã nói thế, tức là đúng. Thế nhưng, Báo cũng nói bữa ăn
phải có đủ bốn nhóm dinh dưỡng, phải có cả chất xám để phát triển trí não. Chất xám là cái quái gì nhỉ, trừu tượng
không thể chịu nổi! Hình như chất xám thường ẩn náu trong từng tảng thịt nạc đỏ hỏn mà người ta bán ở chợ.
Đỏ hỏn thì kinh lắm, không dám nhìn chứ đừng nói đến ăn. Chất xám đối với nó thật đáng sợ như một thứ vi
rút lây bệnh "Viêm màng túi"...
Nó lại nhìn vào bàn tay trắng xanh của mình, bàn tay đang nắm thật chặt năm ngàn đồng. Trắng và xanh, hai màu sắc ấy thật quen thuộc,
quen thuộc như hai món đậu phụ và rau muống thường được ăn hàng ngày. Nó nhìn kỹ bàn tay, những đường gân xanh nổi rõ, hình như máu
trong mạch cũng chuyển màu xanh hay sao ấy. Nó nghĩ thầm: Có thể món nước rau luộc đang làm máu nó đổi màu. Giống hệt như người
ta pha mực xanh vào nước cắm hoa, những bông hoa trắng cứ đổi dần xanh màu xanh phơn phớt trông thật lãng mạn. Với tiến độ này,
đến khi nào thì cơ thể mình sẽ chuyển hẳn sang màu xanh giống màu nước rau nhỉ. Nó lại ngắm kỹ bàn tay, những ngón tay xanh xao
nắm chặt mấy đồng tiền lẻ. Tiền là gì nhỉ, là một thứ không tự nhiên sinh ra cũng không tự mất đi, nó chỉ chuyển từ túi người
này sang túi người khác. Tiền không hề trừu tượng, vì có tiền là có nhiều thứ; chiếc áo màu tàn thuốc thêu hoa tím, một bữa chiều
thịnh soạn với đầy đủ bốn nhóm dinh dưỡng cơ bản, trong đó có một món thịt rim hành thơm lừng đại diện cho chất xám...
Nếu được ăn món thịt rim ấy, chắc hẳn nó sẽ cảm thấy những lời thầy giảng thật dễ hiểu và không hề trừu tượng...
Chiếc mũ cối mục nát lại huơ lên trong không khí, rứt ý nghĩ của nó ra khỏi món thịt rim. Chiếc mũ kia đang có nhu cầu nhận tiền. Nào,
một ngàn cho người đàn ông và một ngàn cho đứa trẻ. Vị chi hai ngàn đồng cho cái mũ cối mục nát...
Nó đứng lui vào, nhường đường cho người đàn ông lết tiếp.
"Này em, mua đậu phụ đi". Nó giật mình quay lại. Đậu phụ à? ừ nhỉ, hai bìa đậu cho bữa chiều. Nhưng trong tay nó chỉ có ba ngàn đồng.
Một bài toán khó cứ lùng bùng trong óc nó; nếu ăn đậu phụ phải nhịn rau, muốn ăn rau phải nhịn đậu phụ. Sao vậy nhỉ, hôm nay nó thấy mình
không hề sáng suốt một tí nào. Mọi ngày đi chợ nó tính nhanh lắm cơ mà! Rồi cuối cùng, nó cũng đi đến quyết định: bữa chiều sẽ có món đậu
phụ luộc và món canh nước luộc đậu phụ. Chị bán hàng thoăn thoắt. Đưa tiền, chưa kịp quay đi thì chị đậu phụ gọi với: "Em ơi, hôm nay đậu lên
giá rồi, hai miếng phải năm ngàn cơ!" Rồi chị chép miệng phân bua: "Bão lụt mất mùa, mọi thứ đều lên giá vùn vụt. Các thứ rau hôm này
cũng tăng giá gấp đôi, gấp ba rồi em ạ". Nó ngượng ngập trả lại hai bìa đậu, cầm lại ba ngàn đồng. Nó bước vội về phía hàng rau. Đồng tiền
đã ướt nhẹp trong tay mà nó vẫn chưa tính ra. Đậu thì chỉ được một bìa chia cho năm đứa, rau muống thì may ra được một mớ, lại thêm món
nước luộc. Dù sao nước luộc rau trông cũng dễ chịu hơn nước luộc đậu. Xong thế là bài toán đã có lời giải.
Cái hẻm nhỏ về nhà trọ hôm nay sao mà chật hẹp. Nó phát hiện ở cái gốc cây bên lề con ngõ có một người đàn ông đang đứng với một tư thế
thật khó coi. Cái gì thế này? Trước mắt nó là đứa bé lúc nãy ở chợ, vẫn còn nằm thiêm thiếp trên cái bao tải. Dựng vào chân tường là
một cái ống màu trắng hình chiếc chân bị bó bột. Nó đứng như bị chôn chân tại chỗ, hết nhìn chăm chăm vào đứa bé rồi lại nhìn vào cái
ống màu trắng ấy mà chẳng nghĩ ra được cái gì cụ thể. Bỗng người đàn ông bên gốc cây kia tiến lại, lừ mắt, hất hàm vào nó:
"Nhìn gì, biến!". Rồi gã chậm rãi rút trong túi ra một bao vi na, chậm rãi bật lửa châm một điếu, bập bập mấy cái. Đoạn gã
vắt đứa trẻ lên vai vặt vẹo như một tấm giẻ rách. Gã kẹp cái ống trắng vào nách và lững thững đi. Cho đến khi không còn
nhìn thấy làn khói xanh phì ra từ điều thuốc ngậm lệch, và mùi thuốc lá khét lẹt đã bị một luồng gió mạnh cuốn đi, nó mới
như tỉnh lại và bước tiếp.
Món rau muống chẳng được non nhưng nó không đành lòng ngắt bỏ nhiều cuống. Phải biết tiết kiệm. Nước rau bổ và mát, nhiều vi ta min khoáng chất. Con Hoa, nhà hóa học "vô hạng", mày phải hiểu điều đó chứ, sao lại cằn nhằn tao chẳng mua được gì hơn rau muống? Cơm đã được dọn. Nồng độ vi ta min và chất khoáng đậm đặc đến nỗi bát nước rau cứ xanh rì ra. Bởi vì nước rau xanh rì nên vi ta min và chất kháng đều là những thứ không hề trừu tượng. Chúng ta cứ việc uống căng bụng cái dung dịch màu xanh ấy đi, không to ngang cũng béo dọc, đừng đổ phí. Rau chấm nước rau hòa muối và mì chính. Thậm chí đến cả nước mắm cũng đã hết. "Giá như chỉ một miếng đậu phụ rán thôi, tao sẽ và nốt chỗ cơm này" - Thủ quỹ Khánh mơ màng. Thật hoang đường, nó thầm nói với Khánh, mày không biết rằng đến giờ phút này đậu phụ cũng trở nên trừu tượng rồi hay sao? "Nhưng mà..." - Quyên nhăn mặt - "Sao có năm ngàn mà mày mua được mỗi một bó rau?" Mắt nó ầng ậng nước, một cái gì chẹn ngang cổ họng khiến nó không thể và nổi miếng cơm. Nó tung đũa xuống mâm òa khóc: "Tao bị ăn cướp mắt hai ngàn đấy. Hay chúng mày
nghĩ tao ăn bớt tiền? Thôi từ nay tao trả chức "Đi chợ trưởng" cho chúng mày. Tao không xứng đáng!"
Nửa đêm. Nó tỉnh giấc bởi bụng sôi óc ách. Nó thèm một cái gì đó khác hẳn rau, ví như cơm nguội với tóp mỡ dầm nước mắm chẳng hạn, để khỏa lấp
cảm giác trống vắng trong dạ dày. Nỗi thèm rất thật, nó cứ cồn cào lên trong ruột. Nó ngồi dậy, tựa lưng vào cái vách cót ép ngăn với phòng
kế bên. Tiếng óc ách trong bụng rõ hơn cả tiếng ọp ẹp của bờ vách. Không chịu nổi những âm thanh ấy, nó rờ rẫm xuống giường, bật đèn bàn,
định bụng sẽ lấy cuốn giáo trình tiếng Anh ra đọc cho quên đói. Chợt nó thấy một gói "hảo hảo" để chận lên một tờ giấy. Nhấc gói mì tôm ra,
nét chữ của Quyên:
"Tao biết mày đói vì bỏ bữa chiều. Tao vô tâm làm mày hiểu nhầm đừng giận tao nữa nghe. Chỉ tại chúng ta đều là sinh viên nghèo mà. Cả phòng vẫn
tín nhiệm mày chức "Đi chợ trưởng", đừng trả lại mà tội nghiệp bọn tao. à báo cho mày một tin tốt lành: Tao đã kiếm được một việc làm thêm cho
cả phòng. Bà chủ quán phở ăn đêm đã đồng ý cho bọn ta luân phiên nhau làm ở quán. Chúng tao đã bàn nhau: Vì mày đã lãnh việc đi chợ vất vả,
lại vừa làm gia sư, vừa học tiếng Anh buổi tối, nên miễn cho mày. Bốn đứa chúng tao sẽ thay nhau, mỗi đứa thức một đêm để làm.
Như vậy sẽ không ảnh hưởng sức khỏe lắm, lại có một khoản "bù giá" cho mày đi chợ. Đêm nay tao là kẻ đầu tiên được "khai trương"
việc làm thêm này đấy. Chúc ngon miệng nhé!"