DƯỚI BÓNG THIỀN
N hớ cái lần thăm chùa Bái Đính – Ninh Bình (năm 2015) ra về đầu óc tôi cứ lăn tăn “Vớt thiền trong vườn Bái Đính”:
“bạch Sư thầy,
con về từ cõi Sa bà
chân đi chạm đất,sen tòa quá cao
thân còn vọng động xôn xao
Phật xa tay với,trời cao mịt mờ !
nam mô mỗi hạt sầu rơi
ba ngàn thế giới,hạt trôi cõi ngoài …”
Tiếp đến năm vừa rồi(2021),Saigon dịch bệnh cách ly “ai ở đâu yên đó” - rảnh rỗi trong căng thẳng tôi tìm đến “Nẻo Vào Thiền Học”(NXB Lá Bối - Saigon,1971)của Thiền sư Thích Nhất Hạnh (*)như một cách tháo thoát…
Thoạt đầu câu hỏi như vặn xoáy : Thiền là gì? - tôi tạm hiểu : Thiền là ngồi yên,trầm tư mặc tưởng,phân tích hoặc suy nghĩ về một luận cứ,một bài thơ hoặc một bài kinh.Đôi khi nó cũng được hiểu là ngồi xuống,nhắm mắt lại và không suy nghĩ gì cả,tránh thoát các vấn đề,nhờ vậy tâm trí thanh thản.
Thiền trước hết là sự có mặt đích thực của ta trong giây phút hiện tại,ngay tại nơi ta có mặt.Trong đời sống hàng ngày,tâm ta thường bị chìm đắm trong quá khứ hoặc rong ruổi về tương lai hay đang vướng mắc trong những toan tính,lo âu trong hiện tại khiến tâm và thân không liên kết có mặt cho nhau.Thiền là đem tâm trở về với thân,đem tâm trở về với tâm.Thiền giúp ta thiết lập được thân và tâm trong giây phút hiện tại,ý thức được sự có mặt của ta và những gì đang xảy ra tại giây phút này,nơi thân và tâm ta - hoàn cảnh ta.
Thiền sư Nhất Hạnh kể lại,năm 16 tuổi tiếp cận với cuốn “Tỳ Ni Nhật dụng thiết yếu”buổi đầu ngài có ý nghĩ đây chỉ là một pháp môn dùng cho trẻ nhỏ hoặc người còn đứng ngoài ngưỡng cửa thiền học - rằng đó chỉ là những tập dượt dự bị,không quan trọng gì. Nhưng ngay sau đó ngài đã phát hiện “Tỳ Ni Nhật dụng thiết yếu” chính là bản thân của Thiền học,là tinh hoa của Đạo Phật.
Những ngày đầu tiên vào thiền viện,buổi sơ khai nhập môn,phương pháp của đạo Phật chỉ dẫn các tăng sinh khi đi,đứng,nằm,ngồi,tắm,giặt,ăn,ngủ … phải nhiếp tâm,khởi phát ý thức quán chiếu – thắp sáng hiện hữu - khai tuệ,mở đường đến với Chính Niệm .
Chẳng hạn :
- Khi lấy nước rửa tay,tôi nguyện cho tất cả mọi ngườiđều có được những bàn tay trong sạch có thể cầm giữ lấy giáo pháp của Phật - (Dĩ thủy quán chưởng,đương nguyện chúng sinh,đắc thanh tịnh thủ,thọ trì Phật Pháp).
- khi ngồi ngay ngắn ở thiền sàng,tôi nguyện cho tất cả mọi người được ngồi trên tòa giác ngộ,trong tâm không vướng chút nào vọng tưởng - (Chánh thân đoan tọa,đương nguyện chúng sinh tọa bồ đề tòa,tâm vô sở trước).
- khi đi đại tiểu tiện,tôi nguyện cho tất cả chúng sinh tống khứ ra khỏi bản thân mình tất cả những tham sân si và mọi lỗi lầm khác - (Đại tiểu tiện thời,đương nguyện chúng sinh,khí tham sân si,quyên trừ tội pháp) - (tr 11,12).
Chính Niệm là cốt tủy của phương pháp đạo Phật – bí quyết thắp sáng hiện hữu – nhận diện những gì xảy ra trong thời khắc đó - tạo nên định lực - đưa tới tuệ giác.(tr15)
Ngài chỉ ra : “Đạo Thiền không thể đạt tới bằng trí năng,bằng sự nghiên cứu giả định,phân tích và tổng hợp.Người học thiền phải dùng trọn bản thân mình làm dụng cụ khảo cứu – trí năng chỉ là một phần của bản thân mình và là phần có thể dắt dẫn bản thân mình tách lìa khỏi thực tại của sự sống,vốn là đối tượng của chính thiền học”(tr19-20)
Nếu tâm bị lôi kéo bởi quá khứ,tương lai - bởi những toan tính và lo âu,hờn giận thì ta không thực sự sống với đời sống của ta – sống như vậy nói như Albert Camus là “sống như một người chết”(Vivre comme un mort - tiểu thuyết L’ Étranger). Sống mang ý nghĩa là có mặt tiếp xúc sâu sắc với sự sống trong ta và chung quanh ta.
Theo thuật ngữ Yoga,Thiền được gọi là “Dhyana” nghĩa là “dòng chảy của tâm trí”.Đây là một trạng thái tinh khiết và tập trung cao độ khi tâm trí xuôi chảy không gì ngăn trở,hoàn toàn đắm mình trong ý nghĩ về Ý Thức Vũ Trụ .
“Con người là tổng hòa của những mối quan hệ xã hội”(C.Mác) - đồng thời là một chỉnh thể - toàn nguyên : bao gồm ý thức và vô thức – (trạng thái thức và ngủ - thuộc về trực giác,tiềm thức,những cái vô hình,vô ảnh sâu thẳm trong cõi tâm linh) .
Cuộc nhân sinh không ngừng vận động tràn về phía trước - tôi biết rất rõ còn thân phàm là còn dính mắc:
“mở cửa
chào ngày mới
ta dẫn ta ra phố
vườn chiêm bao chẳng nhìn rõ mặt người
mũ nón trùm đầu
khẩu trang che kín
Inh ỏi còi xe
máy nổ ồn ào
bụi mù khói tỏa
sóng mobi bủa lưới
ôi - cõi nhân sinh
trăm thứ phải lo
nhà nghèo : nặng lòng chuyện cơm- áo- gạo- tiền
phú hộ : mệt với đô tăng,vàng sốt …
tuổi trẻ : phấn đấu học hành,lập thân,lập nghiệp
tuổi lão: buôn gió,bán trăng - đối mặt “ba cao,một thấp”…(**)
“thức và mê” : mắc kẹt giữa đời thường”… (PVT)
Dưới bóng lá râm mát,“Nẻo vào Thiền Học” như một thứ ánh sáng xanh huyền diệu quán chiếu giúp chúng sinh nhìn rõ“cái tôi” trong hành trình băng qua cõi Sa bà.
Tôi nhận ra điều đó ở mỗi sớm mai thể dục - thả từng bước chân tĩnh tại - thở vào,thở ra - dòng tâm trí luân lưu thanh sạch - tồn tại hay không tồn tại : như gió thoảng - cảm giác mình được phóng thể rơi vào trạng thái Zéro trống rỗng – hình như đó chính là trạng thái “Niết Bàn” tại thế !
(Saigon,15/02/2022)
(*)Thiền sư Thích Nhất Hạnh, thế danh Nguyễn Xuân Bảo, sinh năm Bính Dần(1926) quê quán làng Thành Trung,huyện Quảng Điền,Huế -Thừa Thiên.Ngài viên tịch tại Tổ đình Từ Hiếu,TP Huế, ngày 22/01/2022 (20 tháng Chạp,Tân Sửu) thọ 96 tuổi.
(**)Các chứng bệnh phổ biến ở người cao tuổi : cao mỡ,máu,đường và thấp khớp